Nghe có vẻ không liên quan, nhưng có bao giờ bạn tưởng tượng đến việc một ông bác sĩ tâm lý phải làm việc với một cha diễn viên hạng A của Hollywood - kẻ mà đang trong thời kỳ khủng hoảng chưa?
    Khôi hài hơn, điều này lại chẳng hề hiếm gặp. Thậm chí, nó còn là một cái mác được gán cho các "bậc thầy thao túng cảm xúc" kia. Bởi vì thực tế, không ai là hoàn toàn tảng lờ được sự ảnh hưởng của cảm xúc lên chính bản thân mình - dù cho họ có giả vờ như vậy tốt đến nhường nào đi chăng nữa. 
     Dù sao, họ cũng là con người mà. Nhưng với khả năng thấu cảm cao hơn? 
      Hãy cứ hình dung, những gương mặt nổi tiếng trong những thước phim bất hủ đã phải trải qua những gì: một xuất phát điểm tầm thường, thậm chí nghèo nàn và gian khó; tiếp sau đó là nỗ lực để vươn đến tầm cao - hay chí ít là thoát khỏi cái vũng lầy mình đang ở; sau những năm tháng thành công là vài ba bữa tiệc, buổi ăn chơi, hay cái gì đó tương tự thế, để khuây khỏa phần nào cái nỗi trống vắng, ngột ngạt trong đời tư của một minh tinh; và cuối cùng là phần thú vị nhất - bước ngoặt của minh tinh đó.
     Tại sao tôi lại có thứ suy nghĩ ấy, trong khi ngày nay đa phần các diễn viên đều khá hạnh phúc với đời tư của mình - công bằng mà nói, và chẳng mấy ai bắt gặp hình ảnh của một tài tử bộ môn nghệ thuật thứ bảy lang thang trên đường vào 3 giờ sáng say mèm, hay đang phê pha bên mấy gói "thuốc thần"?
    Chắc chắn rồi, đó là do suy nghĩ của tôi còn hạn hẹp và thiếu đi sự nhìn nhận chính đáng về mấy ông bà diễn viên thời nay. Nói thẳng ra, tôi không có một chút nào kiến thức về điện ảnh nên mới nói những điều rập khuôn và vô nghĩa như thế. 
    Lỗi tôi, vì đã không chỉ rõ đối tượng mình đang đề cập.
    Tôi đang nói đến những người đơn độc trong thế giới của mình. Họ không tin mình có thể hòa nhập với người khác, và làm những gì mình muốn. Họ bị bóp nghẹt trước hàng tá những yêu cầu của nghề nghiệp, tức là mỗi lần lên phim là một dạng nhân vật khác - nếu như muốn phim hay, và được đánh giá cao thay vì một tác phẩm giải trí nhạt nhòa khác. Họ ủng hộ cho các tổ chức từ thiện không phải vì họ muốn, mà là để tạo dựng một hình ảnh đẹp trong lòng công chúng. Họ chật vật trong việc thích nghi với một cuộc sống bình thường - một cuộc sống sau diễn xuất, đến nỗi nhiều khi còn không rõ mình đang sống hay đang diễn cảnh mình sống. Họ sống trong một thế giới đầy thị phi, đầy những tranh cãi, lùm xùm, đồn đoán và những lời kết tội có chăng là vô căn cứ, qua màn ảnh. Họ trải qua những mất mát to lớn, như bất cứ ai khác - chỉ có điều khi họ bị đánh gục thì dường như những lời động viên ở bên ngoài chẳng thể nào đủ sức đỡ họ dậy.
      Đó là lúc các bác sĩ tâm lý bắt đầu vào việc. 
      Cái khó ở chỗ, liệu họ có tìm được ra điều mình cần?
   Các diễn viên có một khả năng che giấu cảm xúc tuyệt vời, và kinh khủng hơn, họ còn có thể bóp méo nó một cách hoàn hảo - đến độ chẳng ai hiểu nổi họ đang nghĩ gì. 
    Đọc vị bắt đầu vào việc. Bác sĩ tâm lý bắt đầu bóc tách một thứ có nhiều lớp lang - cảm xúc của một tên diễn viên. 
