"Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm. Chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta. Không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch". 
Lời dạy này đã nói lên triết lý của Đạo Phật, cũng nói lên sự khác biệt giữa Phật giáo và những loại hình tôn giáo khác, đó là: Mọi sự đều bắt nguồn từ chính bản thân mình. 
Trong Phật Giáo không có Thần Linh vạn năng, bắt buộc tín đồ phải sợ hãi cúi đầu vâng lệnh. Đức Phật không khi nào và không thể nào ban bố những ân huệ cho người cầu nguyện. Người Phật tử phải nhận lãnh trách nhiệm, cố gắng trau dồi đức hạnh, kiên trì tu tập để tự thanh lọc và giải thoát. Nói cách khác, người Phật tử không lệ thuộc người khác mà phải nương nhờ nơi mình, tự mình cố gắng. 
Đó cũng là bài học mà Đức Phật đã rút ra từ hành trình giác ngộ của mình.

Cuộc sống trong hoàng cung 

Vào khoảng thế kỷ 6-5 trước Công nguyên tại vùng Lumbini, gần biên giới giữa Nepal và Ấn Độ ngày nay, Đức Phật - hay lúc này vẫn được biết đến với tên gọi Tất Đạt Đa đã ra đời. Người là con trai của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Vua Tịnh Phạn là vị vua của dòng dõi Thích-ca, một trong những gia tộc quyền lực ở vùng Ca Tỳ La Vệ, ngày nay là miền đông Nepal. 
Tương truyền, trước khi sinh hạ hoàng tử, hoàng hậu Maya đã mộng thấy một con voi trắng sáu ngà từ trên trời đi xuống. Trên không vang lên tiếng nhã nhạc và ca hát chúc tụng. Da của voi trắng như tuyết trên đỉnh núi và vòi của nó quấn một đóa sen hồng. Con voi tới gần bà, đưa đóa hoa chạm vào người bà, rồi đi vào trong bà.
Giấc mộng của hoàng hậu Maya
Giấc mộng của hoàng hậu Maya
Tỉnh giấc, hoàng hậu tìm nhà vua, kể lại với ngài về giấc mộng. Sáng hôm ấy, vua vời những đạo sĩ và những thầy bà la môn nổi tiếng ở kinh đô vào cung để nhờ đoán mộng. Sau khi nghe kể, các vị đều nói rằng hoàng hậu sẽ hạ sinh một hoàng tử. Đặc biệt, thái tử sau này sẽ trở thành một vĩ nhân, hoặc một nhà lãnh đạo cho cả cõi người và cõi trời. “Cõi đất của chúng ta, tâu bệ hạ, đã chờ đợi từ lâu rồi một người như thái tử!”
Mùa xuân năm sau, đúng vào ngày trăng tròn tháng tư, hoàng hậu hạ sinh thái tử trên đường từ Ca Tỳ La Vệ về vương quốc Câu-lợi quê hương bà. 
Tục lệ của Ấn Độ lúc bấy giờ là người con gái có chồng phải về sinh con tại nhà cha mẹ. Trên đường đi, hoàng hậu đã ghé vào nghỉ tại vườn Lâm Tỳ Ni. Trong vườn muôn hoa đang nở rộ, chim chóc đang ca hát vang lừng. Thấy một cây hoa Vô Ưu nở rực đầy cành, bà bước tới. Khi tới gần cây, bà thấy hơi lảo đảo, vội đưa tay nắm chặt một cành cây Vô Ưu. Một giây sau đó, bà sinh em bé. Thái tử được các thị nữ nâng lên và bọc lại trong một tấm khăn choàng bằng lụa màu vàng, quay trở về Ca Tỳ La Vệ.
Được tin, vua Tịnh Phạn vui mừng khôn xiết, đặt tên cho thái tử là Tất Đạt Đa - nghĩa là người đem đến điều tốt lành. Nhà vua cũng truyền mời các thầy tướng giỏi đến coi số cho thái tử. 
Trong đó, đặc biệt có một đạo sĩ bà la môn tên là A tư đà. Gặp thái tử, A tư đà đã khóc nấc lên mà bảo rằng: “Tôi biết thái tử sau này sẽ thành một bậc vĩ nhân, thấu suốt được mọi lẽ huyền vi trong vũ trụ. Thái tử sẽ không làm vua đâu: thái tử sẽ làm một vị đạo sĩ lấy trời đất làm quê hương, lấy muôn loài làm thân tộc. Tôi khóc là vì tôi sẽ chết trong nay mai, và chẳng có diễm phúc được nghe tiếng nói chân thốt ra từ miệng Người. Bệ hạ có phúc lớn lắm, nước nhà có phúc lớn lắm mới có được thái tử.”
Cuộc viếng thăm này làm nhà vua rất bâng khuâng. Vua Tịnh Phạn muốn Tất Đạt Đa sẽ trở thành người kế nghiệp, mở mang bờ cõi thay vì làm một đạo sĩ. Điều này đã ảnh hưởng đến cách nhà vua nuôi dạy thái tử sau này. 
