Sau Thor: Ragnarok, tôi nhận ra rất nhiều người chê Thor: The Dark World nhạt nhẽo, thậm chí là bảo cả 2 phần Thor 1Thor 2 đều tệ. Tôi đã rất ngạc nhiên. Các bạn có hiểu cái cảm giác mà tự dưng nhận ra mọi người nhìn nhận một vấn đề gì đó khác hẳn mình không? Tự dưng thấy lạc lõng và hoài nghi chính sự đánh giá của bản thân mình. Vì vậy tôi đã xem qua lại và đọc thêm vài bài khác về Thor: TDW, và phát hiện ra nó bị xem là phim tệ nhất của MCU với điểm số Rotten Tomatoes chỉ là 66%. Chris Hemsworth và Tom Hiddleston vẫn gây ấn tượng với vai Thor và Loki, nhưng Malekith bị đánh giá là siêu ác nhân tầm thường nhất trong lịch sử MCU. Trong khi đó, cuộc tình giữa Thor và Jane Foster (Natalie Portman) bị đánh giá là quá nhạt nhẽo và vô cảm xúc. 
Nhưng mà tôi lại không thấy nó tệ như thế. Ngày xưa, tôi lọt hố Marvel vì Iron ManThe Avengers là một phần thôi, còn thực sự nhân tố quyết định khiến tôi dành hết tình cảm của mình cho Marvel lại chính là vì Thor: The Dark World. 

Khi xem phim tôi thường không đánh giá nó hay hay không hay ở chất lượng của villain mà tôi để ý nhiều ở cái cảm xúc mà bộ phim truyền tải đến người xem và cái thông điệp được ẩn giấu trong cả bộ phim để mọi người tự nhận ra và chiêm nghiệm. Và bây giờ tôi sẽ nói cho các bạn nghe cái cách mà Thor: The Dark World chạm được vào cảm xúc của tôi nói riêng và nhiều người xem khác nói chung, và đã khiến tôi động lòng mà đánh giá bộ phim này cao đến vậy.
Ảnh hưởng trước hết của một bộ phim tới tâm lý người xem luôn là theme song nhỉ. Tôi nghĩ ở phần phim này Marvel đã rất thành công ở phần soundtrack, nó hợp phim và mang lại nhiều cảm xúc hơn hẳn những phim trước. Với soundtrack nổi bật và xuyên suốt là Thor: The Dark World, của nhà soạn nhạc lừng danh Brian Tyler, người đã được rất nhiều bộ phim nổi tiếng chọn mặt gửi vàng. Vẫn là cái giai điệu đậm chất Marvel quen thuộc, nhưng lần này, cái giai điệu nó được Brian Tyler gửi gắm vào đó cái chất thần thoại, hào hùng vô cùng, bi tráng vô cùng! Chẳng biết các bạn nghĩ gì về Thor: The Dark World nhưng đối với tôi nó là một câu chuyện buồn. Một khúc ca hào sảng về một vị thần, nhưng nhuốm một màu xanh, màu của một nỗi buồn man mác khó tả.
Đây là link nhạc cho bạn nào cần: Brian Tyler Conducts Thor: The Dark World (Live in London)
Điều thứ 2 khiến tôi thực sự ấn tượng với bộ phim này đó chính là cái cách thể hiện cảm xúc xuất sắc khiến người xem có thể đồng cảm, buồn cùng nhân vật. Và bây giờ tôi sẽ nói cho các bạn biết tại sao The Dark World lại thực sự là một câu chuyện buồn.
