Series này gồm các bài viết được mình tổng hợp và viết lại từ nhiều nguồn, có gì sai sót mọi người cứ góp ý thẳng thắn. Mọi tranh luận đều được hoan nghênh vì "mâu thuẫn là nguồn gốc của sự phát triển" :3

Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể xem clip tại đây:


Lời dẫn

Trước khi đọc phần 2, các bạn nên đọc qua Phần 1 để có hiểu biết nhất định về hai khái niệm EthnocentrismCultural Relativism trong nghiên cứu văn hóa mà mình đã đề cập. Nhận thức về sự tồn tại của hai cách nhìn này sẽ giúp các bạn giữ được sự khách quan trong tiếp nhận và xử lý thông tin,  từ đó đưa ra được những nhận định phù hợp nhất.

Chắc chắn mỗi người sẽ có một câu trả lời cho riêng mình, nhưng khi nhắc tới Putin "Love him or hate him, you just can't ignore him".

Mình hy vọng series nói chung và bài viết này nói riêng sẽ khơi gợi được trí tò mò và động lực trau dồi hiểu biết cá nhân của mọi người. Với mình, đó mới là chìa khóa thực sự của sự phát triển và cần được bồi dưỡng liên tục :D


PART 2: Nước Nga và Vladimir Putin


Sơ lược về Putin

Vladimir Putin trở thành Tổng thống thứ hai của Nga (sau Boris Nikolayevich Yeltsin) vào năm 2000 và nắm giữ vị trí này trong suốt 2 nhiệm kỳ. Sau khi kết thúc thời gian này vào năm 2008, vì giới hạn Luật pháp, ông nhường vị trí Tổng thống cho người kế nhiệm (cũng rất thân thiết và chịu ảnh hưởng lớn từ chính mình) là Dmitri Medvedev và chuyển sang giữ chức Thủ tướng trước khi quay trở lại vị trí Tổng thống Nga vào năm 2012 và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tranh cử vào năm 2016.

Được miêu tả như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, "nói ít làm nhiều", Putin vốn là một cựu trung tá tình báo KGB đã từng hoạt động ở Dresden, Đông Đức trong những năm từ 1985 đến 1990. Ông rất thích thể thao, đặc biệt là môn Judo (Putin tập Judo từ khi 13 tuổi) hay các môn khác như ice hockey, bơi lội, chèo thuyền, cưỡi ngựa... 


Tổng thống Putin chơi ice hockey


Putin có sở thích cởi trần khoe body và sự nam tính (cá nhân mình thấy trò xây dựng hình ảnh này hơi... "lố" vì ngực ổng hơi... sệ và bụng thì hơi to - tuy nhiên không dám ý kiến nhiều hơn vì mình đang kém ổng khoảng gần 40 tuổi mà cũng gần gần thế rồi :'< cười người hôm nay, 40 năm sau lại tự tát vào mặt mình thì buồn lắm). 

Tổng thống Putin ngực trần cưỡi ngựa


...và bơi bướm trên sông


Dĩ nhiên không thể thiếu đám memes mất nết nhưng cũng hài hước theo sau, ví dụ như:


Hoặc:


Putin có thói quen... đến muộn, ngay cả khi tiếp đón lãnh đạo cấp cao của các nước khác hay các thủ lĩnh tôn giáo. Danh sách "nạn nhân" của ông bao gồm Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (người đã phải đợi Putin 3 tiếng ở Quảng trường Đỏ), cựu Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych (4 giờ), Nữ hoàng Elizabeth II, Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Giáo hoàng Franciscus . . .

 Lý do được những người thân cận của Putin đưa ra là vì ông... quá tỉ mỉ và luôn chuẩn bị thông tin rất kỹ càng trước mỗi buổi gặp mặt. Tuy nhiên theo mình, cố tình đi trễ là chiến lược để thể hiện sức mạnh và khai thác sơ hở đối phương có thể bộc lộ (do tức giận vì phải chờ đợi và cảm thấy không được tôn trọng). 

Năm 2015, Putin được Forbes bầu chọn là người đàn ông quyền lực nhất hành tinh.


Nước Nga trước Putin

Dưới hai nhiệm kỳ Tổng thống của Yeltsin (từ 1991 tới 1999), nước Nga theo chủ trương thân phương Tây (rất khác so với chính sách của Putin sau này). Chuyển đổi quá nhanh từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường với hàng loạt chính sách như tư nhân hóa toàn quốc, cho phép "bàn tay vô hình" của thị trường điều chỉnh giá cả v.v. chẳng những không hiệu quả mà gây ra một cú sốc lớn. Quyền lực & tiền bạc dần tập trung vào tay một nhóm nhỏ các nhà tài phiệt (oligarch), gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đất nước. 

Trong thời gian này, thống kê chỉ ra rằng nước Nga gặp rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về kinh tế - chính trị, gây ảnh hưởng lớn tới nhận thức và mong muốn của người dân về một nhà lãnh đạo phù hợp.


Một số thống kê đáng chú ý từ World Bank:

GDP đầu người chỉ đạt khoảng 1330 USD vào năm 1999.

Tỉ lệ nghèo đói lớn hơn 40%

Lạm phát cao hơn 30% khiến cho các khoản tiết kiệm trước đó của người dân giảm giá trị nghiêm trọng. Họ mất dần niềm tin vào Chính phủ.

Tỉ lệ nợ/GDP lớn hơn 110%. Nga gần như không thể hiện một dấu hiệu nào về khả năng chi trả; ngược lại, dấu hiệu "bùng" nợ lại nhiều hơn bao giờ hết.

Đồng tiền Ruble tụt giá trị thảm hại và không có giá trị chuyển đổi quốc tế

Các địa phương (một phần do quản lý lỏng lẻo dưới thời Xô Viết) không đóng thuế cho chính phủ


Đó là một nước Nga bế tắc và nghèo đói, một nước Nga mất hoàn toàn vị thế của một cường quốc. Hơn bao giờ hết, người Nga cần một sự thay đổi.

Ngày 31/12/1999, dưới rất nhiều sức ép, Yeltsin từ chức và chỉ định Vladimir Putin (khi đó đang là Thủ tướng) lên thay, mở ra kỷ nguyên nắm quyền của đương kim Tổng thống Nga hiện nay, một kỷ nguyên đầy thành tựu cũng như tranh cãi.


NƯỚC NGA DƯỚI THỜI PUTIN 

Putin, trái ngược với người tiền nhiệm Yeltsin, không phải một nhà lãnh đạo thân phương Tây. Ông thậm chí đã nhiều lần phê phán các nước này vì can dự quá nhiều vào vấn đề nội bộ và làm rối loạn hệ thống chính trị của các nước khác. 

Một số phát ngôn nổi tiếng về vấn đề này có thể kể tới:

Nguy cơ chủ nghĩa khủng bố đang tăng lên. Vấn đề Afganistan vẫn chưa được giải quyết. Tình hình ở nước này vẫn đáng lo ngại và không làm cho người ta lạc quan. Còn có những nước cách đây không lâu thì đang ổn định và khá phồn vinh ở Trung Đông và Bắc Phi - như Iraq, Libya, Sirya- đã trở thành khu vực hỗn loạn và vô chính phủ mà từ đó, đã xuất hiện mối đe dọa đối với toàn thế giới. Và chúng ta biết rõ vì sao lại có chuyện đó.
Chúng ta biết ai muốn lật đổ những chế độ không hợp ý họ (phương Tây) và áp đặt những điều luật của mình một cách thô bạo.
Kết quả là thế nào? Người ta đã gây ra tình trạng hỗn loạn, đã phá vỡ thể chế nhà nước, đã đẩy người dân đến chỗ xung đột nhau và sau đó, đơn giản, như người Nga thường nói, đã "rửa sạch tay" rồi mở đường cho những lực lượng cực đoan và những kẻ khủng bố.

Hay khi phát biểu sau sự kiện Wikileaks vào năm 2010:

Các vị gọi đấy là dân chủ? Các vị luôn rêu rao rằng mình là nhà dân chủ, còn chúng tôi là độc tài, nhưng nếu các vị mà ra lệnh bắt Julian Assange thì quả là một sự nhục nhã. Tôi có thể khó chịu với ông ta, nhưng không có nghĩa là phải bắt ông ta rồi đem ra tử hình kiểu Mỹ thế này. Thụy Điển và Anh đang đi ngược lại quyền tự do báo chí đó là thế nào? Thật là một kiểu Hoa Kỳ chính gốc: đòi bỏ tù Assange rồi kết án Bradley Manning thì thật là ngớ ngẩn.

(Đọc thêm về người sáng lập Wikileaks Julian Assange hay cựu quân nhân Mỹ Bradley Manning

Ở chiều hướng ngược lại, Putin cũng liên tục chịu chỉ trích từ truyền thông phương Tây vì sự chuyên quyền, độc tài, sẵn sàng "thao túng truyền thông" hay bỏ tù và trừ khử những người làm trái ý mình (điển hình là vụ bỏ tù Mikhail Khodorkovsky, một nhà tài phiệt đã từng giàu nhất nước Nga). Putin còn bị cáo buộc sử dụng quyền lực để làm giàu cho cá nhân và những người "thân thiết", với một số báo cáo cho rằng tổng tài sản của ông trong năm 2015 có thể lên tới hơn 100 tỷ đô la . . .

Tuy nhiên, ông là người có công lớn trong việc vực lại nền kinh tế và vị thế chính trị của nước Nga. Những thống kê không nói dối:

GDP Nga tăng mạnh sau khi chạm đáy vào năm 2009 (2 giai đoạn khủng hoảng là do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế 2008 và trừng phạt kinh tế từ phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014). 


Điều tương tự xảy ra với GDP tính theo đầu người (từ đáy là 1330 USD vào năm 1999 lên đỉnh là 15,500 USD vào năm 2013)


Lạm phát giảm mạnh và duy trì tương đối ổn định


Tỉ lệ thất nghiệp cũng giảm mạnh từ đỉnh (khoảng 15%) xuống mức dưới 5% (2015)


Tỉ lệ nghèo đói cũng giảm mạnh và đạt khoảng 11%, song song với đó là sự gia tăng của tầng lớp trung lưu (từ 11% lên 48%)

Putin áp dụng chính sách đánh thuế cá nhân đồng đều ở mức 13% và giảm thuế doanh nghiệp từ 33% xuống còn 20%. Người Nga bắt đầu đóng thuế đầy đủ hơn, gián tiếp tăng tổng lượng thuế thu được gấp 5 lần. 

Song song với những thành tựu đó, Putin cũng bị chỉ trích rất nhiều vì hệ thống kinh tế thiếu minh bạch, dẫn tới tham nhũng hoành hành (xếp hạng 119/168 thế giới theo Transparency International). Truyền thông phương Tây đôi khi khắc họa ông như một kẻ "may mắn" gặp thời giá dầu tăng nên mới có thể giúp nước Nga giàu lên nhanh chóng, nhưng ngược lại, khiến nền kinh tế nước này quá phụ thuộc vào khai thác và xuất khẩu năng lượng. Nhiều ý kiến cho rằng "di sản" này cực kỳ kém bền vững và có thể kéo Nga trở lại khủng hoảng trong tương lai. 

(Còn tiếp)

.

.

.

Vì bài viết cũng đã khá dài và nhiều thông tin, mình xin phép tạm dừng ep1 tại đây để mọi người có thêm thời gian nghiên cứu, xử lý  thông tin và phản biện, bổ sung thêm :D

Mình sẽ sớm trở lại với ep2 nói sâu hơn về Khoa học, Đối ngoại, Quân sự . . . khi có thêm thời gian. 

Gửi tặng mọi người một cuộc debate về Putin, ai có thời gian và hứng thú thì có thể xem thêm, cũng khá hay




Nguồn tham khảo:

Forbes

World Bank

Washington Post

Alux

Transparency International

Wikipedia