[Dịch] 1984 - George Orwell - Phần 2
Nhưng nó cũng được gợi ý từ cuốn sổ anh ta vừa lấy ra từ ngăn kéo bàn. Đó là một cuốn sổ đẹp đến kỳ lạ. Thứ...
Nhưng nó cũng được gợi ý từ cuốn sổ anh ta vừa lấy ra từ ngăn kéo bàn. Đó là một cuốn sổ đẹp đến kỳ lạ. Thứ giấy nhẵn mịn màu kem, hơi ngả vàng vì năm tháng, thuộc dạng đã không được sản xuất từ ít nhất bốn mươi năm trở lại đây. Tuy vậy anh ta đoán rằng cuốn sách này phải cổ hơn nhiều. Anh đã thấy nó nằm nơi cửa sổ của một cửa hàng đồ cũ nhếch nhác trong một khu ổ chuột trong thành phố (chính xác là khu nào thì lúc này anh ta không nhớ) và đã ngay lập tức bị tấn công bởi một ham muốn mãnh liệt phải sở hữu nó. Các thành viên của Đảng đúng ra là không nên vào những cửa hiệu thông thường (đó được gọi là ‘trao đổi trên thị trường tự do’) nhưng luật này không được nghiêm ngặt tuân thủ vì có nhiều thứ, chẳng hạn như dây giày và dao cạo, hoàn toàn không thể mua được bằng cách nào khác. Anh ta đã liếc nhìn ngược xuôi khắp con đường và rồi lách mình vào bên trong và mua cuốn sổ với giá hai đôla rưỡi. Ngay lúc ấy thì anh ta không ý thức được bất kỳ mục đích cụ thể nào trong việc muốn có nó cả. Anh mang nó về nhà một cách tội lỗi trong cặp. Dù bên trong không viết gì thì nó vẫn là một vật sở hữu nguy hiểm.
Việc mà anh ta sắp thực hiện chính là mở quyển nhật ký ra. Nó không phạm pháp (không có gì là phạm pháp cả vì không có bất kỳ luật lệ nào hết) nhưng nếu bị phát giác thì chắc chắn là hành động này sẽ bị trừng phạt bằng án tử hay ít nhất là hai mươi lăm năm trong trại lao động khổ sai. Winston gắn ngòi vào cái quản bút và hút nó để đánh tan mỡ. Cây bút là một dụng cụ cổ xưa hiếm khi nào được dùng đến thậm chí là để ký tên, và anh ta đã xoay sở một cách lén lút, không kém phần khó khăn mới kiếm được, đơn giản vì cảm giác rằng thứ giấy ngà ngà đẹp đẽ này xứng đáng được viết bằng một cái ngòi bút thật sự thay vì bị cào xước bởi một cây bút chì mực. Thật ra thì anh ta không quen với việc viết tay. Ngoại trừ những ghi chú rất ngắn thì anh ta thường đọc mọi thứ vào cái máy nói-viết và dĩ nhiên là không thể dùng nó cho mục đích hiện tại. Anh ta chấm bút vào mực và rồi chần chừ trong một giây. Một cơn run rẩy lan tỏa khắp bao tử anh ta. Đánh dấu lên giấy là một hành động mang tính quyết định. Anh ta viết những ký tự nhỏ vụng về:
Ngày 4 tháng Tư, 1984.
Anh ta ngửa ra sau. Một cảm giác hoàn toàn bất lực xâm chiếm lấy anh. Trước tiên, anh ta không thể biết chắc rằng đó là năm 1984. Hẳn là phải vào khoảng đó vì anh ta khá chắc rằng mình ba mươi chín tuổi, và tin rằng mình sinh năm 1944 hay 45, nhưng dạo này thì không có cách gì ấn định ngày tháng chính xác trong khoảng một hay hai năm cả.
Đột nhiên anh ta tự hỏi rằng mình đang viết nhật ký này cho ai. Cho tương lai, cho những người chưa ra đời. Đầu óc anh ta lẩn quẩn một lúc quanh cái ngày đầy ngờ vực trên trang giấy và rồi đâm sầm vào một từ Tân Ngữ, SUY NGHĨ KÉP. Lần đầu tiên anh ta nhận thức được tầm quan trọng của việc mình đã làm. Làm thế nào để liên lạc với tương lai? Về bản chất, việc đó là bất khả. Hoặc là tương lai sẽ giống với hiện tại, trong trường hợp đó thì nó sẽ không lắng nghe anh; hoặc là nó sẽ khác biệt với hiện tại, và tình thế khó khăn của anh ta sẽ trở nên vô nghĩa.
