[Đứa con của thần mặt trời trên biển] #4 -Từ Trân Châu Cảng tới Midway : Không đội Hải quân 1 (phần 1)
Nỗ lực níu kéo ông khách hàng quân sự chi tiêu mạnh tay của Anh hoá ra lại không thành công, và cuối cùng, chẳng khác nào tự trao gươm...
Nỗ lực níu kéo ông khách hàng quân sự chi tiêu mạnh tay của Anh hoá ra lại không thành công, và cuối cùng, chẳng khác nào tự trao gươm cho kẻ thù của mình......
Trân Châu Cảng, ảnh chụp từ phi cơ Nhật trong cuộc tấn công
Những cuộc không kích trên biển đầu tiên
Từ khi chiếc máy bay tiên phong của anh em nhà Wright cất cánh trên mặt đất tới khi Henri Fabre hoàn thành chuyến bay trên chiếc thuỷ phi cơ đầu tiên trên thế giới, máy bay luôn được xem là một ứng cử viên tiềm năng cho rất nhiều ứng dụng quân sự. Gọn nhẹ, khả năng triển khai linh hoạt, có thể trinh sát hoặc ném bất cứ thứ vũ khí gì lên đầu đối phương ở tầm rất xa..... khiến nó được chú ý rất nhiều bởi các tướng lĩnh ngay cả khi còn rất sơ khai, đặc biệt là sự quan tâm từ các Đô đốc Hải quân.
Ý tưởng phóng máy bay lên không trung từ một tàu chiến đã xuất hiện từ rất sớm. Người Mỹ thực hiện hai cú phóng máy bay từ tàu chiến đứng yên trên cảng : lần thứ nhất thực hiện trên tàu tuần dương hạng nhẹ Birmingham được cải biên vào tháng 10 năm 1911, và lần thứ hai trên tàu tuần dương bọc thép Pennsylvania hai tháng sau đó. Người Anh mang những chiếc máy bay ra biển khi thiết giáp hạm tiền - dreadnought HMS Hibernia được dùng làm bệ cất cánh cho một chiếc máy bay hai tầng cánh vào tháng 1 năm 1912 - đây là cú cất cánh đầu tiên của một máy bay trên mặt biển.
Máy bay cất cánh từ sàn phóng của USS Birmingham
HMS Hibernia với chiếc máy bay hai tầng cánh S.27 trên sàn cất cánh
Những thử nghiệm trên đều chỉ là cải biên một phần mũi hoặc đuôi tàu để cho phép máy bay có thể cất cánh - chúng không có khả năng cung cấp hậu cần cho một phi đội tấn công hoàn chỉnh. Pháp sau khi đi đầu trong việc phát triển thuỷ phi cơ, đã chuyển đổi một tàu tiếp liệu tàu ngầm trở thành thuỷ phi cơ mẫu hạm đầu tiên : chiếc Foudre. Thực ra thì việc tiếp liệu cho tàu ngầm và thuỷ phi cơ khá giống nhau : bạn dùng cần cẩu thả tàu ngầm/thuỷ phi cơ xuống sau khi tiếp đầy nhiên liệu và vũ khí cho nó, chờ cho chúng hoàn thành nhiệm vụ rồi cẩu chúng lên từ mặt nước. Khá đơn giản, tuy nhiên Fondre là cô nàng đầu tiên thực hiện được những nhiệm vụ này trên cùng một con tàu, chứ không đơn thuần chỉ là phóng máy bay lên để thử nghiệm.
Fondre khi đang vận hành những thuỷ phi cơ của mình
Người Nhật cũng có những cố gắng để cho mình "bằng chị bằng em". Họ cải biên một tàu chở hàng thu được từ phía Nga - chiếc Wakamiya (tên cũ là Lethington), và biến cô thành một thuỷ phi cơ mẫu hạm mang được 4 máy bay Maurice Farman MF.11 Shorthorn. Những chiếc máy bay của Wakamiya đã tấn công căn cứ hải quân Thanh Đảo của quân Đức trên đất Trung Hoa; chúng xuất kích 49 lần, ném gần 200 quả bom nhằm hỗ trợ liên quân Anh - Nhật tấn công, mặc cho những binh lính Đức giương súng bộ binh lên trời bắn trong vô vọng. Đây là lần đầu tiên một lực lượng không quân hải quân xuất kích thành công trên thực địa.
Wakamiya khi đang triển khai thuỷ phi cơ
Tuy thành công, người Nhật nhanh chóng nhận ra những hạn chế của thuỷ phi cơ so với máy bay cất cánh từ mặt đất. Để đơn giản và dễ hình dung : con chim bị buộc hai cái phao bơi vào chân chắc chắn là kém cơ động và dễ bị bắn hạ bởi súng săn hơn là con chim không bị buộc gì cả, và máy bay cũng vậy. Người Anh thậm chí còn nhận ra điều này sớm hơn và cải biên một tàu chiến tuần dương thành tàu sân bay thực thụ đầu tiên - HMS Furious. Những chiếc Sopwith Camel của cô đã thành công trong việc tấn công căn cứ không quân Tondern của Đức, phá huy một vài máy bay cùng hai khinh khí cầu Zeppelin.
