Hình xăm, với nhiều bạn trẻ hiện nay thì việc xăm mình là một trong nhiều cách để thể hiện cá tính, chứng minh mình khác biệt hay đơn giản hơn là bởi vì nó đẹp. Có một người bạn tôi biết xăm mình với lý do chính là vì tất cả thành viên trong nhóm bạn chơi thân với bạn này đều xăm mình và bạn không muốn trở nên “lạc loài” nên cũng đi xăm. Cá nhân tôi ủng hộ việc xăm mình, trong bài viết này tôi muốn bàn luận về hình xăm và những điều liên quan mà cá nhân tôi quan sát được.
Đằng sau mỗi hình xăm là một câu chuyện
Đằng sau mỗi hình xăm là một câu chuyện
Trước hết, về định nghĩa: Xăm là một hình thức chỉnh sửa cơ thể, được thực hiện bằng cách đưa mực xăm, thuốc nhuộm vào lớp hạ bì của da (xăm vĩnh viễn). Như vậy, kết quả của hành động “chỉnh sửa cơ thể” này được gọi là hình xăm. Về bản chất, việc đến tiệm xăm và trở ra với một vài hình xăm trên người không khác gì việc đến viện thẩm mỹ hay trung tâm chăm sóc sắc đẹp rồi trở ra với một làn da sáng bóng hơn, mịn màng hơn hay cụ thể là một cơ thể ưng ý hơn. Bài viết này được tôi chia làm 3 phần và ở phần đầu tiên, tôi sẽ trả lời câu hỏi sau đây: 
Điều gì khiến cho hình xăm vẫn còn chịu một sự phản kháng mạnh mẽ từ phần đông dân số Việt Nam trong khi phẫu thuật thẩm mỹ - một hình thức chỉnh sửa cơ thể còn mạnh mẽ hơn rất nhiều lần xăm mình lại nghiễm nhiên được chấp nhận? 
Câu trả lời thực ra rất đơn giản, nó đã hiện ra ngay ở những dòng phía trên mà để túm lại thì tôi sẽ dùng hai từ: “định kiến”. Việc nhìn thấy một người có hình xăm trên người ngay lập tức khiến tất cả thành viên ở thế hệ trước trong cả hai dòng họ nội và ngoại của tôi nhíu mày và quay sang dặn dò, nhắc nhở, dọa nạt cùng nghiêm cấm con cái họ không được xăm mình. Tiếp đó họ sẽ đánh giá những người xăm mình với những kiến thức được nhồi vào đầu họ từ dư luận, truyền thông, phim ảnh và những nơi có ít hoặc không chịu sự kiểm duyệt khác. Đặc biệt là phim ảnh, cụ thể là phim truyền hình, một trong những nguồn khiến định kiến về hình xăm của thế hệ trung niên trong gia đình tôi và tôi tin là nhiều gia đình khác trở nên vô cùng tệ hại. Để khắc họa một nhân vật rõ ràng hơn trong mắt người xem mà không cần bỏ nhiều thời gian quý giá trên màn ảnh cũng như không gian trong những trang kịch bản, nhà sản xuất phim truyền hình chọn cách thay đổi tạo hình của nhân vật sao cho phù hợp với những định kiến và tư tưởng sẵn có của khán giả. Ví dụ cụ thể, thay vì phải kể một câu chuyện dài về một thanh niên ngổ ngáo, thiếu giáo dục và luôn giao du với những đối tượng hư hỏng, giang hồ chỉ để giải thích cho những hành động lỗ mãng của nhân vật này thì đoàn làm phim có thể chọn cách dễ hơn, thuận theo hệ tư tưởng “trông mặt mà bắt hình dong” của số đông và khiến nhân vật này xuất hiện với một cái đầu húi cua, hình xăm kín hai tay, cởi trần, đeo vòng bạc vòng vàng trên cổ cùng đôi lông mày luôn níu chặt. Vậy là thành công để xây dựng nhân vật phản diện điển hình bằng ngoại hình, quá dễ. Có thể do kinh phí làm phim không đủ khiến đội ngũ sản xuất hạ thấp yêu cầu với chính đứa con của mình. Có thể do đối tượng người xem là những người nông cạn không cần gì