Free Will vs Determinism: Chúng ta có thực sự tự do?
Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện của thần thoại Hy Lạp thân thiện: Ngày xửa ngày xưa, một lời tiên tri phán rằng: Cậu con trai mang...
Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện của thần thoại Hy Lạp thân thiện:
Ngày xửa ngày xưa, một lời tiên tri phán rằng: Cậu con trai mang tên Oedipus sau này lớn lên sẽ giết cha mình và cưới mẹ mình. Nghe thấy lời sấm truyền kinh khủng đó, cha của Oedipus đã bỏ anh vào rừng ngay khi mới lọt lòng với hy vọng nơi rừng sâu khắc nghiệt sẽ giết thằng bé thay ông và lời tiên tri sẽ không được thực hiện.
Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản thế vì như thế sẽ không còn gì để kể. Thay vì bị chết giữa rừng, Oedipus được một cặp vợ chồng nông dân già tìm thấy và nhận nuôi. Sau này, khi lớn lên, Oedipus biết được lời sấm truyền, không biết mình được nhận nuôi, anh đã thực sự nghĩ cặp vợ chồng nông dân già là bố mẹ thật của mình và rời đi để ngăn chặn lời tiên tri.



Và bài học rút ra ở đây là: Mọi chuyện đã an bài và không tránh được thứ gọi là "số phận".
Vậy, tôi và các bác có "tự do" không? Tự do trong suy nghĩ và hành động? Nhiều bác sẽ nghĩ: Đương nhiên là có. Chúng ta tự quyết định cuộc sống của mình. Ta quyết định hôm nay sẽ ăn bánh mì nem khoai vì chúng ta muốn thế chứ không phải do người khác tác động.
Khái niệm này được gọi là: Libertarian Free Will - Niềm tin rằng tất cả hành động của ta làm đều do ta tự do quyết định.

Nhưng có nhiều bác cho rằng, mọi hành động đều có lý do của nó và tất cả mọi việc diễn ra ở trong hiện tại đều do những sự kiện trong quá khứ tác động lên. Các bác muốn ăn bánh mì nem khoai vì các bác đã chán ăn cơm, phở, bún... Các bác muốn ăn một món gì đấy nhẹ, có nem và khoai .... Cùng với một vài nhân tố khác, các bác muốn ăn bánh mì nem khoai.
Khái niệm này được gọi là: Hard Determinism. Niềm tin rằng tất cả những hành động, sự kiện của hiện tại đều được chi phối bởi những sự kiện khác đã đang và diễn ra với chúng ta.

FREE WILL - Ý CHÍ TỰ DO
Đối với Free Will, ta có thuật ngữ: Principle of Alternate Posibilites. Ở đây ghi rằng: Hành động của chúng ta tự do, khi và chỉ khi người thực hiện hành động đó, có thể làm điều ngược lại. Một hành động tự do yêu cầu có những sự lựa chọn, để người thực hiện có thể "tự do" chọn bất kì options nào họ muốn.

Principle of Alternate Posibilites
Determinism ngược lại, nói rằng không có gì được gọi là sự lựa chọn cả. Tất cả những hành động ta đang làm đều do những sự kiện trước đó tác động lên. Điều đó có nghĩa là, người thực hiện, thực hiện hành động A vì họ đã bị ảnh hưởng bởi những điều xảy ra trong quá khứ => Họ sẽ làm A chứ không phải làm B. Từ đó, chúng ta sẽ không bao giờ tự do.
Nhìn lại ví dụ ăn bánh mì nem khoai, Free Will nói rằng, quyết định ăn bánh mì nem khoai của tôi không nhất thiết bị ảnh hưởng bởi những hành động và sự kiện trước đó. Ngay tại giây phút tôi đói, tôi chọn bánh mì nem khoai. Hết. Suy nghĩ ăn bánh mì nem khoai được thực hiện ngay tại khoảnh khắc tôi nghĩ tôi nên ăn gì. Tôi ăn bánh mì nem khoai vì tôi quyết định ăn bánh mì nem khoai! Hết chuyện.
Tuy nhiên, tư tưởng Free Will rất dễ bị phản bác lại bởi thế giới vật lý: Sự kiện này, ảnh hưởng trực tiếp/gián tiếp đến sự kiện khác. Để phản bác lại thế giới vật lý, những người đi theo Free Will đưa ra 2 khái niệm: Event Causation và Agent Causation.
Trong đó: Event Causation chỉ ra rằng: Không có bất kì sự kiện vật lý nào có thể xảy ra mà thiếu đi một sự kiện vật lý xảy ra trước nó. Tức là sự kiện vật lý B xảy ra do sự kiện vật lý A tác động lên và cứ thế. Qua định nghĩa đó, những người đi theo Free Will thừa nhận rằng thế giới Vật lý bằng một cách nào đó đã được quyết định từ trước. Như kiểu quả bóng bay lên vì có thằng đá nó lên. Tuy nhiên, ta sẽ đến tiếp với khái niệm Agent Causation.