Sơ đồ HMS Furious vào năm 1918. Sàn phẳng ở đầu dùng để phóng máy bay, sau đó thu hồi máy bay ở sàn đáp đuôi tàu
HMS Furious với sàn đáp kì dị của cô - hãy tưởng tượng máy bay không hãm được phanh.......
Đó, có lẽ bạn đã nhìn ra được sự bất hợp lý trong thiết kế của sàn đáp trên. Nếu một chiếc máy bay không mắc được móc câu của mình vào những dây cáp hãm đà trên sàn tàu, nó sẽ đâm thẳng vào cấu trúc thượng tầng nằm trên sàn đáp. Tốt nhất là đừng hỏi về thiệt hại nhân mạng nếu điều đó xảy ra........
Để khắc phục thiết kế này, người Anh tiếp tục cải biên một tàu chở khách vào lúc đầu thế chiến thứ Nhất trở thành tàu sân bay - chiếc HMS Argus. Sàn đáp dài và phẳng choán hết chiều dài của tàu của cô trở thành thứ định nghĩa tương lai của tàu sân bay hiện đại, cho phép máy bay nếu móc cáp hãm trượt vẫn có thể nhanh chóng tăng tốc và tái cất cánh, sau đó thử hạ cánh cho tới khi thành công thì thôi.
Tấm ảnh chụp HMS Argus cùng hoạ tiết nguỵ trang "zebra" nổi tiếng
Tiến xa hơn, họ còn định chế tạo thêm hai tàu sân bay nữa gồm HMS Hermes và HMS Eagle - lần này chúng sẽ được thiết kế như những tàu sân bay thực thụ đầu tiên trên thế giới, chứ không chỉ là tàu hoán cải. Điều đó có lẽ đã xảy ra, nếu họ không giúp đỡ Nhật Bản.
Bản vẽ chiếc HMS Hermes
Sự giúp đỡ "quá đà" từ Anh Quốc
Theo sự yêu cầu của Nhật Bản, vào tháng 9 năm 1921, một nhóm chuyên gia gồm kỹ sư hàng không và phi công Anh, dẫn đầu bởi đại uý William Francis Forbes-Sempill đến Nhật để đào tạo và chuyển giao công nghệ hàng không hải quân. Họ hy vọng với việc này, người Nhật sẽ dần trở nên phụ thuộc vào Anh giống như thời kì trước - Anh có tiền và có đồng minh ở châu Á, còn Nhật thì có vũ khí hiện đại. Phái đoàn Anh mang theo rất nhiều bản vẽ chi tiết về tàu sân bay, máy bay tiêm kích cũng như thiết kế động cơ đốt trong, cùng một số lượng lớn khí tài thiết bị như tiêm kích Gloster Sparrowhawk, động cơ Bentley BR2 hay Hispano-Suiza 8.
Đại uý Sempill giới thiệu chiếc Sparrowhawk cho người hùng Tsushima, Đô đốc Togo
Sparrowhawk của Hải quân Nhật
Nhờ vào sự giúp đỡ của người Anh, Nhật Bản có ngay 40 chiếc Sparrowhawk để phục vụ cho việc huấn luyện và làm quen với việc cất cánh từ đường băng ngắn hoặc cất cánh bằng máy phóng trên tàu, cùng với đó là các kĩ năng như trinh sát - tấn công mặt biển. Kĩ sư người Nhật cũng được xem xét chi tiết những bản vẽ thiết kế của tàu sân bay Anh như HMS Hermes hay HMS Eagle, khiến chúng có ảnh hưởng lớn tới thiết kế của tàu sân bay đầu tiên cho Hải quân Đế quốc Nhật Bản : Houshou.
Được đặt lườn dựa trên một lườn tàu chở dầu, ban đầu, Houshou được dự tính sử dụng kiểu sàn đáp giống như HMS Furious. May thay, khi tiếp xúc với những tài liệu phía Anh, các kĩ sư Nhật ngay lập tức "bừng nắng hạ". Họ thay đổi thiết kế của Houshou theo hướng sử dụng sàn đáp kéo dài toàn bộ thân tàu giống như Hermes; chỉ khác một điều là thay vì sàn đáp được tích hợp vào cấu trúc của tàu như Hermes thì sàn đáp của Houshou chỉ là một "tấm" được gắn vào sàn tàu bằng các cột chống mà thôi. Kết cấu này hơi mất ổn định một chút, bù lại tàu sẽ có hangar chứa được nhiều máy bay hơn và dễ dàng sửa chữa sàn đáp khi bị oanh tạc hơn; đi kèm với đó là thang nâng máy bay hình chữ nhật chứ không còn là thang nâng hình chữ T nữa.
Houshou được hoàn thiện năm 1922, sớm hơn HMS Hermes tới 2 năm.
Tàu sân bay Houshou, năm 1922
HMS Hermes
Đi xa hơn nữa, người Anh còn thiết kế máy bay cho Hải quân Nhật ngay trên đất Nhật. Kĩ sư hàng không Herbert Smith, tác giả của chiếc máy bay Sopwith Camel nổi tiếng, trở thành kiến trúc sư trưởng của những máy bay Nhật Bản đầu tiên như tiêm kích Mitsubishi 1MF, máy bay ném ngư lôi Mitsubishi 1MT hay Mitsubishi B1M, máy bay do thám và tuần tiễu Mitsubishi 2MR. Chúng trở thành những máy bay đầu tiên được trang bị trên tàu sân bay Houshou.
Mitsubishi 1MF
Đội kĩ sư, kĩ thuật viên và phi công Hải quân Anh về nước vào năm 1923. Tuy nhiên, đại uý Sempill hình như vẫn còn luyến tiếc Nhật Bản (chắc do ở đây có nhiều cô geisha quyến rũ ông chăng), vì vậy, mặc dù khi đã về nước, ông vẫn giữ liên lạc và gửi những thông tin mật về những mẫu thiết kế máy bay mới của Anh cho Nhật Bản. Cơ quan tình báo Anh MI5 theo dõi đường dây liên lạc giữa Mitsubishi, tuỳ viên hải quân Nhật tại Anh Toyoda Teijirou và Sempill, và đến tháng 5 năm 1926, ông chính thức được gọi lên MI5 để làm việc (ta tạm gọi là uống trà trên phường).
Một chiếc Blackburn Iris - thứ đã bị Sempill gửi thiết kế cho Nhật Bản
Đáng ngạc nhiên là ông tiếp tục công việc gián điệp này tới năm 1941, và nếu không có thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Winston Churchill bảo vệ, có lẽ ông đã ngồi trong trại giam nào đó chứ không phải là được nghỉ hưu sớm như vậy.
Một nhân vật người Anh khác cũng đóng vai trò quan trọng trong sự rạn nứt mối quan hệ Anh - Nhật, là phi công nổi tiếng Frederick Rutland "Rutland of Jutland". Là một người hùng của Hải quân Anh trong trận Jutland lịch sử, ông đến Honolulu để làm công việc kinh doanh trá hình, mục đích dưới vỏ bọc đó là cung cấp những thông tin và kinh nghiệm quan trọng của mình trong đời phi công hải quân. Tất nhiên, Nhật Bản không dại gì mà chê một phi công thuộc hàng xuất sắc trong hàng ngũ của người Anh cả, và ngay khi trở về Anh Quốc vào năm 1941, Rutland bị quản thúc, và tự sát vào năm 1949.
Mối quan hệ giữa Anh và Nhật đứng trước thềm đổ vỡ, và cuối cùng, sau khi Anh, Mỹ, Nhật kí hiệp ước hải quân Washington, cùng với sức ép từ phía Mỹ, Anh Quốc chấm dứt quan hệ đồng minh với Nhật Bản. Học trò ngày nào của Anh giờ đây là kẻ thù số 1 trên chiến trường Đông Á.
Không đội Hải quân 1 - Akagi và Kaga
Để đưa vào hoạt động, Houshou còn một vài vấn đề. Phần sàn đáp gần mũi tàu được vuốt nhọn theo lườn tàu giống như HMS Hermes tạo ra một vài rắc rối nho nhỏ : nếu tay phi công điều khiển máy bay qua phần mũi nhọn của tàu khi cất cánh, anh ta thành công, nhưng nếu chỉ lệch vài độ sang trái hay sang phải thôi thì anh ta sẽ là mồi ngon cho hà bá. Hai vấn đề nữa cũng thường hay gặp phải, đó là phi công có nguy cơ đâm thẳng vào đảo cấu trúc thượng tầng khi hạ cánh do sàn đáp nhỏ, và những ống khói ở bên mạn gây khó khăn cho việc kiểm soát không lưu. Năm 1924, Hải quân Nhật tái cấu trúc lại Houshou : loại bỏ cấu trúc thượng tầng, hạ các ống khói ngang ra sao cho chúng song song với mặt biển, và kéo dài sàn đáp thành kiểu mũi vuông.
Houshou với kiểu sàn đáp và ống khói đặc trưng của tàu sân bay Hải quân Nhật
Mô hình dựng 3D của Houshou trong tựa game World of Warships
Nhưng Houshou là chưa đủ với Hải quân Đế quốc Nhật Bản. Sau hiệp ước hải quân năm 1922, Anh cải biên thêm hai tàu tuần dương lớp Courageous (cùng với chiếc HMS Furious trước đó là 3, gồm HMS Courageous và HMS Glorious ) trở thành tàu sân bay hạm đội, mang số lượng máy bay nhiều gấp 3 lần Houshou - 48 chiếc; người Mỹ cũng chuyển đổi thành công hai lườn tàu chiến - tuần dương lớp Lexington trở thành những tàu sân bay hạm đội khổng lồ : lượng choán nước tới 50 ngàn tấn và mang gần 80 máy bay. Không thể kém cạnh trong cuộc chạy đua này, Nhật quyết định chuyển đổi hai lườn tàu tuần dương lớp Amagi : Amagi và Akagi trở thành tàu sân bay.
