Điều gì có thể khiến chúng ta vượt lên mọi khó khăn và thử thách trong cuộc sống?
Mình đã đọc cuốn sách này hai lần, một lần cách đây khoảng hai năm và lần này vừa mới đây. Mỗi lần mình lại nhận thấy một điều mới, một cách nhìn mới.
Nếu cách đây hai năm, khi đọc lần đầu tiên, điều mình ấn tượng và luôn ghi nhớ trong đầu là hình ảnh của trại tập trung Auschwitz của Đức quốc xã – một trong những trại tập trung đã diễn ra thảm họa diệt chủng Do Thái trong những năm Chiến tranh thế giới thứ II. Hình ảnh những con người đã bị lột bỏ hết tất cả mọi thứ bao bọc bên ngoài và hoàn toàn trở nên trần trụi, không tiền, không tư trang quần áo và không giữ lại được cả cái tên. Mọi thứ được sử dụng làm nhân dạng một con người đều bị lấy mất, mỗi người chỉ còn giữ lại được một dãy số được gọi là số hiệu tù sử dụng khi lập danh sách. Danh sách lao động, hoặc danh sách đi lên thiên đường. Không ai biết được rằng liệu ngày mai mình có thể trở thành một moslem, người sẽ được đi đến lò thiêu hoặc phòng hơi ngạt - nơi được ngụy trang bằng tấm biển ghi “nhà tắm” ở bên ngoài, hay không. Niềm vui duy nhất trong những tháng năm ấy là được ăn, những mẩu bánh mỳ nhỏ xíu hoặc một ít xúp, và được lao động, vì còn làm việc được cũng đồng nghĩa với còn sống được thêm 1 ngày. Đói ăn, lao động vất vả, cái chết cận kề là những hiện thực không thể nào chối bỏ và cũng không có cách nào thay đổi được, hoặc chấp nhận hoặc là chết.
Gần đây khi mình đọc lại một lần nữa, hình ảnh trại tập trung vẫn còn đó nhưng lần này mình đã cho bản thân mình hiểu hơn về những người sống sót cho đến cuối cùng. Cùng một hoàn cảnh như nhau, nhưng không ít người đã không thể đi được đến đích là ngày mà tất cả mọi người được giải phóng và trở về với cuộc sống tự do.
Có thể nói tất cả những người còn sống trong trại đều có chung một vạch xuất phát vì họ đều có được thêm một cơ hội sống. Trong lần tuyển chọn đầu tiên, họ đã được chọn đưa sang bên phải thay vì bên trái là con đường đi đến thiên đường. Tất cả mọi người đều bị lấy đi tất cả, không ai còn giữ lại điều gì. Họ sống trong những buồng giam như nhau, ăn uống đói khát như nhau và đều chịu những hành hạ về thể xác lẫn tinh thần như nhau.
Nhưng, có những người đã lựa chọn buông xuổi tất cả. Trong những tháng ngày ngặt nghèo, khốn khổ họ không biết được tại sao mình phải chịu đựng những điều này, những điều mà bản thân họ không thể nào thay đổi được. Họ hi vọng và thất vọng vì mất dần niềm tin vào tương lai phía trước. Họ rơi vào trạng thái chân không, không còn phản ứng, không còn tha thiết hay sợ hãi bất cứ điều gì kể cả đòn roi hoặc cái chết. Trong lúc này, cái chết là điều duy nhất có thể giải thoát được họ khỏi hiện thực khủng khiếp hiện tại.
Còn những người còn lại, những người còn sống sót là những người luôn tin rằng còn một điều gì đó đang chờ đợi mình, gia đình, một người nào đó hoặc một công việc gì đó mà chính mình phải là người hoàn thành. Họ tin rằng luôn có một lý do nào đó để họ chịu đựng được mọi thứ đang diễn ra xung quanh cho dù có tồi tệ đến thế nào đi chăng nữa. Đó là thứ duy nhất làm động lực tinh thần để họ chấp nhận ngịch cảnh và vượt lên khỏi cái chết. Và chính những người đó đã học được cách sống chung với nghịch cảnh. Họ bắt chấy rận cho nhau cho đêm dễ ngủ; họ đi xem ca kịch trong khu trại để giải tỏa tinh thần; họ kể với nhau những câu chuyện phiếm về thức ăn để giải trí trong những khi lao động nặng nhọc. Và hơn nữa là niềm vui khi tất cả mọi người bị phạt đứng giữa sân trong thời tiết giá lạnh, họ vui bởi vì cho dù bị phạt nhưng họ không phải chết.
Cùng trên một con đường, mỗi người có thể cùng đi qua những hoàn cảnh khó khăn, cùng gặp những trắc trở hoặc những tình huống ngặt nghèo tương tự nhau nhưng phản ứng lại với hoàn cảnh như thế nào đều do chính người đó lựa chọn. Chúng ta có thể mất đi tất cả mọi thứ nhưng không bao giờ mất đi tự do ý chí của chính mình. Tuy nhiên, phản ứng của mỗi người phần lớn sẽ dựa trên mục đích mà người đó muốn đi tới. Một mục đích đủ mạnh mẽ sẽ khiến cho người đó không bao giờ từ bỏ dù cho có chuyện gì xảy ra đi nữa.
“Người nào có mục đích sống thì người đó sẽ tồn tại được trong mọi nghịch cảnh”.