Lời nói đầu: Nếu các bạn đã theo dõi mình từ mấy năm trước thì hẳn sẽ nhớ rằng hồi năm 2017 mình có viết một loạt bài về lịch sử của triều đại Targaryen trong vũ trụ kỳ ảo A Song of Ice and Fire (nguyên gốc của loạt phim truyền hình đình đám Game of Thrones). Trong loạt bài đó, có lẽ phần được nhiều người yêu thích (và cũng dài nhất) chính là năm phần viết về cuộc nội chiến "Vũ Điệu Của Rồng". Bây giờ nhìn lại thì mình không thực sự hài lòng lắm với những bài viết hồi đó - văn phong vẫn còn non, sai sót các tiểu tiết và cũng lược bỏ không kể khá nhiều chi tiết. Do vậy, mình quyết định sẽ viết lại phần về Vũ Điệu Của Rồng - lần này chi tiết, đầy đủ, chính xác và hoàn thiện nhất có thể. Cũng là để đón chờ mùa 2 của loạt phim House of the Dragon sẽ lên sóng vào hè năm sau (mùa 1 đã chiếu vào năm ngoái, chắc các bạn còn nhớ). Toàn bộ bản ghi chép này về Vũ Điệu Của Rồng dài hơn 46000 từ, được chia làm 27 chương. Mình quyết định đăng toàn bộ thành một bài duy nhất thay vì chia phần. Dù biết sẽ rất dài, nhưng các bạn có thể coi nó như một cuốn tiểu thuyết ngắn, lưu lại và đánh dấu chương để đọc dần cũng được, mình nghĩ cũng hay. Giờ thì một lần nữa, xin mời các bạn quay trở lại với thế giới kỳ ảo mang tên Westeros.

DẪN NHẬP

Chiến tranh không phải một điều gì đó quá mới mẻ trên lục địa Westeros. Suốt hàng ngàn năm, vô số trận chiến lớn nhỏ đã diễn ra, đến mức không một ai đếm được bao nhiêu người đã bỏ mình. Khi Tiền Nhân di cư đến Westeros, chiến tranh nổ ra giữa họ với Trẻ Rừng. Khi người Andal di cư đến lục địa này, chiến tranh nổ ra giữa họ với Tiền Nhân. Khi người Rhoynar tha hương đến Dorne, chiến tranh nổ ra giữa họ với các Gia tộc ở cực nam của Westeros. Và khi Gia tộc Targaryen - tàn dư cuối cùng của Đế chế Valyria huy hoàng - xoay tầm mắt hướng sang Tây; chiến tranh nổ ra giữa họ với Bảy Phụ Quốc. Và cuối cùng, tất cả chỉ trừ Dorne đã quy phục dưới quyền cai trị của Aegon Targaryen, sau một cuộc chinh phạt đẫm máu. Một trang sử mới đã sang trang, và kéo theo đó, là những cuộc xung đột mới.
Và đây chúng ta sẽ được nghe kể về một trong những cuộc nội chiến đẫm máu và tàn khốc nhất trong lịch sử Westeros nói chung và lịch sử triều đại non trẻ Targaryen nói riêng. Cuộc chiến này đóng vai trò bản lề trong việc định hình lịch sử của Gia tộc Targaryen trong già nửa sau triều đại của họ. Một cuộc chiến đúng như gia ngôn của họ - Lửa và Máu. Một cuộc chiến dẫn đến sự tuyệt diệt của loài rồng, khi mà theo lệnh của chủ nhân, chúng lao vào nhau trong những cuộc đấu đẫm máu và tàn khốc.
Lịch sử gọi nó là “Chiến tranh giành ngôi”, nhưng chúng ta gọi nó bằng một cái tên mỹ miều hơn: Vũ Điệu Của Rồng.

CHƯƠNG 1: QUYỀN KẾ VỊ

Mầm mống chiến tranh thường xuất hiện vào thời bình, quả là một nghịch lý đáng buồn, và ở Westeros điều ấy cũng không khác biệt. Cuộc chiến đẫm máu tranh giành quyền kế vị Ngai Sắt giữa những người con của Viserys I là Aegon và Rhaenyra thực chất đã được gieo mầm từ ba mươi năm trước đó.
Để tìm hiểu về cội nguồn của những xung đột bên trong vương thất, chúng ta phải bắt đầu từ triều đại của Jaehaerys I, người đã đưa cả vương quốc vào một thời kỳ thịnh trị. Jaehaerys I còn được gọi là Vị Vua Già, và ngài ở ngôi đến tận 55 năm, lâu nhất trong lịch sử vương triều. Ngài cùng Vương hậu Alysanne Targaryen có với nhau cả thảy 13 người con, 6 người trong số ấy là nam. Và trong số 6 người con trai của Jaehaerys I, 3 người chết trẻ, chỉ 3 người sống đến tuổi trưởng thành là Aemon, Baelon và Vaegon. Vương tử Vaegon về sau từ bỏ danh vị vương thất mà theo đuổi tri thức ở Citadel, sau trở thành Tổng Học sĩ. Do đó, quyền kế vị thuộc về Aemon Targaryen.
Vào năm 62, Aemon khi ấy mới 7 tuổi nhưng đã chính thức được sách phong làm Thân vương Dragonstone và người kế vị Ngai Sắt. Không một ai có thể nghi ngờ tư cách và tài năng của Aemon - vị thân vương trẻ tuổi được phong hiệp sĩ năm 17 tuổi, và đến năm 26 tuổi đã trở thành chánh án tối cao và Chủ quản luật pháp của vua cha. Em trai của Aemon là Baelon cũng không hề tỏ ra kém cạnh - được phong hiệp sĩ năm 16 tuổi. Hai anh em luôn đua tranh trong mọi việc - nhưng là một sự ganh đua lành mạnh, bởi trong triều không ai nghi ngờ được tình cảm giữa họ vững vàng ra sao.
Cái chết của Thái tử Aemon
Cái chết của Thái tử Aemon
Nhưng bi kịch đổ xuống đầu vương thất năm 92, khi Aemon tử trận ở Đảo Tarth khi dẹp loạn đám cướp biển người Myr. Nhà vua và vương hậu cùng cả vương quốc than khóc cho vị Thái tử bạc mệnh, nhưng không ai đau đớn hơn Baelon. Ngay khi biết tin anh trai tử trận, Baelon lập tức cưỡi rồng Vhagar - một trong số ba con rồng huyền thoại đã tham gia Cuộc Chinh Phạt - sau đó đem lửa và máu tới cho đám cướp biển. Rồi khi trở về King’s Landing, anh được cả Kinh Thành xưng tụng, và được vua cha phong làm Thân vương Dragonstone cùng người kế vị Ngai Sắt thế chỗ anh trai. Nhưng ngay khi trông thấy mẹ mình, Baelon đã bật khóc và thốt lên rằng: “Con đã giết cả ngàn tên, nhưng cũng không thể đem anh ấy trở lại.”
Baelon đã được phong làm người kế vị, nhưng Aemon lại có một người con - Rhaenys Targaryen, sinh năm 74. Khi lên 16 tuổi, cô kết hôn với Chủ quản tàu bè của triều đình: Lãnh chúa Corlys của Gia tộc Velaryon, Chúa Thủy Triều, biệt danh Rắn Biển (biệt danh này ông có được sau những chuyến hải trình vĩ đại của mình). Hơn nữa, khi Aemon qua đời, Rhaenys cũng vừa mới mang thai; và việc Vua Jaehaerys phong Baelon làm Thân vương Dragonstone mang một ý nghĩa khá rõ. Làm như thế, ngài không chỉ bỏ qua quyền kế vị của một mình Rhaenys, mà còn của các con cô nữa. Tuy nhiên đây không phải một quyết định hấp tấp. Quyền thừa kế thường được ưu tiên cho nam giới là một lý do. Baelon đã trưởng thành trọn vẹn về cả thể chất lẫn tâm trí, rõ ràng phù hợp cai trị hơn cô thiếu nữ Rhaenys mới 18 tuổi. Hơn nữa, Baelon cũng đã có hai con trai khỏe mạnh, tức là thông qua anh, quyền kế vị được vững vàng.
Đương nhiên không phải ai cũng đồng tình với quyết định này của triều đình. Người đầu tiên công khai phản đối chính là Rhaenys, khi cô đã ôm bụng bầu đến gặp nhà vua và nói rằng: “Người định sẽ cướp đi quyền chính đáng của con trai cháu ư?”. Cô không phải người duy nhất bất bình. Lãnh chúa Corlys giận đến mức đã từ chức đô đốc cùng vị trí trong Tiểu hội đồng mà đưa vợ về Driftmark. Mẹ của Rhaenys là Phu nhân Jocelyn Baratheon cùng anh trai là Lãnh chúa Boremund Baratheon cũng giận dữ không kém. Và trên tất cả, người phẫn nộ nhất lại chính là Vương hậu Alysanne, khi thấy cháu gái mình bị gạt bỏ khỏi danh sách kế vị. Mối bất hòa giữa bà với Vua Jaehaerys nghiêm trọng đến mức ngay sau khi bày tỏ sự phản đối, bà cưỡi rồng Silverwing bay thẳng về Dragonstone. Phải đến hai năm sau, bà với Vua Jaehaerys mới hòa giải với nhau, nhưng vấn đề kế vị không được nhắc đến nữa.
Vào năm 93, Rhaenys hạ sinh, nhưng không phải con trai mà là con gái - cô bé được đặt tên là Laena. Chỉ một năm sau, Rhaenys sinh tiếp và lần này là con trai, Laenor. Đương nhiên lúc này vị trí kế vị của Baelon đã vững như bàn thạch, nhưng cả hai Gia tộc Velaryon và Baratheon vẫn tin rằng cậu bé Laenor có quyền kế vị chính đáng hơn. Nhưng phần lớn các Gia tộc và triều đình ủng hộ Baelon, nên những phản đối của họ không hơn gì những lời phàn nàn. Và dù thế nào đi chăng nữa, nội bộ vương thất vẫn chưa đến mức bị chia rẽ.
Cái chết của Balerion Ác Mộng Đen
Cái chết của Balerion Ác Mộng Đen
Bi kịch tiếp tục đổ xuống vương thất khi vào năm 100, tròn một thế kỷ vương triều thành lập. Vào năm ấy, Vương hậu Alysanne qua đời vì bạo bệnh. Cả vương quốc đều than khóc cho sự ra đi của bà, người được tôn xưng là Vương hậu Nhân Từ. Chỉ một năm sau, Thái tử Baelon cũng đột ngột qua đời vì một cơn đau bụng quặn thắt. Không một ai khắp Bảy Phụ Quốc đau đớn hơn Vua Jaehaerys khi ông tự tay châm hỏa giàn thiêu cho con trai mình. Chưa bao giờ Vị Vua Già lại cô độc và buồn khổ đến thế. Và một lần nữa, vấn đề kế vị lại được đem ra. Nếu như Baelon có thể lên ngôi, thì rõ ràng quyền kế vị thuộc về con trai anh - Viserys Targaryen, Kỵ Sĩ cuối cùng của con rồng Balerion Ác Mộng Đen trước khi nó chết già năm 94. Thế nhưng vì Baelon qua đời khi vẫn còn là trữ quân, nên triều đình lại phải xem xét chuyện ai sẽ được chọn làm người kế vị vua Jaehaerys.
Một lần nữa, quyền kế vị của con cái Rhaenys được đem ra, đặc biệt là cậu bé Laenor Velaryon. Trong khi đó, những người ủng hộ quyền kế vị của Viserys con trai Baelon cũng không hề ít. Và còn một điều nhiều người cơ hồ quên mất: Vua Jaehaerys vẫn còn một người con trai còn sống - Tổng Học sĩ Vaegon, hiện đang ở Citadel. Đương nhiên không ai nghĩ rằng Jaehaerys sẽ chọn Vaegon làm người kế vị, bởi một khi đã trở thành Học sĩ tức là bỏ đi quyền thừa kế. Hơn nữa, Vaegon cũng chẳng hợp để cai trị, mặc dù trí tuệ có thừa. Nhưng cả vương quốc bất ngờ khi Vua Jaehaerys cho mời Tổng Học sĩ Vaegon về kinh. Hai cha con họ đã nói gì với nhau, không một ai biết, trong khi tình hình ngày càng trở nên căng thẳng. Lãnh chúa Corlys Velaryon bắt đầu tập hợp binh sĩ và hạm đội lừng danh của mình để bảo vệ quyền lợi cho con trai. Trong khi đó người em nóng nảy và táo bạo của Viserys là Daemon cũng tập hợp nhiều tay kiếm trung thành để ủng hộ anh trai. Nếu không xử lý khéo léo, bạo loạn sẽ xảy ra, bất kể Vua Jaehaerys có chọn ai làm trữ quân mới.
Nhưng rồi Tổng Học sĩ Vaegon đã đưa ra một đề xuất phù hợp, và nhà vua nhanh chóng nghe theo. Ngài sẽ triệu tập một Đại hội đồng lần đầu tiên trong lịch sử để bàn luận và giải quyết vấn đề kế vị. Mọi lãnh chúa lớn nhỏ khắp Bảy Phụ Quốc sẽ tham gia, cùng với cả các học sĩ từ Citadel, và cả những tư tế, nữ tu đại diện cho Thất Diện Giáo. Những ứng viên sẽ được xem xét, và tất cả sẽ quyết định. Và dù cho Đại hội đồng chọn ai làm trữ quân, nhà vua cũng sẽ nghe theo.
Đại hội đồng ở Harrenhal
Đại hội đồng ở Harrenhal
Triều đình quyết định rằng Đại hội đồng sẽ được tổ chức tại Harrenhal, lâu đài lớn nhất cả vương quốc. Mọi người dự đoán rằng ít nhất sẽ có vài trăm lãnh chúa cùng tùy tùng xuất hiện. Thế nhưng cuối cùng, con số ấy là một ngàn lãnh chúa, chưa kể các hiệp sĩ, người hầu và cận vệ theo cùng mỗi người.
Mười ba ngày trôi qua, và Đại hội đồng lần lượt loại bỏ chín ứng viên thấp kém hơn và danh phận có khi còn chẳng rõ ràng. Cuối cùng chỉ còn lại hai ứng viên phù hợp và nhiều người ủng hộ hơn cả. Đó là Viserys Targaryen, con trai cả của Thân vương Baelon và Laenor Velaryon, con trai của Vương tôn nữ Rhaenys, cháu ngoại của Thân vương Aemon. Mỗi ứng viên đều có lợi thế nhất định, dường như chẳng ai kém ai. Viserys là cháu nội nhà vua, trong khi Laenor là chắt ngoại. Xét về quyền nhánh trưởng thì Laenor có lợi thế, nhưng xét về hậu duệ trực hệ thì Viserys lại có lợi. Một điểm đáng chú ý cũng được nhắc đến là việc Viserys là Kỵ Sĩ cuối cùng của Balerion Ác Mộng Đen, mặc dù anh mới chỉ cưỡi nó một lần duy nhất trước khi nó qua đời. Mà cũng từ sau khi Balerion chết đi, Viserys không thử thu phục thêm bất kỳ con rồng nào khác. Trong khi đó, cậu bé Laenor tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã có cho mình một con rồng riêng là Seasmoke.
Tuy thế, điều đáng nói nhất ở đây là quyền kế vị của Viserys đến từ cha mình, trong khi của Laenor đến từ mẹ. Và với nhiều lãnh chúa, quyền kế vị của dòng nam được ưu tiên hơn dòng nữ. Hơn nữa, Viserys đã 24 tuổi - trưởng thành đầy đủ về thể chất lẫn trí óc, trong khi Laenor mới chỉ lên 7. Vì tất cả những lý do đó, quyền kế vị của Laenor nhìn chung bị xem là yếu hơn, mặc dù nhiều người cũng e ngại thế lực đứng sau cậu. Đó là nhà Velaryon, gia tộc giàu có bậc nhất vương quốc cùng nhà Baratheon, gia tộc tối cao Xứ Bão. Cũng không thể không kể đến những người ủng hộ khác của Laenor: nhà Stark thành Winterfell, cổ xưa và cao quý; và theo đó là phần lớn phương Bắc; rồi cả các gia tộc khác như Blackwood, Bar Emmon hay Celtigar.
Thế nhưng chừng đó vẫn là thiểu số so với những gia tộc ủng hộ Viserys. Đến cuối cùng, sau khi đã bàn luận, tranh cãi và đồng thuận; Đại hội đồng đưa ra quyết định ủng hộ Viserys Targaryen trở thành trữ quân mới của vương thất. Bản thân Vua Jaehaerys không tham dự bất kỳ buổi tranh luận nào của Đại hội đồng để giữ trung lập; và khi quyết định được đưa đến, nhà vua đã cảm tạ các lãnh chúa và giữ đúng lời hứa của mình. Ngài phong cho cháu nội Viserys làm Thân vương Dragonstone và người kế vị Ngai Sắt ngay tại Harrenhal. Storm’s End và Driftmark buộc phải chấp nhận quyết định ấy, vì số người ủng hộ Laenor bị áp đảo đến mức không thể có cơ hội xoay chuyển tình thế. Đại hội đồng năm 101 ấy cũng gần như thiết lập một quy luật bất thành văn với nhiều người: bất kể ra sao, Ngai Sắt cũng không thể truyền cho dòng nữ.
Tang lễ của Vua Jaehaerys
Tang lễ của Vua Jaehaerys
Hai năm sau Đại hội đồng, Vua Jaehaerys qua đời trong yên bình ở tuổi 69. Thi thể ngài được hỏa thiêu ở Hố Rồng đúng theo truyền thống, và tro của ngài được an táng cùng với người vợ thân thương Alysanne ở Dragonstone.
Và rồi sau đó, cháu nội của Jaehaerys kế vị ngài, trở thành Viserys Đệ Nhất, Vua của người Andal, Rhoynar và Tiền Nhân, Chúa Bảy Phụ Quốc và Người bảo vệ Vương quốc. Khi ấy, tân vương tròn 26 tuổi, đã kết hôn gần một thập kỷ với người em họ Aemma Arryn. Họ mới chỉ có với nhau một người con gái là Vương nữ Rhaenyra (sinh năm 97).
Với việc Viserys lên ngôi, một trang sử mới mở ra, và cùng với đó là những xung đột mới dần xuất hiện.

CHƯƠNG 2: MẦM MỐNG

Vào năm 103, sau khi tiên vương Jaehaerys I băng hà, người kế vị ngài là cháu nội Viserys trở thành nhà vua mới. Khi đăng cơ anh mới 26 tuổi, nên ban đầu thường được triều đình gọi là Vị Vua Trẻ. Viserys kế vị khi vương thất đang ở đỉnh cao của quyền lực và sung túc, vương quốc đã hòa bình trong nhiều thập kỷ. Viserys cũng là người khoáng đạt, tử tế nên nhận được nhiều sự yêu mến của cả quý tộc lẫn thường dân. Điểm nhấn trong triều đại của ngài có lẽ là những buổi yến tiệc xa hoa thường xuyên được tổ chức ở Red Keep, những giải đấu thương ngựa hoành tráng, sự giàu có và thịnh vượng kéo dài.
Vương nữ Rhaenyra cưỡi rồng Syrax
Vương nữ Rhaenyra cưỡi rồng Syrax
Và nằm ở trung tâm của mọi sự xa hoa, sung túc và đủ đầy đó chính là người con duy nhất của nhà vua - Vương nữ Rhaenyra, được triều đình yêu mến mà gọi là “Niềm Vui Của Vương Quốc”. Khi vua cha kế vị Ngai Sắt, Rhaenyra mới 6 tuổi, nhưng đã sớm bộc lộ những gì tốt đẹp và tinh túy nhất của huyết thống Valyria cổ xưa: xinh đẹp, rạng rỡ và táo bạo. Rhaenyra cũng trở thành Kỵ Sĩ Rồng từ rất sớm lúc mới lên 7 - con rồng của cô mang tên Syrax. Rhaenyra luôn gắn bó với vua cha như hình với bóng, dù là trên triều hay trong các buổi yến tiệc và sự kiện.
Viserys thường không tham dự quá nhiều vào việc trị vì, mà hầu như mọi công việc đều do Tướng quốc và Tiểu hội đồng đảm nhận. Tướng quốc khi ấy là Ser Otto Hightower, em trai của Lãnh chúa Hightower, vốn đã đảm nhận chức vị này từ thời tiên vương Jaehaerys sau Đại hội đồng. Ser Otto là một người quyết đoán, có năng lực và rất kiêu hãnh; nhiều người trong triều còn cho rằng ông ta là người ngạo mạn, cộc cằn và tàn nhẫn, và chắc chắn không thiếu tham vọng. Sự kiêu ngạo của Ser Otto tăng dần theo số năm ông làm Tướng quốc. Tính cách của ông cùng sự thật là nhà vua tỏ ra rất phụ thuộc vào Ser Otto trong việc trị vì khiến vị Tướng quốc bị khá nhiều người căm ghét và đố kỵ.
Người tỏ ra chống đối Tướng quốc Hightower công khai và mạnh mẽ nhất chính là em trai của nhà vua - Vương đệ Daemon Targaryen, một con người cũng tham vọng không kém, cực kỳ nóng nảy và bốc đồng. Daemon cũng là một chiến binh dũng mãnh, nguy hiểm. Anh trở thành hiệp sĩ năm 16 tuổi, và được đích thân tiên vương Jaehaerys ban cho thanh kiếm thép Valyria Dark Sister - một trong số hai thanh kiếm gia bảo của vương thất. Nhiều người cho rằng Daemon chiến đấu vì quyền lợi của anh trai cũng chỉ là để nâng cao vị thế của bản thân, và hơn ai hết, thứ mà anh muốn chính là vị trí trữ quân của Viserys.
Daemon bấy giờ cũng đã có vợ - một cuộc hôn nhân chính trị với tiểu thư Rhea Royce năm 97. Nhưng Daemon chẳng ham thích gì cuộc hôn nhân này, và không ngại bày tỏ sự căm ghét với người vợ của mình (rất nhiều lần, anh gọi vợ mình là “con điếm đồng”, và hay đùa rằng ở vùng Thung Lũng, cừu còn đẹp hơn phụ nữ ở đây). Và khi anh trai kế vị, việc đầu tiên mà Daemon làm là xin được hủy bỏ cuộc hôn nhân này. Nhà vua từ chối điều ấy, nhưng cho phép em trai mình trở về Kinh Thành và phục vụ trong Tiểu hội đồng. Daemon sau đó được phong làm chủ quản tiền bạc từ năm 103 - 104, rồi là chủ quản luật pháp trong nửa đầu năm 104.
Nhưng với bản tính của mình, Daemon chẳng hề thích hợp với việc triều chính. Thế nên sau đó, nhà vua đã phong cho em trai mình làm Chỉ huy Đội Gác Thành, một vị trí rõ ràng thích hợp với Daemon hơn nhiều.
Daemon và Đội Gác Thành
Daemon và Đội Gác Thành
Thời ấy chẳng mấy ai coi trọng Đội Gác Thành, chủ yếu do họ chẳng được đào tạo bài bản cũng như chỉ được vũ trang rất sơ sài. Nhưng chính Daemon đã thay đổi điều đó. Ngay khi nhậm chức, Daemon đã bỏ tiền ra để tái trang bị lại toàn bộ Đội Gác Thành - giờ đây họ có giáp sắt đen chất lượng, được trang bị đầy đủ dao găm, kiếm ngắn và dùi cui, và trên tất cả là một chiếc áo choàng màu vàng. Chính những chiếc áo choàng vàng này về sau đã trở thành một tên gọi thứ hai của họ - Đội Áo Choàng Vàng.
Ngay khi mới nhậm chức, Daemon lập tức thực thi công lý theo cách của mình - nghiêm khắc, tàn bạo, lạnh lùng và chính xác. Những kẻ móc túi bị chặt tay, đám hiếp dâm ngay lập tức bị thiến, lũ trộm vặt thì bị xẻo mũi. Và trong một cuộc loạn đả trên phố, Daemon đã chém chết ba kẻ tham gia tại chỗ. Tất cả những việc ấy diễn ra ngay trong năm đầu tiên anh làm Chỉ huy. Rất nhanh chóng, tỷ lệ tội phạm ở Kinh Thành giảm xuống, và tất cả những kẻ du thủ du thực đều đã biết sợ những tấm áo choàng vàng. Trong triều đình, người ta đặt cho Daemon biệt danh “Thân vương của Kinh Thành”, nhưng với chúng dân King’s Landing, anh là Lãnh chúa Flea Bottom. Rõ ràng, dân chúng tỏ ra yêu mến Daemon, đơn giản là vì anh đem lại sự bình yên cho họ; và nếu không phạm tội thì chẳng việc gì phải sợ. Hơn nữa, Daemon cũng là khách quen của hàng loạt quán rượu, sòng bạc và nhà thổ khắp Kinh Thành.
Daemon tỏ ra khá hài lòng với vị trí Chỉ huy Đội Gác Thành, nhưng việc này lại khiến Tướng quốc Otto lo ngại. Giờ đây Daemon có trong tay hai nghìn binh sĩ dũng mãnh - một lực lượng lớn ở Kinh Thành, và họ đều trung thành tuyệt đối với anh. Nếu chẳng may nhà vua có mệnh hệ gì, Daemon chắc chắn sẽ dùng vũ lực để đoạt lấy Ngai Sắt. Ser Otto cho rằng Daemon rồi sẽ trở thành một Maegor Bạo Chúa thứ hai, cho nên ông luôn cực lực phản đối anh và quay sang ủng hộ lập Vương nữ Rhaenyra làm trữ quân. Mặc dù việc này gần như đi ngược hẳn lại những gì đã xảy ra ở Đại hội đồng mới vài năm trước đó, nhưng so với việc để Daemon kế vị, thì Ser Otto và những người ủng hộ thà để Rhaenyra kế vị. Vua Viserys tất nhiên cũng không có ý định lập Daemon làm trữ quân, nhưng dẫu sao ngài cũng vẫn rất yêu quý người em này, và thường bỏ qua những sai sót hay lời nói có vẻ mạo phạm của anh.
Daemon và con rồng Caraxes
Daemon và con rồng Caraxes
Năm 105 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của triều đại Viserys I - mặc dù ngay tại thời điểm ấy không ai nhận ra. Vào năm ấy, Vương hậu Aemma một lần nữa mang thai, và triều đình mong đợi sự ra đời của một Vương tử, như thế thì vấn đề kế vị sẽ được xác định. Cùng năm đó, Đội Vệ Vương chào đón một thành viên mới - Ser Criston Cole - người nổi danh khi chiến thắng cuộc hỗn chiến ở giải đấu thương tại Maidenpool khi mới 23 tuổi (anh thậm chí còn đánh thắng được cả Vương đệ Daemon). Trong cuộc đấu thương, Ser Criston thắng cả hai hiệp sĩ Vệ Vương là Ser Arryk Cargyll và Ser Erryk Cargyll. Với tài năng nổi bật như thế, Vua Viserys đã trao tấm áo choàng trắng của Vệ Vương cho Ser Criston. Sau đó, ngài còn phong cho anh ta làm cận vệ của Vương nữ Rhaenyra - cô bé đã sớm mê mẩn chàng hiệp sĩ đẹp trai này.
Bên cạnh đó, Vua Viserys cũng bổ nhiệm Lãnh chúa Lyonel Strong thành Harrenhal làm chủ quản luật pháp mới. Lãnh chúa Lyonel nổi danh là một chiến binh cừ khôi và cũng không kém phần thông thái - thời trẻ ông đã có nhiều năm học tập tại Citadel. Đi cùng ông tới King’s Landing là hai con trai: Ser Harwin Strong dũng mãnh với biệt danh Bẻ Xương, và Larys Strong khôn khéo, biệt danh Chân Vẹo. Ser Harwin được bổ nhiệm làm một đội trưởng của Đội Gác Thành, trong khi Larys trở thành một thẩm phán của triều đình, chuyên lo tra khảo, thẩm vấn tội phạm.
Cuối năm 105, Vương hậu Aemma hạ sinh một con trai và đặt tên là Baelon. Nhưng đáng tiếc rằng Vương hậu đã qua đời khi lâm bồn, còn cậu bé Baelon yểu mệnh cũng ra đi ngay hôm sau. Cả nhà vua lẫn triều đình đều đau buồn trước bi kịch này, chỉ trừ một mình Daemon. Ngay buổi tối hôm Baelon qua đời, nhiều người thấy Daemon say xỉn trong một nhà thổ và lớn tiếng cười cợt, gọi đứa cháu trai yểu mệnh là “trữ quân một ngày”. Khi nhà vua nghe được tin này, ngài nổi trận lôi đình. Và ngay sau khi kỳ để tang chấm dứt, Vua Viserys đã chính thức phong cho Rhaenyra làm Nữ thân vương Dragonstone và người kế vị Ngai Sắt. Để chứng tỏ rằng mình hoàn toàn nghiêm túc, nhà vua ban lệnh triệu tập hàng trăm lãnh chúa lớn nhỏ đến Kinh Thành để thề trung thành với trữ quân mới, đồng thời bảo vệ cô trước mọi kẻ thách thức.
Trong số những người quỳ gối ngày hôm đó ở Red Keep trước Rhaenyra, không hề có mặt Daemon. Nổi giận trước quyết định của nhà vua, Daemon từ chức Chỉ huy Đội Gác Thành và rời khỏi King’s Landing lập tức. Anh đem theo tình nhân của mình là Mysaria Sâu Trắng, và cùng cưỡi con rồng Caraxes bay đến Dragonstone. Chỉ nửa năm sau, tin tức về việc Mysaria có thai truyền về Kinh Thành, nhưng điều đáng nói ở đây là Daemon đã tặng cho cô một quả trứng rồng - vốn là quyền lợi chỉ dành cho những hậu duệ hợp pháp của vương thất. Một lần nữa, nhà vua nổi giận và ngài lập tức lệnh cho Daemon phải trả quả trứng lại rồi quay về Thung Lũng với người vợ của mình; đồng thời bắt Mysaria phải trở về quê hương của mình là Lys, bên kia Biển Hẹp. Chuyến hải trình ấy đã khiến Mysaria sảy thai, và vì điều đó, Daemon không bao giờ tha thứ cho anh trai mình.
Mặc dù Rhaenyra đã chính thức được chọn làm trữ quân, nhưng có nhiều người trong cả triều đình lẫn khắp vương quốc đều hy vọng rằng nhà vua sẽ tái giá - bởi ngài còn chưa đến 30. Nhiều người trong triều đình cho rằng nhà vua nên xem xét đến việc kết hôn với Tiểu thư Laena Velaryon, con gái của Tôn nữ Rhaenys, dù cô bé mới 13 tuổi. Tuy nhiên, Laena đã sớm tỏ ra là một ứng viên xứng đáng - Tiểu thư được thừa hưởng vẻ đẹp từ mẹ cùng sự táo bạo từ cha. Laena cũng là một Kỵ Sĩ Rồng, và con rồng của cô chính là Vhagar vĩ đại, lớn nhất và hùng mạnh nhất trong những con rồng còn sống. Và nếu cuộc hôn nhân này thành, Vua Viserys sẽ có thể hàn gắn sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa triều đình với Driftmark. Thế nhưng Viserys lại để ý tới Tiểu thư Alicent Hightower, con gái của Tướng quốc. Trong nhiều việc, nhà vua tỏ ra là một người thiếu vững vàng trong chính kiến do bản tính muốn làm hài lòng tất cả mọi người. Nhưng duy chỉ trong việc tái giá này thì Vua Viserys nhất quyết muốn làm theo ý mình.
Đương nhiên không ai có thể coi thường xuất thân của Tiểu thư Alicent, bởi nhà Hightower là một gia tộc có huyết thống cổ xưa và danh giá ở vùng Reach. Thế nhưng trong triều vẫn nhiều người bất bình và cho rằng Ser Otto đã đi quá xa và vươn quá cao khi dám đề cử con gái mình trở thành Vương hậu. Driftmark chẳng vui vẻ gì với kết quả này, và cả Vương đệ Daemon ở Thung Lũng cũng vậy - có ghi chép còn cho rằng anh đã đánh người đưa tin tới mức thập tử nhất sinh sau khi nghe tin.
Cướp biển ở Stepstone
Cướp biển ở Stepstone
Khi đám cưới giữa vua Viserys và Tiểu thư Alicent diễn ra năm 106, cả Daemon lẫn Lãnh chúa Corlys đều không đến dự. Khi ấy, cả hai đang ở Driftmark để thảo luận về vấn đề ở Quần đảo Stepstone. Quần đảo lởm chởm đày đá nằm giữa Dorne và Vùng đất Tranh chấp của các Thành phố Tự do bên kia Biển Hẹp từ lâu đã là sào huyệt của đám tội phạm và cướp biển. Ở nơi đây, chúng kiếm ăn bằng cách cướp bóc các con tàu buôn đi qua.
Thời điểm ấy, Stepstone nằm dưới quyền kiểm soát của Tam Đầu Chế: một liên minh giữa Lys, Myr và Tyrosh lập ra 10 năm trước để chống lại Volantis. Ở Bảy Phụ Quốc người ta gọi Tam Đầu Chế là Vương quốc Ba người con gái, hoặc thô thiển hơn là Vương quốc Ba con điếm. Kẻ trực tiếp nắm quyền chỉ huy của lực lượng Tam Đầu Chế ở Stepstone là đô đốc khét tiếng người Myr Craghas Drahar, biệt danh Kẻ Nuôi Cua. Hạm đội của gã đã chiếm được Stepstone và đám cướp biển bị giết sạch.
Ban đầu, Bảy Phụ Quốc tỏ ra vui mừng khi Tam Đầu Chế chấm dứt được nạn cướp biển ở Stepstone và các tàu buôn chỉ cần trả phí là an toàn đi qua. Thế nhưng dần dần Craghas và các đồng minh tỏ ra tham lam và liên tục tăng phí. Quá đáng hơn, chúng còn đòi các tàu buôn phải cống nạp phụ nữ và các cậu trai trẻ cho những nhà thổ ở Lys. Đối diện với việc này, Lãnh chúa Corlys muốn dùng vũ lực đánh đuổi Tam Đầu Chế vì khoản phí của họ ảnh hưởng lớn đến đội tàu buôn của ông. Vương đệ Daemon thì khao khát vinh quang cùng của cải, nên anh nhanh chóng đồng ý hợp tác.
Chiến tranh nổ ra không lâu sau đó, khi hạm đội của nhà Velaryon cùng một đội quân đánh thuê dưới sự chỉ huy của Daemon và con rồng Caraxes tấn công vào Stepstone. Chỉ trong 2 năm, Daemon giành được vô số chiến thắng, tiêu diệt được lực lượng của Craghas. Đến năm 109, Stepstone cơ bản đã hoàn toàn thuộc về Lãnh chúa Corlys và Vương đệ Daemon, và một lần nữa tuyến giao thương được mở lại. Cùng trong khoảng thời gian ấy, Daemon tự xưng là Vua Stepstone và Biển Hẹp. Khi tin tức đến được Kinh Thành, Vua Viserys không phản ứng gì nhiều, và bỏ qua cho Daemon để tránh những rắc rối không cần thiết.
Đến năm 110, chiến tranh nổ ra lần nữa, khi Tam Đầu Chế đem tới quân tiếp viện - đội quân này thực chất chính là những hiệp sĩ mang giáo tới từ Dorne do Thân vương xứ này gửi tới. Và khi chiến tranh tiếp tục, triều đình có động thái ủng hộ Daemon và Lãnh chúa Corlys, khi nhà vua thường xuyên gửi vàng bạc tới để làm chiến phí hỗ trợ. Vua Viserys có vẻ hài lòng với việc Daemon không còn làm loạn ở King’s Landing nữa. Trong mấy năm ấy, vương thất liên tục đón nhận tin vui. Năm 107, Vương hậu Alicent hạ sinh con đầu lòng - một cậu bé khỏe mạnh và được đặt tên là Aegon. Cô sinh thêm một con gái tên Helaena năm 109 và một con trai tên Aemond năm 110.
Rhaenyra và Alicent
Rhaenyra và Alicent
Với sự ra đời của Aegon, trong triều đã bắt đầu xuất hiện những lời đề xuất về việc lập cậu bé làm trữ quân thay cho chị gái Rhaenyra. Nhưng bản thân nhà vua không bận tâm đến điều ấy, ngài vẫn giữ Rhaenyra làm Nữ Thân vương Dragonstone và để cô tham dự các cuộc họp Tiểu hội đồng với mình. Không ít người đã nhắc lại về quyết định của Đại hội đồng gần 10 năm trước đó, nhưng trước sau vua Viserys không nghe lấy một lời. Đối với ngài, trữ quân là Rhaenyra, và việc ấy đã được xác quyết khi các lãnh chúa khắp Bảy Phụ Quốc thề trung thành với cô. Mọi chuyện nhanh chóng trở nên căng thẳng khi vào năm 109, Tướng quốc Otto đã bạo gan đề nghị nhà vua đổi trữ quân. Và hậu quả là ông bị cách chức và phải rời Kinh Thành. Nhà vua sau đó bổ nhiệm Lãnh chúa Lyonel Strong làm Tướng quốc.
Dù vậy, trong triều vẫn có nhiều người ủng hộ Vương hậu Alicent và Vương tử Aegon. Đối với họ, quyền kế vị dòng nam cao hơn, và do đó Aegon mới thực sự là trữ quân. Đương nhiên Rhaenyra cũng không thiếu người ủng hộ, suy cho cùng, cô vẫn là “Niềm vui của vương quốc”, một thiếu nữ xinh đẹp, táo bạo. Dần dần, triều đình cảm nhận rõ được sự căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Rhaenyra và mẹ kế, nhất là trong các sự kiện có giới quý tộc tham dự. Trong giải đấu thương năm 111 tổ chức để kỷ niệm 5 năm ngày cưới của nhà vua, Vương hậu Alicent xuất hiện với bộ váy xanh lá cây lộng lẫy; trong khi Rhaenyra mặc bộ váy với hai màu đỏ đen truyền thống của vương thất - một lời tái khẳng định về vị trí trữ quân của cô. Cũng chính từ sự kiện này mà những người ủng hộ Vương hậu và Vương nữ được gọi bằng hai cái tên: phe Xanh và phe Đen.
Khi giải đấu đang diễn ra, bỗng trên trời xuất hiện cái bóng của một con rồng. Nó chính là Caraxes Rồng Máu, và cưỡi trên lưng là Vương đệ Daemon, trở về từ cuộc chiến ở Stepstone. Hàng ngàn người tung hô khi thấy con rồng Caraxes bay trên trời. Daemon vẫn còn đội vương miện khi Caraxes đáp xuống, nhưng sau đó anh quỳ trước nhà vua. Daemon cởi bỏ vương miện và dâng nó lên cho anh trai để biểu thị sự trung thành. Vua Viserys đỡ anh dậy, trả lại vương miện và ôm lấy em trai - họ đã chính thức làm hòa. Bởi vì sau tất cả những rắc rối và mâu thuẫn, Viserys vẫn rất yêu quý người em trai này. Chứng kiến cảnh ấy, tất thảy đều tung hô, đặc biệt là Rhaenyra - cô vẫn luôn quý mến và ngưỡng mộ người chú của mình.
Với sự trở lại của Daemon và việc nhà vua làm hòa với em trai, những tưởng triều đình sẽ được yên ổn. Thế nhưng mấy ai biết được những mâu thuẫn lúc này mới chỉ bắt đầu mà thôi.

