“Cao Tằng Tổ Khảo, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Dì Tỉ Muội thằng cha mày đâm bị thóc, chọc bị gạo nhà bà!Bà ăn không ăn hỏng gì nhà mày mà mày móc máy chuyện nhà bà. Bà thì bà móc mắt mày ra cho quạ nó tha, cho gà nó bới…”

Tranh mình chụp ở Bảo tàng Mỹ thuật Penang
 Bà Cúc đã thấm mệt, hơi thở gấp gáp, giọng nhỏ dần. Bọn trẻ vây quanh bà cũng đã tản về chơi những trò chúng đang chơi dở. Bà đang định dợm chân bước, quay lưng bỏ về, thì ông Cường mở cửa nhà bước ra, đi thẳng ra trước mặt bà, hất hàm: “Bà mệt rồi à? Đồ cướp chồng của chị!”. Bà Cúc còn đang đuỗn người vì uất giận thì ông quay lưng thủng thẳng trở ngược vào nhà.
Bà Cúc sững sờ, rồi quay ngoắt lại, ném vụt cái quạt nan trên tay vào lưng ông Cường. Bà nhảy lên bành bạch, xoe xóe văng những từ tục tĩu và cay độc nhất của đàn bà. Mớ tóc bạc búi lỏng trên đầu xổ ra xõa xượi, hai bàn tay co quắp vung ra phía trước, mồ hôi sũng sượi khắp mặt khắp người. Thế nhưng, bà tuyệt không dám nhẩy bổ  vào cáo cấu ông Cường, hay tiến sát cửa nhà ông.Con Úc đen sì nằm cạnh bệ cửa gầm gừ nãy giờ, mắt mở chừng chừng nhìn bà,  chỉ chờ lệnh chủ là sẵn sàng lao vào cái sinh vật kỳ quặc và thù địch trước mặt mình.
 Ông Cường vẫn thong thả, không thèm quay lưng tránh cái quạt bà ném. Ông mở to cửa trước, ngồi vào bàn nước, lôi cái điếu cày ra, vê thuốc, châm đóm, rít một hơi rõ dài những tiếng sọc-sọc-sọc sọc, rồi ngả người ra sau, nhả từng ngụm khói trắng lượn thành những vòng tròn nhỏ trên đầu, để mặc que đóm vẫn đang cháy chạy gần đến sát ngón tay. Vẻ mặt ông chừng như đang sung sướng nghe mấy ả đào réo rắt “ Hồng hồng …Tuyết Tuyết…”, chứ không phải nghe bà Cúc chửi.


Hơn hai mươi năm sống trong những làng cũ, ga mới, ngõ chợ, tôi được nghe đủ kiểu chửi của dân tứ chiếng. Chửi, là cách đàn ông thể hiện thiện chí và tình thân: ngồi với nhau ở quán nước mà không văng tục dăm câu đâm khó nói chuyện. Chửi, là cách đàn bà chia sẻ nỗi lòng: ngồi bán hàng, buôn chuyện, bức xúc thằng chồng lười, đứa con hư, ghét mụ Tư Bóp cho vay tăng lãi từ ba phân lên tận bẩy phân, không văng ra chửi được thì ấm ức vón lại trong người từng cục. Chửi, là cách lũ trẻ choai khẳng định rằng mình cũng ngang trời-dọc đất: đi chơi với nhau mà không văng dăm câu chửi, nghe nó không sành điệu, đại ca. Thế nên, ngày ngày, những người quanh tôi chửi tục, văng bậy một cách hồn nhiên và thoải mái. Tôi cũng thoải mái vô tư sống trong những tục tĩu hồn nhiên và không ác ý  của những người quần lấm đít nhọ, làm nhiều ăn ít, văng bậy chửi tục để xả bớt cặn bã và giữ lại chút con người.
Tôi những tưởng, chửi là đặc quyền riêng của những người không còn đặc quyền nào khác. Thế nhưng, lớn lên, vào đại học rồi ra đời, tôi ngộ ra rằng, không chỉ những người dân quần lấm, đít nhọ mới chửi tục. Dân trí thức -nghệ sĩ mới là những kẻ nghiện chửi và nâng tầm chửi nhau thành ít ra là một môn khoa học, cao hơn là một môn nghệ thuật dân gian.
Khác với dân quần ngắn vẫn chửi vô tư hồn nhiên bằng miệng, trực diện và thẳng thắn, găng lên thì tay đấm mồm chửi, chân đạp, kẻ trí thức chửi nhau không tục, nhưng thâm, ác và đểu hơn gấp bội phần. Họ chẳng mấy khi động thủ, cũng chẳng mấy lúc văng tục chửi bậy bằng mồm, họ vận dụng tri thức và công nghệ triệt để trong thú vui chửi và chê: từ ném đá bằng bàn phím trên diễn đàn nhà mạng, thì thụt chửi xấu nhau trong phòng làm việc hay nơi quán xá, làm clip bôi nhọ, dùng cả phò-tờ-sộp lẫn dấu thăng và chữ số rất chi là nhì nhằng phức tạp để hạ nhục lẫn nhau.
Thi thoảng tôi tự hỏi, sao dân trí thức nhà mình thích chửi và chê đến vậy. Hóa ra, Họ chửi vì nhiều lẽ.
Đa phần chửi để bao biện cho sự bất lực và lười biếng của mình, che đậy sự thật rằng họ đã chẳng làm gì để thay đổi những điều không hay đang diễn ra trước mắt. Một số chửi để người khác thấy, họ cũng giỏi giang tài cán, cũng hiểu biết trước sau, chỉ có điều thế thời không cho họ thỏa nguyện chí anh hùng, chứ mà được nắm quyền hay có tiền thì họ cũng sẽ đội trời đạp đất như ai. Họ còn chửi vì sợ và ghét: sợ thằng kém mình nhoi lên được bằng mình, ghét thằng hơn mình lại cứ hơn mình mãi. Họ chửi để dìm hàng những kẻ không ngồi im mà nghe chửi hoặc hòa cùng giọng chửi, lại ngo ngoe làm chuyện nọ thử chuyện kia. Họ chửi  vì chẳng có việc gì dễ làm mà lại khoan khoái hơn là ngồi và chửi, bởi khi chửi, họ được ngồi trên cái ghế của quan tòa lên mặt phán xét cả những kẻ hơn mình. Mà cũng có thể, họ thích chửi vì đó là việc duy nhất mà họ biết làm cho tử tế.
Họ chửi nhiều, nhưng xui thằng khác chửi còn nhiều hơn, bởi họ sợ thằng bị chửi biết là mình chửi nó, sợ nó ăn hòn đá nhỏ trả cục gạch to. Họ chửi đổng, chửi mỉa, chửi Sơn Tây chết cây Hà Nội, rủ bầy kéo đàn mà úp sọt thằng bị chửi. Họ chửi sau lưng, nhưng nịnh đằng trước mặt, mồm chửi- tay xoa. Mồm ra rả kêu cơ quan này đểu, sếp kia  4`, nhưng rình từng dịp tranh nhau quà cáp nịnh xếp thăng chức tăng lương, tay ra dấu vòi tiền, chân quắp vào giữ ghế. Họ biết ai chửi được và ai không được chửi. Họ chọn những người hoặc là chẳng biết họ là thằng nào, hoặc chẳng làm gì được họ, mà chửi. Họ chửi kẻ cùng đinh, thằng khố rách, ông thủ tướng, bà bộ trưởng, tức là những người hoặc có chửi cũng chẳng làm được gì và những kẻ sợ bị chửi nhưng chẳng làm được gì thằng đang chửi. Đố có mấy chị mấy anh trí thức dám chỉ mặt chửi đích danh một thằng có quyền-có tiền-giỏi giang-đanh đá- thù dai hơn hẳn mình, chửi sếp trực tiếp đương nhiệm, hay chửi kẻ sắp duyệt cái quyết định cho vay vốn ngân hàng của mình. Thi thoảng, khi chứng kiến những trận võ mồm, tôi lại nghĩ đến cảnh chửi nhau của ông Cường và bà Cúc: thằng đi chửi chẳng dám làm gì thằng bị chửi.
Mà đấy, cái con mẹ thợ cày lắm điều đang viết bài này cũng ăn bớt giờ hành chính để chửi những thằng thích chửi. Mà mụ cũng chỉ đám chửi chung chung thế, chứ đố dám chỉ mặt đặt tên đứa nào mà chê chửi. Mụ cũng khoái chí rung đùi chửi xỏ chửi xiên để ra vẻ ta đây biết này biết nọ, chứ ở nhà –ra đường, cứ là bẹp như con gián chết, nào có bao giờ dám ho he.
Mà có khi “Chửi” là một phần của văn hóa dân gian Việt Nam thật.
Phạm Việt Hà
Tháng 1 năm 2012

Đọc thêm: