Đôi dòng về một xã hội trọng vật chất
Tình cờ mấy nay đọc “ Giông tố ” của Vũ Trọng Phụng thế nào lại thấy đoạn này, đâm tự dưng muốn biên ra vài dòng về cảm nhận gần tháng...

Phụ trách ảnh: Phạm Google
Sau cùng, Long tìm ra được lý do, là cái bả vật chất. Thật vậy, sự phù hoa giả dối của một xã hội chỉ trọng những cái bề ngoài, một nền luân lý ích kỷ, sự tín ngưỡng thế lực hoàng kim, cuộc cạnh tranh dữ dội đến hình thức đã làm hại tâm thuật người đời. Do thế, lúc người ta bần thì người ta còn thanh, và đã lên phú rồi, nhiều khi người ta hóa ra trọc.
Tình cờ mấy nay đọc “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng thế nào lại thấy đoạn này, đâm tự dưng muốn biên ra vài dòng về cảm nhận gần tháng qua khi trở về VN, ở trong cái xã hội mà có vẻ người ta chẳng muốn biết gì hơn về nhau ngoài lương tháng bao nhiêu, đi xe gì ở nhà khu nào vậy...
Khá trớ trêu, nó thực ra lại làm tôi cảm nhận rõ cái may mắn của một người biết đến Khắc Kỷ mấy năm nay. Rằng trước những người chỉ nhìn qua chiếc Wave S với bộ quần áo chẳng bóng bẩy trau chuốt của tôi là quay đi không thèm để ý, tôi không những có thể bình thản đối diện chẳng để tâm, mà thậm chí lúc ấy còn cảm thấy mình giống như Cato hẳn hoi - người vẫn thường đi dạo trên những con đường thân thuộc ở La Mã trong những bộ quần áo dị thường, để tập cho mình quen được với những ánh mắt khinh khi của người đời – từ đó mà đánh giá xem mình đã thực sự có thể chỉ chú tâm đến sự lành mạnh và sáng suốt của tâm trí hay chưa.
Cho đến một hôm ông anh họ qua nhà tôi chơi. Sự là ổng mới tậu con xe Air Blade mới, cả mông má các thứ là vào đúng 50 củ (triệu VND). Nói chuyện xe cộ 1 lúc, ổng mới vỗ vai tôi mà nói: “Làm con thế này mà đi tìm vợ”. Tôi mới bảo em Wave-S của mình vẫn đi tốt, để lúc nào phải thay hẵng hay. Thêm nếm vài câu này nọ thế nào, mà bố tôi lại phán quả: “Giờ đi tán gái ít cũng phải Airblade, nếu không phải là SH”. Nghe câu ấy tôi sững người ... Ồ, đến cả cái ông khốt ta bít bộ đội về hưu nhà tôi mà còn phát biểu ra câu ấy, thì đúng là phải xem xét lại vấn đề thật rồi…
Thực ra điều tôi muốn chia sẻ ở bài này là NHỮNG HỆ QUẢ của cái thói chuộng vật chất ấy xung quanh ta, mà có lẽ ta đang bỏ mặc, hờ hững thờ ơ mà sống bên trong nó.
Đáng buồn là chúng đã rõ rệt lắm rồi.
Hôm trước đi ăn giỗ, tôi có ngồi trà nước với mấy ông chú ông anh bên Long Hải sang. Chuyện xoay về cập nhật tình hình của mấy người quen ở quê, có 2 mẩu làm tôi rất nhớ.
***
1. Những xung đột gia đình

