Tự do là nô lệ Chiến tranh là hòa bình Ngu dốt là sức mạnh --- Winston Smith sống trong thế giới Oceania, nơi có Đảng lãnh đạo và Anh Cả đứng đầu. Trong thế giới này, hành vi của con người hoàn toàn bị Đảng kiểm soát từ thể vật lý - ăn bận, đi đứng, giao tiếp xã hội, quan hệ tình dục - cho đến tinh thần - tình yêu, suy nghĩ, tư duy. Đảng và Anh Cả luôn đảm bảo rằng thần dân của mình luôn được nhìn thấy, được kiểm soát và suy nghĩ giống nhau. "Anh Cả đang nhìn bạn - Big brother is watching you" - thông qua Cảnh sát Tư tưởng, Camera và micro ở khắp mọi nơi. Bên cạnh công cụ vật lý, Đảng sử dụng chữ viết mới để thay đổi suy nghĩ của thần dân: Ngomo. Với quan điểm của Đảng, thay đổi chữ viết không chỉ giúp cho việc cai trị dễ hơn mà còn có thể điều hướng cách suy nghĩ của cá nhân khi nghĩ về một sự vật, hiện tượng thông qua chữ viết. Đây chính là điểm mấu chốt để Đảng hay chủ nghĩa Chuanh thay đổi những sự kiện lịch sử, thay đổi ý nghĩa của từ từ đó dẫn tương lai đến điểm mình mong muốn.
Xuyên suốt câu chuyện của mình, Orwell kể về Winston Smith như một con cừu màu xám trong xã hội Đảng quyết định mọi thứ. Winston đặt ra nhiều thắc mắc cho những thứ diễn ra chung quanh mình và thay đổi câu hỏi của bản thân đối với xã hội. Từ "những cái này thật sự là gì" thành "tại sao chúng lại xảy ra như thế", sự chuyển biến trong cách đặt câu hỏi của Winston cho thấy bản chất tự nhiên của con người trong việc tư duy, bản chất của con người trong việc tìm thấy chính mình và bản chất tự nhiên khi thấy mình bị kìm hãm. Những tưởng sự thắc mắc của Winston có thể tạo ra một làn sóng thay đổi xã hội nhưng cuối cùng, Winston cũng trở thành một con cừu trắng, sau khi phải trải qua những tra tấn, đau khổ mà Đảng mang lại. Quá trình tẩy não đã khiến Winston tin rằng, 2+2=5; khiến Winston tin rằng Oceania chiến đấu với Eastasia và trở thành đồng minh với Eurasia; khiến Winston mơ hồ với quá khứ của mình, với trí nhớ của mình; khiến Winston cuối cùng, sau hàng loạt câu hỏi tại sao và nghi ngờ, “hoàn toàn yêu Anh Cả”. Hành trình 7 năm của Winston cuối cùng khép lại với sự chấp nhận sau khi được Đảng “chữa bệnh”. Sự lừa dối của Winston nhận được không chỉ đến từ thể chế mà anh là thần dân, nó còn đến từ những người mà anh tin tưởng, những tài liệu mà anh cho là ‘sự thật”. Để rồi khi mọi chuyện kết thúc, giả trở thành thật còn thật trở thành giả; thật thật giả giả đan xen.
Khẩu hiệu mạnh mẽ được đề cập lúc đầu được Orwell làm rõ một cách khéo léo thông qua câu chuyện của Winston. Ông cho người đọc thấy vì sao Tự do là nô lệ, vì sao chiến tranh là hòa bình, và vì sao ngu dốt là sức mạnh. Tôi nhớ tới cuốn sách về tư tưởng của Hannah Arendt, rằng tự do thực sự chỉ có thể xuất hiện trong không gian công cộng, nơi con người có thể tham gia vào hành động chính trị. Chủ nghĩa toàn trị tước đoạt tự do của con người thông qua sự áp bức và kiểm soát toàn diện. Bà cho rằng các chế độ toàn trị không chỉ đàn áp hành động chính trị mà còn làm suy yếu khả năng tư duy độc lập của con người, từ đó dẫn đến sự mất mát của tự do cá nhân và xã hội. Tự do cá nhân nếu được thể hiện thì số đông, nhà nước và xã hội sẽ phải gánh chịu hệ quả . Tự do, trong xã hội toàn trị, cuối cùng sẽ phải phục vụ cho đất nước, cho nhà nước. Tự do của cá nhân nằm bên trong xã hội, không có xã hội thì không có môi trường để cá nhân thực hiện quyền tự do của mình.
Ngu dốt là sức mạnh thể hiện rõ qua sự phục tùng của culi trong xã hội Anh Quốc của Orwell, tầng lớp hành động thể hiện cho nhu cầu và không bao giờ đạt được mục đích của mình, với bất kỳ ký do nào. Tầng lớp này không bao giờ đặt câu hỏi cho những gì mình đang thừa hưởng, không bao giờ đặt câu hỏi cho những gì mình thấy, mình nghe; tầng lớp này tập trung phục tùng nhà nước và tiếp tục sống, chiến đấu khi nhà nước yêu cầu. Sự ngu dốt của tầng lớp này tạo nên một sức mạnh vô hình để nhà nước có thể thay đổi bất kỳ điều gì họ muốn và củng cố quyền lực của mình.
Tôi mua cuốn này vào 5 năm trước nhưng bỏ dở vì đọc mấy trang đầu quá khô cứng, không hấp dẫn. Sau mấy năm có nhiều kiến thức hơn, tôi có dịp quay lại đọc cuốn này và bị nó cuốn hút ngoài sức mong đợi. Khi đọc, tôi đối chiếu nó với kiến thức mà mình có về tự do, chế độ toàn trị và chủ nghĩa xã hội. Những gì Orwell viết không chỉ đúng với xã hội của ông mà còn đúng cho cả xã hội hiện đại ngày nay. Nó không đơn thuần xảy ra ở các quốc gia chỉ có một Đảng lãnh đạo mà ngay cả những quốc gia đa nguyên đa đảng, Anh Cả vẫn hiện diện, chỉ là chúng ta có đủ nhạy cảm để nhìn thấy nó hay không. Đặc biệt, nếu đã từng đọc qua các tác phẩm của Hannah Adrent, cuốn sách này đặc biệt rõ ràng, dễ mường tượng và đối chiếu các định nghĩa chính trị khác nhau. Cuốn sách, với tôi, chính xác là phiên bản thực tiễn của các lý thuyết từ góc nhìn của Hannah Adrent.