Thứ nhất là vì cái chết của mẹ Frigga. Mẹ Frigga, một nhân vật tuy ít được xuất hiện nhưng mỗi lần xuất hiện lại mang lại rất nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem, bởi trên màn ảnh, là một nữ hoàng nhưng bà lại được thể hiện như một người mẹ, người vợ điển hình nhất mà ai cũng có thể thấy được hình ảnh của mẹ mình trong đó. Một người mẹ với tình yêu thương vô bờ dành cho hai thằng con của mình, được thể hiện qua những cử chỉ và ánh mắt một cách vô cùng rõ nét mà người xem thực sự có thể cảm nhận được. Có thể Thor là con ruột, được Odin ưu ái hơn trên con đường tới ngai vàng, nhưng ta có thể thấy rõ Loki lại là người gắn bó với mẹ Frigga hơn cả. Tuy Loki không phải là con ruột của bà nhưng Frigga với tình yêu vĩ đại của mình đã chạm tới trái tim của cậu hoàng tử xứ lạnh này, đã khiến cậu cảm nhận được hơi ấm của tình yêu thương. 
Và ở đây, tôi muốn nói thêm về sự tinh tế của Marvel. Có những thứ trong phim không hề được đề cập trực tiếp, nhưng chỉ từ những chi tiết rất nhỏ thôi, nếu chúng ta xem phim và để ý một chút sẽ nhận ra được. Đó chính là việc chúng ta luôn chịu ảnh hưởng từ người mà chúng ta thân thiết, yêu thương nhất. Và Loki cũng vậy, Loki chịu ảnh hưởng tính cách nhiều từ người mà cậu yêu thương nhất, đó chính là mẹ Frigga. Phim không đề cập thẳng, nhưng từ cái cách Frigga mang sách đến cho Loki, cái phong cách chiến đấu của bà và cái cách lém lỉnh trả treo Odin quen thuộc đã cho thấy tính cách của Loki được ảnh hưởng từ bà nhiều như thế nào.
Từ Thor 1 và The Avengers 1, Loki hiện lên như một tên thần lừa lọc xảo trá, với tâm hồn đóng kín lạnh lẽo, không dễ gì lại có thể mở lòng tin tưởng một ai cả. Nhưng với Thor: TDW, ta được thấy một mặt khác của con người cậu. Chỉ qua ánh mắt, ta có thể thấy được sự yêu thương, tôn trọng và sự tin tưởng mạnh mẽ của Loki đối với người mẹ vĩ đại này.
Cái nhìn của bà dành cho thằng Loki luôn là cái nhìn của một người mẹ, trong mắt bà Loki chỉ là đứa con lầm đường lạc lối chứ không phải một tên xảo thần ác độc. Frigga có thể nhìn thấu được những lời nói dối, hiểu được tận sâu thẳm tâm can đứa con trai của mình. Kể cả khi thằng con này bị cả Argard ruồng rẫy, bà vẫn muốn được ở bên cạnh, khuyên nhủ, đưa tay đón nhận, như cái cách mẹ chúng ta vẫn luôn nâng đỡ chúng ta sau mỗi lần vấp ngã... Kể cả những tổn thương mà cậu gây ra cho bà, bà đều tha thứ hết. Trong mắt Frigga, Loki mãi mãi vẫn chỉ là đứa con trai bé bỏng của bà mà thôi. 

Nói thế không phải là bà không thương Thor, bà chỉ thương Loki nhiều hơn một chút, bù cho phần ít hơn của Odin mà thôi. Tình yêu thương vĩ đại của bà còn thể hiện ở lúc bà chiến đấu để bảo vệ Aether, nhưng chính cũng là để bảo vệ Jane Foster, một cô gái người trần mắt thịt, không có khả năng tự vệ, và cũng chính là tình yêu của con trai của mình. Nhưng không phải là vì Jane nên bà chết, không phải vậy, đó là sự lựa chọn của bà. Là hoàng hậu của Asgard, cộng với bản năng của một người mẹ, chiến đấu vì người khác là điều bà sẽ luôn lựa chọn.
Cái cách mà Marvel vẽ ra một hình tượng "người mẹ điển hình" mà ai trong chúng ta cũng có thể thấy được mẹ mình ở trong đó thực sự rất tinh tế, bởi nó khiến cho cái chết về sau của Frigga thực sự trở nên vô cùng cảm động và khiến chúng ta đồng cảm vô cùng với Thor và Loki, hơn nữa cũng khiến sự phát triển tâm lý của Loki thực sự rất hợp lý về sau. Và cuối cùng, Marvel đã làm thỏa mãn trái tim người xem bằng một lễ tang thật đẹp, và nhiều nước mắt. Một lễ hỏa táng theo phong cách của người Viking, với cảnh thả đèn lồng đẹp nín thở, mang lại cho chúng ta một khoảng chùng của cảm xúc. Đó là cái cách mà Marvel luôn dùng để thu hút người xem, chính là chơi đùa với cảm xúc của họ. Ném họ xuống vực thẳm, rồi lại mang họ lên mây xanh. Có khóc, có cười, ấy mới là phim của Marvel.
Thứ hai là con người khác của Loki mà ta chưa được thấy (cũng chính là phản ánh bản ngã trong mỗi con người). Thực sự qua TDW, chúng ta lại băn khoăn không biết Loki có phải là một villain mà ta từng nghĩ hay không. Trong Thor 1, Loki là một hoàng tử bé mang khao khát được chứng tỏ bản thân trước vua cha của mình. Trong The Avengers, là một Loki nổi loạn, mang tham vọng thống trị để khỏa lấp khoảng trống và là minh chứng cho sự vùng vẫy của nó khỏi cái bóng của người anh trai mà mọi người thường ca tụng. Loki cũng muốn có được vinh quang, cũng muốn được ca ngợi, với áp lực phải hơn được, phải vượt qua được cái bóng của Thor. Trong Thor: The Dark World, Loki trở về làm đứa con của mẹ, nhưng lại là đứa nghịch tử bị đày đọa về. Làm những điều khiến mẹ mình đau buồn nhưng lại chẳng thể hạ mình xin lỗi. Chính qua phần phim này ta có thể thấy Loki thực sự là một người giàu tình cảm, chẳng qua vì cái tôi cao ngút trời nên cậu không dễ dàng có thể thể hiện ra. 
Lúc Frigga có hỏi con đã xem sách mẹ gửi chưa, cậu ra cái điệu bộ không quan tâm nhưng cảnh nào trong ngục cũng thấy đang chăm chú đọc hết. 
Cái cách Loki thương Frigga nhưng lại không thể nói ra khiến tôi buồn, bởi tôi thấy chính hình ảnh của mình trong đó. Thấy chính mình làm những việc khiến cha mẹ đau lòng nhưng lại không thể nói lời xin lỗi; thấy được những khi cũng muốn nói cho cha mẹ mình biết là mình yêu bố mẹ rất nhiều nhưng lại vô cùng khó khăn khi nói ra ba từ mà tôi luôn cho là rất sến đó. 

Lúc Loki hét lên rằng: "ODIN IS NOT MY FATHER!" bà đã đau lòng hỏi lại:"Then I'm not your mother?"
Cái đau buồn lớn nhất của Loki lại chính là chưa thể nói được lời xin lỗi, chưa có cơ hội sửa sai thì Frigga đã ra đi, thậm chí còn chẳng được nhìn bà lần cuối. Bà bị giết khi cậu bị nhốt trong ngục, lực bất tòng tâm, không thể làm gì khác, bao nhiêu mánh khóe, phép thuật đi lừa lọc lại khắp cửu giới lại chẳng thể dùng để bảo vệ mẹ mình. 




(Phải nói là Tom diễn quá đạt, những ánh mắt, nét mặt, những cái thở dài... Thực sự Tom đã truyền tải trọn vẹn được cảm xúc của nhân vật một cách chân thực nhất đến với khán giả.)