Giờ những chuyện như thế này, đâu có hiếm...
Đầu tiên là chuyện 2 anh em ruột Tuấn Toàn nhà ông Tình vừa chém nhau sứt đầu mẻ trán vào viện hẳn hoi.
Sự là thế này, ông Tình có cái nhà với 2 mảnh đất và 2 thằng con trai. Nay cả 2 cậu Tuấn Toàn đều đã ra lập gia đình, nên ông Tình cho mỗi đứa một mảnh, còn cái nhà ông lại hứa cho thằng cháu Tâm con anh Tuấn, vì anh Toàn đã thân làm con thứ lại không có con trai.
Nhưng đời đâu ai ngờ, được vài năm thì anh Toàn đẻ thêm, trời lại cho đứa thứ 3 là một cậu út bụ bẫm kháu khỉnh.
Thế là anh sang có nhời với bố về việc chia lại cái nhà, với lý do cháu trai nào chả như nhau. Bạn biết đấy, nghe thế làm sao anh Tuấn để yên được, chính cụ đã nói là để cho thằng cháu Tâm cơ mà.
Lời qua tiếng lại thế nào, anh Toàn nhất định không chịu, anh Tuấn mới vào bếp lấy con dao lên cho dễ thuyết phục nhau.
Đấy, có vậy thôi mà dây dưa gọi thêm hội này người nọ, đến nỗi tí đi tong mấy mạng người!
Và giờ mà hai anh em ruột Tuấn Toàn chẳng may tình cờ gặp nhau ngoài đường thì …
...
Tưởng chuyện có thế thôi, ai dè lúc nghe xong thì mọi người mới lại lôi ra bao vụ khác cũng liên quan, nào là ông Ưng kiện cậu Ứng con ông vì cha còn sống sờ sờ mà con dám lên chính quyền đòi thay tên chủ sổ đỏ căn nhà, hay thậm chí bà mẹ già bị con gái đẩy xuống ao vì xin mãi không cho mảnh đất.
Đấy, cái hạnh phúc của những gia đình giàu sang!
2. Thực trạng nghiện ngập và mất phương hướng ở người trẻ
Mấy ông anh tôi cũng kể rằng giờ hở ra cái là nghiện. Đầu ngõ cuối phố, toàn nghiện. Xong có cậu bố mẹ không làm cách nào được, gửi lên ông chú mãi trên Đắc Lắc để mong chốn mới nó sẽ cai được, mà thế nào mới có vài hôm cậu đã lại bắt mối được với mấy thằng nghiện trên ấy rồi.
Mà cái nghiện bây giờ nó khác ngày xưa, giờ người ta nghiện theo kiểu ... thiếu gia ma túy đá mới nhiều.
Mấy cậu choai choai mà cứ chải chuốt với xe xịn là chẳng mấy chốc chúng nó chài, nhanh lắm.
Điển hình có ông Hiền, ngày xưa đi tàu biển lắm tiền lắm, mà 2 thằng con nghiện cả 2, có mấy mảnh đất mất sạch với chúng nó. Xong Hiếu - cậu út, có hôm thiếu thuốc quá mới về cầm dao xin tiền bố mẹ, bố mẹ không cho cái nó chặt luôn cánh tay nó trước mặt 2 ông bà. Bảo thế có kinh không…
Kết:
Thực ra nhiều lúc bản thân tôi cũng muốn bám lấy cái hy vọng rằng đây chỉ là một giai đoạn chuyển giao ở một nước đang phát triển, khi mà ngay cả định hướng của chính quyền cũng là làm thế nào để tăng trưởng hơn, thu nhập cao hơn, vân vân và mây mây.
Tuy nhiên, nghĩ đi nghĩ lại thì có lẽ vẫn phải viết ra, và phải nhìn nhận sâu hơn về vấn đề.
Đồng thời, cũng mong rằng bài viết này có thể khiến các bạn, đặc biệt là các bạn trẻ, có cái nhìn được vững vàng hơn về vật chất và những ảnh hưởng của xã hội chuộng vật chất.
Để những bi kịch ấy sẽ không còn xảy ra nữa!
---
P.s. Mình thực sự rất mong có thể trở thành một người viết bán thời gian (hoặc, nếu có thể, là toàn thời gian trong tương lai).
Vậy nên, nếu bạn cảm thấy những bài viết này có giá trị, mình sẽ rất trân trọng nếu bạn có thể ủng hộ mình tại:
Số TK: 000003704782 Ngân hàng: Vietbank Chủ TK: Lương Minh Hoàng

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Nguyễn Hiếu
Chiều nay vừa đọc lại bức thư số 4 của seneca có một câu kết thế này: "Một nghịch lý ít người nhận ra: Ai có thể bình thản mà cam chịu nghèo khổ thực ra lại chính là giàu có!"
Đang ngẫm nghĩ về câu nói đó thì lại bắt gặp bài viết của bạn. Thực sự là phải xem lại định luật hấp dẫn một cách cẩn thận mới được. :D
Triết học Mác - Lenin đã từng đưa ra mối liên hệ "Vật chất quyết định ý thức" vậy thì cũng không có gì là lạ khi mà xã hội thời đại nào ý thức cũng chạy theo của cải, vật chất. Ngay cả trong thời kỳ bao cấp, khi mà xã hội được "cào bằng" thì người dân vẫn thích những thứ như:
"Một yêu anh có Seiko (đồng hồ đeo tay hiệu Sen-kô)
Hai yêu anh có Peugeot cá vàng (xe đạp pơ-giô màu cá vàng)
Ba yêu anh có téc gang (quần vải téc)
Bốn yêu hộ tịch rõ ràng thủ đô..."
Thì với thời kì đổi mới, khuyến khích người dân làm giàu chúng ta càng không thể tách rời khỏi cái vật chất.
Nhìn xuyên suốt lịch sử của tất cả các thời đại thì luôn luôn có một giai cấp thống trị, giai cấp "thượng lưu" để các giai cấp khác lấy làm chuẩn, học tập, bắt chước theo giai cấp đó. Sự định hướng của giai cấp thống trị là rất quan trọng.
Vậy chúng ta thuộc về giai cấp nào nhỉ ?
Tôi vẫn thường hay trêu đùa với mấy người bạn là chúng ta là những người trí thức tiểu tư sản bị dằn vặt giữa việc phải giữ cái chí khí của người có học, từ chối những cạm bẫy lợi lộc và niềm khát khao, ham muốn được công nhận, được cống hiến, được có "Danh" giữa cuộc đời này.
Khi Anh gia nhập một cơ quan, một tổ chức, A muốn được thăng tiến, được cất nhắc lên vị trí cao cấp thì A phải chấp nhận luật chơi của cơ quan, tổ chức đó. Chúng ta thuộc về cái giai cấp đa sầu, đa cảm mà dù ai thắng, ai thua, chúng ta cũng dễ bị tổn thương.
Xã hội trọng vật chất cũng chưa hẳn là xấu.
Xét trong nội bộ một gia đình thì phải đi từ "nghèo" đến "giàu" rồi mới đến được "sang".
Mỗi một cá nhân đôi khi phải chấp nhận sứ mệnh, sự hi sinh của mình, để đưa tầm mắt nhìn ra xa hơn thì mới có thể xây dựng được một xã hội tốt đẹp hơn.
Tôi cho rằng bản thân xã hội sẽ tự chọn lọc để loại bỏ những thứ dư thừa và sáng tạo ra những thứ mới.
Thiên địa tuần hoàn cái vào ra của tạo vật là không thể lường trước được.
- Báo cáo

Andy Luong

Đọc thêm những bài viết của mình tại:
https://www.facebook.com/profile.php?id=100063708690083
- Báo cáo

Narcy Nguyen

Không biết bao giờ em mới có thể review cuốn Bầy cừu xuất chúng để phản ánh cái thực tại xã hội trọng bằng cấp, trọng thành tích, trọng vật chất này.
Sắp tới em định viết về việc bằng cấp lạm phát thì noti hiện bài của anh, phải vô đọc ngay.
Cảm ơn anh nhiều ^^
Về chuyện cá nhân thì cũng vì thói trọng vật chất của bố mẹ em mà em bị trầm cảm vì luôn so sánh giá trị bản thân với tiền bạc.
Nhưng em cũng không trách họ nữa vì xã hội này đã điều kiện hóa họ như vậy rồi.
:)) Nói ntn có lẽ lại đổ lỗi cho xã hội nữa, nhưng nó là fact.
- Báo cáo

Narcy Nguyen

Trời ơi, và anh vừa upvote bài em luôn =)))) Tư tưởng lớn gặp nhau anh nhỉ.
- Báo cáo

Phan Niêu
Em thấy bản thân hiện tại giống nhân vật chính trong phim Fight Club: cố gắng lấp đầy không gian sống bằng những thứ vật chất xa xỉ, đắt tiền nhưng tâm trí tại bất an, trông rỗng và tiêu cực. Nhiều lúc em muốn vứt bỏ hết đồ đạc, vứt bỏ cuộc sống đua tranh tiền bạc để theo đuổi giá trị tình cảm, tinh thần mà em thường ngó lơ, bỏ quên.
Nhưng việc đi ngược lại số đông cũng khó khăn, bất định và cần nhiều dũng khí. Em sợ khi em không có tiền bạc, địa vị như mọi người thì tương lai của bản thân, của người thân sẽ khó khăn.
Có lẽ, tách biệt hoàn toàn khỏi cuộc sống vật chất, tiền bạc là không thể mà phải tìm điểm cân bằng, biết thế nào là "đủ" và chấp nhận rằng mình k thể có tất cả.
- Báo cáo