Sau khi sinh Tất Đạt Đa được tám ngày thì Hoàng hậu Maya qua đời. Cả nước thương tiếc bà. Vua Tịnh Phạm đưa em ruột của bà là bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề vào cung, lên ngôi hoàng hậu, tiếp tục chăm sóc Tất Đạt Đa. 
Năm Tất Đạt Đa 9 tuổi, vua cha cho cậu tham gia lễ cày ruộng đầu năm. Tại đây, thái tử thấy cảnh người nông dân làm việc trên đồng, con trâu nặng nhọc kéo cày, những con giun từ dưới đất chui lên bị lưỡi cày xắn làm hai khúc,.... Bị ấn tượng bởi cảnh này, thái tử rời khỏi buổi lễ để đến dưới tàn cây hồng táo, ngồi thiền chiêm nghiệm về những gì đã thấy. Người ngồi thẳng với tư thế uy nghiêm, như một bức tượng nhỏ dưới gốc cây.
Nhìn thấy cảnh này, vua Tịnh Phạm lo ngại, nếu con mình mới chín tuổi đã biết ngồi trầm tư như thế thì lời tiên tri của A Tư Đà sẽ thành sự thật.
Mong muốn con mình không xuất gia trở thành đạo sĩ, khi Tất Đạt Đa đến tuổi trưởng thành, nhà vua đã tổ chức yến tiệc để kén vợ cho thái tử. Tại đây, Tất Đạt Đa đã gặp gỡ và yêu mến Da Du Đà La - con gái của vua Dandapani nước lân cận. Đám cưới được tổ chức vào năm thái tử 24 tuổi.
Đám cưới của Tất Đạt Đa và Da Du Đà La
Đám cưới của Tất Đạt Đa và Da Du Đà La
Nhà vua mong muốn con trai của mình sẽ không có ý lìa bỏ vương quốc, nên ông đã ra lệnh cho xây ba cung điện tuyệt đẹp cho đôi vợ chồng mới cưới ở.
“Ta muốn xây một cung điện mùa hè làm bằng cẩm thạch mát rượi và bao quanh là những ao hồ, những suối nước mát. Cái thứ hai là cung điện mùa Đông, ấm áp và thoải mái. Cái thứ ba sẽ dùng cho mùa mưa. Vị trí của các cung điện này sẽ ở giữa một công viên lớn, với cảnh đẹp nhìn từ mọi mặt. Một bức tường cao lớn xây bao quanh công viên để những thứ phiền toái ở bên ngoài không thể xâm nhập được. Mọi thứ đều phải tốt đẹp hoàn hảo để Tất đạt đa không bị bất cứ yếu tố nào tác động được”.
Nhà vua mời những dàn nhạc tài nghệ trong nước đến biểu diễn suốt ngày đêm, để tất cả người phục vụ đều là những cô gái trẻ đẹp giỏi khiêu vũ, các món ăn được thay đổi liên tục. Quan trọng nhất, không ai được phép vào trong cung điện làm xáo trộn tâm trí thái tử, gợi cho thái tử ý niệm từ bỏ cung điện.
Đã nhiều năm qua, thái tử Tất Đạt Đa sống trong cảnh thiên đường ấy. Từ sáng tới tối người được tiêu khiển bằng hàng ngàn thứ khác nhau, bao quanh bởi những người, những vật đều xinh đẹp, nghe những âm thanh êm dịu ngọt ngào. Nếu có một người nữ hầu bị bệnh, cô ta sẽ lập tức được đưa đi chỗ khác cho đến khi nào lành bệnh mới được trở lại. Ngay cả một cây hoa trong vườn nếu bắt đầu héo rũ, người làm vườn lập tức phải nhổ bỏ đem đi nơi khác. Với những biện pháp này, nhà vua muốn thái tử không biết gì về những nỗi đau khổ và những điều bất hạnh trong cuộc sống hiện thực.
Sau khi có con trai đầu lòng vào năm 29 tuổi, Tất Đạt Đa ngỏ lời với vua cha muốn được ra khỏi thành du ngoạn, để nhìn thấy thế giới bên ngoài cung điện. Nhà vua đồng ý vì cho rằng đây là thời điểm thích hợp để thái tử nhìn rõ cuộc sống thực tế, trở thành người cai trị cho vương quốc. 
Tất Đạt Đa có bốn chuyến thăm ra khỏi kinh thành. Trước mọi chuyến thăm, nhà vua Tịnh Phạm đều ra lệnh người dân phải trang hoàng nhà cửa, đường phố, đem theo quan lại giám sát vi hành cùng thái tử, để đảm bảo Tất Đạt Đa không gặp phải hay bị sầu muộn bởi bất cứ vấn đề gì. 
Nhưng ở chuyến thăm đầu tiên, Tất Đạt Đa thấy một người đàn ông lớn tuổi, da mặt ông nhăn nheo và tái nhợt. Xa Nặc - người hầu cận thân thiết của thái tử đã chỉ cho người biết rằng bất cứ ai rồi cũng già đi, sức khỏe cũng giảm sút, thân thể khom dần, gương mặt trở nên héo tàn,... Tất cả mọi người đều phải trải qua tuổi già. 