Trong đó Agent Causation nói rằng: Một người/vật (Agent), có khả năng suy nghĩ, có thể bắt đầu một chuỗi sự kiện mới mà không cần dựa vào những sự kiện diễn ra trong quá khứ. Nói một cách khác, quả bóng bay lên do một thằng nó lên nhưng lý do thằng đấy đá quả bóng vì nó quyết định như thế. Nếu đi theo hướng Freewill, một Agent có khả năng ảnh hướng đến một chuỗi sự vật sự việc trong vũ trụ vì "họ quyết định thế".

Nhiều nhà triết học không đồng ý với ý tưởng này, họ đặt ra câu hỏi: Thế cái quyết định đầu tiên, quyết định mà bắt đầu chuỗi sự kiện đấy, đến từ đâu??? Ngâu nhiễn? Tại sao họ lại chọn quyết định đấy chứ không phải ngược lại? Nếu mà các bác trả lời được những câu hỏi trên, lý do của hành động đầu tiên, thì đấy lại là bằng chứng thuyết phục cho hệ thống "nhân quả" hơn là sự tự do thuần túy. Thực tế thì rất khó để tìm bằng chứng đủ thuyết phục hỗ trợ cho khái niệm Freewill.
Điều đáng nói của tư tưởng Freewill là chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn và tuyệt vời hơn khi chúng ta có tự do trong tư tưởng và hành động. Chúng ta sẽ quyết định được những khả năng sẽ xảy ra với chúng ta. Tuy nhiên, đó chỉ là CẢM GIÁC và không có bằng chứng nào đủ khỏe để hộ trợ cho nó.
DETERMINISM - MỌI THỨ ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH ĐOẠT
Vào thế kỉ thứ 18, nhà triết học Pháp Baron D'Holbach nói rằng: Không có bất kì hành động nào của chúng ta là tự do. Ông tin rằng mỗi sự kiện hoặc hành động đến từ kết quả của một chuỗi sự kiện không thể phá vỡ từ trước. Mọi thứ, để là kết quả của không thể tránh được từ những sự kiện trước đấy.

TẤT CẢ MỌI THỨ! Hành động và ý nghĩ của chúng ta đã được được định đoạt từ trước giống như mối qua hệ giữa quả bóng và thằng sút. Điều này chứng minh rằng loài người chúng ta nằm trong thế giới Vật lý và bị bó buộc bởi những quy luật Vật Lý. Thuyết Determinism được củng cố bởi khái niệm Reductionism.
Trong đó nói rằng: Tất cả mọi việc, kể cả hành động, ý nghĩ, trải nghiệm của chúng ta, đều có thể truy lại, thu gọn hoặc quy lại về một điểm.

Các bác thấy đầu óc ta có khả năng quyết định một cách tự do, các bác nghĩ những gì xảy ra trong đầu mình không thuộc vào phạm trù thế giới Vật Lý, nhưng Tình trạng tâm thân tâm lý phụ thuộc vào não chúng ta. Não chúng ta nằm trong một hệ sinh học của cơ thể. Và hệ sinh học của cơ thể chúng ta nằm trong thế giới Vật Lý. Như trê đã nói, thế giới Vật Lý đã được quyết định từ trước. Đương nhiên những lập luận vững chắc hơn so với Free Will và Free Will dường như chỉ là một thuyết để con người chúng ta nghĩ ra an ủi bản thân.
Tại sao chúng ta lại nghĩ ta tự do? Tại sao chúng ta lại cho rằng mình đặc biệt trong vũ trụ rộng lớn này? Tại sao???
Free Will đúng về một điểm là chúng ta không thể bỏ qua CẢM GIÁC tự do. CẢM GIÁC tự quyết định làm việc mình thích. Tất nhiên, tất cả chỉ là CẢM GIÁC để thoát ra khỏi thế giới Vật Lý nơi chúng ta thực sự không có tự do.
Điều khiến chúng ta nghĩ mình khác biệt nằm trong bộ não bé nhỏ của tôi và các bác. Không như ví dụ quả bóng, mọi sự việc đều có thể quan sát được, chúng ta có những lý do vô hình, âm thầm quyết định những hành động của chúng ta.

