Mình từng gặp một đứa trẻ tại một bến xe buýt. Đứa trẻ ấy bán vé số, ốm, có cái vẻ bụi bặm của người lặn lội bôn ba. Lúc đó mình đánh rơi bóp tiền và đi tìm khắp bến xe buýt. Bé đó cũng xung phong phụ tìm tiếp mình dù mình không nhờ vả hay gì cả. Lúc sau thì mình hỏi tại quầy mua vé, người ta gọi cho chuyến xe mình vừa đi thì biết được cái bóp tiền bị rơi trên đấy. Mình ngồi đợi tầm một tiếng rưỡi, thở phào nhẹ nhõm.
Một lúc sau thì mình thấy đứa trẻ ấy vẫn đi lon ton khắp bến xe để có thể bán từng tờ vé số cho đủ hạng người. Có người thì hơi cộc cằn, người thì dễ mến. Nhưng chung quy thì có vẻ bán cũng được vài tờ. Mình bảo đứa bé ấy lại gần và nói rằng mình sẽ cho năm chục vì đã nhiệt tình giúp mình, cứ đi xung quanh đây, đừng đi đâu xa. Em tíu tít lắm, đi tí xíu nữa rồi chốc ngồi xuống cạnh mình.
Mình dùng điện thoại để đọc truyện vào lúc đó nhưng mắt đôi lúc vẫn ngó sang em.
Cái rồi mình hỏi: “Em đi lên đây từ đâu?”
Em ấy trả lời. Rồi sau đó hỏi ngược lại mình. Mình cười rồi đáp lại.
Lại thêm một lúc nữa. Mình là đứa tò mò về cuộc sống xung quanh, cả những mảnh đời. Mình tiếp tục tìm cách hỏi về cuộc sống của em và gia đình em.
Mình biết được em lên đấy để có thể bán vé số. Anh em của em có năm người, sống với ngoại em. Em không được đi học và phải bán vé số kiếm tiền nuôi gia đình. Em có một người anh hai mười bảy tuổi, nhưng mình không biết rõ về người anh đó lắm. Mình bảo rằng mỗi ngày trời nắng thế này sau em không đội nón trong lúc đi bán thì em nói là nón của em bị rách, nhà không có mua nón mới.
Và rồi cũng tới vấn đề cốt lõi để dẫn tới cả năm anh em sống cùng ngoại và em không được đi học: gia đình tan vỡ. Người mẹ và người cha em ly hôn nhau (theo như em nói thì có vẻ do vấn đề tiền bạc). Họ đã có chồng và vợ khác nhưng chẳng đoái hoài gì tới những đứa con trước đó của mình.
Mình trầm ngâm suy nghĩ một lúc lâu rồi quyết định hỏi về việc em sẽ làm gì với tờ năm chục mình cho thì em đáp: “Em ăn cơm hai chục rồi mang về ba chục còn lại để nuôi các em của em.”
Lúc đó mình cảm thấy buồn lắm, nhưng không biết nên làm thế nào. Những đứa trẻ được sinh ra nhưng không được đi học, cù bất cù bơ khắp nơi để bán từng tờ vé số. Có những đứa thì đi đánh giày hoặc làm bất cứ công việc nào có thể. Lắm lúc mình tự hỏi tại sao sự việc của cha mẹ lại ảnh hưởng lên con cái? Con cái có tội tình gì mà phải chịu như vậy?
Mình mong những người làm cha làm mẹ hoặc sắp làm cha làm mẹ biết rằng đón nhận một đứa trẻ, đối với họ là rất hạnh phúc, nhưng nuôi đứa trẻ rất là cực nhọc. Có một đứa con là “thiêng liêng”? (Nói thực là mình không thích cái mỹ từ này, hoặc thậm chí là ghét) Vâng, nó sẽ thiêng liêng khi các bạn chuẩn bị đầy đủ hành trang cho con mình hơn là để nó có cuộc sống như đứa trẻ bên trên.
Các bậc cha mẹ nên học thêm cách dạy nuôi con (có nhiều khóa học lắm, hoặc sợ tốn tiền thì video trên Youtube cũng đầy – chỗ này một chút chỗ kia một chút, quan trọng là biết chắt lọc ra những điều bổ ích hay không thôi), hoặc nếu không tìm thấy thì vẫn có thể đọc sách, có rất nhiều quyển sách dạy cách nuôi con được bán tại nhà sách.
Nuôi một đứa trẻ không phải là cứ sinh ra rồi chăm sóc nó bằng bản năng. Ta là con người, không phải động vật. Và cái quan trọng nhất, chuẩn bị đầy đủ kinh tế trước rồi hẳn quyết định sinh con. Mình không bảo là người giàu mới được sinh (chặn trước vì lo có người tư duy nhị nguyên), ý mình nói là phải có kinh tế đủ như y tế và giáo dục. Học cách chăm sóc, tìm cách giải quyết vấn đề của đứa trẻ, cho đứa trẻ được đi học, chăm sóc đầy đủ về mặt thể chất và cả tinh thần.
Chúng ta đã qua cái thời mà hay gọi là “Trời sinh voi sinh cỏ” rồi. Chúng ta có giáo dục đầy đủ, có những điều kiện thiết thực cho trẻ em phát triển. Một đứa trẻ không phải chỉ cần cơm ăn áo mặc mà nó còn cần tới sự giáo dục của nhà trường và cha mẹ.
“Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước.”
Rất cám ơn mọi người đã đọc bài viết này.
Thân ái!
Yggdrasil