USS Saratoga, lớp Lexington
HMS Furious, sau khi cải biên lần 2
Không may cho người Nhật, trận động đất ở Kanto năm 1923 đã gây thiệt hại lên khung lườn của Amagi ở một mức độ khó có thể sửa chữa được với chi phi hợp lý, buộc người Nhật phải chọn một giải pháp khác. Quyết định được đưa ra là lựa chọn một khung lườn thiết giáp hạm lớp Tosa đang bị bỏ dở sau hiệp ước hải quân Washington, và khung lườn được chọn là chiếc thứ 2 trong lớp, Kaga.
Khi hoàn thiện, Akagi và Kaga có nhiều đặc điểm khá giống nhau (vì thực ra lớp Amagi và Tosa không khác nhau nhiều lắm - chúng đều bắt nguồn từ thiết kế A-125 của nhà thiết kế hải quân Hiraga). Cả hai đều sở hữu ba sàn đáp : hai cho cất cánh và một cho hạ cánh, một dàn hoả lực đáng ngạc nhiên trên những tàu sân bay cùng thời : 10 khẩu pháo 201mm thường được trang bị cho tàu tuần dương hạng nặng, với tầm bắn lên tới 24km; cùng với đó là 6 khẩu 127mm/40 cal. tầm bắn 16km, có thể sử dụng như những vũ khí đa mục đích cho cả phòng không lẫn đối hạm. Học thuyết tàu sân bay vẫn chưa hoàn chỉnh, và người Nhật chưa hề nghĩ ra rằng việc đấu súng với các tàu sân bay khác là một giải pháp liều mạng và vô ích.....
Akagi với cặp pháo 201mm/50 caliber nòng đôi của cô ở phía mũi sàn đáp thứ hai.....
..... và Kaga với 3 khẩu 203mm nòng đơn ở phía sau. Cách bố trí pháo của Akagi và Kaga là như nhau; và tốt nhất là đừng có ai lao vào mà đấu súng với hai bà đầm thép này......
Chú ý ống xả khói, nó là một vấn đề lớn của Kaga.
Akagi và hộ tống hạm của mình, thiết giáp hạm nhanh Kirishima
Một điểm yếu nữa của Akagi và Kaga là ống khói, chúng được hạ thấp xuống dưới sàn đáp để tránh ảnh hưởng tới việc kiểm soát không lưu, thay vì dẫn lên thật cao như Lexington và Saratoga. Điều này khiến khói nhanh chóng tràn vào mạn tàu, gây khó chịu cho thuỷ thủ đoàn; mọi việc của Kaga còn tệ hơn khi cái "ống bô" đặt ngang hông tàu toả nhiệt mạnh mẽ và khiến khu vực này gần như là không sử dụng được do quá nóng (có ai muốn ngủ cạnh cái ống bô vĩ đại không nào). Sàn đáp phía dưới quá ngắn và chật chội, thang nâng thì nhỏ. Do vậy, năm 1935 và 1938, lần lượt Kaga và Akagi đều được hiện đại hoá; ưu tiên lớn nhất là thống nhất một sàn đáp cho cả hai tàu sân bay, và cải thiện ống khói cho Kaga.
Akagi sau khi hiện đại hoá, năm 1941
Sàn đáp của Kaga sau khi hiện đại hoá xong, năm 1935
Hình dựng 3D của Kaga.....
và Akagi trong game World of Warships
Đáng ngạc nhiên là mô hình của chúng xuất hiện trong game nhưng không chơi được *( ; _ ; )*
Sau khi cải tiến, cả hai cô nàng đều là những tàu sân bay cực kì mạnh mẽ của Hải quân Nhật Bản. Chỉ có lượng choán nước bằng 2/3 lớp Lexington, nhưng Akagi mang được tới 84 máy bay và Kaga mang được 90 máy bay, hoàn toàn áp đảo về cả chất lượng lẫn số lượng so với đối thủ phía Hải quân Hoa Kỳ.
Tới năm 1935, khi hiệp ước Washington bị phá vỡ, Hải quân Nhật Bản khởi đóng hai cặp tàu chị em Shoukaku - Zuikaku và Soryuu - Hiryuu. Chúng là những cú shock với hải quân các nước khác : chị em Shoukaku có khả năng mang tới 84 máy bay mỗi chiếc, trong khi con số này là 72 với Soryuu - Hiryuu, mặc dù cả 2 lớp tàu chỉ nặng lần lượt 20 ngàn và 32 ngàn tấn. Những con số này là tương đương với lớp Yorktown và chiếc USS Wasp của Hải quân Hoa Kỳ, trong khi chất lượng máy bay của phía Nhật Bản là hơn hẳn.
Những tàu sân bay hạm đội này, cùng với 4 tàu sân bay hạng nhẹ Zuihou, Houshou, Ryuujou, và Taiyou lập thành Lực lượng đặc nhiệm hải quân (Kidou Butai), gồm
- Không đội Hải quân số 1 : Akagi và Kaga
- Không đội Hải quân số 2 : Soryuu và Hiryuu
- Không đội Hải quân số 3 : Zuihou và Houshou
- Không đội Hải quân số 4 : Ryuujou và Taiyou
- Không đội Hải quân số 5 : Shoukaku và Zuikaku
Thiết kế chung của lớp Shokaku....