Đến chuyến viếng thăm thứ hai, thái tử lại thấy một người đàn ông kia đang ho dữ dội, run cả thân thể và rên rỉ thảm thương. Xa Nặc lại giải thích với thái tử rằng người ấy đang bị bệnh, rằng bệnh tật không chừa bất cứ ai, dù một người có khỏe đến đâu. 
Qua chuyến viếng thăm thứ ba, nhà vua thậm chí còn cử những quan lại, nhạc công và người hầu hộ tống thái tử. Nhưng, thái tử lại nhìn thấy một cảnh tượng đau buồn khác - một nhóm người đang mai táng cho một người chết. 
Xa Nặc cho thái tử hiểu rằng cái chết là điều không thể tránh khỏi. Một người lớn lên trải qua bao nhiêu vui buồn hỷ nộ ái ố rồi cũng sẽ không tránh khỏi già đi, ốm đau bệnh tật và cuối cùng là cái chết. 
Sinh - Lão - Bệnh - Tử: Những điều này bất cứ ai cũng phải trải qua. Phát hiện này làm cho Tất Đạt Đa vô cùng buồn bã và băn khoăn. Nếu những đau khổ này đều không thể tránh được, dù sớm hay muộn, thì làm sao thái tử có thể tận hưởng niềm vui lạc thú như trước đây, khi biết rằng chúng rồi cũng sẽ biến mất. Đây cũng là lúc người khao khát tìm ra con đường giải thoát khỏi khổ đau. 
Đến chuyến vi hành thứ tư, thái tử gặp một người xuất gia tu hành đang đi khất thực. Thái tử tiến đến và hỏi người ấy lý do tu hành. Người đạo sĩ đã trả lời rằng mình nhận thức được sự vô thường, nên không muốn đắm chìm trong dục lạc, mà muốn thoát khỏi những ràng buộc để được tự do. “Vì muốn thoát khỏi nỗi khổ sinh - lão - bệnh - tử, muốn hy sinh thân mình để tìm ra chân lý cứu độ chúng sinh thoát khỏi vô minh đau khổ, nên tôi phát nguyện xuất gia tìm đạo. Mục đích duy nhất của tôi hiện nay là tìm cho ra hạnh phúc hoàn hảo nhất và cao thượng nhất.”
Nghe xong những lời này, thái tử nhận ra đây chính là con đường dành cho mình.
Khi thưa lại ý định này với vua cha, vua Phạm Thịnh đã tức giận bảo rằng thái tử phải ở lại để cai trị vương quốc. Nhưng Tất đạt Đa đã tâu lại rằng:
“Con sẽ ở lại nếu cha hứa với con bốn điều sau đây: làm sao cho con trẻ mãi không già, làm sao cho con khỏe mãi không bệnh, làm sao cho con sống mãi không chết và làm sao cho con hết khổ đau. Nếu như cha không hứa giúp được con những điều này thì con phải ra đi tìm câu trả lời”.
Nhà vua lúng túng, cố gắng gạt đi những câu hỏi này, nhưng thái tử vẫn kiên quyết: “Thưa cha, nếu cha không thể cứu con thoát khỏi những nỗi lo già, bệnh, chết và khổ đau, thì xin cha cho con đi để con tìm đường tự cứu lấy mình. Không nên giữ con như một tù nhân ở đây”.
Mặc cho sự phản đối của vua cha, tối đấy thái tử thầm tạm biệt người vợ và con trai, cùng với Xa Nặc và con ngựa Kiền Trắc rời khỏi cung thành. 

Rời khỏi cung điện, đi tìm con đường giải thoát 

5 năm tầm đạo

Sáng sớm hôm ấy, Tất Đạt Đa rời khỏi cung với người hầu cận Xa Nặc. Qua khỏi con sông Anoma, hai người chia tay. Thái tử cắt tóc của mình, trao lại tóc, kiếm và tràng ngọc cho Xa Nặc để đem lại về cung. 
Sau đó, Tất Đạt Đa vào rừng, đổi áo choàng với một người thợ săn để lấy chiếc áo sa môn. Giờ đây, thái tử thấy mình đã thật sự trở thành một người xuất gia. Người ngồi thiền tọa dưới một gốc cây, đến tận khi nắng lên cao. 
Hành trình tầm đạo của người bắt đầu từ đấy. Trong 5 năm tu học, Tất đạt đa đã tới thụ giáo với hai đạo sư danh tiếng nhất thời bấy giờ là A-la-la Ca-lam và Uất-đầu-lam-phất. Cả hai đều chứng được những cấp thiền định cao nhất thời bấy giờ, A-la-la Ca-lam chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ - trạng thái nhận thấy không có một hiện tượng nào thật sự hiện hữu như tri giác của ta tưởng, còn Uất-đầu-lam-phất thì chứng được cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ - trạng thái không còn tri giác. 
Đầu tiên, Tất Đạt Đa đến đạo tràng của đạo sư A-la-la Ca-lam để thụ giáo. Tới đây, người  được chỉ dẫn về việc khất thực, học cách ôm bát, học cách đi, cách đứng, cách nhận thức cúng dường và cách chú nguyện để cảm tạ người thí chủ. 
Sau đó, Tất Đạt Đa được đạo sư chỉ dạy về cách thở và sự tập trung tâm ý. Đạo sư chỉ dẫn về những trạng thái thiền định, mà muốn thực hiện cho được những trạng thái đó thì phải “bỏ hết những vọng tưởng về quá khứ, về tương lai và chỉ nhắm về hướng giải thoát mà thôi”. Tất Đạt Đa thực tập rất chuyên cần. Cứ năm bảy hôm, người lại trở về với đạo sư A-la-la Ca-lam để thỉnh giáo về những chỗ còn kẹt. Tu như vậy trong ít lâu, người đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. 
Theo đó, Tất Đạt Đa ban đầu theo dõi hơi thở, rồi bám sát, dính chặt vào hơi thở một cách liên tục, không gián đoạn. Dần dần, hơi thở của người càng lúc càng nhẹ nhàng, chỉ còn như làn khí mỏng manh tới lui. Kiên định theo dõi làn khí ấy thì thấy nó càng lúc càng trong và sáng ra. Cứ chú mục mãi vào cái trong và cái sáng ấy thì lát sau, cảm nhận về thế giới bên ngoài cũng dần biết mất, cái “tướng sáng” của hơi thở càng lúc càng trong. An trú tâm vào cái tướng sáng trong ấy, Tất Đạt Đa cảm nhận niềm an lạc, hạnh phúc chưa từng có trong đời. Tuy nhiên trong niềm an lạc này, người vẫn thấy có bóng dáng và mầm mống của những suy tư. 
Mấy tuần sau, trong một trạng thái thiền định cao hơn, Tất Đạt Đa loại trừ được các mầm mống của suy tư, rồi người đi vào được một trạng thái trung tâm ý trong đó ý niệm về an lạc và không an lạc cũng không còn. Trong trạng thái tập trung đó, năm cánh giác quan dường như cũng đã hoàn toàn đóng lại. 
Sau khi đạt được thành tựu này, đạo sĩ A-la-la Ca-lam dạy tiếp cho Tất Đạt Đa về phương pháp thực hiện một trạng thái thiền định gọi là “không vô biên xứ”, trong đó tâm của người tu hành được đồng nhất với không gian vô tận. Trong không gian ấy mọi hiện tượng vật chất và mọi hình sắc đều tan biến.
Đạo sĩ chỉ cho Tất Đạt Đa hãy từ bỏ hơi thở, chỉ chú tâm vào cái “tướng sáng” đã nhận ra ban đầu. Chỉ tập trung vào đấy, đến khi mọi vật chất, mọi hình sắc đều tan biến, chỉ còn lại hư không rộng lớn, mênh mông, vô biên.
Trong chưa đầy ba hôm sau, Tất Đạt Đa đã đến đến “hư không vô biên”, trong đó mọi cảm giác, mọi ý niệm về khổ và lạc cũng tan biến. Càng chú tâm vào đấy thì cả nội tâm và thế giới bên ngoài cũng biến mất, không còn cái tôi hay mong muốn sở hữu, kiểm soát nữa, tất cả chìm vào “hư không vô biên” ấy. Nhưng đến khi xả thiền, đi vào xóm làng khất thực, Tất Đạt Đa thấy mình vẫn không được chuyển hóa. Tâm trí người vẫn còn nguyên những câu hỏi, những khát vọng chưa được thỏa mãn... vẫn còn dính mắc trong sinh tử. An trú trong định đấy, người vẫn chưa thấy được con đường giải thoát thật sự. 
Tất Đạt Đa trở lại với A-la-la Ca-lam và trình bày tri kiến của mình. Đạo sư khuyên người rằng: “Con phải bước lên thêm một nấc nữa”, “Cái hư không vô biên mà con đạt tới đó, nó cũng cùng một chất liệu với tâm thức con. Nó không phải là đối tượng của tâm thức con mà nó chính là tâm thức con. Vậy con hãy nỗ lực mà đạt cho được trạng thái thiền định kế tiếp là “thức vô biên xứ”.”
Khi hiểu rằng tâm thức chính là điều tạo nên hư không vô biên, thì thức cũng sẽ trở thành vô biên. Vì hiểu biết của chúng ta nương theo hư không, nên hư không tới đâu, hiểu biết của ta tới đó. Vì thế, một vị đạo sư ngồi một nơi nhưng trí tuệ rọi khắp mười phương thì hiểu biết của họ đi khắp mười phương, điều này gọi là “Thức vô biên xứ”.
Tất Đạt Đa trở về góc rừng của mình. Chỉ trong vòng hai hôm, người thực hiện được thiền thức vô biên xứ. Người thấy được tâm thức mình trong một hiện tượng vũ trụ. Dù vậy, người vẫn không thấy những sầu đau và thao thức của mình được giải quyết.
Tất Đạt Đa trở về với vị đạo sĩ và trình bày vướng mắc của mình. Đạo sĩ A-la-la Ca-lam nói: “Con đã đi gần tới đích. Hãy trở về quán chiếu về tính cách hư giả - không thật của vạn pháp - tức tất cả những gì mà ý thức có thể cảm nhận được. Mọi hiện tượng trong vũ trụ đều do tâm thức ta tạo nên. Hình sắc, âm thanh, hương, vị, và những xúc chạm, nóng lạnh, cứng mềm đều là những sáng tạo của tâm thức. Phải đạt cho được cảnh giới “vô sở hữu xứ” thì con sẽ thành công. “Vô sở hữu xứ” là cảnh giới trong đó ta thấy được rằng không có một hiện tượng nào thật sự hiện hữu như tri giác của ta tưởng.”
Trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng, Tất Đạt Đa đã thực hiện được định “vô sở hữu xứ”, không còn dính mắc với bất cứ điều gì. Tuy nhiên, cũng như những bậc thiền khác, đến lúc trở về với cảm giác thông thường thì mọi thao thức, trăn trở về chuyện sống chết, vẫn còn y nguyên trong Tất Đạt Đa.
Nhưng giờ đây, người đã đến bậc thiền cao nhất mà đạo sư A-la-la Ca-lam đạt được. Đạo sư mời Tất Đạt Đa ở lại để dìu dắt giáo đoàn tu sĩ. Nhưng người từ chối, vì “vô sở hữu xứ” tuy là một hoa trái quý giá của sự tu học nhưng không giải quyết được vấn đề sinh tử, không giải phóng được người khỏi những sầu đau và thao thức căn bản, không đưa người đến chỗ giác ngộ hoàn toàn. 
Sau đấy, nhờ các thiền sư khác mách bảo, Tất Đạt Đa tìm tới đạo tràng của đạo sĩ Uất-đầu-lam-phất để học về tầng thiền cao hơn của “vô sở hữu xứ”. Đạo sĩ chia sẻ với Tất Đạt Đa rằng trong “vô sở hữu xứ” chỉ còn lại tri giác - tức nhận biết qua 5 giác quan là thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm. Nhưng tri giác cũng là tưởng, mà còn tưởng tức là còn đối tượng của tưởng, còn tri giác là còn đối tượng của tri giác. Vậy thì con đường giải thoát là vượt được tri giác.
Đó chính là trạng thái “phi tưởng phi phi tưởng”. Đây là trạng thái mà tâm thức ngưng động, mọi quan sát gần như dừng hẳn. Tâm quan sát vẫn có mặt, nhưng ở một mức độ vi tế đến nỗi người thiền hành không còn “tưởng”, cũng không còn “không tưởng”. Để đạt được trạng thái này, người phải hoàn toàn buông bỏ cái ngã - cái tôi của mình, buông bỏ tất cả mọi chấp kiến về ngã, về hiện tại là ai, sẽ là ai, hay có thể là ai.
Trạng thái này Tất Đạt Đa cũng sớm đạt được. “Phi tưởng phi phi tưởng” làm cho người cảm tưởng đạt tới một cảnh giới của nhận thức vượt ra ngoài mọi nhận thức thông thường, nhưng mỗi khi ra khỏi thiền định, người thấy cái nhận thức phi thường vẫn không thay đổi được tình trạng của thực tại sinh tử. Định ấy chỉ là một nơi trú ẩn mà không phải là một chìa khóa mở cửa thực tại.
Vì dù có đạt đến trạng thái ấy thì khi vẫn không thể tách rời hoàn toàn khỏi cái tôi, khỏi cảm giác và tri giác, mà đã có những điều này thì vẫn có cảm xúc, vẫn vướng mắc với sinh tử. 
Cũng như lần trước, khi đã đến tầng “phi tưởng phi phi tưởng”, Tất Đạt Đa cũng được đạo sư mời ở lại, cùng cai quản giáo phái. Nhưng người một lần nữa ngỏ lời khéo léo để từ giã, vì với người đây cũng không phải là con đường giải thoát. 

6 năm khổ hạnh

Sau 5 năm tầm đạo, Tất Đạt Đa nhận thấy rằng có đi tham vấn bao nhiêu vị đạo sư đi nữa thì cũng không học hỏi thêm được điều gì đáng kể. Người quyết định trở về tìm kiếm chìa khóa giác ngộ ngay trong tự tâm mình. Hướng về phía Tây, Tất Đạt Đa vượt qua những cánh đồng lúa, những vũng bùn lầy lội, những đầm nước đọng và những dòng suối đục ngầu để đến vùng Uruvela, nơi chốn với nhiều hang động.
Tất Đạt Đa quyết định lưu lại đây một thời gian, trú tại một hang động, để tìm cho ra nẻo thoát. 