CHƯƠNG 3: XUNG ĐỘT

Sau khi trở lại King’s Landing, Daemon cũng không thay đổi nhiều - vẫn thường lê la khắp các quán rượu và nhà thổ trong Kinh Thành. Anh vẫn cư xử lịch sự và đúng mực với Vương hậu Alicent, nhưng rõ ràng Daemon chẳng yêu mến gì người vợ mới của anh trai. Anh cũng tỏ ra lạnh lùng với các cháu họ mình, đặc biệt là với Aegon và Aemond. Với Rhaenyra thì lại hoàn toàn ngược lại - Daemon dành rất nhiều thời gian bên cô cháu gái của mình. Anh ăn tối cùng cô, tặng quà và kể cho Rhaenyra nghe những cuộc phiêu lưu mình từng trải qua; và cả hai thường xuyên cùng cưỡi rồng bay lượn. Nhưng chỉ nửa năm sau, Daemon đột ngột rời khỏi King’s Landing để quay về cuộc chiến của mình ở Stepstone. Lý do là gì thì không một ai biết chính xác.
Về việc này, có nhiều ghi chép khác nhau. Đại Học sĩ Runciter thì chỉ chép rằng giữa Daemon và nhà vua đã xảy ra cãi vã lớn, nhưng không rõ lý do. Tư tế Eustace mộ đạo thì cho rằng Daemon đã quyến rũ, tán tỉnh cháu gái mình và sau khi nhà vua biết chuyện, ngài đã đuổi em trai mình khỏi King’s Landing. Có những lời đồn khác thì cho rằng Daemon đã dạy cho Rhaenyra cách để quyến rũ cận vệ của mình - Ser Criston Cole của Đội Vệ Vương. Mọi chuyện vỡ lở khi Ser Criston kinh hoàng và từ chối Rhaenyra, rồi sau đó tin đồn tới tai của nhà vua. Nhưng dù chuyện gì đã xảy ra, thì sự thực là Vương đệ Daemon đã lần nữa rời khỏi Kinh Thành, và không biết bao giờ mới quay lại (hoặc có quay lại hay không). Sự ra đi của Daemon dù sao cũng giúp triều đình yên ổn thêm một thời gian.
Năm 112, cả Đại Học sĩ Runciter lẫn Tướng Chỉ huy Đội Vệ Vương là Ser Harrold Westerling đều qua đời. Học sĩ Mellos được bổ nhiệm làm Đại Học sĩ mới, và chức vụ Tướng Chỉ huy thì được nhà vua trao cho Ser Criston Cole.
Rhaenyra Targaryen, Nữ Thân vương Dragonstone
Rhaenyra Targaryen, Nữ Thân vương Dragonstone
Đến năm 113, Vương nữ Rhaenyra tròn 16 tuổi, và chính thức đảm nhận vị trí Nữ Thân vương Dragonstone. Vô số người khắp Bảy Phụ Quốc đều khao khát có được Rhaenyra. Các lãnh chúa và con trai họ giành giật với nhau để có được sự chú ý của Nữ Thân vương trẻ tuổi. Trong số những người theo đuổi Rhaenyra, có con trai các lãnh chúa Blackwood và Bracken - họ đã quyết đấu để tranh giành cô. Còn có cả cặp song sinh Ser Jason và Ser Tyland Lannister; rồi cả con trai của các lãnh chúa Tully, Tyrell, Oakheart và Tarly; thậm chí cả Ser Harwin Strong, con trai của Tướng quốc Lyonel - người được coi là chiến binh mạnh nhất Bảy Phụ Quốc lúc bấy giờ.
Vương hậu Alicent thì đề xuất hứa hôn cho cô với em trai Aegon, dù hai người cách nhau tận 10 tuổi, thế nhưng nhà vua phản đối. Ngài có thể thấy được tham vọng đặt dòng máu của Gia tộc Hightower lên Ngai Sắt trong Alicent. Vả lại, hai chị em chưa bao giờ tỏ ra gần gũi hay thân thiết cả. Nhà vua đã nói với Tướng quốc Lyonel rằng: “Thằng bé mang dòng máu của Alicent, và hiển nhiên nàng muốn con trai mình ngồi lên ngai vị.”
Cuối cùng, triều đình đồng thuận rằng lựa chọn hợp lý nhất để kết hôn với Rhaenyra là người anh họ xa Laenor Velaryon, con trai của Lãnh chúa Corlys và Tôn nữ Rhaenys, người thừa kế Driftmark. Laenor mang huyết thống Valyria, có họ hàng gần với vương thất, và cuộc hôn nhân này sẽ giúp hàn gắn được vết rạn trong mối quan hệ giữa hai Gia tộc Targaryen và Velaryon. Laenor bấy giờ cũng đã 19 tuổi và khá hấp dẫn. Vấn đề duy nhất là dường như cậu hoàn toàn không hứng thú với phụ nữ mà chỉ yêu thích những cận vệ trẻ trung đẹp trai. Thế nhưng rốt cuộc triều đình vẫn chấp nhận hôn sự này, vì Đại Học sĩ Mellos cho rằng đấy chẳng phải vấn đề lớn.
Tuy thế, Rhaenyra lại tỏ ra không thích thú gì cuộc hôn nhân này và cô phản đối nó gay gắt, đến mức nhà vua phải dọa sẽ tước vị trí trữ quân của Rhaenyra nếu cô không phục tùng. Nếu Rhaenyra cứng đầu không nghe theo, vương quốc sẽ có một Thân vương Dragonstone mới là Aegon, em trai của cô. Cuối cùng Rhaenyra buộc phải đồng ý và một lần nữa, không ai biết lý do vì sao cô lại nhất mực phản đối hôn sự này. Những ghi chép rất mâu thuẫn với nhau. Có người thì nói rằng Ser Criston Cole đã đề nghị cùng Rhaenyra bỏ trốn đến các Thành phố Tự do để kết hôn, nhưng cô thẳng thừng từ chối. Có người thì bảo rằng chính Rhaenyra đã lẻn vào phòng của Ser Criston và cố trao trinh tiết cho anh - và bị từ chối. Rồi trong cơn phẫn uất, Rhaenyra đã bỏ đi và gặp Ser Harwin Strong đang say xỉn - người rất sẵn lòng để trở thành người đàn ông đầu tiên của cô. Nhưng bất kể chuyện gì đã xảy ra, thì cũng từ sau đó, Ser Criston Cole trở nên lạnh nhạt và căm ghét Rhaenyra, để rồi sau này sẽ trở thành một trong những kẻ thù chính của cô.
Đầu năm 114, hôn lễ giữa Nữ Thân vương Rhaenyra và Ser Laenor diễn ra ở King’s Landing (Laenor mới chỉ được phong hiệp sĩ 2 tuần trước lễ cưới). Sau lễ cưới, nhà vua cho tổ chức 7 ngày tiệc tùng liên miên cùng một giải đấu thương hoành tráng với rất nhiều hiệp sĩ tham gia. Trong số ấy có những cái tên nổi bật như các anh em trai của Vương hậu Alicent, năm người của Đội Vệ Vương - bao gồm cả Tướng Chỉ Huy Criston, Ser Harwin Strong, và Ser Joffrey Lonmouth - chàng hiệp sĩ điển trai yêu thích của Ser Laenor. Và trong khi Rhaenyra tặng vật may mắn cho Ser Harwin, Ser Laenor cũng làm điều tương tự cho Ser Joffrey. Nhưng tất cả đều lu mờ trước Ser Criston, người mang vật may mắn của Vương hậu Alicent. Vị Tướng Chỉ Huy trẻ tuổi đã chiến đầu với một cơn cuồng nộ kỳ lạ và đánh bại mọi đối thủ một cách tàn nhẫn. Anh đánh gãy xương đòn và khuỷu tay của Ser Harwin; rồi đập nát mũ trụ và cả hộp sọ của Ser Joffrey, khiến anh ta mất mạng 6 ngày sau.
Nhà vua rất giận dữ trước việc này - bởi trong một dịp vui như vậy mà lại xảy ra những sự việc kinh hoàng đến thế. Thế nhưng trái ngược với Vua Viserys, Vương hậu Alicent không hề tỏ ra giận dữ, mà cô thậm chí còn yêu cầu Ser Criston trở thành cận vệ của riêng mình. Đến lúc ấy, sự lạnh nhạt và thậm chí là ghét bỏ giữa mẹ kế và con chồng đã trở nên quá rõ ràng.
Ngay sau cái chết của Ser Joffrey, Ser Laenor quay lại Driftmark, còn Rhaenyra ở lại Kinh Thành. Việc này khiến nhiều người hoài nghi không biết họ đã động phòng hay chưa. Trong khi ở King’s Landing người ta thấy Ser Harwin Strong luôn xuất hiện ở bên Rhaenyra thì ở High Tide, Ser Laenor cũng có Ser Qarl Correy kề bên. Đương nhiên trong những dịp quan trọng, Ser Laenor vẫn có mặt ở triều đình, nhưng vì anh và Rhaenyra mỗi người sống một nơi nên xuất hiện những lời đồn rằng họ chỉ chung giường trong vài dịp hiếm hoi.
Dù vậy, đến cuối năm 114 ấy, Vương nữ nhanh chóng thông báo mình đã có thai và sau đó hạ sinh cậu con trai đầu lòng mang tên Jacaerys (sau hay được gọi tắt là Jace). Tuy thế, Jace lại có mái tóc và đôi mắt màu nâu cùng chiếc mũi hếch - hoàn toàn không hề giống Laenor, người mang những đặc điểm đặc trưng của các Chúa Rồng Valyria cổ.
Không lâu sau đó, Vương hậu Alicent cũng hạ sinh thêm một con trai cho nhà vua và cậu bé được đặt tên là Daeron. Oái ăm thay, Daeron lại sở hữu mái tóc và đôi mắt mang đủ các đặc điểm của các Chúa Rồng Valyria, tức là hoàn toàn khác hẳn Jace. Những lời đồn về việc ai mới là cha đẻ của Jace bắt đầu xuất hiện, thế nhưng nhà vua không xem chúng là sự thật. Ngài cũng lệnh rằng cả Jacaerys Velaryon và Daeron Targaryen sẽ bú chung một bà vú cho đến khi cai sữa. Dường như nhà vua muốn hai đứa bé ấy sẽ kết thân, tránh việc chúng trở nên xa lạ như Rhaenyra và các em cùng cha khác mẹ của mình.
Vào năm 115, Phu nhân Rhea Royce thành Runestone gặp tai nạn khi đi săn - cô ngã ngựa và nứt hộp sọ rồi qua đời 9 ngày sau. Lúc ấy chồng của cô là Daemon vẫn còn đang ở Bloodstone để chống trả những đợt tấn công liên tục của Tam Đầu Chế và người Dorne. Ngay khi nghe tin, anh lập tức quay về Thung Lũng, bề ngoài thì tuyên bố là để dự tang vợ, nhưng thực chất là muốn giành lấy lâu đài và đất đai của nhà Royce. Tuy nhiên, Nữ chúa Jeyne Arryn tuyên bố quyền thừa kế Runestone sẽ thuộc về cháu họ của Phu nhân Rhea. Không những thế, cô còn nói thẳng với Daemon rằng anh không được chào đón ở Thung Lũng nữa.
Chán nản và ê chề, Daemon bay đến Driftmark thăm gia đình Lãnh chúa Corlys Velaryon. Tại đây anh đã để mắt tới Tiểu thư Laena - khi ấy đã 22 tuổi, mảnh khảnh, cao ráo, xinh đẹp tuyệt trần. Những ca sĩ thường hát là Daemon đã gặp tiếng sét ái tình khi trông thấy Laena. Nhưng trong triều đình thì đồn rằng sở dĩ anh theo đuổi Laena là vì tham vọng chứ không phải vì tình yêu. Nếu kết hôn được với Laena, Daemon sẽ có được một mối quan hệ chặt chẽ với Gia tộc Velaryon hùng mạnh. Rất nhanh chóng, Daemon chiếm được cảm tình của Laena, và hai người kết hôn ngay trong năm 115. Daemon không bao giờ đặt chân tới Stepstone thêm lần nào nữa, và như thế cũng coi như anh từ bỏ vương quốc của mình.
Daemon Targaryen và Laena Velaryon
Daemon Targaryen và Laena Velaryon
Sau hôn lễ, Daemon và Laena cùng nhau cưỡi rồng bay đi thăm thú các Thành phố Tự Do như Pentos, Volantis, Qohor và Norvos. Đến khi quay lại Pentos thì Laena đã có thai và vào năm 116, cô hạ sinh hai cô con gái song sinh là Baela và Rhaena. Ít lâu sau, họ trở lại Driftmark và Daemon cũng xin phép đem vợ và các con vào triều để giới thiệu với Viserys. Bất chấp việc bị Tiểu hội đồng phản đối, Vua Viserys vẫn đồng ý, vì ngài tin rằng Daemon có thể sẽ thay đổi bản tinh khi đã làm cha, nên một lần nữa hai anh em lại làm hòa.
Về phần Rhaenyra, trong những năm sau đó cô tiếp tục sinh thêm hai con trai là Lucerys năm 115 (biệt danh Luke) và Joffrey năm 117. Chúng cũng có mái tóc và màu mắt giống hệt anh trai Jace. Phe Xanh bắt đầu nổi lên những lời đồn đoán, rằng cha đẻ của ba đứa là Ser Harwin Strong. Nhưng nhà vua vẫn cực kỳ yêu thương các cháu ngoại và không để tâm đến những lời đồn ấy. Để dập tắt chúng, ngài hạ lệnh cho đặt các quả trứng rồng vào nôi của các cháu mình khi chúng mới sinh. Và lần lượt cả 3 quả trứng đều nở ra 3 con rồng cho các con của Rhaenyra: Jace có Vermax, Luke có Arrax và Joffrey có Tyraxes.
Rồi khi Daemon về triều, Rhaenyra dần trở nên gắn bó hơn với Laena, và cả 3 thường xuyên cưỡi rồng bay đi bay về giữa Driftmark và Dragonstone. Đến năm 118, hai con trai lớn của Rhaenyra được hứa hôn với hai con gái của Daemon với Laena. Những tưởng mọi chuyện sẽ ngày càng êm đẹp thì bi kịch lại đổ xuống vào năm 120.
Vào đầu năm ấy, Laena vốn đã đang có mang từ năm ngoái bắt đầu lâm bồn. Đứa bé là một cậu con trai, đúng như Daemon mong muốn, nhưng nó dị dạng và chết sau khi rời bụng mẹ chưa tới một giờ. Laena thì lên cơn sốt và bất chấp sự chăm sóc của nhiều người, cô qua đời 3 ngày sau khi mới 27 tuổi. Người ta kể lại rằng trong những thời khắc cuối cùng, Phu nhân Laena đã tỉnh lại và cố gắng ra khỏi phòng để đến chỗ Vhagar, mong được bay lên trời một lần cuối cùng. Nhưng cuối cùng cô kiệt sức và qua đời ngay trên những bậc thang.
Rồi khi nhà Velaryon còn đang đau buồn thì chỉ ít lâu sau, Ser Laenor bị chính Ser Qarl Correy đâm chết tại một hội chợ ở Spicetown. Nhiều người đã kể rằng họ đã lớn tiếng cãi nhau trước khi rút kiếm. Ser Qarl biến mất sau đó và không ai biết tung tích của gã nữa, và cũng không ai rõ nguyên nhân gây ra cuộc cãi vã là gì.
Cái chết của Ser Laenor Velaryon
Cái chết của Ser Laenor Velaryon
Bi kịch tiếp theo xảy ra ở High Tide ngay sau đám tang của Ser Laenor. Toàn bộ vương thất đều có mặt để tham dự, và cùng với đó là những con rồng của họ. Trong các con của Vương hậu Alicent, Vương tử Aegon bấy giờ sở hữu con rồng vàng tuyệt đẹp tên Sunfyre, còn Vương nữ Helaena thì thu phục được con rồng Dreamfyre. Ngay cả cậu bé Daeron cũng đã có một con rồng non là Tessarion, chỉ mỗi Vương tử Aemond là không có rồng. Chính điều ấy đã thôi thúc cậu lẻn ra ngoài và tiếp cận con rồng Vhagar vĩ đại đang vô chủ sau khi Laena qua đời. Nhưng lúc ấy Joffrey Velaryon cũng có mặt và đang thăm con rồng của cậu. Khi thấy Aemond, Joffrey đã cố gắng ngăn cản người chú họ và thét lên rằng Aemond hãy tránh xa con rồng của dì cậu ra. Aemond lớn hơn nên dễ dàng gạt Joffrey sang một bên rồi táo tợn trèo lên lưng Vhagar. Con rồng sau đó giật đứt các sợi xích rồi cất cánh bay lên trời cao - và như thế là Aemond đã trở thành chủ nhân mới của Vhagar vĩ đại.
Khi Aemond hạ cánh thì các anh trai của Joffrey đã đợi sẵn. Dù Aemond đã lên 10 còn Jace là đứa lớn nhất mới chỉ lên 6 thì ba đánh một không chột cũng phải què, mà cả ba đứa đều có kiếm gỗ. Cuộc ẩu đả của đám trẻ con nhanh chóng trở nên bạo lực khi Aemond mỉa mai cả ba đứa là “đám nhà Strong”. Ít nhất Jace đã đủ lớn để hiểu lời lăng mạ đó, và cậu bé lao bổ vào Aemond để rồi bị phản kích và bị đè xuống đất. Aemond đánh liên tục vào người Jace, cho đến khi Luke xông tới giúp anh trai. Luke rút con dao găm ra và chém thẳng vào mặt Aemond, khiến cậu mù con mắt bên phải.
Sau bi kịch ấy, vua Viserys đã gắng sức giải quyết mọi chuyện êm thấm. Nhà vua không đồng ý khi Vương hậu Alicent đòi lấy mắt của Luke để đáp trả. Ngài cũng hạ lệnh ai mà còn nói những lời xúc phạm đến con của Rhaenyra thì người đó sẽ bị rút lưỡi bằng kìm nóng - bất kể thường dân hay quý tộc. Nhà vua lệnh cho Vương hậu Alicent và các con phải quay về King’s Landing, Rhaenyra và các con cũng phải ở lại Dragonstone để hai bên khỏi cãi nhau. Ser Erryk Cargyll của Đội Vệ Vương sẽ thay Ser Harwin Strong làm nhiệm vụ bảo vệ Rhaenyra.
Bi kịch cuối cùng trong năm đó là vụ cháy lớn ở Harrenhal, nó đã cướp đi sinh mạng của Lãnh chúa Lyonel Strong và Ser Harwin Strong. Sau đó, Vua Viserys đã cho triệu Ser Otto Hightower về lại Kinh Thành và bổ nhiệm ông làm Tướng quốc lần nữa. Bấy giờ nhà vua đã dần trở nên ốm yếu và dễ bị kiệt sức; nên ngài cần một người giàu kinh nghiệm để gánh vác vương quốc. Nhưng gần như ngay sau đó, thêm một vụ bê bối diễn ra, khi Vương nữ Rhaenyra thông báo rằng cô đã kết hôn với chú của mình - Vương đệ Daemon. Khắp nơi nổ ra những lời phản đối, vì cả hai mới góa chồng và vợ chưa đầy nửa năm, và nhà vua vô cùng tức giận. Cuộc hôn nhân được tiến hành trong bí mật, nên khi tin đến tai vua Viserys thì chuyện đã xong xuôi. Và đến cuối năm 120, Rhaenyra hạ sinh một con trai - một cậu bé mang dòng máu Targaryen thuần khiết với làn da trắng, mắt tím và tóc bạch kim. Cô đặt tên con trai là Aegon (về sau được gọi là Aegon Nhỏ để phân biệt với người chú Aegon Lớn). Quả trứng rồng đặt trong nôi của Aegon Nhỏ cũng nở, và con rồng được đặt tên là Stormcloud. Hai năm sau, Rhaenyra sinh thêm một con trai và đặt tên là Viserys, tuy hơi ốm yếu nhưng vẫn sống sót và nhanh chóng khỏe dần lên - nhưng quả trứng của cậu bé thì không nở.
Cũng trong năm 122, Aegon Lớn kết hôn với em gái mình là Helaena. Hai người có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau: Aegon thì lười biếng, ham ăn, nghiện cờ bạc và đam mê phụ nữ; trong khi Helaena thì dịu dàng và vui vẻ. Một năm sau Helaena hạ sinh cặp song sinh Jaehaerys và Jaehaera, còn đứa con thứ ba của họ ra đời năm 127 và được đặt tên là Maelor. Phe Xanh tỏ ra rất vui vì như vậy Vương tử Aegon cũng đã có người thừa kế, và họ đẩy mạnh việc thuyết phục nhà vua phong cậu làm trữ quân. Thế nhưng Vua Viserys bỏ ngoài tai tất cả, ngài nhất quyết không thay đổi vị trí của con gái cả.
Triều đình tiếp tục gặp khủng hoảng khi vào năm 126 Lãnh chúa Corlys sốt cao và Gia tộc Velaryon bắt đầu suy nghĩ tới việc ai sẽ thừa kế tước vị, khi mà cả hai con ruột của ông đều đã qua đời. Chiếu theo luật thừa kế thì Jace sẽ là người thừa kế Driftmark. Nhưng vì mẹ cậu là Rhaenyra là trữ quân, nên Jace sẽ là người kế vị Ngai Sắt. Do đó, Rhaenyra đề nghị để cho Luke thành người thừa kế của Lãnh chúa Corlys. Thế nhưng các họ hàng của Rắn Biển phản đối kịch liệt vì nghi ngờ huyết thống của Luke. Người phản đối gay gắt nhất là một trong số các cháu họ của Lãnh chúa Corlys - Ser Vaemond Velaryon. Anh lớn tiếng tuyên bố rằng Ser Harwin Strong mới là cha đẻ của Jace, Luke và Joffrey; do đó chúng không có quyền thừa kế Driftmark. Đáp trả cáo buộc này, Rhaenyra đã lệnh cho Daemon chặt đầu Ser Vaemond còn xác thì ném cho con rồng Syrax của cô ăn. Các cháu trai khác của Rắn Biển cùng vợ và con trai của Vaemond đã vội chạy đến Kinh Thành để tìm kiếm sự giúp đỡ của nhà vua. Và khi Vua Viserys nghe xong những lời buộc tội con gái mình - nhất là về huyết thống ba đứa con lớn của cô - ngài ra lệnh cắt lưỡi tất cả và tuyên bố họ là những kẻ dối trá.
Nhưng sau khi hạ lệnh này, nhà vua vô tình để tay bị một thanh kiếm trên Ngai Sắt cắt phải - vết thương sâu đến tận xương. Vua Viserys sau đó lên cơn sốt vì vết thương bị nhiễm trùng, và để cứu nhà vua, các Học sĩ đã phải cắt cụt hai ngón tay của ngài. Từ đó về sau, nhà vua không còn thiết triều tại Đại Sảnh nữa.
Vào đầu năm 127, Vua Viserys cho tổ chức một bữa tiệc lớn để cố gắng hàn gắn mối bất hòa giữa hai phe đối địch trong triều. Trước mặt nhà vua, Vương hậu Alicent và Vương nữ Rhaenyra đều tỏ ra vui vẻ với nhau, cũng như con của họ. Nhưng sau khi nhà vua đi nghỉ, những từ ngữ khinh bỉ cũng như mối hận thù đã hiện rõ ra trên gương mặt của từng thành viên hai phe Xanh và Đen.
Không lâu sau, Đại Học sĩ Mellos qua đời, và hai phe tiếp tục tranh cãi xem nên để ai thay vào chức vị ấy. Phe Đen của Rhaenyra muốn chọn người thân cận là Học sĩ Gerardys, trong khi Phe Xanh của Alicent thì ủng hộ Học sĩ Alfador của thành Hightower. Nhà vua né tránh vấn đề bằng cách chỉ ra rằng quyền chọn Đại Học sĩ thuộc về các Tổng Học sĩ ở Citadel. Cuối cùng, Tổng Học sĩ Orwyle là người được chọn; và dưới sự chăm sóc của ông, sức khỏe nhà vua có cải thiện, nhưng không được lâu. Ngài càng yếu dần, điều ấy dẫn đến việc Tướng quốc Otto cùng Tiểu hội đồng ngày càng có nhiều quyền lực hơn. Trong Tiểu hội đồng ấy, chỉ Đại Học sĩ Orwyle trung lập không thuộc phe nào cả.
Ngày 3 tháng 3 năm 129, sau khi kể chuyện cho hai đứa cháu Jaehaerys và Jaehaera trong phòng ngủ, nhà vua cho đám trẻ lui để nghỉ ngơi. Ngài không bao giờ còn tỉnh lại nữa. Sau 26 năm ở ngôi, Vua Viserys Đệ Nhất băng hà ở tuổi 52. Và với cái chết của nhà vua, những mầm mống xung đột tích tụ trong nhiều năm bùng nổ, và biến thành một cuộc chiến kinh hoàng. Bão tố đã kéo đến, và cùng với đó là Vũ Điệu Của Rồng.