Cách Loki đau buồn cũng vẫn thể hiện cái tôi của một vị hoàng tử, có phát điên thế nào cũng không để người ngoài thấy được cảm xúc thật của mình. Nhưng Thor dù có bị Loki xỏ mũi bao nhiêu lần nhưng lần này thì anh quá hiểu, bởi anh biết rõ tình cảm của Loki giành cho mẹ là lớn thế nào. Và lần đầu tiên, ta đã thấy Loki mở lòng với Thor, cậu đã cho Thor thấy bộ dạng thảm hại của mình, thể hiện cảm xúc thật, cũng như con người thật, với anh trai của mình. Và đây chính là điểm nút đánh dấu sự bắt đầu cho mối quan hệ của cặp anh em thú vị này.
Cái buồn cuối cùng, đó là chuyện tình của Thor và Jane. Ôi trời ơi, yêu xa đã luôn là một câu chuyện buồn. Đây lại còn là yêu giữa Asgard và Midgard. Và giữa Thần và người. Đã yêu xa vượt cả vũ trụ lại còn không môn đăng hộ đối nữa, buồn, hết sức buồn. Đùa thế thôi chứ chuyện tình này khiến tôi liên tưởng đến phim You Who Came From The Stars. Phim nói về chuyện tình của cô diễn viên Hàn Quốc với một anh người ngoài hành tinh đẹp trai, kết thúc cũng có hậu nhưng mà là anh này chỉ biến về với chị này một lúc xong lại về hành tinh của mình, nên dù có hậu tôi vẫn thấy buồn. Thor cũng vậy, Thor không thể ở Midgard mãi và Jane càng không thể ở Asgard được. Dù có cầu Bifrost hay cục Tessaract cũng không thể cứ thế tùy tiện đi đi về về được. Yêu nhau mà không đến được với nhau là một cái khổ. Chính ra mình thấy đôi này rất hay, rất tình cảm, mà chuyện tình cảm giữa Thần và người, cảm giác cứ như ngôn tình vậy. Đoạn đắt giá nhất thể hiện tình cảm của Jane đối với Thor là đoạn đánh Malekith rồi Thor kiệt sức, lúc cái phi thuyền đổ xuống, Jane đã cố kéo Thor ra, không cứu được, cô dùng cả thân mình che lên Thor, ôm lấy Thor chết chung. Thực sự có thể cú đó với một vị thần sẽ không chết, nhưng là người thường thì chắc chắn sẽ chết không toàn thây, nhưng Jane thì chẳng nghĩ như thế, cô chỉ muốn giữ Thor được an toàn. Đôi này chính ra còn có đầu có cuối, tình cảm hơn nhiều so với đôi Steve Roger-Sharon Carter (giúp đỡ tẹo xong biết là cháu của Peggy Carter xong hôn nhau? What the...?). Dù đôi Thor-Jane chia tay kể cũng tiếc cơ mà thôi cũng được, chia tay sớm chứ cứ lằng nhằng 2 thế giới rách việc xong mấy đứa lại mắc công bảo chị là cục thịt thừa di động. :v
(Đoạn Loki chết cũng buồn lắm đấy, đoạn đấy cũng mắc công khóc lên khóc xuống cơ mà đến cuối bảo không tìm thấy xác anh cũng kiểu hết buồn, lòng tràn trề hi vọng vì Marvel mà, không thấy xác thì còn lâu mới chết. Xong xem Ragnarok khỏi buồn nữa luôn. :) ) 


Cái cuốn hút của Marvel đối với tôi đầu tiên đó chính là bởi cái chất siêu anh hùng của Marvel nó thật sự rất đời, rất tầm thường, nó không có triết lý cao sang, thánh thần gì cả, họ là anh hùng, những cũng đều là người với những khuyết điểm riêng, và cũng giống như chúng ta, họ luôn loay hoay để tìm cách khắc phục những khuyết điểm đó, để trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân mình. 