Lúc trước, Tất Đạt Đa đã gặp những người tu theo phái khổ hạnh - những người này không nhận thức ăn cúng dường của nhân gian mà chỉ ăn rễ cây, đọt cây và trái rừng. Họ để cho nắng gió và mưa bão hành hạ xác thân. Tất Đạt Đa từng cho rằng hành hạ xác thân như thế chỉ gây thêm khổ đau, trong khi cuộc đời đã có nhiều đau khổ rồi. Nhưng giờ đây, người muốn xét lại điều ấy một cách kỹ lưỡng hơn. Ngồi trong hang đá, người tự bảo với lòng: “Với một miếng gỗ mềm và ướt thì ta không thể nào cọ xát làm cho lửa phát sinh được. Thân thể ta cũng vậy, nếu thân thể ta còn bị vật dục khống chế thì tâm ta khó có thể đạt tới giải thoát. Ta hãy tìm cách chế ngự thân thể ta xem sao.
Ngày tháng qua đi, sau 6 năm, thân thể người đã hao gầy đi rất nhiều. Có lúc thậm chí, Tất Đạt Đa bỏ luôn cả việc tắm rửa, chỉ ăn một trái ổi thối lượm được. Thân hình người trở nên tiều tuỵ, chỉ còn da bọc lấy xương. Bao nhiêu xương sườn của người đều lộ rõ ra. Có khi người đưa tay lên sờ đầu và thấy tóc rụng xuống từng mảng. 
6 năm khổ hạnh của Tất Đạt Đa
6 năm khổ hạnh của Tất Đạt Đa
Cho đến một hôm, ngồi thiền định trong bãi tha ma dưới chân núi, Tất Đạt Đa bừng tỉnh, thấy được rằng con đường khổ hạnh là con đường sai lầm. Người nhận ra rằng thân và tâm là một thực thể không thể tách rời, và sự an lạc của thân có liên hệ tới sự an lạc của tâm. Hành hạ xác thân vì vậy cũng là hành hạ tâm trí.
Ký ức của Tất Đạt Đa trở về thời niên thiếu, hồi người mới lên chín tuổi, khi lần đầu tiên người ngồi yên lặng dưới bóng mát cây hồng táo trong ngày lễ cày ruộng đầu năm. Cảm giác hồi ấy là một cảm giác an lạc, làm cho người tỉnh táo và sáng suốt lạ thường. 
Tất Đạt Đa cũng nhớ lại lúc người ngồi tập thiền lần đầu tiên trong rừng ngay khi vừa từ giã người hầu cận Xa Nặc, và những ngày đầu khi tập thiền với đạo sư A-la-la Ca-lam: Lúc đấy, người nhận thấy sự an lạc mà thiền đem lại. Người nhớ sau đó nghe lời đạo sĩ A-la-la Ca-lam, người phải bỏ pháp lạc trong thiền để đạt tới những trạng thái thiền định trong cõi vô sắc như "không vô biên xứ", "thức vô biên xứ", "vô sở hữu xứ", và "phi tưởng phi phi tưởng xứ". Những trạng thái này luôn luôn tìm cách tách người rời khỏi cảm giác và tri giác. 
Giờ đây, Tất Đạt Đa bỗng nhận ra rằng những an lạc ấy không dính líu với năm loại dục lạc về tiền bạc, sắc đẹp, hay địa vị,... Trái lại, an lạc ấy có thể có thể nuôi dưỡng hình hài và tâm hồn để mỗi người có đủ sức mạnh mà đi xa trên đường giác ngộ.
Việc tự hành xác trong rừng rậm, cũng giống như tận hưởng dục lạc nơi cung điện, đều không phải là con đường giải thoát. Muốn tìm ra chân lý, Tất Đạt Đa nhận ra mình phải đi theo con đường trung đạo, không nên hưởng thụ quá và cũng không nên khổ hạnh quá. Nói cách khác, con đường này không giúp loại bỏ những khổ hạnh, dục lạc mà giúp chúng ta biết cách kiềm chế, vượt lên những bản năng cơ bản của con người.
Người quyết định ngừng lối sống khổ hạnh, bỏ hang động, dời về khu rừng êm mát bên bờ sông để hành đạo.

Con đường giác ngộ

Ngồi dưới gốc cây bồ đề, Tất Đạt Đa tập trung hết định lực và quán chiếu vào nội thân. Người cương quyết phát nguyện rằng: “Nếu ta không đạt được đạo quả, cho dù phải bỏ mạng tại đây, ta cũng sẽ không rời khỏi nơi này!”.
Truyền thuyết kể rằng, Thiên Ma Ba Tuần - vốn đại diện cho mong muốn nhục dục - không muốn Tất Đạt Đa giác ngộ. Vì nếu người tìm ra con đường chấm dứt khổ đau thì sức mạnh của Thiên ma sẽ bị tổn thất. 
Để ngăn cản điều này, Thiên Ma Ba Tuần tạo ra một trận bão khủng khiếp và phóng những tia sấm sét xuống quanh Tất Đạt Đa. Thế nhưng bên dưới những nhánh cây, mọi thứ vẫn yên lặng. Nó được che chở bởi năng lực thiền định của người.