Andy Luong

Đúng rồi, phải tìm điểm cân bằng, đấy là cốt lõi của vấn đề nhé.
Và có lẽ cũng cần chút tỉnh táo để không bị rơi vào những hoàn cảnh mà vật chất quyết định quá nhiều, ví như khi em ăn mặc xuyềnh xoàng giữa một đám đông toàn sụt tông váy vóc như đi trảy hội thì sẽ rất rất khó để có thể không cảm thấy chút tự ti đâu.
- Báo cáo

Pingpride
Em nghĩ cần tìm ra nguồn cơn mới mong giải bài toán khó này, em xin chia sẻ một góc nhìn ạ:
Khởi nguồn từ sự phát triển mạnh mẽ của khoa học hiện đại với mục tiêu cải thiện cuộc sống, con người ngày càng phụ thuộc vào vật chất để thỏa mãn tinh thần. Ai cũng muốn sống hạnh phúc, an toàn, nhưng niềm vui từ vật chất rất ngắn ngủi. Để đạt được sự thoả mãn, chúng ta phải không ngừng nâng cấp, dẫn đến sự tham lam, tranh giành và phá huỷ môi trường thiên nhiên.
Điều nguy hiểm hơn là khoa học phủ nhận sự tồn tại của Thần, đẩy đạo đức xuống dốc, con người không còn tin vào nhân quả, dễ dàng phạm tội mà không chút do dự. Sự phát triển này đang dần hủy hoại xã hội.
Trong khi đó, thần học và tôn giáo tập trung vào việc kiểm soát dục vọng, hướng con người đạt được hạnh phúc bền vững từ bên trong. Chẳng hạn, với việc ăn uống: thay vì tìm kiếm sự thỏa mãn vật chất qua món ngon, không gian đẹp, nếu khắc chế dục vọng ăn uống, tâm thanh thản thì ăn gì cũng cảm thấy ngon. Sự hài lòng từ tinh thần mang lại tự do và ít phụ thuộc vào bên ngoài.
Truyền thông thúc đẩy con người chạy theo vật chất và so sánh lẫn nhau. Đi theo đám đông thì mới được chấp nhận và đạt được hạnh phúc. Thực tế thứ chúng ta ghen tị không phải là vật chất đó mà là cảm xúc mà nó mang lại.
Nhưng câu trả lời đang dần lộ ra, xã hội càng phát triển, vòng lặp tích luỹ vật chất đổi lấy thoả mãn ngắn ngủi, khiến sức khoẻ tinh thần và cả thể chất đi xuống trầm trọng.
Khủng hoảng hiện sinh khiến ta phải đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời. Tìm về thiên nhiên, chữa lành, thiền lên ngôi, bản chất là gột bỏ cái bên ngoài mà tìm về cái bên trong, kết nối lại với phần nội tâm-vốn thuộc tâm linh vô hình.
Nhưng, họ không tin Thần. Thiền và chữa lành thành trào lưu có tác dụng nhưng cũng chóng qua, cốt lõi là nghiêm túc thực hành tu dưỡng đạo đức khắc chế dục vọng, anh H cũng đã có trải nghiệm tương tự trong Khắc Kỷ vậy.
Xã hội tin vào Thần sẽ có đạo đức làm nền tảng, tin vào nhân quả ai ai cũng tự quản tâm mình không cần luật pháp phức tạp, con người sống hòa hợp với thiên nhiên và đối xử với nhau bằng sự tử tế. Bhutan là đất nước tín Phật, một ví dụ điển hình cho mô hình phát triển bền vững dựa trên tinh thần và đạo đức.
Thời Mạt Pháp chính là thời này, con người không tin Thần thoải mái làm việc ác, tôn giáo chỉ còn lại vỏ bọc, nói là tin nhưng chẳng làm theo. Những tiên tri như đạo đức suy đồi, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, lệ thuộc vào khoa học công nghệ đang thành hiện thực và sẽ ngày càng trở nên nặng nề, là thời điểm chuyển giao và tái thiết lập.
Thực sự Thần Phật không phải là mê tín, những thể hiện chân thực thế giới nội tâm với những dòng suy nghĩ không thể tự dừng lại, linh hồn với trải nghiệm cận tử, những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp, các thần đồng nhỏ tuổi, hiện tượng siêu nhiên vv đều là biểu hiện của thế giới tâm linh mà Phật học có thể lý giải một cách vô cùng logic.
Chỉ cần bỏ cái khung khoa học tuyệt đối (vốn dĩ cực kỳ nhỏ bé trong Vũ Trụ rộng lớn này) mà thực sự tìm hiểu rồi so sánh và trải nghiệm theo hướng ngược lại, tìm lấy đáp án riêng, sẽ biết đâu là điều chân thực.
Sẽ có nhiều người bừng tỉnh nhận ra vật chất không thể cho mình hạnh phúc đích thực và quay về với tâm linh, đi tìm câu trả lời lớn như: Ta là ai, từ đâu đến, sau khi chết sẽ đi về đâu?
Câu trả lời có ở bài viết “Vì sao có nhân loại”, mong a H bỏ chút thời gian để đọc ạ:
https://vn.minghui.org/jw/kinh_van_20230120.html
- Báo cáo

