Đây là một bài dịch lại từ nguồn freecodecamp, mình sẽ để nguồn bên dưới. Không hiểu sao lười đọc quá nên thôi mình dịch lại nguyên bài vậy :))
(Mình sẽ thêm một vài dòng giải thích đơn giản và hình ảnh minh hoạ để tất cả mọi người đều có thể đọc hiểu)
Windows vs MacOS vs Linux
Windows vs MacOS vs Linux
Xin chào mọi người! Trong cuốn sổ tay này tôi sẽ giới thiệu và so sánh với các bạn về các Hệ Điều Hành của máy tính hiện nay (O.S - Operating System).
Trước tiên, chúng ta hãy xem qua hệ điều hành (O.S) là gì và chúng có lịch sử ra đời như thế nào. Sau đó thì chúng ta sẽ thảo luận về những tính năng và điểm khác biệt giữa những hệ điều hành đang phổ biến nhất hiện nay (Windows, Mac, và GNU/Linux)
Ý chính của bài viết này là chúng ta sẽ khám phá xem về lịch sử, cách hoạt động, người sáng lập, mô hình kinh doanh, và những ưu/nhược điểm của chúng. Điều này có lẽ sẽ cho bạn một khái niệm tốt hơn về cách chúng vận hành và xem coi bạn phù hợp với cái nào.
Tôi sẽ thẳng thắn với các bạn về ý kiến cá nhân của mình và chia sẽ những sự thực về chủ đề này. Vì vậy hãy giữ trong đầu rằng những thứ tôi đề cập sau đây sẽ dựa trên kinh nghiệm và phân tích của cá nhân tôi.
Tôi cũng sẽ cung cấp một số bài viết và video mà bạn có thể xem qua nếu như bạn có hứng thú muốn đào sâu vào một chủ đề cụ thể.

Hệ điều hành là gì? (OS - Operating System)

Dựa theo Wikipedia
"Một hệ điều hành (OS) là một phần mềm hệ thống (software system) mà nó sẽ quản lý phần cứng máy tính (hardware), phần mềm (software), và một số dịch vụ hay ứng dụng phổ biến được tích hợp trong các chương trình máy tính (services for computer programs).
Bạn có thể nghĩ OS giống như là một chương trình "trung gian" giữa máy tính và các chương trình khác. Nó sẽ quản lý các tác vụ quan trọng cơ bản như là sắp xếp tập tin (file management), sắp xếp bộ nhớ (memory management), quản lý quy trình (process management), quản lý I/O (input-output management), và điều khiển các thiết bị ngoại vi (peripheral devices).
OS được tạo ra nhằm đơn giản hoá cách chúng ta có thể sử dụng máy tính. Thời nay, bất kỳ chương trình nào cũng chỉ cần "chạy" (execute) mà không phải lo về những tính năng cốt lõi, những tính năng được chạy ngầm bởi OS. Tuy nhiên, mọi thứ không phải lúc nào cũng như thế...

Lược sử về Hệ Điều Hành (OS)

Đánh giá về gaming setup của tôi xem nào!!! (1950s)
Đánh giá về gaming setup của tôi xem nào!!! (1950s)
Trong quá khứ (1940s -50s), các chương trình được viết chỉ để chạy trên một số loại máy tính cụ thể. Điều đó có nghĩa là một chương trình chỉ có thể chạy trên một và chỉ duy nhất một loại máy tính mà thôi.
Nếu như bạn muốn chạy cùng một loại chương trình trên một mẫu máy tính khác thì các lập trình viên sẽ phải viết lại toàn bộ phần mềm một lần nữa vì phần cứng của từng mẫu máy tính có cấu tạo khác nhau. Không có sự trừu tượng (abstraction - đặc tính chạy ngầm, lược bỏ qua những thứ phức tạp giúp con người) giữa phần mềm đang chạy và phần cứng.
Comment bên lề: Bạn có bao giờ dừng lại và nghĩ về công việc của một lập trình thời đó bao giờ chưa? Chương trình hồi đó được viết trên những tấm thẻ được đục lỗ như thế này đây! =O
Punch cards
Punch cards
Nó khiến tôi nổ não mỗi khi nghĩ về điều này... Thật kinh ngạc khi ngôn ngữ bậc thấp có thể thực sự thấp đến vậy vào thời đó, và công nghệ đã thực sự phát triển nhờ vào những lập trình viên đời đầu.
Vào những năm 1960s, những ông lớn trong ngành như IBM và AT&T (Hai công ty công nghệ của Mỹ lớn nhất thời đó và vẫn rất lớn ở hiện tại) đã bắt đầu làm việc trên những hệ điều hành có thể được dùng như là một lớp trừu tượng (abstraction - đã đề cập bên trên) giữa phần cứng và phần mềm, điều mà sẽ đơn giản hoá việc chạy các chương trình mới.
Nổi tiếng nhất trong số các dự án này là Unix, vốn là một hệ điều hành được phát triển ở Bell Labs tại AT&T bởi những lập trình viên như Ken Thompson (người hiện đang phát triển ngôn ngữ lập trình "Go") và Dennis Ritchie (một trong những người đã tạo nên ngôn ngữ lập trình huyền thoại "C").
Bên trái là Ken Thompson, và còn lại là Dennis Ritchie
Bên trái là Ken Thompson, và còn lại là Dennis Ritchie
Unix từng là một cú hích thành công vang dội và đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của những hệ điều hành khác mà chúng có những đặc tính rất giống nhau. Những thứ mà sau này có ảnh hưởng lớn đến GNU/Linux và MacOS, thứ mà chúng ta sẽ bàn luận ngay sau đây.
Vào những năm 1980s, hiệu suất máy tính, khả năng truy cập, kích cỡ và giá đều được cải thiện tới mức độ thậm chí bất kỳ người bình thường nào cũng có thể mua và sử dụng chúng cho những tác vụ cá nhân. Điều này đã làm cho hệ điều hành chuyển từ các tác vụ chuyên biệt sang các tác vụ thường nhật. Và điều đó dẫn chúng ta đến thời hiện đại...
Nếu như bạn có hứng thú hơn nữa về cách hệ điều hành hoạt động và lịch sử của chúng, thì đây là một video tuyệt vời về nó (nhấn vào caption và để auto-translate là có tiếng việt nhé) Kênh này có một lớp học cấp tốc rất đỉnh về khoa học máy tính, tôi khuyên bạn nên xem đấy! ;)
Operating System (O.S)

Three Main OSs (3 hệ điều hành chính)

Trong thời hiện đại, khi chúng ta nói về pc hay laptop thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến 3 hệ điều hành phổ biến nhất là Microsoft Windows (chiếm thị phần khoảng 80%), Apple MacOS(với khoảng 15%), và GNU/Linux (khoảng 3%).
Nếu nói về máy chủ (servers), khoảng 80% chạy trên GNU/Linux và 20% chạy trên Windows. Và khi ta nói về thiết bị di động, khoảng 75% chạy trên Android (sử dụng nhân Linux - Linux kernel) và 25% chạy IOS (Apple OS).
Chúng ta hãy lược qua từng loại và sau đó so sánh cùng lúc tất cả để xác định những điểm khác nhau.

Windows Operating System

Nóng quá em ơi, mở cửa sổ (windows) đê
Nóng quá em ơi, mở cửa sổ (windows) đê
Tiền thân của Windows là MS-DOS (Microsoft Disk Operating System), một hệ điều hành văn bản (toàn là chữ) dựa trên OS Microsoft được xuất bản vào năm 1981.
MS-DOS được phát triển để tương thích với các pc của IBM và nó đã thực sự rất thành công. Nhưng để những chiếc pc có thể tiếp cận hơn với công chúng, thì chúng cần một giao diện đồ hoạ người dùng (GUI - Graphical User Interface), và vào năm 1985 Microsoft đã cho ra lò Windows 1.0.
Kể từ đó, Windows liên tiếp được cho ra những phiên bản khác nhau, như Windows 95, 98, XP, Vista,... Và khiến nó trở thành hệ điều hành phổ biến nhất thế giới như hiện nay.
Khả năng tiếp cận với Windows và sự thật rằng nó được cài sẵn trong những chiếc pc (nhờ vào những hiệp định thương mại) đã biến hệ điều hành này trở nên phổ biến như hiện nay.
Đây là một video thú vị tóm tắt lịch sử của Windows trong 3 phút.
Lược sử về Windows trong 3 phút
Và nếu như bận hứng thú hơn nữa về lịch sử của Microsoft, thì đây là một video thú vị khác về nó.
Lịch sử của Microsoft từ 1975-2001
Dựa trên mô hình kinh doanh của mình, tôi có thể nói rằng chiến lược của Microsoft đã càn quét thị trường và khiến hệ thống của họ trở nên vô cùng dễ tiếp cận và sử dụng trong mắt người dùng. Mục tiêu chính của họ là người dùng phổ thông, cho nên những yếu tố quan trọng cụ thể bị lược bỏ như tuỳ chỉnh, bảo mật, hay hiệu suất.
Windows là một phần mềm kín, điều đó có nghĩa là mã nguồn của nó không được công bố. Cho nên chỉ có Microsoft có quyền truy cập vào phần mềm của mình.
Lúc đâu, người dùng phải trả phí nếu như họ muốn mua một bản copy của hệ điều hành Windows hay cập nhật phiên bản Windows của họ. Tuy nhiên những bản cập nhật về sau, Windows đã áp dụng mô hình miễn phí giới hạn (freemium). Dưới mô hình này thì người dùng có thể truy cập một sô tính năng miễn phí và sau đó chỉ phải trả phí cho những chức năng cụ thể.
Chìa khoá để có thể hiểu sự chuyển giao này là hiểu rằng Microsoft có một danh mục đầu tư cực kỳ đa dạng (Xbox - mảng gaming, Azzure - điện toán đám mây, Linkedin - mạng xã hội, Bing - công cụ tìm kiếm, Github,... ). Việc khiến Windows trở nên miễn phí, chúng tiếp tục tràn ngập trên thị trường và khiến nó trở nên dễ dàng hơn cho mọi người trong việc sử dụng và khiến nó trở thành hệ điều hành phổ biến.
Một điều nữa nên giữ trong đầu là Windows hiển thị quảng cáo bên trong hệ điều hành. Vì vậy, nó cũng có thể được coi là một nền tảng quảng cáo.
Một video thú vị khác giải thích về việc tại sao Windows lại miễn phí.
Tại sao Windows lại miễn phí
Và một ví dụ kỳ quái / hài hước / tí-đáng sợ về phong cách marketing của Microsoft ngày xưa.
Microsoft Windows 1.0 với Steve Ballmer (1986)

MacOS

$2000 Macbook PRO thì làm méo gì có ổ cắm USB, mua thêm đầu chuyển đổi chỉ $75 thôi bạn êi.
$2000 Macbook PRO thì làm méo gì có ổ cắm USB, mua thêm đầu chuyển đổi chỉ $75 thôi bạn êi.
MacOS (trước đó được gọi là OS X) là một dòng hệ điều hành được tạo nên bởi Apple. Nó được cài đặt mặc định trong tất cả các máy tính Macintosh, hay còn gọi là Macs. Phiên bản đầu tiên được ra đời vào năm 1984 và nó là hệ điều hành đầu tiên cho máy tính cá nhân (pc) đi kèm với GUI được tích hợp.
MacOS được xây dựng dựa trên hệ điều hành giống UNIX, đó là lí do vì sao MacOS sỡ hữu rất nhiều đặc điểm giống với GNU/Linux.
Theo ý kiến của tôi, mô hình kinh doanh của Apple dựa trên "sự khác biệt" và "độc quyền". Không giống như Microsoft, Apple tự xây dựng cả phần cứng và phần mềm cho sản phẩm của họ, và phần mềm của Apple chỉ chạy trên những chiếc máy do họ sản xuất.
Apple đã tự định vị bản thân như một nhà sản xuất hàng đầu trên thị trường công nghệ, nhắm đến việc đưa ra những sản phẩm cao cấp về phần cứng lẫn phần mềm cho khách hàng của họ, với một mức giá cao hơn hẳn so với các đối thủ cạnh tranh.
Sự độc quyền cũng được quảng bá như là một đặc quyền dành cho những người sử dụng, bán ra ý tưởng rằng họ là một phần của những người chọn lọc khi sở hữu sản phẩm của Apple.
Sự thật rằng bạn không thể chạy bất kỳ phần mềm nào mà bạn muốn trên phần cứng của họ, và bạn cũng không thể cài đặt những phần mềm của họ trên bất kỳ một chiếc máy nào ngoài Mac là một phần của ý tưởng tương tự. Bạn sẽ phải mua cả gói nếu như bạn muốn trở thành một phần của ý tưởng này.
Apple làm cho hầu hết mọi phần mềm và phần cứng của họ khác biệt hẳn và nhiều lần khẳng định rằng sẽ không tương thích trên các thiết bị khác. Không giống với Microsoft, là làm cho sản phẩm trở nên thông dụng một cách rộng rãi và càng dễ tiếp cận với người dùng càng tốt, Apple lại nhắm đến việc khiến những sản phẩm của họ trở nên "đắt nhưng xắt ra miếng" và không tương thích với những phần cứng khác.
Một nước đi tiếp thị tuyệt vời khác bởi Apple là khả năng thu lợi nhuận dựa trên tính cách và sự ảnh hưởng cực kỳ lôi cuốn của Steve Jobs. Họ đã tận dụng vị trí và tầm nhìn của ông như là một người dẫn đầu thị trường, nhà đổi mới và có cả chút gì đó "sự nổi loạn", để ngầm tiếp thị những giá trị đó trong sản phẩm của họ.
Chỉ cần nhìn vào những quảng cáo dưới đây là bạn sẽ hiểu ngay ý của tôi:
Apple - Suy Nghĩ Khác Biệt
Quảng Cáo Apple's Macintosh 1984
Nếu như bạn có hứng thú tìm hiểu thêm về lịch sử của MacOS, thì đây là một video khác về nó.
Lịch sử của MacOS trong 5 phút

GNU/Linux

GNU/Linux là cơ sở của nhiều hệ điều hành mở khác. Không giống những ví dụ trên mà ta vừa thấy, GNU/Linux không hoàn toàn là một hệ điều hành, mà là một tập hợp các chương trình/ứng dụng và một nhân (kernel) mà nhiều hệ điều hành mở khác cùng chia sẽ.
Chúng ta hãy xem xét từng phần riêng biệt một.
GNU là một tập hợp các chương trình và ứng dụng được bắt đầu và phát triển bởi Richard Stallman.
Tất cả các lá bài dựa trên Windows và MacOS sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức và cho bạn triệu GNU/Linux lên sàn đấu.
Tất cả các lá bài dựa trên Windows và MacOS sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức và cho bạn triệu GNU/Linux lên sàn đấu.
Dự án GNU được bắt đầu vào năm 1983 với ý tưởng phát triển một hệ điều hành giống UNIX miễn phí (UNIX là tài sản của AT&T cho nên nó không miễn phí vào thời điểm đó). Stallman bắt đầu phát triển những phần mềm và ứng dụng cần thiết cho hệ điều hành, tuy nhiên có một phần quan trọng đang bị thiếu sót - đó là kernel (hay nhân).
Kernel là trái tim của bất kỳ hệ điều hành nào. Nó là một mảnh của phần mềm mà tương tác gần nhất với phần cứng và phần còn lại của hệ điều hành nằm trên nó. Kernel chịu trách nhiệm cho các tác vụ bậc thấp như quản lý ổ đĩa, quản lý bộ nhớ, quản lý các tác vụ và vân vân...
Vào năm 1991, một sinh viên của trường đại học Helsinkin nằm tại Phần Lan tên là Linus Torvalds đã bắt đầu phát triển một nhân cho hệ điều hành giống UNIX.
Linus nói F.U với NVIDIA vì chơi thiếu công bằng với Linux
Linus nói F.U với NVIDIA vì chơi thiếu công bằng với Linux
NVIDIA F.U
Trong những năm tiếp theo, cả hai dự án bắt đầu tương tác và kết hợp với nhau để tạo thành một cơ sở vững chắc mà bất kỳ hệ điều hành nào cũng có thể sử dụng.
Chìa khoá ở đây là cả hai dự án đều là mã nguồn mở, và hoàn toàn miễn phí. Điều này có nghĩa là:
- Bất kỳ ai đều có thể chạy phần mềm một cách miễn phí, cho bất kỳ mục đích gì.
- Mọi người cũng có thể miễn phí học cách chương trình hoạt động, và thay đổi để khiến nó làm bất cứ điều gì họ thích.
- Ai cũng đều được phép tự do phân phối lại các bản sao của phần mềm gốc.
- Ai cũng được phép tự do phân phối các bản sao của phần mềm đã được chỉnh sửa.
Để có thể hiểu hơn về nước đi cho phần mềm miễn phí này, bạn có thể lắng nghe TED talk này bởi Richard.
Phần mềm miễn phí, xã hội tự do
Và sau đó bạn có thể xem Richard nói tiếng Tây Ban Nha và hát một bài về miễn phí phần mềm (bạn sẽ mến anh chàng này thôi...).
Bài hát về phần mềm miễn phí
Sự tiếp cận của Stallman và Torvalds đã thực hiện trong quá trình phát triển GNU/Linux là một sự khác hẳn với các ví dụ mà chúng ta đã thấy và với những gì ngành công nghiệp quen thuộc vào thời điểm đó.
Việc khiến GNU/Linux trở nên miễn phí không chỉ là một điều nên làm từ góc độ của những nhà phát triển - mà nó còn là một lựa chọn tuyệt vời từ khía cạnh phần mềm. Đây là bởi vì hàng nghìn lập trình viên và công ty khắp thế giới chọn hợp tác miễn phí để phát triển hệ thống.
Một số bản phân phối GNU/Linux được biết đến là hệ điều hành ổn định và bảo mật nhất ngoài kia. Chúng được sử dụng cho những mục đích quan trọng như ngân hàng, tài chính, chính phủ, và cả quân đội.
Công lớn của việc này là nhờ việc mô hình mã nguồn mở dưới cái tên GNU/Linux, mà hàng ngàn con người khắp thế giới có thể thảo luận code, sửa lỗi, và đề xuất cải tiến liên tục.
Đây là hai video bởi Linux Foundation giải thích cách Linux ra đờicách chúng hoạt động
Câu chuyện của Linux
Cách Linux được xây dựng
Như đã đề cập, GNU/Linux đóng vai trò như nền tảng cho các hệ điều hành khác. Những hệ điều hành này được gọi là "distribution" (bản phân phối) hay "distro" trong thế giới Linux. Tất cả đều có điểm chung là chúng đều được dựa trên cùng một nhân (kernel) và các tập hợp ứng dụng. Bạn có thể nghĩ chúng như là "hương vị" của Linux.
Không có nhiều sự khác biệt giữa một vài distro nhất định, nhưng cũng có những sự khác biệt đáng được nhắc đến. Chúng ta hãy cùng thảo luận nhanh về một vài distro thường thấy nhất theo thứ tự để có thể hiểu rõ hơn về điều này.

Debian

Debian là một hệ điều hành chỉ bao gồm phần mềm và mã nguồn miễn phí. Debian được phát triển vào năm 1993 và vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và ra nhiều phiên bản mới. Debian được biết đến bởi sự ổn định và bảo mật, mặt trái là nó bảo thủ hơn và "chậm" trong việc ra mắt các phiên bản mới.
Debian Desktop
Debian Desktop

Ubuntu

Ubuntu là một trong những GNU/Linux distro được sử dụng rộng rãi nhất nhất. Nó được tạo ra để áp dụng những phần cốt lõi của Debian và khiến chúng thậm chí nhanh hơn nữa. Nó cũng đồng thời tập trung nhiều hơn vào tính thân thiện với người dùng và khả năng tiếp cận, cho nên nó có lẽ là lựa chọn tốt nhất cho những người đến từ nền tảng Windows hay MacOS.
Ubuntu thường ra mắt phiên bản mới mỗi 6 tháng, với sự hỗ trợ ổn định lâu dài ra mắt mỗi 2 năm. Ubuntu được vận hành bởi một công ty tên là Canonical.
Ubuntu Desktop
Ubuntu Desktop

Mint (Linux Mint)

Mint là một distro dựa trên Ubuntu. Nó được yêu thích bởi rất nhiều người bởi vì nó bao gồm media codecs (công cụ mã hoá và giải nén video/music) và một số phần mềm độc quyền Ubuntu không bao gồm. (Mint được thiết kế theo phong cách tối giản cho nên trải nghiệm sử dụng hệ điều hành được cho là mượt nhất trong các GNU/Linux distros.
Linux Mint Desktop
Linux Mint Desktop

Fedora

Fedora là một distro tập trung mạnh vào phần mềm miễn phí. Fedora được tài trợ bởi một công ty tên là Red Hat (Mũ Đỏ), cũng đồng thời sở hữu bởi IBM.
Fedora desktop
Fedora desktop

Red Hat Enterprise Linux (RHEL)

Red Hat Enterprise Linux là một Linux distro thương mại được quản lý bởi công ty Red Hat, công ty được liệt kê trên sàn tài chính chứng khoán Nasdaq ở New York. Mục đích chính của hệ điều hành này là cho các máy chủ (servers) và doanh nghiệp. Nó được dựa trên mã nguồn mở từ dự án Fedora, tuy nhiên được thiết kế lại để trở thành một nền tảng ổn định và hỗ trợ lâu dài.
Red Hat sử dụng luật bảo hộ sở hữu trí tuệ để ngăn cho thương hiệu của phần mềm RHEL bị phân phối lại bởi người khác. Tuy nhiên, lõi của phần mềm thì miễn phí và là mã nguồn mở.
RHEL Desktop
RHEL Desktop

Arch Linux

Arch có lẽ một trong những Linux distro hard-core nhất. Nó cực kỳ nhẹ, linh hoạt và tối giản. Với Arch, người dùng hoàn toàn chịu trách nhiệm cho việc thiết lập cấu hình hệ thống. Mục đích của Arch không phải là chạy theo xu hướng. Điều đó có nghĩa là người dùng phải có kiến thức và hiểu biết sâu về cách máy tính và hệ điều hành hoạt động, hoặc ít nhất hứng thú trong việc học chúng.
Cutefish Desktop cho Arch
Cutefish Desktop cho Arch
Bạn có thể học thêm về Arch và cách mà bạn có thể tuỳ chỉnh trong cuốn cẩm nang chuyên sâu này.
Đây là một video tuyệt vời giải thích ngắn gọn về lịch sử của GNU/Linux và đi qua các đặc điểm của từng loại distro chính. Fireship cũng đồng thời là một kênh tuyệt vời mà tôi khuyến khích đấy.
Lịch sử kỳ lạ của Linux
Về mô hình kinh doanh của GNU/Linux, thì chúng không phải là một công việc kinh doanh để bắt đầu. Cả Linux và nền tảng phần mềm miễn phí (tổ chức đứng đằng sau GNU) là những tổ chức phi chính phủ (NGO - non-governmental organization) hoạt động nhờ vào sự quyên góp.
Linux, lấy ví dụ, kiếm tiền thông qua đăng ký thành viên platinum, gold, silver.
Những công ty như Microsoft, Google, Facebook, Cisco, Fujitsu, HPE, Huawei, IBM, Intel, Oracle, Qualcomm và Samsung đều là những người đóng góp tích cực cho Linux Foundation (Nhà sáng lập Linux). Điều này có ý nghĩa cho các công ty vì tất cả đều được hưởng lợi từ kiến thức và công nghệ tạo ra bởi Linux và các khoảng đóng góp của họ cũng có thể được khấu trừ thuế.
Về các distro, một vài trong số chúng hoàn toàn miễn phí và được duy trì bởi các tình nguyện viên và một số khác thì bởi những công ty và miễn phí với những người dùng nhưng lại thương mại hoá cho các doanh nghiệp. Một mô hình kinh doanh khác được sử dụng nữa là việc có thể sử dụng miễn phí nhưng tính phí hỗ trợ cho các người dùng doanh nghiệp.
Hiện nay, Linux chạy hầu hết tất cả máy chủ (servers) trên khắp thế giới. Nó được dùng cho các siêu máy tính (supercomputers) và cả hầu hết điện thoại di động (như đã đề cập ở trên, Android sử dụng nhân Linux).
Về mặt pc hay laptop thì việc sử dụng Linux gần như không phổ biến. Và đó có thể là do nó không được phổ biến rộng rãi theo cách mặc định như Windows, và cũng không được thị trường hoá như Mac.
Ngoài ra, cụ thể là trong quá khứ, đường cong học tập (learning curve) cần thiết để triển khai và sử dụng Linux được cho là cao hơn hẳn hai hệ điều hành kia.
Dù sao, tình huống này đã thay đổi gần đây khi các Linux distro tập trung hơn vào tính thân thiện với người dùng và nó dễ hơn bao giờ hết để có những chiếc máy tính với Linux distro cài đặt sẵn.

Windows vs Mac vs Linux - So sánh OS

Ok, ngoài lịch sử, mô hình kinh doanh và hơn thế nữa, vậy sự khác biệt thật sự đối với người dùng khi ta nói đến ba hệ điều hành này là gì?
Câu trả lời ngắn là không nhiều, thật sự đấy. Nhưng hãy cùng nhau thảo luận qua một vài điểm khác giữa thiết kế, tính năng và trải nghiệm người dùng của những hệ điều hành này, và sau đó tôi sẽ đưa ra ý kiến cá nhân của mình về việc này.

Hệ thống tập tin (File Systems)

Cách mà Windows sắp xếp tập tin khác với cách của Mac và GNU/Linux. Windows sử dụng "drive" (ổ cứng). Thông thường thì drive sẽ là ổ "C" và "D" lưu trữ toàn bộ files trên máy tính, và tách biệt các ổ đĩa cho các thiết bị ngoài (external devices) như là CDs, USBs, và vân vân.
Ổ đĩa (drives)
Ổ đĩa (drives)
Mac và GNU/Linux có một hệ thống tập tin giống nhau đến từ UNIX. Hai hệ điều hành này không sử dụng drive - tất cả mọi thứ trên máy tính đều được xem là một file (thậm chí là một thiết bị ngoài) và toàn bộ files đều được sắp xếp trong các thư mục (directories) đi xuống từ một thư mục gốc duy nhất (root directory hay root). Cấu trúc thư mục được định dạng như là một cái cây xuất phát từ duy nhất một rễ (root).
Root (thư mục gốc)
Root (thư mục gốc)
Điều này không hẳn tạo nên sự khác biệt đối với đa phần người dùng, tuy nhiên đây là một điều nên lưu ý nếu bạn quen với việc sử dụng một loại hệ thống tập tin nhất định để xác định vị trí tập tin.

Shells

Cả GNU/Linux và Mac đều sử dụng Bash là shell mặc định, còn Windows thì lại có shell của riêng mình, sử dụng cú pháp (syntax) hoàn toàn khác.
Terminal (macOS)
Terminal (macOS)
(Shell đơn giản là giao diện giữa người dùng và hệ điều hành, cho phép người dùng tương tác hoặc điều khiển máy tính thông qua các dòng lệnh)
Cũng như các nhà phát triển và những người dùng thông thạo terminal (cửa sổ để người dùng nhập câu lệnh vào shell), việc học Bash (một giao diện dòng lệnh Unix) có lẽ là một lựa chọn tốt nhất bởi vì kiến thức này có thể dễ dàng áp dụng cho tất cả các hệ điều hành khác hơn là Windows shell. Đặc biệt là tính đến chuyện GNU/Linux chạy hầu hết tất cả máy chủ (servers) trên toàn thế giới, đó là một trong những yếu tốt chính mà bạn sẽ cần phải sử dụng terminal để tương tác với máy tính.
Bash
Bash
Nếu như bạn muốn hiểu thêm về cách sử dụng shells và terminal, tôi có viết một bài về việc đó đây.

Package managers

Mac và GNU/Linux đi kèm với package managers (Trình quản lý gói) được cài đặt sẵn. Package manager là một phần của hệ thống cho phép bạn cài đặt (install) , cập nhật (update), và gỡ bỏ (uninstall) các chương trình thông qua cửa sổ terminal, chỉ với một vài dòng lệnh.
Package Manager cho Linux
Package Manager cho Linux
Chúng cực kỳ hữu ích, đặc biệt là khi bạn đang cài đặt và gỡ cài mọi thứ liên tục, vì cài đặt chương trình thông qua package manager sẽ nhanh và hiểu quả hơn cách thông thường.
Mac's package manager được gọi là homebrew. Trên GNU/Linux, thì package manager mặc định dựa theo distro. Lấy ví dụ, Ubuntu đi kèm với APT, còn Arch thì đi kèm với Pacman và vân vân.
Tất cả package mangers đều hoạt động theo một cách tương tự, tuy nhiên một vài điểm khác biệt trong cú pháp (syntax) được sử dụng cho từng loại. Điều quan trọng cần đề cập là bạn có thể cài đặt và chạy một package manager khác với trình quản lý gói mặc định.
Windows không đi kèm một package manager mặc đinh. nếu bạn muốn một cái, thì bạn sẽ phải cài đặt nó trước tiên. Một trong những package manger phổ biến trên Windows là Chocolatey.

Cost (chi phí)

PC vs MAC
PC vs MAC
Như đã đề cập ở trên, hầu hết GNU/Linux distro đều hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người. Windows có mô hình miễn phí giới hạn (freemium) ở hiện tại và MacOS thì chỉ chạy trên máy Macs, thứ mà khá là đắt như bạn đã biết.

Software compatibility (phần mềm tương thích)

Windows là một trong những hệ điều hành được sử dụng phổ biến, và nhờ vào việc hầu hết các phần mềm đều thích nghi với nó. Mặc dù ít phổ biến hơn, nhưng MacOS cũng khá tương tự với Windows về việc này.
Khả năng tương thích phần mềm (software compatibility)
Khả năng tương thích phần mềm (software compatibility)
Trong quá khứ, Linux không hề tương thích với nhiều chương trình ngoài kia, nhưng việc này đã thay đổi gần đây, đặc biệt là với distro phổ biến như Ubuntu.

Hardware quality and compatibility (Chất lượng phần cứng và sự tương thích)

Khi nói đến phần cứng, chỉ có Apple trực tiếp chịu trách nhiệm cho các máy tính chạy hệ điều hành của mình. Và phần cứng của Apple cũng là một trong những loại tốt nhất ngoài kia.
Là một công ty, Apple tập trung vào việc cung cấp những sản phẩm với chất lượng hàng đầu, vậy nên những máy tính mới nhất của họ đều thường có hiệu năng tốt nhất trên thị trường.
MacOS Setup
MacOS Setup
Bởi do Apple thiết kế và phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm, những chiếc máy của họ có khả năng tương thích giữa máy tính và hệ điều hành đã được điều chỉnh tốt hơn so với Windows và GNU/Linux.
Best Windows Gaming Setup
Best Windows Gaming Setup
Còn về Windows và GNU/Linux, chất lượng phần cứng hoàn toàn dựa vào người sử dụng quyết định tuỳ theo số tiền mà họ chịu chi cho từng loại phần cứng. Điều tốt ở đây là bạn có thể cài đặt Linux trên bất kỳ máy nào mà bạn muốn.
Điều này đặc biệt thú vị khi nghĩ đến việc cài đặt những Linux distro cực nhẹ (lightweight) trên những chiếc máy tính cũ mà không có khả năng xử lý các yêu cầu cao như hệ điều hành Windows.
Linux anywhere
Linux anywhere

Ease of use (Dễ sử dụng)

User-friendly
User-friendly
Windows và Mac đều là hai hệ điều hành cực kỳ đơn giản và thân thiện với người dùng. Với GNU/Linux, nó dựa vào loại distro nào mà bạn chọn. Như đã đề cập, distro như Ubuntu thực tế đều dễ sử dụng như Windows hay Mac, và một số loại khác như Arch dành cho những người dùng chuyên sâu hơn.

Security and stability (Bảo mật và sự ổn định)

Một vài GNU/Linux distro được xem là có tính bảo mật và ổn định tốt nhất hiện nay. Sự thật rằng code có sẵn ở mọi nơi cho tất cả mọi người không phải là một mối đe doạ bảo mật như mọi người thường nghĩ - mà nó còn được xem là một lợi thế. Bugs (lỗi) có thể được phát hiện và xử lý nhanh hơn, và khi có một lỗi bảo mật bị rò rĩ được phát hiện thì nhiều người có thể cùng làm việc và đưa ra phương án khắc phục.
Windows được xem là bảo mật kém nhất
Windows được xem là bảo mật kém nhất
Mặt khác, Windows được coi là kém bảo mật và ổn định nhất trong cả ba loại. Mặc cho là hệ điều hành phổ biến nhất, hầu hết các mã độc (malware) được phát triển để tấn công hệ điều hành Windows

Community and culture (cộng đồng và văn hoá)

Nếu bạn có hứng thú về việc học thêm về một hệ điều hành cụ thể, hay nghiên cứu về cách nó hoạt động, cách để tuỳ chỉnh và tạo các dự án, thì GNU/Linux chắc chắn là con đường bạn nên đi. Đó là con đường duy nhất có mã nguồn và code có sẵn cho bất kỳ ai và cũng có một cộng đồng trực tuyến (online) cực kỳ lớn.
Mặc dù GNU/Linux không được sử dụng rộng rãi như hai hệ điều hành kia, theo cảm nhận của tôi thì người dùng Linux thường là những người hứng thú với phần mềm (software) và công nghệ (technology), và là người thích nói, học hỏi, và chia sẽ kiến thức của họ về nó.
Linux có lẽ là cộng đồng hài hước nhất trong cả 3 hệ điều hành
Linux có lẽ là cộng đồng hài hước nhất trong cả 3 hệ điều hành
Mac cũng có rất nhiều fan và đặc biệt phổ biến trong giới sáng tạo (như thiết kế đồ hoạ, biên tập video, hoặc làm hoạt hoạ,...)
Và cuối cùng là Windows với đa phần là người dùng phổ thông và trong môi trường doanh nghiệp (tuy nhiên do chiếm số lượng đông đảo người dùng nhất cho nên cộng đồng Windows cũng rất là đông đảo và trải dài khắp mọi nơi, tuy nhiên Windows không hẳn có những fan nhiệt tình như GNU/Linux)
Về văn hoá tổ chức (organization culture) thì tôi nghĩ nó đều thú vị khi hình dung bất kỳ hệ điều hành nào trong môi trường làm việc của những người đã sáng tạo nên chính OS của họ.
Hãy xem trụ sở chính của Apple
$5 Billion Apple Headquarters
Văn phòng của Bill Gate
Bill Gate's $154 Million Mega Mánion
Và văn phòng của Linus Torvalds
Linus Torvalds Guided Tour
Nếu như bạn muốn xem một so sánh chuyên sâu hơn giữa 3 hệ điều hành này, thì Zach Gollwitzer có một video rất hay về chủ đề này (một kênh tuyệt vời khác để theo dõi ;))
So sánh chuyên sâu giữa 3 hệ điều hành

