Xin chào các bạn. Là một người dân bình thường, đang sinh sống và làm việc ở châu Âu, mình quan tâm đến thông tin về chiến tranh Nga - Ukraine. Bởi lẽ Ukraine thì nằm ở châu Âu và gần nơi mình sống hơn so với Việt Nam. Trước hết, mình luôn phản đối mọi cuộc chiến tranh, xâm lược, và cuộc chiến này cũng không phải là ngoại lệ. Những người dân luôn là nạn nhân của chiến tranh, của những toan tính địa chính trị phức tạp, tham vọng của giới lãnh đạo….
Nhưng trong bài này, mình muốn chia sẻ về một vấn đề khác, đó là thông tin.
"The first casualty of war is the truth" (Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh là sự thật) - Hiram Johnson
Chủ nhật ngày 13/3, trang Facebook và Youtube của tờ nhật báo Le Parisien của Pháp có chia sẻ một video clip. Trong video này, dưới góc quay qua điện thoại của những người dân địa phương, các máy bay chiến đấu của Nga ném bom, tấn công Paris. Có những thiệt hại đầu tiên về nhà cửa, người dân hoảng loạn, còi báo động không kích vang lên…. Paris bắt đầu chìm trong khói lửa.
Link video trên Facebook: https://fb.watch/bK58xP8aLt/
Link video Youtube:
Video "minh hoạ" về "Paris bị dội bom bởi máy bay Nga" (Nguồn: Le Parisien)
Nga đã tấn công Pháp, đã không kích Paris thật sao? Hay đây là tin giả (fake news)? 
Theo Le Parisien, thực ra đây là một video ngắn, được chia sẻ trên trang Twitter của RADA (Quốc hội Ukraine), với mong muốn kêu gọi sự giúp đỡ và phản ứng lớn hơn từ châu Âu để đánh đuổi quân Nga. Không rõ ai là tác giả của đoạn video này. Chỉ biết thông điệp trên Twitter của RADA là, “Liệu tháp Eiffel ở Paris hay cổng Brandenburg ở Berlin có thể đứng vững trước những đợt dội bom của quân Nga? […] Ngày hôm nay là Ukraine, ngày mai sẽ là cả châu Âu”.
Có thể mục đích của người làm video này không phải là truyền tin giả, mà chỉ là truyền thông điệp và kêu gọi hành động. Nhưng mình vẫn rất ấn tượng bởi độ "chân thực" của đoạn video ngắn này, cả về âm thanh, hình ảnh. Nếu mình không tỉnh táo, và không sống ở châu Âu, thì có lẽ mình đã tin sái cổ rằng Nga đã tấn công Paris trong trường hợp video này được dùng làm "bằng chứng". Tất nhiên mình không rành về photoshop hay chỉnh sửa video nên khó nhận biết được các “sạn” trong clip này nếu có. Nhưng nó khiến mình đặt ra câu hỏi: một cái clip tuyên truyền đã “chân thực” như thế này, thì các tin tức, hình ảnh, video khác sẽ thế nào? Trong ma trận thông tin của các bên (Nga, phương tây, Ukraine, Việt Nam…), có bao nhiêu phần trăm là sự thật? Không chỉ các thông tin về cuộc chiến, mà còn thông tin về đời sống, xã hội quanh ta, những gì chúng ta tiếp nhận hàng ngày qua đủ mọi phương tiện, báo đài.
Mong các bạn có thể chia sẻ quan điểm.
Lần đầu mình viết bài, có gì sai sót mong các bạn thông cảm.