Như tiêu đề, tôi đã hoàn thành Dự Án Phượng Hoàng (The Phoenix Project: A Novel about IT, DevOps, and Helping Your Business Win) một cách ngập tràn tiếng cười. Giới thiệu một chút về cuốn sách thì Dự Án Phượng Hoàng được viết bởi Gene Kim, Kevin Behr và George Spafford. Đây là một cuốn sách viết về ngành công nghệ thông tin hoặc chí ít là những doanh nghiệp ứng dụng tin học trong việc kinh doanh. Như tiêu đề của quyển sách đã đề cập thì Dự Án Phượng Hoàng sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện về DevOps và cách nó trở thành chìa khóa trong sự thành công của doanh nghiệp. Thế thì thực hư thế nào? Hôm nay tôi sẽ chia sẽ một số suy nghĩ của mình về cuốn sách này cũng như quá trình tôi hoàn thành nó.
Đầu tiên thì phải nói về tiêu đề bài viết này, tôi chẳng hề cường điệu lên mấy đâu. Tất cả đều là sự thật cả, tôi đã mang theo cuốn sách này để đọc khi còn làm ở công ty cũ. Đương nhiên việc tôi cười lăn, cười bò trong văn phòng cũng là thật trăm phần trăm hẳn hoi. Tôi cười tới mức mà mấy tay chóp bu cứ hỏi tôi cười cái gì, tôi chỉ đáp là đọc truyện hài nên cười thôi. Thi thoảng tôi có cho mấy anh em làm cùng đọc vài đoạn, họ cũng như tôi, cười ầm cả lên. Lý do của sự vụ cười ầm này thì tôi sẽ nói đến trong đoạn sau. Bây giờ thì dù rằng đây không phải một bài viết tóm tắt nhưng có lẻ để dễ hiểu hơn tôi vẫn sẽ quẹt sơ vài nét cơ bản về câu chuyện trong cuốn sách. Dự Án Phượng Hoàng là cuốn sách kể về thanh niên Bill Palmer, là một giám đốc tầm trung trong lĩnh vực công nghệ thuộc một tập đoàn trên đà lao dốc. Một hôm đẹp trời (hoặc không), anh ta nhận được báu kiếm sắc phán lên đàng khi được lên chức phó chủ tịch điều hành phòng IT. Nôm na theo kiểu tây u người ta gọi là CIO hoặc gọi vui là career is over. Công việc của Bill là cố gắng cứu cái mớ hỗn độn của phòng IT và nhanh chóng cho ra mắt Dự Án Phượng Hoàng, thứ có thể cứu được sự suy thoái của tập đoàn. Cả cuốn sách sẽ là quá trình tìm tòi, thử sai cũng như là phát triển của Bill và bộ phận IT. Trong hành trình đó chúng ta sẽ gặp một mớ các nhân vật như mụ Sarah (tôi tin rằng ai trong chúng ta rồi cũng sẽ gặp những Sarah trong quãng đời đi làm), Erik thần thánh hoặc là Brent toàn năng. Thông qua câu chuyện đó cuốn sách sẽ truyền tải cho chúng ta những kinh nghiệm cũng như suy nghĩ về quá trình phát triển cũng như vận hành bộ phận IT.

Những điểm tốt của cuốn sách

Để bắt đầu phần cảm nghĩ của tôi về Dự Án Phượng Hoàng thì có tôi sẽ nói về những điểm tôi thấy là tốt trong cuốn sách này. Đầu tiên đó chính là cách kể chuyện, thay vì chỉ đơn thuần đưa ra các bài hướng dẫn và thí dụ như các cuốn sách khác thì Dự Án Phượng Hoàng chọn cách tiếp cận theo hướng tiểu thuyết hóa. Theo đó họ sẽ đưa chúng ta và một câu chuyện cũng như góc nhìn của các nhân vật. Theo cách đó chúng ta sẽ có cái nhìn tương đối trực quan hơn là việc được đút từng muỗng kiến thức vào mồm một cách đơn điệu. Cách kể chuyện này cho chúng ta thấy được những gì mà một phó giám đốc IT phải đối mặt trong một dự án cũ kỹ. Nơi mà ẩn chứa quá nhiều thứ phải vứt đi từ quy trình cho đến cách thức vận hành. Theo chân Bill và anh chàng béo Wes Davis cũng cô nàng mẫn cán Patty McKee, chúng ta sẽ như được tận tay tham gia vào quá trình phục hưng cũng như kiến thiết một bộ phận IT quá sức già cỗi và riệu rã. Cách kể chuyện này có một lợi điểm rất lớn đồng thời cũng là một trong những điều giúp cuốn sách này có sức sống lâu bền. Đó chính là việc Dự Án Phượng Hoàng đưa chúng ta về cái quá khứ xa xăm, nơi thuở hồng hoang của ngành phần mềm, lúc mà những khái niệm như Agile, Scrum hoặc Kanban vẫn còn chưa xuất hiện. Ở đó chỉ có những "Tháp nước" ào ạt đổ suốt đêm ngày, sẵn sàn cuốn phăng mọi dự định và kế hoạch ra xa nơi cần đến. Theo chân Bill chúng ta sẽ thấy việc làm việc cũng như tạo mối liên kết giữa các phòng ban với hạt nhân là phòng IT chưa bao giờ là dễ dàng. Có trong tay nhân sự giỏi là chưa đủ, thí dụ như Brent, một tay to thật sự vẫn bị cuốn vào vòng xoáy của công việc vô lối. Cách theo chân những nhân vật như thế cho người đọc thấy được rõ hơn tại sao chúng ta lại có Agile, Scrum hoặc Kanban. Chúng sinh ra trong hoàn cảnh nào và giải quyết điều gì. Việc tiếp cận theo hướng đó sẽ cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về những điều mà mình tiếp thu. Đương nhiên kéo theo cũng sẽ là niềm tin nhiều hơn dành cho thứ chúng ta tiếp thu vì nó không phải là kiểu dạy dỗ một chiều. Mà nói đến việc dạy dỗ một chiều thì may mắn Dự Án Phượng Hoàng không bị dính vào các bẫy "phép màu" mà nhiều cuốn sách bị rất nặng. Ở Dự Án Phượng Hoàng, chúng ta sẽ thấy Bill, Patty và Wes gặp vô số khó khăn cũng như là thất bại trong quá trình kiến thiết của mình, đồng thời là những biến số không ngờ mà tôi tin ai trong chúng ta cũng có khả năng gặp phải.
Một điểm cộng kế tiếp đó chính là việc xây dựng các nhân vật xung quanh bộ ba Bill, Patty và Wes. Trong hành trình tìm ra chân lý thì đương nhiên sẽ không thiếu những nhân vật xuất hiện. Trong đó có rất nhiều nhân vật thú vị cũng như là rất thật. Một Steve cứng rắn, rất ra dáng ông trùm người mà ai cũng sẽ ngán phải chạm mặt. Một Sarah cáo già, ma mãnh và khó ưa, tôi cá là ai cũng sẽ gặp những Sarah trong sự nghiệp của mình. Một Dick tham vọng và cáu kĩnh. Hoặc một Brent toàn năng, đấng cứu thế, vệ binh của mã nguồn, người mà ai cũng muốn kéo về nhưng lại bị giam hãm trong núi công việc nặng của bầu trời trên lưng Atlas. Đương nhiên không thể thiếu Erik, người có tác động nhiều nhất đến Bill, nhưng có lẻ tôi sẽ không tiết lộ quá nhiều về anh ta. Tất cả những nhân vật trên cùng phòng ban của họ hiện ra một cách vô cùng chân thực như thể họ bước ra từ chính những người xung quanh chúng ta. Không ít lần tôi đọc sách và thốt lên "á à" khi tôi thấy Sarah sao giống một tay "Danzo" nào đó trong công ty cũ quá. Hoặc người lại tôi cũng "á à" khi thấy một tay đồng nghiệp nào đó bắt đầu hóa Sarah. Hoặc đơn giản là một ông chủ mang màu sắc thiết quân luật như Steve, kẻ mà khiến ai cũng ngán khi đàn phán. Riêng Bill, Wes và Patty cũng được xây dựng rất con người. Họ cũng có những tật xấu, những lúc ẩu tả và biếng lười, bất cần. Sẽ có lúc họ mặc kệ tất cả, họ dường như bật khóc hoặc nặng hơn nửa là bức xô nghỉ việc.
Một điểm cộng cuối cùng khá là cá nhân đó là đọc cuốn này khá hài hước. Như đã kể ở trên, tôi đọc cuốn này mà bước vào văn phòng và tôi cười như được mùa. Nhìn mấy tay đồng nghiệp và cười hô hố. Tại vì trong sách có không dưới một đoạn triển khai dự án từ môi trường thử nghiệm lên thực tế và... bùm! Đủ thứ vấn đề trên trời dưới đất hiện ra như là cấu hình bị sai vì đội bảo mật thông báo trước nhưng không ai quan tâm. Số hạ tầng phần cứng không đáp ứng đủ. Có những thay đổi "len lén" và "mập mờ" đến từ một nhóm nào đó. Kéo đến mọi người điên cả lên, có khi phải qua đêm ở công ty hoặc về nhà ở độ ba giờ sáng. Thế thì sao lại hài nhỉ? Đơn giản vì tôi từng làm việc trong một đội ngũ như thế. Cả một nhóm làm việc theo một quy chuẩn điên rồ và cũ kỹ (dù luôn ra vẻ là tiếp thu cái mới). Dẫn đến mã nguồn bị xung đột, lỗi ngay trên môi trường thương mại hoặc là các chức năng "cá kiếm" chết đột ngột dẫn tới những lần tháo gỡ đầy căng thẳng. Đương nhiên tôi vốn lười và vì không đủ trình để đi gỡ mớ dây điện đó nên tôi đã né rất chi là xa. Nhờ vậy mà sáng hôm sau nhìn những gương mặt mệt mỏi kia tôi cứ cười ha hả một cách rất chi là khoái chí.

Những điều tôi chưa ưng lắm

Đương nhiên Dự Án Phượng Hoàng không phải là một cuốn sách tốt hoàn toàn, nó chứa khá nhiều điều làm tôi không lấy làm ưng ý. Thứ nhất cuốn sách này khá là buồn ngủ, đôi lúc tôi dành nó cho những đêm thao thức khó tìm đến cơn mộng đẹp. Đương nhiên không phải vì nó khô khan gì đâu, tôi là thằng viết mã dạo nhưng đọc nó vẫn ngấm thuốc như thường. Sau đây là một số lý do mà theo tôi nó làm tôi buồn ngủ như thế. Thứ nhất đó là bối cảnh của câu chuyện, tuy không so được với các danh tác nơi có các đại gia tộc hay tuyến nhân vật dày đặt thì Dự Án Phượng Hoàng vẫn dễ gây ra cái ngộp cho người đọc. Do được đặt vào góc nhìn của Bill, một người đã làm quá lâu trong tập đoàn nên chúng ta bị mất đi phần giới thiệu khái quát về bối cảnh câu chuyện. Cộng thêm cách kể đan xen đôi lúc chúng ta sẽ không nhớ ai là ai, Dick, John, Chris hoặc Brent. Thậm chí chúng ta hoàn toàn có thể mù mờ về vị trí của những người này trong tập đoàn dẫn tới một số đoạn khá khó nuốt khi đọc. Điển hình như Brent, tôi biết hắn có trình khá là kinh đấy nhưng gần như cả câu chuyện tôi chẳng biết chức vụ của hắn là gì. Đọc một vài trang báo mạng thì họ mới nói hắn là trưởng nhóm phát triển sản phẩm. Rồi ngay cả tuyến nhân vật chính như Patty hoặc Wes chúng ta vẫn khó hình dung được công việc hằng ngày của họ là gì. Hay chính đến Bill, chúng ta biết anh ta là VP của phòng IT nhưng phòng IT đó là phòng IT nào thì mù hẳn. Vì cứ lâu lâu tôi lại thấy một nhóm kỹ sư nào đó xuất hiện và dường như Bill không có mấy quyền hành đối với họ. Việc đặt người đọc vào một bối cảnh lớn là điều tốt nhưng đồng thời nếu là không khéo léo thì hoàn toàn có thể khiến người đọc bị rối và nản trong chính cái mê cung đó.
Điểm trừ kế đến đó là mạch chuyện diễn ra khá chậm chạp. Có thể đây là sự trần trụi khi mà kể một câu chuyện mang ít tính phép màu. Chúng ta sẽ thấy rất nhiều bài toán được đưa ra trong quá trình làm việc của Bill. Đặt biệt đây không phải là một băng chuyền với từng bài toán một mà là một sự phát sinh tục các bài toán. Do đó mà thay vì sự háo hức khi tìm ra được từng lời giải một các vấn đề như kiểu nhận được từng điểm thưởng khích lệ cho quá trinhg đọc thì thay vào đó sẽ là sự chán chường. Chán chường vì vấn đề này vừa đẻ ra thì đi làm vài hôm lại đẻ ra vấn đề khác. Hoặc đơn giản là vừa tiếp được giải pháp thì chính giải pháp đó là mang theo hai ba vấn đề mới. Dạng như vá một lổ lại xì thêm ba lổ. Đương nhiên đây không hẳn là một điểm trừ vì đây là sự trần trụi và thực tế mà hiếm có tác phẩm "dạy đời" nào có được. Thậm chí Dự Án Phượng Hoàng còn cho chúng ta những nhân vật hết sức trần trụi như một Sarah mưu mô, một Steve đầy chất lính xen lẫn sự cứng nhắc, John cáu kĩnh, Dick đầy tham vọng một cách vô lý. Những người đó dường như làm cho hành trình của Bill trở nên nặng nề hơn. Việc đi quá chậm và không có những "khoảnh khắc" giữa chân người đọc như là một chiến thắng nho nhỏ chẳng hạn, khiến cho hơn một phần hai đoạn đầu sách đọc khá mệt mỏi và dễ nản.
Điểm trừ tiếp theo là việc trừu tượng hóa những phương thức cũng như ý tưởng để giải quyết vấn đề. Dự Án Phượng Hoàng đã có một hướng đi khá hay ho khi tạo ra Erik, một nhà hiền triết sống sẵn sàng đưa ra những lời khuyên cho Bill. Đương nhiên hình tượng Erik khá là thú vị khi thay vì chỉ là một quý ông thông tuệ thì hắn hiện ra rất chi là "tay chơi" với sự ngạo mạn và khó ưa. Nhưng điểm chung là những lời khuyên của Erik có phần khó hiểu khi nó khá là trừu tượng. Kể cả đặt dưới góc nhìn của Bill thì chính vị phó chủ tịch này cũng tốn kha khá thời gian để hiểu và ứng dụng những triết lý kia. Sự trừu tượng này kết hợp với nhịp đi chậm ở trên làm cho người đọc càng dễ bị lạc lối hơn khi ở họ bị đưa vào một tập đoàn quá lớn, quá nhiều vấn đề kèm theo sự mập mờ trong những lời gợi ý.
Điểm trừ cuối cùng cũng chính là điểm trừ lớn nhất chính là việc kết thúc quá chóng vánh. Sau khi trãi qua một quá trình khá dài đầy chán ngán và gian khổ. Một cái hành trình mà tôi khen là trần trụi và ít những yếu tố "phép màu" thì đoạn kết lại như vả vào mặt tôi. Một thứ quá nhanh và quá mầu nhiệm. Dù có thể hiểu một cách kiêng cưỡng rằng khi chúng ta đã đặt đủ những phương thức đổi mới ở hầu hết các quy trình, phòng ban thì đoạn cuối chỉ cần một tác động nhỏ như thể một chiếc "lẫy nỏ" để kích hoạt chuỗi Domino thành công. Nhưng cách mà Dự Án Phượng Hoàng tạo ra chiếc lẫy nỏ và hiệu ứng Domino của họ thật sự không quá ấn tượng. Điều đó làm cho câu chuyện phần nào đó trở nên đầu voi đuôi chuột và phí hoài đi sự chờ đợi của những người đã trụ lại với cuốn sách đến giai đoạn đó.

Đôi dòng kết lại

Một lần nửa thì đây là cuốn sách khá buồn ngủ. Tôi không nghĩa dịch thuật quá là vấn đề khi tôi đọc song song cả bản tiếng Anh lẫn bản Việt ngữ của cuốn sách này. Cuốn sách này đọc khá vui và hài hước vì nó cho chúng ta thấy những nhân vật và những trãi nghiệm rất thực tế.
Thay vì chỉ đưa ra những câu chuyện, giải pháp và các mô hình theo kiểu "mớp mồi" thì ở đây chúng ta sẽ có dịp đi sâu vào những vấn đề rất cũ, nơi mà những giải pháp đó vẫn chưa ra đời. Từ đó cho chúng ta cái nhìn tường tận hơn về việc vì sao chúng ta nên và cần sử dụng những vũ khí quản lý đó.
Tiếp đến là bối cảnh rộng lớn của một tập đoàn, một nơi đầy rẫy những điều tệ hại và trì trệ. Việc đó sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về việc tại sao cần phải xúc tiến "phát triển" và "điều hành"
Cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất. Devops ở đây là "phát triển" và "điều hành" chứ không phải cái "devops" mà nhiều người lầm tưởng. Cuốn sách này không dạy chúng ta những kỹ nghệ lên mây, những cách cài cắm hạ tầng này nọ. Thay vào đó nó cho chúng ta thấy cái cốt tủy của cái định nghĩa "devops" và lý do vì sao nó ra đời. Cho nên những đồng đạo nào muốn tìm một cuốn sách dạy "devops" thì có lẻ đây không phải là một lựa chọn tốt. Theo tôi cuốn sách này tốt cho những người muốn có một cái nhìn rộng hơn trong ngành tin học ứng dụng. Một cái nhìn vượt ra khỏi thế giới kỹ nghệ, một cái nhìn bao hàm các thành phần của một công ty / tập đoàn gồm nhiều phòng ban và các sự chồng chéo giữa các bên. Theo tôi thì cuốn sách này khá tốt cho những nhân sự ở vị trí quản lý, từ một trưởng nhóm phát triển cho đến cả những giám đốc điều hành. Họ hoàn toàn có thể đọc và học được kha khá thứ từ nó.
Chỉ thế thôi, một bài đánh giá bị treo khá lâu vì cái sự lười bất trị của tôi.