Anh ta ngồi đó nhìn chằm chằm một cách ngu ngốc vào trang giấy một lúc lâu. Màn phát thanh đã chuyển sang nhạc quân sự chóe tai. Thật kỳ lạ vì anh ta có vẻ như không chỉ mất đi khả năng diễn đạt bản thân mà còn quên mất đi điều mà anh ta đã định nói ban đầu. Trong mấy tuần vừa qua anh ta đã chuẩn bị cho giây phút này, và chưa bao giờ anh ta nghĩ rằng mình cần gì khác ngoài sự can đảm. Việc viết lách thì sẽ dễ dàng thôi. Tất cả những gì anh phải làm là chuyển sang mặt giấy bài độc thoại triền miên không nghỉ vẫn luôn tuôn chảy trong đầu mình hàng mấy năm qua. Tuy nhiên trong khoảnh khắc này thì thậm chí bài độc thoại đó cũng đã khô cạn đi. Hơn thế nữa, chỗ loét tĩnh mạch của anh ta bắt đầu trở nên ngứa ngáy không thể chịu được. Anh ta không dám gãi vì làm vậy thì nó sẽ luôn viêm tấy. Từng giây trôi qua. Anh ta không để tâm đến gì khác ngoài sự trống trơn của trang giấy trước mặt, sự ngứa ngáy của phần da bên trên mắt cá, tiếng nhạc chói tai, và cảm giác ngà ngà say gây ra bởi rượu gin.
Đột nhiên anh ta bắt đầu viết trong hoảng loạn tột cùng, không hoàn toàn nhận thức được những gì mình đang viết. Chữ viết tay nhỏ nhưng trông trẻ con của anh ta tràn ra lộn xộn trên dưới trang giấy, ban đầu rụng mất những chữ in hoa và cuối cùng ngay cả những dấu chấm câu:
Ngày 4 tháng Tư, 1984. Đêm qua đến rạp phim. Đều là phim chiến tranh. Một phim rất hay về một con tàu đầy dân tỵ nạn bị bỏ bom đâu đó trên Địa Trung Hải. Khán giả rất thích thú với những cảnh của một người đàn ông to lớn mập mạp đang cố bơi đi trong khi bị một trực thăng đuổi theo sau, ban đầu ta thấy ông ta lặn ngụp trong nước như một con cá heo, rồi thấy ông ta qua ống ngắm của súng trên trực thăng, rồi người ông ta đầy lỗ và nước biển xung quanh ông ta chuyển màu hồng và ông ta chìm tụt xuống như thể những cái lỗ để nước tràn vào vậy, khán giả hò reo khi ông ta chìm. rồi ta thấy một thuyền cứu sinh đầy trẻ em với một chiếc trực thăng lượn lờ bên trên. có một phụ nữ trung niên hình như là người do thái đang ngồi co ro cùng với một đứa bé khoảng ba tuổi trong tay. thằng bé la hét trong kinh hãi và vùi đầu nó vào ngực bà ta như thể đang cố chui hẳn vào bên trong bà và người phụ nữ vòng tay ôm và dỗ dành nó mặc dù chính bản thân bà ta đang sợ xanh mặt, lúc nào cũng che chắn cho nó hết khả năng như thể bà cho rằng cánh tay mình có thể bảo vệ nó khỏi những viên đạn. rồi chiếc trực thăng ném một quả bom hai mươi ký vào giữa họ ánh chớp kinh khủng và chiếc thuyền nát vụn thành từng mảnh. rồi đến một phân cảnh tuyệt vời của một cánh tay trẻ con văng lên cao cao cao trong không khí một chiếc trực thăng với máy quay ở mũi hẳn đã theo sát nó và có rất nhiều tiếng hoan hô trong đám khán giả đang ngồi nhưng một phụ nữ ở dưới hàng dành cho vô sản trong rạp bỗng bắt đầu làm rộn lên và hét lên rằng họ đáng ra không nên chiếu cảnh đó không chiếu trước mặt lũ trẻ họ không nó không đúng đắn không chiếu cho trẻ con nó không cho đến khi cảnh sát lôi lôi bà ta ra ngoài tôi không nghĩ bà ta gặp rắc rối gì không ai quan tâm đến những gì đám vô sản nói phản ứng điển hình của những kẻ vô sản họ không bao giờ –
Winston ngừng viết, một phần vì bị chuột rút. Anh ta không biết điều gì đã khiến mình tuôn ra chuỗi rác rưởi này. Nhưng kỳ lạ là trong khi anh ta viết thì một ký ức hoàn toàn khác định hình rõ rệt trong tâm trí, đến mức anh ta cảm thấy như có thể viết nó ra. Giờ thì anh ta nhận ra rằng chính là vì sự kiện này mà anh ta đã đột ngột quyết định quay về nhà và bắt đầu cuốn nhật ký hôm nay.
Nó đã xảy ra vào buổi sáng ở Bộ, nếu một thứ mù mờ như vậy cũng có thể gọi là xảy ra.
Gần mười một giờ và trong Sở Ký Lục nơi Winston làm việc, mọi người đang kéo ghế khỏi ngăn phòng làm việc và tập họp chúng lại ở chính giữa sảnh đối diện một màn phát thanh lớn, chuẩn bị cho Hai Phút Căm Ghét. Winston vừa mới ngồi xuống một chỗ hàng giữa thì hai người anh ta biết mặt nhưng chưa bao giờ nói chuyện bất ngờ tiến vào phòng. Một người là một cô gái mà anh ta thường chạm mặt trong hành lang. Anh không biết tên cô nhưng biết rằng cô ta làm việc cho Sở Tiểu Thuyết. Vì thỉnh thoảng anh lại thấy cô với hai tay dính đầy dầu và mang theo một cái cờ lê, anh đoán rằng cô làm công việc cơ khí nào đó cho một trong những cái máy viết tiểu thuyết. Cô ta là một cô gái trông có vẻ dạn dĩ khoảng hai mươi bảy tuổi, với mái tóc dày, một khuôn mặt đầy tàn nhang và những cử động nhanh nhẹn khỏe khoắn. Một cái thắt lưng mảnh màu đỏ tươi, biểu tượng của Liên Đoàn Trẻ Chống Tình Dục, được quấn vài vòng quanh eo bên ngoài bộ áo liền quần của cô, chỉ đủ chật để làm nổi rõ hình dáng hông cô. Winston đã không thích cô ta từ giây phút đầu tiên nhìn thấy. Anh ta biết lý do tại sao. Đó là bởi vì bầu không khí của những sân khúc côn cầu và bồn tắm nước lạnh và những buổi đi bộ cộng đồng và nói chung là tâm hồn trong sạch mà cô ta bằng cách nào đó mang theo bên mình. Anh không thích hầu như tất cả phụ nữ và đặc biệt là những người trẻ đẹp. Luôn là phụ nữ, và trên hết những phụ nữ trẻ, là những người tin tưởng mù quáng nhất vào Đảng, những kẻ nuốt lấy nuốt để những khẩu hiệu, những gián điệp nghiệp dư và những kẻ chĩa mũi vào mọi thứ không chính thống. Nhưng riêng cô gái này thì cho anh ta ấn tượng nguy hiểm hơn tất thảy. Một lần khi họ lướt qua nhau ở hành lang cô ta đã ném cho anh một cái liếc ngang dường như xuyên thấu và trong một khoảnh khắc khiến anh ta bị nhận chìm trong một nỗi kinh hoàng đen tối. Anh chưa từng nghĩ đến việc cô ta có thể là mật vụ của Cảnh Sát Tư Tưởng. Đúng là việc đó có vẻ rất khó xảy ra. Thế nhưng anh vẫn tiếp tục có cảm giác khó chịu kỳ lạ, trộn lẫn giữa sự sợ hãi và thù địch, mỗi khi cô ta xuất hiện đâu đó gần cạnh.
Người còn lại là một người đàn ông tên O’Brien, một thành viên Nội Đảng và đảm nhiệm một chức vụ vô cùng quan trọng và cao xa đến mức Winston chỉ có khái nhiệm mơ hồ về tính chất của nó. Một sự tĩnh lặng nhất thời lan truyền trong nhóm người đang ngồi khi họ nhìn thấy bộ áo liền quần đen của một thành viên Nội Đảng tiến lại gần. O’Brien là một người đàn ông to lớn vạm vỡ với một cái cổ dày dặn và một khuôn mặt thô ráp, vui tính, cục súc. Mặc dù có ngoại hình đáng sợ, cung cách của ông ta lại có một nét duyên nào đó. Ông ta có một mánh chỉnh kính trên mũi rất dễ khiến người ta mất cảnh giác – theo một cách không thể định nghĩa nào đó, văn minh kỳ lạ. Đó là một điệu bộ mà, nếu vẫn còn có người suy nghĩ theo cách như thế, thì có lẽ gợi nhớ đến một quý tộc thế kỷ mười tám trưng hộp thuốc ra mời khách. Winston có lẽ đã gặp O’Brien khoảng hơn chục lần trong từng ấy năm. Anh ta cảm thấy bị cuốn hút mãnh liệt bởi người đàn ông này, và không chỉ trí tò mò của anh bị kích thích bởi sự tương phản giữa cung cách đô thị của O’Brien và ngoại hình võ sỹ của ông ta. Phần nhiều là vì một niềm tin bí mật – hay có lẽ thậm chí không phải niềm tin mà chỉ là niềm hy vọng – rằng tư tưởng chính trị chính thống của O’Brien không hoàn hảo. Có cái gì đó nơi khuôn mặt ông ta gợi ý điều này một cách không cưỡng lại được. Và rồi, có lẽ hiện ra trên mặt ông ta không hẳn là sự không chính thống mà đơn giản là trí thông minh. Nhưng dù thế nào đi nữa thì ông ta cũng có vẻ ngoài của một người ta có thể trò chuyện cùng nếu bằng cách nào đó ta có thể đánh lừa màn truyền thanh và ở một mình với ông ta. Wiston chưa bao giờ bỏ chút công sức nào để xác minh suy đoán này: thật ra thì không có cách nào để xác minh cả. Lúc này O’Brien liếc nhìn đồng hồ đeo tay, nhận thấy đã gần mười một giờ, và rõ ràng quyết định sẽ nán lại Sở Ký Lục cho đến hết Hai Phút Căm Ghét. Ông ta ngồi xuống một chiếc ghế cùng hàng với Winston, cách anh ta vài chỗ. Một phụ nữ nhỏ nhắn tóc màu cát làm việc ở khoang kế bên Winston ngồi giữa họ. Cô gái tóc đen ngồi ngay phía sau.
Giây phút tiếp theo một bài diễn văn gớm ghiếc, kêu ken két như thể một chiếc máy quái dị khô dầu nào đó, bùng phát từ cái màn phát thanh lớn phía cuối phòng. Nó là thứ âm thanh khiến răng người ta đánh lập cập và tóc sau gáy dựng đứng cả lên. Căm Ghét đã bắt đầu.
Như thông lệ, khuôn mặt của Emmanuel Goldstein, Kẻ Thù của Nhân Dân, lóe lên trên màn hình. Đây đó trong đám khán giả vang lên những tiếng huýt gió. Người phụ nữ nhỏ bé tóc màu cát phát ra một tiếng rít trộn lẫn giữa sợ hãi và ghê tởm. Goldstein là một kẻ phản bội và sa ngã đã từng có lúc, rất lâu trước đó (bao lâu thì không ai nhớ ra được), là một trong những nhân vật lãnh đạo của Đảng, gần như ngang hàng với chính Anh Cả, và rồi đã dính líu đến những hoạt động phản cách mạng, bị tuyên án tử, và trốn thoát, biến mất một cách bí ẩn. Chương trình cho Hai Phút Căm Ghét đa dạng mỗi ngày nhưng không có ngày nào mà Goldstein không phải là nhân vật chính. Lão ta là tên phản bội đầu sỏ, kẻ đầu tiên làm uế tạp sự trong sạch của Đảng. Tất cả những tội ác tiếp sau chống lại Đảng, tất cả những sự lừa dối, những hành động phá hoại ngầm, những nghịch thuyết, tư tưởng lệch lạc, đều đâm chồi trực tiếp từ sự truyền dạy của lão. Ở một nơi nào đó lão vẫn còn sống và đang ủ mưu: có lẽ là một nơi nào đó bên kia biển, dưới sự bảo vệ của những mạnh thường quân ngoại quốc, hay thậm chí là – như vẫn thỉnh thoảng nghe đồn – ở một chỗ trốn nào đó trong chính Oceania.
Cơ hoành của Winston siết lại. Anh ta không thể nhìn mặt của Goldstein mà không cảm thấy một mớ cảm xúc đau đớn lẫn lộn. Đó là một khuôn mặt Do Thái gầy với một vầng hào quang mờ của tóc trắng và một hàm ria mép nhỏ – một khuôn mặt thông minh thế nhưng không hiểu sao vẫn mang vẻ đáng khinh cố hữu, với một sự ngờ nghệch tuổi già nơi chiếc mũi thon dài, gần cuối mũi treo một cặp kính. Nó trông như khuôn mặt của một con cừu và giọng nói cũng có một chất gì đó của cừu. Goldstein đang phun ra những lời tấn công độc địa chống lại những giáo điều của Đảng – một sự tấn công phóng đại và gian trá đến mức ngay cả một đứa trẻ cũng có thể nhìn thấu, nhưng cũng lại có vẻ hợp lý vừa đủ để lấp đầy người nghe với cảm giác rằng những người khác, ít tỉnh táo hơn họ, có thể bị nó lôi kéo. Lão đang sỉ nhục Anh Cả, lão đang tố cáo sự độc tài của Đảng, lão đang yêu cầu chấm dứt ngay lập tức hòa ước với Eurasia, lão đang chủ trương ủng hộ tự do ngôn luận, tự do Báo Chí, tự do tụ tập, tự do suy nghĩ, lão đang kêu gào một cách cuồng loạn rằng cuộc cách mạng đã bị phản bội – tất cả trong một bài diễn văn đa âm tiết dồn dập, nhại theo phong cách thường thấy của những diễn giả của Đảng, và thậm chí còn bao gồm cả những từ Tân Ngữ: thật ra là còn nhiều từ Tân Ngữ hơn bất kỳ thành viên nào của Đảng thường dùng trong cuộc sống hàng ngày.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất