Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:

Sao hôm nay mùng 7 Tết rồi bà mới đi tập thế. Tôi nhớ bà quá mà chẳng dám sang nhà.
Hôm nay mấy đứa nhà tôi nó mới đi làm, bọn trẻ cũng mới đi học. Chúng nó ở nhà canh tôi suốt, ra gặp ông mà chúng nó biết thì lại ầm nhà ầm cửa, mất cả Tết.
Bà mấy hôm nay huyết áp thế nào, cái gối còn đau lắm không?
………..
Lưng nhà mình giáp ngõ sau, phần tường giáp ngõ là chỗ mình rửa bát nấu cơm. Vì nhà mình không trổ cửa ra mặt ngõ, chỗ tường nhà thành ra kín đáo và thường là chỗ đứng tâm sự của hai ông bà. Mình không biết tên, không biết mặt, cũng không nhận ra giọng nói của người quen. Có lẽ họ sống ở một tổ dân phố khác, đi tập thể dục ở sân chung cư gần nhà mình và chọn lưng tường cuối ngõ làm nơi hò hẹn những lúc “chiến tranh”.
Bác gái mất đột ngột, bác trai buồn ủ rũ mất gần một năm. Mọi việc nhà, mọi mối nối gia đình bỗng dưng chông chênh lỏng lẻo. Ông lấy việc đi tập thể dục với các cụ tổ hưu làm vui. Rồi cụ ông ngoài tám mươi tìm được cụ bà hơn sáu chục. Hai ông bà không ngày nào không gặp mặt, thủ thỉ chuyện trò chăm sóc. Họ tính cả chuyện dọn về ở với nhau. Con cái hai nhà nháo nhào lo lắng, bởi bác trai có gì ngon đều chia cho bà, có đồng nào đều dành dụm lại giấm dúi đưa bà chữa bệnh. Ông còn tuyên bố bà sẽ về ở với ông để ông tiện chăm sóc và sẽ không cho con cái chút tài sản thừa kế nào nếu còn nặng lời với bố về chuyện của bà. Con ông đến tận nhà rủa xả bà già rồi mà còn đốn nết, lừa mị ông để đào mỏ. Con bà tự ái cấm mẹ đi lại với ông, còn bố trí nhau theo dõi canh chừng mẹ. Cả hai ngôi nhà căng như hai thùng thuốc súng đặt cạnh lò rèn đang đỏ lửa. Ông bà đang đàng hoàng bỗng thành kẻ phải vụng trộm hẹn hò.

Mình nhiều khi tự hỏi, có bao giờ con ông thắt lòng khi thấy ông lủi thủi một mình trong căn nhà vắng lạnh, và con bà có thấy xót xa khi bà run run khóc những lúc bị họ mắng mỏ vì tội lén đến gặp ông. Những lo lắng chuyện phân chia tiền bạc, những lời ra tiếng vào của xóm làng thiên hạ liệu có đáng để họ đánh đổi hơi ấm và niềm vui, tước đi quyền được hạnh phúc và yêu thương của ông bà.
Chú về hưu được gần hai năm, thi thoảng vẫn đi làm thêm chỗ này chỗ khác. Sau đợt công tác, chú họp gia đình và yêu cầu được ly dị cô để cưới người khác. Chú bảo, cô chú đã bao năm nguội lạnh dẫu vẫn lịch sự với nhau trước mặt người ngoài. Cô đã lâu không còn quan tâm chú ở nhà hay vắng mặt, chú cũng không còn nhớ cảm giác được chăm sóc quan tâm. Hai người ở hai phòng cạnh nhau mà như bị khóa chặt trong hai thế giới tách biệt với nhau. Con cái biết, chú biết, cô biết nhưng ai cũng nghĩ rồi cứ vậy mà sống tiếp. Chú không ngờ đến tuổi này chú lại gặp được người bạn tri âm tri kỷ. Chú muốn đàng hoàng sống nốt những năm tháng còn lại của đời mình với cô ấy, được chăm sóc bầu bạn cùng cô ấy. Chú bảo, tưởng đã quen được với sự lạnh lẽo, cứ lạnh lẽo thế mà sống tiếp, nhưng người bạn mới giúp chú tìm lại hơi ấm. Mà đã được yêu thương, được ấm áp lại rồi, thì chú không cam tâm lạnh lẽo thờ ơ mà sống hết những năm ngắn ngủi cuối đời như thế. Cả nhà, cả họ xông vào can ngăn, cấm cản. Nào đạo nghĩa vợ chồng, nào uy tín mẫu mực, nào truyền thống gia đình, nào thiệt nào hơn đều được đưa ra phân tích cả. Sau lưng chú, người ta chê trách ông đã già mà không giữ đạo, không biết yên phận tuổi già vui niềm vui con cháu mà còn ham hố niềm riêng. Mình bảo, trách gì ông thì trách, nhưng đừng lôi hai chữ “tuổi già” ra để bắt ông sống cho người khác. Dẫu già dẫu trẻ, ai cũng có quyền được yên vui ấm áp, có người bầu bạn sẻ chia. Mà biết đâu, chú đi rồi, cô cũng tìm được người bạn mới.
Hôm trước mình ngồi cà phê cùng Hoa và được nghe cô kể về mối tình của cha cô và người bạn gái kém ông đến dăm chục tuổi, về 18 năm thăng trầm, đứt rồi lại nối của người đàn ông giờ đã 95 tuổi và bà bạn gái ngoại lục tuần. Nhà họ cạnh hồ Tây, mùa hè ông vẫn vác cần ra câu cá ở bờ hồ, và bà vẫn múc nước tắm cho ông giữa sân nhà lúc ông trở về nhà khi trời sẩm tối. Hoa bảo cô yêu hình ảnh ông mình trần ngồi ghế giữa sân nhà và bà múc nước ào ào dội từ trên cao cho ông tắm. Mình cũng yêu hình ảnh ấy, dù chỉ là trong tưởng tượng. Có gì bình yên và trong trẻo bằng hình ảnh hai người già có nhau, chăm sóc thương yêu.
Ngày Valentine mình viết về chuyện tình của những người già, bỗng nhớ hai câu hát cuối mình rất thích trong Diễm Xưa “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.  Còn được yêu thương, còn biết yêu đương là còn đang sống, phải không?
Hà Nội 14.2.2019