Tôi vừa được một bạn gửi cho video gần đây của Nas Daily Tiếng Việt, nội dung nó nói về việc nhiều chính quyền các quốc gia khác cấm nhiều trang web và MXH, tuy nhiên người dân nơi đó vẫn cố gắng lách luật để truy cập. Ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ cấm Uber, Trung Quốc và Iran cấm facebook – song người dân nơi đó vẫn lách luật để truy cập.

Cuối video, anh Nas có kết luận một điều, rằng: “Bất kể các chính phủ các quốc gia trên thế giới có cố gắng thế nào để đưa ra có các lệnh cấm, thật tuyệt vời khi chứng kiến người dân các nước luôn tìm được cách để sống chung với điều đó. Một điều duy nhất mà các nhà cầm quyền phải hiểu được: Có những thông tin trực tuyến và ngoại tuyến có thể truy cập bởi bất kỳ ai. Và bất kỳ ai cố gắng giới hạn điều đó, thì sẵn sàng đón nhận thất bại.”

Một video mang nội dung ngớ ngẩn và độc hại như vậy, nó khuyến khích mọi người đạp lên luật pháp, bỏ qua tính thượng tôn pháp luật, không hiểu sao vẫn được nhiều bạn trẻ ủng hộ như vậy. Nên nhớ, không phải thế giới internet toàn những điều tốt đẹp mà nó còn chứa rất nhiều thứ độc hại.

Các bạn của tôi nhớ này, một bộ luật được thông qua là đã trải qua quá trình suy xét nghiệm thu kỹ càng của các chuyên gia, của những cái đầu có sạn … nhằm đưa ra biện pháp nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của dân tộc và lợi ích quốc gia. Có thể đôi lúc các bộ luật được đưa ra chưa thực sự hoàn toàn hợp lý, vậy thì nó sẽ không ngừng được sửa chữa và kiện toàn. Việc của người văn minh, đó chính là sống thượng tôn pháp luật chứ không phải là tìm cách chống lại nó.

Đơn cử như việc ra lệnh cấm và tìm cách chặn các trang web, MXH  của chính quyền nhiều quốc gia khác – đó là một biện pháp nhằm lọc tin độc hại, nâng cao dân trí, hay đơn thuần là để hạn chế người dân sử dụng dịch vụ của đối thủ, tạo thuận lợi cho “cây nhà lá vườn” phát triển.

(Đôi lúc người ta cấm một thứ không chỉ bởi thứ đó độc hại, chỉ đơn giản hoặc chúng ta không muốn lệ thuộc vào nó hoặc nó đang ngăn cản chúng ta sống tốt hơn. Cũng như Huawei cấm nhân viên công ty sử dụng Iphone, Microsoft cấm nhân viên sử dụng MacBook không phải bởi vì sản phẩm Apple không tốt, chỉ bởi vì đó là sản phẩm của đối thủ, việc cấm này là nên làm để có thể vươn xa.)

Rõ ràng rồi, dân trí và nội lực của đất nước mới là giá trị cốt lõi để một quốc gia hùng cường. Luật của quốc gia này, không thể “chơi theo format” của nước khác được.

Việt Nam chúng ta tại sao lại đưa danh mục các trang web khiêu dâm vào danh sách cấm, đó là để giới trẻ biết rằng đó là những ấn phẩm văn hóa đồi trụy và độc hại. Chúng ta đã tìm cách chặn một số trang web đen, dù biết thừa rằng sẽ vẫn có nhiều cách lách luật để truy cập, nhưng vẫn phải làm thế để người dân biết rằng điều mình đang làm chẳng có gì tốt đẹp.

(Haha, tôi thi thoảng vẫn xem phim porn, nhưng chưa từng tự hào vì điều này đâu)

Trung Quốc, Nga, Iran … tại sao lại kiểm soát internet chặt chẽ như vậy? Đó là nhà cầm quyền không muốn người dân của mình sử dụng một dịch vụ mà đối thủ nắm đằng chuôi.

Ví dụ như về hệ thống mạng, phần quan trọng nhất của Internet là các máy chủ gốc của các địa chỉ tên miền (DNS root server). Phần này vẫn được Bộ Thương mại Mỹ quản lý.

Phần thứ hai là các chứng chỉ mã hóa gốc đang được sử dụng bởi các tổ chức phát hành mật khẩu Internet nói chung và tất cả các trang web có ít nhất một đăng ký với một mật khẩu (như hệ thống ngân hàng, đăng ký trực tuyến …) đều được chính thức quản lý bởi Hiệp hội Kế toán Bắc Mỹ. Các dự án Internet lớn như Google, Facebook, Twitter, Instagram, YouTube ... đều phải phục tùng “Đạo luật tự do” năm 2015 của Mỹ (tiền thân là “Đạo luật yêu nước” năm 2001), yêu cầu phải chuyển tất cả dữ liệu cho cục tình báo CIA một khi chính phủ của Mỹ có đề nghị.

Tức là để làm suy sụp hệ thống internet của một quốc gia, đôi lúc chỉ cần một cú nhấp chuột ở Mỹ. Bạn nghĩ xem có nguy hiểm không? Đó chính là lý do vì sao các nước lớn đang xây dựng một hệ thống internet độc lập đấy.

Đơn cử như ở Trung Quốc, sau sự kiện Thiên An Môn và cuộc thảm sát tưởng tượng mà truyền thông phương Tây dựng nên – Trung Quốc đã hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát thông tin. Thế là bất kỳ những bên nào không kiểm soát được thì sẽ bị cấm.

Từ năm 1997, họ bắt đầu kiểm duyệt Internet với chiến dịch ”Phòng Hỏa Trường Thành” - The Great Firewall (chơi chữ từ Vạn Lý Trường Thành - The Great Wall). Kết quả, hàng nghìn trang web đồi trụy được khóa ngay lập tức, nhiều trang web khác như YouTube, Flickr hay Wikipedia bị kiểm soát mạnh. Đó là để bảo tồn tính dân tộc và xây dựng phát huy giá trị văn hóa cội nguồn.

Facebook bị chặn năm 2009 và gần như tất cả các dịch vụ của Google không thể truy cập từ 2014 một khi “chỉ cần thiếu thái độ hợp tác”. Ngoài ra,  thông qua việc chặn các trang nước ngoài, điều này khiến người dùng có ít lựa chọn hơn, do đó gần như họ phải chuyển qua các dịch vụ trong nước.

Và thế là thay cho Snapchat, Trung Quốc có Wechat, Laiwang. Thay cho Facebook họ có Weibo, thay cho Youtube là Sohu, Youku … và baidu là công cụ tìm kiếm thay cho Google, QQ thay thế cho Gmail… Đó là một trong các nhân tố quan trọng giúp việc Trung Quốc bứt tốc thành nên kinh tế số 2 thế giới đấy.

Việt Nam chúng ta thì không khỏe và đủ lực như gã láng giếng khổng lồ, vậy nên chỉ còn cách từng bước tìm cách khắc phục. Chúng ta chỉ có thể cố gắng kiềm tỏa chứ không thể kiểm soát, vậy là giới trẻ nhiễm văn hóa ngoại lai đang sống dần lố bịch, thích lolicon, hentai ... và tôn thờ Nhật Bản. Một lớp khác thì nghe đài địch, tin những VOA, BBC, CNN … hơn đài chính thống, thế là dần dần tự diễn biến tự chuyển hóa, nhẹ thì bất mãn, nặng hơn thì thành phản động.

Việt Nam chúng ta đáng ra đã có thể phát triển thần tốc hơn nữa, vũ bão hơn nữa nếu như không vướng phải một số điều khoản “tự do dân chủ nhân quyền”, âu cũng là do còn nhỏ yếu vậy.

Nhưng chúng ta ít ra vẫn còn làm tốt chán, vì những quốc gia mất kiểm soát truyền thông giờ đều trở thành những đống hoang tàn đổ nát. Tất cả là nhờ người dân được tự do internet đấy.

Tại sao Iran cấm facebook, các bạn biết không? Vì Iran và Mỹ hiện đang đối đầu trực diện, và đã đối mặt nhiều năm nay. Việc để người dân mình sử dụng một công cụ mà kẻ thù kiểm soát hoàn toàn là một điều rồ dại. Bài học nhãn tiền của những Syria, Libya, Ai Cập … hẵng còn nguyên giá trị.

Trong cuộc cách mạng màu “Mùa xuân Ả Rập” thì Facebook chính là một công cụ truyền thông hiệu quả và nhanh nhất, gián tiếp giúp hơn triệu người Ả Rập chết và hàng chục triệu người khác mất nhà cửa, gây ra làn sóng tỵ nạn nhân đạo lớn nhất thế giới. Chín trong số mười người Ai Cập hay Tunisia trả lời trong một cuộc thăm dò là họ đã dùng Facebook để tổ chức các cuộc nổi dậy và truyền đạt những ý tưởng. Thêm nữa, 28% người Ai Cập và 29% người Tunisia trong cùng cuộc thăm dò nói, nếu bị ngăn cản vào Facebook sẽ làm cản trở hay làm gián đoạn sự liên lạc.

Những bằng chứng kế tiếp để cho thấy vai trò quan trọng của truyền thông xã hội là nó được dùng gấp đôi gấp ba trong thời kỳ phản đối. Giới trẻ đã châm dầu vào những cuộc nổi dậy tại các nước Ả Rập khác nhau bằng cách like/share và post bài khi thiếu hiểu biết, không những chỉ ở các nước Ả Rập mà ở tất cả mọi nơi trên thế giới. Vào ngày 5/4/2011, con số người dùng Facebook tại các quốc gia Ả Rập đã vượt qua số 27,7 triệu người.

Hay như ở Venezuela, cũng mất kiểm soát truyền thông, họ vẫn không thể cấm được Reuters, AFP và CNN … Và thế là người Venezuela hàng ngày vẫn được đọc những thông tin hoặc tiêu cực, hoặc xuyên tạc về đất nước mình. Ví như năm 2017, trong số 90 phương tiện truyền thông phổ biến của Mỹ, đã có 3.880 tin tức tiêu cực về đất nước Venezuela. Nói cách khác, trung bình 11 tin/ngày, dẫn đầu là Bloomberg và Miami Herald. Về các hãng thông tấn, Reuters và AFP cùng nhau đưa tới 91% những thông tin tiêu cực về quốc gia Nam Mỹ này, gần như là chuyên mục “mỗi ngày một tin xấu” về đất nước bên bờ Caribe này.

Va trong khối lượng thông tin đồ sộ kể trên, không có một dòng nào nói về cuộc cấm vận của Mỹ chống Venezuela! Cuộc bao vây truyền thông tạo ra những ồn ào lớn, đồng thời che khuất cả hành động cấm vận của Mỹ và át đi tiếng nói của nhân dân Venezuela. Phần lớn những thông tin về Venezuela mà bạn đọc nhận được từ hệ thống thông tin một chiều đang thống trị giới báo chí thời gian qua, đều theo hướng tạo ra một cái nhìn méo mó về thực tiễn của quốc gia này.

Còn nếu thêm về việc tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại cấm Uber, đó là việc Uber (cũng như Grab ở Việt Nam) đã từng lách luật, khiến cho diễn ra một cuộc “cạnh tranh không lành mạnh, phá hủy hệ thống giao thông tư nhân và taxi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và chẳng những Thổ Nhĩ Kỳ đâu, nhiều nước trên thế giới đều cấm Uber cho đến khi hãng này được mua lại bởi Grab.

Các bạn thấy đấy, rất khó có thể ngăn cấm hoàn toàn dục vọng của con người, nhưng chúng ta cần phải hạn chế nó. Trong mỗi chúng ta đều có “tham sân si”, vậy nên cần phải thẳng tay loại bỏ hoặc hạn chế những thứ gì đang cổ vũ nó phát triển.

Hầu như một bộ luật nào ban bố, lệnh cấm nào được thực thi luôn sẽ có một nhóm người được hưởng lợi và 1 nhóm khác bị mất lợi ích. Ví như cấm và chặn các trang web sex thì đám ham quay tay sẽ phản đối, cấm hentai thì wibu sẽ gào lên, cấm chiếu phim đam mỹ 18+ thì hủ sẽ đấu tranh đòi quyền lợi. Cấm tự do dân chủ thì bọn Mẽo sẽ mang bom đi cà khịa, đại khái thế.

Những khi đó, chỉ cần ủng hộ cho đám người này thỏa mãn dục vọng cá nhân, kiểu gì chả được đám người này ca ngợi và ủng hộ.

Các bạn của tôi ạ, thực ra sau video về bẫy tài chính của Trung Quốc, video về việc Nga đàn áp LGBT, video về sự đói nghèo tuyệt vọng của Triêu Tiên … mà anh Nas này làm, tôi đã hiểu bản chất của gã Vlogger này rồi.

Tôi xem thường Nas, không phải bởi vì anh ta nói sai, mà chính là bởi vì anh ta đang nói dối với mục đích xấu hoặc thu lợi cá nhân.  Rảnh, các bạn có thể xem video của anh này nhưng nhớ xem cho vui thôi, hãy tập cho mình tư duy phản biện để hoài nghi tính chân thực của thông tin anh ta đưa ra. Khi bạn thắc mắc chỗ nào cứ việc inb hỏi tôi, tôi hứa sẽ giải đáp tường tận nếu có thời gian.

Cám ơn tất cả các bạn!