Hãy nhìn vào ví dụ ăn bánh mì nem khoai, thuyết Determinism chỉ ra rằng
Hành động chọn bánh mì nem khoai = Niềm tin ăn là sự cần thiết cho sự sống + Khát khao muốn ăn một cái gì đấy nhẹ + Tính cách của tôi chỉ rằng tôi thích thứ gì đó giòn giòn...=> Bánh mì nem khoai là quyết định cuối cùng.
Các bác có thể tranh luận rằng để đáp ứng được nhu cầu trên của tôi, có nhiều món khác ngoài BMNK. Tuy nhiên, nếu nhìn kĩ hơn thì sẽ có những lý do và nguyên nhân loại đi những lựa chọn đó và kết quả cuối cùng vẫn là BMNK <3.
Vậy, thứ chúng ta gọi là: "Quyết định" thực tế là kết quả không thể tránh được của tổ hợp một đống những yếu tố được nhuần nhuyễn kết hợp với nhau đến mức không thể nhận ra được. Có thể chúng ta CẢM GIÁC tự do, nhưng thực tế, lại không phải.
Những nhà Marketer đã làm rất tốt điều này khi khiến chúng ta xem và mua sản phẩm của họ. Họ setup từ âm thanh chúng ta nghe, hình ảnh chúng ta nhìn, những tương tác chúng ta đưa ra, để có thể dẫn đến đúng 1 hành động là mua sản phẩm. Chúng ta nghĩ chúng ta tự do chọn nhãn hiệu khác nhau, những đồ khác nhau nhưng thực tế, ta vẫn đang chịu sự ảnh hưởng bởi những yếu tố được xác định từ trước bởi các Marketer.
NHƯNG TỪ TỪ!!!
Liệu có cách nào thoát ra khỏi điều này không? Nếu nhờ người khác quyết định hộ, hay tung đồng xu thì sao? Tung đồng xu để chọn có vẻ không giống như tổ hợp của Khao khát, niềm tin và tính cách đúng không? Tuy nhiên, nếu các bác chọn tung đồng xu hoặc nhờ người khác đưa ra quyết định họ mình, điều đó cũng đã được định đoạt từ trước như tất cả những thứ khác.
Như việc các bác đọc bài post này, hay chuẩn bị nhảy sang tab khác, hay viết bình luận cho bài này, TẤT CẢ đã được định đoạt từ trước. Điều này có thể thực sự rất đáng sợ nghĩ đến...
Các bác là ai? Tôi không biết, nhưng đã đến đây rồi, thì upvote đi vì điều đó cũng được định đoạt rồi. Nếu không upvote, điều đó cũng đã được xác định từ trước rồi!
------------------
Bài được dịch từ video youtube của Crash Course

Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
AnhDung
Không thể nào kết luận được chắc chắn một điều gì về tự do ý chí vào thời điểm này cả. Con người chúng ta hiện tại vẫn đang bị kẹt ở vấn đề triết học này. Có hai điều khiến chúng ta bị kẹt:
- Thứ nhất là vì chúng ta chưa hiểu hết về cấu trúc của vụ trụ cũng như cách vận hành của vạn vật xung quanh. Có vô số điều trong thế giới lượng tử mà con người vẫn chưa hiểu và chưa giải thích được. Chúng ta còn chưa hiểu rõ vật chất thực ra là cái gì.
- Thứ hai là chúng ta chưa biết được suy nghĩ được hình thành như thế nào. Sự phát triển của khoa học cho con người những kiến thức nhất định về bộ não nhưng để hiểu được sự tạo thành của suy nghĩ và nhận thức thì còn cả một chặng đường dài.
Chừng nào một trong hai điều trên còn chưa được làm sáng tỏ thì chúng ta không thể có kết luận cuối cùng nào về tự do ý chí cả. Chúng ta không thể nào có một câu trả lời đúng cho một câu hỏi mà bản chất của câu hỏi này chúng ta còn chưa hiểu rõ.
Một trong những lý do khiến thuyết Tiền Định nghe có vẻ hợp lý đến vậy là vì cách mà nó giải thích vấn đề cũng giống với cách mà vật lý Newton giải thích vạn vật vậy. Tức là nếu một vật đang di chuyển thì chắc chắn phải có những lực đã tác động lên nó, nói cách khác một vật không thể tự di chuyển mà cần phải có những tương tác từ trước đó. Trong đời sống hàng ngày chúng ta quen với vật lý Newton cũng như những khái niệm nguyên nhân hệ quả quá rồi nên thuyết Tiền Định nghe qua có vẻ rất có lý.
Tuy nhiên vật lý Newton từ lâu đã được chỉ ra là chỉ đúng trong một phạm trù nhất định mà thôi. Ở trong thế giới vi mô của vật lý lượng tử, những quy tắc đó không thể nào còn áp dụng được nữa. Tôi tất nhiên không phải là chuyên gia gì trong lĩnh vực vật lý lượng tử này nhưng tôi có đọc những bài viết tóm gọn lại vấn đề và nhìn chung chỉ ra rằng trong thế giới của vật lý lượng tử, có những hạt cơ bản di chuyển và tương tác lẫn nhau không theo bất cứ một quy luật gì hết. Thậm chí còn có những học thuyết đi chứng minh rằng việc xác định và dự đoán được chính xác hoạt động của những hạt này là không thể (luôn luôn có yếu tố bất định).
Thêm một điều nữa đó là về đoạn tác giả nói về thuyết "Agent Causation" ở trên. Tác giả phản bác lại thuyết này bằng cách chỉ ra rằng cái gì cũng phải có sự bắt đầu của nó, nói cách khác chắc chắn phải có một quyết định ban đầu để bắt đầu cái chuỗi sự kiện ấy. Và tác giả lý luận rằng vì có yếu tố "nguyên nhân hệ quả" nên thuyết Tiền Định lại là đúng. Có 2 vấn đề trong lập luận này:
- Vấn đề thứ nhất là yếu tố "nhân quả" chỉ phản ánh được sự ảnh hưởng của một sự kiện lên một sự kiện khác thôi chứ nó không mang yếu tố quyết định hoàn toàn. Tức là phải, đã có một quyết định đầu tiên để bắt đầu chuỗi sự kiện nhưng quyết định đầu tiên này không định hướng hoàn toàn cho cái chuỗi sự kiện kia, vẫn có những sự bất định trong cái chuỗi sự kiện ấy mà cái quyết định ban đầu không bao quát hết được.
- Vấn đề thứ hai chúng ta phải hỏi lại một điều đó là vậy thì cái "quyết định ban đầu" để bắt đầu chuỗi sự kiện kia có phải là một quyết định mang bản chất của "Tự Do Ý Chí" không? Nếu câu trả lời là không (tức vẫn tuân theo thuyết Tiền Định), thì tức là phải có những tác nhân khác đã làm ảnh hưởng đến "quyết định ban đầu này". Tức là "quyết đinh ban đầu" này không thực sự là quyết định ban đầu. Vậy thì đâu mới là "quyết định ban đầu"? Theo thuyết Tiền Định thì không thể tồn tại một quyết định ban đầu hay thậm chí là một sự kiện khởi đầu được. Bởi vì theo thuyết này thì không một sự kiện nào có thể tự sinh ra một cách độc lập mà không dựa trên những sự kiện trước đó. Tóm lại theo thuyết Tiền Định thì: Không thể có điểm khởi đầu cho bất cứ thứ gì. Điều này có đúng không? Tôi không biết và tôi không nghĩ là có con người nào trên thế giới này có thể trả lời một cách chắc chắn được.
Viết đến đây tôi lại nhớ về một cái băn khoăn tôi đã có từ rất lâu rồi từ thời còn đi học. Dạo đó tôi vẫn băn khoăn không hiểu và không thể lý giải được đâu là điểm bắt đầu của thời gian. Nếu có một thời điểm gọi là thời điểm bắt đầu của thời gian, vậy trước đó thì sao? Trước đó thì gọi là cái gì? Sau này có người giải thích là trước đó thì thời gian không tồn tại. Tôi bứt dứt và không thể hiểu được. Thế nào gọi là thời gian không tồn tại? Và nếu cứ giả sử là thời gian có thể không tồn tại đi thì tại sao bây giờ nó lại tồn tại? Tại sao lại có sự thay đổi này. Điều gì đã dẫn đến sự thay đổi này. Cái gì đã quyết định sự thay đổi này? Trước đó thì sao? Trước đó nữa thì sao? Chính cái khái niệm "điểm khởi đầu" có vẻ như đã là một nghịch lý rồi. Bởi vì chúng ta luôn có thể đặt câu hỏi: Trước đó là gì? Nhưng dù tôi có cố gắng thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng không thể hiểu được tại sao một quá trình có thể tồn tại nếu như không có điểm khởi đầu. Đi đến đây là tôi đã đi vào một ngõ cụt của nhận thức rồi. Không thể đi tiếp được nữa.
- Báo cáo

Phàm nhân tu tiên
Đây chính là điều mà tôi định phản bác trong cái học thuyết dựa theo quy luật "nhân quả" ở bài viết. Vật lý hậu hiện đại đã chỉ ra rằng Vũ trụ không vận hành theo quy luật nhân quả, nó chỉ là biểu hiện bên ngoài của một yếu tố bí ẩn mà con người chưa đủ khả năng để giải mã được.
Cảm ơn bác !
- Báo cáo
khoi.dng
Thật ra thì đối với khởi đầu của chuỗi quyết định tạo thành các dòng chảy tất định, những người hữu thần hẳn sẽ cho rằng đó chính là vị thần mà họ đang thờ phụng. Nghe kiểu như: "Khởi đầu của mọi việc là bắt nguồn từ hành động của Thượng Đế" vậy đó. Điều này lại dẫn đến câu hỏi mới: "Vậy thì Thượng Đế đó là gì, từ đâu ra, có chịu ảnh hưởng của tất định luận không?", nhưng mà vậy thì chúng ta rời xa chủ đề đang bàn mất rồi.
Nhân tiện, về băn khoăn của bạn, tôi xin đưa ra một hướng nhìn khác có thể có ích cho bạn. Thời gian nói cho cùng chỉ là khái niệm do con người đưa ra mà thôi. Tức là đối với con người thì tồn tại thời gian. Sự tồn tại của "thời gian" không thể nhảy ra ngoài sự tồn tại của loài người được. Trong không-thời gian thì dòng chảy nhanh chậm của chuyển đổi vật chất và chuyển đổi cơ học phụ thuộc vào góc nhìn của người quan sát đối với sự vật. Lấy ví dụ từ phim Interstella, khi nhân vật chính đi vào tinh cầu có trọng lực siêu khủng mà tôi quên mẹ nó tên rồi. Trong đoạn đó, đối với nhân vật chính - người ở trên hành tinh - thì vận tốc một con sóng ập tới cỡ vài lần đến vài chục lần một cơn sóng thần ở Trái Đất, nhưng đối với anh chàng ở trên tàu vũ trụ trong quỹ đạo hành tinh thì con sóng đó chuyển động có khi còn chậm hơn rùa vì 1h hơn trên hành tinh đó đã bằng hơn 10 năm theo giờ trên tàu (hình như đồng bộ với giờ Trái Đất). Như vậy thì cơn sóng vẫn là cơn sóng, vẫn tiếp tục đổ, tiếp tục cuốn, tiếp tục lao đầu trong điên cuồng nhưng vận tốc của nó thì không còn tuyệt đối nữa. Mà đại lượng vận tốc thì phụ thuộc thời gian, nên đối với nó, thời gian cũng chỉ là tương đối, hay nói cách khác, thời gian không có nghĩa với nó vì dù gì, nó vẫn làm như vậy, với diễn biến như vậy và tác động như vậy. Vậy thì trước con người và sau con người, có tồn tại thời gian? Vũ trụ vẫn là vũ trụ, có sinh khởi và có hủy diệt, và bởi vì có những thay đổi về chuyển động vật chất, tức là thay đổi về vị trí xuất hiện của vật chất trong không gian, chúng ta vẫn có thể xem như là có thời gian lúc đó, chỉ là không có chủ thể là loài người đến quan sát để phán định đó là thời gian mà thôi. Điểm bắt đầu của thời gian cũng là điểm bắt đầu của vũ trụ, bắt đầu của dãy chuyển hóa vật chất, và trước đó, có lẽ chính là kết thúc của một vũ trụ khác.
- Báo cáo
AnhDung
Cám ơn bình luận của anh. Tuy nhiên theo tôi thấy góc nhìn mà anh đưa ra chưa giải quyết được cái băn khoăn trước đó của tôi. Đoạn anh nói về chuyện thời gian là tương đối thì mặc dù vật lý của Einstein đã chỉ rằng thời gian phụ thuộc vào hệ quy chiếu mà ta đang xem xét, nó đâu có phủ nhận các phạm trù về dòng chảy của thời gian tức quá khứ hay tương lai. Tức là câu hỏi "cái gì đến trước đó" vẫn có thể áp dụng như thường. Chẳng hạn như khi anh lấy ví dụ về ngọn sóng thì cái đó cũng phụ thuộc vào thời gian chứ. Để ngọn sóng đó có thể xuất hiện thì đại dương trên hành tinh đó phải được tạo ra. Để đại dương có thể tồn tại thì trước đó hành tinh phải được tạo ra. Một lần nữa, ta luôn luôn có thể đặt câu hỏi: Trước đó là gì? Hay câu hỏi: Cái gì đã góp phần dẫn đến điều này.
Ngay cả nếu như cho rằng trước vũ trụ của chúng ta là một vũ trụ khác và cái vòng luân hồi này luôn được lặp đi lặp lại vĩnh viễn thì băn khoăn vẫn chưa được giải quyết. Bởi lẽ câu hỏi vẫn có thể được đưa ra: Cái gì đã bắt đầu vòng luân hồi này. Phải có một điều gì đó khởi nguồn và quyết định rằng vũ trụ sẽ hoạt động dựa trên mô hình này mà không phải là một mô hình khác. Tại sao lại có sự tồn tại của cái vòng luân hồi này thay vì là không có gì. Trước đó thì sao? Trước đó nữa thì sao? Nên nhớ càu hỏi về sự kiện ở trước không chỉ bị giới hạn trong thế giới quan cũng như hệ quy chiếu của con người. Nếu như giả sử có một thực thể X nằm ở ngoài vũ trụ của chúng ta và không bị ảnh hưởng bởi khái niệm thời gian trong vũ trụ của ta. Thì câu hỏi vẫn có thể được nêu lên: Cái gì đã tạo ra X? Trước đó là gì?
- Báo cáo

314159
Đây là vấn đề về thực tại tối hậu hay cứu cánh cuối cùng trong triết học bác ạ. Từ lúc khởi sinh triết học bây giờ đã ai tìm được câu trả lời chính xác đâu.
- Báo cáo

zeally
Cảm ơn dịch giả và bình luận rất thú vị của bạn. zeal đã từng có một bài khá thú vị về chủ đề này. Tính đến nay, đây vẫn là một trong những bài hot nhất trên zeal. Ngoài những khía cạnh đã bàn ở trên, bài viết còn bàn đề khía cạnh sinh học, và đề cập đến việc chỉ theo đuổi một trong hai bên sẽ dẫn đến những hệ quả gì: http://zeally.net/y-chi-tu-do-khong-he-ton-tai/
- Báo cáo

HD._.04
Giọng bác giống oddly normal quá
- Báo cáo

sleepless
Có thể rất nhiều người cho rằng số mạng con người đã được định sẵn từ trước theo Thuyết Luân Hồi và Luật Nhân Quả. Nhưng sự tin tưởng sai lầm như thế có những hậu quả rất tai hại về mặt tâm lý và đạo đức tâm linh, vì nó làm xuống tinh thần và làm tê liệt ý chí tiến thủ của con người.
Mỗi cái hắt hơi, mỗi vết muỗi cắn hoặc mỗi lần có gấu không phải là đã tiền định hằng bao nhiêu thế hệ về trước. Phần nhiều những chi tiết về cuộc đời chúng ta đều hoàn toàn do chúng ta định đoạt bằng tư tưởng và ý chí ngay trong lúc hiện tại.
Những khó khăn trắc trở mà dòng đời đè nặng lên vai của chúng ta bây giờ đều là kết quả của những lỗi lầm mà chúng ta đã gây ra trong quá khứ do sự định đoạt của chính mình.
Những khó khăn đó dường như đến với chúng ta từ bên ngoài, bởi vì chúng ta đã quên đi những hành động của ta trong dĩ vãng và tầm nhìn của chúng ta quá ngắn ngủi nên không nhìn thấy sự liên quan giữa những hành động trong quá khứ với hiện tại.
Theo mình, chúng ta sở hữu quyền tự do ý chí chẳng khác nào như một con cún bị buộc dây vậy, nó hoàn toàn tự do đi đứng, chạy nhảy tùy theo ý muốn trong cái tầm của sợi dây dài hay ngắn tùy ý (độ dài của sợi dây do Luật Nhân Quả định đoạt) 





- Báo cáo

Duc Huy Nguyen

Mình rất thích mấy tập Doremon đố vui vì cảm giác phương thức của nó rất giống với quan niệm về vận mệnh của mình. Trong cuốn truyện ấy, cứ hết 1 cảnh thì phía dưới trang sẽ cho vài lựa chọn diễn biến tiếp theo cho cảnh đó, với số trang tương ứng. Và dù ta lựa chọn như thế nào thì rồi cũng sẽ đi đến 1 kết truyện cuối cùng.
Chính từ bộ truyện đó mà mình liên tưởng vận mệnh như 1 tấm lưới với các đường đan xen. Nó giải thích cho việc ta có thể chọn lựa rất nhiều phương hướng hành động khác nhau trong 1 thời điểm, nhưng rồi mọi thứ vẫn liên kết lại và dẫn ta đến những điểm nút quan trọng (những điểm nút mà dù ta có lựa chọn thế nào chăng nữa thì cũng sẽ vẫn phải đi qua).
- Báo cáo

Ngọc Anh
Tớ có vài suy nghĩ thế này.
1. Nếu nói rằng chúng ta chịu sự ảnh hưởng của các nhà Marketer tại sao lại không nghĩ ngược lại rằng, Marketers dựa trên chính những hành động và xu hướng của chúng ta để đưa ra những chiến dịch làm hài lòng chúng ta. Vậy suy cho cùng thì cũng là chúng ta là người tự tạo ra lựa chọn cho mình đấy chứ?
2. Và bài này làm tớ liên tưởng đến chuyện con mèo lượng tử : https://vi.wikipedia.org/wiki/Con_m%C3%A8o_c%E1%BB%A7a_Schr%C3%B6dinger
Nếu cho rằng hành động của chúng ta đã được xác định từ trước, ai sẽ là người xác định chuyện đó? Bởi vì nếu không, câu chuyện tớ có comment này hay không sẽ luôn nằm ở giữa 2 trạng thái: có và không, cho đến khi có một người duy nhất biết được chuyện đó. Là tớ, vậy tớ có tự do không?
3. Tớ thực sự thấy câu chuyện đầu tiên có vấn đề: Tại sao Oedipus lại phải giết người? Có phải câu chuyện được kể ra chỉ để củng cố thêm lý thuyết mọi việc đều được xác định từ trước?
4. Theo tớ, cho rằng con người có mối quan hệ rằng buộc với vũ trụ tự nhiên và con người không hề tự do với thế giới là không đúng. Vì nếu đúng, thì tất cả mọi người không thể, mỗi người, đều khác nhau như thế này.
Cảm ơn vì bài viết của cậu 

- Báo cáo

Eric Victor
- Thứ 1 : Bạn đã tính tới những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng chưa ? Những " hành động " và " xu hướng " của con người có phải thật sự do chính bản thân họ nghĩ ra hay do 1 bên nào khác tác động ? Mình ví dụ như , hồi trước khi phong trào nghe nhạc Hàn chưa nổi lên thì người dân toàn nghe bolero với dân ca , nhạc CM ..v..v... Nhưng từ khi nhạc Hàn tràn vào thì dần dần từ người trẻ đến người lớn cũng nghe , rồi lan sang cả ẩm thực , thời trang , phim ảnh cũng lai Hàn . Như vậy đó có thực sự là do sở thích mặc định hay do phong trào tác động ?
- Thứ 2 : Chuyện ai xác định hành động của chúng ta thì đó vẫn là điều bí ẩn . Nhưng " bí ẩn " ko có nghĩa là ko có đáp án .
- Thứ 3 : Câu chuyện Oedipus chỉ là 1 ví dụ trong vô vàn ví dụ trên đời này . Nếu bạn cần thì có thể search những trường hợp ko thể thoát khỏi số phận như vậy . Mình lấy ví dụ như ông bầu Đức của VN mình đấy , thi ĐH 4 lần đều trượt , rốt cuộc ra làm kinh doanh lại thành công , lúc nghĩ lại ổng còn tâm đắc đúng là con đường học vấn ko chọn ổng :v ......
- Thứ 4 : Chuyện mỗi người khác nhau thì có gì là ko đúng hả bạn ? 1 người lập trình viên có thể viết ra hàng trăm chương trình khác nhau từ cùng 1 ngôn ngữ lập trình được đấy thôi .
- Báo cáo

Ngọc Anh
Thứ 1: Như bạn nói, những yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng, theo như tớ học trong Marketing cơ bản sẽ chia thành 4 yếu tố: văn hóa, cộng đồng, cá nhân và tâm lý. Như vậy có 2/4 yếu tố là liên quan đến cá nhân.
Một cá nhân khi được sinh ra đã ngay lập tức chịu ảnh hưởng của môi trường vậy nên để nói rằng cá nhân đó đứng độc lập với môi trường là không phải, nhưng nói rằng cá nhân đó bị môi trường tác động mà mất tự do về nhận thức và hành động cũng không phải.
Cậu nói rằng, nền văn hóa của chúng ta bị Hàn hóa quá nhiều, vậy thử đặt câu hỏi rằng, nền văn hóa của Nhật có thể bị Hàn hóa không? Điều đó phụ thuộc vào cái gốc của cậu có vững để không thể bị ảnh hưởng hay không thôi.
Và tớ cũng không đi theo phong trào nhạc Hàn, đa phần bạn tớ cũng thế
. Nhưng tớ phải thừa nhận rằng, số đông thích giới trẻ Việt Nam thích Kpop, có thể thấy rõ điều này qua Kenh14.
2. Tức là ngoài tớ, vẫn còn một người quan sát nữa. Vai trò của tớ so với người kia là tương đương nhau.
3. Tại sao ông bầu Đức lại thi trượt đại học? Có phải vì bản thân ông ấy không đủ khả năng. Tại sao ông bầu Đức lại lựa chọn con đường kinh doanh mà không phải trở thành nhà văn? Có phải vì bản thân ông ấy lựa chọn thế.
4. Chính vì cùng với một sự tác động và tạo ra tất cả mọi người đều khác nhau nên tớ mới nói rằng con người tự do được quyết định lựa chọn của mình.
Cảm ơn vì bình luận của bác, nhưng tớ cũng chỉ muốn nói một điểm rằng "Con người có mối quan hệ ràng buộc với thế giới này, nhưng, mỗi con người là đều là cá thể tự do, tất nhiên không phải tự do với ý nghĩa rằng bạn thích làm gì cũng được, bởi vì tự do được đảm bảo bởi tính kỉ luật.

- Báo cáo

Luke Đặng

1. Vì tôi viết bài phân biệt này nhưng dưới góc nhìn của một người theo thuyết Determinism nên những ví dụ lấy ra sẽ để củng cố hướng của góc nhìn đó ( Ví dụ Marketer và Oedipus).
2. Và đúng, nếu áp dụng vật lý lượng tử, thì 2 thuyết trên không đúng nữa, tôi sẽ viết một bài khác về nó sau.
Cảm ơn bác đã cmt 

- Báo cáo

loveless

hình như là gái mà :v
- Báo cáo

Hex 

Vì marketing làm tận 2 việc:
- Gợi người khác nhớ đến những nhu cầu
Và
- Tạo ra nhu cầu mới.
Về viên kim cương chẳng hạn, đó chỉ là một viên đá bọn trẻ hay chơi nhưng sau một chiến dịch marketing đã trở thành vật quý giá nhất, biểu tượng của hạnh phúc, thuần khiết và vĩnh cửu các kiểu các kiểu.
Và ngày nay marketing còn tác động ghê gớm hơn nữa khi tạo ra mọi trào lưu và phong cách sống: cách các bạn đi đến quán cafe, các các bạn book vé máy bay và cả cách các bạn nghĩ rằng du lịch thật cần thiết.
- Báo cáo

Người dệt mộng
Thật ra mấy ngày trước trong Group Triết học tôi có post tranh luận về Con người có khả năng tự do lựa chọn không và như thế con người có thể có tội không =))) ý kiến của mấy bác trong bài đó khá hay để tham khảo 

- Báo cáo