Vì sao con người luôn cảm thấy khốn khổ? hay Con đường nào đi đến hạnh phúc?
Đã có bao giờ bạn bắt gặp mình tự hỏi bản thân: Tại sao làm người lại khổ vậy? Tất cả những thứ này rốt cuộc sau cùng để làm gì? Sống...

Đã có bao giờ bạn bắt gặp mình tự hỏi bản thân: Tại sao làm người lại khổ vậy? Tất cả những thứ này rốt cuộc sau cùng để làm gì? Sống mà phải khổ như vậy có xứng hay không? Tại sao tôi không bao giờ có được hạnh phúc?Bạn cảm thấy thật cô đơn và mệt mỏi biết bao, hình như chỉ có mình cảm thấy như vậy?
Thế thì xin chúc mừng! Bạn vẫn là người! Bạn vẫn cảm thấy khốn khổ! Bạn vẫn mong muốn được hạnh phúc. Và yên tâm rằng, không chỉ mỗi bạn mà hàng ngàn hàng tỉ những con người khác trên thế giới này cũng phải đang trải qua sự khốn khổ cũng như bạn vậy. Dù là Donald Trump, JackMa, hay Dalai Lama ,... thì chừng nào chúng ta còn là con người thì kể cả những bậc thánh nhân cũng phải trải qua cảm giác đó. Dưới đây tôi sẽ liệt kê ra 3 lí do chính mà tôi quan sát, ngẫm nghĩ và đọc được từ một số nguồn tài liệu để giải thích cho sự khốn khổ của loài người chúng ta (cứ tự nhiên góp ý nếu bạn tìm ra được lí do nào khác) :
1.Chúng ta luôn cố gắng kiểm soát những thứ nằm ngoài khả năng của mình
Một trong những lí do tại sao con người dù có làm gì vẫn cảm thấy khốn khổ đó là vì ta tin rằng để hạnh phúc thì mọi thứ luôn phải đi theo ý muốn của ta, do dó ta mong muốn kiểm soát mọi thứ. Những thứ không theo như ý tưởng về thế giới quan của ta, dù đó là hành động hay suy nghĩ của người và vật khác, các sự vật sự việc luôn phải đúng, phải tốt như theo ý của ta thì mới được chấp nhận. Ta thường dùng quyền lực và đổ ra rất nhiều năng lượng để xây dựng môi trường và thế giới xung quanh theo ý muốn của mình, nếu chỉ 1 thứ trật khỏi quỹ đạo, ta cuống cuồng tìm mọi cách để nó trở nên đúng hơn, mà đôi lúc không hề quan tâm đến sự thật hay bản chất của sự việc ta đang làm.

Ta không nhận ra rằng mọi thứ ta đang làm là trái với bản chất của sự thật và tự nhiên, tất cả những gì xảy ra ngay tại lúc này, luôn là kết quả của một chuỗi sự kiện nối tiếp sự kiện từ không chỉ từ lúc ta mới bắt đầu cuộc sống, mà là từ hàng trăm nghìn triệu tỉ năm về trước, nếu không nói là tất cả đều xuất phát từ vụ nổ Big Bang, và một cá thể nhỏ bé của 1 loài như con người chúng ta, chẳng có quyền lực gì để kiểm soát những việc đã và đang xảy ra, trừ khi ta có thể đi trái lại quy luật vật lí của vũ trụ.
"Thứ duy nhất ta có thể kiểm soát là chính bản thân mỗi người"
Cách tốt nhất để không cảm thấy cảm giác bất lực đó nữa theo tôi là phải thuận theo tự nhiên, đó là khi ta hài hòa sự tồn tại của cá nhân với thực tại, không chống đối, không can thiệp với những chân lí và những điều không thể nào thay đổi được.
2. Ta không biết tìm kiếm hạnh phúc ở đúng nơi
Liều thuốc cho sự khốn khổ của loài người là hạnh phúc, cũng là điều mà một cách vô thức và bản năng tất cả con người từ lúc sinh ra đã hướng về.
Nếu tìm kiếm hạnh phúc từ những tác nhân bên ngoài như những thành tựu, tình yêu hay từ những cảm giác mạnh từ những cuộc phiêu lưu mạo hiểm, ... thì con người sẽ có thể nếm được hạnh phúc trong khoảng khắc đó, và ta sẽ thích nó đến độ luôn tiếp tục tìm kiếm về cảm giác này và không bao giờ cảm thấy là đủ cả.
“Hạnh phúc là nhất thời, nó không phải là một thứ bạn có thể tìm thấy, và giữ mãi được, nó đến và đi, cứ như là loài bướm đậu rồi lại bay vậy.” -Russel Brand
Con người luôn tìm kiếm hạnh phúc từ bên ngoài, thực tế thế giới bên ngoài là 1 thứ hỗn độn, luôn thay đổi theo thời gian và mọi thứ chỉ là nhất thời, do đó ta luôn phải thay đổi bản thân để tìm được thứ mình muốn, trong lúc mải mê tìm những thứ nhất thời ở bên ngoài, ta bỏ quên chính bản thân mình và khả năng cảm thấy hạnh phúc với thực tại 1 cách tự nhiên và vĩnh hằng trong nội tại. Ta không biết rằng, ở trạng thái cơ bản nhất của con người, là lúc ta điềm tĩnh nhất, cơ thể tiết ra chất hormone Endorphins, đó cũng là thể hạnh phúc tự nhiên nhất của loài người mà không cần phụ thuộc vào một yếu tố nào bên ngoài cả. Thế nên thực chất chúng ta không nhất thiết phải luôn chỉ đi tìm kiếm hạnh phúc từ bên ngoài, vì một cách tự nhiên, mỗi con người đều có khả năng cảm thấy hạnh phúc trong mỗi chính mình. Điều đó không có nghĩa là tôi khuyến khích bạn dừng hẳn cuộc sống trong cộng đồng và tìm kiếm sự hạnh phúc vị kỉ như một ẩn sĩ. Mà là phải tìm thấy sự cân bằng giữa hạnh phúc trong cái tôi cá nhân và trong cái tôi cộng đồng của mỗi con người.

3.Chúng ta kì vọng hạnh phúc từ cuộc sống, nhưng tiến hóa lại không muốn điều đó
“Mọi con vật, ... theo bản năng bẩm sinh phấn đấu cho một sự tối ưu của những điều kiện thuận lợi mà trong đó có thể phóng thích hoàn toàn sức mạnh của nó và đạt được tối đa cảm giác quyền lực”. - Friedrich Nietzsche
(tìm hiểu thêm về “Ý dục quyền lực” hay The Will to Power của Friedrich Nietzsche)
Thứ con người gọi là “Hạnh phúc”, về mặt bản chất chỉ là 1 số loại hormone mà tiến hóa dùng như 1 cơ chế để thúc đẩy con người tìm về những cảm giác dễ chịu, đó là 1 tín hiệu cơ thể phát ra rằng ta đang đi đúng với quy trình tiến hóa, con người có thể xem nó như là một phần thưởng, đích đến, hay là 1 hành trình, ... dù hạnh phúc là gì đi nữa, thì đó cũng là điều tiến hóa muốn như vậy.

Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra khi bạn không cần làm gì mà vẫn luôn cảm thấy " thỏa mãn và hạnh phúc"? Đó là khi não bộ không có các hormone này như một cơ chế dẫn đường nữa, bạn sẽ mất hết tất cả các động lực, kể cả điều cơ bản nhất như ăn, uống, hít thở,... Bạn sẽ chết trong vòng 2 -3 ngày vì mất nước hay thậm chí là tự kết liễu bản thân mình trước đó vì không còn ý chí để sống nữa. Thế nên hãy biết ơn sự khốn khổ, nhờ nó mà bạn vẫn còn sống và thở đều như ngày hôm nay!
Hơn nữa, sự kì vọng luôn luôn được hạnh phúc thì đó là một kì vọng không thực tế, vì tất cả những gì tiến hóa muốn đó là con người và các loài luôn phải cảm thấy khốn khổ, không hài lòng và bị thúc đẩy bởi cái đích cuối cùng là "hạnh phúc" để có thể đạt được bước tiếp theo của tiến hóa. Nếu loài người dừng theo đuổi hạnh phúc, chúng ta sẽ dừng phát triển và không thể tiến hóa kịp theo sự thay đổi của môi trường, ta sẽ sớm bị tuyệt chủng.

Đối với tôi, khốn khổ không phải là một thứ cần phải được loại trừ hay trốn chạy khỏi mà chỉ cần chấp nhận nó như một phần của cuộc sống và đi theo tiếng gọi tự nhiên của một con người. Tôi tin chỉ khi đó, tôi mới có thể tìm thấy hạnh phúc của mình.
Sau khi đọc bài này, bạn có còn ghét bỏ sự khốn khổ không?
-Bir Dee
Nguồn tham khảo:

Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Review của anh Siêu
mình có đọc cuốn Einstein của bác Nguyễn Xuân Xanh, trong những trang cuối bác so sánh Einstein với Van Gogh. Bác nói Van Gogh từ bỏ cuộc đời của mình để sống một cuộc đời khác, một cuộc đời khiến ông đau khổ và nghèo túng, bị xa lánh và cô độc, để rồi giá trị nghệ thuật và tư tưởng của ông về cái đẹp được sống mãi và tồn tại với thời gian. Einstein cũng sống những năm cuối đời trong cô độc về tư tưởng ở Mỹ, khi ông như một "ông già có tư tưởng lạc hậu" giữa những nhà khoa học.
Mình nghĩ, những con người đó họ có đau khổ hay không, đó là tùy vào cách nhìn của mỗi người. Chúng ta nhìn vào và chỉ thấy cô đơn, lạc lõng, nhưng mình nghĩ họ lại thực sự hạnh phúc vì được sống theo điều họ tin là đúng.
Mình đồng ý với bạn về việc chúng ta không nên né tránh đau khổ mà hãy chấp nhận nó, nhưng mình không thích lắm cái ý tưởng vươn đến quyền lực của tiến hóa. Chắc là do mình đọc về Einstein, một người căm ghét quyền lực và tin rằng khát khao tìm kiếm chân lý mới là giá trị thực và có thể tồn tại.
Dù sao cũng cám ơn bạn về bài viết, bạn viết hay lắm
Mình xin trích một câu thoại trong Lost In Translation của Bob (Bill Murray):
"the more you know who you are and what you want, the less you let things upset you"

- Báo cáo

Bir Dee
Agree! những sự "khổn khổ" như bạn nói đó là cái nhãn mà xã hội dán vào con người ta, nhưng thực ra những nhà sáng ché như Einstein và nghệ sĩ như Van Gogh mới là những người sống tự nhiên nhất, họ đi theo tiếng gọi cao nhất trong mỗi con người để hóa thân thành giá trị của mình
Mình muốn nói đến sự "khốn khổ" khác là cảm giác "khó chịu và chưa thỏa mãn" trong mỗi con người. Vì vậy mà ai cũng hướng đến sự hoàn hảo trong lí tưởng của mình- đó cũng là quy luật tự nhiên của cuộc sống.
Còn về ý dục quyền lực, có lẽ trong bài mình chưa giải thích rõ, nếu bạn tìm hiểu kĩ hơn, thì quy luật này áp dụng cho xu hướng phát triển của vạn vật không chỉ riêng con người, Nietzsche cũng đã giải thích việc con người hướng tới "Tình yêu", "Giá trị" hay "Sự thật" hay là những thứ như the Will to truth, the Will to Knowledge,... cũng là những biểu hiện để phóng tỏa quyền lực của mình, thế nên ngay cả những điều Einstein nói được bao hàm trong đó rồi, mình không thấy sự đối lập trong tư tưởng ở đây, chỉ là mình nói về thứ bao hàm nhất thui hì.
"Quyền lực" (power) cũng không phải là điều xấu như trong định nghĩa của chúng ta bạn ạ. Như cuối đời Einstein cũng viết lá thư giải thích cho con gái về "Power of Love" đó thôi ^^
- Báo cáo

Review của anh Siêu
Einstein từ nhà vật lý lý thuyết trở thành nhà triết học cmnr
okay mình hiểu rồi. Mình cứ buồn cười câu của Einstein "chính trị là nhất thời, phương trình là mãi mãi"
Lúc đọc mình cứ tưởng ý bạn Quyền lực là sự bành trướng, thống trị. Cám ơn bạn vì bài viết, hay lắm đó 