Gaming

(Đây là mình - người dịch thêm vào, mặc dù không có trong bài viết nhưng mình cảm thấy hơi tiếc nếu như bài viết không đề cập đến mảng gaming)
Nếu so sánh giữa cả 3 hệ điều hành thì Windows vượt xa Mac và GNU/Linux về số lượng game có mặt trên nhiều nền tảng như (Steam, Epic Games, Humble Bundle, Origin,...) do hầu hết (khoảng 80% thị trường) máy tính nắm giữ bởi Windows cho nên việc sản xuất game dành cho hệ điều hành này là lẽ đương nhiên.
Các game tripleA thường cũng chỉ được sản xuất cho Windows và bản port từ PlayStation cũng vì thế ưu ái cho hệ điều hành này.
Game trên Windows
Game trên Windows
Tuy nhiên một số game thông dụng trên thị trường đều có mặt trên cả ba hệ máy như League of Legends, CS:GO, Minecraft, Dota 2,...
Một điều lưu ý là mặc dù Windows vượt trội hơn hẳn cả hai hệ điều hành kia về số lượng game, tuy nhiên về mặt bảo mật thông tin và tài khoản thì Mac và GNU/Linux tốt hơn hẳn Windows, do khả năng bảo mật đã được đề cập bên trên và số lượng mã độc (malware) đại đa phần là được tạo ra nhằm tấn công Windows.

Vậy bạn nên chọn hệ điều hành nào?

Tôi đã có cơ hội được sử dụng cả ba hệ điều hành, và như tôi đã đề cập, tôi không nghĩ là có sự khác biệt lớn đến thế giữa cả ba hệ điều hành.
Theo ý kiến cá nhân của tôi, Linux là một lựa chọn thông minh bởi vì nó hoạt động cực kỳ tốt, lại được sử dụng rộng rãi trong giới công nghệ (cho nên tất cả kiến thức đều có thể áp dụng cho môi trường làm việc), và nếu như bạn có hứng thú học thêm về cách nó hoạt động thì có cả một cộng động đồ sộ hỗ trợ phía sau bạn. Và quan trọng nhất là... nó miễn phí.
Ý của tôi là, nếu như chúng ta có một trong những phần mềm tốt nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trong cả lịch sử loài người, và nếu nó nằm trong tầm tay thì tại sao chúng ta lại trả tiền để có được thứ gì khác.
Về các vấn đề khác, tôi nghĩ rằng hầu hết mọi thứ bạn có thể làm trên GNU/Linux, bạn đều có thể làm trên cả Mac và Windows, ít nhất là đối với hầu hết người dùng. Nó có lẽ sẽ không tạo nên một sự khác biệt quá lớn trong cuộc sống của bạn, ít nhất là thế trong mắt của tôi.
Về phần cứng, việc mua một chiếc máy mới của Apple gần như là đảm bảo cho bạn một hiệu suất vô cùng tuyệt vời (nếu như bạn có đủ khả năng). Tuy nhiên nếu bạn muốn hiểu thêm một chút về phần cứng và tự mày mò thì bạn có thể dễ dàng tìm thấy những lựa chọn vô cùng phù hợp với một mức giá tốt hơn hẳn.
Cuối cùng thì, tôi nghĩ rằng điều quan trọng là biết bạn đang sử dụng gì và biết bạn có những lựa nào ngoài kia. Là những người sử dụng máy tính, bạn nên nhận thức được sự thật và sự khác biệt, đồng thời tránh bị cám dỗ bởi các chiến dịch marketing.
Tôi cũng không tin vào việc đặt quá nhiều phán xét hay sức nặng vào một sự lựa chọn hay những sự lựa chọn khác. Sự thật rằng một người chọn một hệ điều hành mở không khiến người đó trở nên thông minh hay siêu việt hơn những người khác... Cũng như việc sở hữu một chiếc máy Mac đời mới nhất không khiến người đó trở thành một lập trình viên tốt hơn.
Nói ngắn gọn thì bất kể lựa chọn của bạn là gì thì miễn là hệ thống của bạn cho phép bạn làm những gì bạn muốn.
Như mọi khi, tôi hy vọng bạn thích bài viết này và học được điều gì đó mới. Nếu bạn muốn cũng có thể theo dõi tôi trên linkedin hoặc twitter.
Cheers và hẹn bạn trong bài viết tiếp theo! =D
BYeee
BYeee
P/s của người dịch:
Mình đồng ý với tất cả quan điểm của tác giả trong bài viết, và nếu như bạn vẫn còn tự hỏi OS nào thì phù hợp thì đối với mình thì nếu như bạn có tiền và làm trong các công việc sáng tạo như (edit video, graphic designer,...) thì MacOS có lẽ là tốt nhất, còn lại thì bạn cứ mua một chiếc pc/laptop phù hợp với giá tiền bản thân và muốn thì dual boot (cài đặt cả hai hệ điều hành Windows và GNU/Linux).