Học kỳ này, tôi học một môn laborartory (viết tắt là lab - đại khái là các môn học ngoài giờ để bổ trợ kiến thức cho ngành học của mình) về Growth Mindset and Venture Design (thiết kế tư duy phát triển và mạo hiểm). Một chút thông tin về ngành học của bản thân, tôi đang theo một khóa cao học về quản trị sự đổi mới và khởi nghiệp nên kiến thức của môn lab này phần lớn sẽ liên quan đến chuyên môn của mình nhưng trong quá trình tiếp thu, tôi phát hiện chúng còn có thể áp dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau thậm chí là cách phản hồi của ba mẹ dành cho con cái của mình chứ không chỉ dừng lại trong các lĩnh vực nghề nghiệp nhất định. 
Bài viết được phân thành những mục chính sau đây để mọi người dễ theo dõi:  
1. Khái niệm về tư duy cố định và tư duy phát triển
2. Ứng dụng của tư duy vào các lĩnh vực khác nhau trong đời sống
3. Làm thế nào để xác định tư duy hiện tại của mình?
4. Thực tập tư duy phát triển

Thế nào là tư duy cố định và tư duy phát triển? 

Khái niệm về hai loại tư duy này có thể được tìm thấy dễ dàng bằng việc Google bởi nghiên cứu của các học giả về lĩnh vực tâm lý học - đặc biệt là công trình nghiên cứu "Mindset - Changing the way you think to fulfill your potential" của tiến sĩ Carol Dweck - nên tôi chỉ trình bày lại khái niệm theo đúc kết và trải nghiệm của bản thân để làm rõ vấn đề.  
Tư duy cố định và tư duy phát triển là hai khái niệm trái ngược nhau về khả năng tiến bộ của con người. Tư duy cố định cho rằng thành công dễ dàng đến với những cá nhân có tài năng bẩm sinh và mình không thể phát triển khả năng đó thêm. Ngược lại, tư duy phát triển đề cập con người có thể tiến bộ hơn, khôn ngoan hơn, thành công hơn bằng sự nỗ lực và cố gắng của mình như trong văn học ta hay có câu "cần cù bù thông minh". 
Người có tư duy cố định thường hài lòng với những thành quả mà mình đạt được và nghĩ rằng họ đã đủ giỏi, họ xem nhẹ việc nỗ lực và chỉ những người kém cỏi mới cần cố gắng. Người có tư duy phát triển dù đã đạt được thành công nhất định, nhưng họ đánh giá kết quả đó từ quá trình mài dũa của bản thân và không cho nó là điều hiển nhiên, tự mãn với những điều đạt được, vẫn luôn bật chế độ "sẵn sàng tiếp thu thử thách mới". Nói cách khác, người có tư duy cố định chỉ cố khẳng định là bản thân mình giỏi, còn người có tư duy phát triển họ tập trung vào việc học thêm các kiến thức mới. 

Tư duy cố định và tư duy phát triển  
Câu chuyện về năng khiếu bẩm sinh và sự nỗ lực luôn là dấu chấm hỏi khi mỗi chúng ta tiếp thu một lĩnh vực mới nào đó, nhưng đâu là yếu tố giúp mình thành công trong việc đạt được kiến thức? Tôi lấy ví dụ đơn giản về cá nhân trong một khóa học tiếng Hàn, bản thân tôi tự nhận mình có chút năng khiếu về việc học ngoại ngữ nên những ngày đầu của lớp, tôi rất dễ dàng trả lời những câu hỏi từ cô và nghe được các đoạn hội thoại từ băng audio phát ra. Lúc đó tôi vẫn dành thời gian để làm bài tập đều đặn, nhưng khi công việc trở nên bận rộn hơn và số lần làm bài tập ít lại, khả năng bắt kịp bài trên lớp của tôi giảm đi thấy rõ, trong khi những bạn cùng lớp đã tiến bộ hơn tôi khá nhiều, và rõ ràng tôi đã rơi vào cái bẫy của tư duy cố định. Một câu hỏi lại dấy lên rằng nếu những người vừa có khả năng bẩm sinh vừa có cố gắng thì họ sẽ thành công hơn những người chỉ có mỗi sự cố gắng?  Mỗi người đều có khả năng thiên bẩm nhất định, nếu bạn cố gắng trên lĩnh vực mà bạn có khiếu thì bạn sẽ đi nhanh hơn nhưng điều đó không có nghĩa là những người không có sẵn tiềm năng bẩm sinh sẽ không thể đuổi kịp sự thành công khi họ chỉ có mỗi sự nỗ lực.
Quan trọng không phải xuất phát điểm của bạn như thế nào mà là quá trình bạn đã dành ra để đạt được một điều gì đó. Và người có tư duy phát triển luôn nhìn vào vế sau, luôn tìm cách để cải thiện tốt hơn những gì mình đang có. 

Ứng dụng của tư duy vào các lĩnh vực trong đời sống

Việc hình thành một tư duy phát triển không chỉ áp dụng trong lĩnh vực cải thiện bản thân và sự nghiệp. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Dweck, chúng còn ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác như các mối quan hệ tình cảm hoặc cách giáo dục của các phụ huynh lên trẻ nhỏ. Lấy ví dụ cụ thể để hiểu hơn về ứng dụng của tư duy cố định và tư duy phát triển trong tình yêu. Thường sẽ có hai cách phản hồi sau một chuyện tình đổ vỡ:
1. Người có tư duy cố định sẽ cảm thấy bị tổn thương và tìm cách trả thù: họ để nổi đau này hành hạ bản thân mình để rồi không thể tìm được một mối quan hệ mới trong tương lai.
2. Người có tư duy phát triển sẽ có thiên hướng thấu hiểu vấn đề, tha thứ và tiếp tục sống tốt, mặc dù họ cũng cảm nhận nỗi đau của sự tan vỡ như bao người khác nhưng họ muốn đứng dậy từ những kinh nghiệm đau thương ấy.
Trong chuyện tình yêu, những quan điểm về giá trị bản thân, giá trị của đối phương và giá trị của một mối quan hệ thường được đặt vào một khung cố định. Tức là bạn nghĩ rằng những đối tượng trong mối quan hệ tình cảm sẽ vẫn như thế không thay đổi theo thời gian, thực tế thì ít có trường hợp như vậy và người có tư duy phát triển hiểu được điều đó, mọi thứ đều có thể tiến triển theo nhiều thiên hướng. 
Một lầm tưởng phổ biến thường thấy trong tình cảm, một mối quan hệ hoàn hảo khi không có vấn đề gì phát sinh. Đây là điều không thể vì mỗi cá nhân là một bản ngã riêng với bộ giá trị, niềm tin và kỹ năng khác nhau nên cả hai bên cần phải nỗ lực rất nhiều trong việc trao đổi để hiểu được tâm tư và nguyện vọng của đối phương, cùng nhau cải thiện, cùng nhau bồi đắp và thúc đẩy đối phương cùng phát triển. Những hành động này không thể thực hiện nếu hai bên thiếu nền tảng của tư duy phát triển. 