.... và Hiryuu. Soryuu - Hiryuu giống như phiên bản thu nhỏ của Shoukaku - Zuikaku vậy
Tàu tốt thôi thì chưa đủ, ta còn cần thuyền trưởng tốt nữa; đó không đơn thuần chỉ là thuyền trưởng của một con tàu sân bay khổng lồ thôi, mà phải là thuyền trưởng của cả con tàu Hải quân Đế quốc Nhật Bản vậy. Thuyền trưởng của con tàu vĩ đại đó là một cựu binh Tsushima, Yamamoto Isoroku.
Thuyền trưởng của con tàu Hải quân
Yamamoto có tên khai sinh là Takano Isoroku, sinh ngày 4 tháng 4 năm 1884 tại Nagaoka, tỉnh Niigata. Lớn lên ra trong một gia đình samurai cấp thấp nhưng nghiêm khắc, ông sớm bộc lộ tố chất về thể lực và khả năng quân sự của mình ngày từ khi còn học tiểu học. Năm 1901, ông đỗ thứ hạng 2 trên 300 học sinh vào Học viện Sĩ quan Hải quân Đế quốc tại Etajima, và học ở đây tới khi tốt nghiệp vào năm 1904 rồi phục vụ trên tuần dương hạm bọc thép Nisshin. Sau khi tham gia vào trận hải chiến Tsushima lịch sử, ông bị mất hai ngón tay trái cùng rất nhiều vết thương trên người đi kèm với những chiến công trong trận đánh. Ông được trao tặng huân chương danh dự và được daimyo vùng Niigata, dòng họ Yamamoto, nhận làm con nuôi trong thời gian này.
Yamamoto khi còn trẻ tuổi
Năm 1916, ông tốt nghiệp Đại học Hải quân với quân hàm Thiếu tá Hải quân, và sau đó đến năm 1919 thì ông được quân đội cử đi du học ở đại học Harvard. Chính trong thời gian này, ông tự xây dựng một nền tảng quan điểm cho rằng : hải quân nên là lực lượng chủ lực của Đế quốc Nhật Bản, và chú trọng vào việc "ngoại giao pháo hạm" bằng sức mạnh hải quân chứ không nên xâm lược bằng bộ binh; do đó ông cực lực phản đối việc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, cũng như coi Mỹ là kẻ đối địch trên biển. Ông cho rằng tiềm lực sản xuất của Mỹ là không gì sánh nổi, đồng thời đánh giá cao về chủ nghĩa tự do cá nhân ở Mỹ nên không cho rằng Mỹ là kẻ thù mà Nhật Bản có thể đánh bại và nên đánh bại. Trong thời gian học tập ở Harvard, ông có được một khả năng sử dụng ngoại ngữ khá trôi chảy khi giao tiếp với bạn bè hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Yamamoto khi còn làm Tuỳ viên Quân sự ở Washington
Năm 1924, ông được thăng lên cấp bậc Kaigun-daisa (tương đương Đại tá Hải quân). Ông là đại biểu của đoàn Hải quân Nhật Bản tham quan Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, và trong thời gian này sự quan tâm của ông được chuyển từ "ngoại giao pháo hạm" sang "ngoại giao tàu sân bay". Ông cho rằng không lực hải quân sẽ đóng vai trò quyết định trong hải chiến hiện đại, và việc duy trì một hạm đội tàu sân bay lớn sẽ giúp hải quân hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với một hạm đội tàu to súng lớn. Chính điều này khiến Yamamoto bị các sĩ quan khác chỉ trích và cho là kẻ lập dị; ông được thuyên chuyển sang làm sĩ quan huấn luyện không quân thuộc hải quân Hà Phố.
Vốn nổi tiếng là một tay chơi bài bạc có hạng, ông nhanh chóng tiếp cận được đội ngũ binh sĩ ở đây, thấu hiểu tình hình của họ và biến căn cứ Hà Phố trở thành một trong những căn cứ không lực hải quân tốt nhất. Tới năm 1928, ông được thuyên chuyển về làm thuyền trưởng tàu sân bay Akagi, và hai năm sau là Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật Không lực Hải quân. Với quyền lực mới trong tay, ông dồn sức phát triển những mẫu máy bay tiêm kích hải quân mới nhất có thể; dù sao thì cuộc chiến với Mỹ là không thể tránh khỏi, mặc dù ông không thích điều đó, nhưng ông cho rằng thà phục vụ đất nước mình hết sức lực còn hơn chống lại và không làm gì. Tới năm 1939, ông được cử làm Tư lệnh Hạm đội Liên Hợp - vị trí mà Đô đốc Togo từng nắm giữ. Lúc này, mọi thứ chuẩn bị cho cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản dành cho Mỹ đã sẵn sàng.
Yamamoto vào năm 1939, tại ga tàu điện Tokyo
Trận hải chiến quyết định : Trân Châu Cảng
Mặc dù Yamamoto cực lực ngăn cản kế hoạch gây chiến với Mỹ và phản đối liên minh với Đức - Ý, nhưng tình trạng cấm vận của Mỹ đối với Nhật với các mặt hàng chiến lược như cao su hay dầu mỏ khiến nguy cơ chiến tranh ngày càng lộ rõ. Ý đồ của Yamamoto là vô hiệu hoá Hạm đội Thái Bình Dương để các lực lượng khác của Nhật Bản có thể rảnh tay chiếm trọn Đông Á, từ đó lấy cơ sở đàm phán với Mỹ chứ không phải kéo dài chiến tranh. Do vậy, cuộc tấn công ở Trân Châu Cảng loại bỏ việc tấn công các mục tiêu hậu cần, chỉ tập trung vào các lực lượng tàu nổi, sân bay và lực lượng không quân - vốn sẽ khiến Hải quân Hoa Kỳ phải tê liệt trong một thời gian dài.
Hành quân và tiếp cận
Đúng ngày 26 tháng 11 năm 1941, một phần lực lượng Kidou Butai gồm 6 tàu sân bay mạnh nhất (Không đội Hải quân số 1, số 2 và số 5) cùng hai thiết giáp hạm nhanh Kirishima và Hiei, hai tuần dương hạm hạng nặng Tone và Chikuma cùng một số lượng lớn tàu khu trục và 6 tàu chở dầu tiến hành cuộc hành quân tới Trân Châu Cảng; tất cả được đặt dưới quyền của Phó Đô đốc Nagumo Chuichi. Theo lệnh của Yamamoto, lực lượng của Nagumo được phép tiêu diệt bất cứ tàu bè trung lập nào để đảm bảo tính bí mật, và nếu gặp hải quân Mỹ trước ngày 6 tháng 12 thì hiệu lệnh bắt buộc là phải huỷ bỏ cuộc tấn công và quay đầu về. Rất may mắn cho phía Nhật Bản, điều đó đã không xảy ra - và đáng ngạc nhiên thay là mặc dù đã phát hiện lực lượng hàng không hải quân chủ lực của Nhật đã rời cảng từ ngày 26 tháng 11, nhưng hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng không có bất kì hình thức phòng vệ từ xa nào thích đáng.
Hành trình của Hạm đội dưới quyền Phó Đô đốc Nagumo
Trên đường đi, các tàu chở dầu liên tục tiếp liệu cho toàn hạm đội, cho đến ngày 6 tháng 12 là đợt tiếp liệu cuối cùng mà Nagumo có thể thực hiện được. Thông tin báo về cho Phó Đô đốc biết rằng trong Trân Châu Cảng không có tàu sân bay nào của Mỹ; ông có vẻ không hài lòng vì nếu không tấn không được các tàu sân bay này thì Mỹ sẽ dễ dàng bật lại được ngay cả khi thất bại. Rạng sáng ngày 7 tháng 12, Tone và Chikuma phóng lên 2 thuỷ phi cơ Aichi E13A1 để do thám thời tiết, sau đó lại phóng tiếp 2 thuỷ phi cơ Nakajima E8N về phía Nam để do thám cho toàn hạm đội.
Tuần dương hạm hạng nặng Tone vào tháng 5 năm 1942, không lâu sau khi hỗ trợ tấn công Trân Châu Cảng
Năm chiếc tàu ngầm bỏ túi Kouhyouteki kiểu A được lực lượng tàu ngầm Nhật Bản tung ra nhằm do thám xung quanh hòn đảo và thâm nhập sâu vào bên trong; chúng đem lại một vài thông tin cực kì có giá trị : quân Mỹ không sẵn sàng chiến đấu. Lúc 3h30 phút, Phó Đô đốc Nagumo ra lệnh cho toàn bộ hạm đội vào trạng thái "battlestation" - sẵn sàng chiến đấu - cho tới lúc 6h, khi lá cờ Zulu huyền thoại chính thức được kéo lên lên kỳ hạm Akagi. Tư lệnh hành quân, đại tá Hải quân Fuchida Mitsuo, là người cất cánh đầu tiên vào lúc 6h20, dẫn đầu lực lượng không quân gồm gần 200 máy bay tiến hành tấn công đợt 1 vào Trân Châu Cảng.
Tấn công !
Lực lượng gồm gần 200 máy bay với tốc độ lên đến 125 hải lý/giờ lao vun vút trong không trung, nhưng vẫn chưa tìm thấy mục tiêu. Phải đến 7h35 phút, các máy bay mới báo về :
"Hạm đội địch đang ở Trân Châu Cảng"
Radar cảnh giới SCR-270 bắt được những đám tín hiệu cực lớn đang tiến về phía họ, tuy nhiên, người Mỹ cho rằng đây chỉ là những chiếc B-17 của đồng minh. 7h40 phút, phi đội của Fuchida lao xuống khỏi tầng mây, lượn theo bờ phía Tây Bắc của hòn đảo. Toàn bộ hạm đội chủ lực Thái Bình Dương lộ ra trần trụi trước con mắt của những phi công Nhật; tới lúc 7h48 phút thì họ đã tiếp cận được bầu trời Trân Châu Cảng.
Một chiếc B5N2 xuất phát từ tàu sân bay Zuikaku trên bầu trời Trân Châu Cảng
Fuchida bắn một phát pháo hiệu - ngay lập tức, các phi đội được chia nhiệm vụ : các máy bay mang ngư lôi Nakajima B5N2 nhanh chóng tiếp cận các chiến hạm địch; các máy bay ném bom bổ nhào Aichi D3A chia thành 2 tốp : tốp đầu tiên tấn công các sân bay gần đó, ngăn chặn lực lượng không quân Mỹ phản công, tốp còn lại tấn công các chiến hạm. Tuy nhiên, những chiếc Mitsubishi A6M2 Zero lại không sắp xếp được đội hình, buộc Fuchida phải bắn thêm 1 phát pháo hiệu nữa, khiến cả hai tốp máy bay tấn công đều dồn vào Trân Châu Cảng theo phương án số 2.
Thiết giáp hạm xếp thành hàng trong Trân Châu Cảng, mồi ngon của ngư lôi
Bức điện tín mật thứ nhất "To... To... To..." được phát đi cùng lúc với phát pháo hiệu đầu tiên nhằm báo hiệu cuộc tấn công đã được bắt đầu; bức điện tín mật nổi tiếng thứ hai "Tora... Tora... Tora... " được phát đi ngay khi Fuchida cắt trái bom đầu tiên, báo hiệu cuộc tấn công đã đảm bảo được tính bí mật một cách hoàn toàn.
Quân nhân Mỹ trong cảng ngay lập tức vùng dậy khi còi hú ngày càng to, tiếng bom rơi và tiếng rocket trở nên ầm ĩ. Những con người ngái ngủ nhận ra tình hình cực kì tồi tệ : họ đang bị tấn công trong khi kho đạn dược thì bị khoá, súng ống thì không trong vị trí sẵn sàng chiến đấu, thậm chí không một khẩu pháo phòng không 5 inch / 38 caliber nào đang trong tình trạng sẵn sàng hoạt động. Và những thiết giáp hạm của họ thì nằm im trong cảng chịu trận.
Các thiết giáp hạm Oklahoma, West Virginia và California liên tục trúng phải nhiều phát ngư lôi ngay từ đợt tấn công đầu tiên. Người Mỹ cho rằng Trân Châu Cảng quá nông để có thể sử dụng ngư lôi hàng không; nhưng Yamamoto đã cho các phi công của mình luyện tập cách ném ngư lôi mới từ trước đó, khi những chiếc B5N2 bay sát mặt biển với tốc độ chậm và phóng ra những quả ngư lôi được cài đặt với tốc độ chỉ 30 hải lý/giờ, đủ để đánh chìm những thiết giáp hạm nặng nề còn chưa kịp khởi động máy.
Thiết giáp hạm USS Oklahoma bốc cháy và lật nhào
Một bất ngờ nữa mà Nhật dành tặng cho Mỹ : người Mỹ tin rằng những quả bom xuyên thép sẽ không thể tới nổi Trân Châu Cảng vì kích thước và trọng lượng của chúng, nhưng những quả bom trang bị trên máy bay B5N2 lại vừa đủ trọng lượng - chúng là bom xuyên thép Type 99 No.80 Mark 5 của Nhật, có khả năng xuyên tới 150mm giáp thép. Thiết giáp hạm Arizona trúng 4 quả bom loại này, trong đó 1 quả đã xuyên thẳng qua các rào chắn bên trên ống khói và phát nổ bên trong nồi hơi cạnh hầm chứa đạn, gây ra một vụ nổ kinh hoàng.
USS Arizona nổ tung
Con tàu mục tiêu Utah bị tưởng nhầm là tàu sân bay bởi các phi công Nhật, nó liên tục chịu đựng bom và ngư lôi từ phía phi công Nhật. Kỳ hạm Pennsylvania dù đang nằm trong ụ khô cũng không được tha mạng, cô trúng phải 2 quả bom thông thường. Những tấm chắn của ụ nổi ngăn cản các quả ngư lôi tấn công cô, thế nhưng lại cản trở các xạ thủ phòng không. May mắn thay, một công nhân điều khiển cần cẩu đã dùng mũi cẩu của mình để định hướng cho các xạ thủ. Tennessee và Maryland lần lượt trúng phải hai quả bom xuyên thép. Nevada nằm ngoài cùng, và, nhờ sự tỉnh táo của thuỷ thủ cùng với sự may mắn (nồi hơi của nó đã được hâm nóng từ trước), nó gần như đã thoát được khỏi cuộc tấn công khi cố gắng lách ra khỏi cảng. Tuy nhiên thì trời hay phụ lòng người : cô trúng thêm 2 bom xuyên thép, 4 bom thông thường và 1 ngư lôi, sau đó mắc cạn ngay ở lối ra vào càng.
West Virginia và Pennsylvania, bốc cháy nghi ngút khói
8h50 phút, tới lượt các máy bay mang bom thông thường xuất phát từ đợt 2 lúc 7h15 bắt đầu đi từ hướng Đông vào bên trong cảng. Lần này đến lượt các tàu tuần dương chiến đấu và các tàu khu trục chịu trận : Helena trúng ngay 1 quả ngư lôi từ đầu đợt 2, Phoenix bốc cháy, còn Raleigh thủng một lỗ to ở mạn tàu do ngư lôi mang lại. Honolulu may mắn thoát chết và tiếp tục góp lửa phòng không. Các tàu khu trục liên tục bị tấn công, lật nhào và bị bom xuyên thép đâm thẳng vào buồng chứa đạn dược.
Tàu khu trục USS Shaw phát nổ
Tình trạng ở trên các sân bay còn tồi tệ hơn : các phi công tưởng rằng họ đang trong một cuộc diễn tập, và đến khi những chiếc D3A lao xuống với phù hiệu Không lực Hải quân Nhật Bản thì họ mới tỉnh hẳn giấc mộng. Toàn bộ máy bay tiêm kích trên sân bay bị khoá và xếp gọn vào nhau, trở thành mồi ngon cho rocker của những chiếc Zero; những phi công và nhân viên sân bay ở phía dưới bắn bất kì những thứ gì mà họ có thể khai hoả được, từ súng trường tới carbine, tiểu liên và ngay cả súng lục. Hoả lực phòng không bắt đầu được tái tổ chức và có sức mạnh rẩt đáng nể, nhưng vì bắn rất lộn xộn không theo một quy trình điều khiển hoả lực nào nên chẳng gây được thiệt hại bao nhiêu.
Một chiếc tiêm kích P-40 bị phá huỷ
Ngay cả máy bay của chính không quân Mỹ cũng không tránh khỏi việc bị hoả lực phòng không hoảng loạn bắn trúng. Sáu chiếc B-17 Flying Fortress lúc đó trên bầu trời Trân Châu Cảng đã phải ngừng hạ cánh : 2 chiếc bỏ chạy, 1 chiếc liều mạng hạ cánh ở bờ biển, 3 chiếc còn lại quyết định hạ cánh liều mạng - không chiếc nào bị phá huỷ. Ở một diễn biến khác, 6 máy bay ném ngư lôi của tàu sân bay Enterprise tiếp cận Trân Châu Cảng ngay lập tức bị những chiếc Zero bám đuổi quyết liệt, chiếc nào thoát được thì cũng dính miểng chai của hoả lực phòng không lộn xộn. Chỉ một chiếc đáp được xuống Trân Châu Cảng.
Một hangar máy bay cháy rụi do bom Nhật
Cơn địa chấn trên mặt báo
Hàng loạt báo ra số hôm sau ngay lập tức giật tít về sự kiện Trân Châu Cảng trên trang nhất. Toàn thế giới đã bị shock : sức mạnh của hạm đội Thái Bình Dương hùng mạnh bị bóp nghẹt chỉ trong chưa đầy 3h đồng hồ. Pháo đài Oahu "bất khả xâm phạm" hoá ra lại không bất khả xâm phạm và mạnh mẽ như Tổng tham mưu trưởng Lục quân George Marshall tưởng tượng. Đây hoàn toàn là một cơn địa chấn khổng lồ.
Tổng kết lại, thiệt hại của Mỹ trong trận thua nhục nhã này bao gồm :
- Hai thiết giáp hạm hoàn toàn bị phá huỷ.
- Năm thiết giáp hạm bị gây thiệt hại nghiêm trọng, 2 trong số đó đã chìm được vớt trở lại.
- Hai tuần dương hạm chiến đấu bị thiệt hại nặng.
- Ba khu trục hạm bị đánh chìm, cùng các tàu phục vụ khác
- Gần 200 máy bay bị phá huỷ cùng khoảng 150 máy bay bị tổn hại.
- 2,403 người chết và 1,178 người bị thương
Phía Nhật chỉ mất 5 tàu ngầm bỏ túi, 29 máy bay rơi và 65 nhân sự thiệt mạng. Họ cũng mất thêm 26 máy bay nữa do tai nạn trong quá trình vận hành.
Tuy nhiên, những công trình hậu cần trọng yếu như kho vũ khí đạn dược, kho bãi xăng dầu, căn cứ tàu ngầm, cơ sở đóng và sửa chữa tàu.... lại hầu như còn nguyên vẹn. Đây là sai lầm chiến lược của Yamamoto, khi ông cho rằng cuộc chiến sẽ kết thúc nhanh chóng - và Hải quân Nhật sẽ phải trả giá vì điều đó.
Kaga kia nhìn cũng đẹp cơ mà em thích Kaga này hơn *dreaming*
Nhân tiện, đây là nhân vật của phần 2, các thím thử đoán xem là ai nào :D
Các bài trước trong series :
#1 Đứa con của thần mặt trời trên biển
#2 Mikasa và câu chuyện "người Á Châu quật đổ con gấu trắng"
#3 Chia tay với Anh Quốc, và tứ đại chị em lớp Kongou
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất