Định hướng đi cho một cuộc đời mỗi người là một vấn đề nhiều trăn trở, có lẽ nó vô thức tác động và ám ảnh chúng ta ít nhiều ở các giai đoạn của cuộc đời. Có người thật may mắn khi tìm thấy một đam mê và có niềm hăng say nhất định với những gì mình làm. Có người vì trách nhiệm mưu sinh mà quanh quẩn với những nhu cầu cơ bản (ăn uống, sinh hoạt,...) hết cả cuộc đời. Nhưng chắn chắc không ai khỏi cân nhắc, đong đo cân đếm các lựa chọn xung quanh, dù biết mình muốn gì hay không, thì việc lựa chọn so sánh vẫn không khỏi xảy ra.
Cũng lâu rồi tôi chẳng dám viết nhiều về điều gì, phần vì sợ trải nghiệm quá cá nhân, phần sợ chữ nghĩa thái quá sẽ gây nên sự mơ hồ cho người đọc. Nhưng hôm nay trong một ngày sự chịu đựng của bộ não có hạn, tôi nghĩ mình cần phải cho những suy nghĩ ấy viết ra để hệ thống lại, và cũng như muốn cùng mọi người tranh luận đôi chút về các vấn đề này.
Nguồn ảnh: một bạn nào đó từ Facebook.
Nguồn ảnh: một bạn nào đó từ Facebook.

1. Về tác giả và chủ đề

Thật ra là cũng vì đang trong những ngày thất nghiệp, tôi có chút hẫng đi khi nhận ra chẳng biết làm gì tiếp theo cho chặng đường phía trước của mình. Nói đến đây chắc bạn sẽ hình dung tôi thuộc thế hệ genZ cái gì cũng biết cũng muốn mà chẳng có cái nào ra cái nào, và rồi cái thế hệ chẳng có định hướng và chịu theo cái gì ổn định lâu dài.
Thật ra cũng đúng nhưng chưa đủ, do mỗi trường hợp đều mang tính rất cá nhân. Tôi thì là kiểu một đứa trẻ lớn lên với sự cứng đầu cố hữu của mình, từ những năm mới bắt đầu đi học đã nghĩ về việc sinh ra và sống trên đời này để làm gì. Chẳng nhớ rõ nhưng có nhiều đêm dài tôi đã khóc rất nhiều khi nhận ra cha mẹ rồi sẽ già và chết đi, bỏ lại mình cô độc trên đời, nghĩ đến đó thôi tôi đã hoài nghi về việc được sinh ra. "Thế thì sinh ra để chết đi sao?" - tôi đã mang câu hỏi đó đi suốt những năm tháng học trò của mình.
Và rồi tôi lớn lên với niềm say mê đi tìm câu trả lời của riêng mình và mặc kệ những công trình hiểu biết của bao thế hệ trước để lại. Nói đến đây chắc mọi người sẽ tò mò tôi đã làm cách nào và kết quả của quá trình đó dẫn đến đâu. Thật ra viết đến đây tôi cũng chẳng thế mường tượng mình đã đi qua những năm tháng đó thế nào, nói xa rời thực tại cũng không đúng mà đi đến cái gì đó hay ho mới mẻ cũng chẳng ra. Tôi đương nhiên cũng bị những thứ xung quanh của xã hội tác động, những tiêu chuẩn và các áp lực đồng trang lứa. Có những năm tháng tôi cũng yêu ghét rõ rệt như ai, đắng cay với một số bất công của xã hội và cư xử cũng rất mực thiếu suy nghĩ. Nhưng lâu ngày tôi cũng từ việc tìm hiểu tri thức mà dần dà khắc phục các hành xử, suy nghĩ cảm tính của mình.
Lâu dần, việc đi một mình khiến tôi có một niềm tin bất diệt đó là tin vào chính mình, và vì không muốn để bị định hướng bởi một cái lối mòn có sẵn tôi đã luôn xác định trước góc nhìn của mình cho mọi vấn đề. Điều đó dẫn đến tôi đã mất nhiều năm để tự học qua các kinh nghiệm đúc kết của chính bản thân. Tôi ngắt kết nối, giảm đi sự tương tác với mọi người, bỏ đi rất nhiều mối quan hệ xả giao không cần thiết. Và rồi kĩ năng giao tiếp bình thường những câu chuyện đời thường của tôi suy giảm, nhưng sự say đắm cuộc đời, niềm yêu mến mọi người (với tôi là yêu mến đồng loại) vẫn còn cháy bỏng, tôi có thể giao tiếp trơn tru, hỗ trợ mọi người hết mình trong công việc và không ngại giúp đỡ ai dù là bình thường tôi sẽ không tương tác gì nhiều. Mọi người đương nhiên sẽ hoài nghi về tôi vì bình thường có hay nói chuyện gì với ai lắm?
Nhưng nếu nhìn lại tôi chẳng tiếc nuối về hành trình mình đã đi qua, vì tôi biết mình đã làm ít nhiều những gì mình thực sự mong muốn và tin là đúng. Và chắn chắc dù xấu tốt thì vì những năm tháng đó tôi mới còn ngồi ở đây!?
Sở dĩ nói vậy vì tôi ưu tiên sự hạnh phúc và niềm vui của bản thân mình.
- Nếu đi vào một khu rừng lạ mày sẽ thích cầm bản đồ có sẵn mà đi hay tự mầy mò đường? - Tao nghĩ đi theo cái có sẵn thì chẳng thú vị nữa, chẳng có trải nghiệm gì mới! - Oke đồng ý nhưng mà nhỡ tự mò hoài mày không ra được thì sao? - Cuối cùng thì cũng phải ra thôi. Nếu mà không ra thì ít ra tao cũng thấy vui vì tự mình trải nghiệm. Chứ đi theo những cái có sẵn nó lại định hình cho tao cái lối mòn của người đi trước...
Quay trở lại chủ đề tại sao có bài viết này, đó là vì nhiều năm thao thao bất tuyệt về những chân lí đúng sai, về việc cân nhắc sống một cuộc đời sao cho không hoang phí, tôi vẫn chưa biết mình thực sự muốn theo đuổi điều gì. Đó là một ngày tôi đi tìm công việc sắp tới để làm, tôi vẫn chưa thể trả lời cụ thể định hướng của mình sắp tới là gì. Những việc tôi đã làm thời gian qua hoàn toàn là trải nghiệm, thử sai và rút kinh nghiệm, loại bỏ những điều mình không thích. Tôi thậm chí còn bỏ qua việc học tiếng Anh, một phần vì không thể nào tập trung, một phần từng nghĩ mình có thể học mọi thứ mà đâu cần đi theo xu hướng phương Tây hóa*.
* * *
Đôi lúc thật may mắn khi có một con đường để bước đi
Bắt đầu từ những năm đầu Đại học, sau thời gian ôn thi dồn dập, thi xong cũng là lúc tôi dạo chơi với những thứ quanh mình. Trong những ngày tháng đó, tôi may mắn tìm được một số người có hiểu biết và nhiều ảnh hưởng. Từ việc có nhiều thời gian và gặp gỡ những người cùng tần số, tôi càng đi xa, mơ hồ hơn việc nghĩ suy mà thiếu đi các action* thực tế.
Trong một cuộc tranh luận tôi không còn nhớ rõ bối cảnh, đại loại đó là việc mọi người đang nói nhau về việc giới trẻ thời nay chỉ chăm chăm vào việc đa dạng hóa nhiều trải nghiệm để ghi vào CV, tôi đã nhảy vào bình luận và bị ăn ngay phản biện.
Mình nghĩ sống là để trải nghiệm, vì trải nghiệm mới là thứ mang lại cho chúng ta nhiều mới mẻ và niềm vui sống. Phản biện: Trải nghiệm chỉ là cảm xúc tạm thời, cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi theo đuổi đến cùng một thứ, đó chỉ khi ta xác định cho mình một mục tiêu.
Nhưng kể từ cuộc tranh luận trên, tôi vẫn sống như vậy đến 5 năm sau mới chịu nhận mình có phần sai. Ba năm cấp ba tôi tự hỏi liệu vòng xoay 22t ra trường, 30t lập gia đình, rồi sau đó có con và nuôi con lớn, già, bệnh rồi chết đi có gì đáng trông đợi, liệu có con đường nào khác không. Tự nhủ và an ủi mình rằng đó không phải tiêu cực mà là sống thực tế, tôi chẳng ý thức được việc suy luận ngắn đó đã dẫn đến những hệ lụy rằng mình chỉ phỏng đoán khi chưa hành động. Tôi tiếp tục tự vấn mình và rồi phải đến lúc chọn ngành chọn trường, tôi không chọn đại nhưng cũng không quá cân nhắc, tôi chọn Kinh tế như một sự lựa chọn bao quát và dễ chuyển đổi.
Bốn năm Đại học tôi trải nghiệm như cưỡi ngựa xem hoa và hoàn toàn không đi theo một chủ nghĩa nào, cũng là trên con đường tự mày mò mà không dựa theo một ai cả. Không quá cuồng nhiệt cũng không quá thờ ơ. Sau đó ra trường 1 năm tôi nhận ra không phải chuyện lúc nào cũng trong vòng kiểm soát, kế hoạch có thể lệch đi và bị tác động bởi nhiều thứ, việc của mình là thích nghi và linh hoạt. Tôi bắt đầu bớt nghĩ hơn và lao đầu vào chỉ mong better day, bắt đầu học tiếng anh, Excel nhưng không đáng kể, tôi học cầm chừng mà không biết mình sẽ làm gì tiếp theo.

2. Ngược dòng thời gian

Trong những ngày không chịu nổi sự biến đổi liên tục của hiện thực, tôi đã tìm về sử để xem, một ít sử cổ Trung Quốc, các triều đại Việt Nam, một ít Thế chiến 1 và 2. Tuy lịch sử có chút tam sao thất bản, nhưng tính chất quá khứ của nó làm tôi đỡ phải lăn tăn so với việc tiếp thu nhiều cái mới diễn ra liên tục hằng ngày. Việc tìm hiểu có chút chủ đích cũng giúp tôi chủ động và sáng suốt ra.
Thời gian đó tình cờ tôi đã thấy Nỗi buồn chiến tranh và Nhật ký Đặng Thùy Trâm, một tiểu thuyết chút văn chương và một nhật ký được viết ra cốt chỉ thỏa nỗi lòng người viết. Hai cuốn sách làm tôi cảm thấy thật ghen tị* với những người sinh ra đã có định hướng sẵn cho mình, đó là vì hoàn cảnh bắt buộc họ phải đi theo con đường cách mạng. Nhưng một người là kẻ ở lại sau cuộc chiến đầy đau thương, người thân và những người đồng đội cùng thời đã mất hết, anh ta (Kiên) ở lại chơi vơi với nỗi buồn mác man nhớ lại những kỉ niệm đau buồn của thời quá khứ xa xôi. Kiên là một người sôi nổi, đi theo con đường đó nhưng cũng rất khát khao cuộc sống như người bình thường (có tình yêu, có người thân, có cuộc đời nhẹ nhàng như bao người). Còn một người kia, hăng hái với ý chí trả thù cho những người đồng đội đã hi sinh của mình, đã chết đi khi chưa hoàn thành mong ước, bỏ lại bao điều tươi đẹp ở tuổi đời còn trẻ nhưng cô luôn viết trong nhật ký của mình rằng là nếu có hi sinh cũng không hề nuối tiếc. Chính vì không chấp nhận nổi cảnh đồng bào chịu cảnh lầm than cô đã xác định đi theo con đường đó.
Tôi từng nhìn Kiên mà nhớ lại thời mới thi đại học xong của mình, cố gắng hết sức rồi cũng chẳng biết vì điều gì, cuối cùng thi xong lại hụt hẫng. Nhưng những năm tháng ĐH tôi may là thích trải nghiệm nên vẫn có lúc hăng say học tập. Nỗi buồn chiến tranh là cái kết mở, tôi thắc mắc không biết sau đó nhân vật chính sẽ sống tiếp những ngày tháng đau buồn hay sao, chẳng biết có điều gì đáng mong chờ xuất hiện với Kiên không. Nhưng làm sao mà chẳng có gì mới mẻ được. Tôi cũng từng hằn học tức tối khi không chấp nhận được sao cùng là con người mà mọi người lại chém giết lẫn nhau. Từng thắc mắc tại sao các thanh niên ngày xưa lại ra sức đóng góp cho lí tưởng yêu nước đến vậy, lớn lên và ra trận. Và Đặng Thùy Trâm đã cho tôi câu trả lời trong những ngày tôi ra sức đi tìm kiếm.

3. Chúng ta sống vì điều gì

Người ta bảo con người chỉ mới có nền văn hóa lịch sử được ghi nhận trong 4000 năm trở lại đây, còn trước đó đã có biết bao loài từng sinh ra và tuyệt chủng mãi mãi trên thế giới này. Vậy con người đâu phải là đích đến của sự tiến hóa. Thế chúng ta chỉ sống một lần, một đời người trăm năm so với 4000 năm hay mấy triệu năm tiến hóa của nhân loại có đáng là gì?!
Tôi từng nghe có người sống vì lí tưởng, có người sống vì một cuộc đời chưa đủ đầy nên phải tiếp tục cố gắng, còn có những đứa trẻ hiện nay một số lại đủ ăn đủ mặc nên cũng không thiếu thốn gì phải cố gắng để rồi khổ vì vượt sướng. Có người bảo tôi nên nhìn về những người thân của mình, lỡ một mai mẹ cha hay người thân yêu nào đó không còn nữa, nếu được thì hãy sống vì họ.
...
Và tôi nhìn lại những người ăn xin bệnh tật ngoài kia, liệu họ có nghĩ ngợi gì nhiều về tương lai xa xôi không, hay chỉ mong cho sống được qua ngày.
À và khoan đã, dường như mọi thứ quá quan trọng để ta cân nhắc? Nếu một ngày đột ngột lỡ ta chết đi, có còn gì là quan trọng. Có phải chăng những trường hợp điển hình hay thiểu số ngoài kia chỉ là một ngoại tác. Ý tôi là đang nói đến việc sống theo con tim của mình.
Trong ngày hôm nay, tôi đang ở nhà, nơi sinh ra mình, lúc đang ăn cơm trưa bất chợt nhìn ra vườn rau đã chết sạch vì cháy nắng, tôi thấy một cây diếp cá nhỏ đang đung đưa nhè nhẹ dưới bóng mát của 2 cái mái nước. Bất giác tôi thấy lòng khấp khởi nhẹ nhàng, bởi cái cây nhỏ nhắn vô tri vô giác kia còn có sức sống mãnh liệt thế kia, nó vui sống không vì điều gì, còn tôi cớ sao nghĩ nhiều mà làm khó lòng mình nhiều thế kia. Nghĩ rồi tôi quyết định viết ngay bài này đây. Cũng là sau nhiều năm tự đi tìm những điều nội tại từ bên trong mình, từ dạo khủng hoảng tìm việc 1 năm trước tôi đã mở lòng mình hơn đọc nhiều chia sẻ của mọi người từ Spiderum. Và năm nay cũng vậy. Chẳng biết có ai đọc không nhưng viết đến đây thấy thật nhẹ lòng vì đã sắp xếp được những rối ren của mình đôi chút.