Có một câu chuyện chắc đã xuất hiện từ rất lâu, truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác mà mình thấy rất đúng đó là “những đứa trẻ hiểu chuyện thì thường không có kẹo ăn”. Mình thấy cái này là đúng bởi vì mình đã từng chứng kiến khá nhiều tấm gương và bản thân cũng trải qua điều đó một vài lần trong đời. Và có một điều mình nhận ra rằng sự hiểu chuyện của mình sẽ là một nguồn cơn gây ra sự ghen tị của mình đối với người khác.
Suy nghĩ đầu tiên của mình, xã hội hiện tại có nhiều điều khá khắt khe so với nhiều người đặc biệt là với người phụ nữ bởi họ là phái yếu. Vậy nên thường thường những tư tưởng như nhường nhịn, tần tảo, chăm chỉ và hy sinh đều được gán lên người phụ nữ một cách “vô cùng tự nhiên”. Là một người phụ nữ phải có trách nhiệm thế này, phải hy sinh cái kia, phải nhường nhịn từng li từng tí và đã là phụ nữ thì phải hiểu chuyện. Vậy nên thiệt thòi vẫn hoàn thiệt thòi, càng hiểu chuyện thì những người phụ nữ đó sẽ mất đi những quyền lợi như sự tự do cho bản thân, nhan sắc, sức khỏe, tinh thần của bản thân,... Và khi mất mát nhiều như vậy sẽ khơi dậy niềm ghen tị với cuộc đời người khác là bình thường. Sự ghen tị ở đây theo ý kiến chủ quan của mình là bắt nguồn từ định kiến xã hội.
Suy nghĩ thứ hai, mỗi một gia đình là tế bào của xã hội, là một xã hội thu nhỏ sống dưới một mái nhà. Có thể nói sự “hiểu chuyện” và những tổn thương tinh thần, tâm lý một khi đã xuất hiện thì sẽ luân chuyển từ đời này sang đời khác, kéo dài và trở thành chấn thương tâm lý liên thế hệ. Chỉ có thể chấm dứt khi một thế hệ nhận thức ra và chữa trị nó. Nhưng điều đó rất khó và hiếm gia đình nào có thể thực hiện được. Có rất nhiều câu chuyện nhưng mình sẽ lựa một câu chuyện đơn giản để nói ra. Ví dụ như trong một gia đình, sẽ có đứa con rất được yêu thương và có đứa con không được yêu thương dù rất hiểu chuyện. Sự ghen tỵ nhen nhóm từ đó mà ra, khi không được yêu thương kể cả sự quan tâm nhỏ bé đối với họ cũng là một điều xa xỉ. “Tại sao người đó lại được yêu thương còn tôi thì không? Mặc dù tôi rất cố gắng là một đứa trẻ hiểu chuyện, nhưng tôi vẫn không được quan tâm”. Sự ghen tị tiếp theo với ý kiến chủ quan của mình là được xuất phát từ sự bất bình đẳng trong gia đình.
Suy nghĩ thứ ba, là về việc mình mong chờ sự công nhận từ người khác. Đối với mình đây là cái khá là nặng nề vì nó sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ sau này và sự ghen tị là nằm trong hệ luỵ này. Ví dụ như khi bạn cố gắng hoàn thành việc gì đó, xây dựng một cái gì đó và bạn không được công nhận bởi người mình quan tâm thì bạn sẽ làm tất cả mọi thứ để có được sự công nhận của họ dù phải hy sinh bản thân. Đó là câu chuyện thường gặp trong đời đó các bạn à. Có người làm tất cả nhưng không được công nhận, có người chỉ cần ngồi không cũng được hưởng điều đó. Rồi sau đó sự ghen tị sẽ nổi lên từ sâu bên trong mặt tối của bản thân “Tại sao tôi làm tất cả mà mọi người không công nhận? Tại sao họ không làm gì lại công nhận họ? Tại sao tôi cung phụng tất cả mọi thứ, hy sinh bản thân mà không có chút sự công nhận nào?” Hàng ngàn câu hỏi tại sao sẽ kéo dài trong đầu, chỉ luẩn quẩn mãi trong vòng đời. Và hệ lụy mình đã đề cập đến từ đầu là khổ tâm - mà khổ tâm là cái khổ nhất trên đời. Sự ghen tị ở đây theo ý kiến chủ quan của mình là xuất phát từ khao khát được công nhận của bản thân, cố gắng làm mọi thứ, hy sinh bản thân và những thứ mình có để được công nhận.
Nếu nhìn lại, bạn cũng có sự ghen tị nào đó nằm trong những điều mình vừa viết ra ở trên thì “chúc mừng bạn” mình thấy thương cho bạn. Vì bản phải có nhiều sự mất mát, nhiều đắng cay thì mới có sự ghen tị ấy. Chỉ chúc rằng bạn có thể buông bỏ nhiều điều phiền muộn mà sống tiếp. Nhưng buông bỏ là biện pháp khó nhất một đời người. Còn nếu ai đã làm được điều này, ngoài việc cảm thấy bình an ra thì những thời gian sống trong “ghen tị” cũng chỉ là một quãng đường trải nghiệm.
~ cô Tiên đi lạc ~
#healing
Follow mình trên Fanpage và Instagram của mình theo link dưới nha: https://www.facebook.com/co.tien.di.lacc