CHƯƠNG 4: HỘI ĐỒNG XANH

Một người hầu phát hiện ra Vua Viserys đã băng hà và lập tức chạy tới báo tin cho Vương hậu Alicent - chỉ riêng cô, không ai khác. Rõ ràng lúc này phe Xanh chiếm thế thượng phong: triều đình hầu hết là người của họ, và trữ quân là Rhaenyra thì còn đang ở Dragonstone và sắp sinh con. Nửa đêm hôm ấy, Vương hậu Alicent và Ser Criston Cole vào phòng của nhà vua, và sau khi chắc chắn là ngài đã băng hà, cô ra lệnh cho Đội Vệ Vương hộ tống các thành viên Tiểu hội đồng đến họp. Bấy giờ ở Kinh Thành có năm Vệ Vương: Tướng Chỉ huy Criston Cole, Ser Arryk Cargyll, Ser Rickard Thorne, Ser Steffon Darklyn và Ser Willis Fell; hai người còn lại là Ser Erryk Cargyll và Ser Lorent Marbrand thì đang ở Dragonstone.
Vua Viserys I băng hà
Vua Viserys I băng hà
Tiểu hội đồng tập trung tại phòng riêng của Vương hậu Alicent, trong khi di thể nhà vua thì đang lạnh dần. Những người có mặt ở đó là: Vương hậu Alicent Hightower; Tướng quốc Otto Hightower; Tướng Chỉ huy Đội Vệ Vương Criston Cole; Đại Học sĩ Orwyle; Lãnh chúa Lyman Beesbury - chủ quản tiền bạc; Ser Tyland Lannister - đô đốc hải quân và chủ quản tàu bè; Lãnh chúa Larys Strong - chủ quản gián điệp, biệt danh Chân Vẹo; Lãnh chúa Jasper Wylde - chủ quản luật pháp, biệt danh Gậy Sắt. Về sau, đây còn được gọi là “Hội đồng Xanh”, do phần lớn người tham dự đều thuộc phe Xanh.
Đại Học sĩ bắt đầu cuộc họp bằng việc nêu ra các thủ tục và nghi lễ cần thiết sau khi nhà vua qua đời.
Ông lên tiếng, “Phải triệu tập Tư tế Eustace để thực hiện nghi lễ và cầu nguyện cho linh hồn của bệ hạ. Chúng ta cũng cần gửi quạ đến Dragonstone để thông báo với Vương nữ Rhaenyra rằng phụ vương người đã băng hà. Có lẽ đích thân Vương hậu nên viết thư để chia sẻ và giảm đi nỗi buồn chăng? Cũng phải có người cho rung chuông để thông báo rằng nhà vua đã băng hà, và đương nhiên phải chuẩn bị cho lễ đăng cơ của Nữ vương Rhaenyra…”
Ser Otto ngắt lời. “Những việc đó hãy để sau,” ông nói, “cho đến khi chúng ta quyết định xong việc kế vị.” Là Tướng quốc, ông có quyền phát ngôn thay nhà vua, và thậm chí ngự trên Ngai Sắt mà thiết triều nếu nhà vua vắng mặt. Chính tiên vương Viserys đã ban cho ông quyền cai trị Bảy Phụ Quốc thay thế, và ông sẽ làm thế, “đến khi nhà vua mới đăng cơ.” Tướng quốc Otto nói nốt.
“Đến khi Nữ vương đăng cơ,” Lãnh chúa Beesbury lên tiếng một cách gắt gỏng.
“Phải là nhà vua,” Vương hậu Alicent kiên quyết. “Theo đúng luật, Ngai Sắt phải được truyền cho đích trưởng tử của bệ hạ.”
Cuộc tranh cãi kéo dài tới tận bình minh. Trong Tiểu hội đồng chỉ có Lãnh chúa Beesbury phản đối việc tôn Aegon Lớn làm vua và ông hết lòng ủng hộ Vương nữ Rhaenyra. Ông tuyên bố rằng Rhaenyra lớn hơn, cô là con gái cả của nhà vua, và cô là Nữ Thân vương Dragonstone. Suốt đời mình, tiên vương Viserys chưa bao giờ có ý định phế truất ngôi trữ quân của Rhaenyra, và hàng trăm lãnh chúa cũng đã thề sẽ trung thành với cô.
Hội đồng Xanh
Hội đồng Xanh
Nhưng với phe Xanh, thảy đều chẳng nghĩa lý gì. Ser Tyland cho rằng hầu hết những người từng tuyên thệ đã qua đời - vì buổi lễ ấy đã diễn ra 24 năm trước. Lãnh chúa Jasper Wylde thì nhắc mọi người nhớ về quyết định của Đại hội đồng năm 101 cùng các truyền thống của người Andal - quyền kế vị ưu tiên cho dòng nam. Ser Otto thì cảnh báo rằng nếu Rhaenyra đăng cơ thì người thực sự cai trị sẽ là Daemon, và Vương hậu Alicent thì bày tỏ sự sợ hãi rằng các con cô sẽ gặp nguy hiểm nếu điều đó xảy ra. Ser Criston Cole thì tuyên bố con cái của Rhaenyra đều là con hoang và sẽ không được phép ngồi lên Ngai Sắt.
Đại Học sĩ Orwyle lên tiếng, “Nếu làm vậy, chiến tranh sẽ xảy ra. Vương nữ sẽ không chấp nhận bị qua mặt như vậy, và cô ấy có rồng trong tay.”
“Và có cả bạn bè nữa,” Lãnh chúa Beesbury tuyên bố. “Những người trọng danh dự, những người không quên lời thề với cô ấy và tiên vương. Ta đã già rồi, thưa các vị, nhưng chưa lẩm cẩm đến mức ngồi yên ở đây trong khi các người âm mưu cướp đi ngôi vị của cô ấy.” Và ông đứng dậy để bỏ ra ngoài.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo thì không ai thực sự rõ, nhưng chắc chắn một điều là Lãnh chúa Beesbury không toàn mạng mà ra khỏi Red Keep được. Đại Học sĩ Orwyle thì ghi rằng ông bị bắt giữ và tống giam, rồi qua đời trong khi chờ xét xử. Tư tế Eustace thì lại nói rằng chính Ser Criston đã ép ông quay lại chỗ và cắt cổ vị lãnh chúa già ngay tại bàn. Nhưng dù thế nào thì Lãnh chúa Beesbury cũng đã mất mạng, và cái chết của ông chính thức mở màn cho Vũ Điệu Của Rồng.
Sau khi đã xử lý xong Lãnh chúa Beesbury, Lãnh chúa Larys Strong đã yêu cầu những người có mặt phải cắt máu ăn thề để không ai dám phản bội mục tiêu chung. Khi bình minh lên, Ser Criston Cole rời phòng và cho người bắt giữ mọi lãnh chúa hay hiệp sĩ nào ở phe Rhaenyra. Các hiệp sĩ trong Đội Vệ Vương thì được cử đi hộ tống các con của Vương hậu đến. Khi ấy ba người con lớn của cô đang ở Kinh Thành, riêng con út là Vương tử Daeron thì đang ở Oldtown và làm cận vệ cho Lãnh chúa Hightower.
Vương tử Aegon không ở trong Red Keep mà còn đang chè chén say sưa trong Kinh Thành với một phụ nữ lạ mặt. Tư tế Eustace ghi rằng ban đầu khi nghe tin, Aegon đã từ chối tham gia vào âm mưu cướp ngôi này. Thế nhưng Ser Criston đã thuyết phục vị vương tử bằng cách nói rằng nếu Rhaenyra lên ngôi thì Aegon cũng như các em và con của anh sẽ không thể sống sót.
Sau đó, phe Xanh bắt đầu kế hoạch nắm quyền kiểm soát King’s Landing. Chỉ huy Đội Gác Thành và các đội trưởng bảy cánh cổng ra vào đều được triệu tập. Chỉ huy và hai đội trưởng kiên quyết giữ lòng trung với Rhaenyra nên đều bị tống giam. Ser Luthor Largent sau đó được thăng lên làm Chỉ huy, còn em trai Vương hậu là Ser Gwayne Hightower được phong Phó Chỉ huy. Ser Tyland Lannister thì được bổ nhiệm làm chủ quản tiền bạc thay Lãnh chúa Beesbury. Anh lập tức chia quốc khố làm bốn phần: ba phần đầu được chuyển đến Ngân hàng Sắt Braavos, thành Casterly Rock của nhà Lannister và Citadel để đảm bảo an toàn. Phần còn lại sẽ được dùng để thuê binh sĩ và hối lộ nếu cần. Và vì Ser Tyland nắm chức chủ quản tiền bạc nên triều đình khuyết mất vị trí đô đốc và chủ quản tàu bè. Tướng quốc Otto bèn gửi quạ đến Quần đảo Sắt. Ý định của ông là mời Lãnh chúa trẻ tuổi Dalton Greyjoy làm chủ quản tàu bè. Dalton Greyjoy tuy mới 16 tuổi nhưng đã khét tiếng liều lĩnh và tàn bạo, đến mức cậu ta có biệt danh là Thủy Quái Đỏ. Thế nhưng triều đình không nhận được lời hồi đáp nào.
Trong những ngày tiếp theo, từng đàn quạ được thả ra khắp nơi. Chúng mang các bức mật thư đến tay các đồng minh của phe Xanh và tìm kiếm những gia tộc có thể bị thuyết phục ủng hộ Aegon. Trong khi ấy, di thể của nhà vua vẫn bị bỏ mặc trong phòng mà không có ai được triệu đến để khâm liệm.
Aemond Targaryen
Aemond Targaryen
Phe Xanh vẫn tiếp tục ráo riết xem xét các thế lực để xem ai sẽ về phe Rhaenyra. Gần như chắc chắn Rhaenyra sẽ có trong tay toàn bộ sức mạnh của nhà Velaryon cũng như các gia tộc vùng Biển Hẹp. Nhà Stark có lẽ cũng sẽ theo phe Rhaenyra, và theo họ sẽ là toàn bộ phương Bắc. Thậm chí cũng cần phải cảnh giác trước vùng Thung Lũng, bởi người cai trị ở đó đang là một phụ nữ - Nữ chúa Jeyne Arryn. Người khó đoán nhất là Lãnh chúa Borros Baratheon. Nhà Baratheon từng ủng hộ Rhaenys và các con của bà trong Đại hội đồng năm xưa, nhưng biết đâu chỉ vì lãnh chúa quá cố Boremund là chú của Rhaenys mà thôi? Liệu giờ đây Lãnh chúa Borros có cùng ý kiến với cha mình không, hay sẽ có thể thuyết phục ông ta ủng hộ Aegon thay vì Rhaenyra?
Cuối cùng, Tiểu hội đồng quyết định sẽ cử sứ giả đến Storm’s End để thuyết phục Lãnh chúa Borros về phe họ. Người được giao trọng trách này không ai khác là Vương tử Aemond Targaryen - đã 19 tuổi và là một tay kiếm khét tiếng. Anh đã đặt một viên sapphire vào trong hốc mắt mù như một lời nhắc nhở về nỗi đau năm xưa. Aemond sẽ cưỡi con rồng Vhagar tới Storm’s End, và đưa ra một lời đề nghị hấp dẫn: đổi lại việc nhà Baratheon ủng hộ Aegon thì Aemond sẽ kết hôn với một trong những cô con gái của ông.
Khi Aemond rời đi cũng là lúc mùi hôi thối bắt đầu bốc lên từ phòng của nhà vua, và Alicent biết rằng không thể che giấu cái chết của Viserys lâu hơn. Ngay cả Vương tử Aegon cũng dần mất kiên nhẫn. Và một tuần sau khi vua Viserys băng hà, chuông được kéo và hàng trăm con quạ được gửi đến khắp nơi trong Bảy Phụ Quốc, thông báo rằng nhà vua đã băng hà và Vương tử Aegon sẽ kế vị.
Lễ đăng cơ của Aegon được diễn ra tại Hố Rồng, và cậu được Ser Criston Cole đặt chiếc vương miện bằng thép Valyria và khảm hồng ngọc của Aegon Nhà Chinh Phạt lên đầu. Đại Tư tế đã quá già yếu và không thể tham dự nên Tư tế Eustace đảm nhận việc xức dầu thơm cho tân vương. Và khi đã xong xuôi mọi nghi thức, vị tân vương được tôn xưng là Aegon Đệ Nhị, Vua của người Andal, Rhoynar và Tiền Nhân, Chúa Bảy Phụ Quốc và Người bảo vệ Vương quốc. Cờ hiệu của Aegon được kéo lên tại King’s Landing - nhưng không phải con rồng đỏ ba đầu trên nền đen, mà lại là con rồng vàng ba đầu trên nền đen.
Thế nhưng ngay trong thời khắc tưởng như phe Xanh đã đi trước một bước, họ vẫn phải hứng chịu tổn thất. Ngay trong đêm trước đó, vì không chấp nhận về phe với những người mưu phản, một hiệp sĩ Vệ Vương là Ser Steffon Darklyn cùng vài tay kiếm trung thành đã đào thoát khỏi Kinh Thành. Họ hướng đến Dragonstone để báo tin cho Vương nữ Rhaenyra, và đem theo chiếc vương miện của tiên vương Viserys - chiếc vương miện được truyền lại từ thời vua Jaehaerys I.

CHƯƠNG 5: HỘI ĐỒNG ĐEN

Tại King’s Landing thì sau khi đăng cơ, tân vương Aegon đã cưỡi con rồng Sunfyre bay ba vòng xung quanh thành phố và đáp xuống sân Red Keep rồi tiến vào Đại Sảnh rồi ngự lên Ngai Sắt. Những tiếng reo hò của những người ủng hộ vang khắp sảnh. Trái lại ở Dragonstone, chỉ có những tiếng la hét dữ dội của Rhaenyra khi cô sinh con. Đó cũng là lúc tin tức về sự phản bội của Aegon truyền đến Dragonstone. Rhaenyra đã nổi cơn thịnh nộ, dẫn đến sinh non và đứa bé không sống nổi. Cô đã đổ lỗi cho những kẻ soán ngôi về cái chết của đứa con gái sơ sinh - cô bé được đặt tên là Visenya.
Tuy vẫn còn chưa thực sự lại sức và chưa hết đau đớn, Rhaenyra vẫn lập tức triệu tập một hội đồng để bàn bạc đối sách. Đích thân Rhaenyra cùng chồng là Daemon sẽ chủ trì, và bên cạnh họ là Học sĩ Gerardys. Ba con trai lớn của cô đều có mặt: Jace, Luke và Joffrey, dù chưa ai tới tuổi trưởng thành. Hai hiệp sĩ Vệ Vương có mặt là Ser Erryk Cargyll và Ser Lorent Marbrand. Một số lãnh chúa và chư hầu của Dragonstone cũng nghe lời hiệu triệu mà tề tựu. Trong số đó có các lãnh chúa Celtigar, Stauton, Massey, Bar Emmon, Darklyn, và nhân vật hùng mạnh nhất - Rắn Biển Corlys Velaryon. Đối với Rhaenyra, họ là những người trung thành; nhưng với triều đình của Aegon ở King’s Landing, tất cả đều là kẻ phản bội.
Thực tế cho thấy phe Xanh hiện có lực lượng đông đảo hơn hẳn so với họ, lại còn là bên chiếm thế chủ động. Họ đã giành được Ngai Sắt và nắm được triều đình trong tay. Phe Xanh cũng đang là bên có binh lực áp đảo: chỉ tính riêng đội quân của nhà Hightower đã vượt trội so với phe Đen. Hơn nữa, phe Xanh có trong tay ba thành phố lớn và giàu có bậc nhất Bảy Phụ Quốc: King’s Landing, Oldtown và Lannisport. Hơn nữa, Aegon đã đăng cơ một cách chính thức; anh ngự trên Ngai Sắt, đội vương miện và sở hữu thanh kiếm của Nhà Chinh Phạt. Hơn nữa, anh là con trai lớn nhất của tiên vương, vậy nên trong mắt nhiều người, Aegon mới là vị vua chính đáng.
So với người em trai cùng cha khác mẹ, lợi thế của phe Rhaenyra dường như chẳng thấm vào đâu. Hiện tại binh lực của họ rõ ràng kém xa so với đối thủ, nhưng phe Đen cũng không hoàn toàn mất hết hy vọng. Họ có sự giàu có và sức mạnh vô song của hạm đội Velaryon. Daemon thì là một tay kiếm khét tiếng và giàu kinh nghiệm chiến trận hơn mọi đối thủ phe Xanh cộng lại. Vương quốc đã hòa bình quá lâu, nên những năm chinh chiến của Daemon ở Stepstone là quá đủ. Và quan trọng nhất, họ có nhiều rồng hơn hẳn đối thủ.
Bấy giờ phe Xanh có trong tay 4 con rồng đủ trưởng thành để chiến đấu: Sunfyre của Aegon, Dreamfyre của Helaena, Tessarion của Daeron, và Vhagar vĩ đại của Aemond. Mặc dù Vhagar là một con quái vật đáng gờm, nhưng một mình nó cũng không thể xoay chuyển toàn bộ cục diện. Đối đầu với họ, phe Đen có ít nhất gấp đôi số rồng: Syrax của Rhaenyra, Caraxes của Daemon, Vermax của Jace, Arrax của Luke, Tyraxes của Joffrey, Stormcloud của Aegon Nhỏ, Meleys của Rhaenys và Moondancer của Baela. Mặc dù không phải tất cả đều đủ lớn và có thể chiến đấu được, nhưng điểm cốt yếu là họ đang nắm giữ Dragonstone - và trên đảo còn sáu con rồng vô chủ. Chúng là Silverwing - con rồng từng thuộc về Vương hậu Alysanne, Seasmoke - con rồng của Laenor và Vermithor - con rồng của vua Jaehaerys I. Ngoài ra, ba con rồng khác là những con rồng hoang chưa từng có chủ: Sheepstealer, Grey Ghost và Cannibal. Nếu có thể tìm được chủ mới cho tất cả chúng, phe Đen sẽ có 14 con rồng, trong đó 12 con có thể ra trận được, gấp ba lần phe Xanh.
Đó sẽ là kế hoạch của Rhaenyra, dựa vào sức mạnh vô song của những con rồng để kết thúc cuộc chiến sớm nhất có thể.
Lãnh chúa Celtigar thì cho rằng nên cấp tốc đem rồng tấn công vào King’s Landing, nhưng cả Rắn Biển lẫn Daemon đều phản đối. Daemon nhấn mạnh rằng việc quan trọng nhất bây giờ là phải tôn Rhaenyra lên ngôi, rồi sau đó kêu gọi các lãnh chúa khắp Bảy Phụ Quốc nhớ về lời thề của họ. Hầu hết các gia tộc vẫn chưa tuyên bố lập trường của mình, do đó họ cần phải nhanh chóng có được sự hỗ trợ của những ai chưa về phe Xanh. Rhaenys tin rằng nhà Baratheon sẽ hỗ trợ phe Đen, như năm xưa Lãnh chúa Boremund đã từng ủng hộ các cháu của bà. Daemon thì tin rằng Nữ chúa Jeyne Arryn và vùng Thung Lũng cũng sẽ ủng hộ họ, ngoài ra vẫn có thể thuyết phục Thủy Quái Đỏ Dalton Greyjoy về phe. Ngoài ra, Rhaenyra cũng tin rằng phương Bắc và nhà Stark sẽ giữ lời thề, mặc dù sẽ mất thời gian để họ tập hợp quân lực để tiến xuống phía nam.
Ser Steffon Darklyn cùng vương miện của Vua Viserys I
Ser Steffon Darklyn cùng vương miện của Vua Viserys I
Bên cạnh đó, Daemon cũng đề xuất rằng họ cần một cứ điểm trên bộ để làm đối trọng với King’s Landing, và đồng thời cũng cần giành lấy sự ủng hộ của các gia tộc vùng đồng bằng sông Trident. Do đó, Daemon quyết định cần phải đánh chiếm Harrenhal để biến nó thành một cứ điểm. Hạm đội Velaryon sẽ đảm nhận việc khóa chặt Vịnh Gullet để chặn mọi cửa ngõ vào Vịnh Xoáy Nước Đen cũng như Kinh Thành. Đích thân Rắn Biển sẽ chỉ huy hạm đội và hỗ trợ họ sẽ là Rhaenys cùng con rồng Meleys. Và thay vì gửi quạ đến cho các gia tộc, Jace cho rằng đích thân cậu và các em trai nên làm sứ giả chuyển tin, vì như thế sẽ cho thấy các lãnh chúa được tôn trọng, và cũng để phô trương sức mạnh của những con rồng. Rhaenyra đồng ý, nhưng bắt cả Jace và Luke thề rằng sẽ không được gây hấn và chỉ được làm nhiệm vụ truyền tin mà thôi. Jace lớn hơn nên sẽ đi một chuyến dài hơn: từ Dragonstone tới Thung Lũng rồi Cảng Trắng và cuối cùng là Winterfell. Trong khi đó, Luke sẽ chỉ phải đến Storm’s End gặp Lãnh chúa Borros Baratheon, nơi mà Rhaenyra tin rằng cậu sẽ được chào đón.
Sau khi kế hoạch được thông qua, lễ đăng quang của Rhaenyra được tổ chức ngay hôm sau với vài trăm người tham dự. Ser Steffon Darklyn đến kịp lúc để trao cho Rhaenyra chiếc vương miện của tiên vương Viserys. Rồi sau đó Daemon đặt vương miện lên đầu cô và tôn xưng vợ mình là Rhaenyra Đệ Nhất, Nữ vương của người Andal, Rhoynar và Tiền Nhân. Daemon sẽ được phong làm Người bảo vệ Vương quốc, còn Jace sẽ được phong làm Thân vương Dragonstone và người kế vị Ngai Sắt. Ngay sau khi đăng cơ, nữ vương tuyên bố Ser Otto Hightower và Thái hậu Alicent là những kẻ phản quốc, nhưng nếu chịu đầu hàng thì họ sẽ được tha mạng.
Khi tin tức truyền tới Kinh Thành, Aegon II rất tức giận và lập tức ra lệnh xử tử người chị của mình. Tuy nhiên, triều đình lập tức khuyên nhà vua trẻ hãy bình tĩnh và hướng đến giải pháp hòa hoãn trước. Đại Học sĩ Orwyle thì xin được tình nguyện làm sứ giả đến Dragonstone để đàm phán. Ban đầu Aegon không đồng ý và định tống giam ông vì dám đề nghị điều ấy, nhưng rồi cả Thái hậu Alicent lẫn Vương hậu Helaena đều lên tiếng xin nhà vua hãy nghe theo. Cuối cùng thì nhà vua cũng đồng ý, và thế là Đại Học sĩ Orwyle lên tàu tới Dragonstone, đem theo lá cờ hòa bình và được hộ tống bởi Ser Arryk Cargyll của Đội Vệ Vương và Ser Gwayne Hightower. Các điều khoản của triều đình tương đối rộng rãi, ít ra là theo cách nhìn của Aegon. Theo đó, nếu Rhaenyra đầu hàng, cô sẽ được giữ nguyên tước vị Nữ Thân vương Dragonstone và Jace sẽ là người thừa kế. Bên cạnh đó, Luke cũng sẽ được công nhận là người thừa kế hợp pháp của Driftmark, các con trai của Daemon sẽ được nuôi nấng và đối xử tử tế ở Red Keep. Ngoài ra, tất cả các lãnh chúa và hiệp sĩ theo phe Rhaenyra cũng sẽ được tha bổng mọi tội trạng.
Cờ hiệu của hai phe Đen và Xanh
Cờ hiệu của hai phe Đen và Xanh
Khi nghe những điều khoản ấy, Rhaenyra im lặng từ đầu chí cuối. Và sau khi Đại Học sĩ Orwyle đã nói xong, Rhaenyra mới lên tiếng hỏi liệu ông có còn nhớ tới cha cô không. Vị học sĩ liền đáp rằng, “Thần có nhớ, thưa bệ hạ.”
“Nếu vậy thì hẳn ông có thể nói xem phụ vương ta đã chọn ai là trữ quân chứ?”, nữ vương lên tiếng, vương miện đội vững vàng trên đầu.
“Là người, thưa bệ hạ.” Orwyle đáp.
Rhaenyra gật đầu và tiếp lời. “Vậy là chính ông cũng đã thừa nhận ta mới là nữ vương chính danh. Vậy tại sao ông còn nhận lệnh từ em trai cùng cha khác mẹ ta, một kẻ soán ngôi không hơn không kém?”
Rồi sau đó nữ vương chất vấn vị Đại Học sĩ. “Thân là Đại Học sĩ, lẽ ra ông phải hiểu rõ và làm theo luật. Ông không xứng với chức vụ ấy, và chỉ đem đến ô nhục cho sợi xích mình đang đeo kia mà thôi.” Vị Đại Học sĩ chỉ có thể phản kháng yếu ớt khi binh sĩ của Rhaenyra giật lấy sợi xích học sĩ trên cổ rồi bắt ông quỳ xuống. Rồi sau đó, Rhaenyra trao sợi xích cho vị học sĩ của cô là Gerardys. Và khi đuổi Orwyle và đoàn sứ giả của Aegon đi, Rhaenyra tuyên bố: “Hãy về nói với em trai ta rằng hoặc là trả ngôi vị cho ta, hoặc là nó sẽ mất đầu.”
Khi nghe những lời ấy của Rhaenyra, Aegon II đã nổi trận lôi đình. Nhà vua trẻ giận dữ tuyên bố rằng: “Ta đã đề nghị một hiệp ước rộng rãi, vậy mà con điếm đó dám nhổ vào mặt ta. Ta sẽ lấy đầu của ả!”
Và với những lời ấy, mọi hy vọng về hòa bình chấm dứt. Chiến tranh đã bắt đầu.

CHƯƠNG 6: CÔNG HẠ HARRENHAL

Ở giai đoạn đầu, cuộc chiến bắt đầu một cách thận trọng. Từ Driftmark, hạm đội hùng hậu của nhà Velaryon ra khơi và khóa chặt mọi cửa ngõ ra vào King’s Landing từ đường biển. Sau đó, hai đặc sứ của Nữ vương Rhaenyra là Jacaerys và Lucerys cũng cưỡi rồng bay đến các địa điểm mình được giao phó - Jace bay lên phía bắc còn Luke bay về phía nam. Trong khi đó, Daemon triển khai bước tiếp theo của kế hoạch là cưỡi Caraxes bay đến Harrenhal.
Caraxes hạ cánh xuống Harrenhal
Caraxes hạ cánh xuống Harrenhal
Mặc dù phần lớn lâu đài vẫn trong tình trạng hoang tàn từ hơn một thế kỷ trước đó, nhưng Harrenhal vẫn là một pháo đài vĩ đại với tường dày và tháp cao. Do đó, đây vẫn là một cứ điểm mạnh - nếu không muốn nói là mạnh nhất ở Vùng Châu Thổ. Tuy nhiên khi mà chủ nhân của nơi này là Lãnh chúa Larys Strong hiện đang ở King’s Landing thì Harrenhal chỉ có số ít binh sĩ trấn thủ. Và khi Daemon cùng con rồng Caraxes bay đến và hạ cánh xuống Tháp Kingspyre, quản thành là Ser Simon Strong lập tức đầu hàng. Thế là toàn bộ tòa lâu đài cùng ngân khố của nhà Strong ở đây đều thuộc về phe Đen. Daemon cũng bắt Ser Simon và các cháu trai làm con tin, toàn bộ dân chúng sống trong lâu đài cũng vậy. Trong số những người ấy, có một cái tên mà rồi sau này chúng ta sẽ cần chú ý: một vú nuôi có tên là Alys Rivers.
Người phụ nữ này là ai? Không ai biết rõ, có người bảo cô ta là một người thông thạo các trò ma thuật, có người lại tin cô ta là một phù thủy rừng, lại có tin đồn rằng Alys Rivers thực chất là một mụ phù thủy tàn ác khi tắm máu để giữ gìn tuổi xuân. Không một ai biết chắc chắn cô ta là ai và những lời đồn kia đúng đến mức độ nào. Cái họ Rivers ám chỉ rằng cô ta là con hoang của quý tộc, nhưng cha mẹ là ai thì không thể biết được. Thời điểm ấy ít nhất Alys Rivers đã 40 tuổi, mặc dù bề ngoài trẻ hơn thế rất nhiều. Và dù cô ta có ma thuật hay trò phù thủy nào không thì dường như nó cũng không ảnh hưởng đến Daemon, bởi suốt thời gian ông trấn giữ Harrenhal, không có chuyện gì lạ xảy ra cả. Chúng ta sẽ còn quay lại với Alys Rivers, nhưng giờ hãy hướng tầm mắt đến Vùng Châu Thổ, để xem các gia tộc ở đây phản ứng ra sao trước việc phe Đen bất ngờ đánh chiếm Harrenhal thành công.
Sau khi giành được Harrenhal mà không tốn một giọt máu, Daemon đã biến nơi đây thành cứ điểm để tập hợp những ai trung thành với Rhaenyra. Hàng ngàn thường dân và các hiệp sĩ đã đến. Có không ít gia tộc Vùng Châu Thổ cũng công khai ủng hộ và giương cờ hiệu của Rhaenyra rồi nhanh chóng tập hợp binh lực. Chúng ta có thể kể đến nhà Frey của Song Thành, nhà Blackwood, nhà Mootons, nhà Piper, nhà Rootes, nhà Darry, nhà Mallister và nhà Vance. Lãnh chúa già Petyr Piper khi tuyên bố ủng hộ Rhaenyra đã tuyên bố rằng: “Ta đã từng thề sẽ chiến đấu cho cô ấy. Giờ ta đã già, nhưng chưa lẩm cẩm đến mức quên đi lời thề chính mình thốt ra, và ta đây vẫn còn cầm được kiếm để mà chiến đấu.”
Tuy nhiên, không phải tất cả các gia tộc đồng bằng sông Trident đều ủng hộ Rhaenyra. Nhà Bracken - tử địch với nhà Blackwood - ủng hộ Vua Aegon II, nhánh khác của nhà Vance ở thành Atranta cũng làm điều tương tự và giương cờ hiệu rồng vàng. Lãnh chúa tối cao của đồng bằng sông Trident và Lãnh chúa Riverrun là Grover Tully già yếu bệnh tật tuyên bố ông sẽ ủng hộ Aegon. Năm xưa, ông đã từng ủng hộ Viserys trong Đại hội đồng năm 101 vì tin rằng ngôi vị phải được truyền cho dòng nam, và bây giờ vẫn vậy. Nhưng mặc dù Lãnh chúa Grover tuyên bố nhà Tully sẽ chiến đấu vì Aegon thì trên thực tế, người quản lý mọi việc ở Riverrun lúc đó lại đang là Ser Elmo, cháu trai và người thừa kế của ông. Hết sức thận trọng, Ser Elmo không để những lời của ông nội mình lọt ra ngoài và cho người đóng chặt cổng thành, im lặng chờ xem mọi việc diễn biến ra sao.
Và trong khi các bên nín thở để chờ xem bên nào sẽ thực sự tung cú đánh đầu tiên, một thảm kịch đã diễn ra và nó lập tức thúc đẩy cuộc chiến leo lên những nấc thang mới - đẫm máu và tàn bạo hơn.

CHƯƠNG 7: VŨ ĐIỆU PHÍA TRÊN VỊNH ĐẮM TÀU

Trong lúc Daemon tập hợp đồng minh ở Vùng Châu Thổ thì ở phía đông, Vương tử Jacaerys và con rồng Vermax đã tới được thành Eyrie của nhà Arryn. Cậu đến gặp người cai quản Vùng Thung Lũng là Nữ chúa Jeyne để mong giành được sự ủng hộ của cô. Nữ chúa Jeyne đã 35 tuổi, nhưng chưa từng kết hôn, và đã cai quản vùng này từ khi cha và các anh trai cô bị tộc Quạ Đá giết hại hơn 30 năm trước.
Khi gặp Vương tử Jacaerys, Nữ chúa Jeyne đã nói rằng: “Họ hàng của ta đã âm mưu lật đổ ta ba lần. Đứa em họ của ta là Ser Arnold sẽ không ngần ngại nói rằng phụ nữ quá mềm yếu và không hợp cai trị, ngài có thể đích thân hỏi, vì gã đang bị nhốt trong ngục trời. Ông chú Daemon của ngài thì đối xử tệ bạc với vợ mình, quả vậy… nhưng bỏ qua sở thích chọn chồng của mẹ ngài, cô ấy vẫn là nữ vương chính danh của chúng ta. Và cô ấy cũng có thể tính là họ hàng của ta theo đường mẹ. Trong thế giới nơi đàn ông cai trị này, phụ nữ nên đoàn kết lại. Vùng Thung Lũng và toàn bộ các hiệp sĩ ở đây sẽ là của người… nếu nữ vương bệ hạ đồng ý một thỉnh cầu của ta.”
Vương tử Jacaerys bèn hỏi thỉnh cầu đó là gì, thì cô đáp, “Là rồng. Ta không sợ bất kỳ đạo quân nào. Vô số đạo quân đã bị bẻ gãy ở Cổng Máu, và thành Eyrie này bất khả xâm phạm. Nhưng chính ngài đã bay xuống từ trên trời với rồng, như Vương hậu Visenya từng làm trong Cuộc Chinh Phạt, và ta không thể cản ngài. Ta không muốn bị yếu thế. Hãy cử các Kỵ Sĩ Rồng tới bảo vệ chúng ta.”
Vương tử Jacaerys trong Sảnh Người Cá
Vương tử Jacaerys trong Sảnh Người Cá
Đối với thỉnh cầu này, Vương tử Jacaerys lập tức đồng ý, và nhờ đó có được sự quy thuận của Nữ chúa Jeyne và Vùng Thung Lũng. Sau đó, cậu tiếp tục lên đường hướng về phía bắc. Cậu ghé qua cả Quần đảo Ba Chị Em, và các lãnh chúa ở đây cũng nhanh chóng quy thuận, do họ vốn đã thề trung thành với Eyrie. Khi đến Cảng Trắng để gặp Lãnh chúa Desmond Manderly, cậu đồng ý với điều kiện để Vương tử Joffrey kết hôn với con gái út của ông sau khi cuộc chiến kết thúc. Nhờ đó, nhà Manderly cam kết sẽ tận lực ủng hộ Rhaenyra. Sau khi đã xong xuôi, Jace lại tiếp tục cưỡi Vermax bay đến Winterfell - nơi cậu sẽ phải thuyết phục Lãnh chúa tối cao phương Bắc là Cregan Stark ủng hộ mẹ mình.
Lãnh chúa Cregan Stark của Winterfell khi ấy mới 21 tuổi, nhưng trên danh nghĩa đã cai trị từ 8 năm trước. Và khi người chú của anh là Bennard Stark không chịu từ bỏ quyền nhiếp chính khi Cregan tới tuổi trưởng thành, anh đã lật đổ chú mình. Sau khi thực sự nắm lấy quyền lực, Lãnh chúa Cregan cai trị phương Bắc một cách nghiêm khắc nhưng công bằng, được các chư hầu kính trọng. Khi Jacaerys đặt chân tới Winterfell, mùa thu đã đến và tuyết bắt đầu rơi dày đặc, đồng nghĩa với việc Lãnh chúa Cregan đang chuẩn bị cho mùa đông sắp tới. Không ai thực sự rõ Vương tử Jacaerys và Lãnh chúa Cregan đã trao đổi và bàn bạc những điều gì, nhưng tất cả đều thấy kết quả. Hai người đã cùng thiết lập một hiệp ước có tên là “Hiệp ước Băng và Lửa”, theo đó thì nhà Stark và phương Bắc sẽ ủng hộ nữ vương Rhaenyra. Để đổi lại thì con trai duy nhất và người thừa kế của Lãnh chúa Cregan là Rickon Stark sẽ kết hôn với con gái đầu lòng sau này của Vương tử Jacaerys khi cô bé đến tuổi trưởng thành.
Như vậy là chuyến hành trình của Vương tử Jacaerys đã thành công mỹ mãn. Cậu đã thuyết phục được các lãnh chúa hùng mạnh về phe của mẹ mình. Dù chỉ chưa đầy 15 tuổi, nhưng Vương tử đã chứng tỏ mình là một người đáng tin cậy và xứng đáng kế vị Ngai Sắt. Nhưng còn nhiệm vụ của em trai cậu thì sao? Liệu Vương tử Lucerys có thành công trong việc thuyết phục Lãnh chúa Borros Baratheon hay không? Đáng tiếc rằng vận mệnh đón chờ Luke tại Storm’s End quá đỗi tàn khốc và kinh hoàng.
Vương tử Lucerys cưỡi Arrax bay tới Storm’s End vào một đêm dông bão khủng khiếp. Khi hạ cánh xuống sân lâu đài, cậu trông thấy một cái bóng khổng lồ: Vhagar vĩ đại, hùng mạnh nhất trong những con rồng còn sống. Và điều đó đồng nghĩa với việc Aemond cũng đang ở đây. Luke còn chưa biết, nhưng Lãnh chúa Borros đã chào đón Aemond nồng nhiệt bằng yến tiệc và một giải đấu thương vinh danh anh. Bên cạnh đó, ông cũng đã chấp nhận để Aemond kết hôn với một trong những cô con gái của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhà Baratheon đã đồng ý ủng hộ Aegon II. Thế nhưng khi biết tin Vương tử Lucerys đến, Lãnh chúa Borros vẫn cho mời cậu vào - dù chẳng nồng nhiệt gì.
Aemond và Lucerys ở Storm's End
Aemond và Lucerys ở Storm's End
Khi bước vào sảnh, Luke trông thấy Aemond đang đứng cạnh Lãnh chúa Borros cùng bốn cô con gái của ông. Ngay khi trông thấy cậu, Aemond đã lên tiếng mỉa mai, “Trông thằng nhóc tội nghiệp chưa kìa, thưa lãnh chúa. Thằng con hoang Luke Strong. Mày đang ướt đẫm kìa, là nước mưa hay là mày đã tiểu ra quần vì sợ hãi thế?”
Nhưng Luke không để tâm và lên tiếng chào Lãnh chúa Baratheon, “Lãnh chúa Borros, ta đem đến đây lời nhắn từ nữ vương mẹ ta.”
“Ý mày là con điếm ở Dragonstone, hử?” Aemond bước tới và cố giật lá thư từ tay Luke, nhưng Lãnh chúa Borros đã quát gọi người đến để tách cả hai ra. Sau đó một hiệp sĩ đưa cho ông bức thư của Rhaenyra. Ông không đọc mà đưa nó cho vị học sĩ, và lắng nghe khi người này đọc thầm bức thư. Sau khi nghe hết, Lãnh chúa Borros nhăn mặt; ông vuốt râu và nói với Luke bằng giọng khó chịu, “Vậy nếu ta đồng ý theo mẹ ngài, thì ngài sẽ cưới đứa con gái nào của ta, hả cậu nhóc? Chọn một đứa đi.”
Vương tử Lucerys đỏ mặt đáp, “Ta không thể tự ý hứa hôn, thưa lãnh chúa. Ta đã có hôn ước với chị họ Rhaena.”
Lãnh chúa Borros bèn nói. “Ra là thế. Vậy thì cút đi, chó con ạ, và bảo con điếm mẹ ngươi rằng Lãnh chúa Storm’s End không phải chó để mà ả có thể gọi đến để liếm chân được.” Và thế là Vương tử Lucerys đành quay người bước đi. Thế nhưng ngay lúc đó, Aemond đã sấn đến, rút kiếm và quát lên.
“Đứng lại nào Strong. Đầu tiên mày hãy trả nợ đi đã.” Rồi Aemond giật tấm che và để lộ hốc mắt phải với viên sapphire bên trong. “Tao thấy mày có đeo dao, cũng như hồi đó. Vậy tự móc mắt ra, rồi thì tao sẽ thả cho mày đi. Một con mắt là đủ. Tao không muốn mày bị mù đâu.”
Đáp lại lời khiêu khích ấy, Luke vẫn nhớ tới lời hứa với mẹ và chỉ đáp rằng. “Ta sẽ không chiến đấu với ngươi. Ta đến đây với tư cách sứ giả, không phải hiệp sĩ.”
“Mày chỉ là một thằng hèn, một thằng phản bội,” Aemond đáp, “Hoặc là móc mắt ra, hoặc tao sẽ lấy mạng mày, Strong ạ.”
Nghe những lời ấy, Lãnh chúa Borros khó chịu và lên tiếng. “Đủ rồi. Cậu ta đến đây với tư cách sứ giả. Ta không cho phép máu đổ dưới mái nhà mình.” Rồi ông lệnh cho binh lính đứng chắn giữa hai người và hộ tống Vương tử Lucerys quay lại sân, nơi con rồng của cậu đang nằm đợi.
Lẽ ra mọi chuyện đã có thể kết thúc ở đó, nếu cô con gái thứ hai của Lãnh chúa Borros là Maris không lên tiếng. Do không duyên dáng và hòa nhã hơn các chị em, nên Aemond đã bỏ qua không đếm xỉa đến cô. Khi chứng kiến mọi chuyện, Maris đã cất giọng khiêu khích Aemond, “Cậu ta móc mắt ngài hay móc mất bi của ngài thế? Thật may là ngài chọn cưới chị gái tôi. Phần tôi, tôi muốn một người chồng lành lặn hơn.”
Nghe những lời ấy, Aemond mím môi mím lợi vì giận dữ, và quay sang yêu cầu được rời đi. Lãnh chúa Storm’s End chỉ nhún vai và đáp rằng, “Nếu ngài không ở trong nhà ta thì ta chẳng có quyền bảo ngài phải làm gì cả.” Binh lính bèn tránh sang bên, và Aemond lao vội ra cửa.
Cái chết của Lucerys Velaryon
Cái chết của Lucerys Velaryon
Bên ngoài, cơn bão đã trở nên dữ dội. Sấm chớp liên tục, mưa thì trút xuống dữ dội, và từng tia sét lóe xuống khiến bầu trời sáng rực như ban ngày. Bay trong cơn bão làm con rồng nhỏ như Arrax phải rất chật vật mới giữ được thăng bằng, và Vhagar thì đuổi ngay phía sau. Giả như trời quang mây tạnh, hẳn là Luke có thể cắt đuôi được Aemond, do Arrax trẻ và nhanh nhẹn hơn nhiều. Nhưng than ôi, định mệnh đã sắp đặt cho cơn bão khủng khiếp ấy xảy ra và ngăn cản con rồng. Cuối cùng, Vhagar đuổi kịp Arrax phía trên Vịnh Đắm Tàu. Binh lính trên tường thành Storm’s End thoáng thấy những luồng lửa do hai con rồng phun ra, và những tiếng rít của chúng hòa lẫn với tiếng sấm. Và rồi hai con rồng lao vào nhau trong khi chớp giật xung quanh. Một cuộc đấu chẳng hề cân sức, khi mà Vhagar to gấp 5 lần Arrax, đã trải qua hàng trăm trận chiến lớn nhỏ. Cuối cùng thì Arrax bị Vhagar cắn đứt người và rơi thẳng xuống vùng biển dữ dội bên dưới, cùng với đó là cả Vương tử Lucerys. Đầu và cổ của con rồng dạt vào bờ biển ba ngày sau đó, và mặc dù không có tung tích của Luke, nhưng có một điều chắc chắn: cậu không thể sống sót nổi.
Cái chết của Vương tử Lucerys Velaryon chính là một mồi lửa thổi bùng lên cuộc chiến hãy còn đang âm ỉ. Từ sau đó trở đi, không còn khoan nhượng hay e dè nữa. Vũ Điệu Của Rồng rồi sẽ tàn khốc và đẫm máu hơn nhiều lần.
Lưu ý: Từ chương sau sẽ chứa spoiler cho các tình tiết quan trọng trong những mùa sau của House of the Dragon. Các bạn nên cân nhắc trước khi đọc tiếp.

