“Tôi không phải là kiểu người nghĩ rằng công nghệ sẽ tới bước hủy diệt chúng ta”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Ông liệt kê ra một loạt các tiến bộ vượt bậc đầy hứa hẹn trong trí tuệ nhân tạo và công nghệ gen.
Nhưng dù sao đi nữa, phát biểu ấy cũng đáng ngạc nhiên khi đến từ tác giả Mãi đừng xa tôi, cuốn tiểu thuyết gây nhức nhối về nhân bản con người.
Ishiguro giải thích rằng điều mà ông sợ hãi là những bất công thảm khốc có thể xảy ra nếu xã hội không thận trọng với các tiến bộ khoa học.
“Chúng ta đều cần phải suy tư và băn khoăn về những câu hỏi như thế”, ông nói, “bởi vì ở thời điểm hiện tại, những thứ ấy đang nằm trong tay của một số rất ít người.”
Trong cuốn sách mới nhất của ông, Klara and the Sun, Ishiguro đã làm đúng như thế, tập trung vào trí tuệ nhân tạo. Câu chuyện theo chân Klara, một robot thông minh được gọi là “người bạn nhân tạo,” tới sống cùng một gia đình con người ở một nước Mỹ phản địa đàng.
Kazuo Ishiguro's 'Klara and the Sun' is a poignant mediation on love | Book  review

Đó là cuốn sách đầu tiên kể từ khi ông được trao giải Nobel Văn học. Giống như những tác phẩm trước đó, cuốn sách không nằm gọn trong một thể loại nhất định, mà mang những yếu tố của khoa học giả tưởng và cũng là một câu chuyện về thời điểm một thiếu niên tới ngưỡng trưởng thành.
Ishiguro trò chuyện với Kerry Shaw, cộng tác viên của Goodreads, vào tháng Mười Hai về tác phẩm mới nhất của ông, những sách ông đọc trong thời kỳ phong tỏa và những lo âu về tương lai. Cuộc đối thoại của họ đã được biên tập.
Goodreads (GR): Khi tôi đọc xong cuốn sách ngoạn mục này, tôi ước rằng mình có thể thảo luận về nó với câu lạc bộ đọc sách của tôi. Và rồi tôi nhớ rằng mình được nói chuyện với ông về nó, có lẽ như thế thì còn hay hơn.
Kazuo Ishiguro: Với tôi thì khác. Nói chuyện với tôi thì khác với câu lạc bộ đọc của ông. Tác giả một cuốn sách không phải là một người phù hợp để trao đổi về cuốn sách ấy. Tôi luôn cố gắng tránh nói chuyện với các tác giả về sách của họ.
GR: Thế à? Tôi tưởng rằng ông phải có nhiều bạn là tác giả chứ?
KI: Tôi có nhiều, nhưng chúng tôi không bao giờ nói chuyện về sách của mình. Thực tế thì chúng tôi còn chả biết ai đọc sách gì. Có thể là có nguyên tắc khác giữa các tác giả Mỹ hả? Tôi đã viết ở nước Anh này hàng chục năm rồi, và tôi còn chẳng biết là các nhà văn bạn bè có đọc sách của tôi không, bởi vì có sự hiểu ngầm rằng đừng đề cập đến mấy thứ đó. Trò chuyện kiểu đó được coi là thiếu lịch sự.
GR: OK, nhưng một câu hỏi mà chỉ ông có thể trả lời là: Ông đã nghĩ gì khi viết Klara and the Sun?
KI: Thường thì có một chủ đề lớn đằng sau mỗi cuốn sách của tôi, và theo sau đó là vô vàn những điều nhỏ nhặt khác. Và trung tâm là câu hỏi như thế này: Yêu một người khác nghĩa là như thế nào, đặc biệt trong một thời đại khi mà chúng ta đang đặt câu hỏi là liệu rằng chúng ta có thể vạch ra mọi chi tiết về một con người thông qua dữ liệu và các thuật toán? Đó chính là cái câu hỏi muôn thuở: Liệu có cái gọi là linh hồn không? Có lẽ không có thứ gì bên trong độc nhất đến mức không thể tái tạo. Có thể chúng ta hoàn toàn có thể quy giản thành dữ liệu và các thuật toán.
Rất nhiều cuốn sách của tôi nói về những thứ như thế. Nhưng thời đại mà chúng ta đang sống, và thời đại mà chúng ta có vẻ như đang lao tới, đã khiến tôi phải nhìn lại câu hỏi đó theo một cách khác.
GR: Có rất nhiều lí do để cảnh giác với công nghệ. Đã có trải nghiệm đặc biệt nào khiến ông muốn khám phá những băn khoăn đó trong một cuốn tiểu thuyết?
KI: Đúng là tôi có ít nhiều lo lắng về công nghệ và khoa học, nhưng nói chung cách nhìn của tôi là lạc quan. Tôi nghĩ rằng nó có thể biến nhiều thứ thành khả thi: Chúng ta sẽ được giải phóng khỏi mối lo về những căn bệnh hiểm nghèo. Cũng có thể chúng ta sẽ có câu trả lời cho những câu hỏi lớn khác, ví dụ như là làm sao để tổ chức chủ nghĩa tư bản theo cách mà không tạo ra những bất công to lớn. Có thể trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn sẽ giúp được ta làm điều đó. Cũng có thể rằng công nghệ gen sẽ mở ra một thế giới hoàn toàn mới trong dược khoa và chữa lành, giải phóng chúng ta khỏi rất nhiều đau đớn và nỗi buồn.
Tôi nghĩ rằng chúng ta đã tiến gần tới điểm đó hơn nhiều phần lớn mọi người nhận ra. Có rất nhiều tiến bộ phi thường trong khoảng mười năm qua trong CRISPR và thứ mà bây giờ chúng ta gọi là học máy hay học tăng cường trong trí tuệ nhân tạo. Đó là những thứ thay đổi cuộc chơi hoàn toàn.
Tuy nhiên, một thời đại thú vị cũng là một thời đại đầy nguy cơ. Chúng ta có những bài toán lớn cần phải giải mà không thể để lại cho các nhà khoa học, chính trị gia, hay cho những người điều hành các tập đoàn giàu có.
GR: Ông lo sợ điều gì trong lĩnh vực công nghệ?
KI: Nhìn lại lịch sử, điều mà tôi sợ là chúng ta sẽ phạm phải những sai lầm ghê gớm mà ta đã từng mắc vào thời kì đầu Cách mạng Công nghiệp: trẻ con làm việc trong hầm mỏ, công nhân chết trong nhà máy khi làm việc ở điều kiện tồi tệ. Và từng có những người tới những đất nước phi công nghiệp hóa để bắt bớ người khác làm nô lệ chỉ để Cách mạng Công nghiệp có thể bắt đầu và rồi tiếp diễn. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần làm mọi thứ trong khả năng để không phải một lần nữa phạm sai lầm.
GR: Ông có nghĩ rằng người ta đã đủ nhiệt tình với những câu hỏi đạo đức như thế chưa?
KI: Ở thời điểm hiện tại, tôi không nghĩ rằng mọi người đã có đủ nhận thức. Nhưng tôi không phải là người tin rằng mọi người thường thảo luận đạo đức ở bàn ăn. Tôi thuộc loại người tin rằng những thảo luận như thế có thể diễn ra qua nghệ thuật, phim tài liệu, tiểu thuyết, điện ảnh–để người ta có thể suy nghĩ về những câu hỏi đó ở mức độ cảm xúc.
GR: Tại sao bối cảnh mà ông đặt cho cuốn sách này lại là ở Mỹ?
KI: Tôi không nghĩ rằng đó là bởi vì tôi coi nước Mỹ là một nơi vốn dĩ mang thứ gì đó phản địa đàng. Chỉ là vì thích thôi. Tôi muốn những hình ảnh mang chất Mỹ. Tôi muốn những cánh đồng như cánh đồng ở Mỹ, và tôi muốn mặt trời mọc trên bầu trời nước Mỹ. Tôi muốn nó mang chút gì đó như tranh Edward Hopper. Và có lẽ là có chút cảm giác rằng Mỹ là một xã hội ở thời điểm hiện tại, giống như Trung Quốc, đang nhanh chóng nắm bắt công nghệ mới, tiến bộ khoa học mới, hiển nhiên là công nghệ sinh học mới, cũng như là khoa học máy tính. Và vì thế nên nó có vẻ thích hợp.
GR: Tôi được biết cuốn sách được đặt trong bối cảnh tương lai, nhưng cũng có vài thứ mang tính thời đại khủng khiếp, với hệ thống giai cấp sắt đá trong đó.
KI: À, điều đó được giải thích bởi thế giới phản địa đàng đó. Nó là một hệ thống đẳng cấp mới, được tạo ra bởi thực tế rằng người ta hoàn toàn có thể “cải thiện” đám trẻ.
Một lần nữa tôi sẽ nói rằng đây là điều đã xảy ra với chúng ta. Ta đã có năng lực để làm điều này một cách đơn giản, chủ yếu là bởi công nghệ tên là CRISPR, khiến việc chỉnh sửa gen trở nên rất rất dễ dàng. Nhà khoa học đã nghĩ rằng mình sẽ trở thành người hùng của thế giới và giành giải Nobel nhanh chóng bị chính phủ Trung Quốc cho đi tù vì chỉnh sửa gen người. Vào thời điểm hiện tại trên toàn thế giới người ta đều cho rằng đó không phải là một ý tưởng hay.
Tôi nghĩ rằng sẽ rất rất khó để công nghệ này không biến thành một thứ như ngành phẫu thuật thẩm mỹ, bắt đầu là để giúp các nạn nhân bỏng hoặc những người bị biến dạng gớm ghiếc. Dĩ nhiên là không thể ngăn nó biến thành ngành công nghiệp cho người giàu bỏ tiền ra để trông đẹp hơn.
Giờ khi chúng ta có khả năng tạo ra những đứa trẻ thông minh hơn trong một vài lĩnh vực nào đó, ít bị bệnh tật tấn công hơn, có tài năng thể thao hơn, tôi nghĩ rằng chúng ta rồi sẽ tạo ra một hệ thống đẳng cấp nguy hiểm. Những luận điểm truyền thống về sự bất công có lẽ sẽ không còn chỗ đứng, bởi vì anh luôn có thể nói rằng những người đó được cho nhiều lợi thế hơn, nhiều đặc quyền hơn và nhiều của cải hơn chính là nhờ trình độ xứng đáng của họ. Và lần đầu tiên, chúng ta sẽ có những chứng cứ khoa học chống lưng cho những tư tưởng mà trong quá khứ bị cho là phân biệt chủng tộc.
GR: Có phải ông đang chỉ trích một hệ thống đẳng cấp đặc thù?
KI: Không hẳn là chỉ trích một hệ thống đẳng cấp cụ thể nào, nhưng là chỉ trích mọi hệ thống đẳng cấp. Thật không may là con người có xu hướng nhìn mọi thứ theo thứ bậc trên dưới và tìm vài điểm phân biệt để nói rằng một nhóm này đáng được nhiều hơn các nhóm khác.
Tôi không muốn viết một cuốn sách về vấn đề chủng tộc ở Mỹ hay chủng tộc ở châu Âu hay chủng tộc ở bất cứ đâu. Chủng tộc thường được coi là một dấu hiệu quy định đẳng cấp, nhưng nó thường tác động theo các cách khác. Hầu hết khoảng thời gian khi tôi lớn lên ở Đảo Đại Anh, Bắc Ailen luôn trong một cuộc nội chiến giữa tín đồ Kháng Cách và Công giáo Ailen, những người nói cùng một giọng, có cùng một màu da. Và chúng tôi đi đến tình hình là một nhóm đàn áp nhóm còn lại, nắm trong tay quyền lực chính trị và lực lượng cảnh sát. Những vụ đánh bom xảy ra quanh chúng tôi mọi lúc vì điều đó. Thị trấn nơi tôi sống, có hai quán rượu bị đánh bom và rất nhiều người chết—vụ đánh bom Guildford. Vậy nên điều đó chẳng phải chỉ là do màu da.
GR: Tôi cũng muốn hỏi thêm ông về chuyện giành giải Nobel. Lúc biết tin mình thắng giải ông thấy thế nào?
 KI: Tôi thấy khá là siêu thực. Giải Nobel là một thứ kì lạ ở chỗ là nó cực kì bí mật. Chẳng ai có thể suy đoán được hợp lý ai sẽ thắng giải. Thêm nữa, tôi khám phá ra rằng họ có lệ là khi họ quyết định ai nên được giải Nobel, họ sẽ khoan tuyên bố một năm để phòng trường hợp đổi ý. Như tôi hiểu, tôi  được trao giải Nobel vào mùa thu năm 2017, nhưng họ đã quyết định vào mùa thu năm 2016.
Tôi bắt đầu ngày hôm đó như mọi ngày. Tôi đang ngồi ở bàn bếp lúc mười rưỡi sáng, viết email cho một người bạn. Tôi đang định đi lên tầng trên để tắm và gội đầu thì chuông reo lên. Và hóa ra không phải Hội đồng Hàn Lâm Thụy Điển. Tôi luôn được kể rằng sẽ có một cuộc điện thoại thần kỳ tới từ Thụy Điển. Nhưng điều đó không xảy ra với tôi.
Tôi bắt đầu nhận được nhiều cuộc điện thoại từ rất nhiều người ở London. Văn phòng đại diện tôi gọi và nói, “Chúng tôi vừa nghe tường thuật trực tiếp buổi công bố. Nghe có vẻ như là ông nhưng chúng tôi không chắc lắm bởi cô kia nói giọng Thụy Điển. Tôi sẽ kiểm tra một chút.” Và rồi ngay sau đó, một người từ nhà xuất bản của tôi gọi cho tôi và nói, “Hình như ông đã giành giải Nobel.” Ngay khi một cuộc gọi vừa kết thúc thì điện thoại lại reo lên. Và cuộc gọi thứ ba là đài BBC nói, “Chúng tôi có thể cử đoàn làm phim đến được không, vì ông đã giành giải Nobel?”
Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ “Ồ có vẻ là thật đấy. Không phải là mọi người đang đùa đâu.”
Tôi quay lại chỗ iPad và viết nốt cái email đang dở dang cho người bạn, một người Anh đang sống ở Trung Quốc, rằng,  “Tôi phải tạm dừng rồi. Tôi phải kết thúc email này bây giờ vì có vẻ như tôi vừa thắng giải Nobel. Tôi sẽ viết lại cho anh sau.” Và trước đó tôi đã viết một trang toàn tin tức và các thứ. Rồi tất cả mọi thứ hỗn loạn hết cả lên.
Băng rôn quảng bá cuốn sách Klara and the Sun. Hình: thebookseller.com.
GR: Không giống như những gì ông tưởng tượng một ngày của mình sẽ diễn ra.
KI: Đó đằng nào cũng thực sự là một ngày quan trọng bởi vì vợ tôi Lorna đang cố gắng quyết định xem có nên nhuộm lại tóc màu khác không, và đã suy nghĩ suốt mấy tháng liền. Và cô ấy đã quyết định rằng có. Vợ tôi đã đặt lịch, tới chỗ làm tóc, thực sự là cô ấy đang ngồi đó—họ đang trộn thuốc nhuộm—thì bỗng nhìn vào cái iPhone. Và vợ tôi thấy cái tin mới nhận đó. Và rồi cô ấy nói, “Thôi chắc là tôi không thể nhuộm tóc hôm nay rồi, nên tốt hơn là tôi đi xem chuyện gì đang diễn ra.”
Khi đó tôi đang ở nhà một mình và nhìn thấy một hàng các đoàn quay phim ở ngoài. Vợ tôi về và sắp xếp những người đó. Rồi cuối cùng văn phòng đại diện và nhân viên truyền thông từ nhà xuất bản của tôi xuất hiện, và chúng tôi chẳng biết làm gì. Tôi cho tất cả họ vào vườn sau nhà và tổ chức họp báo.
GR: Nghe thích ghê.
KI: Tôi không được nói chuyện với bất kì ai từ Thụy Điển trong khoảng hai giờ đồng hồ. Và cuối cùng tôi gọi cho mẹ, lúc đó đã 91 tuổi rồi. Giờ bà đã qua đời nhưng tôi rất vui vì bà đã sống tới lúc nghe được tin đó. Tôi nhận được cuộc gọi từ con gái, lúc đó đang học thạc sĩ ở trường đại học, con bé nói “Hình như bố vừa thắng giải Nobel. Bạn con cứ nhắn tin cho con là bố vừa thắng giải Nobel Văn chương.” Mọi thứ đều rất là siêu thực.
GR: Dạo này ông đọc gì?
KI: Lệnh cấm cửa dường như đã thiết lập lại thói quen đọc của tôi. Tôi thực sự đã đọc những cuốn sách rất dài mà thường thì tôi sẽ không thử cố đọc. Tôi đọc lại Chiến tranh và hòa bình sau 20 năm và lần này nó có vẻ rất khác. Và tôi phải nói rằng lúc trước tôi đã nghĩ nó không hay đến thế [Cười]. Tốt hơn không nói việc đó… Nó khá hay đấy.
GR: Tolstoy không chịu đọc nó đâu.
KI: Nếu tôi là người viết nó thì tôi không phàn nàn đâu. Nhưng tôi thực sự bất ngờ vì câu chuyện diễn ra trong phạm vi một giới xã hội rất hạn hẹp. Nó vẫn được coi là một cuốn sách đồ sộ, với dàn nhân vật khủng, nhưng mọi người đều đến từ một bộ phận rất nhỏ trong giới quý tộc Nga. Mọi người đều là quý tộc! Cuốn sách bày ra những bức tranh toàn cảnh theo kiểu thị giác: những cảnh hoành tráng với những trận đánh lớn. Thế nhưng nó chật hẹp và tinh hoa chủ nghĩa đến kì lạ, tôi phải nói thế. Và các nhân vật nữ thì tệ. Tôi mà sống được thêm 20 năm nữa thì tôi sẽ đọc lại xem liệu có gì khác không.
Tôi cũng đọc Dance to the Music of Time của Anthony Powell. Tôi cứ nghĩ nó sẽ là một thứ thuộc tầng lớp trên, nói về những người Anh sang trọng. Nhưng thực sự thì nó là một tiểu thuyết thể nghiệm hiện đại cực kỳ mới mẻ và là một cuốn sách thú vị.
Nhưng điều mà tôi làm trong sáu tháng qua–và có lẽ điều này là do cách thế giới vận hành, vì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vì Brexit—tôi chỉ đọc sách phi hư cấu thôi.
Tôi đã đọc rất nhiều sách về chủng tộc ở Mỹ, The New Jim Crow của Michelle Alexander; Caste của Isabel Wilkerson; White Rage của Carol Sullivan; Stony the Road của Henry Louis Gates Jr; và Between the World and Me của Ta-Nehisi Coates. Tôi cũng đọc một cuốn sách rất thú vị tên là Học từ người Đức. Đó là cuốn sách của Susan Neiman, một phụ nữ Do Thái lớn lên ở miền Nam nước Mỹ và sau đó tới sống ở Đức.
Tôi cũng đọc thêm nhiều sách về các hãng công nghệ lớn. Hai cuốn sách rất quan trọng về chuyện thế giới vận hành như thế nào ở thời điểm hiện tại là Kỉ nguyên Chủ nghĩa Tư Bản Theo dõi của tác giả Shoshana Zuboff, cuốn sách khác có tên là Đừng Là Quỷ Dữ của tác giả Rana Foroohar, một nhà báo của tờ Financial Times.
Những cuốn trên không chỉ là kiểu tấn công thế giới công nghệ cao đâu. Anh biết đấy, nó không phải kiểu Sao bọn chúng không đóng thêm nhiều thuế và tại sao chúng hủy hoại cuộc sống của những đứa trẻ tuổi teen? Nó là phân tích thực tế rằng những tập đoàn giàu có nhất đang kiếm tiền theo một cách khác, đó là họ thu thập dữ liệu từ chúng ta trong khi cung cấp cho chúng ta những dịch vụ miễn phí. Và chúng ta phải phản ứng lại chuyện đó với tư cách là một tập thể xã hội. Chúng ta phải bảo vệ chính mình khỏi những cực đoan của chủ nghĩa tư bản.  Và tôi thấy điều đó thực thú vị. Tôi không ý thức rõ được điều đó khi tôi đang viết Klara. Giờ tôi đã biết nhiều hơn. Có lẽ điều đó có liên quan gì đó tới cách mà thế giới vận hành… Tôi thường không đọc nhiều sách phi hư cấu đến thế.
GR: Tại sao gần đây ông lại đọc nhiều sách phi hư cấu?
KI: Tôi đồ rằng đó là bởi vì mình bị nhốt ở một chỗ và rồi những tin tức lớn cứ tràn đến: George Floyd; Trump làm tổng thống; nước Anh vì lí do quái gở nào đó, đã quyết định rời Liên minh Châu Âu.  Và rồi đại dịch này, mang một vẻ rất là phản địa đàng… Không chỉ mỗi đại dịch, mà còn là thực tế rằng cộng đồng quốc tế dường như không có một câu trả lời cho nó. Chúng ta không thể bắt tay vào hành động. Chúng ta đã bị chứng tỏ mình còn rất trẻ con, cả ở mức độ quốc gia đơn lẻ và cả ở mức cộng đồng quốc tế.
Tự dưng, anh phải nghĩ là, Chà, không có người lớn nào trên thế giới này. Tôi luôn nghĩ rằng có người trưởng thành cơ. Và thực tế là chẳng có, chúng ta không thể xử lý mọi thứ khéo léo lắm. Tôi nghĩ rằng đó là một phản ứng của cảm xúc. Tôi muốn đọc những cuốn sách của những người thông minh có thể giải thích được chuyện gì đang diễn ra ngoài kia. Lần sau khi tôi đi ra ngoài thế giới, tôi muốn được an toàn hơn.
Vũ Ngọc Khuê dịch
Tranh: People in the Sun, 1963, Edward Hopper, 1963.
Bài đã được đăng trên blog zzzreview.