Tôi đã rất may mắn khi biết đến thầy Thích Nhất Hạnh cách đây 6 năm khi tôi đang học tại Huế. Một lần vào cửa hàng sách không hiểu sao tôi lại lạc bước tới gian sách về tôn giáo và rồi tôi nhìn thấy hàng loạt các tác phẩm của thầy. Khi đó tôi rất ấn tượng với hai tác phẩm Đường xa mây trắng và Thả một bè lau. Đặc biệt tôi cảm thấy rất thú vị với tác phẩm Thả một bè lau. Tôi đã đọc và thấy rất thích góc nhìn mới mẻ này. Nhưng rồi với cuộc sống vội vã ngày thường, với bài vở bận rộn, tôi cũng không dành thời gian để nghiền ngẫm sâu hơn về tác phẩm đó sau khi đọc. Và hơn thế, tôi cũng không đọc thêm một tác phẩm nào nữa của thầy. Thời gian bẵng đi đến năm nay không biết thế nào vào một ngày rỗi rãi tôi băn khoăn không biết nên đọc cái gì thì tôi lại tìm được một tác phẩm của thầy. Tên tác phẩm là Am mây ngủ. Như lời bạt của tác phẩm, đây không phải là chính sử và cũng không phải là dã sử vì các chi tiết về thời gian, các sự kiện trong truyện tương ứng với chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư) còn các tình tiết diễn biết thì do tác giả sáng tác. Đó là câu chuyện kể về cuộc đời của công chúa Huyền Trân. Trong Am mây ngủ tác giả có những lý giả về các sự kiện có thực cũng như các lời đồn xung quanh cuộc đời bà một cách thật nhân văn và tinh tế. 
Sự kiện thứ nhất là sự kiện công chúa Huyền Trân được hứa gả cho vua nước Chiêm Thành là Chế Mân. Dưới con mắt của nhiều nhà sử học đó là một sự kiện mang màu sắc chính trị ngoại giao. Thậm chí trong dân gian còn có câu "Tiếc thay cây quế giữa rừng -Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo", ý nói nàng biến thành vật hy sinh cho cuộc hôn nhân này và bao hàm cả ý miệt thị người Chàm. Tuy nhiên, trong Am mây ngủ, dưới con mắt của vị thiền sư, sự kiện này hiện lên thật nhân văn và cao cả. Trên thực tế, việc hứa hôn là do lời hứa của thượng hoàng Trần Nhân Tông khi ngài sang thăm nước Chiêm Thành trong vòng 7 tháng. Ngài đã yêu mên nước Chiêm và người Chàm vì thế ngài muốn hai dân tộc chung sống trong hòa bình. Việc ngài gả con gái của ngài cho nhà vua Chế Mân là một hành động  nhằm thắt chặt mối quan hệ bang giao. Lúc đầu chính công chúa cũng nghi ngờ mình như là một món hàng để đổi chác và nàng đã lên gặp thượng hoàng mà lúc này là Trúc Lâm đại sĩ trên Yên Tử. Trúc Lâm đại sĩ đã nói nhìn bàn tay con, con có thấy ta trong đó không? Câu hỏi này làm nàng sửng sốt. Đúng vậy, nàng là con của ngài cơ mà. Niềm vui hay nỗi buồn của nàng cũng là niềm vui nỗi buồn của cha nàng. Và nàng hiểu cha nàng đã phải cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định này.
Sự kiện thứ hai là sự kiện nhà Trần đưa người sang "cướp" công chúa Huyền Trân sau khi vua Chế Mân băng hà. Theo tục lệ của người Chàm, hoàng hậu và các cung tần mỹ nữ của nhà vua sẽ phải hỏa táng cùng với nhà vua. Nhà Trần không chấp nhận chuyện này nên đã triển khai kế hoạch "cướp" công chúa và kế hoạch đã thành công. Trong Am mây ngủ, tác giả có giải thích tại sao kế hoạch đó lại thành công rất xác đáng và tinh tế. Trên thực tế việc hỏa táng sẽ diễn ra sau 7 ngày kể từ khi nhà vua băng hà. Nếu vậy thì sứ thần Đại Việt có sang kịp không? Trên thực tế họ mất cả tháng trời để di chuyển. Tại sao triều đình Chiêm Thành không tiến hành hỏa táng công chúa Huyền Trân, đó là bởi hai lý do; thứ nhất là lúc đó nàng đang mang thai và thứ hai người Chàm cũng e ngại bên Đại Việt, họ chưa biết ứng xử thế nào nên họ mới hoãn lại như vậy. Và quan trọng nhất tác giả có nhấn mạnh trong cuộc "giải cứu" đó, chính người Chàm cũng vờ như không biết để nó có thể diễn ra trong suôn sẻ. Bởi đơn giản họ nghĩ rằng công chúa Đại Việt phải trả lại cho nước Đại Việt. Nhưng còn hoàng tử Chế Đa Da - con của nhà vua Chế Mân và công chúa- thì họ giữ lại, kiên quyết không để bên Đại Việt "cướp" về. 
Truyện tuy nói về công chúa Huyền Trân nhưng ta có thể bắt gắp hình ảnh của Trúc Lâm đại sĩ xuyên suốt câu chuyện. Ngài chính là người muốn khởi mối duyên lành cũng là biểu tượng cho tinh thần chung sống hòa bình của người Việt với người Chàm. Mấy ai hiểu cho tấm lòng ấy. Chỉ có công chúa Huyền Trân là thấu hiểu nhưng nàng là phận gái nên cũng không thể làm hơn gì nữa. Ngài cũng là người đưa công chúa đến với con đường tìm đạo giải thoát. Hình ảnh ngài với am mây trên núi Yên Tử thật thanh cao và giải thoát. Con đường ngài dành trọn cuộc đời để đi thật an lạc biết bao. Chính điều đó đã gieo những hạt giống hạnh phúc và giải thoát cho Huyền Trân công chúa. 
Đọc truyện tôi còn thấy một không khí thấm đẫm tình người mà cơ sở là dựa trên đạo Phật. Tôi thấy một nước Việt hùng mạnh, giàu bản sắc văn hóa và chan chứa tình yêu thương. Tôi cũng thấy một nước Chiêm Thành thật phồn thịnh và nhân ái. 
Dẫu biết rằng Am mây ngủ là một ngoại truyện nhưng tôi ước gì các nhà sử học nhìn nhận câu chuyện lịch sử dưới cái nhìn nhân ái này thì tốt biết bao. Nếu bỏ qua các định kiến hẹp hòi, chúng ta sẽ học được rất nhiều từ tấm lòng chân thành của người xưa. Tuy đã cách đây 7-8 thế kỷ nhưng ta vẫn thấy bài học về yêu thương, về cảm thông, về đoàn kết và về chung sống hòa bình vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày hôm nay.  
Để kết thúc, tôi mong các bạn trẻ tìm đọc tác phẩm này để nhìn cuộc đời nhân ái hơn, để hiểu được tấm lòng của người Việt cổ và tin tưởng hơn vào tương lai của nước nhà.