Mình rất thích "Sứ thanh hoa" của Châu Kiệt Luân, thích từ tận cấp 2, đến giờ gần chục năm rồi nghe lại vẫn xao động. Mình thích bài hát theo kiểu đơn giản là rất thích, bản cover của ai cũng thích, phối khí khác đi thế nào cũng thích, mỗi người lại có một cách làm mình rung động riêng.
Mình không học tiếng trung bài bản mà biết bập bẹ vài bộ chữ và nghe đọc phiên âm, nhưng mình luôn thấy may mắn vì nhờ sự bập bẹ và chăm mày mò ấy mình biết được ý nghĩa của câu đầu điệp khúc và cứ thế yêu thích bài hát này mãi.
"Thiên thanh đợi cơn mưa bụi còn ta đợi nàng".
Sứ Thanh Hoa là loại sứ màu trắng, hoa văn màu lam của Trung Quốc, rất nổi tiếng vào thế kỷ 18. Đi tìm lý do Châu Kiệt Luân viết lời như vậy, mình đọc được chia sẻ, "Thiên thanh" ở đây vừa là trời xanh, vừa là sắc xanh như màu trời của họa tiết sứ Thanh Hoa. Khi nặn gốm, muốn để sắc xanh nung ra đúng chuẩn, đất sét cần trải qua một cơn mưa bụi, nghĩa là để ra đúng sắc "thiên thanh" ấy thì gốm cần phải đợi một cơn mưa, giống như vế sau, để "ta" thực sự là ta thì cần phải đợi được "nàng".
Lời hát làm mình thực sự suy nghĩ rất nhiều về tình cảm giữa người với người, đặc biệt là tình yêu. Không ít lần mình được nghe về những mối quan hệ của một người bạn, mình cảm nhận được thứ cô ấy cho họ thấy không phải là bản thân cô ấy thực sự, cô ấy dè dặt, cẩn thận chỉ bởi muốn nhận được yêu thích của người kia, kết quả cuối cùng đều là cố gắng tới mệt mỏi rồi không thành. Sau một thời gian khá lâu cô ấy từ bỏ chuyện hẹn hò vội vã, mình được nghe về mối quan hệ mới của cô ấy, cảm giác cô ấy đợi được cơn mưa bụi của mình rồi, yêu đương lâu hơn, cô ấy thoải mái và vui vẻ hơn nhiều, sắc thiên thanh của cô ấy đã lên đúng màu thì phải.
Vậy là mình càng thêm tin tưởng, có lẽ thay vì cứ vậy vội vã bước chân vào những mối quan hệ phải gồng mình, mỗi chúng ta đều nên đợi cơn mưa bụi của mình. Chỉ khi cảm nhận được ở bên người ấy thật thoải mái, đã hạnh phúc lại càng thêm hạnh phúc, bạn là một phiên bản tốt hơn của bản thân, chỉ khi đó, bạn mới nên bắt đầu để tình yêu bước vào lò nung, để sắc thiên thanh lên được đúng màu.