Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương
Phụ trách ảnh: Google
Phụ trách ảnh: Google

Quyển 2 (1) - Bên dòng Gran (thuộc sông Danube), giữa những người Quadi

1. Mỗi sớm mai thức giấc, hãy tự nhủ với lòng mình rằng: Những người ta gặp ngày hôm nay có thể sẽ phiền phức, vô ơn, kiêu căng, không trung thực, hay tị nạnh, gắt gỏng. Họ cư xử như thế là vì họ không thực sự nhận định hay phân biệt được giữa tốt và xấu. Nhưng ta, vì đã may mắn hiểu rõ cái cao đẹp của việc thiện, cũng như cái xấu của việc ác, đồng thời cũng hiểu rằng những người đó thực ra về tự nhiên rất gần gũi với ta - không phải từ chung một dòng máu gia đình, nhưng cùng chung một tâm trí - phần mà mỗi con người được đấng linh thiêng ưu ái ban cho. Không ai trong số họ có thể thực sự làm hại ta. Cũng không ai trong số họ có thể tác động khiến ta làm những điều xấu xa. Và ta cũng sẽ chẳng thể tức giận với những người anh em của mình, hay ghét bỏ họ. Chúng ta được sinh ra để sống và làm việc cùng nhau, như chân, tay, mắt, hai hàm răng (trong cùng một cơ thể). Việc hành động đối kháng hay cản trở nhau là trái với tự nhiên. Và chính sự tức giận, hay quay lưng với họ, là hành động đối kháng đó vậy.
2. Bất kể ta thực sự là gì, thứ ta nhận biết được chỉ là những vật chất của tự nhiên (cấu tạo nên cơ thể này), và một phần nhỏ linh hồn và tâm trí. Ta cần vứt bỏ tất cả sách vở; và không để mình bị sao nhãng thêm nữa. Điều đó là không thể chấp nhận được. Thay vào đó, hãy hành xử như thể ta sẽ chết ngay lúc này, và có bản lĩnh coi thường những thứ chỉ liên quan đến cơ thể. Một đống máu, những chiếc xương, và một mớ lộn xộn những tĩnh mạch, động mạch và dây thần kinh. Đồng thời, hãy xem xét linh hồn là gì: không khí, và luôn thay đổi, mỗi giây mỗi phút ta đẩy ra rồi lại hít vào. Cuối cùng, tâm trí. Nghĩ về nó theo hướng này: ta đã là một người già; vì vậy hãy ngừng việc cho phép tâm trí mình làm nô lệ, bị lôi kéo như một con rối bởi những sợi dây - những thôi thúc ích kỷ từ ham muốn cá nhân, để rồi chống đối cả số phận và thực tại, và cứ mãi chìm đắm trong ngờ vực về tương lai.
3. Mọi thứ mà đấng linh thiêng tạo ra đều được các ngài phù hộ. Ngay cả may rủi cũng không thể tách biệt khỏi Tự nhiên, khỏi cái mạng lưới của vạn vật đan cài vào nhau và được sắp đặt bởi các Ngài. Mọi thứ đều từ đó mà ra. Và rồi có nhu cầu cần thiết, hay những thứ có lợi cho sự vận động của cả thế giới, mà ta là một phần trong đó. Nhưng bất cứ thứ gì mà Tự nhiên thực hiện, cũng như bất cứ thứ gì được dùng để duy trì nó, thì cũng tốt cho mỗi bộ phận. Thế giới được duy trì bởi sự thay đổi không ngừng - trong những thành tố nhỏ nhất cũng như trong những thứ chúng kết hợp cấu tạo thành. Chỉ cần hiểu được điều đó là đủ rồi, và hãy luôn ghi nhớ nó như chân lý. Chấm dứt cơn khát sách vở, để ta sẽ không phải chết trong cay đắng, mà trong sự hân hoan và chân thật, biết ơn đấng linh thiêng từ tận đáy sâu trái tim mình. 
4. Hãy nghĩ xem bao lâu ta đã trì hoãn nó, bao nhiêu lần đấng linh thiêng đã nhân từ gia hạn cho ta, mà ta không thể tận dụng. Rồi đến lúc nào đó ta cũng sẽ phải nhận ra cái thế giới mà ta thực sự thuộc về; quyền năng nào thực sự điều vận nó và từ đâu mà ta đến (Chú thích: Stoicism, mà đặc biệt Marcus luôn suy nghĩ theo hướng tâm trí ta thuộc về thiên đường, nơi nó đồng hành cùng Chúa và các đấng linh thiêng. Việc nó nhập vào cơ thể này với Marcus được coi như một nhiệm vụ trong thời gian ngắn, trước khi nó có thể trở về cái cội nguồn thiêng liêng ấy); rằng khoảng thời gian ta được ban cho là có giới hạn, và nếu ta không sử dụng nó để giải thoát cho mình thì nó sẽ mất đi một cách vô giá trị và sẽ không bao giờ trở lại.
5. Hãy tập trung trong mỗi phút giây, như một người La Mã - như một con người - vào việc thực hiện những nghĩa vụ của ta với sự chính xác và thật sự nghiêm túc, kỹ lưỡng, quyết tâm, và với sự công bằng. Hãy giải phóng bản thân mình khỏi mọi thứ có thể làm ta sao nhãng. Đúng, ta có thể - nếu ta làm mọi thứ với một tâm thế như thể đó là thứ cuối cùng ta sẽ làm trong đời; chấm dứt mọi hành động hay suy nghĩ không có mục đích; không để cảm xúc chi phối, lấn át thứ tâm trí ta mách bảo; dừng cả việc giả nhân giả nghĩa, lấy mình làm trung tâm vũ trụ, dễ cáu kỉnh không hài lòng. Không lẽ ta đã quên rằng có rất ít thứ ta thực sự phải làm để sống một cuộc đời trọn vẹn và đáng kính? Những điều đó, nếu ta có thể thực hiện, là tất cả những gì ngay cả đấng linh thiêng có thể đòi hỏi ở ta.
6. Được thôi, hãy cứ tiếp tục làm suy thoái chính mình đi, linh hồn của ta. Nhưng sớm thôi cơ hội để ngươi giữ được chân giá trị của mình (như một con người - một sinh vật lý trí) sẽ tan biến. Mỗi người chỉ có một cuộc đời. Cuộc đời của ngươi đã được dùng gần hết, và thay vì tự tôn trọng bản thân mình, ngươi lại tin tưởng giao hạnh phúc của chính ngươi cho linh hồn những kẻ khác hay sao.
7. Những sự kiện bên ngoài, chúng khiến ta sao nhãng? Vậy hãy dành thời gian để học thứ gì đó mới và có ích; nhưng đừng để bản thân bị cuốn theo mọi hướng. Đồng thời cũng phải chắc chắn rằng ta cảnh giác với những thứ mập mờ khác. Những kẻ cứ hùng hục làm cả đời mà không có mục đích cụ thể để định hướng suy nghĩ, hay thứ họ nên làm, thì thực ra đang lãng phí thời gian - dù họ có chăm chỉ đến đâu trong công việc đi chăng nữa.
8. Đừng bận tâm đến những gì diễn ra trong tâm hồn người khác - và ta sẽ hiếm khi phải phiền lòng; nhưng nếu không thể chánh niệm/quán sát những gì xảy ra trong tâm trí mình thì chắc chắn ta sẽ không thể hạnh phúc.
9. Đừng bao giờ quên những điều này:
Bản chất tự nhiên của thế giới
Bản chất của chính mình
Cách mà ta - như một con người - liên hệ, gắn chặt trong thế giới
Phần của nó mà ta có ảnh hưởng tới
Rằng ta là một phần của tự nhiên, và không ai hay thế lực nào có thể ngăn ta khỏi nói và hành động thuận theo tự nhiên, luôn luôn.
10. Khi so sánh những tội lỗi (trong cách mọi người hành xử) Theophrastus nói rằng những tội lỗi được thực hiện từ ham muốn cá nhân thì còn đáng trách hơn những tội lỗi được thực hiện trong lúc tức giận, và đó theo ta là một triết lý đúng đắn. Người đang tức giận có vẻ như đang quay lưng với lý trí, vì họ phải chịu một nỗi đau đớn, hay chấn động từ bên trong. Nhưng kẻ bị kích động bởi ham muốn, bị điều khiển bởi khoái lạc tiện nghi, có vẻ tồi tệ và vô nhân tính hơn trong tội lỗi của hắn. Theophrastus đã đúng, với một nền tảng lý luận chắc chắn, khi nói rằng những tội lỗi được thực hiện do khoái lạc thì đáng phải chịu hình phạt nặng hơn là tội lỗi được thực hiện khi chủ thể đang chịu đựng nỗi đau hay cơn chấn động ấy. Kẻ đang trong cơn giận dữ có thể xem như là một nạn nhân của sự sai trái, bị khích động bởi nỗi đau. Còn những kẻ kia, là chính chúng chọn lao vào những hành động tội lỗi bởi ham muốn, bởi khoái lạc.
Bản tiếng Anh
Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)