Trong bộ truyện tranh Vagabond (Lãng Khách) mình từng đọc, kể về hành trình trở thành kiếm sĩ đệ nhất thiên hạ của Miyamoto Musashi. Sau khi một mình đả bại 70 đối thủ và vang danh thiên hạ, Musashi bắt đầu cuộc hành trình để thực sự hiểu bốn chữ "thiên hạ vô song" mà bản thân theo đuổi. Trên chặng đường độc hành, anh vô tình gặp một đứa trẻ vừa mất cha và quyết định ở lại để giúp đỡ cậu bé. Quyết định bất ngờ đó lại mở ra cuộc chinh chiến "xóa đói giảm nghèo" cho một thôn làng đang dần kiệt quệ và mất đi hy vọng sống. 
Sau khi trải qua vô số thách thức giúp mang lại không chỉ lương thực mà còn những bài học nhân sinh quan cho tâm hồn của người kiếm sĩ, một ông già bất giác hỏi Musashi "cậu đã đi qua kiểu hành trình như thế nào?". Trong tâm trí gã cao thủ vang danh võ lâm hiện lên hình ảnh một con chiến mã, mới đầu sải những bước chân khỏe khoắn, tự tại và dũng mạnh. Nhưng rồi, trên lưng con ngựa quý dần chồng chất nhiều hơn những oán thù, dằn vặt và bất an, đến nỗi chẳng nhấc được thêm bước chân nào rồi ngã quỵ xuống đất
Mình nghĩ, hành trình mà Musashi đi qua cũng là hành trình mà mỗi người đều phải đi trong đời, hướng đến những mục tiêu, danh vọng, đỉnh cao của riêng mình. Trên chặng đường dài của tranh đấu và chinh phục, chúng ta chất chồng vào tâm trí mình những hoài nghi, bâng khuâng và lo lắng về cuộc đời mình, trong mỗi ngày sống. Như người ta từng có câu nói,
Gánh nặng lớn nhất mà chúng ta mang là những suy nghĩ trong đầu (The heaviest burden that we carry are thoughts in our head).
Mình làm như vậy, liệu có đúng không? 
Mình quyết định như vậy, liệu có giúp sự nghiệp tiến xa hơn không? 
Mình hành xử như vậy, liệu có được thích không? 
Chúng ta tham đắm vào cái tốt, cái tích cực, cái vẹn toàn mà quên đi cuộc đời là bất toàn, ngay cả chính bản thân mình. Mọi mong cầu trên đời đều đòi hỏi một cái giá phải trả tương xứng, mọi sự việc xảy ra đều ẩn chứa xấu - tốt, hay - dở,... theo góc nhìn chủ quan của mỗi người. Bởi vậy, nếu khao khát một điều tốt đẹp thì cũng đồng nghĩa phải chuẩn bị cho mình một nội lực tương xứng để không biến thành quả thành tai họa, hoặc ít nhất đủ sáng suốt để nhận ra còn tích lũy vốn liếng mà thanh toán “hóa đơn” đi kèm.  
Đơn giản như một người đang khánh kiệt vô tình trúng tờ vé số 2 tỷ. Có thể là nhờ may mắn, có thể là do nghiệp quá khứ nên hưởng quả ngọt hay cũng có thể vì người đó đã mua vé số 10 năm rồi nên nắm bắt được cơ hội hiếm hoi. Tuy nhiên, nếu không có bản lĩnh được trui rèn, 2 tỷ có thể khiến một con người sa đọa và dần lún sâu vào những hành vi tự tàn phá chính mình và gia đình. Hay nếu không có một nền tảng đầu tư hoặc quản trị tài chính vững chắc, 2 tỷ đó sẽ trở thành một cục tạ trong suy nghĩ khiến người nhận được cứ dằn vặt, mất ăn mất ngủ thay vì thảnh thơi đầu tư, kiếm được nhiều tiền hơn. 
Hay nhiều cha mẹ muốn chỉ dạy, giúp đỡ con mình có một cuộc sống tốt nên tạo điều kiện để con phát triển theo tự nhiên, với điều con mong muốn. Nhưng người con lại chọn một con đường phát triển khác với số đông, trái với lẽ thường. Liệu rằng, khi đó cha mẹ sẽ làm gì? Lập tức uốn nắn con vào con đường quen thuộc đã có nhiều người đi như một phương án an toàn? Hay sẽ bám chấp vào niềm tin mình đã chọn lựa dẫu kết quả có rủi ro đến nhường nào?
Cũng như hình ảnh chú ngựa trong câu chuyện của Musashi phi nước đại trên con đường mình đã chọn. Mình không nghĩ chúng ta cứ phải từ bỏ tất cả, không gánh vác điều gì trong cả cuộc đời, vì như vậy chẳng gọi là sống. Thay vào đó, chúng ta cần nhận ra, mỗi người được sinh ra đã được vạch sẵn một con đường, đi kèm với trách nhiệm cùng vô số bài học. Những lựa chọn được đưa ra sẽ quyết định ta trưởng thành để tiến xa hơn trên hành trình tiến hoá của bản thân hay mãi quẩn quanh giữa lao đao của kiếp người. Chẳng ai chỉ được ai nên làm gì, mỗi người phải tự chọn điều mình muốn làm trong đời. 
Nhưng thực ra, chúng ta nặng nề trong cuộc đời không phải vì lựa chọn mà bởi không buông bỏ, tham nắm giữ những điều không cần thiết. 
Mình thích bạn đó quá, mình làm hết mọi điều mà bạn muốn. Nhưng bạn thích mình hay không thì còn tùy duyên, mình đâu có kiểm soát được. Chính vì việc mong cầu và không chấp nhận điều ngoài tầm kiểm soát mà tâm ta tự đau khổ. 
Hay dốc công tốn sức viết một bài viết thật hay, rồi đón nhận kết quả không như mình mong đợi rồi đâm chán, đâm nản, đâm tiêu cực. Nhưng chắc gì điều mình viết đã phù hợp với mọi người hay nơi mình chọn đăng bài đã là đối tượng phù hợp cho bài viết. Nên vậy lại khổ. 
Hay vị trí mình đang ngồi, mình làm vậy đã tốt chưa, có được như mọi người muốn chưa? Liệu rằng, kết quả có như kỳ vọng rồi mình giữ được chức vụ này không? Tâm tư cứ mãi dằn vặt mà mọi vui sướng ở đời chẳng còn tồn tại. 
Mong cầu quả ngọt là điều hiển nhiên ở đời, bởi lẽ, ai chẳng muốn cuộc đời mình tốt, cuộc đời mình vui, cuộc đời mình sung sướng. Nhưng kết quả là ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta chỉ phát triển được nội lực là sức bền, cơ bắp của chú ngựa cùng với ánh mắt tinh nhạy để phát hiện, nắm bắt cơ hội phù hợp.
Biết mình nên tập trung vào gì và buông bỏ điều gì để bình an mỗi sáng mai thức dậy, đó cũng là một loại hạnh phúc.
Như câu chuyện hôm rồi mình có nghe được trong một lớp học, thầy đứng lớp có giảng dạy về nguyên tắc mở trường. Thay vì đặt ra KPI một năm phải mở bao nhiêu trường, có cơ sở tại những thành phố nào, người ta lại linh hoạt theo nhân duyên. Nhân là nội lực của đội ngũ tại trụ sở và tại địa phương, giá trị có phù hợp, năng lực có đủ đầy chưa. Duyên là đất đai, điều kiện pháp lý, mặt bằng dân số,… Đủ nhân và duyên thì thành quả tự xuất hiện. Còn chưa đủ duyên hoặc nội lực còn yếu thì không nên cưỡng cầu. 
Như câu chuyện của khất sĩ Baddhiya chia sẻ cùng Bụt khi chạm đến niềm hạnh phúc thực sự của thảnh thơi và buông bỏ: 
"Thế Tôn, ngày trước làm tổng trấn, con sống trong giàu sang, phú quý và có nhiều quyền lực. Đi đâu con cũng có một đội binh theo hầu cận và bảo vệ. Dinh phủ của con luôn luôn  có binh lính canh gác ngày đêm, bên trong cũng như bên ngoài. Vậy mà lúc nào con cũng lo lắng, sợ hãi, cảm thấy thiếu an ninh. Bây giờ đây đi một mình trong rừng, ngồi một mình dưới cội cây trong đêm vắng, vậy mà con không hề có cảm tưởng nghi ngại và sợ hãi. Con cảm thấy có một niềm thảnh thơi và an lạc chưa bao giờ từng có. Thế Tôn, đời sống xuất gia thật là thoải mái đối với con, con không sợ ai, con không sợ mất gì, con không có gì để sợ mất, và con sống vui thú như một con nai trong rừng. Trong thiền định đêm qua con thấy được rất rõ niềm thảnh thơi vui thú đó, cho nên con đã buột miệng kêu lên hai lần: "Ôi, hạnh phúc!, Ôi, hạnh phúc!" làm kinh động đến Thế Tôn và các bạn tu của con. Con xin thành tâm sám hối." 
(Chương 38 - Sách Đường Xưa Mây Trắng)
Mình cũng từng đọc và áp dụng nguyên tắc phân định rõ những việc có thể kiểm soát và những việc bản thân để tâm nhưng không kiểm soát được. Qua thời gian áp dụng, cách phân định này cho mình sự bình tĩnh và sáng suốt khi xử lý mọi sự việc. Khi có mâu thuẫn xảy ra, mình hiểu rõ những việc mình làm sẽ có ảnh hưởng như thế nào cũng như tập trung vào những việc có thể kiểm soát thay vì mải để tâm đến cảm xúc của người khác, những điều luôn nằm ngoài tầm với của mình. Nhưng hôm rồi, mình có buông những lời làm một số người thân thiết phật lòng. Đôi lúc mình nghĩ lại là biết đâu, nếu cứ kìm nén, chôn chặt suy nghĩ và không nói ra thì sẽ chẳng dẫn đến bất hòa. Nhưng mà nhìn lại, mình nghĩ đó là lựa chọn mình phải làm, một bài học mình cần phải hoàn tất để trưởng thành hơn trong cuộc đời. Có thể, mình chưa đủ khả năng để có cách làm khôn khéo hơn. Nhưng mình hiểu, dằn vặt và chông chênh là cần có nếu ta muốn tiến xa hơn. 
Mình nhận ra,bất an hay lo lắng đều đến từ sự cưỡng cầu mà không nhìn thẳng vào sự thật rằng mọi sự đều có một cái giá đi kèm và mình chỉ kiểm soát được duy nhất chính mình, mà thôi.
Theo quan sát chủ quan của mình, mỗi chúng ta sống trong đời tựa như dấn bước trên cuộc viễn chinh, đơn độc và trầm lặng. Mỗi người đều ẩn chứa những thách thức cần vượt qua, vấn đề cần giải quyết, chông chênh cần cân bằng. Dẫu vậy, ta vẫn không chối bỏ được những đánh giá từ bên ngoài và áp lực của trách nhiệm. Nhưng chúng ta công bằng với nhau là ai cũng sẽ ra đi, vào một lúc nào đó. Nên mình nghĩ, sẽ vui và an nhiên hơn để đón nhận mọi thứ như một bài học, một duyên được cuộc đời trao đến để hoàn thiện hơn, chính mình.
Manga: Vagabond - Chương: 322
Manga: Vagabond - Chương: 322