- Báo cáo
MOB 163
Chờ bình luận
- Báo cáo

Luonlacuata
mình có một câu hỏi đang đi tìm câu trả lời, không biết quan điểm của bạn thế nào, Hạnh phúc là gì hả bạn

- Báo cáo

Review của anh Siêu
là khi bạn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó 

- Báo cáo

Luonlacuata
Bác lại phạm lỗi lập luận rồi =))
- Báo cáo

Review của anh Siêu
đùa thôi bác

- Báo cáo

Bir Dee
mình nghĩ cái này còn tùy góc nhìn nữa bạn ui, bạn nhìn từ góc nhìn vật lí học, khoa học, triết học, tiến hóa học hay là từ cảm xúc cá nhân,... mình nghĩ bạn thử tìm hiểu thêm từ nhiều quan điểm, rồi sau đó suy nghĩ tự rút ra kết luận của mình là đúng nhất. Chứ định nghĩa hạnh phúc của mình cũng không giống với của bạn mà ^^
Tuy nhiên khi bạn muốn tìm câu trả lời cho bất cứ câu hỏi nào mà không tìm ra được thì Nikola Tesla cũng từng nói là "Nếu bạn muốn tìm ra bí mật của vũ trụ thì hãy suy nghĩ theo hướng năng lượng, tần số và rung động". Nếu suy nghĩ theo hướng đó thì hạnh phúc cũng là một loại năng lượng có tần số cao tương tự như sự sáng tạo hay tình yêu ấy. Ở bài trên mình giải thích định nghĩa hạnh phúc là Hormone theo khoa học về cơ thể con người, còn với cá nhân thì cảm nhận bằng thân thể và cảm giác thôi bạn ạ, nếu bạn nghĩ nó là hạnh phúc thì nó là hạnh phúc thôi ^^
- Báo cáo

Viet Anh Tran

Cứ phải có ngày mưa thì mới thêm yêu ngày nắng hehe
- Báo cáo

Bir Dee
hãy tưởng tượng bạn đang nói điều này với dân cư ở vùng hoang mạc africa 8 >
- Báo cáo

Viet Anh Tran

Ở đó thì có thể nói dị bản ngược lại = )
- Báo cáo

Dark Ice
Ngày xưa hay chém gió mấy cái gần như bài viết trên này mà chẳng mấy ai hiểu: "Tự cố chí kim, thiên hạ cường giả vi tôn"
Khao khát quyền lực là bản năng của loài người. Gái có, trai có, kẻ mạnh có, kẻ yếu có, thậm chí cả trẻ con cũng có kể từ khi chập chững biết nhận thức. Sức mạnh luôn là thứ được đa số tôn sùng trong hầu hết loại hình xã hội.
Quyền lực được sinh ra để tăng cường sức mạnh tranh đấu của loài người. Tranh đấu là gốc rễ của tiến hóa. Điều này thể hiện rõ ràng cho đến ngày hôm nay, rất nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật áp dụng vào đời sống con người hiện đại đang thừa hưởng ngày hôm là kế thừa từ quân sự. Nói cách khác, nếu không có thế chiến I, II, và cuộc chạy đua vũ trang chiến tranh lạnh thì sự phát triển của KH-KT chậm lại rất nhiều, thậm chí có những ý tưởng có khi bây giờ vẫn nằm trên bàn giấy như công nghệ vũ trụ nếu không có bàn tay đây máu của giới chính trị nhúng vào.
Ngày xưa con người phải đấu tranh với giống loài khác để sinh tồn nên tính đấu tranh nội bộ thấp. Ngày nay con người chẳng còn kẻ thù chung, trở thành giống loài thượng đẳng vô địch bất bại rồi thì dĩ nhiên quay ra chém nhau để thỏa mãn bản năng tranh đấu nguyên thủy. Nhìn vào lịch sử loài người được ghi chép lại, chém giết là chính chứ yêu thương, hòa hợp với nhau được bao lâu. Thời tiền sử, cổ đại chém giết ở cấp độ cục bộ địa phương - vi mô, thời hiện đại chém giết ở cấp độ toàn cầu.
Nước A mạnh, nhân danh lợi ích dân tộc, A chỉa súng vào đầu nước B, B quay sang ngoại với C D lập liên minh BCD kéo quân thịt thằng A, A thấy sắp thua cù cưa với E lập AE -> thế là chia 2 phe bem nhau. 2 phe khí thế hừng hực dàn quân chuẩn bị đập nhau thì sực nhớ tới câu nói "tọa sơn quan hổ đấu" nên tạm ký hòa ước đình chiến để "ngoại giao" với 1 đống nước xung quanh theo kiểu: hoặc là bạn hoặc là thù, thằng nào trung lập thì... GIẾT TRƯỚC. Kết cục thì cả thế giới chém nhau đỏ cả mắt :v
Giết một vài người thì làm tội phạm, giết vài triệu người thì thành tướng lĩnh, mà giết vài chục triệu người thì thành vĩ nhân.
- Báo cáo

Bir Dee
Mình hiểu ý của bạn về khao khát quyền lực và sự "tranh đấu" nhưng mình không đồng ý ở nhiều điểm
1.Chém giết không phải là con đường duy nhất để có "quyền lực"."Quyền lực" trong bài mình nói với ý bao hàm hơn, Quyền lực có nhiều biểu hiện, không chỉ nhất thiết là sức mạnh hủy diệt mà nó còn là sức mạnh trí tuệ, sức mạnh tình yêu nữa. Kẻ mạnh nắm trong tay quyền lực, đúng, nhưng họ có quyền chọn sinh sát hay giúp đỡ kẻ yếu hơn mình. Bạn hãy nhìn rộng hơn ngoài những kẻ hôn quân, những người lãnh đạo nổi tiếng nhất, Gandhi, mẹ Teresa, Thích Nhất Hạnh ... bạn có dám nói họ là kẻ yếu không, không hề, họ có sức mạnh của tình yêu và trí tuệ. Họ có vô số người tin tưởng và đi theo, nhân từ không yếu đuối, nó cũng là sức mạnh.
Nếu bạn chỉ nhìn theo hướng muốn làm kẻ mạnh thì phải "chém giết, tiêu diệt" những kẻ yếu khác thì góc nhìn đó hơi cực đoan với mình. Mình không nói bạn sai, nó đúng một phần, nhưng còn thiếu tính toàn diện.
2. Mình phân tích theo góc nhìn vật lí, tất cả mọi thứ đều là năng lượng, có loại năng lượng hủy diệt và năng lượng nuôi dưỡng, có sinh cũng có diệt như hai đối cực âm dương vậy, nếu thiếu cái nào thì sẽ mất đi sự cân bằng cần thiết cho sự sống. Đúng là vì con người đã từng phát triển đến độ gây đe dọa đến hệ sinh thái và mất cân bằng cho sự sống trên trái đất và chính họ, nên chiến tranh và chết chóc hay nạn đói và ô nhiễm mô trường như hiện nay, dù không ai mong muốn, theo xã hội học nó chỉ là dấu hiệu cảnh báo và cơ chế để kiểm soát bùng nổ dân số đều là cần thiết cho sự sinh tồn của loài người trong lâu dài. Nhưng nếu con người cứ tiếp tục hủy diệt thiên nhiên và lẫn nhau như vậy, nếu chỉ có diệt mà không có sinh sẽ gây mất cân bằng trầm trọng. Như trong thí nghiệm "Rat Utopia" của John Calhoun, loài người có thể tuyệt diệt y như bầy chuột trong thí nghiệm đó vậy.
Nếu bạn hứng thú với vấn đề quyền lực, bạn có thể tìm hiểu thêm về Ý dục quyền lực của Nietzsche, mình thấy trong đó bao hàm khá đầy đủ và toàn diện về vấn đề này hơn

- Báo cáo

Dark Ice
Cuốn will to power có bản dịch ở VN ko nhỉ?
- Báo cáo

Bir Dee
hình như chưa có bạn ạ, trước mình tìm nguồn để viết bài thì trong tiếng việt cũng chỉ có người mới dịch sơ qua để giới thiệu chứ chưa đào sâu, lâu này mình toàn xem với đọc tài liệu tiếng anh
mình có để link video trong bài bạn có thể xem nếu muốn, trên youtube có vài bạn giải thích cũng ngắn gọn dễ hiểu

- Báo cáo

Dark Ice
ko có full tiếng Việt thì đành phải đọc bản tiếng Anh vậy.
Thanks người đẹp.
- Báo cáo