Cũng là yêu đó nhưng có phải là yêu không? Ai mà biết được nè.

Sao tôi lại viết cái mớ này nhỉ?

Như mọi lần thì tôi sẽ lại nói bắt đầu bằng phần này trước khi viết bất cứ bài nào. Rõ ràng là tôi luôn có suy nghĩ về một kiểu nhân viên mà tôi luôn muốn nói về, có thể do tôi gặp những trãi nghiệm không mấy vui vẻ với những tay đó nên đâm ra thù vặt. Lúc đầu tôi định chọn một câu nói trong phim Việt Nam để làm tiêu đề, câu đó là "Tôi rất ghét những thằng lính ở trường ra, tụi nó công trạng gì đâu mà cũng úy tá ào ào như ai". Nhưng dịp gần đây tôi có dịp nghe ngóng được nhiều thông tin về cuộc thi chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia. Trong đó có một câu hỏi gây tranh cãi liên quan tới lịch sử. Trùng hợp rằng câu hỏi đó làm tôi nghĩ tới một nhân vật lịch sử mà tôi hay dùng để gán ghép cho loại nhân viên này. Kiểu như là "lại là một tay !@%#$ à?". Nếu có không vừa mắt ai đó thì tôi xin phép cáo lỗi vì tôi hay có cái tật dùng một phép gán ghép để đánh dấu cho thứ tôi muốn nói. Nhưng các bạn biết đó, đụng tới lịch sử thì thường lắm thị phi, nhất là những người có công trạng to đùng cao ngất ngưỡng núi thái sơn. Nên một thằng nhát hít như tôi nào dám chơi ngu, nghịch dại để mà ăn núi gạch vào người. Do vậy nên tôi đành đi ton hót, hóng hớt để kiếm cái nào nhẹ đô tí. May sao cũng có một cái tên đó là Danzo Shimura, một nhân vật trong truyện Naruto. Thú thiệt thì tôi cũng từng dùng phép so sánh này ở ngoài vào lần trong lúc nhậu nhẹt và già chuyện về những chuyện công sở. Nhưng một lần nửa vẫn phải nói rằng việc so sánh này chỉ là tương đối và rất chi chủ quan đến từ tôi, nên sẽ có những điều không đúng hoàn toàn với cách mà chúng ta cảm nhận về Danzo.
Nhưng luyên thuyên đủ rồi, vào chủ đề thôi nào.

Thế nào là một tay Danzo?

Đương nhiên như mọi lần thì tôi sẽ bắt đầu vào phần định nghĩa. Như đã nói ở trên thì việc so sánh Danzo hoặc nhân vật lịch sử nào đó (mà tôi nhát quá không dám dùng) thì cũng chỉ là tương đối và không giống nhau hoàn toàn. Danzo trong truyện thì tôi không rành lắm nên chỉ xin dùng một vài nét (mà cũng có thể không đúng) để phát họa như sau: Một kẻ có dã tâm, địa vị và luôn hành động một cách bất chấp thủ đoạn nhầm đạt được mục đích của bản thân mặc cho những hậu quả có thể xảy ra. Nhưng sau tất cả vẫn được một bộ phần người bảo vệ hoặc phần nào đó cảm thông dưới lý do là "yêu làng". Đương nhiên những nét trên có thể đúng hoặc sai nhưng tôi xin được dùng những ý đó để miêu tả loại nhân viên này.
Với tôi thì để cấu thành nên một nhân viên Danzo thì sẽ gồm có một số yếu tố như sau:
Thứ nhất người đó thường là người lớn tuổi và thủ cựu. Đương nhiên có thể là người trẻ tuổi tài cao nhưng thường thì vẫn là người lớn tuổi, dạng có thể xưng "anh" được trong hầu hết các cuộc nói chuyện ở công ty. Ngoài ra phải là một người thủ cựu của công ty đang làm hoặc là có một bản thành tích từng làm các vị trí quan trọng ở các công ty khác (dù rằng thông tin đưa ra có thể không hề đúng hoàn toàn). Tóm lại nói theo cách nhẫn giả thì đó sẽ là một tay thuộc dạng trưởng lão.
Tiếp theo sẽ nói về bộ kỹ năng của những nhân viên này. Họ thường sẽ không phải dạng bất tài vô tướng đơn thuần mà ngược lại là những người sở hữu bộ kỹ năng rõ ràng, gãy gọn. Có trình độ trên mức nhân viên mới, tiệm cận ở mức đầu của những trưởng nhóm có kỹ năng "thật sự". Nhưng điểm đáng nói của loại nhân viên này là họ có những bài đánh "tủ" chuyên trị những vấn đề cũng như những mục tiêu nhỏ một cách gãy gọn, dễ dàng tạo niềm tin kéo theo đó là kỹ năng đánh bóng năng lực một cách khéo léo qua hình ảnh mẫn cán của bản thân.
Tiếp đến sẽ là một trong những điều quan trong cấu thành nên loại nhân viên này. Đó chính là việc hòa mình làm một với cái chung của tập thể. Đơn cử là hình ảnh "yêu làng", sẵn sàng nhận mọi lỗi lầm khi bị cáo buộc và lý tưởng hóa việc đó bằng hình ảnh "yêu làng". Làm tất cả mọi sự chỉ vì một mục tiêu chung, lý tưởng chung.
Cuối cùng chính là thứ làm nên thương hiệu của một Danzo, đó là dã tâm và tham vọng. Vì tham vọng của bản thân thì loại nhân viên này sẵn sàng triệt hạ cũng như tiêu diệt tất cả những hòn đá ngán đường. Có thể là người đồng cấp, cấp dưới hoặc thậm chí là cấp trên, là hokage hay là hoàng đế. Đương nhiên là một cách khéo léo, tất cả đều trong bóng tối.
À còn một điều nửa đó chính là cách tay nhân viên này thể hiện những hành động bên ngoài "ánh sáng". Đó luôn là sự nhiệt huyết, ăn to, nói lớn và gây áp lực cực lớn lên những người đụng độ với hắn.

Thí dụ

Nhưng định nghĩa là một chuyện thôi, tôi nghĩ nên có một giả định cho hình mẫu nhân viên này để dễ hình dung. Đương nhiên đây là một hình mẫu mà bạn có thể xem là có thật hoặc chỉ là giả định. Nhưng chắc ăn nhất thì cứ xem như tôi bịa đi nào, tôi khá là sợ ăn gạch mấy pha này.
Nào bắt đầu câu chuyện thôi. Giả định rằng bạn đang làm việc trong một công ty khởi nghiệp, công việc cũng như mọi người đang rất vui vẻ, hòa đồng. Công ty có hệ thống tương đối rõ ràng nhưng cũng đơn giản. Ví dụ như hai trưởng nhóm kỹ thuật, một vài các bạn kỹ sư chia cho mỗi nhóm và các sản phẩm đang được xây dựng cũng như vận hành một cách nhịp nhàng. Nhưng đến một ngày công ty của bạn quyết định mở rộng để tăng tốc trong quá trình phát triển. Do nhu cầu đó mà việc tuyển dụng được mở rộng kéo theo những nhân viên cao cấp lần lượt xuất hiện. Đương nhiên thấy công ty phát triển, ai nấy cũng sẽ hân hoan và tràn đầy lòng tin. Và rồi trong những người đó có một anh "chiên da" trên ba mươi tuổi xuất hiện. Một kỹ sư mà tôi hay gọi là "kỹ sư quân dịch", ý chỉ những kẻ không phải "lính học từ trường ra". Những dự án đầu thì anh nhân viên mới kia thật sự trở thành ngôi sao của công ty khi mà giải quyết được rất nhiều vấn đề ở cấp trung và vừa một cách gãy gọn, cung cấp nhiều giải pháp mới. Trong nhiều cuộc họp, anh ta trở thành ngôi sao khi sở hữu khả năng trình bày rành rọt và đầy tin tưởng. Đặc biệt là anh ta luôn đem những thành tích trong quá khứ ra là luận cứ cho mỗi phương pháp của mình như "anh từng làm ở một công ty to lắm, một dự án bự lắm, một hệ thống phức tạp lắm". Đương nhiên là với những thành tích ấn tượng đó thì anh chuyên viên nọ dễ dàng được CEO giao cho chức vụ cầm trịch một siêu dự án, nơi hội tụ đầy đủ các tay to mặt lớn của công ty. Mọi việc vẫn rất đẹp nhỉ? Cho đến khi siêu dự án kia bắt đầu...
Dần dần trong những buổi họp đầu tiên những chuyên viên khác nhận ra rằng ngôi sao kia có vẻ thiếu hụt khá nhiều kiến thức cơ bản về việc xây dựng một dự án cỡ vừa trở lên. Đơn cử có thể nói đến kiến thức về ngôn ngữ lập trình, hiệu năng máy chủ cũng như các giải pháp phổ biến. Thứ anh ta đem lại chỉ là những kiến thức cũ, những giải pháp đến từ gần mười năm trước... Những cuộc tranh cãi dần nổ ra và nội dung chủ yếu đến từ những sự xung đột giữa hiện đại cũng như cũ kỹ trong kiến thức. Thường những buổi họp như thế sẽ kết thúc ở trong tình trạng căng thẳng cực độ khi mà trưởng lão "Danzo" kia nhất quyết không chịu thua hoặc có chăng là một cú khóa mồm quen thuộc "Nếu mọi người đã quyết thì cứ làm theo ý mọi người đi!". Đương nhiên là mọi thứ dừng ở đó vì làm gì có việc "mọi người" ở đây. Kết quả của những cuộc tranh luận đó thường sẽ là phần thắng thuộc về tay trưởng lão khi mà phía cải cách đã quá mệt mỏi và quản lý dự án cũng đã sốt ruột, cộng thêm lòng tin vào ngôi sao mới thì quản lý sẽ thường ngả về phía anh ta.
Những ngày đi làm tiếp theo sẽ là những chuỗi ngày căng thẳng ngấm ngầm khi những nhân viên thuộc phái duy tân, thực lực dần bị kiềm tỏa nhiều hơn. Một điểm nổi bật của nhân viên Danzo đó là luôn biết tạo hình ảnh hào sảng, chí công vô tư, sau mỗi lần tranh cãi thì luôn sẽ có những câu nói như "anh chỉ làm vì công ty", "không hề có việc cá nhân ở đây", đương nhiên những câu nói đó đều được nói trước mặt CEO hoặc quản lý. Kế đến bạn thấy được dự án vẫn chạy bon bon dù rằng những chuyên viên khác đôi lần úp mở về một số nguy cơ tiềm tàng. Một vài nhân viên cấp dưới bắt đầu xin nghỉ việc kéo theo những nhân viên mới đến. Đa phần họ đều là những người quen cũ, những người anh em đáng tin cậy đến từ cụ Danzo. Những cuộc họp kỹ thuật cũng bắt đầu bớt gay gắt hơn, các chuyên viên duy tân bắt đầu ít nói dần và cứ thế làm việc. Nhưng rồi dông bão kéo đến khi mà sản phẩm ra mắt thị trường và xuất hiện vô số lỗi phát sinh. Đa phần những lỗi đó đến từ cách xử lý các vấn đề cơ bản, thứ mà Danzo đã xem nhẹ và nhất quyết làm theo suy nghĩ của mình. Những lúc này thì chính anh ta cũng bắt đầu ra tay vá những lỗi đó qua những buổi làm thêm giờ, đương nhiên vá bằng những cách chắp vá chứ không phải những biện pháp vĩ mô. Kết quả sau mỗi lần như thế thì Danzo lại được tuyên dương cho tinh thần hết mình vì công ty. Nhưng việc đó cứ lặp đi lặp lại dẫn đến việc một ngày kia CEO bắt đầu tự hỏi rằng "việc gì đang xảy ra?". Nhưng không ai có thể trả lời được vì tất cả những chuyên viên đều đã khăn gói ra đi, những người trám vào đều là những thân tín của Danzo. CEO tự hiểu rằng mình không thể làm gì hơn...
Hết.
Tôi không biết mọi người sao chứ khi viết cái thí dụ ở trên mắt tôi cứ díp lại, phần vì câu chuyện chán ngắt, phần vì lúc tôi gõ đã là ngay chính ngọ, tôi đói bụng và thèm ngủ trưa. Nhưng tóm lại thì nhân viên Danzo là một kiểu nhân viên có kiến thức nửa mùa nhưng giỏi tô vẽ, có thâm niên to và lý lịch đẹp. Có khả năng lý tưởng hóa những thứ anh ta đang làm và triệt hạ những người xung quanh bằng nhiều cách như bỏ ngoài tai những gì họ nói, hạ nhục một cách khéo léo cũng như là chia rẽ niềm tin những thành viên bên phe đối lập. Tất cả nhằm mục đích cuối cùng là khống chế công ty hoặc là bộ phận. Từ đó cơm no, áo ấm, đời đời được phụng thờ (miễn công ty hoặc dự án còn sống).

Từ đâu sinh ra loại nhân viên này?

Tương tự như bài viết về bốn loại nhân viên thì trong bài này tôi cũng sẽ tìm hiểu một tí về lý do đằng sau sự tồn tại của những nhân viên loại này.

Lý do nội tại

Thật sự thì đây là thứ tôi khá chi là mù mờ và khù khờ vì tôi chưa bao giờ có ý định trở thành cũng như kết thân với những tay nhân viên kiểu này nên sẽ khó mà luận bàn chính xác lý do sinh ra những tay nhân viên như thế. Nhưng tôi sẽ tổng hợp dựa trên những điểm chung về nội tại của những tay như thế.
Điều thứ nhất có lẻ liên quan đến biểu hiện đầu tiên của loại nhân viên này mà tôi đã nói ở phía trên. Một kẻ thủ cựu. Như tay trung tá trong phim từng nói về cấp dưới mình trong phim rằng "Tôi rất ghét những thằng lính ở trường ra, tụi nó công trạng gì đâu mà cũng úy tá ào ào như ai". Những tay này thường xuất phát từ "chiến trường", một dạng không được hoặc không thích đào tạo bài bản. Thay vào đó là "thử, sai, làm lại..." và quá trình đó của họ đạt được ít nhiều thành tựu. Điều này sinh ra tư tưởng thượng đẳng thế hệ trong họ. Có thể dễ dàng bắt gặp được những lúc họ tỏ ra coi thường những chuyên gia, những người đang nói về các bài toán ở tầng mây khác tầng mây của họ. Họ coi thường nhưng "thằng lính học từ trường ra". Tìm cách để thoái thác hoặc từ chối một cuộc tranh luận dựa trên kiến thức chuyên môn. Thay vào đó sẽ cố đưa cuộc tranh luận về sân nhà bằng cách khơi lại quá khứ hào hùng "anh từng xử lý, anh từng làm trong một hệ thống, anh từng... tưng tửng, vân vân và mây mây".
Điều thứ hai chính là cái tôi. Cái tôi của họ rất lớn, họ không bao giờ chịu thua ai cả. Nhưng như đã nói ở trên, thay vì ngoan cường một cách học hỏi để phát triển thì họ chỉ muốn thắng trên sân nhà của mình. Họ thường tự cho mình là thế hệ đi trước, là những "Mr Từng Trãi". Mà thế hệ trước thì sao mà được phép để một lũ Gen Z cóc con nào đó cầm cái búa tri thức gõ đầu bom bóp được. Nên vì cái tôi của họ và thế hệ của họ thì họ sẽ sẵn sàng triệt hạ những kẻ ngán đường.
Điều cuối cùng đương nhiên là tham vọng. Bạn tỏ ra thượng đẳng, bạn coi bọn chuyên viên như rơm rác, bạn có cái tôi cao. Nhưng tất cả sẽ không đủ để cấu thành một con cáo già kiểu Danzo nếu thiếu tham vọng. Cái tham vọng bước lên cao hơn. Chúng ta sẽ dễ dàng thấy mấy tay kiểu này luôn lao đầu vào mọi thứ "thơm" nếu có thể. Luôn muốn đánh bóng những chiến tích và lôi kéo những chân rết mới để củng cố và bước lên địa vị mà họ cần. Chính sự tham vọng đó cho họ động lực để triệt hạ những nhân viên khác.
Ngoài ra chắc cũng có nhiều lý do khác, như đã nói thì tôi không phải loại đó và cũng không thân thiết gì mấy loại đó nên chỉ đoán mò được nhiêu đây thôi.

Lý do bên ngoài

Nếu nội tại là cách mà một loại tính cách làm việc được sinh ra thì chính những yếu tố bên ngoài sẽ là thứ nuôi lớn chúng. Vì "may mắn" được làm cùng với một (hoặc vài) tay Danzo như thế nên tôi cũng tìm được đôi ba điểm chung trong mấy cái môi trường mà chúng được tung hoành.
Thứ nhất thì kiểu nhân viên này thường xuất hiện ở những công ty khởi nghiệp và thường là vào giai đoạn tăng tốc. Giai đoạn tăng tốc sẽ là giai đoạn mà các ông chủ, những người đang đốt tiền và đốt luôn niềm tin sẽ muốn nhìn thấy thành quả một cách nhanh nhất. Đồng thời mọi tiểu tiết sẽ thường bị xem nhẹ. Như người ta vẫn hay nói là loạn thế sinh anh hùng. Nhưng đồng thời cũng có câu "ở đâu cũng có anh hùng...", à mà thôi đoạn này tôi say nên viết bừa thôi, cái cốc Jager chết tiệt! Trở lại với vấn đề thì vào thời điểm đó, những kẻ có kinh nghiệm đánh những chiến trận nhỏ sẽ vô cùng được trọng dụng nếu họ có thể giải quyết chiến trường một cách gãy gọn. Một lần, hai lần rồi ba lần hơn, nếu liên tục giành thắng lợi thì niềm tin nơi các lãnh đạo sẽ được củng cố theo hướng nắng hạ gặp mưa axit, cháy vô cùng.
Nhưng nếu những kẻ đó thường là những kẻ khôn vặt thì làm sao có thể qua mắt được những chuyên gia nhỉ? Yếu tố thứ hai sẽ liên quan đến yếu tố này. Đó là những công ty mà những tay Danzo này phát triển thường sẽ thiếu vắng đi những người thuộc phái thực lực, chuyên môn cầm trịch. Hoặc đơn giản là nếu có thì họ cũng bận bịu nhiều công việc trong cái khoảng thời gian nước rút đó, dẫn đến không thể theo dõi sát sao những tay này. Ngoài ra thì đi làm không phải ai cũng thích đấu đá. Những tay Danzo này thì thường tỏ ra "anh lớn khiêm tốn" để che mắt thiên hạ lúc đầu nhằm tránh đụng độ khi chưa đủ lực.
Tiếp theo chính là liên minh. Thường thì những kẻ này sẽ dễ dàng phát triển nếu trong công ty đã có sẵn một trưởng lão thủ cựu khác. Hắn sẵn sàng chịu ngồi dướng trướng trưởng lão này để có thể thực hiện những bước đầu của mình. Về phía tay kia thì giống hệt như những lãnh đạo, chẳng dại gì không nhận về mình một tay nhân viên đánh đông, dẹp bắc đầy xuất sắc thế. Nhưng đó chỉ là phía thượng tầng. Còn phía hạ tầng nửa kìa. Thường những công ty khởi nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng tăng đột biến để bắt đầu những bước tăng tốc. Lượng nhân viên sắp nhập cư này đa phần sẽ là những kỹ sư mới hoặc tầm trung. Đó là những người có thể trở thành những cấp dưới cũng như những cử tri đầy hứa hẹn cho những tên Danzo này.
Cuối cùng chính sẽ sự ra đi và im lặng của những người khác. Đây cũng chính là một trong những lý do quan trọng nhất. Thế người khác ở đây là ai? Đó chính là những người thuộc trường phái kỹ thuật, những người biết rõ rằng tay kia chỉ biết những chiêu trò ngắn hạn và chả có kiến thức gì. Nhưng vấn đề gì mà họ phải im lặng? Thứ nhất có thể do tính cách, khi mà thường họ không muốn cãi nhau một cách võ biền, to tiếng, phố chợ. Nhưng lý do quan trọng nhất theo tôi đó là "làm thuê thôi mà". Những công ty mà bọn Danzo bám rễ được suy cho cùng cũng không thật sự tốt, hoặc ít nhất là còn nhiều vị trí tốt. Thay vì đấm nhau sứt đầu mẻ trán thì những người kia thường sau khi quá mệt mỏi sẽ chọn cách rời khỏi công ty để tìm những nơi tốt hơn cho sự nghiệp của họ. Suy cho cùng thì cũng chỉ là kiếm cơm thôi. Mà kiếm cơm thì cần gì tìm miếng đáy của tồi tàn khi mà mình dư sức tìm miếng khác. (Nói nhỏ xíu thì tôi chỉ mới làm có bốn công ty thôi chứ không tới mức mười công ty đâu. Nhưng nếu thích tôi sẽ viết một bài nhãm nhí về vụ tôi chuẩn bị cho phi vụ nhảy việc của mình).
Sơ qua đó là những lý do nuôi dưỡng nên một tay Danzo trong công ty.

Thế rồi bọn này là tốt hay xấu?

Câu trả lời thì vẫn ba phải như mọi khi thôi. Đó là "tùy". Có thể tốt, có thể xấu tùy mọi góc nhìn. Dù rằng thú thiệt, tôi chả nuốt nổi bọn già khợm đó. Đương nhiên không phải vì tôi này thành kiến thế hệ gì đâu. Tôi cũng là một 9x đời đầu chứ không phải trẻ trung gì. Nhưng mà ngoài lề tí thì tôi khá thích chơi với tụi Gen Z bây giờ. Mà tôi lại lạc đề rồi, cái ly Umeshu trà xanh chết tiệt! Trở lại với vấn đề tốt xấu thì tôi xin phép được chia nhỏ ra thành hai phần đó là cách nhìn từ phía lãnh đạo hoặc công ty và góc nhìn từ phía đồng nghiệp.

Công ty và lãnh đạo

Nếu phải nhìn nhận từ phía công ty thì thú thật rằng bọn nhân viên này cũng có một số điểm tốt.
Thứ nhất nếu công ty của bạn chỉ xác định chơi những cuộc chơi nhỏ, trộm gà, bắt chó hay cao hơn là chui rúc trên một cái núi nào đó mà thó tiền trong túi thiên hạ thì những tay này khá là phù hợp. Đoạn này tôi nói thiệt tình và không hề khấy đểu đâu nhé. Rõ ràng rằng những tay này sẽ vô cùng thích hợp khi được đặt vào vị trí đó, một vị trí không cần tầm nhìn xa, chỉ cần đào xúc múc bán là xong.
Thứ hai đó chính là tạo nên một văn hóa công ty thuần nhất. Một văn hóa thuần nhất sẽ giúp công ty phần nào định hình được cách vận hành cũng như là tuyển dụng, quản trị so với một công ty có quá nhiều văn hóa đan xen.
Cuối cùng đó chính là nếu công ty bạn vẫn muốn đi đường dài, lấy thiên hạ thì những tay này cũng không hề vô dụng nhé. Như chúng ta thường thấy thì những cuộc khởi nghĩa giai đoạn đầu luôn cái những con trâu cày như thế. Những tay này sẽ giúp chúng ta đẩy nhanh tiến độ như chúng ta muốn. Chỉ cần đặt chúng ở những vị trí không quá chiến lược. Dùng xong thì sút đi là ổn.
Những điểm tốt ở trên thường có một điểm chung đó là bạn nhận ra những tay này từ sớm. Nhưng thường không được như thế. Mà nếu không được thì đây sẽ là những điểm xấu:
Thứ nhất xuất phát từ chuyên môn, công ty sẽ khó có những dự án được xây dựng vững chắc và có thể đi được đường dài do trình độ bọn này thì chỉ có thể làm mấy cái ăn nhanh, ăn lẹ thôi. Điểm đáng sợ đó là thường thì khi phát hiện thì chuyện đã rồi và dường như chỉ có thể sống chung với thứ không hoàn hảo đó.
Thứ hai đó chính là nuôi những kẻ tham vọng đó trong công ty nếu không cẩn thận sẽ có ngày bạn nhận ra rằng mình chính là người phải sợ hắn. Đơn giản vì hắn đã nắm quá sâu và quá nhiều thứ trong công ty cũng như sản phẩm của bạn. Như bạn biết rồi đó, khi một quyền thần có đủ sức mạnh thì vua chúa chúng nó giết như ngóe ấy mà.
Cuối cùng chính là làm giảm giá trị nhân sự công ty. Như đã đề cập ở trên thì loại nhân viên này sẽ triệt hạ kha khá những nhân viên thực lực trong quá trình đi lên của hắn. Nhưng điều đáng sợ là không phải ai cũng nói với bạn rằng họ nản đâu, thường họ sẽ ra đi với tâm lý tránh bị phiền và chọn giải pháp im lặng.

Chính tôi

Riêng với tôi thì loại này gần như chả có gì tốt khi mà tôi chán làm việc với mấy tay thủ cựu, võ biền và mang nặng cái thượng đẳng thế hệ lắm rồi. Nếu chọn một điểm tốt thì thú thiệt rằng tôi phải thừa nhận rằng sự xuất hiện và phát triển của những tên nhân viên này là dấu hiệu không thể rõ ràng hơn cho tôi. Tôi nên lo mà phắng ngay thôi, khi mà công ty sẵn sàng chọn những kẻ đó thay vì những "thằng lính học từ trường ra", bất tài, vô tướng như tôi.

Kết

Tôi không biết phải kết thế nào vì bài này là một bài tùy hứng, sinh ra từ sự pha trộn nhảm nhí của Jager và Umesu. Nhưng tóm lại là tôi cũng đã rời khỏi một nơi mà phải ngó mấy tay Danzo kia ngày qua ngày. Thôi thì ai lỡ đọc thì dù thích hay không cũng xin cảm ơn rất nhiều.