Dù biết là đã có nhiều người dịch lại tác phẩm này, song mình vẫn muốn dịch lại nó theo cách hiểu (chủ quan) của bản thân. Cũng đồng nghĩa với việc trong lúc dịch mình cố gắng đặt vị thế của mình vào tác giả hoặc cố gắng biến đổi ý nghĩa lại sao cho phù hợp với cái biết của mình. Cho nên chắc chắn có sự không chính xác một chút so với bản gốc, nên cũng khuyến khích các bạn tham khảo thêm tác phẩm chính hoặc bản dịch của những người khác. Cụ thể hơn là bản dịch của bác Andy Luong, vì mình cũng tham khảo nhiều từ bản dịch của bác ấy.
Hiện tại mình sẽ dịch từ Book 2 trước, vì thấy Book 1 các bản dịch khác cũng khá ổn, sau khi dịch hết thì mình sẽ quay lại dịch Book 1 sau.
1. Mỗi sáng thức dậy, hãy tự nhủ: Những người mà ta gặp hôm nay có thể sẽ phiền phức, vô ơn, kiêu ngạo, giả dối, ghen tuông và ngang tàng. Họ như thế bởi họ không có khả năng phân biệt tốt xấu. Nhưng ta đã thấy vẻ đẹp của cái thiện và cái xấu của cái ác, và cũng nhận ra rằng những kẻ khác thực ra cũng có sự tương quan với ta - không phải từ chung một dòng máu, nhưng là cùng chung một bản chất tâm trí - cái mà được Tự nhiên ưu ái ban cho. Không ai trong số họ có thể thực sự làm hại ta. Cũng không ai trong số họ có thể tác động ta làm những điều xấu. Hoặc ta cũng không thể tức giận với những người tương quan với mình, hay ghét bỏ họ. Chúng ta tồn tại một cách tương liên với nhau như tay, chân, mắt, … Và như thế chống đối lại nhau là trái với Tự nhiên. Và tức giận với ai hay quay lưng lại với họ chính là sự trái nghịch đó.
2. Dù ta có là gì, thì nó chỉ đơn thuần là xác thịt, hơi thở và tâm trí. Hãy vứt bỏ sách vở giáo điều, cũng như đừng để bị phân tâm. Thay vào đó, giả như ta có thể chết ngay lúc này, thì hãy xem nhẹ thân xác. Chúng chỉ là một đống máu thịt, xương, dây thần kinh, tĩnh mạch. Cũng như hãy xem xét hơi thở là gì: chỉ là không khí, luôn thay đổi, mỗi khi ta thở ra rồi lại hít vào. Cuối cùng, là tâm trí. Hãy nghĩ như thế này: ta là kẻ già dặn; vì vậy đừng để tâm trí mình bị nô lệ, lôi kéo như một con rối bởi những ham muốn ích kỷ, và chống đối lại thực tại, rồi sau cùng ngờ vực về tương lai.
3. Mọi điều thiêng liêng đều là sự tất yếu. Ngay cả may rủi cũng không tách rời khỏi Tự nhiên, khỏi sự đan xen trùng điệp trong việc vận hành của nó. Mọi thứ đều từ nó mà ra. Và rồi có một sự cần thiết, hay những thứ được cần đến cho sự vận động đó, mà ta là một phần trong đó. Bất cứ gì mà toàn thể Tự nhiên vận hành, cũng như bất cứ gì cần thiết cho sự hiện diện đó, thì cũng đều là tốt (theo Tự nhiên) cho từng bộ phận cấu thành lên nó. Thế giới được vận hành bởi sự thay đổi - trong mọi điều vi tế lẫn mọi thứ được hiện diện ra. Và như thế là đủ cho ta rồi, hãy xem đó là sự tất yếu. Hãy loại bỏ cơn khát kiến thức của mình, rồi ta sẽ không chết trong cay đắng, mà là trong sự hân hoan cùng lẽ thật, và biết ơn các vị thần tự tận sâu trái tim mình.
4. Hãy nghĩ xem ta đã trì hoãn bao lâu rồi, và hoang phí những khả năng mà Tự nhiên đã ban tặng cho ta. Hãy cố gắng nhận ra ta thuộc về nơi nào, quyền năng nào vận hành nó và ta đến từ đâu; cũng như nhận ra sự hạn chế của thời gian mà nếu ta không tận dụng nó để khai phóng chính mình, thì nó sẽ qua đi và không bao giờ trở lại. 
5. Hãy chú tâm trong mọi khoảnh khắc, như một người La Mã - như một con người - để thực hiện những nghĩa vụ của ta với sự chính xác và nghiêm túc, cẩn trọng, quyết tâm và công bằng. Hãy giải phóng bản thân khỏi sự xao nhãng. Và đúng, ta hoàn toàn có thể (giải phóng khỏi xao nhãng) - nếu ta làm mọi thứ như thể đó là việc cuối cùng ta được làm trong đời, và đừng sống không có mục đích, cũng như đừng để cảm xúc chi phối bản thân, đừng đạo đức giả, vị kỷ, hay bất bình. Ta có thấy rằng có bao nhiêu thứ mà ta cần phải làm để có thể có một cuộc đời trọn vẹn và đáng kính ? Những thứ mà nếu ta có thể thành toàn, thì ngay cả những vị thần cũng không thể đòi hỏi gì hơn.
6. Vâng, hãy cứ tiếp tục hèn kém đi, linh hồn của ta. Nhưng sớm thôi cơ hội để thể hiện phẩm giá của ta sẽ không còn. Ai rồi cũng chỉ có một đời để sống. Và sẽ đến lúc đời ta đến hồi kết, và thay vì sống đời mình với sự tự trọng, thì ngươi lại giao phó vào bàn tay của kẻ khác.
7. Những thứ bên ngoài làm sao lãng ta ? Vậy thì hãy dành thời gian học những gì đáng giá; đừng để bản thân bị lôi kéo bởi mọi thứ. Và cũng phải chắc chắn đề phòng với những thứ mập mờ. Nhiều người quần quật cả đời mà không có phương hướng để dẫn dắt cho ý định của mình thì chỉ là đang phí thời gian - kể cả khi họ có chăm chỉ tới đâu đi nữa.
8. Đừng bận tâm đến những gì diễn ra trong tâm trí kẻ khác - và ta sẽ không phải phiền lòng. Cũng như nếu ta không chú tâm vào những gì diễn ra trong tâm trí mình, thì ta cũng khó mà hạnh phúc.
9. Đừng bao giờ quên những điều sau:
Bản chất tự nhiên của thế giới.
Bản chất của chính ta.
Cách ta tương quan với mọi thứ quanh mình.
Mức độ tương quan mà ta tác động.
Và ta là một phần của Tự nhiên, cũng như không gì có thể ngăn cản ta nói và hành xử thuận theo Tự nhiên, luôn luôn.
10. Khi so sánh những tội lỗi (theo cách mọi người hành xử) Theophrastus cho rằng những tội lỗi bắt nguồn từ ham muốn thì tồi tệ hơn những tội lỗi được thực hiện bởi sự sân hận, và ta thấy điều đó là đúng. Những người đang tức giận quay lưng lại với lý trí bởi vì họ phải chịu đựng sự đau đớn hay sự kích động mạnh mẽ ở bên trong. Trong khi những kẻ bị ham muốn chi phối thì bị dẫn dắt bởi khoái lạc, điều trông có vẻ nhu nhược và hèn kém hơn trong tội lỗi của mình. Theophrastus đã đúng, và với tiếng nói triết lý, rằng tội lỗi bắt nguồn từ ham muốn xứng đáng chịu phạt nặng nề hơn là tội lỗi từ kẻ đang phải chịu đựng nỗi đau kích động. Kẻ đang giận giữ giống như một nạn nhân của điều sai trái, bị thao túng bởi nỗi đau. Còn những kẻ kia thì do chính chúng tự lao vào tội lỗi bởi ham muốn khoái lạc của mình.
11. Cuộc sống của ta có thể chấm dứt ngay lúc này. Hãy biết điều đó để quyết định xem ta nên làm, nói, hay nghĩ thế nào. Nếu các vị thần thực sự tồn tại, thì việc từ giã cõi đời này không phải là điều đáng sợ, bởi các vị thần sẽ không bao giờ có ý định làm hại ta. Còn nếu các vị thần không tồn tại, hoặc không bận tâm chúng ta ra sao, vậy thì việc sống trong một thế giới không có các vị thần hay Thượng đế cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Nhưng họ thực sự tồn tại, và họ quan tâm chúng ta, và mọi thứ mà ta cần để tránh những sự tổn thương thực sự đều đã sẵn có bên trong mình. Nếu cái chết thực sự tai hại, thì các vị thần cũng đã trang bị cho ta mọi thứ đủ để đối mặt với nó. Và nếu cái chết không thể tổn hại tới phẩm cách của ta, vậy thì làm sao nó có thể tổn hại cuộc đời ta ? Tự nhiên sẽ không bỏ qua những hiểm họa như thế vì không nhận ra chúng, hoặc cũng không phải vì bất lực trong việc ngăn chặn hoặc cải thiện chúng. Và nó cũng không bao giờ vì vô ý mà mắc những sai lầm khiến những điều tốt xấu xảy ra ngẫu nhiên giữa người thiện và kẻ ác. Nhưng sống hay chết, thành hay bại, đau đớn hay khoái lạc, giàu hay nghèo, tất cả điều này đều xảy ra với mọi người, chúng không quý cũng không tiện - và vì thế cũng chẳng tốt hay xấu.
12. Hãy thấy mọi thứ tan biến nhanh chóng ra sao - tất cả mọi thứ trong đời, tất cả ký ức về chúng theo thời gian. Cũng như thấy được bản chất tự nhiên của mọi điều mà ta trải nghiệm, đặc biệt là những thứ thu hút ta bằng khoái lạc, hoặc đe dọa ta với đớn đau, hay nịnh hót ta bằng tính tự phụ. Để nhìn thấu được những thứ đó - thấy chúng ngu ngốc, đáng khinh, dơ bẩn, mục rữa, và chết chóc ra sao - chính là lý do cho trí tuệ của ta tồn tại. Cũng như để thấy cách mà lời nói và ý tưởng của con người tạo nên giá trị của họ. Và rồi hiểu cái chết là gì - rằng nếu ta nhìn vào nó một cách tổng quan rồi phân tích nó bằng logic và lý trí, ta sẽ nhận ra rằng nó chỉ đơn thuần là một tiến trình của Tự nhiên (mà còn là tiến trình tất yếu phải có), thứ mà chỉ có trẻ con mới sợ hãi. Và sau cùng là biết cách nào mà con người có thể vươn đến với các vị thần, với những phẩm cách gì, và những phẩm cách đó phải vẹn toàn ra sao.
13. Không gì đáng thương hơn những người cứ mãi lăng xăng quanh quẩn, “đào bới những mọi thứ xung quanh” và chúi mũi tìm tòi ở tâm trí của người khác, họ không bao giờ nhận ra những gì phải làm chính là chú tâm vào sức mạnh bên trong và tôn sùng nó hết mực. Tôn sùng nó bằng cách giữ nó không bị xáo trộn bởi sự hỗn loạn, không mục đích và bất mãn với thực tại -  với Tự nhiên và con người. Những thứ của Tự nhiên thì đáng để ta tôn trọng vì chúng tốt đẹp; và những thứ đến từ con người thì đáng để ta cảm mến vì chúng giống ta. Và cả vì lòng thương hại nữa, đôi khi, vì họ không có khả năng phân biệt tốt xấu, và như thế thì cũng tệ hại không khác gì một người mù loà không phân biệt được trắng đen.
14. Dù cho ta có sống thêm ba ngàn năm nữa, hay gấp mười lần số ấy, thì hãy nhớ rằng ta không thể mất cuộc đời nào khác ngoài cuộc đời mà ta đang sống, hay sống một cuộc đời nào khác ngoài cuộc đời ta đang mất đi. Cuộc đời dài nhất hay ngắn nhất gì cũng thế. Bởi khoảnh khắc hiện tại là như nhau với mọi người, và mất đi nó cũng thế, vì ta phải hiểu rõ rằng cái hiện tại tức thời này là tất cả mọi thứ ta có để bị mất. Bởi ta chẳng thể mất đi quá khứ hay tương lai, vì ta không thể mất đi cái mà ta không sở hữu.
Hãy ghi nhớ hai điều:
I. Rằng mọi thứ vẫn chỉ như thế thôi, cứ mãi lặp lại, và chẳng có gì khác biệt dù ta có thấy chúng lặp lại trong một trăm, hai trăm năm hay trong vô hạn thời gian.
II. Rằng người sống lâu nhất hay người chết sớm nhất thực ra cũng chỉ mất đi cùng một thứ. Hiện tại là tất cả những gì mà họ có thể mất đi, vì đó là thứ duy nhất họ có, và với những thứ mà ta vốn không có thì ta cũng không thể mất đi. (quá khứ thì qua rồi mà tương lai thì chưa tới, chỉ có khoảnh khắc “bây giờ” thôi)
 15.“Tất cả chỉ là quan điểm (của ta)” - Monimus the Cynic, điều đó đúng là hiển nhiên. Nhưng một quan điểm vẫn có thể hữu dụng nếu ta sử dụng nó một cách hữu ích.
16. Tâm trí con người rất dễ tự trở nên hèn kém:
I. Nhất là khi nó trở thành ung nhọt, cố tách rời bản thân khỏi thế giới. Nó bất bình với mọi thứ xung quanh và như muốn phân ly khỏi Tự nhiên - thứ vốn là bản chất của mọi điều.
II. Khi nó quay lưng với người khác hay cố làm hại họ, như một linh hồn đầy sân hận.
III. Khi nó bị lu mờ bởi khoái cảm hoặc nỗi đau.
IV. Khi nó đạo đức giả và hành xử một cách giả tạo.
V. Khi nó dung túng cho những hành vi của nó hay những kích thích bản năng, bồng bột và hỗn loạn: hãy biết ngay cả những việc làm nhỏ nhất cũng cần hướng đến một mục tiêu. Và mục tiêu của con người có lý trí là tuân theo những quy tắc và điều luật đã có từ ngàn xưa.
 17. Đời người :
Độ dài: chỉ trong khoảnh khắc
Bản chất: vô thường
Nhận thức: không vẹn toàn
Cơ thể: dần hoại diệt
Tâm trí: luôn đổi thay
Vận mệnh: khó lường
Thanh danh : không bền vững.
Tóm lại: Thân thể ta như một dòng sông, tâm trí như một giấc mơ mờ ảo, cuộc đời như một cuộc viễn chinh, và danh tiếng có ra sao thì cũng sẽ rơi vào quên lãng.
Vậy thứ gì có thể dẫn dắt ta ? Chỉ có triết.
Tức là việc đảm bảo rằng nội tâm ta vẫn an toàn và tự do khỏi sự công kích, rằng nó phải vượt lên trên khỏi khoái lạc và đớn đau, rằng không được hành xử bất lương hay tùy tiện, rằng không lệ thuộc vào bất kỳ ai để làm hoặc không làm điều gì. Và đảm bảo rằng nó chấp nhận mọi điều diễn ra cũng như hiểu rằng chúng cũng vốn đến từ nơi mà ta đến (cùng bản chất từ Tự nhiên). Và trên hết, chấp nhận cái chết với một tinh thần bình thản, thứ mà chẳng là gì ngoài sự tan rã của những thành phần mà từ đó những sự sống khác được khởi sinh. Nếu tự nhiên không làm tổn hại khi biến chuyển những thứ riêng lẻ thành một thứ kiện toàn, thì tại sao ta lại sợ việc tan rã ra của chúng ? Đó là vòng luân hồi của tự nhiên. Và những gì theo tự nhiên thì chẳng có gì là xấu.