Thoắt cái đã đến cuối năm, cái thời điểm công việc dồn dập đổ đống khiến ai ai cũng bận rộn chuyện mưu sinh. Đây cũng là thời điểm mà mọi người đến nhà nhau, trao nhau những túi quà lớn được đóng gói cẩn thận, dúi vào tay nhau những phong bì tiền thưởng. Gọi là quà cáp cuối năm, gọi là tiền thưởng, gọi là "hoạt động ngoại giao".
Mình vốn chưa thật-sự đi làm, thế nên những việc này tựa hồ còn xa lạ. Nhiều lúc người ta cũng vì sự xa lạ mà sinh ghét bỏ, vì chưa thật sự làm và chưa thật sự trải nghiệm nên dễ nghĩ theo cách mà xã hội nghĩ. Tức là nghĩ theo định kiến, mọi người cho rằng đó là việc xấu thì bạn cũng nghĩ thế. Nhưng mình thì không thế, mình có phần xem những "hoạt động ngoại giao" kia là hiển nhiên.
Và mong các bạn, như đã ghi rõ ở tiêu đề, đừng xem mọi thứ là hiển nhiên.


Đừng xem việc mọi người đối tốt với bạn là hiển nhiên.
Có một lần ngồi sau xe của một anh đạo diễn, tôi chia sẻ rằng cuộc đời mình may mắn, mới tí tuổi đầu đã có cơ hội được gặp nhiều người hay ho, lại còn được họ giúp đỡ tận tình. Anh cười bảo rằng "Hữu xạ tự nhiên hương thôi chú em, mày cũng phải có gì đó thì mới được gặp những người hay ho như thế". Tôi khoái chí lắm, tự nghĩ rằng anh nói chí phải, xưa mẹ em cũng bảo em có duyên blah blah blah gì đấy, nhưng nghĩ là nghĩ thế thôi, tôi chỉ cười trừ ngại ngùng.
Thế rồi bẵng đi một thời gian, tôi lại ngồi sau xe của một anh chàng hay ho khác, nói cái gì gì đấy liên quan tới "Hữu xạ tự nhiên hương", cái gì mà "Mọi người thấy nhau hay hay nên sẵn lòng giúp đỡ nhau, và em cũng vậy, cũng rất tận tình với những người cùng tần số". Thì anh bảo rằng "Nói là nói thế thôi, nhưng đừng xem điều đó là hiển nhiên. Đừng nghĩ mọi người giúp đỡ mình là nghĩa vụ của họ chỉ vì mình... hay ho. Mọi người giúp đỡ lẫn nhau và hãy ghi nhớ điều đó, hãy nhớ và phản hồi lại họ. Thế mới là một mối quan hệ. Một mối quan hệ bền vững phải xuất phát từ hai phía, kể cả về mặt lợi ích. Không cần nhất thiết phải cứng nhắc tất cả mọi mối quan hệ như hợp tác làm ăn, nhưng cần ghi nhớ cái "win-win situation" để mà đối nhân xử thế".
Lại là một lần "vỡ lẽ" khác trong đời.
Quả thật, đôi lúc chúng ta mắc kẹt trong những mối quan hệ gia đình mà thiếu đi kĩ năng trong các mối quan hệ xã hội. Chúng ta nhận được tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ và nghĩ rằng tất cả mọi người đều hào phóng như thế. Chúng ta mắc kẹt trong một mối quan hệ mà bố mẹ cho đi rất nhiều, chẳng mong nhận lại bất cứ điều gì và nghĩ rằng cuộc sống với những người lạ mặt cũng đơn giản như vậy. Kết quả ở xã hội mà tất cả mọi người đều đem cái lý thuyết quan hệ gia đình ra để đối nhân xử thế, là một xã hội hẹp hòi, ích kỉ, tự đặt mình lên hàng đầu và nghi ngờ lẫn nhau.
Một xã hội mà ở đó mỗi khi người ta trả ơn nhau, họ gọi đó là "phải trả ơn", là "bôi trơn", là bị ai đó lấy đi thứ gì đó. Rốt cuộc, mọi người vẫn phải làm việc cần làm nhưng lại rất hạn chế, hình thức biến tấu và mang theo một định kiến xấu xa không đáng có.
Trong một phút trà dư tửu hậu cùng đám bạn đại học, vận dụng một vài kiến thức đại cương ít ỏi về cơ sở văn hóa Việt Nam, chúng tôi bắt đầu "chém gió" về miền Bắc và miền Nam. Giữa cái không gian yên ắng của kí túc xá, bên cạnh chén rượu chuối nồng nàn (mà hôm sau mới biết là rượu bóp chân), chúng tôi bắt đầu đưa ra những quan điểm của bản thân về cách thức mọi người đối xử với nhau ở hai miền Bắc Nam.
Cuối cùng, tôi chốt một ý mà ai cũng đồng ý (trong khuôn khổ quanh chén rượu giữa khuya thôi, chứ ở Spiderum thì không chắc, mọi người có thể debate phần này ở dưới), đó là hai miền về cơ bản mọi người vẫn đối nhân xử thế rất Việt Nam, thể hiện rõ tính chất ở nông thôn và phai nhạt dần ở đô thị, nhưng cũng có nhiều phần khác biệt. 
Ví như ở miền Bắc các mối quan hệ có phần liên kết vững chắc hơn, mọi người quan tâm nhau sâu sắc hơn, và đôi lúc là nó được xem là nghĩa vụ. Giống như hàng xóm với nhau thường rất thân nhau, tối lửa tắt đèn có nhau, có miếng ngon thì chia nhau, có chuyện hay cũng kháo nhau mà biết đến mức đôi lúc nó trở nên thái quá, khiến mọi người săm soi nhau từ việc con cái đến việc bữa cơm nhà hàng xóm có gì. Bên cạnh đó thì đã là hàng xóm thì có nghĩa vụ phải giúp đỡ lẫn nhau, trong dòng họ thì đã là anh em họ hàng là phải có trách nhiệm với nhau. Thế nên mới có câu "Một nhà làm quan, cả họ được nhờ", dù rằng người họ hàng đó có mối quan hệ không tốt với mình, dù rằng đó là một người bà con xa (hoặc gần) nhưng chẳng có tương tác nhiều với mình thì khi họ gặp chuyện không hay hoặc khi mình gặp chuyện hay hay thì đều phải chia sẻ giúp đỡ họ, nếu không là sẽ bị đánh giá, lên án.
Còn ở miền Nam, mọi người đối xử với nhau có phần cảm tính, dân chủ và ít lề thói hơn. Hai nhà ở cạnh nhau nhưng đã ghét nhau là ghét ra mặt, không thân nhau thì không giúp nhau cũng chẳng ai đánh giá. Nhưng nếu đã thích nhau rồi thì bạn bè đôi lúc còn thân hơn người nhà, đối xử tốt với nhau còn hơn anh em. Họ hàng trong nhà nếu có quan hệ bất hòa thì có thể xem như người dưng nước lã, có thể không cần phải giúp đỡ nhau nếu đã như vậy, người ngoài nhìn vào sẽ cảm thông và không chê trách nhiều. Nói chung tôi thích anh thì tôi giúp anh, chúng ta thân nhau thì lên rừng xuống biển, không thân thì dù có là anh em ruột cũng chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng cũng vì thế mà người miền Nam có phần đuề huề, xuề xòa, đôi lúc vô tâm, "chuyện nhà thì nhác chuyện chú bác thì siêng".
Tôi cũng có nói thêm rằng ở đây không hề có chuyện một bên đúng, một bên sai, chỉ là đây là hai kiểu khác nhau và chúng ta cần có một cái nhìn khách quan chứ không đánh giá. 
Nhưng đôi lúc, tôi mong cả hai tính cách trên có thể kết hợp lại và hài hòa lẫn nhau được thì hay biết mấy.

Là một thằng yêu thích sự dân chủ, đề cao sự tự nguyện, tôi luôn mong muốn mọi người đã thích nhau là phải ra thích nhau, ghét nhau là phải ra ghét nhau. Thích thì đối tốt với nhau, không thích thì cứ tương nắm đấm vào mồm nhau cũng được. Nhưng việc này phải đến một cách tự nguyện, chứ không phải kiểu 

"Vì chúng ta là ... nên chúng ta phải ..."

"Vì chúng ta là đồng bào, nên chúng ta phải giải cứu dưa hấu."
"Vì chúng ta là anh em, nên em phải nghe lời anh."
"Vì chúng ta là bạn cùng lớp, nên chúng ta phải thân nhau."
"Vì chúng ta là người yêu, nên anh/em phải như thế như thế."
Tôi không thích những "luật ngầm" như thế này, vì nó không hẳn xấu, nhưng nó là kiểu... tốt một nửa. Tốt một nửa tức là ban đầu tốt, nhưng có thể sau đó nó không tốt nữa, hoặc nghĩ là tốt, nhưng thật ra không hẳn. Ví dụ như chuyện giải cứu dưa hấu, mục đích cuối cùng xem chừng rất tốt, nhưng động cơ thì rất xôi thịt, có phần lợi dụng sự thương hại của người khác. Mục đích tốt thì nên đi cùng phương pháp tốt, ví dụ ở trường hợp dưa hấu là nhà nước tạo chính sách, người nông dân học cách nâng cao chất lượng sản phẩm, thương lái tạo ra một hệ thống logistic vững mạnh chẳng hạn. Thì mới tạo ra một khối vững bền, có trước có sau chứ không phải kiểu chụp giật nay đây mai đó, khai thác cạn kiệt tài nguyên có sẵn mà cụ thể ở đây là "niềm tin" cho đến khi không còn gì để khai thác nữa.
Còn ở ví dụ anh em, nghe lời thì có thể tốt nhưng dần dần sẽ xấu, lời khuyên đôi lúc nó còn tốt, nhưng càng khuyên nhiều thì lời khuyên xấu sẽ xuất hiện nhiều hơn - dựa trên xác suất thống kê. Chúng ta nghe theo một điều gì đó phải dựa trên tính đúng đắn của điều đó, chứ không phụ thuộc vào việc lời đó của ai hay có quan hệ như thế nào với mình. Những cái "luật ngầm" trong xã hội kiểu "người nhỏ thì nên nghe lời người lớn" ở một mức độ ngắn hạn về thời gian và quy mô thì nó đúng và có tác dụng nhất định, nhưng những kiểu đúng một nửa như thế này không và chưa bao giờ là một nền tảng cho sự ổn định.
Nhiều cặp đôi cũng vì gom tất cả mọi thứ vào mình, hi sinh nhiều chuyện, kì vọng nhiều ở người kia cho tới khi mối quan hệ vỡ ra, rồi nhiều mối quan hệ khác nữa vỡ ra, họ vẫn chưa học được cách yêu nhau đúng đắn. Chúng ta cứ nghĩ rằng đang hi sinh, nhưng đôi khi chỉ là đang chơi trò trẻ con và tự làm khổ lẫn nhau thôi.
Bên cạnh đó, việc gom "chúng ta là" vào nhau sẽ tạo ra "chúng nó là". Đôi lúc chúng ta ghét nhau rất vô lý, ghét nhau chỉ vì đó là "chúng nó". Như ở ví dụ về cách đối nhân xử thế ở miền Bắc, nội bộ làng xã càng thân bao nhiêu thì lại càng ghét người ngoài làng bấy nhiêu. Việc tự gom nhau vào, tự trao cho nhau những thứ gọi là tính từ chung như: "thế mới là Science2vn", "thế mới là người làng mình", "thế mới là lớp mình", "thế mới là người Việt Nam",... khiến chúng ta ghét bỏ những sự khác biệt trong nội bộ và tất cả những gì không thuộc nội bộ. Tôi mong rằng Spiderum sẽ không thế, sẽ không tự gom mình vào nhau để triệt tiêu những nhân tố khác biệt trong diễn đàn và đánh giá, so sánh với những cộng đồng khác.
Nói việc này là để quay lại vấn đề trả ơn lẫn nhau trong xã hội Việt Nam hiện tại. Đôi lúc chúng ta trả ơn vì "Vì chúng ta là ... nên chúng ta phải ...". Nhưng cũng vì nền tảng tình cảm tự nguyện từ ban đầu là không có hoặc rất thiếu. Đôi lúc người ta không muốn mình trở thành một kẻ "ăn cháo đá bát" nhưng là do vô tình hoặc bản thân họ không thể nghĩ được nhiều hơn những thứ đã có sẵn trong cái hộp. Tàn dư từ sự bảo bọc của gia đình, từ "form" của văn hóa Việt Nam khiến cho sự trả ơn còn mang nặng tính xôi thịt và thiếu đi tình cảm trong đó.

Chúng ta nên học cách đáp trả lại sự giúp đỡ của người khác, như một phần của cuộc sống thị trường tự do: tôi cho bạn cái này, bạn hài lòng và bạn cho tôi lại cái này. Nhưng để tránh xôi thịt thì nên tự nhiên, tự nguyện và linh hoạt. Khi ai đó giúp đỡ bạn, họ đã giành ra thời gian, công sức và cả một vài thứ không đong đếm được là niềm tin và sự kì vọng đối với bạn. Thì món quà của bạn cũng nên đáp ứng những yêu cầu đó. Không phải cứ nhận trợ giúp tiền thì trả lại bằng tiền (dù nên như thế :))), đôi lúc mọi người chỉ muốn nhận được sự đóng góp, tôn trọng và sự chân thành từ bạn.
Ví dụ như Spiderum có dành cho team Spiderum Sài Gòn những cuốn Dăm ba cái tuổi trẻ và một số partnership khác, thì team Spiderum Sài Gòn đáp trả bằng sự đóng góp, cống hiến qua các dự án của mình vì một lý tưởng chung của cả hai. Trong chuyện này thì các bạn có thể thấy động thái cung cấp partnership của Spiderum cũng là một sự tri ân chứ không phải điều kiện từ đầu. Nó tạo nên một mối liên hệ tương tác lẫn nhau nhịp nhàng giữa hai team.
Hay ví dụ như Spiderum đã giúp mình có được nhiều cơ hội rõ ràng và cụ thể, Việt Anh cũng thế, cũng từng cho mình ăn nhờ ở đậu, thì mình giúp đỡ bằng việc cống hiến cho cộng đồng Spiderum trong khả năng có hạn của bản thân, support team Spiderum ở những việc mà một thằng như mình có thể làm được và chở Việt Anh đi giữa Sài Gòn trong một đêm mưa bão chẳng hạn. Ví dụ vậy.
Hay ví dụ như khi bạn đọc Spiderum và cảm thấy đã nhận được gì đó, thì hãy nhớ rằng các tác giả đã bỏ ra gì đó, cụ thể ở đây là thời gian và tuổi trẻ để đọc và trải nghiệm, rồi thời gian và tuổi trẻ để suy nghĩ và sắp xếp lại những điều đó, rồi thời gian và tuổi trẻ để gõ chúng ra, rồi thời gian và tuổi trẻ để đương đầu với những phản hồi tiêu cực. Thì các bạn có thể ủng hộ bằng cách động viên khích lệ, hoặc rõ ràng hơn như mua Dăm ba cái tuổi trẻ để cứu lại phần nào tuổi trẻ của họ.
Hoặc donate cho họ chẳng hạn, hãy tập làm quen với điều này.
Mình sẽ làm mẫu.

Ủng hộ cho tác giả:
- Ngân hàng: Vietcombank
- Số tài khoản: 0091 0006 50947
- Chủ thẻ: Tran Van Tien
- Chi nhánh: Vietcombank Kien Giang
Hoặc Ví Momo:




Quyết định viết bài vì những bài dạo này trên Spiderum quá chán.

Viết to, gạch chân và căn giữa.