Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 11 (1)
1. Đặc điểm của một linh hồn thông suốt, lý trí:
Tự nhận thức, tự đánh giá chính nó, và hiểu rõ sức mạnh có thể khiến nó trở thành bất cứ thứ gì nó muốn.
Nó tự thu hoạch mùa màng của mình, chứ không như những loài cây trồng khác (và, theo một cách khác, các loài động vật), khi chúng cần được thu hoạch bởi đối tượng khác.
Nó vươn tới những mục tiêu mà chính nó đặt ra, bất kể giới hạn cuộc đời nó đặt ở đâu. Không giống như vở múa hay kịch sân khấu hay những thứ tương tự, nơi mà màn trình diễn là chưa trọn vẹn nếu bị ngắt giữa chừng, mà ở bất cứ thời điểm nào - bất kể lúc nào ta chọn - nó đều đã hoàn thành sứ mệnh của mình, hoàn thành công việc của mình một cách trọn vẹn. Bởi vậy nó có thể nói: "Ta đã làm thứ mà ta được tồn tại để làm"
Nó xem xét thế giới và khoảng không gian bao quanh thế giới, và cách mà chúng được sắp đặt cùng nhau. Nó đào sâu vào sự vô tận của thời gian để mở rộng hiểu biết và sự nhận thức về những chu kỳ sinh và tái sinh mà thế giới trải qua. Nó hiểu rằng những kẻ đến sau chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy điều gì mới lạ khác biệt, rằng những người đi trước chúng ta cũng không thấy được nhiều hơn chúng ta, và rằng bất cứ ai với 40 năm trong đời và đôi mắt thì đều đã nhìn thấy cả quá khứ và tương lai - vì cả hai đều như nhau mà thôi.
Và đây cũng là đặc tính của một linh hồn minh mẫn có lý trí:
Thương yêu những người xung quanh nó. Trung thực. Khiêm nhường. Không đặt thứ gì trên nó - đây thực ra cũng là một đặc tính của luật lệ. Không có sự khác biệt giữa lý trí và công lý.
2. Đạt đến sự khách quan, không yêu thích cũng chẳng ghét bỏ (indifference - một trong những thuật ngữ nền tảng của Stoicism) với những thứ như hát hay, nhảy đẹp, hay võ giỏi: phân tích giai điệu thành những nốt nhạc đã tạo ra chúng, và khi ta nghe mỗi nốt nhạc, tự hỏi liệu ta có bị nó chi phối, liệu ta thực sự không có quyền lực gì trước sức thu hút của nó. Điều đó là đủ để ta giữ được khoảng cách của mình.
Tương tự với điệu nhảy đẹp: những chuyển động riêng biệt và cả hoạt cảnh. Và tương tự với võ thuật.
Và với mọi thứ khác - trừ phẩm cách và thứ sinh ra từ nó. Nhìn nhận từng phần riêng biệt và từ đó dùng những phân tích để tạo cho mình thái độ không khác biệt.
Áp dụng nó cho cả tổng thể cuộc sống nữa.
3. Một linh hồn kiên nghị:
Kiên nghị trong việc tách biệt nó khỏi cơ thể. Rồi có thể là tan rã hay vỡ vụn - hay chuyển biến tiếp tục.
Nhưng sự kiên nghị đó phải đến từ lựa chọn của chính nó, chứ không phải chỉ là phản ứng lại trước những sức mạnh bên ngoài (như những người Cơ Đốc). Lựa chọn ấy phải qua sự suy xét thấu đáo, nghiêm túc, và có tính thuyết phục với cả những người khác. Mà không đóng kịch.
4. Ta đã làm điều gì đó cho lợi ích chung của cộng đồng? Nếu vậy thì ta cũng đã chia sẻ chính lợi ích đấy.
Tập trung vào điểm ấy. Và đừng từ bỏ.
5. "Và nghề nghiệp của anh?" "Lòng tốt, sự tốt đẹp" (ý chỉ của phẩm cách) (Và làm thế nào để có thể đạt được điều đó, nếu không phải từ suy nghĩ - về thế giới, về bản chất của con người?)
Lời người dịch: Bản gốc để trong ngoặc kép, mình đoán chắc Marcus trích từ một vở kịch hay tác phẩm nào đấy, nhưng không tìm được nguồn.
6. Đầu tiên, hay xem xét bi kịch. Để nhắc ta về thứ có thể xảy đến, và rằng chúng xảy đến mà không thể tránh được - và nếu có gì đó làm ta vui trên sân khấu ấy (Lời người dịch: ý chỉ việc được thưởng thức vở bi kịch. Cái “vui – pleasure” ở đây hơi khó dịch, theo mình nó không phải niềm vui theo nghĩa thường, mà là cảm giác của trái tim, của tấm lòng khi cảm thấy đồng cảm với những hoàn cảnh ấy), thì nó chẳng nên khiến ta giận dữ ở đây. Ta có nhận ra rằng đó là những thứ tất cả chúng ta đều sẽ phải trải qua, và rằng ngay cả những kẻ khóc lóc, than rằng "Ôi đỉnh Cithaeron!"(1) cũng phải chịu đựng chúng. Và một vài những đoạn rất hay khác. Ví dụ như:
Nếu ta và hai đứa con mình không thể lay động thần linh
Thì thần linh nhất định phải có những lý do của họ
hay
Và tại sao ta lại nên giận dữ với thế giới cơ chứ?
và:
Thu hoạch cuộc đời như thu hoạch ngũ cốc và các loại khác.
Rồi, sau bi kịch, là những hài kịch cổ: mang đầy tính giáo dục ẩn sau chính sự thẳng thắn của nó, lời thoại giản dị, mang đậm tính châm chọc những điệu bộ kiểu cách (Diogenes cũng dùng chính cách ấy cho cùng mục đích)
Rồi xem xét đến hài kịch Trung Đại (rồi hiện đại) và thứ chúng nhắm tới - dần dần thoái hóa thành hiện thực thuần tuý và những kỹ năng sân khấu rỗng tuếch. Không phủ nhận là có những đoạn khá hay, ngay cả ở những tác giả ấy, nhưng đâu là đích mà tất cả những thứ ấy nhắm đến - cả kịch bản lẫn dàn dựng?
7. Triết đang nhìn thẳng vào ta. Không một hoàn cảnh nào thích hợp để theo đuổi triết hơn là chính hoàn cảnh của ta ở hiện tại.
8. Một cành cây bị cắt lìa khỏi cành bên cạnh thì cũng đồng thời bị cắt lìa khỏi toàn bộ cái cây. Vậy thì một con người tách rời khỏi những người xung quanh thì cũng chính là tách rời khỏi toàn bộ cộng đồng.
Cành cây thì bị cắt bởi ai đó, một đối tượng khác. Nhưng con người thì tự tách chính mình - qua căm giận, qua chối bỏ - và không nhận ra rằng họ đang tự cắt lìa chính mình khỏi toàn bộ nhân loại.
Ngoại trừ việc chúng ta có một món quà, được ban cho ta bởi Zeus, vị thần đã tạo ra loài người. Chúng ta có thể tự hàn gắn mình và trở lại thành một phần của cái toàn thể đó.
Nhưng nếu những vết cắt tách là quá thường xuyên, nó sẽ khiến phần bị tổn thương rất khó để nối lại, và phục hồi. Ta có thể thấy sự khác biệt giữa những cành vẫn luôn ở đó từ khởi đầu, luôn gắn chặt với cây và phát triển cùng nó, và cành đã bị cắt và ghép lại.
"Một thân, hai đầu". Như cách nói của người trồng vườn.
9. Khi ta tiếp tục sống cuộc đời mình với lý trí, người khác sẽ đứng chắn con đường của ta. Họ không thể ngăn ta khỏi làm những thứ tốt đẹp; nhưng cũng đừng để họ khiến ta cảm thấy không thể hoà hợp, bao dung với họ. Hãy quan tâm đến cả hai mục tiêu đó. Không chỉ là những đánh giá cẩn trọng, hành động ngay thẳng - mà cả sự chịu đựng nữa, với những người cứ cố cản bước ta hay gây rắc rối cho ta bằng những cách khác.
Vì giận dữ cũng là một sự yếu đuối, như chính việc phá vỡ hay từ bỏ trước vấn đề. Cả hai đều là bỏ chạy: người sợ hãi, không còn muốn đối mặt nữa - và chạy trốn, và cả người khiến bản thân trở nên xa lạ với đồng loại của mình.
Vì giận dữ cũng là một sự yếu đuối, như chính việc phá vỡ hay từ bỏ trước vấn đề!
10. Tự nhiên không bao giờ thấp hơn nhân tạo; nghệ thuật sao chép tự nhiên, chứ không phải ngược lại. Và nếu ta tán thành ý kiến ấy, thì thứ tự nhiên phát triển cao nhất, toàn vẹn nhất - chính là Tạo hoá - chẳng thể nào thiếu tài khéo hơn là người thợ với sản phẩm thủ công của mình.
Giờ, mọi nghệ thuật đều tiến triển từ mục tiêu thấp đến mục tiêu cao hơn. Vậy chẳng lẽ Tạo hoá lại không làm tương tự?
Vậy nên ta có công lý (mình đoán ý Marcus là công lý là phẩm cách cao nhất). Chính là cội nguồn của mọi phẩm cách khác. Vì làm thế nào ta có thể thực hiện những gì công lý yêu cầu ở ta nếu ta để mình bị phân tâm bởi những thứ không có giá trị, nếu ta ngây thơ, cả tin, và thiếu kiên định?
11. Chính việc cố gắng đạt được những thứ ấy (những thứ bên ngoài, như tiền bạc, danh vọng, địa vị, vv.), hay cố gắng tránh chúng, khiến ta ở trong trạng thái xáo động. Vậy mà chúng lại còn chẳng tìm đến ta, mà thực ra chính ta là kẻ tìm đến chúng.
Hãy thôi xét đoán về chúng, bận tâm đến chúng. Và ngay lập tức chúng sẽ ngoan ngoãn nằm im, và ta sẽ thoát khỏi cuộc đuổi bắt ấy.
Bản tiếng Anh
Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)

Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất