Dưới đây là một bài viết thô, nghĩa là nó chưa được chỉnh đốn một cách bài bản, mà đúng hơn là một dòng suy ngẫm của người viết.
Chính phủ hiện đang muốn gia tăng dân số, và đồng thời kiềm hãm lại tư tưởng “Không muốn sinh con” của giới trẻ. Nói cho cùng, người trẻ, tức thế hệ alpha và GenZ bây giờ cũng đã gọi là, bắt đầu tham gia vào thị trường lao động.
Tầm nhìn của chính phủ ít nhiều phải từ 2 hoặc 3 thế hệ để đảm bảo tính ổn định của thể chế. Thế nên việc gần đây, các báo chí truyền thông liên tục cập nhật những góc nhìn về xã hội, về LGBTQ+, đây đồng thời cũng là một cuộc va chạm về tư tưởng cũ vs mới.
Nhưng có lẽ, hành động tốt nhất không phải là tạo ra một mục tiêu để chỉ trích, chẳng hạn như xu hướng tính dục, hoặc chỉ điểm các tư tưởng "nổi loạn". Mà là nhận ra, con người đứng trên khía cạnh sinh học, nếu như môi trường xung quanh nó(con người) càng ngày càng khó dự đoán, khi mọi thứ diễn ra quá nhanh, công nghệ trong vòng 2 thập kỷ qua đã thay đổi một cách chóng mặt. Sự thiếu ổn định của toàn bộ hệ thống đang đặt nặng lên con người. Nhờ sự phát triển của công nghệ, thế giới phẳng hơn, và lúc này các hệ tư tưởng, giá trị khác bắt đầu được triển khai, gần như ngay lập tức và toàn cầu hoá.
Chủ nghĩa khắc kỷ nổi dậy như một cơ chế an ủi toàn cầu, nó diễn ra ở khắp mọi nơi, nhưng nó mở ra một xu hướng mới, một xu hướng của tự do tư tưởng. Bất cứ người quan sát nào, một cách công tâm, đều phải thừa nhận, nhận thức của giới trẻ ngày càng sâu sắc và mang góc nhìn bên ngoài hệ thống hơn rất nhiều, so với các thế hệ đi trước.

Đặc biệt là Gen Z và Alpha, sở hữu nhận thức sâu sắc hơn nhờ tiếp cận thông tin toàn cầu. Các bạn không chỉ nhìn vấn đề ở bề mặt mà còn có khả năng phân tích hệ thống hơn. Các bạn nhận ra rằng hệ thống kinh tế thật sự không công bằng, các câu hỏi về bản chất của tiền bạc được đưa ra thảo luận trong công đồng nhiều hơn, nhận thức được sự chênh lệch giàu nghèo càng sâu sắc hơn. Họ quan sát thấy các vấn đề toàn cầu—như biến đổi khí hậu hay xung đột chính trị, và tự hỏi liệu có đáng để mang một thế hệ mới vào một thế giới đầy rủi ro.
Nhận thức này không phải là “nổi loạn” mà là sự trưởng thành trong tư duy. Họ không từ chối sinh con vì ích kỷ, mà vì họ đặt câu hỏi về ý nghĩa và khả năng thực hiện trách nhiệm đó trong bối cảnh hiện tại.
Các vụ phanh phui scandal, như tham nhũng, bắt cóc, hay đại án kinh tế, thường được chính phủ công khai với mục đích thể hiện sự minh bạch và quyết tâm chống lại tệ nạn. Tuy nhiên, liệu những hành động này có thực sự củng cố chế độ hay chỉ làm lộ rõ sự bất ổn trong xã hội?
Tích cực là chính phủ làm rất tốt vai trò thể hiện sự minh bạch và nhất quán, Tạo hình ảnh về công lý. Việc xử lý các vụ án lớn gửi đi thông điệp rằng công lý vẫn tồn tại và được thực thi. Điều này có thể làm giảm sự bất mãn trong xã hội và ngăn chặn các phong trào phản kháng.

Tuy nhiên, mặt khác của vấn đề là nó đưa một thông tin vô thức khác vào đại chúng. Mỗi vụ scandal được công khai là một bằng chứng cho thấy có những lỗ hổng trong hệ thống quản lý và giám sát. Điều này có thể khiến người dân mất niềm tin vào khả năng duy trì một xã hội ổn định và công bằng của chính phủ. Nó cũng gây ra tâm lý bất an: Đặc biệt với giới trẻ, những người đang xây dựng tương lai, các vụ scandal có thể tạo cảm giác rằng thế giới đầy bất công và nguy hiểm. Điều này khiến họ do dự trong việc lập gia đình hay sinh con, vì lo ngại về một tương lai không chắc chắn. Hiệu ứng không mong muốn khác là thay vì củng cố niềm tin, các vụ phanh phui có thể khiến người dân tự hỏi liệu những vụ việc được công khai chỉ là phần nổi của tảng băng.
Quay trở lại góc nhìn tâm lý sinh học, có thể lý giải điều này như thế nào?
Sinh tồn không chỉ còn bảo vệ mạng sống mà còn mở rộng sang việc duy trì sự ổn định và an toàn cá nhân. Bộ não con người được lập trình để đánh giá mức độ an toàn của môi trường, và khi nhận thấy sự bất ổn, nó kích hoạt các cơ chế bảo vệ. Với giới trẻ, những yếu tố như thất nghiệp, nợ nần, hay chi phí giáo dục cao có thể được bộ não diễn giải như một mối đe dọa gián tiếp đến sự sống còn. Kết quả là, họ có thể chọn cách trì hoãn các cam kết dài hạn như kết hôn hoặc sinh con để tập trung vào việc ổn định cuộc sống cá nhân.
Và cho dù bạn có tin hay không, Cơ chế hormone vẫn hoạt động ngay cả khi bạn ý thức về nó. Khi căng thẳng kinh tế kéo dài, mức cortisol tăng cao có thể làm giảm động lực sinh học để sinh sản. Điều này cho thấy bản năng sinh tồn không chỉ thúc đẩy sự sống mà đôi khi còn kìm hãm các hành vi sinh sản khi điều kiện không lý tưởng.
Sự khác biệt lớn giữa con người và các loài khác nằm ở khả năng đưa ra quyết định có ý thức. Tuy nhiên, những quyết định này vẫn chịu ảnh hưởng từ các cơ chế sinh học sâu xa.

Khi giới trẻ do dự sinh con vì lý do kinh tế, đó không chỉ là một lựa chọn có tính logic, mà còn là biểu hiện của bản năng sinh tồn, bộ não vô thức đánh giá rằng sinh con trong điều kiện hiện tại có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định lâu dài cho chính nó.
Hành động tốt nhất không phải là chỉ trích hay áp đặt mục tiêu lên giới trẻ, mà là nhận ra rằng sự bất ổn của môi trường, công nghệ, kinh tế, và toàn cầu hóa đang định hình tư duy của họ từ gốc rễ sinh học. Nhận thức sâu sắc và góc nhìn hệ thống của họ là một tài sản, không phải trở ngại. Bằng cách tạo ra một thế giới ổn định hơn và đồng hành cùng những giá trị mới mà họ theo đuổi, xã hội có thể khuyến khích họ tự nguyện chọn sinh con, thay vì cảm thấy đó là một gánh nặng không thể mang vác.
Từ đó mà các hệ tư tưởng mang tính triệt để và cực đoan được hình thành, như chủ nghĩa phản sinh (Antinatalism) ra đời. Nhưng đó sẽ là một câu chuyện khác, một cuộc chiến khác mà thế hệ trẻ tương lai sẽ phải đối phó.

Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Oggy tập viết
sau tất cả thì sinh con hay không sinh con là lựa chọn của mỗi cá nhân, nhưng hãy chỉ giữ nó là lựa chọn của bạn, đừng biến nó thành một phong trào để ảnh hưởng đến những người khác là được.
- Báo cáo