Điều mà mình bị ấn tượng bởi Thor: The Dark World thì đó chính là bởi vì bản chất của nó là một câu chuyện về gia đình (và cũng là khúc ca cho sự trưởng thành của nhân vật Thor). Nên nó có cái vấn đề nổi bật mà Frigga và Loki truyền tải mình đã nói ở trên, nghĩa là nó khơi gợi mình, nó cho mình thấy được bản thân mình trong đấy, cho mình đồng cảm với nhân vật, buồn cùng nhân vật và cảm thông cho nhân vật. Cùng với sound track khủng khiến mình nổi da gà, hào sảng nhưng lại buồn da diết. Cộng thêm với việc xem đi xem lại khiến nó khắc sâu vào tâm trí mình nên mình xin khẳng định lại một lần nữa đây là một bộ phim hay và rất nhiều ý nghĩa. Nếu muốn, hãy xem lại phim với một trái tim rộng mở và không kỳ vọng cao nha.
-----------------------------------------------------------------------
Có thể nói Thor: The Dark World là bộ phim mà tôi xem đi xem lại rất nhiều lần, vào thời gian khoảng 4 năm trước vì hồi đó tôi có rất nhiều thời gian rảnh, và Thor: The Dark World được chiếu đi chiếu lại trên StarMovie. Bởi vậy mà tôi có ấn tượng rất mạnh về phim này. Những phim mà khiến tôi ấn tượng thường phải là những phim mang lại cho tôi nhiều cảm xúc, mà những cảm xúc buồn thì tôi ấn tượng mạnh và lâu hơn nên nếu nhắc về Thor thì tôi thích Thor: The Dark World hơn là Ragnarok. Ragnarok là một bộ phim tốt, chắc chắn là được đánh giá tốt hơn The Dark World, nhưng chính vì The Dark World làm tôi có kỳ vọng, Ragnarok lại không đạt được cái kỳ vọng đấy của tôi nên tôi có phần hụt hẫng. 
Về chuyện tôi đã kỳ vọng gì ở Ragnarok. Khi xem xong 2 phần Thor, nhất là Thor: The Dark World, mình đã kỳ vọng về một Ragnarok với một concept tối và u buồn chứ không phải mang phong cách hài hước và màu sắc của Guardians of the galaxy. Bởi khi nghe tiết lộ Ragnarok có một nhân vật quan trọng chết, tôi đã nghĩ nó phải kiểu bi ai, thương tâm, thảm thiết lắm. Nhưng không, cái chết của vị vua Asgard thực sự lại không buồn và ám ảnh lắm, gây ra sự bứt rứt trong lòng khán giả. Hơn nữa Ragnarok lại ra vào khoảng tháng 10/2017 và Guardians of the galaxy vol.2 ra vào khoảng tháng 5/2017 mà 2 màu sắc phim giống nhau, nó sẽ sinh ra cái tâm lý so sánh giữa 2 phim với nhau, về độ hài hước thì Ragnarok nhỉnh hơn một tẹo, nhưng độ sâu thì Guardians of the galaxy vol.2 nhỉnh hơn nhiều. Bởi Yondu với câu nói: 
"He may have been your father, but he wasnt your daddy. I'm sorry I didn't do any of it right. I'm damn lucky you're my boy."

và sự hy sinh của ông dành cho Peter Quill thực sự đã biến Yondu trở thành một khái niệm về một người cha của Marvel, nó cảm động vô cùng và chạm tới trái tim của rất nhiều người, trong đó có mình, và mình khóc ngon lành trong rạp luôn. (Bấm vào đây để xem lại cảnh sướt mướt đó nè.) Còn Odin-Vua của Cửu Giới lại có kết thúc khá là mờ nhạt, cảm giác cũng có mang lại sự gắn kết nhưng không mang lại sự thúc đẩy hành động cho hai anh em lắm, kiểu chỉ như là, bố chết rồi, thôi phải tự xử lý thôi.

___________________________________________
Bài viết mang quan điểm cá nhân và cũng chỉ mang tính tương đối. Hãy cho tôi biết quan điểm của bạn.