hơn ngoài những drama giả, tạo nên những mâu thuẫn vô lý, dẫn đến những tình tiết giật gân không thể tin nổi bởi đơn giản những người xem này đã quá mệt mỏi khi phải gồng mình lên làm công việc mà họ không ưa cả ngày nên đến tối họ không muốn tư duy nữa. Theo tôi là cả hai. Đây giống như một vòng lặp vậy. Khán giả nông cạn chỉ muốn những gì dễ thấy và dễ tiêu hóa, như bất kỳ sản phẩm giải trí nào khác miễn là nhanh, ngắn, đơn giản. Nhà sản xuất muốn chiều lòng khán giả nên chẳng muốn thay đổi tư duy của người xem mà đi tìm cách làm sản phẩm ngắn hơn, nhanh hơn và nông cạn hơn. Cứ như thế, một đồn trăm, trăm đồn nghìn, rất nhanh, những gì mà truyền thông, dư luận và phim truyền hình tạo ra nghiễm nhiên ăn sâu bám rễ vào óc của đám đông, khiến họ chẳng cần phải suy nghĩ để đưa ra phán xét: “xăm mình là xấu” - “chỉ kẻ xấu mới xăm mình”.
Trong khi đó, chăm sóc sắc đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ thì sao? Việc dành cả tiếng đồng hồ hoặc hơn để trang điểm và tẩy trang hàng ngày, đi làm mặt hàng tuần, làm tóc hàng tháng và xăm môi, nâng mí khi có tiền là điều hoàn toàn bình thường. Tại sao vậy? Vì ai cũng làm vậy, thật đơn giản. Nếu một ngày ra đường ai ai cũng có hình xăm trên người thì lúc này xăm mình là hoàn toàn bình thường, ai không xăm mới bất thường. Trước kia, xã hội chưa phát triển, đất nước nghèo, đời sống nhân dân còn thấp, việc ăn no mặc ấm còn chưa đáp ứng được thì nói gì là ăn ngon mặc đẹp, trồng tu nhan sắc, chăm chút thanh xuân chỉ là chuyện viển vông hoặc chỉ nằm trong đầu những phú nhị đại. Dần dần, nhân dân giàu có hơn, kinh tế phát triển, nhu cầu mở rộng, không còn phải lo về cơm ăn áo mặc nữa, ai cũng đã có việc làm, cuối tháng lĩnh lương, cần gì phải nghĩ. Ai cũng có việc làm, ai cũng có thu nhập “ổn định”, phần đông đã “đủ ăn đủ mặc” rồi “có của ăn của để”. Phần đông người dân đều có thể thoải mái mà đi làm việc họ không thích để lấy tiền đi làm việc họ thích. Như thế, những nhu cầu mới xuất hiện, cái tháp nhu cầu của Maslow được khai phá ở tầng cao hơn, tầng gần cao nhất: “sự coi trọng”. Khi con người đã thỏa mãn được nhu cầu sinh lý như ăn no mặc ấm, họ đi hoàn thành nhu cầu an toàn và ổn định. Khi đã có của ăn của để, họ cần hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm đồng minh trong xã hội, vượt qua cảm giác cô độc. Vì thế nên ở giai đoạn này đám đông làm gì thì mình làm theo là một điều dễ hiểu và hoàn toàn bình thường. Thế rồi, khi đã người ngang người, đã hòa nhập đến mức tan ra thành từng mảnh, cảm nhận từng mặt khác nhau của đám đông, tầng tiếp theo mở ra với nhu cầu trở thành người trên người. Tôi đẹp hơn, tôi sang trọng hơn, tôi giàu có hơn, tôi đẳng cấp hơn, tôi quyền quý hơn, cái gì tôi cũng muốn hơn. Nhu cầu thể hiện bản thân, nhu cầu được công nhận khiến phần đông đều cố gắng để chiến thắng trong chính trò chơi mà những người xung quanh tạo ra thay vì dừng lại và đặt câu hỏi: Liệu trò chơi này có đúng không, mình có nên chơi không, mình có hợp với cách trò chơi này vận hành không, mình có nên dừng lại không? Vấn đề là, đám đông không đặt câu hỏi, thậm chí còn không hoài nghi. 
Như vậy, về bản chất thì xăm mình cũng không khác gì phẫu thuật thẩm mỹ, chắc chắn là ở mức độ nhẹ nhàng hơn do chỉ tác động vào lớp biểu bì dưới da và tạo ra những mảng màu sắc trên bề mặt chứ không thay đổi cấu trúc như gọt cằm, nâng mũi, cắt mi, nâng ngực hay kéo đầu gối. Thế nhưng những biểu hiện của việc xăm mình lại tạo ra khác biệt trong đám đông rõ ràng hơn phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này dẫn đến việc thu hút những ánh nhìn soi mói và kích thích những định kiến được nhồi vào đầu đám đông và dễ dàng khiến người xăm mình gặp rắc rối nhiều hơn người phẫu thuật. Lý do cho việc này khá đơn giản. Việc xăm mình và phẫu thuật đều sẽ bị thế hệ cha ông chú bác lên án, phản đối kịch liệt và càm ràm trong nhiều năm, thế nhưng, những người yêu xăm sẽ còn phải chịu thêm những sự soi mói và phán xét đến từ những người mà họ còn chẳng hề quen biết, MỘT CÁCH TRỰC TIẾP, trong khi những người chọn cách làm đẹp dao kéo sẽ không bị những người lạ này đàm tiếu thẳng mặt. Chung quy lại, vấn đề vẫn nằm ở tư duy đám đông và định kiến nhồi nhét mà thôi, không hề liên quan đến bản chất thay đổi cấu trúc cơ thể hay giữ nguyên hình dạng vốn có.
Tiếp đến là câu hỏi: “Xăm để làm gì”? 
Tất nhiên là để thay đổi hình dạng cơ thể theo mong muốn, đương nhiên rồi, trong định nghĩa có đề cập kìa, còn đối với cá nhân tôi thì mục đích của việc xăm mình phụ thuộc vào người đi xăm. Tôi rất thích xăm, tôi xin nhắc lại. Trên người tôi có hai hình xăm, một ở mặt ngoài cánh tay trái và một ở mặt trong cánh tay phải, mỗi hình dài gần 15cm và rộng 1,2cm. Đối với tôi, việc xăm mình là một cách để nhắc nhở chính mình về những bài học, những giá trị mà mình đã học được, những bài học mà tôi sợ mình sẽ quên. Tôi sợ mình sẽ quên rằng đám đông khiến tôi mệt mỏi như thế nào, quên rằng tôi đã cố gắng ra sao để được tự do, sống theo cách mình muốn chứ không phải sống để phù hợp với đám đông. Tôi ghi những thông điệp mà cả đời ko thể xóa bỏ, thông điệp mà tôi muốn mình có thể thấy liên tục. Sức hút của đám đông rất lớn, tôi sợ mình gục ngã và thỏa hiệp. Vậy nên, tôi tự ghi lên da những giá trị mà tôi coi trọng, để nếu có một ngày tôi kiệt sức và định đầu hàng, những thông điệp này sẽ vực tôi dậy. Dù sao thì, sẽ thật nực cười nếu ngày nào tôi cũng nhìn vào tay mình, nhớ lại bài học mà mình không muốn quên, rồi nhận ra mình đang vi phạm chính những bài học đó. Phải, tôi xăm cho mình, xăm cho mình nhìn, xăm vì mình muốn, không phải để cho đẹp, để cho ai nhìn, để cho ai khen mình ngầu, mình cá tính. Vì xăm cho chính mình nên việc một vài chỗ xăm bị méo, bị lỗi mình cũng kệ chứ không tính phá quán anh thợ xăm ở quê, dù sao thì anh cũng đã lấy rẻ hơn một chút. Việc bạn xăm vì lý do gì không quan trọng, bạn muốn thể hiện cá tính cũng được, muốn trở nên ngầu cũng được, muốn hòa nhập với nhóm bạn cũng được, không quan trọng vì theo tôi, điều quan trọng là bạn ra quyết định thì cần đủ can đảm chịu trách nhiệm, vậy thôi. 
Vậy xăm rồi thì sao? Cuộc sống thay đổi như nào?
Tôi còn nhớ ngày hôm đó là một ngày tháng 12 năm 2019, lúc đó tôi đang ở nhà bác tại thành phố Yên Bái, ngay khi dịch Covid còn chưa bùng phát mạnh mẽ. Thành phố Yên Bái là quê nội tôi, không khí trong lành hơn ở Hà Nội rất nhiều, xe cộ luôn luôn thưa thớt, cây cối thì to và nhiều, những ngọn đồi nhỏ ở phía sau những dãy nhà rất thoải mái. Thế nhưng, mọi thứ không còn thoải mái như trước nữa, đó là khi những người thuộc thế hệ trước nhìn thấy hai hàng chữ trên cánh tay tôi. Bác trai (người anh ngay phía trên bố tôi) sinh năm 1963, vợ bác kém bác hai tuổi. Bác trai về nhà lúc 4h chiều, nhìn thấy tay tôi và ngay lập tức chỉ trích tôi, nói tôi là thứ mất dạy, hư hỏng, đua đòi và đủ thứ tính từ khác. Nếu không phải tôi luôn đạt học sinh giỏi hàng năm và đang học đại học ở trường quốc tế thì hẳn là bác đã bê nguyên hình tượng của một nhân vật trộm cướp trong phim ra để gán cho tôi. Mặc cho tôi luôn ngoan ngoãn, nghe lời, lễ phép, chăm học, vân vân và mây mây trong suốt 20 năm trời thì chỉ với một ít mực trên cánh tay, tôi trở thành thằng phá làng phá xóm, ăn chơi lêu lổng, làm bẩn xã hội trong mắt bác. Chưa đầy một tiếng sau, bác gái về nhà, nhìn vào tay tôi và hỏi: “Cháu vẽ lên đấy à? Vẽ đẹp thế, như xăm thật ấy nhỉ, tí tẩy đi nhé, không có ai tử tế lại đi xăm mình đâu, chỉ bọn mất dạy mới thế thôi.” Chưa dừng lại ở đó, chị gái tôi, con của hai bác, thất nghiệp, lớn hơn tôi 6 tuổi, sang và kể cho tôi nghe về những kẻ thực sự ăn chơi lêu lổng chị gặp ở trường đại học rồi nói rằng 9/10 kẻ này đều có hình xăm. Khi chị ngừng kể chuyện và quay đi, tôi còn nghe được chị lẩm bẩm: “thằng này bắt đầu đổ đốn rồi đây, không biết có cứu được không, chẹp chẹp”. Những người này là những người tiếp xúc với tôi rất nhiều, từ khi tôi sinh ra là đằng khác, dù một năm tôi chỉ gặp họ vài tháng nhưng năm nào cũng gặp. Suốt những năm này tôi không phạm một lỗi lầm gì, thậm chí còn chẳng làm vỡ một cái cốc cái chén nào của họ trong suốt ngần ấy năm, thế mà chỉ với một hai hình xăm với tông diện tích chưa đầy 30cm vuông, họ lập tức coi tôi là thứ đồ gây ô nhiễm xã hội không bằng. Định kiến rất mạnh mẽ, đây là lúc tôi thực sự trải qua sức mạnh của nó, rất mạnh, ít nhất là đủ mạnh để đè bẹp tư duy của những người họ hàng biết tôi từ khi sinh ra.