Thấy rằng trận bão vừa qua đã không đạt kết quả, Thiên Ma Ba Tuần quay sang ra lệnh cho lũ đệ tử tấn công. Toàn thể lũ yêu ma độc ác quay lại tấn công Tất đạt đa. Chúng chạy đến chỗ người la hét dữ dội. Chúng bắn những mũi tên độc căm thù đến người. Song, những mũi tên này khi bay tới chỗ Tất Đạt Đa lại biến thành những cánh hoa sen và rơi xuống vô hại cạnh bên chân người. 
Thiên Ma nghĩ nếu vũ khí không làm hại được Tất Đạt Đa, vậy hãy sử dụng sắc dục để quấy nhiễu tâm trí người. Tất cả lũ yêu ma biến thành những cô gái đẹp nhất và quyến rũ nhất. Những cô gái hấp dẫn này khiêu vũ phía trước người, nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến sự thiền định của người. 
Cảm thấy thất bại, Thiên Ma Ba Tuần xuất chiêu cuối cùng, chế giễu Tất Đạt Đa rằng: “Có biết bao vĩ nhân đã bỏ cuộc khi đi tìm chân lý, ông nghĩ rằng mình sẽ thành công ư? Hãy từ bỏ việc thiền định này đi, hoặc ít nhất cũng cho ta thấy bằng chứng là ông sẽ thành công?”
Những lời nói này không làm phiền đến Tất Đạt Đa. Người im lặng nhấc tay phải khỏi lòng bàn chân, đưa ra phía trước và đụng xuống đất. Chính mặt đất này là nhân chứng của Người. 
Đã vô số kiếp người xuất hiện trên mặt đất này với nhiều hình dạng khác nhau. Qua mỗi kiếp sống, Tất Đạt Đa đã thực tập lòng khoan dung và tính kiên nhẫn, người đã thực hành yêu thương và tránh làm hại kẻ khác, người đã tập trung cho việc tìm chân lý. Người đã làm tất cả những việc này. Khi thì người là nam, khi là nữ, khi là người giàu, khi là kẻ nghèo - đã nhiều kiếp qua, người làm những việc này chỉ vì mục đích khám phá ra con đường chấm dứt tất cả khổ đau. Chính trái đất này là nhân chứng của người.
Thiên Ma biết mình đã thất bại, tan biến như một cơn gió. 
Thiên Ma Ba Tuần quấy nhiễu Tất Đạt Đa
Thiên Ma Ba Tuần quấy nhiễu Tất Đạt Đa
Sau khi Thiên Ma rời đi, dần dần tâm trí của Tất Đạt Đa trở nên yên lặng và êm dịu. Sự tập trung của người càng sâu thêm và tâm trí càng sáng hơn. 
Nhờ đó, người đã nhìn thấy những kiếp quá khứ. Người thấy rằng khi một đời sống này chấm dứt thì đời sống khác bắt đầu. Chết chỉ là một sự chấm dứt của thể xác, đời sống lại tiếp tục tìm kiếm một thân xác mới và cứ tiếp diễn mãi như vậy. Người cũng trông thấy được tất cả những sinh diệt của mình trong các kiếp quá khứ. Người thấy mỗi tế bào trong cơ thể mình chứa đựng được tất cả vũ trụ, cũng chứa đựng cả thời gian từ hư vô đến vô tận. Cái thấy ấy là túc mệnh minh - thấy được sự có mặt của muôn loài chúng sinh ngay trong chính tự thân. Người chứng đạt được trí tuệ này vào cuối canh một đêm ấy. 
Khi người khám phá ra tất cả đời sống liên kết nhân quả mật thiết với nhau như vậy, chân lý dần xuất hiện. Mặt trời, những hành tinh, tất cả các ngôi sao và những thiên hà của vũ trụ, tất cả đều xuất hiện trong thiền định của người. Tất Đạt Đa thấy mọi thứ, từ hạt bụi nhỏ nhất đến ngôi sao lớn nhất đều liên kết với nhau. Mọi vật thì luôn luôn thay đổi: thành, hoại và thành, cứ tiếp tục như thế. Nhưng kỳ thực những co giãn, sinh diệt và thành hoại ấy chỉ là những biểu hiện bề ngoài, chưa từng đụng tới thực tướng của tất cả sự vật trong vũ trụ. 
Cái thấy này vượt lên lưới sinh tử, đó là một cái thấy vi diệu, là lậu tận minh - tức hiểu bản chất của sinh diệt chỉ là chuyện thường tình, không thể thay đổi được cốt lõi của vũ trụ. Tất Đạt Đa đã đạt tới cái thấy ấy vào cuối canh hai.
Tiếp tục rọi ánh sáng vào cõi tâm, người thấy rõ tất cả những khổ đau của cuộc đời. Người thấy rằng từ sinh vật nhỏ nhất đến ông vua vĩ đại nhất đều chạy theo lạc thú để rồi kết thúc với những bất hạnh. Và người cũng khám phá ra nguyên nhân của tất cả những bất hạnh ấy. Người thấy rằng người ta không thật sự hiểu rõ mọi sự vật luôn luôn thay đổi. Do sự mù quáng này mà họ đấu tranh, cướp bóc và giết hại để thỏa mãn những dục vọng của mình, nhưng những ham muốn này không bao giờ đem lại hạnh phúc lâu dài cho họ. Họ cứ mãi quanh quẩn trong vòng được mất, rồi lại tìm kiếm.
Tất Đạt Đa nhận ra khi biết tìm cách tĩnh tâm để nhìn lại, để quán chiếu sâu sắc vào lòng sự vật thì người đạt tới sự hiểu biết. Sự hiểu biết này làm tiêu tán được mọi phiền não, và làm phát sinh sự chấp nhận và niềm tin yêu. Người khám phá ra rằng hiểu biết và thương yêu là một và nếu không thể hiểu biết thì không thể thương yêu. 
Khi có hiểu biết, người nhận thức được hoàn cảnh xã hội hiện hành khiến có những người cư xử độc ác. Hiểu được rồi thì thay vì oán giận, Tất Đạt Đa chỉ có xót thương. Có xót thương thì người mới hành động để chuyển hóa mỗi con người và chuyển hóa hoàn cảnh. Con đường mà Tất Đạt Đa tìm ra là con đường hiểu biết để xót thương và hành động.
Mà muốn đạt tới hiểu biết, Tất Đạt Đa phải sống thức tỉnh trong từng giây từng phút, thức tỉnh để tiếp xúc, để nhận diện và để nhìn thấy những gì đang xảy ra trong người và chung quanh người. Cái nhìn ấy càng ngày sẽ càng sâu sắc, và khi nhìn sâu được vào lòng một hiện tượng thì hiện tượng đó sẽ phơi bày chân tướng rõ ràng. Đó là bí quyết của chánh niệm - hiểu rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra.
Khi đã có chánh niệm, Tất Đạt Đa thấy mình được soi sáng bởi cái nhìn chân thực (chánh kiến), suy tư chân thực (chánh tư duy), lời nói chân thực (chánh ngữ), hành động chân chính (chánh nghiệp), sự cố gắng đi về đường chính (chánh tinh tiến) và sử dụng đúng pháp những trạng thái thiền định về mục đích giải thoát (chánh định). Con đường này được người gọi là bát chánh đạo. Đây cũng là con đường mà Tất Đạt Đa hướng đến cho nhân gian, để thực hiện giải thoát và giác ngộ. 
Khi đó, Tất Đạt Đa đã chứng được tha tâm minh - tức nhìn thấu vào tâm niệm của mọi loài chúng sinh. Cùng một lúc người đạt tới thiên nhãn minh - tức tuệ giác sáng suốt biết rõ các kiếp sống của mình và của tất cả chúng sinh, thiên nhĩ minh - tức khả năng nghe được mọi thứ tiếng của chúng sinh; và thần túc minh - tức thấy được nghiệp nhân quả của tất cả chúng sinh trong nhiều đời nhiều kiếp. Lúc ấy, trời đã cuối canh ba.
Tất Đạt Đa có cảm giác cái nhà tù thường giam hãm con người trong ngàn vạn kiếp đã vừa bị phá tung. Những chấp niệm của tâm thức làm một người phân biệt giữa có và không, còn và mất. Từ sự phân biệt ấy phát sinh ra những khát khao hạnh phúc, dục vọng, luyến ái, nghiệp báo, để rồi càng vướng chấp vào sinh-lão-bệnh-tử. Vô minh - tức nhận thức sai lầm về cái tôi và thế giới xung quanh - cũng càng ngày càng sâu nặng, và bốn bức tường của cái nhà tù càng ngày càng thêm vững chắc. Chỉ có một cách giải thoát mà thôi: đó là nắm lấy người chủ ngục và khám phá chân tướng nó. Người chủ ngục ấy là vô minh. Phương pháp giải trừ vô minh là con đường bát chánh đạo. 
Tất Đạt Đa biết rằng đạo lớn đã được tìm ra, và hoài bão của người đã đạt được. Giờ đây, người đã trở thành Đức Phật. 
Tất Đạt Đa giác ngộ dưới gốc cây bồ đề
Tất Đạt Đa giác ngộ dưới gốc cây bồ đề

Tạm kết

Theo lời Phật dạy trong kinh Phạm võng, kinh Niết-bàn... thì “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính và đều có khả năng thành Phật. Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Điều này có nghĩa là trong mỗi người đều có Phật tính, ai cũng có thể trở thành Phật nhưng tiềm năng ấy đang bị che lấp bởi vô minh. Câu chuyện giác ngộ của Đức Phật cũng cho thấy rằng thực hành Phật giáo là nhằm giúp mỗi người hiểu được những ham muốn dục vọng của bản thân, để giác ngộ và đạt đến trạng thái chánh niệm. 
Như vua Trần Thái Tông đã nói rằng: "Núi vốn không có Phật. Phật ở nơi tâm. Tâm lặng lẽ sáng suốt ấy là chân Phật". Mong rằng câu chuyện này cũng có thể cho bạn những gợi dẫn để tìm ra “Phật tính” ở ngay chính bản thân mình.