Andy Luong

Comment này hay thiệt nha!
Thực ra anh cũng tin vào Chúa, như anh đã viết trong 1 bài trước đây. Nhưng là Chúa của chính anh, chứ không theo tôn giáo nào bên ngoài cả. Nhưng anh thấy nó thực sự có ích cho việc cố gắng tuân theo những phẩm cách Khắc Kỷ.
Nhưng anh không dám chắc tôn giáo, hay tâm linh có thể thực sự trở lại trong phạm vi rộng.
Chỉ có điều, khoa học cũng có những hướng nghiên cứu và chứng thực tác dụng của thiền và thậm chí cả cầu nguyện. Nên có lẽ đúng như em nói, có thêm niềm tin chắc đây thực sự là thời điểm chuyển giao thật.
Anw, cám ơn nhiều nhiều nha! Lúc nào có thời gian anh sẽ đọc bài kia xem sao :D
- Báo cáo

Pingpride
A H thực hành khắc kỷ có phải để vững tâm hơn, có được sự bình thản tâm trí không ạ? Sau 5 năm có lẽ anh cũng thấy, đạo đức mới là thứ chúng mình nên hướng đến.
Em nghĩ muốn được tự do tâm trí, trước hết cần phải hiểu tâm trí là gì.
Tâm trí với những suy nghĩ và cảm xúc biến đổi thuộc phạm trù tinh thần. Con người không cách nào làm chủ, bởi vốn nó không phải ở không gian hiện hữu này.
Phật học cho mình những lý thuyết cốt lõi như: tâm trí là gì, có gì ở trong đó, cách hoạt động thế nào, làm sao để làm chủ? Chỉ cách dừng được dòng suy nghĩ, chuyển hướng cảm xúc để hạnh phúc bình thản.
Lúc này mới bắt đầu trải nghiệm quan sát, nhìn thấy nội tâm một cách sống động với những luồng suy nghĩ cảm xúc giao tranh. Tự kiểm chứng những điều mình được học, và thấy nó đúng vô cùng.
Em vốn không tin có Thần Phật, chỉ đơn giản biết Phật Pháp là tốt và nghĩ rằng Chúa/Phật cho con người tạo lên để duy trì đạo đức. Muốn thực hành tâm linh để thảnh thơi đầu óc. Dửng dưng với câu hỏi: “Ta là ai, từ đâu đến, sau khi chết sẽ đi về đâu”.
Thậm chí thấy băn khoăn tại sao các đồng môn đi trước trông lại cung kính, làm quá trông như mê tín, làm gì mà thần thánh thế.
Từ không tin đến tin là quá trình trải nhiệm và liên tục đối chiếu với bản thân, người xung quanh, với những ghi chép về các nền văn minh và hiện tượng siêu nhiên đã tồn tại trong bề dày lịch sử. Tự chứng minh Phật Pháp đúng, hoàn toàn.
Không phải là cúng cầu xin thêm, mà là liên tục thực hành bỏ đi những thứ xấu ác bên trong mình, liên tục nâng cao tiêu chuẩn đạo đức.
Rồi có trải nghiệm tâm linh kỳ lạ, thứ mình chỉ được nghe kể và xem qua phim tài liệu. Để bây giờ hoàn toàn tin rằng Thần Phật có tồn tại. Niềm tin bằng lý trí và logic chứ không cảm tính.
Khi đã tin chắc vào Thần Phật, nhân quả, mình sẽ cố gắng làm theo điều Phật dạy, vững lòng tu dưỡng đạo đức.
Việc quản lý cảm xúc làm chủ hành vi sẽ nhanh và vững chắc hơn. Nó như một cuốn “hướng dẫn sử dụng linh hồn” mà chỉ có nhà sản xuất mới có thể viết chuẩn xác đến vậy. Bởi chúng mình (linh hồn) đều do Đấng Tạo Hoá tạo nên.
Em viết lời này không phải để khuyên a tu Phật, vì em biết a H rất tình cảm. Có nhiều thứ khiến anh suy nghĩ, từ việc đau bệnh của người thân, hay của chính anh mà bước vào Khắc Kỷ, tìm lại gốc rễ đạo đức. Em mong a được biết về sự thật của kiếp sống này.
Thành Trụ Hoạt Diệt, Sinh Lão Bệnh Tử, hiểu được quy luật để đạt được bình thản tâm trí vì đã hiểu rõ mọi sự, như anh vẫn mong.
A H từ dửng dưng với triết học, đến trải nghiệm và thấy đó là con đường đúng đắn. Anh muốn lan toả đến mọi người và em cũng như vậy.
Em thực lòng mong mn thử thực sự tìm hiểu, có đáp án cho câu hỏi lớn “Tôi là ai?” giữa Vũ Trụ bao la này. Biết được nguồn gốc của sinh mệnh mình, sống trọn vẹn rồi thanh thản rời đi.
Thấy một bức tranh toàn cảnh, rộng lớn, Khắc Kỷ là một mảnh ghép trong đó.
Phận sự của em là viết mấy lời này, bất kể a H đón nhận thế nào, em cũng vui vì đã hết lòng.
- Báo cáo