Trong suốt tuần đó, tất cả mọi người đều trong họ đều nhìn tôi như nhìn một kẻ bại hoại, ai tế nhị thì chỉ ném một cái nhìn kinh tởm rồi đi, ai tử tế thì khuyên tôi đi xóa xăm còn một vài cô chú thì chẳng buồn khuyên nhủ bảo ban gì, chỉ buông cho một câu: “thứ mất nết.” Tôi không biết các cô các chú nhà tôi đã gặp ai xăm trổ mà trộm cắp đập phá chưa, tôi cũng không biết có phải tất cả họ đều bị mấy băng đảng xăm trổ tới giật đồ hay đơn giản là họ đều vô tình có thù với một kẻ nào đó có hình xăm trên người nhưng tôi đoán hẳn là vậy đi vì nếu không sao họ có thể kỳ thị những người có hình xăm đến như vậy. 
Đến cuối tuần, cha mẹ tôi vội vã phóng xe về quê ngay khi họ tan làm vào chiều thứ sáu. Khi họ nhìn thấy tôi, họ sững sờ khi nhận ra những gì mà họ được kể mấy ngày qua là thật, họ đã rất thất vọng, tôi nhìn thấy điều đó trong mắt họ. Mẹ tôi kéo tôi ra một góc và giường như sự tức giận khiến mẹ tôi bị nghẹn nên những tiếng gằn của mẹ không quá rõ ràng trong trí nhớ của tôi. Tất cả những gì tôi nhớ được là mẹ đã nói mẹ thất vọng nhường nào, cảm thấy xấu hổ như nào khi nhìn thấy tôi, mẹ nói tôi đã bắt đầu sa ngã, rằng mẹ không thể kiểm soát được hành vi của tôi nữa, không thể hiểu được tôi nữa. Thật ra mẹ chưa bao giờ hiểu tôi, trong suốt những năm mà tôi có ý thức và có thể hồi tưởng lại thì tôi đã luôn lập dị và tách biệt với những người bạn cùng trang lứa với mình. Chẳng qua là trước đây tôi không có tiền và không có quá nhiều chính kiến nên bố mẹ bảo gì tôi cũng nghe, họ muốn tôi làm gì tôi cũng làm. Lúc đó tôi chẳng có mong muốn gì, chẳng có ước mơ gì, chẳng tha thiết điều gì nên miễn là họ không làm phiền tôi thì họ muốn gì tôi cũng làm. Thế nhưng khi bắt đầu biết mình muốn gì, muốn làm gì, muốn trở thành người như thế nào và bắt đầu thực hiện mong ước của mình, tôi nhận ra cuộc sống mà tôi muốn không quá giống với cuộc sống mà cha mẹ tôi muốn ở tôi. Có lẽ đây là lý do mà chúng tôi ngày càng bất đồng. Bố tôi thì bình tĩnh hơn, ông chỉ thất vọng thôi chứ không đay nghiến tôi như hầu hết mọi người. Ông tiếc vì khi tôi tốt nghiệp tôi sẽ chẳng thể xin vào công ty nhà nước, đồng nghĩa với việc tạm biệt công việc ổn định. Sau đó bố tôi nhớ ra rằng ông là bộ đội và từ giờ về sau, nếu tôi có xuất hiện trong những buổi liên hoan của công ty thì sẽ thật xấu hổ khi ai cũng sẽ hỏi về hai hàng mực trên tay đứa con mà bố tôi luôn tự hào là ngoan ngoãn. Thế là ông cũng bắt đầu chỉ trích quyết định mà ông coi là dại dột của tôi và muốn tôi đi xóa xăm. Họ không hỏi lý do gì khiến tôi quyết định xăm mình, cũng không hỏi tại sao tôi lại chọn những hình ảnh này, dòng chữ này để in lên cơ thể mình mãi mãi, họ chỉ tới và mắng tôi xối xả. Không cần gì cả, họ biết họ có quyền, quyền cho rằng mình đúng và họ biết tôi là con của họ, tôi chẳng có quyền cũng chẳng có gan phản kháng. Thế nhưng họ đã nhầm, tôi đã không đi xóa xăm cũng không tỏ ra hối lỗi về quyết định của mình, tôi chịu trách nhiệm. 
Đã gần ba năm kể từ ngày đó và các cô các bác tôi vẫn còn nhìn tôi với sự kỳ thị nhưng không còn trực tiếp và cương quyết như trước. Dù sao thì tôi cũng không bỏ học, không bị bắt vì tội trộm cắp hay cướp giật, càng không phá làng phá xóm. Thế nhưng con cái họ, những đứa nhóc vẫn đang học tiểu học khi nhìn thấy tôi về quê chơi không còn thân thiết với tôi nhưng trước nữa, chúng sẽ giữ khoảng cách với tôi, dù cho tôi không thay đổi gì nhiều hơn hai hàng chữ ở tay. Có một bác gái ở quê lần nào gặp tôi cũng hỏi lại câu: “Hưng lại xăm hình mới à?” Tôi chẳng buồn giải thích, tôi “vâng” cho xong chuyện rồi để mẹ tôi hoặc bất cứ ai muốn đi giải thích. Tôi sống cuộc đời tôi, tôi đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định đó. Tôi không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của ai, càng không lôi kéo ai học theo tôi. Tôi chỉ đang sống theo đúng những gì mình hướng đến, bảo vệ những giá trị mà mình coi trọng. Dù ai có nói gì, làm gì thì đó là việc của họ, chỉ cần không ảnh hưởng đến tôi thì tùy họ, tôi không có nghĩa vụ làm hài lòng bất cứ ai. Từ khi nhận thức được chính mình, tôi chỉ cố gắng để không phải hối hận quá nhiều khi về già mà thôi, không cầu gì hơn ngoài bốn chữ “không thẹn với lòng”.
Nếu bạn chưa từng xăm và thắc mắc về trải nghiệm xăm thì tôi không thể cho bạn mô tả phổ thông được vì lúc tôi đi xăm, anh thợ xăm có vẻ mới vào nghề nên xăm lệch hết cả. Hơn nữa, lúc đó tôi cũng chỉ có mấy đồng nên không dùng thuốc tê để cho tiết kiệm nên trải nghiệm xăm của tôi có lẽ không được phổ thông lắm, vì thế nên tôi xin phép không đề cập. 
Để tổng kết lại, tôi muốn nhấn mạnh lại rằng xăm mình không xấu, xăm mình không đồng nghĩa với ăn chơi lêu lổng, trộm cướp phá phách. Xăm cái gì, xăm ở đâu, xăm vì mục đích gì, vì lý do gì đều do chính chúng ta lựa chọn, chúng ta chịu trách nhiệm cao nhất với từng quyết định của mình. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi bước vào tiệm xăm và đừng hối hận khi trở ra bởi sẽ luôn có những người tự cho mình quyền phán xét người khác. Bạn và tôi chúng ta đều sống cuộc đời của mình và cũng đều chỉ có một lần để sống. Tôi không muốn cuối đời hối hận về những việc mình chưa làm, còn bạn thì sao? Cuối cùng, tôi không khuyên bất cứ ai làm bất cứ điều gì, ngoại trừ duy nhất một điều: “Hãy là chính mình.” 
Ps: “Nếu có bạn nào làm trong nghề xăm hoặc có biết tiệm xăm nào uy tín, dịch vụ tốt và giá cả hợp lý thì xin cho mình biết với, mình cũng muốn xăm thêm.”