    Họ bắt đầu quan sát các đặc điểm thường thấy. Mắt. Tay. Chân. Miệng. Cả khuôn mặt. Áo quần. 
    Điểm này thì quá rõ ràng. Diễn viên không phải cứ buổi gặp đầu tiên là tuôn hết tất cả những cái suy nghĩ và cảm xúc mình ra. Sẽ có sự phòng ngự trước nhất. Họ sẽ có chút lãnh đạm với chính mình. Một chút lo âu nữa khi mà đôi tay cố tìm cho ra một điểm tựa trên cơ thể để giấu đi sự run rẩy của chúng. Hai chân nhiều lúc đung đưa, lắc sang hai phía - một chút chán chường nữa khi mà thời gian cứ trôi đi vô ích. Với những câu hỏi sách vở từ phía các bác sĩ tâm lý, họ đánh mắt sang hướng khác một thoáng - có thể là nghĩ câu trả lời, nói dối tí cũng không sao nhỉ? Môi họ có lúc mím chặt lại, trong khi trán có những nếp nhăn cuộn lên và họ bắt đầu hướng mắt chung quanh nhiều hơn. Sự lo âu càng tăng khi gần hết buổi mà họ vẫn chưa tìm ra sự kết nối, hay chút gì đó tin tưởng dành cho mấy vị bác sĩ kia. 
    Họ thắc mắc có nên đến đây vào buổi khám lần sau?
    Và các bác sĩ tâm lý tiếp tục đào sâu hơn vào cái khu rừng tăm tối kia.
   Các bác sĩ quyết định tăng liều lượng trong lần gặp sau, nếu họ quyết định quay lại. 
    Những câu hỏi bắt đầu... nguy hiểm hơn. Giờ, chúng là những chiếc đèn pin soi sáng những điểm tối. Các câu hỏi đi từ Có/Không sang Chia sẻ: 
     Anh/chị có bị lôi cuốn trước một điều gì đó sai trái?
     Anh/chị cảm thấy ra sao khi thực hiện điều đó, với người đó, ở nơi đó?
     Anh/chị có bao giờ thủ dâm không? Tần suất?
     Anh/chị có bao giờ nghĩ đến việc tự sát? Bao nhiêu lần/khoảng thời gian?
     Anh/chị hãy kể về lần gần nhất thử tự sát? Hãy miêu tả chi tiết
   Anh/chị hãy nói về cảm xúc của mình khi về đêm?
   Anh/chị hãy nói về lần gần nhất mình làm đau ai đó? Nó có vui và đem lại sự thỏa mãn?
   Anh/chị hãy kể về người thân của mình? Họ là gì đối với anh/chị?
   Và quan trọng nhất:
   Nếu như không có gì xảy ra sau những buổi tư vấn chữa bệnh, anh/chị sẽ làm gì?
     Nếu như không có gì xảy ra sau những lần cố thay dổi, bạn sẽ làm gì?
      Nếu như mọi cố gắng là vô vọng, bạn sẽ làm gì?
  Có khi câu trả lời sau cùng là một khẩu súng lắp đầy đạn, mà cũng có lúc câu trả lời là một người bạn đời thực sự hay một người bạn mới trong đời. Thậm chí, nó cũng có thể là sự vắng bóng khỏi màn ảnh ít lâu, để tìm ra hướng đi cho cuộc đời mình.
    Cách tốt nhất để đọc vị được người khác nhiều khi lại là đưa họ đến sự lựa chọn, hoặc sống hoặc chết - quan trọng là họ tìm được ra câu trả lời cho bước chuyển tiếp của đời mình.
    Từ đó, các bác sĩ tâm lý mới có thể hiểu được tâm lý của diễn viên - cảm xúc thật chứ không phải điệu bộ giả tạo. 
    Xác định được mục tiêu của diễn viên trong giai đoạn bước ngoặt của cuộc đời là quân bài quan trọng trong việc cải thiện tâm lý của chính diễn viên ấy, hay bất cứ ai trong cuộc sống.
    Đến lúc quyết định, bạn sẽ làm gì?