Tư duy phát triển ảnh hưởng đến một mối quan hệ (nguồn ảnh: positivitylife)
Thêm một ví dụ khác của việc ứng dụng tư duy lên phản hồi với con trẻ. Đặt một trường hợp nếu con bạn đã cố gắng hết sức trong môn thi toán nhưng bé chỉ đạt được điểm 7 thay vì điểm 10 và con bạn không thỏa mãn vì điều ấy thì bạn sẽ phản hồi như thế nào?
a. Nói với con bạn rằng con đã làm tốt nhất có thể rồi
b. Nói rằng do bị ảnh hưởng của cơn đau đầu nên con mới không làm tốt được bài thi
c. Khẳng định rằng không nhất thiết phải giỏi toán
d. Nói rằng con bạn có năng khiếu về con số và lần sau sẽ đạt được điểm 10 như ý muốn
e. Nói rằng con bạn vẫn chưa xứng đáng với con điểm 10
Cùng kiểm tra lại từng đáp án trên:
a. Phản hồi này mang tính chất không thành thật và không đề ra cách để con bạn cần cải thiện 
b. Bạn đang viện một cái cớ để cho con bạn có thể đổ lỗi, bạn có muốn con bé lớn lên trong sự đỗ lỗi cho những điều xung quanh thay vì sự thiếu sót của bản thân?
c. Đây là phản hồi của tư duy cố định, bạn đang dạy con bạn hạ giá trị của môn toán xuống khi chúng không đạt được kết quả như ý tại thời điểm ấy
d. Liệu năng khiếu về con số sẽ tự động dẫn con bé đến điểm 10 môn toán? Nếu con bé không đạt được điểm 10 hiện tại điều gì chắc chắn con bé có thể đạt được trong lần tiếp theo?
e. Câu trả lời có vẻ khó nghe nhưng đây là sự phản hồi tốt nhất để giúp con bạn nuôi dưỡng sự cố gắng trong lần thi kế tiếp. 
Bạn có thể ứng dụng câu trả lời e theo một cách nhẹ nhàng hơn như sau: "Ba mẹ hiểu cảm giác của con hiện tại như thế nào, sự thất vọng khi đã cố gắng nhưng vẫn không đạt được điểm 10 môn toán như con mong muốn. Nhưng con biết không, điều đó vẫn chưa đủ. Có nhiều bạn đã luyện tập chăm chỉ hơn con để đạt được điểm số tốt hơn. Nếu điểm 10 môn toán thật sự quan trọng với con, con phải đầu tư thêm nhiều thời gian hơn nữa để đạt được." Như vậy con bạn sẽ có động lực để nhìn nhận vấn đề, cố gắng luyện tập nhiều hơn để đạt được điều con bé mong muốn.
Ứng dụng của tư duy không bao hàm gói gọn trong việc phát triển bản thân và sự nghiệp, chúng hiện hữu trên mọi lĩnh vực của cuộc sống xung quanh. Nếu học được thói quen hình thành một tư duy phát triển bạn có thể linh hoạt áp dụng một cách hiệu quả vào những vấn đề thường trực mà mình đối mặt hằng ngày.

Làm thế nào để xác định tư duy hiện tại của mình?

Giảng viên của môn lab này đã cho chúng tôi làm một bài khảo sát nhỏ để xác định thực tại trạng thái tư duy của mỗi người, một bài trắc nghiệm đơn giản và kết thúc bằng việc cộng dồn số điểm lại với nhau để xác định mức độ tư duy của người tham gia. 
Để đảm bảo tính công bằng khi thực hiện bài khảo sát, bạn nên thành thật khi trả lời câu hỏi và quay lại đọc tiếp đoạn bài viết sau
Tôi đã dịch lại các câu hỏi theo đường link sau: Bảng khảo sát về tư duy
Nếu bạn đã thực hiện xong bảng khảo sát thì bạn phần nào đã có câu trả lời về tư duy hiện tại của mình: nằm trong ba thang điểm đầu nghĩa là bạn có tư duy cố định và hai thang điểm sau bạn thuộc tư duy phát triển. 
Nếu bạn không có thời gian để làm khảo sát, bạn có thể nhìn qua các yếu tố dưới đây và tự đánh giá bản thân mình theo những tiêu chí của từng nhóm tư duy.

