Ở phần trước tôi có nói về vấn đề vượt ra khỏi Vùng an toàn của mình, và một trong những vùng an toàn mà tôi đã bước ra khỏi chính là sự tự ti về giao tiếp.
Tôi trước đây là một người hướng nội thuần túy. Tôi chơi với rất ít bạn thân, tôi cũng rất sợ phải gặp người lạ vì tôi không thể tưởng tượng được sẽ nói những gì với một người mà mình không biết họ và họ cũng không biết mình. Quan trọng nhất là, tôi sợ rằng tôi sẽ trông ngu ngốc trong mắt người đối diện. Rồi tới một hôm, tôi không thể chịu được một cuộc sống cứ luẩn quẩn với vòng quay đi học - đi làm thêm - về nhà, đi chơi với những người tôi đã biết. Tôi nghĩ rằng mình đang ở một đất nước luôn chào đón những sự mới lạ, những trial-and-error , tôi quyết định đọc thật nhiều sách về giao tiếp và thay đổi bản thân mình.
Tình cờ, hầu như sách giao tiếp nào cũng có kèm theo những giải thích mang nền tảng tâm lý học (và cả ngôn ngữ cơ thể nữa), rằng tại sao thủ thuật giao tiếp này lại đem lại một kết quả nhất định. Và từ đó tình yêu dành cho bộ môn tâm lý học ứng dụng nảy nở trong tôi. Bên cạnh vấn đề giao tiếp, tôi còn đọc rất nhiều sách về tâm lý phụ nữ và đàn ông, từ đó mở ra một trang mới trong cuộc đời tôi. 
Tôi học được cách chấp nhận sự khác biệt của mọi người. 
Image result for interracial hug

Nếu các bạn có theo đọc những bài viết của tôi bên trang limitless.spiderum.com, những đúc kết của tôi từ hơn chục cuốn sách về tâm lý, thì sẽ thấy rõ một điểm lớn nhất rằng: phụ nữ và đàn ông là những cá thể hoàn toàn khác nhau. (Khác nhau như thế nào thì mời các bạn vào subdomain kia đọc nhé ^^). Khi tôi thấm nhuần tư tưởng ấy rồi, thì tôi không còn cảm thấy khó chịu khi mẹ tôi kết nối từ việc tôi quên không rửa bát sang việc cuộc đời tôi rồi sẽ chả ra gì (I know right :D), hay không còn thắc mắc làm thế nào cô người yêu có thể nhớ được một việc tôi làm rất nhỏ từ tháng trước. Tôi cũng vỡ ra nhiều về những gì mà trước giờ tôi cho là vô cùng phi lý, là sai của người phụ nữ, để rồi từ đó, thay vì cố ép họ thay đổi theo logic của mình, thì tôi hiểu cách quan tâm tới họ theo cách mà họ muốn quan tâm. Tin tôi đi, làm được điều này, bạn sẽ trở thành một người đàn ông vô cùng khác biệt với đại đa số đàn ông ngoài kia đấy. Chưa kể, việc hiểu rõ, hay có nền tảng để hiểu sâu hơn, lý do tại sao mỗi cá nhân là hành xử theo cách họ vẫn hành xử, sẽ giúp độ thấu cảm của bạn trở nên tốt hơn rất nhiều, từ đó sẽ có cách để đối xử với mọi người hợp lý hơn.
Đọc sách là một chuyện, thực hiện những điều trong sách lại là một chuyện hoàn toàn khác. Tôi đã từng nói, chúng ta là giống loài của những thói quen. Bạn có thể học được rằng nhu cầu quan trọng nhất của phụ nữ là được kết nối, nhưng vẫn có thể cảm thấy bực mình khi bạn gái nói "Ăn gì cũng được", thay vì hiểu ý cô ấy là "Ăn gì cũng được, miễn là em được ở bên anh". Tương tự, có thể bạn là nữ và học được rằng nên cố gắng truyền đạt ý muốn của mình càng rõ ràng càng tốt với bạn trai của mình, nhưng tới khi được hỏi thì vẫn nói "Anh cứ đi đi, không sao đâu" để rồi lại giận dỗi sau này. 
Trong quá trình tôi thực hành những gì tôi học được trong sách, tôi lại rèn luyện được một kĩ năng mới, gọi là Critical Thinking. Ở VN khái niệm này được dịch ra thành nhiều nghĩa, nhưng tựu chung lại nó là "suy nghĩ về những gì mình đang nghĩ". 
Image result for critique yourself

Ví dụ: khi có mâu thuẫn với bạn gái, một thói quen vô cùng bản năng của tôi là muốn nói to hơn, muốn nói át lời của bạn gái, và muốn vặn vẹo đủ đường để đưa mình vào vị trí nạn nhân, rằng mình đúng và bạn gái sai. Nhưng với kĩ năng critical thinking, tôi lại có thêm 1 bước ở giữa trước khi có bất kỳ một hành động cụ thể nào. Đó là tôi tự nói với bản thân rằng: "Ồ. Mình đang tức giận, chuẩn bị lớn tiếng và nói những lời gây tổn thương/xúc phạm tới bạn gái mình. Làm như vậy sẽ dẫn tới điều gì? Điều đó có phải là mục đích cuối cùng của mình không? Trong chuyện này mình có phần nào sai không? Mình chỉ muốn em ấy hiểu rằng blah blah để mối quan hệ trở nên khăng khít hơn. Nhưng bây giờ mình vẫn bực mình lắm, khó mà có thể bình tĩnh giảng giải cho em ấy được. Vậy thì mình sẽ lui ra một chỗ khác để bình tĩnh lại, rồi sau đó mới nói chuyện với em ấy. Tuy nhiên nhờ đọc sách tâm lý nên mình biết mình không nên cứ thế mà im lặng hay bỏ đi (mặc dù mình thực sự rất muốn làm vậy), mà sẽ giải thích với em rằng việc làm đó không có nghĩa là mình không yêu em nữa, mà chỉ là cách để đàn ông ổn định lại tâm lý thôi."
Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ, lúc tức giận thì ai có thể nghĩ được nhiều như thế. Nhưng với tôi, tất cả những suy nghĩ trên đều xuất hiện chỉ trong 1 khoảnh khắc rất ngắn, chỉ một tích tắc, từ lúc tôi ĐỊNH hét lên rằng "EM VÔ LÝ NÓ VỪA VỪA THÔI!" cho tới lúc tôi THỰC SỰ nói: "Nghe anh nói này. Bây giờ cả hai đều đang không còn bình tĩnh. Anh muốn bọn mình tạm ngưng và cho nhau thời gian để ổn định lại trước khi quay lại giải quyết vấn đề này. Anh vẫn luôn yêu em, anh chỉ muốn nghĩ cách để nói về chuyện này mà không làm em hiểu làm hay tổn thương mà thôi". Khi tôi nói như vậy với giọng tôn trọng và với tình cảm chân thành hết mức, bạn gái tôi luôn dịu lại, và chấp nhận phương án của tôi. Cho tới nay, chúng tôi có cãi nhau vài lần, nhưng chưa lần nào tôi phải nói những lời mà sẽ làm tôi hối hận sau này. (Có lẽ, phần khó khăn nhất của lúc này, là lục lại thật sâu bên dưới sự giận dữ, sự ghét bỏ trong lúc cãi nhau, để thấy được cái gốc của sự yêu thương, và nói ra những điều muốn nói bằng những lời nên nói.)
Tôi áp dụng quá trình tự-kiểm-điểm-bản-thân đó vào mọi lúc, mọi nơi, với mọi suy nghĩ, từ điều nhỏ như ý định muốn nghỉ một buổi gym hoặc lúc mất tiền, tới những điều quan trọng hơn như phản ứng ra bên ngoài thế nào trong những tình huống nhạy cảm. Đây có lẽ là bài học mà câu nói "Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" của dân gian ta :D Quả thực khi thực hiện kĩ năng này đều đặn như việc hít thở, tôi trở nên trầm tĩnh hơn, điềm đạm hơn, và tâm tính cũng trở nên bình thản hơn trước những biến cố trong cuộc sống.
Image result for inner peace

Tôi thấy nhiều người bạn của tôi, và đặc biệt là người lớn, thường hay hành động, phát biểu và suy nghĩ theo thói quen, bởi làm theo thói quen không bắt bạn phải suy nghĩ quá nhiều. "Nó sai thì mình tức giận, mắng nó là đúng rồi!" so sánh với "Nó sai thì mình phải tìm hiểu nguyên nhân tại sao, là ai đó dạy nó vậy hay nó không biết? Là nó cố tình hay vô tình? Mình muốn dạy bảo nó hay muốn làm nó cảm thấy tệ hại về bản thân? Mình có nhất thiết phải to tiếng không? To tiếng thì có hiệu quả hơn không?". Rất nhiều khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ có một lựa chọn duy nhất trong một tình huống nào đó (như tức-thì-phải-mắng), nhưng nếu áp dụng critical thinking, bạn sẽ thấy bạn luôn có sự lựa chọn đem lại win-win cả cho bạn lẫn người nghe. 
Đó là ba kĩ năng lớn nhất đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi: Trân trọng cuộc sống - Vượt qua khỏi vùng an toàn - Tự đánh giá những suy nghĩ của chính mình. Rất mong qua những chia sẻ thực tế này, các bạn có thể học hỏi được đôi ba điều có ích :D