Đừng tham gia thị trường tài chính, bao gồm cả chứng khoán, forex hay crypto - chỉ để thoát nghèo.

Tại sao tôi lại nói như vậy, bởi vì đối với người “không nghèo” - thôi thì tôi tạm gọi những người mà đã có nhà riêng, có xe và có nguồn thu nhập tương đối khá và ổn định là người “không nghèo” đi. Thì họ gần như không có áp lực về mặt thời gian khi bỏ tiền vào thị trường. Họ sẵn sàng nắm giữ một mã tính bằng năm mà không có áp lực phải có lợi nhuận bao nhiêu bởi họ đã có nhà có xe là gần như đã có những thứ mà đa số người trẻ ở Việt Nam này mong ước mà chưa được, nhờ thế họ thong thả kiếm tiền mà chẳng phải chịu những vấn đề về tâm lý như người nghèo.
"Người nghèo" nôm na tôi coi là những người đang chưa có nhà riêng, chưa có xe, thu nhập không nhiều hoặc không ổn định, gia đình cũng không có “lực”. Những người này tham gia thị trường tài chính với mục đích thoát nghèo, mong muốn có nhà và xe là đích đến khá lớn và có thể nói là rất khó khăn đối với họ. Khi tham gia thị trường, số vốn mà họ bỏ vào đó có thể nói là tất cả đối với họ, vì số vốn là tất cả, trong khi mong muốn đủ tiền mua nhà mua xe thì lại cần số tiền cực kỳ lớn, đã vậy thu nhập bên ngoài lại chẳng được bao nhiêu, tất cả những yếu tố đó tạo nên một nhà đầu tư cá nhân có những “lỗi tâm lý” nghiêm trọng, họ quá sợ việc một cổ phiếu điều chỉnh giảm khi chưa có lãi, hoặc quá sợ mất đi khoản lãi nhỏ nhoi vài phần trăm khi cổ phiếu vừa mới tăng được một chút dẫn đến hành vi chốt lãi mỏng (đọc đến đây tự nghĩ xem bản thân bạn có như vậy không?).
Đau đớn hơn là, khi cổ phiếu giảm, họ lại quá tiếc tiền cho nên không dám cắt lỗ từ đó khiến khoản lỗ nhỏ ban đầu trở thành khoản lỗ quá lớn tới mức không thể khắc phục.
Số vốn đầu tư ít ỏi mà họ nạp vào, nó được đặt quá nhiều sự kỳ vọng ở đó, nếu một ngày nào đó nó mất đi chẳng khác nào họ bị phá sản và rất rất lâu sau mới có thể tích góp lại được ngần ấy tiền. Chính vì thế, họ cứ phải luôn quan tâm mọi tin tức trên thị trường, họ để ý từng chút từng chút một vào diễn biến giá tăng giảm của cổ phiếu, họ phải nghe ngóng, theo dõi nhận định của rất nhiều người tự coi là chuyên gia, họ tham gia đủ các hội nhóm trên mạng xã hội và nghe rất nhiều kênh youtube về chứng khoán, coin, forex chỉ để mong tìm được lời khuyên để có thể “làm gì đó”, cụ thể là mua hay bán mã nào hay phải như thế nào để làm sao cho số vốn tăng nhanh nhất có thể.
Với người tham gia thị trường tài chính nói chung, họ luôn bị một thế lực nào đó thúc đẩy bản thân phải LÀM GÌ ĐÓ, họ không thể ngồi yên, các thông tin mới về Fed, tỷ giá, lãi suất gì đó cứ xuất hiện liên tục và quan điểm của họ thường xuyên bị thay đổi, không một cổ phiếu nào có thể tồn tại trong danh mục của họ quá 3 tuần khi mà đó vẫn đang cho lợi nhuận, nhưng lại rất nhiều cổ phiếu có thể tồn tại tới hơn 3 tháng trong khi nó đang ngày càng lỗ nặng hơn. Điều này càng thể hiện rõ nét hơn ở những người "không giàu" bởi chính sự kỳ vọng to lớn đã chống lại chính họ.
Đừng tham gia chứng khoán chỉ để thoát nghèo
Đừng tham gia chứng khoán chỉ để thoát nghèo
Với tất cả những điều trên, người “không giàu” đã thua trong cuộc chơi tâm lý - thứ quan trọng nhất trên thị trường tài chính. 2 năm đối với người Giàu chỉ như 2 ngày, nhưng đối với người “không giàu” thì 2 ngày danh mục lỗ thôi cũng đã lâu như 2 năm.
Càng trải nghiệm bạn sẽ nhận ra những người “không giàu“ này không thể nào kiếm được tiền và giữ được tiền trên thị trường khi mà có quá nhiều thứ ngăn cản họ làm điều đó, và chính họ cũng chẳng thể nhận ra. Và ta nhận ra một bài học sâu sắc: Đừng đầu tư để thoát nghèo, vì nó sẽ làm bạn nghèo hơn. Về cơ bản, đa phần thời gian người “không giàu” tham gia thị trường tài chính đều là khoảng thời gian của những tâm lý tiêu cực. Hãy tập trung vào công việc hiện tại, nâng cấp bản thân, tạo giá trị và cải thiện nguồn thu nhập. Chỉ khi thoát được nghèo bạn mới nên tham gia vào thị trường bởi khi đó mục đích tiếp cận của bạn không phải là để có nhà có xe mà đơn giản chỉ là để tìm kênh giúp cho tiền đẻ ra tiền, cho đồng vốn của bạn không bị chết bởi lạm phát, áp lực về thời gian, áp lực phải tăng được vốn nhanh chóng đã biến mất.
Khi thái độ với thị trường của bạn thay đổi, cách bạn giao dịch và đầu tư cũng sẽ được chậm lại, bạn bình tĩnh nhìn nhận mọi thứ, tâm trí không còn bị cuốn vào những thông tin và các lời nhận định của ai cả, từ đó hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu đến đây mà bạn vẫn không tin những gì tôi vừa nói, hãy đọc thêm bài viết: “Tại sao càng mong cầu lại không nhận được kết quả tốt đẹp”.
Tôi xin tóm gọn những điều vừa nói như sau: Bạn càng mong cầu kết quả, thì bạn càng có xu hướng đốt cháy giai đoạn. Càng mong cầu kết quả thì càng khó kiên định. Quy tắc cho một thành quả tốt đẹp đó là phải trải qua đủ các quy trình từ bé đến lớn. Đốt cháy giai đoạn sẽ làm cho quy trình bị lỗi thông qua những hành vi tự hủy. Hành vi tự hủy ở đây bao gồm: fomo, bán non, gồng lỗ, bán đáy.

Tin tôi đi, những hành vi này xuất hiện nhiều nhất ở những người đầy kiến thức, đầy lý trí nhưng mà lại quá mong cầu kết quả!