"Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ"
Sẽ có những đứa trẻ, thậm chí đến kẹo còn không dám vòi, sữa cũng không dám uống, vậy chúng có gì trong tuổi thơ ấy? ...
Sẽ có những đứa trẻ, thậm chí đến kẹo còn không dám vòi, sữa cũng không dám uống, vậy chúng có gì trong tuổi thơ ấy?

Tuổi thơ trong tâm trí đại đa số chúng ta luôn là những mảnh kí ức trong sáng nhất, đáng để nhớ và hoài niệm nhất. Có người sẽ luôn nhớ về chúng như một kỉ niệm thật đẹp, thật ý nghĩa. Nhưng tuổi thơ đối với một số người mà nói, là ám ảnh, là chất chứa những chuỗi ngày đen tối đến mức họ chỉ muốn ném chúng ra khỏi quỹ đạo cuộc sống của chính mình.
Được mấy người có tuổi thơ trọn vẹn?
Thiếu tình thương, thiếu sự thấu hiểu, thiếu điều kiện gia đình. Đây là một số trong rất nhiều lý do mà nhiều người vẫn luôn nghĩ về những mảnh đời bất hạnh từ khi còn rất nhỏ. Sự đùm bọc của cha mẹ tưởng như là điều hiển nhiên nhưng cớ sao đối với chúng, lại như một điều ước, một thứ gì đó mà có bắt thang lên hỏi ông trời cũng không có câu trả lời?
Mình đã từng gặp không ít những đứa bé đáng tuổi em út của mình ở giữa trời nắng gắt của Sài Gòn, chạy bon bon qua đường chỉ để bán cho xong chục tờ vé số.
Hay những cậu bé chỉ đoán chừng mười mấy tuổi thôi, ngày nào cũng ngồi góc đèn đỏ đoạn đường mình hay đi học về. Đèn xanh tắt, em chạy ra giữa dòng người, miệng ngặm đầy xăng rồi phun lửa lên cao. Không quan tâm xăng có hăng hay không, lửa có nóng đến cháy da thịt hay không, tất cả chỉ vì mưu sinh, không hơn.
Hoặc kinh khủng và đáng ám ảnh hơn là tuổi thơ của cô bé trong bức ảnh "Napalm Girl", được chụp vào năm 1972. Khi tìm hiểu kĩ hơn, mình được biết rằng Napalm là một thứ bom quái ác, khi nổ, chất lỏng dạng gel sẽ bắn ra, bám chặt và đốt cháy bất cứ thứ gì nó dính vào. Với sức nóng lên đến 800~1200 độ C (Để tiện so sánh thì nước sôi ở 100 độ còn dầu ăn sôi ở 300 độ). Và khi nhìn thấy bức ảnh ấy, mình thật sự chua xót, sức nóng khủng khiếp của bom Napalm đã khiến cô bé phải xé sạch quần áo, vừa chạy vừa la thảm thiết "nóng quá, nóng quá!" giữa bom đạn mịt mù phía sau.
Mình đã thấy không ít sách báo viết về chiến tranh, trong đó viết rằng chiến tranh đã để lại nhiều mất mát to lớn cho đồng bào Việt Nam. Nhưng đau đớn thế nào, mất mát ra sao, có lẽ chỉ những ai trực tiếp trải qua, mới thật sự thấu tận tâm can. Hậu quả chiến tranh để lại là không thể chối bỏ, nỗi đau ấy vẫn luôn âm ỉ qua từng thế hệ. Cũng phải, đất nước mình còn chưa thống nhất được 50 năm cơ mà.
Nhưng ở đâu đó vẫn luôn xuất hiện những phép màu, cô bé năm ấy vẫn còn sống đến bây giờ, và đã 60 tuổi. Những vết sẹo mà bom Napalm để lại vẫn còn hằn trên da thịt bà, nỗi đau ấy đã biến mất hay chưa, đã vơi đi hay chưa, có thể sẽ chẳng ai biết được, bà thật sự đã dành cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ của mình.
Nhưng có lẽ, thời gian có thể chữa thành vết thương ngoài da, nhưng tâm hồn thì không.
Dù cho có cố gắng cách mấy, những tổn thương ấy vẫn không thể vĩnh viễn biến mất. Đó là lý do mà đối với những tổn thương trong quá khứ của bất kì ai, cũng không nên nhắc đến.
Vì những tuổi thơ không có ô, là tuổi thơ lạnh nhất.

Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này