Pingpride
Cụ thể hơn, đây là một trải nghiệm của em:
I. Chuyển hoá cảm xúc:
Quan sát-tìm gốc rễ-thấy mẫu hình cảm xúc lặp lại qua nhiều tình huống-thay đổi từ gốc lên bề mặt.
VD: Cùng là 1 hành vi đăng bài. Tại sao mình sốt ruột chờ phản hồi bạn đọc?
TH1:
1. Mình đăng bài và chờ những lời tán thưởng (công nhận)
2. Vì sao mình muốn được công nhận? -Vì thấy bản thân có giá trị, được chào đón
3. Vì sao muốn bản thân có giá trị được chào đón? -Vì được yêu mến hoặc có thể nhận lợi ích từ bạn đọc (chẳng hạn bán hàng, network…)
4. Vì sao mình muốn được yêu mến? -Vì được yêu mến sẽ an toàn hơn, người thích mình sẽ ít làm làm tổn thương mình.
5. Vì sao mình muốn an toàn? -Vì mình không muốn trải qua cảm xúc “bất ổn” và cô đơn, nó thật tệ.
6. Phật học dạy gì về sự linh hồn và sự cô đơn? - Đối chiếu với bản thân và cả người xung quanh có thấy đúng không? nhìn rõ sự thật.
Phần 2: So sánh diện rộng
1. Nỗi sợ cô đơn phản ảnh ở khía cạnh nào:
2. Mua sắm quá nhiều để đc đẹp và công nhận có liên quan đến nó không? Có thì bỏ
3. Sợ thuyết trình sai bị chê cười có liên quan đến nó không?-Có thì bỏ
4. Buồn khi chia tay bạn bè người thân có liên quan đến nó không, nhân duyên là như thế nào?-Có thì bỏ vv
Cùng biểu hiện chờ phản hồi người đọc, nếu vì lợi ích tiền bạc ta lại truy tìm theo hướng khác.
Luôn hướng tới tìm bên trong, không kiểm soát bên ngoài, không phải là quên ngay nó đi mà phải suy ngẫm thật kỹ về dây nhân quả. Mỗi lần cảm xúc đến sẽ hiểu được căn nguyên và cho nó 1 đáp án rồi đẩy lui ⇒ làm chủ cảm xúc.
Chữa gốc không chữa ngọn, cảm xúc và hành vi như lá sẽ yếu rụng dần đi, dù ban đầu cực kỳ khó khăn, nhưng sẽ dần thành thục.
II. Làm chủ suy nghĩ, phản ảnh ra hoàn cảnh
Thay vì than: “Trời ơi sao tôi lại khổ thế này?”
Học Phật hiểu được tại sao có khó khăn, bệnh tật, mâu thuẫn, chia ly…vv. Tại sao mình lại có cảm xúc như vậy? Làm sao thoát ra khỏi cảm xúc đó.
Liên tục “luyện”, thực hành theo Phật Pháp, bình tĩnh và sáng suốt xử lý, hoàn cảnh tự trở nên nhẹ nhàng.
VD: 2 người cùng nóng giận sẽ gây tổn thương nhau, nóng giận mất khôn. Chỉ cần 1 người bình tĩnh, đối phương cũng sẽ tự dịu lại tìm cách hoá giải.
III. Không có hệ thống lời khuyên, tự ngộ ra đáp án
Từ những quy luật cốt lõi và thực hành quan sát, thấy nội tâm ngày một rõ ràng, thứ gì đang thao túng cảm xúc và hành vi, xử lý nó.
