Để tranh luận với triết học của Zapffe, hay bất cứ triết học nào giống nó, sẽ dễ dàng như khi tranh luận với bất cứ triết gia nào có lý lẽ không hợp với ý thích của anh. Nếu phân tích về hiện hữu của con người của ông ta nghe có vẻ chắc chắn theo một cách nhất định, có lẽ sẽ không mất quá nhiều sức lực của bất cứ ai để chế nhạo nó nếu kẻ đó có động lực làm thế. Zapffe không khám phá ra Tân Thế Giới, với một vốc đất để chứng minh sự tồn tại của nó. Ông ta là người nghĩ rằng mình đã tìm ra lý do vì sao loài người nên tuyệt chủng, dẫu biết rằng đây là lựa chọn mà chúng ta không bao giờ động đến, mặc cho ông và Đấng Cứu Thế Cuối Cùng của ông có nói gì đi nữa. Dù chúng ta tự chủ hay là nô lệ của tồn tại, vậy thì sao? Giống loài chúng ta vẫn sẽ hướng về tương lai mà chẳng thấy cần thiết phải chối bỏ trò múa rối của sinh sản trong một vũ trụ của những con rối tự giật dây. Thật nực cười khi nghĩ rằng chúng ta sẽ làm khác đi, hay có thể làm gì khác. Rằng cuộc sống của chúng ta là nghịch lý và kinh hoàng chẳng phải là bí mật gì quá tồi tệ để nhận ra đối với những tâm trí chỉ biết những gì chúng muốn biết. Địa ngục của ý thức con người chỉ là chuyện kể đêm khuya của triết gia mà chúng ta nghe hàng đêm và quên đi mỗi sáng khi thức giấc để đến trường hay đi làm hay bất cứ đâu chúng ta có thể đi ngày qua ngày qua ngày. Chúng ta thì quan tâm gì đến niềm kinh hãi trước nhận thức ghê gớm rằng chúng ta đang sống và sẽ chết... niềm kinh hãi của những cái bóng không bản ngã phủ kín trái đất... hay niềm kinh hãi của đầu con rối dật dờ trong gió và biến mất trên nền trời tối đen như bóng bay đứt dây? Nếu đây là cách anh nghĩ về bản chất của mọi thứ, cứ đứng trên tầng thượng mà hét to lên, thử xem làm như thế thì sẽ đi đến đâu. Chúng tôi vẫn sẽ ở đây, anh có thể tự tuyệt diệt nếu muốn. Chúng tôi có thể tạo ra nhiều con rối bé nhỏ giống như anh, nhưng chúng tôi không gọi chúng như vậy. Chúng tôi gọi chúng là con người với những bản ngã không thể tách rời và những câu chuyện tuyệt nhiên không giống câu chuyện của anh.
Trở thành ai đó đã khó khăn, nhưng để trở thành không một ai là điều không thể. Chúng ta phải hạnh phúc, chúng ta phải tưởng tượng Sisyphus hạnh phúc, chúng ta phải tin vì thật phi lý để tin. Ngày qua ngày, về mọi mặt, chúng ta đang tốt dần lên. Những ảo tưởng lạc quan cho những người lạc quan. Họ bắn chết ngựa, đúng không? Nhưng khi nói về những kẻ tự bắn chết mình, hãy hỏi Gloria Beatty, hỏi Michelstaedter, hỏi Weininger, hỏi Hemingway. Nhưng đừng hỏi Mainländer hay Bjørneboe, những người treo cổ tự sát. Và đừng hỏi Jean Améry, tác giả của Suicide: A Discourse on Voluntary Death (1976), kẻ đi tìm lối thoát bằng một vốc thuốc quá liều. Améry sống sót qua Auschwitz, nhưng ông ta không sống nổi trước trải nghiệm sống sót của mình. Không ai sống nổi cả. Với tổ tiên và cả thế giới đứng sau, chúng ta sẽ không bao giờ cho rằng cuộc sống này VÔ ÍCH MỘT CÁCH TÀN ĐỘC. Hầu như không một ai tuyên bố rằng một lời nguyền tổ tiên đã làm ô uế chúng ta từ trong tử cung và quẹt một vết nhơ lên hiện hữu của chúng ta. Bác sĩ không khóc trong phòng sinh, hay thường như thế. Họ không cúi đầu và nói “Đồng hồ đếm ngược đã bắt đầu chạy.” Đứa bé mới sinh có thể khóc, nếu mọi thứ đều ổn, nhưng thời gian sẽ lâu khô nước mắt đứa bé, thời gian sẽ chăm sóc nó. Thời gian sẽ chăm sóc mọi người cho đến khi không còn ai để chăm sóc. Và rồi tất cả sẽ lại giống như trước khi chúng ta cắm gốc rễ của mình xuống nơi chúng ta không thuộc về.
Sẽ có một ngày cho mỗi chúng ta – và rồi cho tất cả chúng ta – khi tương lai khép lại. Cho đến khi ấy, nhân loại sẽ thích nghi với mọi niềm kinh hãi đến gõ cửa, như cái cách chúng ta đã làm kể từ những ngày đầu tiên. Điều ấy vẫn sẽ tiếp diễn cho đến khi nó dừng lại. Và niềm kinh hãi sẽ tiếp diễn, với thế hệ nối tiếp thế hệ ngã xuống tương lai như hàng dài xác chết ngã xuống mồ chôn chưa lấp. Niềm kinh hãi ban tặng cho chúng ta sẽ được truyền lại cho kẻ khác như một món đồ gia truyền đầy bê bối. Việc sống: hàng thập niên thức dậy đúng giờ, chật vật với vòng quay của tâm trạng, cảm giác, suy nghĩ, ham muốn – đủ mọi cung bậc của xáo động – và cuối ngày là rơi phịch xuống giường để đổ mồ hôi trong đen ngòm của giấc ngủ đã chết hay sủi bọt trong thứ ảo cảnh sờ soạng tâm trí đang mơ của chúng ta. Tại sao nhiều kẻ trong chúng ta lại thỏa hiệp để đổi lấy án chung thân thay vì đứng dưới thòng lọng hay trước họng súng? Lẽ nào chúng ta không xứng đáng được chết? Nhưng chúng ta không bị ám ảnh bởi những câu hỏi kiểu này. Chúng ta không được lợi lộc gì khi đưa ra những câu hỏi như vậy hay trả lời chúng với bàn tay đặt trên ngực. Theo tinh thần ấy chẳng phải chúng ta sẽ không thể chấm dứt âm mưu chống lại loài người hay sao? Có vẻ như đây sẽ là lộ trình xác đáng: cái chết của bi kịch trong vòng tay của không hiện hữu. Thế giới với dân số quá tải của những đứa trẻ chưa ra đời sẽ không phải khổ đau khi chúng ta xóa bỏ những gì mình gây ra (theo cái cách mà ta vẫn có thể bước tiếp vì ta còn ngày dài tháng rộng). Dù vậy, không điều gì trong chúng ta chỉ ra chúng ta sẽ thực hiện bước này. Liệu còn thứ gì không thể tưởng tượng nổi hơn thế? Cứ thử hỏi bất kỳ ai đi.
(Nguyễn Văn A dịch từ bản gốc tiếng Anh The conspiracy against the human race: A contrivance of horror, Penguin Books, 2018.)