Một số yếu tố xác định tư duy của bạn theo tiến sĩ Carol Dweck (nguồn dịch: formyoursoul)
Dù cho bạn thuộc nhóm tư duy nào đi chăng nữa, bạn cũng không nên quá hoang mang hay vui mừng, đây chỉ mới là bước đệm để xác định thực tại của bản thân. Bước tiếp theo làm thế nào để phát triển trên những cái bạn có mới là điều quan trọng .

Thực tập tư duy phát triển

Theo nghiên cứu khoa học não bộ thì não của con người có khả năng không ngừng phát triển và cập nhật thông tin, nó không giới hạn vào độ tuổi như những nghiên cứu trước đây cho thấy. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là neuroplasticity (độ dẻo dai / khả biến của thần kinh).

Video trên cung cấp thông tin về cơ chế hoạt động của neuroplasticity - rằng não bộ có thể giúp con người thay đổi và hình thành một thói quen mới nếu chúng ta thực tập thói quen đó nhiều hơn. 
Đây là lý do tôi đề cập ở trên, sau khi bạn đã biết được kết quả về nhóm tư duy mà mình đang có, bạn không nên hoang mang hay vui mừng vì kết quả đó chỉ mang tính chất của hiện tại. Và giảng viên của lớp chúng tôi bảo rằng, mỗi con người đều có thể cùng lúc tồn tại cả hai tư duy, chỉ là tư duy nào sẽ nhỉnh hơn. Do đó bạn phải kiên trì thực tập và học hỏi để luôn giữ cho mình một tư duy phát triển.
Tham khảo từ bài diễn thuyết TED talk của Eduardo Briceno, có rất nhiều cách để hình thành tư duy phát triển, nhưng có thể tham khảo trong ba cách sau: 
1. Xây dựng niềm tin rằng việc thực tập tư duy phát triển không chỉ mang lại lợi ích mà còn được củng cố bởi các nghiên cứu khoa học, đồng khái niệm của neuroplasticity - tức là bạn phải tin rằng não bộ của mình có thể không ngừng thay đổi và cập nhật kiến thức mới khi bạn luôn nỗ lực để cải thiện, bạn không bị giới hạn bởi một khả năng nào đó có sẵn (mọi thứ bắt đầu từ việc hình thành niềm tin).
2. Luôn học hỏi và chia sẽ với nhau làm cách nào để cải thiện năng lực bản thân của mỗi người, thoát khỏi sự đố kị thành công của người khác, thay vào đó là tìm đến học hỏi những kỹ năng, điều gì giúp họ tốt hơn. Đồng thời chia sẽ lại những gì bạn đã tích lũy được.
3. Lắng nghe tư duy cố định phát ra trong tâm bạn và trả lời chúng bằng tư duy phát triển. Nếu bạn nghe được "ồ tôi không thể làm được điều đó" hãy trả lời lại rằng: "chỉ là tình trạng tạm thời mà thôi". 
Não bộ của chúng ta có khả năng thay đổi và cập nhật liên tục, bạn không bị mãi vướng vào một trạng thái tư duy nào nhất định, điều bạn cần làm là kiên trì với những thói quen để hình thành một tư duy phát triển. 
Các bạn nghĩ như thế nào về khái niệm hai loại tư duy trình bày trong bài viết? Mong chờ sự phản hồi từ các bạn để cùng nhau bàn luận và đào sâu vấn đề.
--------------------------------------------------------------------
Nguồn tham khảo của bài viết:
Bài viết được tổng hợp và Việt hóa lại từ kiến thức môn học "Growth mindset and Venture Design" của giảng viên Andrea Cocchi trường Đại học Milan
Những nguồn mà thầy chia sẻ trong bài giảng bao gồm:
The Power of belief -- mindset and success | Eduardo Briceno | TEDxManhattanBeach https://www.youtube.com/watch?v=pN34FNbOKXc
Mindset: How You Can Fulfil Your Potential by Carol Dweck ► Growth Mindset Book Summary https://www.youtube.com/embed/kkE1lC4CpIE
Nghiệm1001 
24/10/2020