Hôm nay, tôi dậy từ 5h sáng, tập thể dục và... dành cả buổi để đọc một truyện ngôn tình mạng Trung Quốc có tên là "Rể quý trời cho."  Truyện dở. Tình tiết phi lý, nhân vật càng vô lý hơn. Văn vở thì thôi rồi, câu cú lủng củng, ngắt câu vô độ, chữ nghĩa tầm xoàng. Lời thoại đã ngây ngô, nhân vật lại càng ngây ngô bạo, đọc cứ tưởng toàn bộ nhân vật đều bị thiểu năng EQ hết. Ấy vậy mà, truyện vẫn đắt khách, vẫn đủ hấp dẫn để mang nó đi quảng cáo. Tôi phải đọc để hiểu lý do vì sao?  Và tôi vỡ lẽ ra: Cũng cùng một lý do khiến cho các bộ truyện xuyên không (isekai) trở nên thịnh hành, thậm chí là áp đảo trong giới manga/anime vậy -- chính là sự trốn chạy thực tại (escapism).   Bạn có bao giờ tự vấn, vì sao các đoạn phim ngắn TikTok "Chủ tịch abc xyz và cái kết" lại thịnh hành và được nhiều người xem và chia sẻ hay không? Đó là vì người xem thấy hả hê trước việc một kẻ xem thường người khác bị làm nhục và nhận lấy cái kết mà theo họ là thích đáng. Xuyên suốt RQTC là những tình huống hệt như vậy: Nhân vật chính của chúng ta có "tiếng tăm" là "chạn vương" (ăn bám nhà vợ), luôn bị chính gia đình vợ và mọi người xung quanh xem thường. Thế nhưng anh ta thực sự lại là truyền nhân của gia tộc quyền lực nhất kinh đô, hết lần này đến lần khác cho những kẻ dám xem thường mình "biết tay", nếm mùi đau khổ! Được xây dựng dưới hình ảnh một "soái ca không tì vết", vừa giàu ngàn vạn vừa giỏi võ vô đối, cầm kỳ thi họa xưng nhì không ai dám xưng nhất, lại còn nấu ăn ngon hát hay, một lòng chung thủy với vợ -- chính là một cái khung tranh rỗng để người đọc nam có thể tự mình lồng mình vào đó, còn người đọc nữ có thể chìm đắm trong mộng ảo hão huyền rằng biết đâu một ngày kia người yêu của mình sẽ trở nên như vậy. Đấy là một thứ ảo tưởng quyền lực (power fantasy) tối thượng, hòng giúp người đọc có thể trốn chạy khỏi thực tại đầy chán nản và thất vọng của mình.  Vậy, thực tại chán nản và thất vọng đó là gì? Đó là một xã hội nơi mà giá trị con người cũng chính là giá trị số dư tài khoản ngân hàng của anh ta. Người ta lật mặt, tát người yêu, đánh anh em, chỉ vì người trước mặt mình giàu đến nỗi có thể mua lại mình được. Đó là một xã hội đầy rẫy sự khinh miệt, phân biệt, đố kỵ và cạnh tranh mưu mô xảo trá. Người ta sẵn sàng bán đứng người thân ruột thịt vào nanh cọp, sẵn sàng vu khống đặt điều hãm hại nhau không từ một thủ đoạn gì chỉ vì kẻ khác dám giỏi hơn mình, hay dám có thứ mà mình nằm mơ cũng không có được. Đó là một xã hội trọng nam khinh nữ đến tột cùng, nơi mà giá trị của người phụ nữ hoàn toàn gắn với giá trị người yêu, người chồng của họ. Thậm chí đến vợ của nam phụ cũng không có tên, mà chỉ đơn giản là "vợ của X". Những nhân vật nữ có tên khác thì mưu mô nanh nọc, không giựt chồng của nhau thì cũng dựa oai chồng mà cắn xé nhau. Bộ tiểu thuyết này, xin lỗi cho nói thẳng, chính là "tam quan lệch lạc" vậy.  Thế nhưng, tôi không trách người viết ra bộ RQTC này. Văn chính là đời vậy. Ngẫm khi xưa, những câu chuyện dân gian mà người nay phán xét là bạo lực, là thiếu nhân văn, là vô nhân đạo, chính là một thể loại ảo tưởng quyền lực của người xưa vậy. Vì cuộc sống họ sống đầy rẫy những chuyện bất công, những người bất nhân, những việc bất nghĩa như vậy, nên họ mới viết ra những câu chuyện như vậy. Vừa để thỏa mãn hả hê sự bực dọc trong người, vừa thể hiện ý chí đạo đức của mình: Rằng người chính trực sẽ gặp điều may điều lành, còn kẻ ác nhơn sẽ phải gánh chịu quả báo. Những câu chuyện như RQTC, những phim hoạt hình isekai càng thịnh, càng chứng tỏ một điều rằng những bức xúc ấy không phải vô nguyên mà đến. Nó chính là hàn thử biểu, là con oanh vàng trong mỏ than báo hiệu cho những suy đồi hủ hóa còn nhan nhản trong xã hội mà chúng ta đang sống vậy.  Xã hội mà chúng ta sống, thực ra cũng chưa văn minh lắm đâu.  Phú Nhuận, 13/06/2021.