Bao nhiêu tình huống vậy làm sao xử lý?
Mỗi khi khó khăn đến, sẽ “ngộ” trong sách Phật Pháp, một tầng nghĩa sâu hơn chứ không phải trên con chữ. Nó như một khoảnh khắc khai sáng vỡ oà. Những Aha! Moment này gặp rất nhiều trong tu luyện Đại Pháp. “Đáp án” được cá nhân hoá, và thiên biến vạn hoá.
Tâm thức chuyển biến “ngộ” sẽ khác đi. Trí Huệ dần được khai mở, truy cập vào kho lời giải vô tận.
V. Tu luyện Phật Pháp khiến mình mạnh hơn, đối diện với khó khăn lớn và cả sống chết.
Hiểu về Pháp (quy luật vận hành của Vũ Trụ bao gồm tâm trí) liên tục thực hành nhìn thẳng vào vấn đề, đối diện và vượt qua khó khăn. Tôi luyện ý chí và đối diện thử thách lớn và cả sống chết.
Người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) trong sự đàn áp tàn bạo 1999. Chịu nhận tra tấn dã man đến chết, mổ cướp nội tạng nhưng quyết không từ bỏ đức tin vì họ đã giác ngộ, hiểu rõ ý nghĩa sinh mệnh. Những người như vậy có rất nhiều, nào khác gì bậc thánh nhân như Socrates hay Marcus cato.
Chữ “Thánh” vốn chỉ một đấng tâm linh, với những phẩm cách siêu thực mà con người khó lòng đạt được. Đây là một cách gọi khác của Thần, và biểu hiện tại cõi người nên được gọi là Thánh nhân. Vẫn luôn có yếu tố Thần linh trong đó.
Tu Phật siêu thoát khỏi người thường, tu bổ lại Phật tính (phẩm cách cao thượng), từ người thành Thần, là quá trình quay trở về với nguồn cội của linh hồn.
Chỉ 6 tháng sau khi thực hành Phật Pháp em đã đối diện mất đi bà ngoại-nỗi ám ảnh từ nhỏ vì em rất thương bà. Nếu là em của trước đây, chắc chắn sẽ buồn khổ rất lâu mới nguôi ngoai. Khi đó, em chỉ mất 1 ngày duy nhất, vừa khóc nhưng tỉnh táo hoàn thành list công việc, đáp máy bay về nhà. Đó là sự kỳ diệu đầu tiên.
Đến giờ hơn hai năm tu luyện Đại Pháp, em đã mạnh hơn rất nhiều, khi đau mệt cũng ít chật vật, khó khăn cũng không nản lòng. Gần đây nhất người cô yêu mến ngồi cạnh em ở lớp học Phật cũng vì tai nạn mà ra đi. Những ngày cuối cùng đau đớn vô cùng, cô vẫn cố lên học chung, kiên định hướng Phật đến cuối đời.
Còn em, đã không còn buồn mà chỉ nhớ cô thôi. Cả cô, và em đều hiểu được cô đã về đâu.
Bài dài, cảm ơn a đã đọc ạ.
- Báo cáo

Andy Luong

A sẽ còn đọc đi đọc lại mấy cái comment này dài dài.
Thực sự cảm ơn em!
- Báo cáo