CHƯƠNG 8: NỢ MÁU TRẢ MÁU

Khi quay trở lại King’s Landing, Aemond những tưởng sẽ được ca ngợi vì những chiến công của mình: thuyết phục được nhà Baratheon và Xứ Bão ủng hộ triều đình, tiêu diệt được một con rồng của phe Đen. Thế nhưng mọi sự lại không hề được như anh tưởng. Khi nghe về cái chết của Vương tử Lucerys, Thái hậu Alicent sợ hãi đến tái nhợt rồi kêu lên rằng, “Lạy Đức Mẹ nhân từ!”. Tướng quốc Otto cũng chẳng lấy làm hài lòng, ông trách móc thẳng thừng rằng: “Điện hạ, ngài chỉ mất một mắt mà thôi. Sao ngài có thể mù quáng đến vậy?”. Cả hai người đều biết rõ rằng cái chết của Lucerys sẽ khiến Rhaenyra giận dữ và chắc chắn cô sẽ trả thù. Thế nhưng nhà vua lại ca ngợi em trai mình là anh hùng và tổ chức yến tiệc linh đình để vinh danh Aemond.
Ở Dragonstone, Rhaenyra ngã quỵ khi nghe tin về cái chết kinh hoàng của Luke. Vương tử Joffrey giận đến mức lớn tiếng thề sẽ trả thù Vương đệ Aemond cùng Lãnh chúa Borros, và cậu suýt đã cưỡi rồng bay đi nếu Lãnh chúa Corlys cùng Tôn nữ Rhaenys không hết lời khuyên can. Và khi hội đồng nhóm họp để bàn cách phản kích, một con quạ từ Harrenhal tới đem theo lời nhắn ngắn gọn và lạnh lùng của Daemon: “Ân đền oán trả. Nợ máu phải trả bằng máu. Ta sẽ báo thù cho Lucerys.”
Đó hoàn toàn không phải một lời nói suông, vì Daemon không thiếu đồng minh và tay sai ở King’s Landing. Danh xưng “Thân vương Kinh Thành” của ông không phải trò đùa, bởi cho đến tận lúc này, Daemon vẫn còn những người trung thành ở Flea Bottom, trong Đội Gác Thành và thậm chí là ở Red Keep. Không một ai biết rằng Daemon có một tay chân thân cận ở King’s Landing - người hiểu và biết rõ Kinh Thành trong lòng bàn tay - đó không ai khác là Mysaria Sâu Trắng, người tình cũ của ông. Thông qua Mysaria, Daemon bày ra một kế hoạch trả thù khủng khiếp, và rất nhanh chóng cô ả đã tìm ra những kẻ phù hợp để thực hiện việc ấy.
Tên gọi của những kẻ kia đã lạc mất trong lịch sử, và giờ tất cả chỉ gọi chúng là Máu và Phô Mai. Máu là một gã đồ tể từng ở trong Đội Gác Thành, nhưng bị đuổi sau khi đánh chết một ả gái điếm trong lúc say. Phô Mai thì là một kẻ bắt chuột ở Red Keep - do đó gã nắm rõ nhiều ngóc ngách bí mật của tòa lâu đài trong lòng bàn tay. Phô Mai đã dẫn Máu lẻn vào trong Tháp Tướng quốc mà không gặp trở ngại gì. Thế nhưng chúng không vào phòng của Tướng quốc Otto mà lẻn vào phòng của Thái hậu Alicent - thông qua Mysaria, cả hai biết cô đã dọn về đây kể từ khi vua Viserys băng hà. Khi vào được phòng, Phô Mai lập tức giết chết người hầu rồi bắt trói Thái hậu, sau đó chờ đợi. Cả hai tên biết rằng theo lịch trình, Vương hậu Helaena sẽ dẫn các con đến thăm Thái hậu.
Không hề hay biết nguy hiểm đợi chờ, Vương hậu Helaena đưa ba người con vào phòng: cặp sinh đôi Jaehaerys và Jaehaera mới lên 6, trong khi cậu bé Maelor mới lên 2. Khi vào phòng, Helaena lên tiếng gọi mẹ; và chỉ chờ có thế, Máu lập tức chặn cửa rồi giết chết cận vệ của cô còn Phô Mai thì tóm lấy Vương tử Maelor.
Máu lập tức nói với Vương hậu rằng, “Hét lên thì bọn ta sẽ giết hết.” Vương hậu Helaena cố giữ bình tĩnh rồi hỏi hai kẻ lạ mặt, “Các người là ai?”. Phô Mai bèn đáp rằng chúng là những kẻ đòi nợ, và gã nói rằng, “Ân đền oán trả, nợ máu phải trả bằng máu. Bọn ta sẽ lấy mạng một đứa con trai, có đi có lại thôi mà. Bọn ta cam đoan không hại đến cả một sợi tóc của các vị đâu. Thế người muốn bọn ta giết đứa nào đây, thưa nương nương?”. Khi đã hiểu được những kẻ này muốn làm gì, Helaena xin chúng hãy giết cô thế chỗ, nhưng Máu đáp rằng cô là vợ của nhà vua chứ không phải con trai. Phô Mai thì nhắc cô nên chọn nhanh kẻo gã đồ tể sẽ phát bực mà hãm hiếp cô bé Jaehaera, rồi chúng sẽ giết hết. Helaena chỉ có thể bất lực quỳ trên sàn mà khóc, rồi cô chọn đứa con út Maelor. Có lẽ cô nghĩ rằng cậu bé còn quá nhỏ nên không hiểu gì, hoặc vì đứa con cả Jaehaerys giờ là Thái tử và người kế vị Ngai Sắt.
Chỉ đợi có thế, Phô Mai thì thầm vào tai Maelor rằng, “Nhóc nghe rõ chưa? Mẹ mày muốn mày chết đấy.” Thế rồi gã liếc sang Máu và cười khẩy, và tên đồ tể lập tức vung kiếm chém đứt đầu Vương tử Jaehaerys. Chứng kiến cảnh ấy, Vương hậu chỉ có thể gào thét trong bất lực và kinh hoàng.
Giữ đúng lời hứa, cả hai không làm hại thêm ai khác. Chúng rời đi với thủ cấp của Vương tử Jaehaerys bằng một lối đi bí mật mà binh lính không hề biết. Thế nhưng hai ngày sau, Máu bị bắt ở Cổng Thần Linh cùng chiếc bao đựng thủ cấp Jaehaerys. Gã bị tra tấn rồi thẩm vấn, cuối cùng khai ra mình được một người phụ nữ lạ mặt với làn da trắng sữa tên Misery thuê và được hứa hẹn một phần thưởng hậu hĩnh từ Daemon. Nghe thấy thế, triều đình lập tức biết Misery này thực chất là Mysaria, và cho tróc nã cả cô ả lẫn tên bắt chuột còn đang lẩn trốn. Thế nhưng dù nỗ lực ra sao thì cũng không lần ra được tung tích của cả hai. Trong cơn thịnh nộ, Vua Aegon đã cho treo cổ mọi kẻ bắt chuột trong Kinh Thành. Vương hậu Helaena tội nghiệp thì không bao giờ gượng dậy nổi sau lựa chọn kinh hoàng cô buộc phải đưa ra, và cả những gì cô đã phải chứng kiến. Cô không ngủ, không rời khỏi phòng nửa bước, bỏ cả ăn uống và không dám đối mặt với Vương tử Maelor. Helaena ngày càng chìm vào điên loạn, trong khi Aegon thì bất lực, nhà vua chỉ có thể nổi giận, rồi tìm đến rượu, và càng say thì càng giận dữ.

CHƯƠNG 9: TRẬN CỐI XAY CHÁY

Cái chết của Vương tử Lucerys tại Storm’s End và việc sát hại Vương tử Jaehaerys đã đẩy cuộc chiến vào một giai đoạn mới. Cả hai phe Đen và Xanh bắt đầu trực tiếp tập hợp binh lực để tấn công trả thù và giành lấy lợi thế. Khắp nơi, các lãnh chúa triệu tập chư hầu, các đạo quân bắt đầu ra trận. Ở thời điểm ấy, Vùng Châu Thổ là nơi trận đánh thực sự đầu tiên diễn ra.
Trận Cối Xay Cháy
Trận Cối Xay Cháy
Sau khi tuyên bố ủng hộ nữ vương Rhaenyra, Lãnh chúa Samwell Blackwood đã tập hợp một đạo quân và tiến vào cướp bóc đốt phá đất đai của nhà Bracken. Lãnh chúa Humfrey Bracken cũng lập tức tập hợp quân và phản công. Biết được điều ấy, Lãnh chúa Blackwood đã mai phục và tập kích đạo quân nhà Bracken khi họ dựng trại ở một cối xay cạnh bờ sông. Trận đánh diễn ra ác liệt và kéo dài hàng giờ liền, và do cối xay bị bắt lửa và bốc cháy nên về sau, trận này có tên là Trận Cối Xay Cháy. Lãnh chúa Blackwood tử trận trong khi giao tranh với chỉ huy quân nhà Bracken là Ser Amos Bracken. Nhưng chính Ser Amos sau đó cũng bị hạ bởi một mũi tên được cho là của Alysanne Blackwood, em gái Lãnh chúa Samwell. Cả hai bên đều thiệt hại nặng, nhưng cuối cùng nhà Bracken vỡ trận và người nắm quyền chỉ huy là Ser Raylon Rivers phải lui quân về thành Stone Hedge. Thế nhưng ngay khi về thành, ông cay đắng nhận ra Stone Hedge đã bị chiếm bởi Daemon Targaryen cùng một đạo quân tập hợp từ các gia tộc Darry, Rootes, Piper và Frey. Lãnh chúa Humfrey Bracken cùng phần lớn thành viên gia tộc đã bị bắt làm con tin, và Ser Raylon chỉ còn cách đầu hàng.
Với chiến thắng của phe Đen trong Trận Cối Xay Cháy cùng sự quy phục của nhà Bracken, gần như mọi gia tộc ủng hộ phe Xanh ở Vùng Châu Thổ đều chùn bước và án binh bất động. Các gia tộc ủng hộ Rhaenyra thì phấn chấn và tăng cường tập hợp lực lượng đến hội binh với Daemon ở Harrenhal.

CHƯƠNG 10: KẾ HOẠCH CỦA PHE XANH

Trong khi chiến tranh dần lan rộng, phe Xanh cũng buộc phải tìm kiếm thêm đồng minh. Tướng quốc Otto không hề ngồi yên, ông ra sức thuyết phục các lãnh chúa ủng hộ Vua Aegon, tìm lính đánh thuê, củng cố các hàng phòng thủ ở Kinh Thành và xem xét thiết lập liên minh. Ông thậm chí còn đề nghị bắt tay với Thân vương xứ Dorne là Qoren Martell - người từng đối đầu với Daemon trong cuộc chiến ở Stepstone. Thế nhưng Thân vương Qoren từ chối lời mời này và quyết tâm đứng ngoài cuộc chiến.
Việc Harrenhal thất thủ, vụ giết hại Vương tử Jaehaerys rồi sau đó là thất bại ở Trận Cối Xay Cháy và nhà Bracken đầu hàng càng khiến mọi sự thêm cấp bách. Nhà vua trẻ cũng dần dần mất niềm tin và sự kiên nhẫn với biện pháp ngoại giao của Tướng quốc. Tình hình xem ra cũng không quá khả quan với phe Xanh. Ở Xứ Reach, mặc dù Vua Aegon có được sự ủng hộ của nhà Hightower và nhà Redwyne; nhưng nhiều gia tộc khác vẫn giương cao cờ hiệu ủng hộ nữ vương. Trong số ấy có cả các chư hầu của nhà Hightower là Costayne và Mullendore; ngoài ra còn cả các gia tộc hùng mạnh khác như Tarly, Rowan và Grimm. Gia tộc Beesbury thì liên tục đòi triều đình phải thả tự do cho Lãnh chúa Lyman Beesbury (cái chết của ông vẫn được giấu kín). Và khi Red Keep lần lữa không đáp ứng yêu cầu ấy, gia tộc tối cao xứ Reach là nhà Tyrell quyết định rút khỏi phe Xanh và tuyên bố trung lập. Rồi cùng với việc Vùng Thung Lũng, Cảng Trắng và Winterfell đều lần lượt ủng hộ Rhaenyra, tình thế càng thêm bi đát cho phe Xanh.
Ser Criston Cole
Ser Criston Cole
Khi Vua Aegon yêu cầu Tướng quốc phải làm gì đó để giải quyết tình thế này, Ser Otto bèn nhắm vào hạm đội Velaryon bằng cách kêu gọi Tam Đầu Chế tham chiến. Hiện tại triều đình gần như không có sức mạnh thủy quân để chống lại hạm đội Velaryon đang siết chặt Vịnh Gullet. Hy vọng của triều đình về việc Lãnh chúa Dalton Greyjoy tham chiến dường như cũng đã tắt. Cách duy nhất là thành lập liên minh với Tam Đầu Chế, họ có thừa sức mạnh để đối đầu với thủy quân nhà Velaryon. Tướng quốc Otto biết họ chẳng yêu quý gì Lãnh chúa Corlys hay Vương phu Daemon, nên ông đề nghị cho họ nhiều quyền lợi trong buôn bán và trao toàn vùng Stepstone cho Tam Đầu Chế. Hội đồng cai trị của Tam Đầu Chế đồng ý xem xét lời đề nghị, nhưng họ bàn bạc quá chậm chạp. Vua Aegon nổi giận và quyết định tước bỏ chức vị Tướng quốc của ông ngoại mình. Nhà vua trẻ quyết định phong Tướng Chỉ huy Đội Vệ Vương của mình là Ser Criston Cole làm Tướng quốc. Aegon tuyên bố rằng, “Tướng quốc mới của ta sẽ là một nắm đấm thép. Chúng ta sẽ chấm dứt việc thư với từ.”
Ser Criston Cole cũng không ngần ngại chứng tỏ quyết tâm của mình khi đáp rằng, “Bệ hạ không cần phải van xin đám lãnh chúa của mình như ăn mày vậy. Người là vị vua chính danh của Westeros, và ai chối bỏ điều đó thì đều là kẻ phản bội. Đã đến lúc chúng biết cái giá của tội phản nghịch.”
Việc đầu tiên mà nhà vua cùng Tướng quốc mới làm là xuống hầm ngục nơi giam những quý tộc phe Đen và cho họ một cơ hội cuối cùng để quy phục. Trong số ấy, chỉ duy nhất ba người là các lãnh chúa Butterwell, Stokeworth và Rosby chịu phá bỏ lời thề với Rhaenyra. Những người còn lại là các lãnh chúa Hayford, Merryweather, Harte, Buckler, Caswell cùng Phu nhân Fell thà chết chứ không bội thề. Và tất cả họ sau đó đều bị xử tử.
Để trả thù cái chết của Vương tử Jaehaerys, Aegon bè cử Ser Arryk Cargyll trà trộn vào Dragonstone theo gợi ý của Ser Criston. Ser Arryk và Ser Erryk là hai anh em song sinh giống nhau như đúc, đến mức người ngoài không thể phận biệt nổi. Do đó, Ser Arryk sẽ có thể dễ dàng trà trộn vào Dragonstone để thực hiện nhiệm vụ. Mệnh lệnh của anh là gì thì không ai biết rõ; có người bảo Aegon lệnh cho Ser Arryk ám sát Rhaenyra, có người lại bảo anh được lệnh tìm giết những đứa con của cô là Lucerys và Joffrey. Ser Arryk tới Dragonstone trên một chiếc thuyền đánh cá, và đúng như dự đoán, anh dễ dàng tiến vào lâu đài. Thế nhưng khi đến gần khu vương thất ở, định mệnh đã sắp đặt anh chạm trán người duy nhất có thể nhận ra mình: Ser Erryk. Cuộc đụng độ giữa hai người anh em ở hai chiến tuyến là nguồn cảm hứng cho nhiều bài ca sau này, khi các thi sĩ hát rằng anh em nhà Carygyll dù thương yêu nhau hết mực nhưng bị buộc phải chiến đấu đến chết vì nghĩa vụ và danh dự. Tuy vậy, cũng nhiều người tin rằng sự thật trần trụi hơn nhiều: cả hai đều kết tội người kia là kẻ phản bội rồi lao vào đâm chém nhau tới chết. Nhưng dù thực tế chuyện gì đã xảy ra, thì kết quả cũng như nhau: hai anh em nhà Cargyll giết chết nhau tại Dragonstone, và nỗ lực trả thù của Aegon đã thất bại.

CHƯƠNG 11: TRẬN ROOK'S REST

Ở King’s Landing, triều đình của Aegon bắt đầu kế hoạch phản công và trừng trị các lãnh chúa phe Đen trên đất liền. Đích thân Ser Criston chỉ huy khoảng hai nghìn quân rời King’s Landing và hành quân đến Rosby cùng Stokeworth để bổ sung binh lực. Sau khi thu nạp thêm gần một nghìn quân từ hai gia tộc này, Ser Criston gấp rút hành quân đến thị trấn Duskendale của nhà Darklyn. Hoàn toàn bất ngờ trước sự xuất hiện của đạo quân phe Xanh này, Duskendale nhanh chóng thất thủ và bị cướp phá. Lãnh chúa Gunthor Darklyn bị xử tử rồi bêu đầu thị chúng vì tội phản quốc. Sau đó, Ser Criston tiếp tục hành quân đến thành Rook’s Rest của nhà Stauton. Nhưng lần này Lãnh chúa Stauton đã nghe được tin và lập tức chuẩn bị cho một cuộc vây thành. Bên cạnh đó, ông cũng đã kịp gửi quạ xin cứu viện tới Dragonstone trước khi Rook’s Rest bị vây.
Chín ngày sau khi Rook’s Rest bị vây, một con rồng lớn màu đỏ tươi như máu xuất hiện trên bầu trời - đó chính là Meleys Nữ vương đỏ, và cưỡi trên lưng nó là Tôn nữ Rhaenys Targaryen. Ser Criston vẫn bình tĩnh, vì ông biết trước sau gì cũng phải đối mặt với một Kỵ Sĩ Rồng. Ông lập tức lệnh cho cung thủ và binh lính dùng máy phóng lao tấn công con rồng. Meleys bị trúng vài phát tên, nhưng chừng đó là chưa đủ để xuyên qua bộ vảy của nó mà chỉ càng khiến con rồng hung tợn hơn. Rhaenys liên tục cho Meleys sà xuống phun lửa thiêu cháy cả người lẫn ngựa.
Trận Rook's Rest
Trận Rook's Rest
Binh lính bắt đầu hoảng sợ và bỏ chạy, nhưng Ser Criston vẫn vững vàng. Ông vẫn hét lên ra lệnh cho cung thủ nhắm bắn vào Rhaenys. Trong khi đó thì Meleys vẫn đang càn quét chiến trường, lúc ấy nó vừa ngoạm lấy một con ngựa chiến rồi rống lên. Và đúng lúc ấy, như để đáp trả Meleys, một tiếng rống khác vang đến. Trên bầu trời xuất hiện bóng của hai con rồng khác: đích thân Vua Aegon xuất trận trên lưng Sunfyre Hoàng Kim, và bên cạnh nó là Vương đệ Aemond trên lưng Vhagar vĩ đại. Bất chấp sự chênh lệch này, Rhaenys Targaryen không bỏ chạy. Hét lên một tiếng xông trận, bà quất roi điều khiển Meleys lao thẳng vào đối thủ.
Ba con rồng quần thảo với nhau hàng trăm mét trên không trung, những quầng lửa phóng ra tứ tung xẹt ngang bầu trời. Và sau một hồi hỗn chiến, Meleys ngoạm chặt lấy cổ Sunfyre, nhưng rồi bị Vhagar đè xuống và cả ba con rồng cùng lao thẳng xuống mặt đất. Từ đống khói lửa, chỉ duy nhất Aemond và Vhagar thoát khỏi mà không hề hấn gì. Meleys đã gãy nát toàn thân do cú ngã, còn Rhaenys thì bị thiêu cháy đến mức không ai còn có thể nhận diện được. Sunfyre thì bị rách toạc một bên cánh; còn Vua Aegon thì gãy khá nhiều xương sườn và xương hông, tay trái nhà vua bị bỏng nặng do phần giáp bị lửa rồng nung chảy dính chặt vào da thịt.
Cái chết của Meleys và Rhaenys cũng chấm dứt mọi hy vọng phá vây của Lãnh chúa Stauton. Không lâu sau, Rook’s Rest thất thủ và Lãnh chúa Stauton bị chém đầu. Trận đánh kết thúc với thương vong lên đến cả nghìn người. Ser Criston mất hơn tám trăm quân, chủ yếu do bị Meleys càn quét và thiêu chết. Hơn một trăm lính trấn thủ Rook’s Rest đều bị giết sau khi đầu hàng. Đầu của Lãnh chúa Stauton và con rồng Meleys được đem về Kinh Thành làm bằng chứng và để mừng công. Con rồng Sunfyre của nhà vua tuy sống sót, nhưng buộc phải ở lại Rook’s Rest vì không thể bay hay tự đi săn được. Vua Aegon thì bị thương nặng và phải nằm liệt giường. Do đó, triều đình khẩn cầu Vương đệ Aemond hãy trị vì thay anh trai cho đến khi nhà vua bình phục. Aemond đồng ý nhận lấy vương miện, nhưng anh không xưng vua mà chỉ tự xưng là Người bảo vệ Vương quốc và Nhiếp chính vương.
Trận Rook’s Rest là một thắng lợi của phe Xanh, nhưng khắp Vương quốc, cơn thủy triều của phe Đen bắt đầu dâng cao và trực chờ nhấn chìm họ. Hàng nghìn quân từ phương Bắc và Thung Lũng bắt đầu tập hợp để tiến đến Vùng Châu Thổ. Tại Reach, Lãnh chúa Ormund Hightower đã xuất binh với năm nghìn quân và ít nhất một vạn lính đánh thuê các loại từ mấy tháng trước. Thế nhưng họ nhanh chóng bị quấy phá bởi đạo quân của Ser Alan Beesbury và Lãnh chúa Alan Tarly dẫn đến việc hành quân bị chậm. Bên cạnh đó, một đạo quân khác của Lãnh chúa Costayne thì tấn công khu quân lương của nhà Hightower, buộc Lãnh chúa Ormund phải dừng lại. Và khi Lãnh chúa Thaddeus Rowan dẫn một đạo quân lớn gần bằng đạo quân Hightower chuẩn bị xung trận, Lãnh chúa Ormund đành gửi quạ tới Kinh Thành xin cứu viện là một Kỵ Sĩ Rồng. Thế nhưng triều đình không thể lập tức đáp ứng yêu cầu này, vì chỉ còn duy nhất Vhagar đủ khả năng chiến đấu, mà nó thì quá quan trọng.
Tình thế của phe Xanh dường như khá bi đát, nhưng thực chất mọi việc không hề lý tưởng với phe Đen, khi nội bộ của họ cũng có những sự xáo trộn nhất định sau thất bại ở Rook’s Rest và cái chết của Rhaenys cùng con rồng Meleys.

CHƯƠNG 12: NHỮNG HẠT GIỐNG RỒNG

Sau khi tin tức về việc Rook’s Rest thất thủ truyền tới Dragonstone, Lãnh chúa Corlys và nữ vương đã lời qua tiếng lại một cách giận dữ. Ông đổ lỗi cho Rhaenyra về cái chết của vợ mình, vì trước đó cô đã không cho Jacaerys và Joffrey đi theo hỗ trợ Rhaenys. Cuối cùng, Vương tử Jacaerys đã đứng ra dàn hòa cả hai và gần như nắm quyền chỉ huy thay mẹ mình. Cậu cử em trai Joffrey và con rồng Tyraxes đến Gulltown để hoàn thành ước hẹn với Nữ chúa Jeyne Arryn, và đi cùng cậu sẽ là Rhaena, con gái của Daemon. Con rồng của Rhaena đã chết non, nên cô mang theo ba quả trứng rồng với hy vọng chúng sẽ sớm nở. Sau đó, Jacaerys cũng sắp xếp để đưa hai em trai còn lại của mình là Aegon Nhỏ và Viserys sang Pentos để tránh khỏi cuộc chiến. Cuối cùng, cậu phong cho Lãnh chúa Corlys làm Tướng quốc của nữ vương để xoa dịu ông, rồi cả hai cùng lên kế hoạch tấn công King’s Landing.
Họ vẫn bám theo kế hoạch cũ là sử dụng rồng để tấn công, và giờ thời cơ gần như đã chín muồi. Trong số các con rồng có thể chiến đấu của phe Xanh, Sunfyre đã bị thương nặn, Dreamfyre không thể ra trận khi mà chủ nhân của nó là Vương hậu Helaena còn đang loạn trí, Tessarion của Vương tử Daeron thì đang ở Oldtown. Hiện tại chỉ còn Vhagar là chướng ngại cuối cùng, nhưng dù sao nó cũng là con rồng lớn nhất và hùng mạnh nhất còn sống. Trong khi ấy, những con rồng già dặn của phe Đen thì một đã chết là Meleys, một đang ở Vùng Châu Thổ là Caraxes, còn Syrax cũng khó có thể ra trận được. Những con còn lại thì quá bé và non nớt so với Vhagar. Vì vậy, Jacaerys nghĩ đến việc tìm người cưỡi cho sáu con rồng vô chủ ở Dragonstone.
Cái chết của Ser Steffon Darklyn
Cái chết của Ser Steffon Darklyn
Hy vọng lớn nhất của họ nằm ở những người được gọi là “Hạt giống Rồng” - con cháu ngoài giá thú của các thành viên Gia tộc Targaryen tại Dragonstone trong hơn 200 năm qua. Để tìm Kỵ Sĩ mới cho những con rồng, Vương tử Jacaerys đã hứa sẽ ban đất đai, tài sản, tước vị cho bất cứ ai có thể làm chủ một con rồng. Rất nhiều người đã hưởng ứng lời kêu gọi, dù họ có phải một Hạt giống Rồng hay không. Trong số ấy, rất nhiều người đã thất bại, và có 16 người đã chết, gồm có cả Ser Steffon Darklyn và Lãnh chúa Gormon Massey.
Tuy vậy, có những người đã thành công. Con rồng già Vermithor từng thuộc về Vua Jaeherys đã chấp nhận một thợ rèn tên là Hugh làm Kỵ Sĩ. Hugh là một gã con hoang cao lớn, mạnh mẽ và có biệt danh là Hugh Búa Tạ và Hugh Cứng Rắn. Một người khác là Ulf có biệt danh Tóc Bạc và Say Xỉn thì trở thành Kỵ Sĩ của Silverwing - con rồng từng thuộc về Vương hậu Alysanne. Một thiếu niên 15 tuổi tên là Addam trấn Hull thì trở thành Kỵ Sĩ mới của Seasmoke - con rồng từng thuộc về Ser Laenor Velaryon. Addam và em trai cậu là Alyn rồi sẽ trở thành những nhân vật quan trọng về sau; và xuất thân của họ cũng là một chi tiết còn được tranh cãi trong lịch sử. Người mẹ của cả hai thì khẳng định cha của Addam và Alyn là Ser Laenor, nhưng nhiều người tin rằng thực chất chính Lãnh chúa Corlys mới là cha của hai người họ. Tuy vậy, việc cả Addam và Alyn mang huyết thống Velaryon có lẽ là điều ai cũng đồng ý. Và sau khi Addam thu phục được Seasmoke, thể theo lời thỉnh cầu của Lãnh chúa Corlys cùng Vương tử Jacaerys, cả cậu và em trai Alyn đều được hợp pháp hóa và ban cho họ Velaryon. Rồi ngay sau đó, Addam được phong hiệp sĩ và Lãnh chúa Corlys chọn cậu làm người thừa kế Driftmark.
Thử thách thực sự nằm ở ba con rồng hoang - chúng đã sinh sống ở Dragonstone hàng chục năm nhưng chưa từng bị thu phục. Trong số ấy, to lớn và hung hãn nhất là Cannibal, con rồng có thói quen ăn thịt xác đồng loại, con non và cả trứng rồng. Không ai biết nó đã sống ở Dragonstone bao lâu, nhưng chắc chắn nó là con già nhất trong số ba con rồng hoang, và không ai đủ liều để thử thuần phục nó. Con rồng nhợt nhạt Grey Ghost thì quá nhút nhát và cảnh giác nên cũng chẳng ai tiếp cận được. Mục tiêu khả dĩ duy nhất là Sheepstealer, con rồng màu bùn có sở thích bắt cừu để ăn. Trong số những người cố gắng thuần phục nó có cả Alyn Velaryon, nhưng cậu thất bại và bị bỏng khá nặng. Người thu phục Sheepstealer thành công là một cô gái nhỏ nhắn với làn da nâu có tên Nettles. Cô bé kiên nhẫn đem cho con rồng một con cừu mới giết thịt mỗi sáng đến khi nó quen mùi của cô và để Nettles cưỡi.
Ba con rồng hoang ở Dragonstone: Cannibal, Grey Ghost và Sheepstealer
Ba con rồng hoang ở Dragonstone: Cannibal, Grey Ghost và Sheepstealer
Với việc có thêm bốn Kỵ Sĩ Rồng mới, Vương tử Jacaerys quyết định họ sẽ sớm tấn công King’s Landing. Ngày mà cậu chọn là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Thế nhưng vẫn thường có câu “mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên”. Khi phe Đen đang ráo riết chuẩn bị tiến về Kinh Thành thì ở ngoài khơi, một hạm đội hùng hậu của Tam Đầu Chế xuất hiện. Cuối cùng họ đã chấp nhận tham chiến theo lời kêu gọi của Ser Otto Hightower.

CHƯƠNG 13: TRẬN GULLET

Hạm đội của Tam Đầu Chế bao gồm 90 tàu chiến, một con số đáng ngại. Xui xẻo hơn nữa là đội tàu đưa hai vương tử Aegon Nhỏ và Viserys sang Pentos lại đâm thẳng vào hướng đi của hạm đội. Những tàu hộ tống bị đánh chìm hoặc chiếm giữ, còn chiếc chở hai cậu vương tử bị kiểm soát hoàn toàn. Chính Aegon Nhỏ là người mang tin này về Dragonstone. Cậu bay về trên lưng con rồng Stormcloud bị thương nặng trong trạng thái hoảng loạn, và chỉ một giờ sau con rồng qua đời. Vương tử Viserys thì không được may mắn như anh trai. Do không thoát được, nên cậu giấu quả trứng rồng đi và giả vờ mình là một chân chạy việc trên tàu; nhưng rồi vẫn bị nhận ra và bị bắt làm con tin.
Đô đốc chỉ huy hạm đội Tam Đầu Chế quyết định chia lực lượng làm hai. Một nửa sẽ tiến vào Gullet từ phía nam Dragonstone, nửa còn lại đánh từ phía bắc. Hạm đội Velaryon đang canh giữ Gullet đã bị tấn công bất ngờ và nhanh chóng thất bại. Nửa nam hạm đội Tam Đầu Chế đi vòng qua Dragonstone và đổ bộ được vào Driftmark. Spicetown và mọi con tàu trong bến đều bị thiêu rụi, High Tide thì bị bao vây. 
Trận Gullet
Trận Gullet
Tuy nhiên, phe Đen vẫn còn những con rồng. Ngay khi nghe tin về hạm đội Tam Đầu Chế, các Kỵ Sĩ Rồng đã lập tức xông trận và đích thân Vương tử Jacaerys cưỡi Vermax dẫn đầu. Cậu cùng bốn Kỵ Sĩ mới xuất hiện trên bầu trời Driftmark và trút lửa xuống hạm đội phía dưới. Mặc dù các thủy thủ đã từng có kinh nghiệm đối phó với Daemon cùng Caraxes, nhưng lần này họ phải chống lại tới năm con rồng. Rất nhanh chóng, hạm đội Tam Đầu Chế vỡ trận và lần lượt từng con tàu một bốc cháy. Thủy thủ hoảng loạn và nhảy xuống biển để chạy trốn, nhưng không mấy ai thoát được. Khắp vùng biển sáng rực khi hàng chục con tàu chiến biến thành những ngọn đuốc, chen vào đó là những tiếng rít của lũ rồng, tiếng la hét của những người bị thiêu cháy. Và khi trận đánh đã vãn, chỉ còn 28 con tàu của Tam Đầu Chế là thoát được khỏi biển lửa. Thất bại này cũng đánh dấu sự tan rã của liên minh ba Thành phố Tự do.
Cái chết của Jacaerys Velaryon
Cái chết của Jacaerys Velaryon
Dù là bên thắng lợi, nhưng phe Đen phải trả giá không hề nhỏ. Họ mất một phần ba hạm đội Velaryon, Spicetown bị phá hủy hoàn toàn còn High Tide cũng bị thiêu rụi và rơi vào đổ nát, hàng nghìn người mất mạng. Phần lớn của cải của nhà Velaryon cũng chìm vào biển lửa. Và có lẽ mất mát nặng nề nhất là việc Vương tử Jacaerys cùng con rồng Vermax tử trận. Không ai rõ lý do là gì giữa cảnh chiến trận hỗn loạn, nhưng chắc chắn Vermax đã bị thương và rơi xuống biển. Vương tử Jacaerys cố bám lấy một mảnh tàu vỡ, nhưng rồi cậu bị đám thủy thủ phát hiện. Các tay nỏ lập tức bắn hàng loạt tên về phía cậu, và Jacaerys không thể tránh. Vương tử trẻ tuổi trúng tên và chìm xuống lòng biển sâu. Hơn nữa, không một ai biết chuyện gì đã xảy ra với Vương tử Viserys, và hầu như ai cũng cho rằng cậu bé đã chết trong khi hỗn loạn diễn ra.
Phe Đen chiến thắng, nhưng hầu như chẳng ai ăn mừng vì mất mát quá lớn. Nữ vương Rhaenyra chịu thêm đả kích từ cái chết của Jacaerys và cả Viserys. Vương tử Aegon Nhỏ cũng không khá hơn, khi cậu bé không thể tha thứ cho mình khi đã vội vàng cưỡi Stormcloud mà bay đi, để lại đứa em giữa vòng vây quân địch. Và sau khi trận chiến kết thúc, Lãnh chúa Corlys đã nói rằng: “Nếu đây được coi là chiến thắng, thì thánh thần đừng ban cho ta chiến thắng nào như vậy nữa.”
Ít lâu sau trận thủy chiến Gullet, các trận đánh khốc liệt khác trên bộ cũng bắt đầu diễn ra, khiến khói lửa chiến tranh ngày càng lan rộng mà không thể trông thấy điểm kết.

CHƯƠNG 14: CHIẾN TRANH LAN RỘNG

Hai tuần sau trận thủy chiến đẫm máu ở Gullet, ở xứ Reach, đạo quân của Lãnh chúa Ormund Hightower rơi vào thế gọng kìm giữa đạo quân lớn của Lãnh chúa Thaddeus Rowan ở phía đông bắc và đạo quân của Ser Alan Beesbury, Lãnh chúa Alan Tarly cùng Lãnh chúa Costayne ở phía nam. Không còn đường lui, đạo quân Hightower tuy đông hơn nhưng dần rơi vào rối loạn. Trận đánh diễn ra ác liệt bên dòng Honeywine khi quân Hightower bị giáp công từ nhiều phía. Hàng ngũ của họ dần rơi vào hỗn loạn và vỡ trận. Lãnh chúa Ormund tưởng mình đã cầm chắc cái chết đến nơi thì đột nhiên một cái bóng bay vụt qua chiến trường cùng một tiếng rống xé tai. Một con rồng có vảy màu xanh xuất hiện trên bầu trời, đó chính là Tessarion, và trên lưng nó là Vương đệ Daeron, em út của Vua Aegon. Cậu mới 15 tuổi và là cận vệ của Lãnh chúa Ormund, vốn dĩ được lệnh phải ở lại Oldtown để đảm bảo an toàn. Thế nhưng Daeron không chịu nghe theo và quyết định tự mình cưỡi Tessarion bay đi và tìm đến trận chiến.
Cậu đến không hề muộn chút nào, và sự xuất hiện của con rồng Tessarion đã lật ngược tình thế trận chiến. Như được tiếp thêm sức mạnh, quân Hightower vùng lại chiến đấu dũng mãnh và dần lấy lại thế trận. Trong khi đó, Daeron điều khiển con rồng phun lửa thiêu cháy kẻ địch. Và đến cuối ngày khi trận đánh kết thúc, Lãnh chúa Thaddeus Rowan phải tháo chạy cùng tàn quân của mình, còn phó tướng của ông là Tom Flowers thì tử trận. Lãnh chúa Costayne cũng tử trận sau khi dính vết thương chí mạng từ Ser Jon Roxton, còn Ser Alan Beesbury cùng Lãnh chúa Alan Tarly bị bắt sống. Ngay sau trận chiến, Lãnh chúa Ormund đã phong tước hiệp sĩ cho Vương đệ Daeron và gọi cậu bằng cái tên Daeron Quả Cảm; nhưng cậu khiêm tốn từ chối và nhường công cho con rồng Tessarion của mình.
Tessarion Nữ vương Xanh
Tessarion Nữ vương Xanh
Khi tin tức về trận Honeywine truyền tới Dragonstone, nhiều chư hầu của phe Đen bắt đầu chán nản và chùn bước. Một số người đã khuyên Rhaenyra nên đầu hàng, nhưng nữ vương vẫn kiên định. Cái chết của những người con trai chỉ càng khiến cô thêm cứng rắn và ngập tràn hận thù. Sẽ không thỏa hiệp gì hết, cô sẽ tiếp tục cuộc chiến. Lợi thế về rồng vẫn nằm ở Rhaenyra, và cô sẽ sử dụng chúng để giáng những cơn bão lửa xuống đầu Aegon cùng đám phản quốc. Rhaenyra sẽ phanh thây Aegon trên Ngai Sắt, hoặc chết khi cố làm điều ấy.
Ở Kinh Thành, Nhiếp chính vương Aemond cũng bắt đầu vạch ra kế hoạch của mình. Anh tỏ ra khinh thường Rhaenyra và không coi cô là mối nguy lớn nhất, dù nữ vương nắm trong tay nhiều rồng hơn. Đối với Aemond, mối nguy lớn nhất đến từ Vương phu Daemon và con rồng Caraxes của ông cùng đội quân ngày càng lớn mạnh ở Harrenhal. Do đó, Aemond vạch ra kế hoạch tấn công vào Harrenhal theo hai hướng: Lãnh chúa Jason Lannister sẽ đem đạo quân Miền Tây vượt dòng Red Fork; trong khi đó thì đích thân Aemond sẽ cưỡi Vhagar ra trận, đồng thời Ser Criston sẽ huy động mọi lực lượng ở Kinh Thành. Hai đạo quân sẽ khép Daemon vào thế gọng kìm và Aemond dự định sẽ biến Harrenhal thành mồ chôn ông chú của mình. 
Không phải thành viên nào của triều đình cũng đồng tình với kế hoạch táo bạo này. Chỉ có hai người ủng hộ Aemond là Ser Criston Cole và Ser Tyland Lannister. Trong khi đó thì Đại Học sĩ Orwyle khuyên anh nên thận trọng và hãy lệnh cho nhà Baratheon tập hợp binh lực và hội quân với họ trước khi tấn công. Lãnh chúa Jasper Wylde thì khuyên anh nên đợi lực lượng nhà Hightower của Lãnh chúa Ormund và Vương đệ Daeron đến nơi trước. Thái hậu Alicent cũng khuyên con trai mình nghĩ lại, và tốt nhất hãy đợi nhà vua và Sunfyre bình phục. Tuy nhiên, Aemond gạt bỏ tất cả, anh cảm thấy chẳng có gì phải sợ. Vị Nhiếp chính vương trẻ tuổi cho rằng mặc dù Caraxes là một con rồng hung tợn, nhưng anh có Vhagar - hùng mạnh nhất trong những con rồng còn sống. Hơn nữa, đạo quân đang tập hợp của Daemon tuy ngày càng đông, nhưng chưa thể sánh được với binh lực Miền Tây và Kinh Thành. Không có lý do gì để chần chừ, nên Aemond quyết tâm thực hiện kế hoạch.
Hai tuần sau đó, Nhiếp chính vương Aemond xuất binh khỏi Kinh Thành. Anh cưỡi Vhagar và giao cho Ser Criston chỉ huy đạo quân gồm bốn nghìn người. Ở Miền Tây, Lãnh chúa Jason Lannister cũng đã tập hợp một đạo quân gồm tám nghìn người và bắt đầu tiến về Vùng Châu Thổ. Tuy nhiên, động tĩnh này đã đến tai Daemon - ông có nhiều tay chân ở King’s Landing. Ngay khi nghe tin Aemond sẽ dốc gần như toàn bộ quân lực ở Kinh Thành để tấn công Harrenhal, Daemon chỉ cười nhạt, và sau đó lập tức cho người gửi quạ đến Dragonstone - đã đến lúc thực hiện kế hoạch.
Vhagar vĩ đại
Vhagar vĩ đại
Về phần đạo quân Miền Tây của nhà Lannister, họ nhanh chóng đối mặt với đạo quân Vùng Châu Thổ do các lãnh chúa Petyr Piper và Tristan Vance chỉ huy. Mặc dù đạo quân Miền Tây đông đảo hơn nhiều, nhưng đạo quân Vùng Châu Thổ có được lợi thế khi nắm rõ địa hình khu vực này. Ba lần quân Lannister thử vượt dòng Red Fork là ba lần họ bị đẩy lùi và chịu thiệt hại khá nặng. Trong lần thứ ba, chính Lãnh chúa Jason Lannister bỏ mạng do bị một cận vệ tên Pate vùng Longleaf đánh trọng thương. Sau đó, Ser Adrian Tarbeck nắm quyền chỉ huy và cố gắng đưa đạo quân Miền Tây vượt sông lần nữa. Lần này, Ser Adrian cùng một trăm hiệp sĩ đã cởi bỏ áo giáp và bí mật bơi qua sông từ phía thượng nguồn rồi bất thần tấn công vào cánh quân của Lãnh chúa Vance. Đích thân Ser Adrian giết chết Lãnh chúa Vance và nhờ thế khiến đạo quân Vùng Châu Thổ hỗn loạn. Lợi dụng tình thế ấy, đạo quân Miền Tây chớp thời cơ vượt sông thành công. Do số lượng ít hơn hẳn, Lãnh chúa Piper không còn cách nào khác ngoài rút lui, để mặc cho hàng nghìn quân Lannister băng qua dòng Red Fork.
Cùng lúc đạo quân Miền Tây vượt dòng Red Fork thì ở quê nhà họ, hàng đoàn thuyền dài từ Quần đảo Sắt xuất hiện - Thủy Quái Đỏ Dalton Greyjoy quyết định tham gia cuộc chiến. Tuy vậy gã chẳng công khai ủng hộ phe nào mà chỉ tập trung cho người cướp phá dọc bờ biển Miền Tây, nơi còn rất ít binh sĩ phòng thủ. Vợ của Lãnh chúa Jason Lannister là Phu nhân Johanna cho đóng chặt cổng và rút vào thành Casterly Rock, nhưng họ cũng không có binh lực để ngăn cản đám người sắt tấn công. Thị trấn và cảng Lannisport bị cướp phá tan hoang, hàng trăm phụ nữ và trẻ em gái bị bắt về Quần đảo Sắt.
Ở phía đông, Lãnh chúa Walys Mooton chớp thời cơ bèn dẫn một trăm hiệp sĩ rời Maidenpool và hợp binh với các gia tộc Crabb, Brune và Celtigar rồi bất thần tấn công Rook’s Rest. Số ít quân đồn trú ở đây bị bất ngờ và nhanh chóng bại trận, thế là tòa lâu đài trở lại quyền kiểm soát của phe Đen. Sau đó, Lãnh chúa Mooton dẫn vài chục người can đảm nhất ra khỏi thành để tìm cách tiêu diệt con rồng Sunfyre vẫn còn ở lại quanh đó. Con rồng vẫn chưa lành hẳn nên không bay được, nhưng việc bị tấn công khiến nó nổi điên. Sunfyre phun lửa, dùng răng và móng vuốt giết chết sáu mươi kẻ tấn công nó, gồm cả Lãnh chúa Mooton. Những người may mắn sống sót thì vội vàng bỏ chạy và không dám ngoái lại nhìn nữa.
Thi thể Lãnh chúa Walys được em trai ông là Manfryd tìm thấy hai tuần sau đó trên cánh đồng. Khắp nơi toàn xác người xác ngựa, nhưng bóng dáng con rồng thì không thấy đâu. Dường như Sunfyre đã bỏ đi, nhưng đến đâu thì không ai dám chắc.
Và khi chiến tranh diễn ra ác liệt ở Vùng Châu Thổ thì ở Kinh Thành, dường như mọi thứ vẫn yên ả. Thế nhưng khi mà Nhiếp chính vương Aemond đã dốc toàn bộ quân lực rời thành, thì King’s Landing gần như không còn sức phòng thủ. Thời cơ để thực hiện cuộc tấn công của phe Đen đã đến.

CHƯƠNG 15: KING'S LANDING THẤT THỦ

Vào đầu năm 130, cuộc tấn công vào Kinh Thành của phe Đen được lên kế hoạch từ lâu đã diễn ra. Khi ấy, hầu như toàn bộ binh lực đều đã theo Nhiếp chính vương Aemond cùng Tướng quốc Criston rời thành. Trong thành bấy giờ chỉ còn số ít Đội Gác Thành và không có một Kỵ Sĩ Rồng nào bảo vệ. Trong khi đạo quân của Aemond tiến đến Harrenhal thì Daemon đã cưỡi Caraxes rời thành. Ông bay dọc theo bờ tây Hồ Mắt Thần để tránh đạo quân ấy, sau đó băng qua dòng Xoáy Nước Đen rồi quay về hướng đông thẳng tới King’s Landing. Từ Dragonstone, Nữ vương Rhaenyra cũng mặc bộ giáp vảy cá đen tuyền rồi cưỡi Syrax tiến về Kinh Thành. Cả hai người sau đó cùng hạ cánh và gặp nhau trên đỉnh đồi Aegon. Trông thấy những con rồng, dân chúng hoảng loạn và bắt đầu tháo chạy khỏi thành. Hỗn loạn nổ ra ở Flea Bottom, nhất là khi hạm đội của Rắn Biển xuất hiện ngoài khơi.
Thái hậu Alicent lập tức ra lệnh phòng thủ Kinh Thành, dù tình thế hết sức vô vọng. Cô lập tức lệnh đóng mọi cổng của lâu đài và King’s Landing, cắt cử Đội Gác Thành tới phòng thủ tường thành và cho các kỵ sĩ tức tốc rời thành đi tìm Nhiếp chính vương Aemond về cứu viện. Song song với đó, cô cũng lệnh cho Đại Học sĩ Orwyle lập tức gửi quạ cho các lãnh chúa cùng phe đem quân tới hộ giá. Thế nhưng khi về phòng, ông bị bốn lính áo choàng vàng tấn công. Những kẻ này đã đánh đập, trói chặt vị Đại Học sĩ rồi tống ông vào ngục. Các kỵ sĩ đưa tin của Thái hậu cũng bị bắt ngay ở cổng. Hóa ra tất cả bảy đội trưởng của Đội Gác Thành đều đã bị bắt giữ bởi chính đồng đội mình - những người vẫn còn trung thành hết mực với Daemon. Phó Chỉ huy của Đội Gác Thành là Ser Gwayne Hightower thì bị bắt giữ khi đang định gióng chuông cảnh báo. Anh bị chính Chỉ huy của mình là Ser Luthor Largent giết chết, và sau đó mọi cánh cổng ở Kinh Thành đều được mở ra để đón quân phe Đen đang ào ạt đổ ra từ các con tàu nhà Velaryon.
Cả Kinh Thành thất thủ trong chưa đến một ngày, nhưng tất nhiên đó đây vẫn có những sự phản kháng. Tuy vậy, những nỗ lực ấy cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu, khi Đội Gác Thành trở giáo quy thuận còn quân phe Đen thì tràn vào thành. Hơn nữa, khi những con rồng còn lại của phe Đen xuất hiện, tất cả chỉ còn cách đầu hàng hoặc tháo chạy ngay khi còn có thể. Nhận ra rằng có chống cự cũng vô ích, Thái hậu Alicent, Ser Otto Hightower cùng các thành viên triều đình như Ser Tyland Lannister và Lãnh chúa Jasper Wylde đều đầu hàng. Trong nỗ lực cuối cùng, Thái hậu đề nghị triệu tập Đại hội đồng để chấm dứt chiến tranh và quyết định ai mới là quân chủ chính danh. Thế nhưng Rhaenyra gạt phăng đi và đưa ra lựa chọn cho triều đình: đầu hàng hoặc bị thiêu sống. Thái hậu Alicent và các thành viên phe Xanh buộc phải đầu hàng và quỳ gối trước Nữ vương Rhaenyra.
Nhưng trong thời khắc thắng lợi tưởng như đã nằm trong tay, vẫn có những biến số không thể lường được. Vua Aegon đã biến mất, không ai biết tung tích của anh, kể cả Thái hậu. Vương hậu Helaena vẫn ở lại trong phòng, nhưng đã chìm vào điên loạn. Tuy thế, vương nữ Jaehaera và vương tử Maelor cũng đã biến mất, cùng Lãnh chúa Larys Strong, hai hiệp sĩ Vệ Vương là Ser Willis Fell và Ser Rickard Thorne. Dường như Lãnh chúa Larys đã giúp họ tháo chạy khỏi Kinh Thành trước khi nó thất thủ, nhưng họ đi đâu và bằng lối nào thì không một ai có thể biết được.
Dù vuột mất thắng lợi toàn diện, nhưng Rhaenyra vẫn đã có thể đường hoàng ngự trên Ngai Sắt trong bộ giáp đen mà phán xét những người trong lâu đài. Tất cả đều quỳ gối và cầu xin nữ vương khai ân. Phải hết cả đêm thì mọi việc mới xong, và nữ vương về phòng khi bình minh ló rạng. Thế nhưng người trong sảnh có thể thấy rõ những vết cắt và trên tay và chân của Rhaenyra. Đó là điềm xấu, bởi chúng ám chỉ rằng Ngai Sắt đã từ chối chấp nhận Rhaenyra là quân chủ đích thực. 
Mặc dù phe Đen đã chiếm quyền kiểm soát Kinh Thành, nhưng Vua Aegon và các con của anh đã thoát được trong gang tấc. Mặc dù không ai rõ tung tích của nhà vua, nhưng phe Xanh vẫn tiếp tục chiến đấu quyết liệt. Chiến tranh ngày càng ác liệt ở Vùng Châu Thổ và không có dấu hiệu sẽ dừng lại.

CHƯƠNG 16: HỖN LOẠN NGỰ TRỊ

Khi King’s Landing thất thủ thì ở Vùng Châu Thổ, các đạo quân vẫn tiến bước và đụng độ. Đạo quân Miền Tây sau khi vượt sông Red Fork đã đánh một trận nhỏ tại Acorn Hall - nơi chỉ có một nhóm quân nhỏ của Lãnh chúa Joseth Smallwood và tàn quân của Lãnh chúa Petyr Piper. Đạo quân Vùng Châu Thổ nhanh chóng bại trận và phải rút vào trong thành Acorn Hall, bản thân Lãnh chúa Piper cũng bỏ mạng. Tuy nhiên đạo quân Miền Tây không vây thành mà gấp rút hành quân đi luôn, vì Ser Adrian Tarbeck không muốn bỏ phí thời gian. Ba ngày sau, họ tiếp tục phải đánh một trận khác khi binh lính Vùng Châu Thổ tập hợp dưới sự chỉ huy của một hiệp sĩ lang thang là Ser Harry Penny đã tập kích quân Miền Tây. Mặc dù tiếp tục thắng trận nhờ vượt trội về số lượng, nhưng chỉ huy của họ là Ser Adrian Tarbeck thì tử trận trong khi chiến đấu với Ser Harry Penny - người sau đó cũng ngã xuống. Quân Miền Tây tiếp tục tiến về Harrenhal dưới sự chỉ huy của Lãnh chúa Humfrey Lefford đã già và cũng chịu nhiều vết thương đến mức phải nằm kiệu.
Trong lúc đạo quân Miền Tây tiến về Harrenhal thì từ phía bắc, một đạo quân mới xuất hiện. Hai nghìn binh sĩ từ phương Bắc tiến xuống Vùng Châu Thổ và giương cờ hiệu của nữ vương Rhaenyra. Dẫn đầu đạo quân này là Roderick Dustin, Lãnh chúa Barrowton, một chiến binh đã già với biệt danh Roddy Hoang Tàn. Hai nghìn quân của ông cũng như chỉ huy của họ: đều đã luống tuổi nhưng dạn dày kinh nghiệm, tất cả đều là kỵ binh. Họ tự gọi bản thân mình là Sói Mùa Đông, và khi đến Song Thành, Lãnh chúa Roderick đã nói với Phu nhân Sabitha Frey rằng: “Bọn ta đến để chết cho nữ vương rồng rồi đây.” Và sau khi tập hợp binh lực với một số gia tộc khác, họ tiến quân để đối đầu đạo quân Lannister.
Aemond chiếm lại Harrenhal
Aemond chiếm lại Harrenhal
Còn với đạo quân của Aemond và Ser Criston, mưa bão khiến đường sá lầy lội và làm cuộc hành quân của họ bị chậm. Họ chỉ phải đánh một trận nhỏ với toán quân ít ỏi của Ser Oswald Wode cùng các lãnh chúa Darry và Rootes bên bờ Hồ Mắt Thần. Với số lượng vượt trội, Ser Criston dễ dàng thắng trận và tiếp tục hành quân. Sau 19 ngày, cuối cùng đạo quân này cũng đến được Harrenhal. Thế nhưng đến lúc ấy thì Daemon và người của ông đã rời đi từ lâu. Tòa lâu đài gần như rỗng không, chỉ trừ số ít người hầu và các tù binh. Toàn bộ binh lực phe Đen đã bỏ thành, và đặc biệt là Daemon cùng con rồng Caraxes.
Nhiếp chính vương Aemond đến Harrenhal vào hôm sau và tuy bề ngoài tuyên bố đây là một chiến thắng lớn, nhưng thực chất anh phát điên vì mắc mưu. Rồi khi tin tức về việc Kinh Thành thất thủ truyền tới, Aemond giận dữ đến mức cho rằng chính nhà Strong đã thông đồng để phản bội triều đình và báo tin cho phe Đen. Anh ra lệnh xử tử hết mọi thành viên nhà Strong còn ở Harrenhal, cùng phần lớn người hầu - chỉ trừ Alys Rivers. Không hiểu sao Aemond lại tỏ ra thích thú và say mê cô nàng, dù Alys lớn tuổi gấp đôi anh. Tạm thời Aemond và Ser Criston vẫn đóng quân ở Harrenhal, và xem xét nên làm gì tiếp theo, khi đã mất King’s Landing.
Đạo quân Miền Tây sau đó cũng nhanh chóng gặp phải kẻ địch. Khi họ đến bờ tây Hồ Mắt Thần thì các đạo quân Vùng Châu Thổ đã đợi sẵn. Đạo quân thứ nhất ở phía bắc gồm binh lực của nhà Frey và nhà Blackwood: hai trăm hiệp sĩ, sáu trăm bộ binh, ba trăm cung thủ; ngoài ra đương nhiên còn hai nghìn kỵ sĩ Sói Mùa Đông. Đạo quân thứ hai ở phía nam do Pate miền Longleaf chỉ huy gồm tàn quân từ các trận đánh trước đó cộng với quân từ các gia tộc Bigglestone, Chambers và Perryn. 
Nhận ra rằng mình đã rơi vào thế gọng kìm, Lãnh chúa Lefford do dự không quyết được nên giáp chiến với đạo quân nào. Ông bèn cho lui quân về phía bờ hồ và dựng hàng phòng thủ, sau đó thả quạ đến Harrenhal xin cứu viện của Nhiếp chính vương Aemond. Tuy nhiên mọi con quạ đều bị bắn hạ bởi Robb Rivers - con hoang nhà Blackwood, một cung thủ cự phách. Và đến hôm sau, thêm một đạo quân phe Đen nữa xuất hiện, các chỉ huy bao gồm Ser Garibald Grey, Lãnh chúa Jon Charlton và cậu bé Benjicot Blackwood mới 11 tuổi - tân lãnh chúa Raventree. Giờ khi binh lực đã dồi dào, các chỉ huy phe Đen nghe theo lời khuyên của Lãnh chúa Roderick - đánh tan đạo quân Lannister này nhanh nhất có thể.
Bình minh ngày hôm sau đó, trận chiến trên bộ đẫm máu nhất toàn cuộc chiến diễn ra bên bờ Hồ Mắt Thần. Lịch sử gọi nó là Trận Bờ Hồ, nhưng những ai từng trải qua và sống sót đều gọi nó là Trận Mồi Cá. Đạo quân Miền Tây bị tấn công từ ba mặt và bị buộc phải lùi xuống hồ. Hàng nghìn người xông vào nhau đánh giáp lá cà quyết liệt, hàng trăm người chết đuối. Trận đánh ác liệt kéo dài suốt cả một ngày, và khi trời tối, hơn hai nghìn người phe Đen tử trận, cùng các lãnh chúa Frey và Charlton. Thiệt hại nặng nhất chính là đạo quân Sói Mùa Đông, khi Lãnh chúa Roderick đã dẫn kỵ binh đánh tiên phong và xông vào đội lính giáo nhà Lannister năm lần liền để xuyên thủng hàng ngũ của họ. Sói Mùa Đông mất hơn hai phần ba binh lực của mình. Còn về phần đạo quân Miền Tây, hầu như toàn bộ đều mất mạng, gồm cả chỉ huy của họ là Lãnh chúa Lefford. Như vậy thì tính ra, ít nhất một vạn người cả hai phe đã chết trong trận đánh. Tuy thiệt hại không nhỏ, nhưng phe Đen thắng lợi lớn khi tiêu diệt được hoàn toàn đạo quân Miền Tây.
Trận Mồi Cá
Trận Mồi Cá
Ở Reach, đạo quân Hightower của Lãnh chúa Ormund và Vương đệ Daeron tiếp tục thắng nhiều trận nhỏ. Họ buộc các lãnh chúa Rowan, Oakheart và các gia tộc Quần đảo Khiên Chắn phải đầu hàng. Tại Storm’s End, Lãnh chúa Borros Baratheon cuối cùng cũng xuất binh. Ông tập hợp gần sáu nghìn người, nhưng thay vì tiến đến Kinh Thành, Lãnh chúa Borros lại tiến xuống phía nam. Ông lấy lý do rằng lũ cướp người Dorne đang quấy nhiễu biên giới Vùng Đất Bão nên phải tiến quân đến đây xử lý chúng. Nhưng lý do thực sự thì nhiều người cho rằng Lãnh chúa Borros sợ hãi những con rồng, nên mới quyết định không xuất binh về Kinh Thành như đã hứa. Trong khi đó, Thủy Quái Đỏ Dalton Greyjoy và hạm đội của gã tiếp tục hoành hành trên biển mà không ai ngăn chặn.
Tại Harrenhal, quân của Aemond dần rơi vào cảnh thiếu thốn lương thực và cỏ khô. Những cánh đồng ngoài lâu đài đều đã cháy rụi và cằn cỗi, còn những nhóm lính tìm thức ăn mạo hiểm đi quá xa thì đều không quay trở lại. Ser Criston giục Aemond mau rút quân về phía nam, nơi có các đạo quân trung thành nhất với Vua Aegon. Thế nhưng trước sau Aemond đều gạt phắt đi vì anh cho rằng làm như thế là hèn nhát. Vị nhiếp chính vương trẻ tuổi muốn đột kích King’s Landing, vì anh tin rằng không con rồng nào đủ hùng mạnh để chống lại Vhagar.
Thế nhưng Ser Criston cho rằng như thế là dại dột. Ông khuyên Aemond rằng dù Vhagar có mạnh ra sao thì một chọi sáu vẫn quá ngu ngốc. Ser Criston hết lời khuyên Aemond xuống phía nam để hợp binh với Lãnh chúa Hightower và Vương đệ Daeron. Cả hai biết chắc rằng Vua Aegon đã thoát khỏi Kinh Thành, và ông tin rằng nhà vua cũng sẽ tìm đến với đạo quân của nhà Hightower. Ngoài ra, Ser Criston có thể lệnh cho những thuộc hạ trung thành ở King’s Landing tìm cách giải thoát cho Vương hậu Helaena và con rồng Dreamfyre. Khi ấy, họ sẽ có bốn con rồng để chống lại phe Đen. 
Dù vậy, Aemond nhất quyết không nghe và cuối cùng, cả hai tách ra. Ser Criston sẽ dẫn quân xuống phía nam để hợp lực cùng Lãnh chúa Hightower. Aemond và Vhagar sẽ ở lại Vùng Châu Thổ và thiêu trụi các vùng đất do phe Đen kiểm soát, và xử lý bất kỳ Kỵ Sĩ Rồng nào Rhaenyra cử đến. Anh đánh cược rằng Rhaenyra sẽ không để mọi Kỵ Sĩ Rồng ra trận cùng lúc, mà Vhagar thì quá hùng mạnh nên Aemond tự tin về chiến thắng của mình.
Ở King’s Landing khi đó, Rhaenyra tập trung vào việc cai trị - cô ban thưởng cho những người trung thành và trừng phạt những kẻ phản quốc. Nữ vương treo thưởng hậu hĩnh cho ai bắt được những người còn đang lẩn trốn: vua Aegon II, Vương tử Maelor, Vương nữ Jaehaera, Lãnh chúa Larys Strong, các hiệp sĩ của Đội Vệ Vương là Ser Willis Fell và Ser Rickard Thorne. Với các thành viên phe Xanh bị bắt, chỉ duy nhất Thái hậu Alicent được tha mạng và không bị tổn hại gì. Rhaenyra cho xử tử Ser Otto Hightower, các lãnh chúa Wylde, Rosby và Stokeworth. Riêng Ser Tyland Lannister thì bị tra tấn để ép anh khai ra những nơi cất giấu quốc khố. Nữ vương sau đó bổ nhiệm Lãnh chúa Bartimos Celtigar làm chủ quản tiền bạc mới. Để lấp đầy quốc khố gần như rỗng không, ông đã phải áp đặt nhiều loại thuế mới cũng như cho tăng các khoản thuế và phí sẵn có. Việc này ảnh hưởng nặng nhất tới các thương nhân và những người buôn bán nhỏ lẻ trong Kinh Thành - họ vốn đã chịu thiệt hại đáng kể từ trước, khi hạm đội Velaryon phong tỏa vịnh Xoáy Nước Đen. Những ai không thể hoặc từ chối nộp tiền đều bị tịch thu hàng hóa cùng tàu thuyền. Lãnh chúa Celtigar thậm chí còn ban lệnh rằng tất cả những vụ hành quyết sẽ được tổ chức công khai ở Hố Rồng và ai muốn xem phải trả phí vào cửa. Bằng những biện pháp ấy, quốc khố được lấp đầy. Thế nhưng đổi lại, dân chúng Kinh Thành ngày càng phẫn nộ và chuyển sang căm thù nữ vương. Họ bắt đầu gọi cô bằng biệt danh “Vua Maegor có vú”.
Nữ vương Rhaenyra thiết triều
Nữ vương Rhaenyra thiết triều
Tuy nhiên Rhaenyra chẳng mấy để ý tới những hiểm họa tiềm tàng từ việc dân chúng Kinh Thành ngày càng mất lòng tin với mình. Vị nữ vương cảm thấy đã đủ an toàn để đem các con của mình đến King’s Landing. Hai người con trai còn sống của Rhaenyra là Vương tử Joffrey và Vương tử Aegon đều được đưa đến Kinh Thành. Nữ vương sau đó sách phong Joffrey làm Thân vương Dragonstone và người kế vị Ngai Sắt. Thậm chí ngay cả tình cũ của Daemon là Mysaria cũng xuất hiện ở triều. Dù không phải thành viên chính thức của Tiểu hội đồng, cô vẫn được đảm nhận chức vụ chủ quản gián điệp. Rhaenyra có vẻ hài lòng với thắng lợi này, có vẻ không lo ngại gì, dù mỗi lần ngự trên Ngai Sắt, cô đều bị thương - một điềm xấu mà ai cũng có thể nhìn ra, nhưng không dám hé miệng. Trong khi ấy, chiến tranh vẫn cứ nổ ra ác liệt.
Bấy giờ ở Reach, Lãnh chúa Ormund Hightower bắt đầu vây thành Longtable của nhà Merryweather. Cách đó 30 dặm về phía đông bắc là thành Bitterbride, nơi Phu nhân Caswell cai trị thay cho chồng đã bị Vua Aegon xử tử đầu cuộc chiến. Bitterbridge lúc ấy chật ních người tị nạn và dân chúng trong thị trấn được lệnh phải từ chối bất kỳ vị quý tộc nào đến tìm nơi ẩn náu. Tuy nhiên, Ser Rickard Thorne và Vương tử Maelor đã thành công cải trang thành một cặp cha con lữ khách và ẩn náu trong thị trấn. Nhưng gã chủ quán trọ nơi cả hai ẩn náu đã nổi lòng tham mà sai người lục lọi đồ đạc của khách, để rồi phát hiện ra tấm áo choàng trấng bọc một quả trứng rồng. Phần thưởng của nữ vương quá lớn, nên ngay khi có kẻ loan tin, một đám đông lớn đã hình thành và tìm cách cướp lấy cậu bé Maelor. Ser Rickard Thorne cố tìm cách đưa Vương tử chạy trốn nhưng không được, và cuối cùng cả vị hiệp sĩ lẫn cậu bé Maelor đều mất mạng trong cuộc hỗn loạn. Khi Phu nhân Caswell đến nơi và trông thấy thi thể Maelor, cô tái mặt vì sợ hãi. Phu nhân Caswell lệnh cho người đem thi thể Ser Rickard và thủ cấp Vương tử Maelor đến Kinh Thành dâng cho nữ vương; nhưng quả trứng rồng cô giữ lại để gửi cho Lãnh chúa Hightower, hy vọng nó sẽ làm dịu cơn giận để ông tha cho Bitterbridge.
Cái chết của Phu nhân Caswell
Cái chết của Phu nhân Caswell
Cuộc vây hãm Longtable của Lãnh chúa Hightower không kéo dài lâu, khi Phu nhân Merryweather biết không thể giữ thành nên đã chấp nhận đầu hàng. Lãnh chúa Hightower không hại gì đến cô và con cái, nhưng đoạt hết mọi của cải và quân lương rồi nhanh chóng tiến quân đến Bitterbridge. Quả trứng rồng mà Phu nhân Caswell gửi đến hoàn toàn vô dụng, khi Vương đệ Daeron từ chối lời khẩn cầu đầu hàng của cô mà thề rằng cậu sẽ bắt cả Bitterbridge trả giá vì cái chết của Maelor. Rất nhanh chóng, quân Hightower tràn vào cướp bóc và đốt phá Bitterbridge, hàng trăm dân thường bỏ mạng và bị lửa rồng thiêu cháy. Biết không thể chống cự, Phu nhân Caswell lệnh mở cổng lâu đài đầu hàng. Cô cầu xin Daeron hãy tha cho con cái mình rồi treo cổ tự vẫn ngay trên tường thành. Lãnh chúa Hightower sau đó không hại gì tới con cái của Phu nhân Caswell mà chỉ cho người đem chúng về giam giữ ở Oldtown. Tuy nhiên, ông xử tử mọi binh lính trong lâu đài.
Ở Vùng Châu Thổ, Ser Criston Cole và Nhiếp chính vương Aemond thực hiện kế hoạch khi tách ra. Anh cưỡi Vhagar bay khắp nơi và dùng lửa rồng thiêu rụi mọi làng mạc và thị trấn ở các vùng đất mình bay qua. Nhà Darry là những người đầu tiên hứng chịu cơn thịnh nộ của Aemond. Các cánh đồng bị thiêu rụi, lâu đài Darry cũng bị chìm trong biển lửa. Ba ngày sau, thị trấn của lãnh chúa Harroway cũng chịu chung số phận. Lord's Mill, Blackbuckle, Buckle, Claypool, Swynford, Spiderwood... tất cả đều hứng chịu cơn thịnh nộ của Aemond. Gần một nửa Vùng Châu Thổ chìm trong biển lửa.
Với Ser Criston, mọi việc không thuận lợi chút nào. Khi rời Harrenhal đạo quân của ông chỉ còn độ ba nghìn sáu trăm người. Ba ngày sau khi ông rời thành, Phu nhân Sabitha Frey đã đem quân tới tái chiếm Harrenhal - nơi này chẳng còn ai trừ Alys Rivers, người tuyên bố rằng mình đang mang thai đứa con của Aemond. Đạo quân của Ser Criston liên tục gặp phục kích và những cảnh tượng ghê rợn do quân địch dựng nên - ví dụ như các xác chết của quân Miền Tây trong Trận Mồi Cá được dựng lên và bày biện như thể họ đang dự tiệc. 
Chẳng bao lâu sau, Ser Criston đụng độ đạo quân của các lãnh chúa Vùng Châu Thổ đang đợi sẵn trên các sườn núi - họ có gấp đôi quân số: ba trăm hiệp sĩ, ba nghìn ba trăm cung thủ, ba nghìn bộ binh và vài trăm binh sĩ Sói Mùa Đông. Nhận thấy tình thế vô vọng của mình, Ser Criston giương cờ hòa đàm và phi ngựa lên gặp các chỉ huy phe Đen: Ser Garibald Grey, Pate miền Longleaf và Lãnh chúa Roderick Dustin.
Ser Criston lên tiếng trước. “Nếu ta hạ cờ và đầu hàng, các vị sẽ tha chết cho chúng ta chứ?”
Ser Garibald bèn nói. “Ta đã từng thề với những binh sĩ đã tử trận rằng ta sẽ xây cho họ một điện thờ làm từ xương của những kẻ phản quốc. Ta vẫn chưa có đủ xương đâu, nên là..” Ông bỏ lửng câu nói, nhưng ai cũng hiểu ý tứ đằng sau.
Ser Criston đáp trả. “Nếu chúng ta giao chiến, rất nhiều binh sĩ của ngài cũng sẽ bỏ mạng.” Nghe câu ấy, Lãnh chúa Dustin cười phá lên và bảo rằng. “Chúng ta tới đây là vì thế. Mùa đông đến rồi. Đã đến lúc ra đi. Không gì hay hơn được chết khi còn đang cầm kiếm.”
Biết rằng không thể hòa đàm, Ser Criston rút kiếm và lên tiếng thách thức. “Vậy hãy an bài như thế. Bốn chúng ta sẽ bắt đầu. Một mình ta đấu với ba người các vị. Như vậy liệu có đủ hay không?”
Cái chết của Ser Criston Cole
Cái chết của Ser Criston Cole
Pate miền Longleaf bấy giờ mới nói, “Thêm ba nữa mới đủ,” và ngay sau khi dứt lời, Robb Rivers cùng hai tay cung nữa xuất hiện và bắn ba phát tên trúng ngay vào bụng, cổ và ngực của Ser Criston. Rồi ông ta nói tiếp. “Ngươi đừng mơ sẽ có bài hát nào được viết để ca ngợi sự quả cảm của ngươi khi bỏ mạng, Kẻ Lập Vua ạ. Ngươi đã gây ra cái chết của hàng vạn người rồi.” Nhưng lúc đó thì Ser Criston đã tắt thở, và cái chết của ông khiến toàn bộ binh sĩ phe Xanh mất tinh thần. Ngay sau đó, Lãnh chúa Dustin thổi tù và để phát động tấn công. Binh sĩ phe Đen tràn xuống chém giết kẻ địch mà gần như chẳng gặp bất kỳ khó khăn nào. Trận đánh chóng vánh và một chiều, hàng trăm binh sĩ phe Xanh bị giết trong khi số còn lại thì bỏ chạy tán loạn. Và cùng với cái chết của Ser Criston Cole, lực lượng phe Xanh ngày càng yếu đi.
Không lâu sau đó, các học sĩ ở Citadel bắt đầu gửi đi ba trăm con quạ trắng khắp vương quốc, báo hiệu rằng mùa đông đã đến. Dù vậy thì với Rhaenyra, mọi thứ vẫn tốt đẹp: Ser Criston đã chết, Ngai Sắt thuộc về cô, nhà Velaryon đã kiểm soát hoàn toàn Biển Hẹp trong khi Tam Đầu Chế đang tan rã. Nữ chúa Jeyne Arryn vùng Thung Lũng và Lãnh chúa Manderly ở Cảng Trắng bắt đầu cử quân tới tăng viện cho Rhaenyra. Lực lượng phe Xanh đang trên đà sụp đổ. Chiến thắng gần như đã nằm trong tay cô.
Thế nhưng có nằm mơ Rhaenyra cũng không thể ngờ rằng cơn ác mộng và sự sụp đổ của cô giờ mới bắt đầu.

CHƯƠNG 17: TRẬN TUMBLETON LẦN MỘT

Quyền lực của Rhaenyra dường như ngày càng được củng cố, nhưng cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt và hỗn loạn còn đang ngự trị. Vua Aegon II vẫn còn đang sống sót và lẩn trốn đâu đó - cả Lãnh chúa Larys Strong và Vương nữ Jaehaer cũng biệt tăm. Thủy Quái Đỏ Dalton Greyjoy thì vẫn cứ mặc sức tung hoành khi phần lớn lực lượng Miền Tây đã bị tiêu diệt hoàn toàn trong Trận Mồi Cá. Ở Vùng Châu Thổ, Aemond vẫn tiếp tục đốt phá vô số thị trấn, làng mạc và lâu đài. Anh thậm chí còn vòng lại Harrenhal để đốt trụi mọi phần dựng từ gỗ của lâu đài, giết chết khá nhiều hiệp sĩ và binh lính. Phu nhân Sabitha Frey may mắn thoát nạn nhưng khi Vhagar đã đi khỏi, cô cay đắng nhận ra Aemond đã mang theo Alys Rivers trốn thoát. Các gia tộc Vùng Châu Thổ bắt đầu thỉnh cầu nữ vương hay cử các Kỵ Sĩ Rồng tới bảo vệ họ và chấm dứt sự tàn phá không có hồi kết của Aemond.
Tuy thế, mối nguy thực sự với Kinh Thành là Lãnh chúa Hightower và Vương đệ Daeron đang từ phía nam đánh lên. Đạo quân của họ đánh bại mọi lãnh chúa dám chống lại rồi thu nhập lực lượng của họ. Cộng với con rồng Tessarion, đạo quân này chứng tỏ họ là hiểm họa thực sự khi ngày càng tiến dần đến King’s Landing. Trong triều đình nổ ra tranh cãi về việc đối phó các mối nguy này như thế nào. Tướng quốc của Rhaenyra là Lãnh chúa Corlys Velaryon thì khuyên nữ vương nên tiến hành hòa đàm với phe Xanh. Ông khuyên cô hãy ân xá cho các gia tộc Baratheon, Hightower và Lannister nếu họ chịu đầu hàng, thề trung thành và giao nộp con tin cho Ngai Sắt. Rắn Biển cũng khuyên nữ vương hãy để Thái hậu Alicent và Vương hậu Helaena trở thành các nữ tu Thất Diện Giáo - một hành động chứng tỏ lòng nhân từ và vị tha. Ông cũng đề xuất nhận nuôi và chăm sóc Vương nữ Jaehaera khi họ về triều, và hứa hôn cô bé với Vương tử Aegon Nhỏ để hàn gắn nội bộ vương thất. 
Đó là những lời khuyên chí lý, nhưng Lãnh chúa Corlys đã quên rằng Rhaenyra đã thay đổi quá nhiều. Nữ vương nghe Tướng quốc đề xuất rồi hỏi, “Vậy còn những đứa em trai cùng cha khác mẹ của ta thì sao? Chúng ta sẽ làm gì với tên vua giả mạo Aegon và kẻ giết người thân Aemond? Ngài cũng khuyên ta ân xá cho chúng sao? Ân xá cho những kẻ đã soán ngôi và giết các con trai ta?”
Lãnh chúa Corlys đáp, “Hãy tha mạng và đày họ đến Trường Thành. Hãy để họ mặc áo đen và thề gia nhập Đội Tuần Đêm đến hết đời.”
Nhưng Rhaenyra lạnh lùng đáp lại, “Với lũ phản phúc thì thề thốt có ý nghĩa gì chứ? Chúng đâu có bận tâm đến những lời thề khi soán ngôi của ta?”
Thái hậu Alicent cầu xin Nữ vương Rhaenyra
Thái hậu Alicent cầu xin Nữ vương Rhaenyra
Daemon thì nghĩ khác khi cho rằng ân xá cho đám phản quốc và nổi loạn sẽ chỉ để lại mầm mống cho những cuộc nổi dậy khác. Ông đồng ý rằng phải nhanh chóng giải quyết mối nguy từ Aemond và Daeron, nhưng Daemon còn đi xa hơn khi khuyên nữ vương hãy tận diệt cả hai gia tộc Baratheon và Lannister. Đất đai và lâu đài của họ sẽ được trao lại cho những Kỵ Sĩ Rồng phe Đen như Ulf và Hugh. Tuy nhiên với đề xuất này, Lãnh chúa Corlys cực lực phản đối. Tướng quốc cho rằng nếu họ ra tay hủy diệt hai gia tộc ấy, hàng chục gia tộc khác sẽ nổi dậy và chống lại Rhaenyra. Sau khi nghe lý lẽ của cả hai, Rhaenyra chấp nhận thỏa hiệp: cô sẽ ân xá cho hai gia tộc Baratheon cùng Lannister, nhưng chỉ sau khi Aegon và Aemond đã chết. Nghe tin ấy, Thái hậu Alicent sợ hãi và lập tức xin cầu kiến nữ vương Rhaenyra. Cô quỳ gối trước mặt nữ vương và van xin Rhaenyra hãy tha cho các con trai mình. Khi Rhaenyra trả lời rằng tay Aegon Lớn nhuộm đỏ máu các con trai đã chết của mình thì Alicent đã lỡ phản bác rằng đó chỉ là máu của lũ con hoang và không quan trọng bằng máu của những Targaryen chân chính là các con trai mình. Nghe thấy thế, Rhaenyra nổi trận lôi đình và dọa sẽ cắt lưỡi Alicent nếu cô dám mở miệng gọi các con nữ vương là con hoang thêm lần nữa.
Tiếp theo, nữ vương bắt đầu cử các Kỵ Sĩ Rồng xuất trận. Ba con rồng sẽ ở lại phòng thủ Kinh Thành là Syrax của Rhaenyra, Tyraxes của Vương tử Joffrey và Seasmoke của Ser Addam Velaryon. Daemon sẽ cưỡi Caraxes và dẫn theo cô gái Nettles với con rồng Sheepstealer đến đồng bằng sông Trident để săn đuổi và tiêu diệt Aemond cùng con rồng Vhagar. Hai Kỵ Sĩ còn lại là Ulf và Hugh sẽ được cử đến tăng viện cho Tumbleton, thành trì phe Đen cuối cùng chắn giữa quân Hightower ở phía nam với Kinh Thành. Rhaenyra hạ lệnh cho họ tập trung giết chết Vương đệ Daeron và con rồng Tessarion, bỏ ngoài tai lời khuyên bắt sống cậu làm con tin của Lãnh chúa Corlys.
Tumbleton bấy giờ là một thị trấn phồn hoa và giàu có nằm ở thượng nguồn sông Mander thuộc địa phận nhà Footly. Và khi biết tin đạo quân phe Xanh của nhà Hightower đang tiến đến, hàng nghìn binh sĩ khắp Vùng Châu Thổ và vùng quanh Xoáy Nước đen đã tập trung ở đó để phòng thủ. Có ít nhất sáu nghìn binh sĩ phe Đen đã đến Tumbleton. Con số quá đông nên các chỉ huy không nhận ra có nhiều gián điệp phe Xanh trà trộn trong đó. Họ còn có cả hai Kỵ Sĩ Rồng là Ulf và Hugh, đều là những chiến binh đáng gờm và rồng của họ hùng mạnh hơn Tessarion của Daeron nhiều. Đội quân Hightower cũng rất mạnh khi nắm trong tay gần một vạn người. Thế nhưng rõ ràng lợi thế thuộc về phe Đen… hay ít nhất là họ tưởng như vậy.
Khi quân Hightower đến ngoại vi thị trấn Tumbleton, đích thân Ser Garibald Grey dẫn sáu nghìn quân ra ngoài bày trận để đối mặt Lãnh chúa Ormund. Những cơn mưa tên và các đợt xung kích bằng kỵ binh nặng của quân Hightower đã khiến hàng ngũ của quân Vùng Châu Thổ mỏng đi và tan vỡ. Cuối cùng, Ser Garibald Grey phải nổi hiệu lệnh rút lui về trong thị trấn trong khi các tay cung của Robb Rivers yểm trợ họ. Khi tất cả đã lui vào sau tường chắn, Lãnh chúa Roderick Dustin dẫn toàn bộ số quân Sói Mùa Đông còn lại mở cổng phụ và bất ngờ tấn công thẳng vào phía cánh trái của quân Hightower. Trong cơn hỗn loạn và bất ngờ, quân Hightower đã không kịp đối phó và để các binh sĩ Sói Mùa Đông đánh thẳng vào trung quân, nơi Lãnh chúa Ormund đang chỉ huy dưới cờ hiệu rồng vàng của vua Aegon II. Trong cơn cuồng nộ, Lãnh chúa Roderick dù bê bết máu khắp người vẫn chém giết điên cuồng. Em họ của Lãnh chúa Ormund là Ser Bryndon Hightower đã phải xông đến để ngăn cản Lãnh chúa Roderick, và đã dùng rìu chiến chém đứt tay cầm khiên của ông. Thế nhưng Lãnh chúa Roderick vẫn tiếp tục chiến đấu và cuối cùng giết được cả Ser Bryndon lẫn Lãnh chúa Ormund trước khi bỏ mạng. Cờ hiệu của quân Hightower bị những binh sĩ Sói Mùa Đông cuối cùng chặt gãy, và quân phe Đen trong thị trấn bắt đầu ăn mừng vì nghĩ rằng thế trận đã đảo chiều. Kể cả khi con rồng Tessarion xuất hiện, họ cũng không nao lòng vì hai con rồng phe mình đều to lớn và mạnh mẽ hơn. 
Thế nhưng khi Ulf và Hugh cưỡi hai con rồng của mình bay lên, họ lại không tấn công Vương đệ Daeron mà quay sang hợp sức cùng cậu. Ba con rồng bắt đầu phun lửa thẳng xuống Tumbleton, và những tiếng reo hò thắng lợi biến thành la hét gào khóc. Không một ai biết chính xác lý do Ulf và Hugh lại phản bội. Ta có thể đoán rằng các gián điệp của phe Xanh đã hứa hẹn những phần thưởng lớn hơn nếu chúng đổi phe. Nhưng ai đã đến gặp Hai Kẻ Phản Bội và chúng sẽ được trọng thưởng ra sao thì mãi mãi là bí mật. Điều ấy có lẽ cũng không còn quan trọng, vì chúng đã đồng ý và phản bội phe Đen ngay lúc then chốt. Bằng những con rồng, chúng thiêu rụi Tumbleton, khiến hàng ngàn người chết cháy. Trong cơn hỗn loạn, Pate miền Longleaf bị giẫm đạp đến chết, trong khi Ser Garibald Grey bị lửa rồng thiêu chết. Những gián điệp của phe Xanh lúc ấy mới ra mặt giết chết binh lính và mở cổng cho quân Hightower tràn vào cướp phá. Cảnh tượng hỗn loạn sau đó thật kinh khủng: thị trấn chìm trong biển lửa; quân Hightower thì cướp bóc và hãm hiếp đàn bà con gái; binh sĩ phe Đen thì hoặc chết cháy, hoặc bị giết kể cả khi đã đầu hàng. Không một ai có thể tính được bao nhiêu người đã bỏ mạng trong thảm kịch ấy, và phải nhiều năm sau, một thị trấn Tumbleton khác mới được dựng lại, nhưng nhỏ bé hơn rất nhiều. Đến mãi sau này, người dân xung quanh vẫn đồn rằng vùng đất ấy đã bị nguyền rủa bởi linh hồn hàng ngàn hàng vạn người xấu số đã bỏ mạng ở Tumbleton.

CHƯƠNG 18: PHE ĐEN LỤC ĐỤC

Trong khi đó thì ở Vùng Châu Thổ, Aemond và Vhagar vẫn tiếp tục hoành hành, thoắt ẩn thoắt hiện và giáng những cơn bão lửa xuống các vùng đất. Hai Kỵ Sĩ do nữ vương cử tới là Daemon và Nettles đã săn đuổi Aemond rất lâu nhưng không có kết quả. Họ chọn Maidenpool của nhà Mooton làm đại bản doanh và ngày ngày bay đi khắp mọi hướng để truy tìm Aemond. Lãnh chúa Mooton có đề nghị cả hai tách ra để cuộc săn tìm hiệu quả hơn, nhưng Daemon từ chối. Ông cho rằng Vhagar thừa sức chiến thắng bất kỳ con rồng đơn lẻ nào. Do đó, cơ hội duy nhất là ông và Nettles phải hợp sức với nhau. Cũng có những lời đồn rằng sở dĩ Daemon không muốn tách Nettles ra là vì họ đã trở thành một cặp tình nhân. Nhiều người ở Maidenpool cũng thấy rằng gần như Daemon lúc nào cũng ở cạnh Nettles, cả ngày lẫn đêm. Họ ăn uống cùng nhau, ngủ ở hai phòng liền kề, Daemon thì thân thiết với cô gái như cha với con, ông dạy cô cách đi đứng nói năng, tặng nhiều món quà cho cô và thậm chí cả hai còn tắm chung với nhau. Liệu rằng Daemon và Nettles thực sự là tình nhân, khi mà cô bé trẻ hơn ông rất nhiều và chắc chắn không xinh đẹp? Hay Nettles thực chất là con hoang của Daemon, hoặc ít nhất là ông nghĩ như vậy? Sẽ không ai biết được chân tướng, nhưng việc cả hai thân thiết với nhau là điều có thực.
Cũng trong khoảng thời gian ấy thì ở Dragonstone, một con tàu ngoại quốc tình cờ chứng kiến cảnh hai con rồng đánh nhau, và sau đó ngư dân địa phương tìm thấy xác con Grey Ghost dưới chân núi Dragonmont. Quản thành Dragonstone là Ser Robert Quince thì tin rằng Cannibal là thủ phạm, bởi nó vốn hung bạo và có thói quen ăn trứng rồng. Ông cũng lệnh cho mọi người trên đảo tránh xa Cannibal, nhưng cô con gái của Daemon là Baela thì không tin nó là thủ phạm. Cô bé xin được cưỡi con rồng Moondancer để bay đi khám phá sự thật. Ser Robert không cho phép, thế mà đêm đó Baela vẫn tìm cách lẩn ra ngoài, nhưng cô bé bị lính gác bắt gặp và bị đưa về phòng. 
Giả như Baela được phép đi tuần tra quanh đảo, chắc chắn cô sẽ phát hiện đêm đó có một con thuyền đánh cá bí mật neo lại đảo. Trên tàu ấy có hai hành khách mà chủ thuyền gọi là anh em họ của mình từ Driftmark. Tất nhiên đó chẳng phải thân phận của họ, nhưng chúng ta sẽ quay lại chuyện này sau.
Khi mà tin tức về trận Tumbleton và sự phản bội của hai Kỵ Sĩ Rồng truyền về Kinh Thành, cũng như việc săn đuổi Aemond không có mấy kết quả, phe Đen lập tức mở họp tìm đối sách. Rhaenyra lập tức hạ lệnh đóng cổng thành, nội bất xuất ngoại bất nhập. Họ phải sẵn sàng phòng thủ, vì đạo quân Hightower cùng các Kỵ Sĩ Rồng có thể đến bất cứ lúc nào.
Để chống lại ba con rồng của phe Xanh, King’s Landing có sáu con rồng, nhưng không con nào đủ hùng mạnh để chống lại phe địch. Syrax của nữ vương sống ngay ở Red Keep, nhưng nó bị xích ở khu chuồng ngựa và không được tự do bay lượn. Syrax cũng đã nhiều năm không đi săn và rõ ràng nó đã trở nên lười biếng. Ở Hố Rồng hiện tại còn lại năm con: Tyraxes của Vương tử Joffrey, Seasmoke của Ser Addam Velaryon, hai con rồng non là Morghul và Shrykos vốn của cặp sinh đôi Jaehaera - Jaehaerys, cuối cùng là Dreamfyre của Vương hậu Helaena - người đang chìm trong điên loạn. Trong số ấy, chỉ có Seasmoke tự do bay lượn, vì Ser Addam có nhiệm vụ tuần tra Kinh Thành trên lưng rồng. Thực chất thì nếu bị tấn công, sẽ chỉ có ba con rồng ra trận được, và không con nào đủ mạnh để đối đầu với Vermithor cùng Silverwing.
Daemon cùng Nettles ở Maidenpool
Daemon cùng Nettles ở Maidenpool
Nhiều lãnh chúa phe Đen bắt đầu nghi ngờ lòng trung thành của các Hạt giống Rồng là Ser Addam và cô gái Nettles. Lãnh chúa Bartimos Celtigar là người đầu tiên đề nghị tống giam Ser Addam và Nettles. Các thành viên hội đồng khác đều đồng tình, kể cả hai anh em Ser Medrick và Ser Torrhen của nhà Manderly, những người mới đến Kinh Thành đem theo binh lực của Cảng Trắng. Chỉ duy nhất Tướng quốc Corlys và Đại Học sĩ Gerardys phản đối việc ấy. Đại Học sĩ lý luận rằng không có bằng chứng cho thấy Ser Addam và Nettles phản bội, và ông xin nữ vương nên suy xét kỹ trước khi ban lệnh. Lãnh chúa Corlys còn gay gắt hơn, khi ông tuyên bố Ser Addam và em trai Alyn là những Velaryon đích thực, còn cô gái Nettles dù có thể bẩn thỉu và không biết cư xử, nhưng cũng đã chiến đấu anh dũng trong trận Gullet. Lãnh chúa Celtigar thì phản bác rằng ngay cả Hai Kẻ Phản Bội cũng đã chiến đấu dũng cảm, và không có dấu hiệu phản bội. Thế mà ngay khi có cơ hội, chúng quay lưng ngay lập tức. Lấy gì đảm bảo Ser Addam và Nettles sẽ không hành động tương tự?
Nữ vương Rhaenyra chưa vội ra quyết định, mà cho triệu Sâu Trắng Mysaria đến hỏi ý kiến. Cô ả lúc đó mới thông báo rằng Nettles vốn đã phản bội nữ vương rồi, và hiện còn đang ăn nằm với Daemon. Trong cơn giận dữ, Rhaenyra hạ lệnh tống giam Ser Addam và cho gửi quạ đến Maidenpool, lệnh cho Lãnh chúa Mooton giết Nettles ngay lập tức.
Thế nhưng khi Ser Luthor Largent đem lính đến Hố Rồng để bắt Ser Addam thì anh đã cưỡi Seasmoke bỏ trốn thành công. Ai đó đã báo tin cho Ser Addam, và nữ vương lập tức cho tống giam Tướng quốc của mình vì tội giúp anh trốn thoát. Khi bị bắt và tống vào ngục, Lãnh chúa Corlys chỉ im lặng và không phủ nhận. Nữ vương cũng nghi ngờ Đại Học sĩ Gerardys, nhưng ông được tha bổng mà chỉ bị trục xuất về Dragonstone.
Cả King’s Landing bấy giờ chìm trong lo sợ và nín thở đợi kẻ thù xuất hiện. Dân chúng truyền tai nhau rằng chẳng sớm thì muộn, các con rồng sẽ hỗn chiến tại Kinh Thành này, và thành phố sẽ bị thiêu rụi. King’s Landing lúc này cần một người dẫn dắt hơn bao giờ hết, và một ông lão ăn xin cụt tay xuất hiện. Không ai biết tên người này là gì, và lịch sử gọi ông ta là Người Chăn Cừu. Ông lão đưa ra lời tiên tri về sự sụp đổ của cả vương triều Rhaenyra lẫn Aegon II, và rồi Kinh Thành sẽ sạch bóng lũ rồng. Người dân đổ đến nghe ông ta thuyết giảng ngày càng đông; từ chỗ chỉ có vài chục người, đám đông lên tới hàng ngàn. Ngay cả Đội Gác Thành cũng không thể ngăn cản và giải tán họ được.
Thế nhưng đạo quân phe Xanh chẳng tấn công sớm được như dân chúng Kinh Thành lo sợ. Ở phía nam, quân Hightower cũng đang hỗn loạn sau khi mất chỉ huy là Lãnh chúa Ormund. Xét theo vai vế thì Vương đệ Daeron là người uy vọng nhất, nhưng cậu còn trẻ và cũng không có kinh nghiệm chỉ huy. Các tướng lĩnh và chỉ huy còn lại thì không ai phục ai, dẫn đến việc binh sĩ trở nên vô tổ chức không ai quản thúc. Cướp bóc, chém giết và hãm hiếp vẫn xảy ra hàng ngày. Lãnh chúa Unwin Peake, Lãnh chúa Owain Bourney và Ser Jon Roxton đều tranh nhau quyền chỉ huy. Em họ của Lãnh chúa Ormund quá cố là Ser Hobert Hightower cố lập quyền kiểm soát, nhưng ông vốn chỉ được giao quản quân lương nên chẳng ai coi trọng. Tình trạng hỗn loạn ngày càng tăng, và dù Daeron có yêu cầu chấm dứt ngay việc này thì cũng vô vọng. Ngay cả các tướng lĩnh cũng trở nên vô tổ chức: Ser Jon Roxton cướp vợ của Lãnh chúa Footly làm chiến lợi phẩm và giết chết ông. Lãnh chúa Peake thì thậm chí còn rút dao đâm chết Lãnh chúa Bourney vì bất đồng. 
Thị trấn Tumbleton
Thị trấn Tumbleton
Hai Kẻ Phản Bội Ulf và Hugh cũng chẳng mất nhiều thời gian để cho thấy chúng là những kẻ tồi tệ nhất. Ulf say xỉn triền miên và đêm nào cũng hãm hiếp đàn bà con gái, rồi gã ném những ai không thỏa mãn được mình cho rồng ăn. Tước vị hiệp sĩ cũng không khiến hắn hài lòng, thậm chí cả tước vị Lãnh chúa Bitterbridge cũng không. Ulf tuyên bố hắn muốn có Highgarden, thành trì của nhà Tyrell. Hắn tuyên bố nhà Tyrell đứng trung lập thì cũng không khác gì phản bội, và hắn sẽ xử lý họ. Nhưng tham vọng của Ulf vẫn chưa là gì so với Hugh - hắn thậm chí còn muốn làm vua. Hugh to khỏe, dũng mãnh và đáng sợ khi dùng một cây búa chiến; hắn cưỡi Vermithor - con rồng từng thuộc về vua Jaehaerys, hùng mạnh chỉ sau Vhagar. Có sức mạnh như vậy, cớ sao lại không thể làm vua? Hugh nghĩ thế, và những kẻ xu nịnh hắn nhanh chóng phát tán lời đồn về việc một vị vua mới sẽ xuất hiện.
Trong khi đó thì ở Maidenpool, Lãnh chúa Mooton nhận được bức mật thư ra lệnh xử tử Nettles rồi yêu cầu Daemon phải trở về Kinh Thành gấp. Học sĩ Norren của Maidenpool sau này kể lại rằng bức thư đã khiến Lãnh chúa Mooton tái mặt và run rẩy. Sau đó ông cho gọi em trai, rồi chỉ huy đội cận vệ và hiệp sĩ riêng của mình là Ser Florian Greysteel lại để bàn xem nên làm gì.
Chỉ huy đội cận vệ lên tiếng đầu tiên. “Việc này không khó. Vương phu ngủ bên cô ta, nhưng ngài đã già rồi. Ba người là đủ để áp chế nếu ngài ta định can thiệp, nhưng tôi sẽ đem sáu người cho chắc chắn. Nếu lãnh chúa muốn, tôi sẽ thực hiện ngay tối nay.”
Em trai của Lãnh chúa Mooton phản bác. “Sáu người hay thậm chí sáu mươi người đi chăng nữa thì đó vẫn là Daemon Targaryen. Hãy dùng thuốc mê đánh gục ngài ta, và khi tỉnh dậy cô ả đã chết rồi.”
Ser Florian nói. “Cô ta vẫn chỉ là một đứa bé, dù phản bội hay không. Vị Vua Già thuở trước sẽ không ban một lệnh như thế này.”
Lãnh chúa Mooton lên tiếng, “Thời này loạn quá rồi, và nữ vương bắt ta đưa ra chọn lựa quá khó khăn. Cô gái kia là khách trong nhà ta. Nếu ta tuân lệnh, Maidenpool sẽ bị nguyền rủa ngàn đời. Còn nếu ta kháng chỉ, chúng ta đều sẽ chết.”
Thế rồi em trai ông đáp. “Dù chúng ta chọn lựa thế nào thì kết quả cũng như nhau. Vương phu rất quý cô gái này, và con rồng của ngài ta ở ngay đây. Một lãnh chúa khôn ngoan sẽ thà giết cả hai chứ không để cơn thịnh nộ của Daemon thiêu rụi Maidenpool.”
Lãnh chúa Mooton ngắt lời em trai. “Nữ vương lệnh rằng không được hại đến ngài ta. Và giết hai khách trong nhà thì còn khủng khiếp hơn, ta sẽ bị nguyền rủa gấp đôi.” Rồi ông ta thở dài, “Ta thà rằng chưa từng đọc thư này.”
Và rồi Học sĩ Norren đột ngột lên tiếng. “Có thể coi như ngài chưa từng đọc thư.”
Chuyện gì xảy ra sau đó, Lãnh chúa Mooton quyết định ra sao, chúng ta không rõ. Chỉ biết rằng sau buổi họp bàn, Học sĩ Norren đã vội vàng chạy đi tìm Daemon và Nettles. Cả hai đang dùng bữa tối, và Norren lập tức đưa thư cho Daemon xem. Và khi đọc thư, trên mặt Daemon phảng phất nỗi buồn, như thể ông phải chịu một gánh nặng quá lớn. Và khi Nettles hỏi trong thư viết gì, Daemon chỉ đáp: “Lời của một nữ vương, nhưng hành động thì giống một ả điếm.” Rồi ông rút kiếm và hỏi Norren rằng có phải người của Lãnh chúa Mooton đang ở ngoài và trực chờ xông vào hay không? Norren bấy giờ đáp rằng anh đến một mình, và nói dối Daemon rằng không ai ở Maidenpool biết nội dung bức thư ngoài họ. Thế rồi vị học sĩ cúi đầu nói tiếp: “Xin thứ lỗi, thưa điện hạ. Thần đã làm trái lời thề học sĩ.” Daemon bèn tra kiếm lại vào bao rồi đáp: “Anh là một học sĩ tồi tệ, nhưng lại là một người tốt.” Rồi ông cho Norren lui và dặn anh không được nói chuyện này với bất cứ ai.
Đến sáng hôm sau, Daemon và Nettles xuất hiện ở sân trước, và ông giúp cô chuẩn bị yên cho Sheepstealer lần cuối. Nettles bật khóc khi từ biệt Daemon khi con rồng cất cánh bay lên trời. Daemon không nói lời nào, nhưng khi bóng Sheepstealer dần khuất trong màn sương sớm, con rồng Caraxes ngửa cổ và rống một tiếng to đến mức mọi cửa sổ trên tháp đều vỡ tan tành. Daemon sau đó trở về dùng bữa sáng lần cuối với Lãnh chúa Mooton, và rồi ông nói: “Đa tạ ngài đã tiếp đãi. Sau khi ta đi, hãy loan tin rằng ta bay đến Harrenhal. Và nếu cháu họ Aemond của ta dám đối mặt, thì ta sẽ đợi nó ở nơi ấy một mình.”
Thế rồi Daemon ra đi, rời khỏi Maidenpool lần cuối cùng. Sau khi ông đã đi khỏi, Học sĩ Norren nói với Lãnh chúa Mooton rằng: “Ngài hãy tước sợi xích học sĩ và trói tay tôi lại rồi giải tôi đến chỗ nữ vương. Tôi đã báo tin và giúp kẻ phản bội trốn thoát, tôi cũng phải chịu tội như thế.” Rồi Lãnh chúa Mooton đáp rằng: “Hãy cứ giữ lấy sợi xích đi. Chúng ta đây đều là kẻ phản bội rồi.” Và đêm ấy, Maidenpool hạ cờ hiệu của Rhaenyra xuống rồi giương cờ hiệu của vua Aegon II lên thay thế.

CHƯƠNG 19: TRẬN CHIẾN PHÍA TRÊN HỒ MẮT THẦN

Bấy giờ ở Harrenhal gần như chẳng còn ai canh giữ. Số ít người còn vãng lai ở đó đều chạy mất khi thấy bóng con rồng Caraxes. Daemon Targaryen đợi ở Harrenhal mười ba ngày liền, và mỗi đêm ông khắc một vết lên thân cây thần trong rừng thiêng ở lâu đài. Đến tận ngày nay những vết khắc ấy vẫn còn, và chúng rỉ ra dòng nhựa đỏ như máu mỗi khi xuân về.
Vào ngày thứ mười bốn, một bóng đen khổng lồ bao trùm bầu trời phía trên Harrenhal - Vhagar vĩ đại đã đến, và cưỡi trên lưng nó là Aemond Targaryen trong bộ giáp sắt đen mạ vàng của mình. Anh không đến một mình, bởi đi cùng có cả Alys Rivers đang mang thai. Aemond cho con rồng lượn hai vòng quanh lâu đài rồi mới đáp xuống, cách Caraxes một khoảng xa. Hai con rồng trừng mắt nhìn nhau và gầm rít đầy vẻ hăm dọa.
Aemond đỡ cô ả tình nhân xuống đất rồi quay sang nói với Daemon: “Chú à, ta nghe tin là ông đang tìm bọn ta sao?”
Daemon đáp lại. “Ta tìm mỗi ngươi thôi. Ai nói cho ngươi biết ta ở đây?”
“Nàng yêu của ta,” Aemond nói. “Cô ấy nhìn thấy ông trong một cơn bão, rồi trong một cái hồ lúc chiều tối. Cô ấy thấy tất cả trong ngọn lửa lúc bọn ta cắm trại. Alys của ta thấy nhiều lắm. Ông thật ngu ngốc khi đến một mình.”
Daemon chỉ nói. “Nếu không thì ngươi đã chẳng đến.”
“Giờ cả ta và ông đều đã ở đây rồi. Ông sống lâu quá rồi chú ạ.”
“Về điểm đó thì ta đồng ý.” Daemon trả lời. 
Cuộc trò chuyện chấm dứt ở đó, khi cả hai đều quay lại và leo lên lưng rồng. Trong khi Aemond cẩn thận gắn chặt bốn sợi dây xích vào yên để ngồi cho vững thì Daemon bỏ không cần cài. Caraxes rít lên lần nữa rồi phun lửa khắp trời, và Vhagar trả lời bằng một tiếng rống lớn; rồi cả hai con rồng cất cánh. Daemon nhanh chóng cho Caraxes bay lên thật cao vượt hẳn lên những đám mây, trong khi Vhagar to lớn và chậm hơn nên chỉ bay lên được từ từ. Aemond điều khiển con rồng bay vòng quanh sục sạo tìm kẻ thù trong khi ánh nắng buổi chiều tà tắt dần.
Thốt nhiên Caraxes từ trên cao bổ xuống tấn công như một tia sét cùng một tiếng rít to đến mức người từ hàng dặm quanh đó cũng nghe được. Caraxes dùng hết sức bình sinh lao thẳng vào người Vhagar. Bầu trời như rực cháy khi hai con rồng khóa chặt nhau và cào cấu, cắn xé không ngừng và dần rơi xuống hồ nước bên dưới. Caraxes dùng hàm ngoạm chặt vào cổ kẻ địch, nhất quyết không buông. Vhagar thì trả đòn bằng cách dùng vuốt cấu xé bụng con rồng trẻ hơn và hàm của nó xé rách một bên cánh Caraxes. Nhưng mặc kệ vết thương, hai con rồng vẫn cấu xé lẫn nhau và cùng lao thẳng xuống dưới.
Và đúng lúc đó, Daemon hành động. Ông liều lĩnh rời khỏi yên rồng và nhảy sang lưng con Vhagar, trên tay cầm sẵn thanh Dark Sister. Aemond chỉ biết ngước lên trong kinh hoàng khi anh cố tháo xích mà không được. Daemon lột mũ giáp của anh ra rồi đâm thanh kiếm xuyên từ hốc mắt mù của Aemond qua cổ họng. Tích tắc sau đó, hai con rồng đâm thẳng xuống mặt nước của Hồ Mắt Thần. Caraxes vẫn còn thoi thóp sau cú ngã - nó cố lết được lên bờ trước khi chết dù bụng rách toạc và mất hẳn một bên cánh. Vhagar thì chết ngay lập tức sau cú ngã và xác nó vĩnh viễn nằm dưới mặt nước. Nhiều năm sau khi trục vớt thi thể Vhagar vĩ đại, người ta vẫn còn thấy trên yên là bộ xương của Aemond với thanh Dark Sister xuyên qua hộp sọ. Thi thể của Daemon thì vĩnh viễn không được tìm thấy. Hôm ấy là ngày 22 tháng 5 của năm 130, khi cuộc đấu ác liệt đã lấy mạng của tất cả những kẻ tham gia. Daemon bấy giờ 49 tuổi, trong khi Aemond mới 20. Con rồng Caraxes bỏ mạng khi đã trên dưới 60 tuổi, nhưng so với Vhagar thì chưa là gì cả. Bấy giờ Vhagar vĩ đại đã 181 tuổi và lớn gần bằng Balerion Ác Mộng Đen huyền thoại ở thời điểm Cuộc Chinh Phạt. 

CHƯƠNG 20: KING'S LANDING ĐẠI LOẠN

Sau cái chết của cả Daemon và Aemond tại Hồ Mắt Thần, tình thế chẳng khá hơn chút nào cho cả hai bên, nhưng trước tiên ta hãy nói về triều đình của Rhaenyra. King’s Landing ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng còn nữ vương thì bất lực và chai sạn trước mọi tin xấu. Điều này chỉ có lợi cho Người Chăn Cừu, khi số người nghe ông ta thuyết giảng ngày càng đông. Hơn nữa, do Rhaenyra không ngần ngại ra lệnh bắt giết Ser Addam rồi tống giam Lãnh chúa Corlys, lực lượng của nhà Velaryon bắt đầu quay lưng với cô và dần bỏ đi. Có hai hiệp sĩ trung thành cố giải cứu Rắn Biển nhưng họ bị phát hiện và ngay lập tức bị treo cổ. Cũng trong đêm đó, thêm một sự việc kinh hoàng diễn ra khi Vương hậu Helaena gieo mình từ cửa sổ phòng mình xuống dưới và chết khi bị những cọc sắt dưới hào đâm phải. Cái chết của Helaena có vẻ giống một vụ tự tử, nhưng không hiểu sao khắp Kinh Thành rộ lên tin đồn rằng cô bị giết theo lệnh của Rhaenyra, rằng nữ vương đã lệnh cho Ser Luthor Largent đẩy cô khỏi cửa sổ.
Dù đây là tin đồn vô căn cứ, nhưng nó đã kịp châm mồi lửa đầu tiên khiến bạo loạn nổ ra ở Flea Bottom rồi lan khắp cả Kinh Thành. Đám đông hung bạo cướp bóc và đốt phá mọi căn nhà, vô số người bị hại bất kể giới tính hay địa vị. Lãnh chúa Bartimos Celtigar thì bị tấn công trong chính dinh thự của mình. Sau khi đám đông giết chết lính bảo vệ và người họ hàng mới 15 tuổi của ông là Arthor Celtigar, họ trói Lãnh chúa Bartimos lên cột. Ông bị tra tấn, bị thiến rồi sau đó mới bị chặt đầu.
Khi cuộc bạo loạn lan rộng, Người Chăn Cừu đổ thêm dầu vào lửa khi tiếp tục thuyết giảng trên Quảng trường Đá Lát. Có cả vạn người tập trung và lắng nghe từng lời của ông ta. Ser Luthor Largent nhanh chóng xuất hiện cùng năm trăm lính áo choàng vàng vũ trang đầy đủ. Họ lập thành đội hình và tiến vào từ phía nam quảng trường và đích thân Ser Luthor dẫn đầu. Trông thấy đội quân ấy, hàng trăm người sợ hãi bỏ chạy, nhưng đa phần vẫn ở yên tại chỗ và cả quảng trường vẫn chật ních. Khi cho quân tiến dần, Ser Luthor liên tục quát tháo, “Tránh đường, lũ đần độn này. Về nhà cả đi, các người sẽ không bị hại. Về đi, bọn ta chỉ muốn bắt Người Chăn Cừu.”
Cái chết của Ser Luthor Largent
Cái chết của Ser Luthor Largent
Rất nhanh chóng, xung đột xảy ra giữa đám đông với binh lính. Năm trăm lính gác thành đều là những người vạm vỡ khỏe mạnh được vũ trang đầy đủ. Thế nhưng đám đông lên tới cả vạn người còn đang kích động. Lần lượt, từng lính gác thành bị giết khiến đội hình của họ bị lỏng lẻo rồi tan rã. Cuộc xung đột nhanh chóng biến thành cuộc tàn sát, khi dân chúng xông vào tấn công binh lính bằng đủ thứ vũ khí. Cuối cùng, lính áo choàng vàng bị giết sạch, bản thân Ser Luthor cũng bị lôi khỏi yên ngựa và bị đánh đập cho đến chết.
Bạo loạn lan ra khắp nơi trong đêm đó, và khi bình minh đến, hàng nghìn người đã chết và lửa cháy khắp Kinh Thành. Những kẻ vô pháp chạy rông khắp nơi còn lính gác thì vội vã rút về cố thủ trong doanh trại. Trên phố có vài kẻ tự xưng là lãnh chúa, thậm chí là vua, vì chẳng có ai kiểm soát được họ. Một gã hiệp sĩ nghèo khó vô chủ là Ser Perkin Bọ Chét đã tuyên bố cậu cận vệ Trystane của mình chính là con hoang của tiên vương Viserys. Gã dựng lên được một đội quân nho nhỏ bằng cách phong tước hiệp sĩ cho bất cứ ai. Ser Torrhen Manderly cố hết sức để giành lại quyền kiểm soát một số quảng trường nhưng bất lực và buộc phải rút lui. Tướng Chỉ huy Đội Vệ Vương là Ser Lorent Marbrand dẫn hơn một trăm hiệp sĩ và binh lính tiến vào dẹp loạn ở Flea Bottom, để rồi bị đám đông cuồng loạn giết chết cùng hầu hết đội quân.
Nữ vương Rhaenyra cố giành giật quyền kiểm soát King’s Landing trong tuyệt vọng. Cô phong cho Ser Balon Byrch làm Chỉ huy Đội Gác Thành mới, và phong Ser Glendon Goode trẻ tuổi làm Tướng Chỉ huy Đội Vệ Vương. Rhaenyra cũng lệnh gửi quạ đến Winterfell và Eyrie yêu cầu họ gửi quân đến hộ giá. Đến đêm đó, con trai một cô gái bán hoa tự xưng là con hoang của vua Aegon II có tên là Gaemon đã được tôn lên làm vua. Gái điếm ở khu vực phố Tơ Lụa bắt đầu thuyết phục những người đàn ông qua đường hãy phò tá Gaemon. Trong khi ấy, đội quân ô hợp của Ser Perkin Bọ Chét thì tiếp tục cướp phá khăp nơi. Những đám đông cuồng loạn bắt đầu tấn công vào các doanh trại của Đội Gác Thành. Chỉ ít lâu sau, ít nhất ba cánh cổng của Kinh Thành đã bị chiếm và mở toang.
Thế nhưng tồi tệ và nguy hiểm nhất vẫn là Người Chăn Cừu và đám con chiên của ông ta. Trong đêm ấy Người Chăn Cừu xuất hiện trở lại và bắt đầu thuyết giảng và khiến đám con chiên tin rằng họ phải giết sạch mọi con rồng của nhà Targaryen để chuộc tội. Một đám đông lên tới hai vạn người ào ạt đổ xô về phía Hố Rồng. Rhaenyra cử kỵ sĩ tới hạ lệnh cho các thống lĩnh còn lại của Đội Gác Thành bảo vệ đám rồng, nhưng bạo loạn khiến mệnh lệnh không tới được chỗ họ. Vả chăng, với quân số ít ỏi này thì Đội Gác Thành cũng không có cơ hội nào chống lại hàng vạn người dân đang cuồng loạn và say máu chém giết.
Chứng kiến hàng đoàn người đổ về Hố Rồng, Vương tử Joffrey lên tiếng xin được dẫn các hiệp sĩ đến để bảo vệ đám rồng, nhưng nữ vương cực lực phản đối. Cô nói, “Nếu chúng chiếm được ngọn đồi kia thì đây sẽ là mục tiêu tiếp theo. Tất cả phải tập trung phòng thủ lâu đài.”
Vương tử Joffrey đau đớn nói, “Nhưng lũ rồng sẽ bị giết mất!”
Nữ vương bình tĩnh đáp lại, “Hoặc là ngược lại, lũ rồng sẽ giết chúng. Cứ để chúng chết cháy đi, chẳng ai tiếc thương đám dân đen đó đâu.”
“Mẫu thân, nếu họ giết Tyraxes thì sao?”, vương tử hỏi.
Rhaenyra không mảy may suy chuyển, cô lạnh lùng đáp, “Chúng chỉ là lũ sâu bọ. Rặt một đám ngu xuẩn say xỉn. Chúng sẽ bỏ chạy ngay khi nếm mùi lửa rồng.”
Tuy nhiên, Vương tử Joffrey vẫn không yên lòng và thế là cậu bèn tìm cách lẻn ra sân Red Keep. Joffrey tìm đến chỗ Syrax, cậu tháo xích cho nó rồi vội vàng leo lên lưng con rồng. Và ngay khi Syrax rống lên, Rhaenyra đã biết chuyện gì xảy ra. Cô vội vàng ra lệnh cho binh sĩ lập tức lên ngựa đuổi theo và bảo vệ Joffrey, song đã quá muộn. Con rồng đã cất cánh, thế nhưng Vương tử Joffrey không bao giờ đến được Hố Rồng. Syrax dù đã quen mùi Joffrey, nhưng cậu không phải Kỵ Sĩ của nó, và ở trên không trung con rồng giãy giụa cố hất cậu xuống. Vương tử Joffrey trượt khỏi lưng rồng và ngã thẳng xuống một con hẻm ở Flea Bottom. Cú ngã khiến thân thể cậu dập nát và Joffrey gần như chết ngay lập tức. Đám đông chung quanh mau chóng phát hiện ra thi thể Joffrey và họ lột sạch mọi thứ có giá trị khỏi người cậu, thậm chí còn cắt đứt các ngón tay để cướp đi những chiếc nhẫn. Người của nữ vương chỉ đến kịp để cướp lấy thi thể dập nát chẳng còn hình thù của Joffrey về, nhưng ba hiệp sĩ cũng đã bỏ mạng khi chiến đấu với đám đông cuồng loạn.
Một vài lính áo choàng vàng đã cố đến Hố Rồng theo lệnh để hợp sức cùng những người gác rồng bảo vệ nơi này. Thế nhưng họ nhanh chóng bị đám đông hung hãn đẩy lùi, và đội gác rồng buộc phải đơn thương độc mã bảo vệ lũ rồng. Họ chỉ có 70 người, và thảy đều bị các con chiên của Người Chăn Cừu giết chết. Sau đó đám đông tràn vào Hố Rồng từ mọi hướng để giết bốn con rồng đang bị xích trong đó: Shrykos, Morghul, Tyraxes và Dreamfyre. Bị kẹt và bị xích bởi, những con rồng không thể bay ra ngoài hoặc dùng cánh để đỡ đòn hoặc bay lên bổ xuống tấn công được. Chúng chỉ có thể phun lửa rồi sử dụng sừng, vuốt và răng để chống cự. Đêm đó Hố Rồng trở thành địa ngục bao trùm bởi khói lửa và những tiếng la hét. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người chết và bị bỏng, nhưng số người xông vào Hố Rồng quá đông, và lần lượt từng con rồng gục ngã dưới bàn tay của họ.
Shrykos là con rồng đầu tiên bỏ mạng, nó bị giết bởi một tiều phu tên Hobb Chặt Củi. Ông đã leo lên cổ nó và cầm búa bổ liên tiếp bảy nhát vào đầu con rồng. Và ở nhát cuối cùng, cây rìu của Hobb bổ xuyên qua lớp vảy cứng làm nát sọ con rồng. Morghul là con tiếp theo bị giết và nó chết dưới tay Hiệp Sĩ Lửa. Đó là một gã đàn ông to lớn mặc trọng giáp lao thẳng vào ngọn lửa rồng và liên tục dùng giáo đâm vào mắt Morghul. Cuối cùng cả tay hiệp sĩ lẫn con rồng đều chết. Tyraxes thì lớn hơn và xảo quyệt hơn hai con rồng non kia, nó lùi về ổ của mình để buộc những kẻ tấn công phải vượt qua lối đi đã chất chồng xác chết. Thế nhưng Người Chăn Cừu đã dẫn đám con chiên vào một lối đi từ đằng sau và tấn công con rồng. Khi Tyraxes quay lại thì xích sắt làm nó bị kẹt, và sau hàng ngàn nhát đâm chém, con rồng cũng bỏ mạng.
Con rồng cuối cùng thì không dễ dàng bỏ mạng như vậy. Dreamfyre già và lớn hơn những con khác rất nhiều. Đêm trước khi Vương hậu Helaena qua đời, nó vốn đã rống lên một tiếng rất to rồi giật đứt hai sợi xích. Rồi khi bị đám đông tấn công, nó giật đứt nốt hai sợi xích còn lại, phun lửa vào những kẻ tấn công rồi cất cánh. Không bị xích ngăn trở, Dreamfyre hung dữ tấn công bằng mọi cách, đến mức số người nó giết nhiều hơn cả ba con rồng trước cộng lại. Hàng trăm người bỏ chạy vì ngọn lửa của con rồng, nhưng thêm vô số kẻ khác xông tới. Vì vẫn còn trong Hố Rồng, nên những người dùng cung nỏ dễ dàng nhắm trúng con rồng. Dreamfyre trúng rất nhiều tên, thậm chí vài phát tên còn xuyên được qua cả vảy. Nó cố bay đến cổng Hố Rồng hai lần, nhưng vô ích - cổng đã đóng và chèn chặt, lại thêm vô số kẻ cầm giáo mác và cung nỏ trấn giữ.
Không thể nào trốn ra, Dreamfyre quay lại tấn công điên cuồng đến khi Hố Rồng chất đầy xác chết. Tuy thế, đám đông vẫn tiếp tục tấn công con rồng bằng mọi cách, đến khi một phát nỏ bắn mù mắt Dreamfyre. Phát cuồng vì mất một mắt cùng vô số vết thương, con rồng dang cánh và bay thẳng lên mái vòm của Hố Rồng, với hi vọng sẽ thoát ra ngoài. Thế nhưng một nửa mái vòm đổ sụp xuống, đè chết cả Dreamfyre lẫn những kẻ tấn công nó.
Cuộc tấn công Hố Rồng đã kết thúc khi bốn con rồng ở đây đều đã chết, dù cái giá phải trả quá khủng khiếp. Thế nhưng ở Kinh Thành vẫn còn một con rồng và nó lại đang tự do bay lượn mà không có người cưỡi - Syrax, con rồng của Rhaenyra. Dường như mùi máu và sát khí hoặc những tiếng rống của lũ rồng đã thu hút nó và Syrax bay đến tàn tích Hố Rồng rồi đâm bổ xuống tấn công những người sống sót. Nó lao qua phần mái vòm vỡ nát, hạ cánh rồi bắt đầu tàn sát đám đông. Thế nhưng rốt cục số phận nó cũng không hơn gì - dù hung tợn đến đâu, cuối cùng Syrax vẫn bị những người sống sót giết chết.
King’s Landing coi như đã thất thủ khi ngay cả con bài cuối cùng là những con rồng cũng đã chết, và nữ vương chỉ còn lại duy nhất một người con sống sót là Aegon Nhỏ. Bình minh ngày hôm sau, nữ vương cùng một nhóm nhỏ rời bỏ Kinh Thành qua Cổng Rồng để tìm đường đến Duskendale. Những người đi cùng Rhaenyra có Vương tử Aegon, hai anh em nhà Manderly, bốn hiệp sĩ Vệ Vương, Ser Balon Byrch cùng độ hai mươi lính gác, và bốn thị nữ. Những người khác như Tư tế Eustace hay Mysaria đều ở lại, còn việc phòng thủ lâu đài được giao cho Ser Garth, vốn là thống lĩnh ở Cổng Rồng.
Chỉ nửa ngày sau khi Rhaenyra rời Kinh Thành, đội quân ô hợp của Ser Perkin Bọ chét xuất hiện và yêu cầu những người trong Red Keep mở cổng đầu hàng. Ser Garth nhanh chóng đầu hàng, hạ cờ và mở toang cổng thành. Đám người của Ser Perkin nhanh chóng chứng tỏ rằng họ chẳng định nhân từ. Ser Garth cùng các hiệp sĩ trung thành với Rhaenyra đều bị chém đầu. Mysaria bị lột trần truồng và bị đánh đến chết khi cô cố chạy trốn. Chỉ có Tư tế Eustace được tha mạng vì là người của Thất Diện Giáo. Ser Perkin sau đó cũng cho thả mọi tù nhân dưới ngục, bao gồm Lãnh chúa Corlys Velaryon và Đại Học sĩ Orwyle.
Ngày hôm sau, kẻ giả mạo Trystane được Ser Perkin tôn lên ngôi vua giữa Red Keep vắng lặng, chỉ còn Thái hậu Alicent và Ser Tyland Lannister bị tra tấn đến thương tật và mù cả hai mắt. Thế rồi Lãnh chúa Larys Strong đột nhiên xuất hiện như thể chưa từng biến mất - hóa ra anh ta vẫn lẩn trốn ở Kinh Thành nửa năm qua và có vẻ đã góp phần gây nên tình trạng hỗn loạn. Lạ lùng hơn nữa là Ser Perkin chào đón Larys nồng nhiệt, khiến người ta nghi ngờ hai kẻ này đã bắt tay hợp tác. Trystane chỉ là một trong ba kẻ nắm quyền ở Kinh Thành bấy giờ: hai người kia là Người Chăn Cừu và cậu bé Gaemon. Lịch sử về sau gọi thời kỳ hỗn loạn này là “Tháng ba vua”, dù Người Chăn Cừu không hề xưng vương. Trật tự sẽ sớm được thiết lập trở lại, nhưng trước đó hãy chuyển tầm mắt sang Tumbleton, nơi những con rồng nhảy điệu cuối cùng của lửa và máu trong cuộc chiến.

CHƯƠNG 21: TRẬN TUMBLETON LẦN HAI

Trong khi đó thì ở Tumbleton, đội quân Hightower nhanh chóng nghe được tin về tình trạng bất ổn tại Kinh Thành. Các tướng lĩnh bắt đầu tranh cãi về việc có nên tấn công thành phố hay không. Ser Hobert Hightower đề nghị nên thận trọng, trong khi Ulf và Hugh từ chối làm bất cứ điều gì đến khi mong muốn của chúng được đáp ứng. Tin tức về cái chết của Nhiếp chính vương Aemond ở Harrenhal cũng khiến họ lo ngại. Do đó, Lãnh chúa Unwin Peake khuyên Vương đệ Daeron nên tự xưng làm Thân vương Dragonstone trong khi một số khác cho rằng cậu nên xưng vương luôn vì Vua Aegon II đã biến mất quá lâu rồi. Hugh Búa Tạ thì cho rằng hắn xứng đáng làm vua hơn, vì trong tay hắn là Vermithor - con rồng hùng mạnh nhất Bảy Phụ Quốc hiện giờ. Tình hình căng thẳng hơn khi cả Ulf và một đám lính đánh thuê và lưu manh khác cũng hùa theo Hugh.
Vào ngày hôm sau, Hugh xuất hiện với mộ chiếc vương miện bằng sắt đen trên đầu. Chứng kiến sự kiêu ngạo và xấc xược này, Vương đệ Daeron cùng các hiệp sĩ, tướng lĩnh cực kỳ giận dữ. Ser Roger Corne giận đến mức dũng cảm bước đến hất vương miện khỏi đầu Hugh và quát rằng, “Vương miện không khiến một người xứng đáng làm vua. Ngươi đội móng ngựa thì hợp hơn, đồ thợ rèn.” Hugh lập tức ra lệnh cho người bắt Ser Roger quỳ xuống, sau đó chính tay hắn ghim ba cái móng ngựa vào đầu anh.
Không thể chịu đựng thêm sự láo xược này, Lãnh chúa Unwin Peake và Ser Hobert Hightower triệu tập mười một hiệp sĩ và lãnh chúa để bàn cách xử lý hai tên Kỵ Sĩ Rồng này. Những người tham dự đều tin rằng xử lý Ulf không khó, vì hắn say xỉn tối ngày; nhưng Hugh lại là vấn đề khác. Xung quanh gã thợ rèn lúc nào cũng có rất nhiều kẻ xu nịnh và thuộc hạ của hắn. Lãnh chúa Peake quả quyết rằng phải giết cả hai, và họ nên tập trung xử lý Hugh trước.
Ser Hobert thì đưa ra một vấn đề khác sau khi họ đã giết Hai Kẻ Phản Bội. Ông nói, “Ai cũng có thể bị giết. Nhưng còn lũ rồng thì sao?” Ser Tyler Norcross tin rằng với tình trạng bất ổn ở Kinh Thành thì chỉ cần một con rồng là Tessarion cũng đủ để chiếm lại thành phố. Lãnh chúa Peake thì cho rằng chiến thắng sẽ chắc chắn hơn nếu có cả Vermithor vả Silverwing. Marq Ambrose thì đưa ra chủ ý rằng hãy cứ để Hai Kẻ Phản Bội giúp họ chiếm lại King’s Landing trước rồi hãy giết chúng. Thế nhưng Richard Rodden phản bác lại rằng làm như thế là hèn hạ và dối trá.
Cuối cùng, Ser Jon Roxton lên tiếng chấm dứt tranh cãi, “Nếu ta không thể thuyết phục những kẻ này toàn tâm toàn ý chung sức thì tốt nhất là giết chúng đi. Hãy giết cả hai thằng con hoang và để những người can đảm nhất thử thu phục hai con rồng.”
Dù Daeron không có mặt, nhưng sau đó các tướng lĩnh đã mật báo cho cậu biết về kế hoạch. Daeron cũng không hề chần chừ mà lập tức đóng dấu vào sắc lệnh xử tử cả Ulf và Hugh. Nhưng một lần nữa, mưu sự tại nhân hành sự tại thiên, ngay đêm trước ngày các tướng lĩnh định thực hiện kế hoạch, Tumbleton bị đột kích.
Đêm ấy, cả Tumbleton choàng tỉnh trong tiếng la hét và kêu gào khi các khu trại ngoài thị trấn bốc cháy. Các hiệp sĩ mặc giáp bất thần xuất hiện từ mọi hướng và đánh thẳng vào đội quân Hightower còn đang hỗn loạn. Trên bầu trời xuất hiện một con rồng, và nó liên tục bổ nhào xuống và phun lửa thiêu cháy kẻ địch. Trận Tumbleton lần hai đã bắt đầu như vậy.
Con rồng ấy chính là Seasmoke và cưỡi trên lưng nó không ai khác là Ser Addam Velaryon. Cậu khát khao muốn chứng minh lòng trung thành, và cách nhanh nhất chính là chiếm lại Tumbleton từ Hai Kẻ Phản Bội. Ser Addam đã bay khắp mọi nơi ở Vùng Châu Thổ để tập hợp binh sĩ. Và dù các lãnh chúa đã mất mát nhiều sau trận Tumbleton lần một, nhưng khả năng thuyết phục, sự kiên định của Ser Addam cùng thảm kịch do Hai Kẻ Phản Bội gây ra đã lay chuyển họ. Cuối cùng, khi hành quân đến Tumbleton, Ser Addam có trong tay gần bốn nghìn quân. Đi cùng cậu là Phu nhân Sabitha Frey, các lãnh chúa Benjicot Blackwood, Stanton Piper, Joseth Smallwood, Derrick Darry, Lyonel Deddings. Bất ngờ nhất chính là lực lượng từ nhà Tully, khi Ser Elmo cuối cùng cũng tham chiến khi được Ser Addam thuyết phục thành công.
Mặc dù có quân số chưa bằng một nửa so với quân Hightower, nhưng lực lượng của Ser Addam tấn công ở thế chủ động. Hơn nữa, quân Hightower đã đóng trại quá lâu khiến kỷ luật lỏng lẻo và quan trọng nhất là họ không có chỉ huy, mà lại bị đột kích trong đêm. Họ đã không kịp trở tay và khi quân Hightower còn chưa nhận ra để mặc giáp và lấy vũ khí thì quân địch đã xông tới chém giết. Con rồng Seasmoke thì còn dữ tợn hơn khi nó đốt cháy mọi lều trại và nhà cửa trong thị trấn.
Vương đệ Daeron đang ngủ say khi cuộc đột kích bắt đầu. Ulf thì như mọi khi, say bí tỉ và nằm gục trong một quán trọ. Hugh thì đang nằm trên giường cùng một góa phụ mà gã đã chiếm đoạt. Không ai đánh thức nổi Ulf và cuối cùng gã ngủ mê mệt trong suốt trận chiến. Hugh phản ứng nhanh hơn khi giật mình choàng tỉnh và vội vàng chạy đến chỗ con rồng. Thế nhưng giữa đường hắn chạm mặt Ser Jon Roxton và anh đã chớp thời cơ rút kiếm giết chết Hugh. Ser Jon giết được thêm ba tên thuộc hạ của Hugh rồi mới bị đánh bại và bỏ mạng. Có người kể là anh trượt ngã khi vấp phải một đồng xu bết máu rơi ra từ người Hugh nên mới bị giết, nhưng sự thực ra sao thì khó mà kiểm chứng được. Cái chết của Vương đệ Daeron thì lại là vấn đề gây tranh cãi đến tận bây giờ, vì không ai biết chuyện gì đã xảy ra với cậu. Có người cho rằng Daeron bị tay lính đánh thuê người Myr tên là Cục Máu Đen dùng chùy đập nát mặt khi cậu loạng choạng ra khỏi lều. Có người lại kể là Daeron bị một kỵ sĩ vô danh giết chết, nhiều người khác thì tin rằng cậu bị chết cháy trong lều.
Trận Tumbleton lần hai
Trận Tumbleton lần hai
Trận đánh dần trở nên hỗn loạn, và trên trời, Ser Addam có thể trông thấy những con rồng của phe địch. Dù cậu không hề hay biết là hai trong số ba Kỵ Sĩ đã chết và người còn lại đang say xỉn, nhưng lũ rồng không hề bị xích. Mùi lửa và máu cùng âm thanh chiến trận đã đánh thức chúng và rồi lũ rồng tham chiến. Một tay nỏ đã liều lĩnh bắn Silverwing, trong khi bốn mươi hiệp sĩ xông đến tấn công Vermithor với hy vọng giết được con rồng khi nó chưa tỉnh hẳn. Tất cả đều trả giá bằng mạng của mình, trong khi đó ở cách xa một đoạn, Tessarion rít lên rồi cất cánh và phun lửa. Trông thấy nó, Ser Addam vội cho Seasmoke xông tới đối mặt với con rồng.
Cả Tessarion và Seasmoke đều còn trẻ và nhanh nhẹn; chúng bay vút lên cao rồi sà xuống, thi nhau lượn vòng và cuộn tròn, khiến hai con rồng trông như đang nhảy múa trên trời. Thế nhưng vũ điệu của chúng bị gián đoạn khi Vermithor rống lên - con rồng già nổi điên vì những vết thương và bắt đầu phun lửa rồi càn quét mọi hướng. Hàng chục người bỏ mạng khi hứng chịu cơn thịnh nộ của Vermithor, trong đó có cả các lãnh chúa Piper và Deddings.
Chứng kiến cảnh ấy, Ser Addam lập tức cho Seasmoke đuổi theo và bổ xuống tấn công Vermithor để bảo vệ binh sĩ của mình, dù cậu biết khả năng chiến thắng rất thấp. Cuộc đấu giữa hai con rồng diễn ra trên mặt đất khi chúng vật lộn và siết chặt lấy nhau, con này cố ngoạm lấy con kia. Có lợi thế về kích thước lẫn trọng lượng nên Vermithor dần lấy được lợi thế và gần như đã xé xác được Seasmoke… nếu Tessarion không lao xuống tấn công cả hai từ trên trời. Dường như việc không có Kỵ Sĩ đã khiến con rồng không thể phân biệt được bạn hay thù mà nó chỉ đơn thuần say máu chiến đấu. Ba con rồng tiếp tục hỗn chiến, và rồi Seasmoke là con đầu tiên bỏ mạng khi nó bị Vermithor cắn đứt đầu. Sau đó con rồng già định bay lên với chiến lợi phẩm là cái đầu Seasmoke còn nằm trong hàm, song bấy giờ cánh nó đã rách nát không thể bay được nữa. Một lúc sau, Vermithor cũng gục xuống chết vì các vết thương. Con Tessarion cũng bị thương nặng và nằm hấp hối không thể di chuyển, và khi hoàng hôn buông xuống, Lãnh chúa Blackwood đã cử một tay cung bắn liền ba phát vào mắt con rồng để kết liễu nó.
Đến chập tối thì trận đánh kết thúc với thắng lợi thuộc về các lãnh chúa Vùng Châu Thổ. Họ chỉ mất chưa đến một trăm quân, trong khi phe địch mất tới hơn một nghìn người. Bên cạnh đó, họ đốt phá được vô số lều trại, chiếm giữ hoặc thiêu hủy phần lớn xe ngựa và quân lương của kẻ địch. Quan trọng nhất là hai con rồng của phe Xanh đã bỏ mạng. Tuy vậy, quân Hightower vẫn giữ được Tumbleton vì đã kịp đóng cổng. Do không có vũ khí để công thành, các lãnh chúa Vùng Châu Thổ rút lui khi trăng lên.
Thi thể dập nát của Ser Addam Velaryon được tìm thấy dưới xác con rồng của cậu, và Ben Blackwood là người đem nó rời khỏi chiến trường. Hài cốt của cậu được chôn cất ở Raventree Hall, và Ser Addam an nghỉ ở đó tám năm. Đến năm 138, em trai của cậu là Alyn - bấy giờ đã là Lãnh chúa Velaryon, Chúa Sóng Triều - đưa thi hài anh trai mình trở về Driftmark. Ser Addam được chôn cất ở trấn Hull, nơi cậu sinh ra, và trên bia mộ chỉ khắc duy nhất hai chữ: TRUNG THÀNH.
Marilda trấn Hull thăm mộ con trai mình - Ser Addam Velaryon
Marilda trấn Hull thăm mộ con trai mình - Ser Addam Velaryon
Đến sáng hôm sau thì đạo quân Vùng Châu Thổ đã rút lui hẳn. Xác chết nằm la liệt khắp cánh đồng, và rồi một lúc sau con Silverwing hạ cánh. Trước đó nó chỉ bay vòng quanh quan sát trận đánh mà không tham gia. 
Tình cảnh quả thực bi đát cho đội quân Hightower: tám trong số mười ba tướng lĩnh tham dự vào kế hoạch loại bỏ Hai Kẻ Phản Bội đã chết. Tuy vậy hai người chủ mưu là Ser Hobert Hightower và Lãnh chúa Unwin Peake vẫn còn sống. Chướng ngại lớn nhất của họ là Hugh Búa Tạ cũng đã chết, nhưng Ulf thì còn sống, và con rồng của hắn cũng vậy. Biết rằng mình có lợi thế lớn, Ulf tuyên bố với Lãnh chúa Peake rằng họ sẽ tấn công Kinh Thành, và hắn sẽ làm vua. Ser Hobert không tỏ thái độ gì cả, mà chỉ hẹn gặp hắn vào sáng hôm sau để lên kế hoạch tiến quân.
Khi gặp Ulf vào sáng hôm sau, Ser Hobert đem theo hai thùng rượu làm quà, một là rượu đỏ xứ Dorne và một là rượu vàng xứ Arbor. Ulf vốn thích những loại rượu có vị ngọt, nên Ser Hobert đã bỏ độc vào thùng rượu vàng Arbor. Thế nhưng thái độ của Ser Hobert khiến Ulf nghi ngờ, và hắn khăng khăng yêu cầu ông uống chung rượu với mình. Ser Hobert vốn ít được coi trọng và lịch sử cũng không để lại nhiều điều tốt đẹp về ông, nhưng không ai có thể xúc phạm cái chết của ông. Thay vì phản bội các tướng lĩnh khác, Ser Hobert đồng ý để cận vệ rót đầy cốc của mình rồi uống cạn, dù biết chắc mình sẽ chết. Thấy thế, Ulf yên tâm và hắn cũng nốc liền ba cốc và rất nhanh chóng, Ulf ngủ gục và không bao giờ còn tỉnh dậy. Khi ấy, Ser Hobert mới loạng choạng đứng dậy cốc móc họng nôn ra, nhưng đã quá muộn vì chất độc đã ngấm. Ông qua đời một giờ sau đó.
Sau đó, Lãnh chúa Peake treo giải một ngàn đồng rồng vàng cho ai có thể cưỡi được Silverwing. Ba người đã bước lên chấp nhận thử thách. Người đầu tiên bị cắn đứt cánh tay và người thứ hai thì bị thiêu tới chết, điều đó làm người thứ ba không dám liều mạng. Sau đó cũng không còn ai thu phục được Silverwing nữa. Nó trở thành rồng hoang và những năm sau làm tổ ở một cái hang trên một đảo nhỏ ở Hồ Đỏ xứ Reach. Còn về lực lượng ở Tumbleton thì bấy giờ đội quân hùng mạnh ngày nào của nhà Hightower đã gần như tan rã. Vô số kẻ đã đào ngũ và vơ vét của cải đem theo, họ cũng đã mất quá nhiều người từ các trận đánh. Nhận thấy cố chấp tiến quân thì chỉ có đường chết, Lãnh chúa Peake tập hợp số ít binh sĩ và lãnh chúa còn lại rồi rút về xứ Reach.
Như vậy là cuộc đột kích của Ser Addam đã thành công khi khiến đội quân của nhà Hightower tan rã và phải rút lui. Kỵ Sĩ Rồng trẻ tuổi ấy đã chứng minh được lòng trung thành và sự quả cảm đáng khâm phục với cái giá là chính tính mạng của cậu. Nhưng đáng tiếc rằng những nỗ lực của Ser Addam đổ sông đổ bể khi Rhaenyra đã tự tay làm mất Kinh Thành và đang vội vàng tìm đường chạy về Dragonstone - nơi định mệnh tàn khốc đang đón chờ nữ vương.

CHƯƠNG 22: CÁI CHẾT CỦA NỮ VƯƠNG

Hành trình trở về Dragonstone của Rhaenyra vô cùng khó khăn vất vả. Sau khi rời King’s Landing, nữ vương cùng đoàn tùy tùng tìm đến các gia tộc vùng Xoáy Nước Đen để trú ẩn. Thế nhưng nhà Rosby đóng chặt cổng thành và từ chối để Rhaenyra vào trong, còn nhà Stokeworth chỉ cho cô ở lại một đêm. Trên đường đến Duskendale, phân nửa quân áo choàng vàng trong đoàn đã đào ngũ, và sau đó doanh trại của nữ vương bị phục kích. Tuy những kẻ tấn công bị đẩy lùi, nhưng Ser Balon Byrch và một hiệp sĩ Vệ Vương là Ser Lyonel Bentley đã tử trận. Tại Duskendale, Phu nhân Meredyth Darklyn chỉ cho phép nữ vương ở lại một thời gian ngắn và phải thuyết phục mãi mới được. Nhà Darklyn tuy là một gia tộc trung thành với nữ vương từ những ngày đầu, nhưng những mất mát của họ trong cuộc chiến đã khiến lòng trung thành đó phai mờ, hơn nữa.
Khi đã được an toàn bên trong Duskendale, Rhaenyra liền lệnh cho gửi quạ đến Đại Học sĩ Gerardys ở Dragonstone, yêu cầu ông cho tàu đến đón cô ngay. Thế nhưng dù gửi đến tận 3 con quạ, vẫn không có lời hồi đáp nào, và Rhaenyra lại nghi ngờ lòng trung thành của Gerardys. Nữ vương cũng gửi quạ đến các gia tộc còn trung thành với mình, và lần này mọi việc có vẻ khả quan hơn, nhưng không hoàn hảo như cô nghĩ. Lãnh chúa Cregan Stark từ Winterfell hồi đáp rằng anh sẽ dẫn quân nam hạ ngay lúc nào có thể, nhưng sẽ tốn nhiều thời gian để phương Bắc tập hợp binh lực do lãnh thổ rộng lớn, thưa dân mà mùa đông lại đã đến. Tuy thế, Lãnh chúa Stark hứa rằng đích thân anh sẽ dẫn một vạn quân thiện chiến và mạnh mẽ hơn đạo quân Sói Mùa Đông đến trợ giúp. Nữ chúa Jeyne Arryn cũng hứa sẽ cử quân giúp đỡ, nhưng vì tuyết đã bắt đầu phủ kín các hẻm núi Thung Lũng, nên họ sẽ cần phương tiện vượt biển. Cô viết rằng nếu nữ vương cử hạm đội Velaryon đến Gulltown, Thung Lũng sẽ cử ngay một đạo quân lớn đến Duskendale. Hoặc không, cô sẽ cần vàng bạc để thuê tàu và yêu cầu nữ vương giúp đỡ. Thế nhưng nhà Velaryon đã rời bỏ Rhaenyra sau khi cô tống giam Lãnh chúa Corlys, và cô cũng chẳng đem theo chút vàng bạc ít ỏi trong quốc khố.
Ngày qua ngày, Rhaenyra trở nên tuyệt vọng và mất phương hướng không biết nên làm gì. Rồi khi Phu nhân Meredyth yêu cầu nữ vương rời Duskendale, Rhaenyra buộc phải bán vương miện để mua vé trên một tàu buôn Braavos. Những thuộc hạ cuối cùng đều khuyên cô không nên về Dragonstone. Ser Harrold Darke khuyên cô nên tìm đến chỗ Nữ chúa Jeyne ở Thung Lũng, trong khi Ser Medrick Manderly khẩn cầu nữ vương hãy đến Cảng Trắng. Thế nhưng Rhaenyra bỏ ngoài tai tất cả, cô nhất quyết muốn quay về Dragonstone. Ở đó còn nhiều trứng rồng, và cô phải ấp nở chúng. Cô phải có thêm rồng, hoặc mọi thứ sẽ chấm dứt.
Nữ vương đặt chân lên Dragonstone vào một ngày mưa u ám, bến cảng trống không gần như chẳng có ai ngoài một đoàn hộ tống được dẫn đầu bởi Ser Alfred Broome. Than ôi, Ser Alfred đâu còn trung thành với Rhaenyra? Ông ta vốn đã ghim hận bởi dù là hiệp sĩ kinh nghiệm nhất trên đảo, nhưng Ser Alfred bị bỏ qua khi Rhaenyra phong Ser Robert Quince trẻ trung và duyên dáng hơn làm quản thành.
Tới gần lâu đài, thứ đầu tiên đập vào mắt Rhaenyra chính là cái xác cháy rụi của Ser Robert trên tường thành, cùng toàn bộ binh sĩ mà cô để lại trấn giữ Dragonstone. Ngay cả Đại Học sĩ Gerardys cũng đã chết và chỉ còn nửa thân trên. Kẻ nào đó đã chặt đứt cơ thể ông từ dưới sườn, và nội tạng của Gerardys vẫn còn thò ra lủng lẳng từ cái bụng rách nát. Trước khi Rhaenyra và con trai kịp tháo chạy, người của Ser Alfred đã tấn công và giết chết những hiệp sĩ Vệ Vương cuối cùng của nữ vương. Và khi cô cùng Aegon bị áp giải qua cổng lâu đài, thì hai người nhận ra họ đang đối mặt với Vua Aegon II và con rồng Sunfyre tưởng đã mất tích.
Vì sao cơ sự lại thành ra như thế này? Kẻ đứng sau vụ đào thoát của Vua Aegon II chính là Lãnh chúa Larys Strong chứ chẳng ai khác. Ngay khi Kinh Thành bị tấn công, anh đã dẫn Aegon và các con rời Red Keep qua các đường hầm bí mật. Sau đó, Larys tách cả ba ra để đảm bảo an toàn. Anh đoán rằng Rhaenyra sẽ không bao giờ ngờ được Vua Aegon sẽ mạo hiểm tìm đến Dragonstone để ẩn náu. Thế là gã sắp xếp cho nhà vua lên một con thuyền đánh cá với Ser Marston Waters hộ tống. Đây chính là cặp “anh em họ” mà chúng ta đã nói đến ở phần trước. 
Hành trình của con Sunfyre thì vất vả hơn nhiều. Sau trận đánh ở Rook’s Rest, con rồng hồi phục rất chậm và không thể bay khi một bên cánh đã gãy gập. Thế mà nó vẫn bò ra khỏi Rook’s Rest rồi bay từng quãng ngắn từ sườn đồi này sang sườn đồi khác ở Mũi Cracklaw, rồi từ đó đến Dragonstone. Không ai biết nó vượt Biển Hẹp như thế nào, dù có người đoán là vì không bay được xa nên nó đã bơi đến đảo. Sau khi đã đến được Dragonstone, nó đào một cái hang mới rồi đụng độ và giết chết con rồng Grey Ghost. Ser Marston đã giúp nhà vua xác định vị trí con rồng, rồi mạo hiểm tìm kiếm những ai theo phe Xanh trong khi Aegon ẩn náu. Thế rồi họ đã tìm cách gặp và thu phục được Ser Alfred Broome phản bội Rhaenyra. Đến lúc ấy thì mọi việc thật dễ dàng, và lâu đài thất thủ chỉ trong một giờ.
Cuộc đấu giữa Sunfyre và Moondancer
Cuộc đấu giữa Sunfyre và Moondancer
Cuộc đột kích gần như hoàn hảo, nhưng họ vuột mất Baela Targaryen. Cô bé đã trèo ra khỏi cửa sổ và chạy đến chỗ con rồng Moondancer. Con rồng còn non, chỉ vừa đủ lớn để chở Baela bay lượn. Và khi cả hai bay lên trời thì Vua Aegon II đã cưỡi con Sunfyre đợi sẵn. Hai con rồng chiến đấu trong màn đêm mịt mù; Moondancer thì lợi dụng sức trẻ và sự nhanh nhẹn để né tránh mọi đòn tấn công trong khi liên tục cào xé con Sunfyre còn chưa hồi phục hoàn toàn. Thế nhưng chỉ cần một luồng lửa vàng của Sunfyre trúng đích đã đủ để làm Moondancer bị mù. Hai con rồng lao thẳng vào nhau và rơi xuống đất, khi ấy con Moondancer vẫn ngoan cố ngoạm chặt lấy cổ đối thủ. Kể cả khi đã đâm xuống đấy, chúng vẫn quần thảo dữ dội. Thế nhưng lúc này Moondancer không còn lợi dụng được sự nhanh nhẹn nữa, và nó nhanh chóng bị Sunfyre giết chết. Tuy thắng lợi, nhưng Sunfyre cũng bị trọng thương và không bao giờ có thể bay được nữa. Hai Kỵ Sĩ Rồng thì may mắn còn toàn mạng, dù chẳng lành lặn. Vua Aegon đã kịp nhảy khỏi yên trước khi hai con rồng đâm xuống đất, và do đó cả hai chân nhà vua đều bị gãy. Tiểu thư Baela còn ngồi trên lưng Moondancer thì bị bỏng và chịu nhiều vết thương nghiêm trọng. Khi Baela bò khỏi bãi chiến trường, Ser Alfred đã định giết cô bé, nhưng Ser Marston cản ông lại. Anh cho người đưa Tiểu thư Baela đi chữa trị.
Sau đó, khi Đại Học sĩ Gerardys dâng sữa anh túc để giảm đau cho Vua Aegon, anh đã kích động và mắng vị học sĩ vì đã ủng hộ chị mình. Nhà vua lệnh cho binh sĩ dùng chính sợi xích học sĩ để thắt cổ ông rồi ném xác Gerardys cho Sunfyre ăn. Thi thể những người trung thành với Rhaenyra sau đó đều bị treo lên tường thành, và Aegon cho để nguyên như vậy đến tận ngày nữ vương trở về.
Cái bẫy đã được giăng ra, và đúng như dự đoán, Rhaenyra đã bước thẳng vào nó. Và khi cô được áp giải đến chỗ nhà vua, Aegon II đã lên tiếng từ một ban công phía trên.
“Chào chị”, anh nói với vẻ mỉa mai. Bấy giờ trông nhà vua thật tàn tệ: anh gãy cả hai chân nên phải ngồi ghế, trong khi cái hông gãy khiến cơ thể anh vặn vẹo, cộng với vô số vết bỏng khắp cơ thể và lan cả nửa mặt. Tuy vậy, Rhaenyra biết ngay đó là ai, và cô đáp, “Em trai thân mến, ta đã hy vọng ngươi chết rồi cơ đấy.”
Aegon bèn đáp, “Sao mà ta chết trước được. Chị là chị ta mà.”
Rhaenyra trả lời rằng, “Ta mừng là ngươi còn nhớ điều đó. Có vẻ bọn ta là tù nhân của ngươi, nhưng đừng vọng tưởng điều này sẽ kéo dài lâu. Các lãnh chúa trung thành sẽ tìm bọn ta.”
Nhà vua lạnh lùng đáp lại, “Nếu tìm ở địa ngục thì may ra mới thấy”. Và ngay sau đó, binh lính xông vào kéo cô ra khỏi người con trai của mình. Không ai dám lên tiếng can ngăn khi Aegon để cho Sunfyre phun lửa vào người Rhaenyra rồi ăn tươi nuốt sống cô ngay trước mặt Vương tử Aegon Nhỏ. Cậu bé chỉ có thể đứng nhìn trong kinh hoàng mà không thể làm gì. Hôm ấy là ngay 22 tháng 10 năm 130, và triều đại của Rhaenyra Targaryen kết thúc. Người đã từng là Niềm vui của Vương quốc bỏ mạng ở tuổi 33 theo cách không thể nào khủng khiếp hơn.
Cái chết của Nữ vương Rhaenyra Targaryen
Cái chết của Nữ vương Rhaenyra Targaryen
Ngay sau đó, Ser Alfred Broome muốn giết luôn cả Vương tử Aegon, nhưng nhà vua không cho phép. Cậu bé sẽ là một con tin đắt giá, bởi dù Rhaenyra đã chết, nhưng khắp vương quốc vẫn còn nhiều gia tộc trung thành với cô. Anh cho xích cổ và tay chân Aegon Nhỏ rồi đem cậu bé giam vào ngục. 
Khi đã xong xuôi, Vua Aegon II tuyên bố rằng: “Thời gian ẩn náu đã chấm dứt. Hãy cho quạ bay khắp Vương quốc để thông báo rằng kẻ tiếm ngôi đã chết, và nhà vua đích thực đang trở về để lấy lại ngôi vị thuộc về ngài.”

CHƯƠNG 23: TÁI CHIẾM KINH THÀNH

Đối thủ trực tiếp với Aegon là Rhaenyra đã chết, nhưng ngôi vị của anh vẫn chưa được đảm bảo. Chắn giữa anh và King’s Landing là Driftmark cùng hạm đội của nhà Velaryon. Giờ đây khi Lãnh chúa Corlys còn đang trong quyền kiểm soát của nhà vua giả mạo Trystane, còn Ser Addam đã bỏ mình, Alyn Velaryon là người nắm giữ sức mạnh của nhà Velaryon. Dù đã quay lưng với nữ vương từ trước đó, nhưng chẳng có gì đảm bảo họ sẽ tuân phục nhà vua. Aegon lập tức cho gửi quạ đến Driftmark, đề nghị ân xá mọi tội trạng của nhà Velaryon nếu Alyn trình diện và thề trung thành. Và trước khi có câu trả lời, anh sẽ không mạo hiểm rời Dragonstone.
Một lý do khác cho việc nhà vua trì hoàn chuyến hành trình trở về Kinh Thành chính là con rồng Sunfyre. Aegon kiên nhẫn đợi và hy vọng con rồng sẽ hồi phục, nhưng vô ích. Sau những thương tích kinh hoàng ấy, Sunfyre Hoàng Kim cuối cùng đã không qua khỏi và ra đi vào ngày 9 tháng 12 năm 130. Aegon khóc thương cho con rồng, và trong cơn thịnh nộ, nhà vua đã định cho người hành quyết Tiểu thư Baela. Đến tận khi đầu của cô đã bị đặt lên thớt, Aegon mới đổi ý, vì học sĩ của anh nhắc rằng Baela là cháu ngoại của Lãnh chúa Corlys. Do vậy, nhà vua cho gửi một con quạ khác tới Driftmark, lần này nó đem theo lời đe dọa: nếu Alyn không trình diện trong hai tuần để thề trung thành với Vua Aegon II, em họ Baela của cậu sẽ mất đầu.
Trong lúc ấy thì ở Kinh Thành, giai đoạn hỗn loạn mang tên “Tháng ba vua” kết thúc khi Lãnh chúa Borros Baratheon xuất hiện cùng đội quân Xứ Bão. Lãnh chúa Borros đã lấy cớ cần đánh đuổi lũ cướp sa mạc ở biên giới để vắng mặt suốt thời gian qua. Thế nhưng ngay khi nghe tin Rhaenyra đã chết, ông lập tức lên ngựa tiến về Kinh Thành cùng sáu trăm hiệp sĩ và bốn nghìn bộ binh. Người Chăn Cừu cố gắng ra lệnh cho đám tín đồ chống cự, nhưng giờ đây ông ta chỉ còn vài trăm con chiên và không là gì so với đội quân Baratheon cả. Vua Trystane thì biết rằng cậu hoàn toàn không có cơ hội, nên đã cử Lãnh chúa Larys cùng Thái hậu Alicent và Đại Học sĩ Orwyle đến thương lượng với Lãnh chúa Borros. Cũng tại doanh trại Baratheon, Thái hậu Alicent đã bật khóc vì sung sướng khi biết đứa cháu cuối cùng của mình là Vương nữ Jaehaera đã được Ser Willis Fell hộ tống tới Storm’s End an toàn.
Vua Aegon II thiết triều
Vua Aegon II thiết triều
Lãnh chúa Larys hứa rằng Ser Perkin cùng đám hiệp sĩ ô hợp của gã sẽ hợp sức cùng binh lính Xứ Bão để khôi phục triều đình. Tuy vậy, điều kiện được đưa ra là tất cả bọn họ sẽ được tha bổng mọi tội trạng, ngoại trừ kẻ giả mạo Trystane, bấy giờ đã bị giam vào ngục. Thái hậu Alicent cũng đồng ý rằng Vua Aegon sẽ tái giá với con cả của Lãnh chúa Borros là Tiểu thư Cassandra, một cô con gái khác là Tiểu thư Floris thì sẽ được hứa hôn với Lãnh chúa Larys. Hai bên đều đồng ý với giao kèo, và Lãnh chúa Borros bắt đầu thiết lập lại trật tự ở Kinh Thành. Một ngày sau đó, ông đem quân đến bắt giữ cậu nhóc Gaemon cùng toàn bộ triều đình giả mạo. Đêm sau đó thì Người Chăn Cừu cũng bị bắt ở Hố Rồng, hòa bình được tạm thời khôi phục. Tuy vậy, nhà Velaryon vẫn là một mối đe dọa lớn. Thái hậu Alicent và Lãnh chúa Larys trả tự do cho Lãnh chúa Corlys, xóa bỏ tội phản quốc và đồng ý cho ông một vị trí trong Tiểu hội đồng. Thế nhưng Lãnh chúa Corlys muốn tất cả những ai đã chiến đấu cho nữ vương Rhaenyra cũng được ân xá. Ông yêu cầu phải trả tự do cho Tiểu thư Baela, xác nhận việc hợp pháp thân phận của Alyn để cậu làm người kế vị của nhà Velaryon. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị để Vương tử Aegon Nhỏ kết hôn với Vương nữ Jaehaera nhằm hàn gắn lại vương thất.
Mặc cho Thái hậu Alicent ban đầu phản đối, nhưng thỏa thuận vẫn được ký kết và Lãnh chúa Corlys quỳ gối thề trung thành dưới tư cách gia tộc Velaryon. Không lâu sau, Vua Aegon II trở về Kinh Thành không kèn không trống, đi cùng có Ser Marston Waters, Ser Alfred Broome cùng Tiểu thư Baela vẫn bị xích do cô bé sẽ tấn công nhà vua nếu được thả ra. Đoàn của nhà vua được hộ tống bởi mười hai tàu chiến của nhà Velaryon. Do cả hai chân đã gãy nên anh phải ngồi kiệu và lặng lẽ trở về Red Keep. Cũng vì không thể ngự Ngai Sắt với đôi chân gãy nát, nên nhà vua cho đặt một chiếc ngai nhỏ tại Đại Sảnh để thiết triều. Điều đầu tiên cần làm chính là xét xử ba tên vua giả mạo. Trystane là người đầu tiên bị xét xử, và cậu ta nhanh chóng bị phán tội phản quốc và do đó phải chịu tử hình. Tuy thế, Trystane vẫn lớn giọng thách thức vua Aegon, và chỉ dừng lại khi thấy Ser Perkin đã bán đứng mình. Cậu chấp nhận hình phạt, nhưng xin được phong hiệp sĩ trước khi chết, và nhà vua đồng ý. Ser Marston gọi cậu là Ser Trystane, và rồi sau đó Ser Alfred dùng thanh kiếm Blackfyre chém đầu nhà vua giả mạo đầu tiên. Cậu bé Gaemon thì được tha rồi được vương thất nhận nuôi vì còn quá nhỏ, nhưng mẹ của cậu nhóc và toàn bộ triều thần giả mạo đều bị treo cổ.
Cái chết của Người Chăn Cừu
Cái chết của Người Chăn Cừu
Kẻ cuối cùng bị xét xử là Người Chăn Cừu, và thái độ xấc xược của ông ta làm Aegon nổi giận. Nhà vua cho cắt lưỡi ông lão, và hạ lệnh Người Chăn Cừu sẽ bị thiêu sống. Vào ngày cuối cùng của năm, 241 tín đồ trung thành nhất của Người Chăn Cừu bị tẩm hắc ín rồi trói chặt vào những cây cột dọc theo con đường rộng nối liền phía đông quảng trường Đá Lát đến Hố Rồng. Khi chuông rung lên báo hiệu năm cũ đã qua và năm mới đang đến, Vua Aegon II được kiệu dọc theo con đường trong khi các hiệp sĩ của anh cưỡi ngựa hai bên, lần lượt châm lửa thiêu chết những con chiên trên cột. Phía cuối con đường là Người Chăn Cừu - ông ta bị trói giữa năm chiếc đầu rồng chết trong đêm Hố Rồng sụp đổ. Được hai hiệp sĩ Vệ Vương hỗ trợ, Aegon đã đứng dậy và tự tay châm lửa thiêu chết Người Chăn Cừu.
Nữ vương Rhaenyra đã chết, người con trai duy nhất của cô nằm trong tay Aegon, Kinh Thành thì đã tái lập lại trật tự. Bởi vậy, Vua Aegon II hy vọng rằng những gia tộc còn trung thành với Rhaenyra sẽ đầu hàng và quỳ gối. Thực sự việc ấy hoàn toàn có thể xảy ra, nếu anh đủ khôn ngoan mà làm theo lời Lãnh chúa Corlys là ân xá cho tất cả. Đáng buồn là Vua Aegon II hoàn toàn không có ý định tha thứ, và chính Thái hậu Alicent cũng giục con trai mình hãy mạnh tay. Do đó, Aegon II quyết tâm trừng phạt những kẻ đã phản bội và chống lại mình. Chiến tranh vì thế vẫn chưa thể chấm dứt.

CHƯƠNG 24: TRẬN VƯƠNG LỘ

Vua Aegon II nhất quyết muốn trừng trị những gia tộc phản bội, và đích đến đầu tiên của anh là các gia tộc vùng Xoáy Nước Đen. Nhà vua lập tức cử Lãnh chúa Borros đem quân đến các thành trì và làng mạc gần Kinh Thành và buộc các gia tộc đã ủng hộ Rhaenyra phải đầu hàng. Các lãnh chúa và quản thành bị trói lại đưa đến Red Keep để quỳ gối, trả tiền chuộc và giao nộp con tin. 
Rõ ràng đây là một nước đi sai lầm, vì nó chỉ khiến các lãnh chúa từng ủng hộ Nữ vương Rhaenyra quyết tâm chống lại Aegon hơn. Khi đã không được ân xá, vậy thì dại gì mà đầu hàng? Tin tức nhanh chóng truyền đến Kinh Thành cho biết những đội quân lớn đang được tập hợp ở Winterfell, Barrowton và Cảng Trắng. Ở Vùng Châu Thổ, Lãnh chúa Grover Tully già cả cuối cùng đã qua đời, và tân lãnh chúa là Ser Elmo Tully đã lập tức triệu tập binh lực khắp đồng bằng sông Trident. Không muốn chịu chung số phận với các gia tộc vùng Xoáy Nước Đen, gần như tất cả đều nghe lời hiệu triệu của Lãnh chúa Elmo: các gia tộc Blackwood, Frey, Vance, Mallister và Darry đều có mặt; thậm chí cả nhà Bracken giờ cũng sẵn sàng đem quân chống lại Aegon - vị vua họ từng ủng hộ.
Tiểu thư Rhaena Targaryen
Tiểu thư Rhaena Targaryen
Ở Thung Lũng, Nữ chúa Jeyne cũng đã tập hợp một nghìn rưỡi hiệp sĩ và tám nghìn bộ binh rồi cử sứ giả sang Braavos thuê tàu. Đi cùng họ có cả Tiểu thư Rhaena Targaryen - em sinh đôi của Tiểu thư Baela - và con rồng non mới nở tên Morning của cô. Dù phải nhiều năm nữa Morning mới trưởng thành, nhưng việc phe Đen có thêm rồng vẫn khiến triều đình lo lắng. Hiện giờ hầu hết những con rồng đều đã chết, và phe Xanh hoàn toàn không còn con nào trong tay. Dân chúng có thể coi đó là dấu hiệu để ủng hộ phe Đen, và vì vậy, Aegon II nói rằng anh cần một con rồng mới. Bấy giờ ngoài Morning mới nở thì chỉ còn lại ba con rồng trên toàn Westeros: Sheepstealer và Kỵ Sĩ của nó là Nettles thì đã mất tích; con Cannibal vẫn đang ở Dragonstone; trong khi đó Silverwing đã làm tổ ở Hồ Đỏ ở xứ Reach.
Phương án khả dĩ nhất là thử thu phục Silverwing, nhưng Vua Aegon còn quá yếu và đường đi đến xứ Reach cũng không an toàn. Mà kể cả nếu có thể, chính Aegon cũng từ chối không muốn một con rồng từng có chủ. Anh tuyên bố mình sẽ ấp nở một con rồng mới, một Sunfyre khác. Aegon hạ lệnh đem trứng rồng từ Dragonstone tới Kinh Thành để thử ấp nở, nhưng việc ấy cũng chẳng đi đến đâu - bảy quả trứng được đem đến, và không một quả nào nở.
Trong khi ấy, triều đình của Vua Aegon không thể thống nhất được biện pháp đối phó với sức mạnh của các đội quân còn trung thành với Rhaenyra. Lãnh chúa Corlys kiên trì khuyên nhà vua nên tiến hành đàm phán và hòa giải trong hòa bình; nhưng Lãnh chúa Borros phản đối. Ông ta tin rằng mình có thể đánh bại mọi địch thủ, miễn là có đủ người, và Lãnh chúa Borros khuyên nhà vua nên lệnh cho Casterly Rock và Oldtown lập tức triệu tập binh sĩ. Ser Tyland Lannister thì đề nghị dùng vàng bạc để thuê lính đánh thuê từ các Thành phố Tự do. Với hai kiến nghị này, Lãnh chúa Corlys phản bác:
“Chúng ta không có thời gian. Trên danh nghĩa thì cai trị Casterly Rock và Oldtown hiện giờ chỉ là những đứa bé. Họ sẽ không thể giúp được chúng ta. Các hội đánh thuê tốt nhất đều đã đang có hiệp ước với Lys, Myr hoặc Tyrosh cả rồi. Và kể cả nếu Ser Tyland thuyết phục được họ chiến đấu cho triều đình, thì làm cách nào đưa họ đến đây kịp? Hạm đội của thần có thể chặn nhà Arryn, nhưng còn người phương Bắc và các lãnh chúa đồng bằng Trident thì sao? Họ đang hành quân rồi. Chúng ta phải đàm phán. Bệ hạ nên tha thứ cho mọi tội trạng của họ, tuyên bố lập Aegon con trai Rhaenyra làm người kế vị và để cậu ta kết hôn với Vương nữ Jaehaera. Chỉ có cách đó mà thôi.”
Lời khuyên của Lãnh chúa Corlys rất xác đáng, nhưng đáng tiếc chẳng ai chịu nghe ông. Dù Thái hậu Alicent từng thỏa hiệp với việc để Vương nữ Jaehaera kết hôn với Vương tử Aegon Nhỏ thì chính Vua Aegon lại không đồng ý. Anh không muốn cháu trai mình có bất kỳ đứa con nào, thậm chí nhà vua đã định để cậu bé gia nhập Đội Tuần Đêm, hoặc thậm chí là biến cậu thành hoạn quan. Ser Tyland cũng cho rằng chừng nào Aegon Nhỏ còn sống thì chừng đó Vua Aegon II và người kế vị của anh sẽ không được an toàn và đề nghị xử tử cậu bé ngay. Những lời ấy khiến Lãnh chúa Corlys kinh hãi và giận dữ, ông đùng đùng rời khỏi phòng họp và lớn tiếng mắng cả nhà vua và Tiểu hội đồng là những kẻ dối trá, ngu xuẩn và phản bội. Phải đến khi Lãnh chúa Larys lên tiếng, cục diện mới thay đổi. Anh chỉ ra rằng nếu để Rắn Biển bỏ đi hoặc giết ông ta, Alyn Velaryon và hạm đội của họ sẽ lập tức rời bỏ triều đình. Lãnh chúa Larys đề nghị vương thất hãy tuyên bố Aegon Nhỏ là người kế vị và hứa hôn với Vương nữ Jaehaera để khiến phe Đen hài lòng; rồi sau này sẽ tìm cách loại bỏ cậu ta sau. Tiểu hội đồng chấp thuận, và sau đó Lãnh chúa Larys đã bàn riêng với Lãnh chúa Corlys để thuyết phục ông đồng ý.
Tuy nhiên, các đội quân phe Đen đã bắt đầu áp sát Kinh Thành. Từ phương Bắc lạnh giá, Lãnh chúa Cregan Stark đích thân tiến xuống phía nam, theo sau anh là tám nghìn binh sĩ thiện chiến và hung tợn. Binh lực của vùng Thung Lũng cũng đang hành quân: một vạn người dưới sự chỉ huy của Lãnh chúa Leowyn Corbray cùng với em trai là Ser Corwyn. Thế nhưng trước mắt thì Kinh Thành sẽ phải lo về đội quân Vùng Châu Thổ. Lãnh chúa Elmo đã tập hợp gần sáu nghìn quân và gấp rút tiến về Kinh Thành, nhưng rồi tân lãnh chúa Riverrun bất hạnh qua đời vì uống phải nước bẩn ít ngày sau khi hành quân. Thay thế cho Lãnh chúa Elmo là con trai - Ser Kermit Tully trẻ tuổi. Biết tin này, Lãnh chúa Borros Baratheon lập tức dẫn quân rời Kinh Thành. Theo sau ông là toàn bộ binh lực Xứ Bão cùng lực lượng bổ sung từ các gia tộc Xoáy Nước Đen và hai nghìn tân binh mới chiêu mộ được vũ trang sơ sài.
Hai ngày sau khi rời King’s Landing, hai đội quân đối mặt. Bấy giờ trời đã đổ mưa nhiều ngày và khiến mặt đất trên Vương lộ nhão đầy bùn lầy. Lãnh chúa Borros chẳng bận tâm đến những bất lợi ấy, ông tự tin mình sẽ chiến thắng khi trinh sát báo về rằng các chỉ huy đối địch toàn là phụ nữ và các chàng trai trẻ. Ông quyết định tấn công lúc hoàng hôn, và chính sự tự tin thái quá ấy đã dẫn Lãnh chúa Borros đến chỗ chết. Đích thân ông chỉ huy các hiệp sĩ mở đầu cuộc tấn công vào thẳng trung quân kẻ địch, nơi cờ hiệu của gia tộc Tully tung bay bên cạnh cờ hiệu của Rhaenyra. Tiến ngay phía sau là bộ binh của nhà Baratheon giương cờ hiệu rồng vàng của Vua Aegon II.
Cái chết của Lãnh chúa Borros Baratheon
Cái chết của Lãnh chúa Borros Baratheon
Lịch sử gọi trận chiến này là Trận Vương lộ, nhưng chính những người tham chiến lại gọi nó là Trận Bùn Lầy. Dù vậy, dùng tên nào cũng không thể thay đổi sự thật là trận chiến cuối cùng trong Vũ Điệu Của Rồng diễn ra quá một chiều. Binh sĩ Vùng Châu Thổ tuy ít hơn nhưng dày dạn kinh nghiệm và kỷ luật hơn nhiều. Bộ binh của họ đã dựng khiên và giáo làm thành một phòng tuyến vững chắc chắn ngang đường, trong khi các cung thủ đứng dày đặc trên sườn đồi. Những cơn mưa tên trút xuống tiền quân của Lãnh chúa Borros khiến chưa đầy một nửa số kỵ binh của ông đến được bức tường khiên. Hàng ngũ của họ nhanh chóng nhộn nhạo, mũi nhọn tấn công tan vỡ, ngựa thì trượt ngã và cố vật lộn trong bùn lầy. Dù quân Xứ Bão gắng sức chiến đấu giáp lá cà quyết liệt, nhưng phòng tuyến của binh sĩ Vùng Châu Thổ vẫn vững vàng. Khi bộ binh nhà Baratheon tham chiến, dường như cục diện đã có thể thay đổi, nhưng rồi từ khu rừng bên trái Vương lộ vọng ra những tiếng thét xung trận. Hàng trăm binh sĩ Vùng Châu Thổ nấp sẵn chỉ đợi thời cơ đã xông ra chiến đấu, và dẫn đầu họ là Lãnh chúa trẻ tuổi Benjicot Blackwood.
Ngay khi nhận thấy mình đang mất thế trận,, Lãnh chúa Borros liền ra hiệu cho quân dự bị xông lên. Thế nhưng mặc cho tiếng tù và vang vọng, binh sĩ của các gia tộc Rosby, Stokeworth và Hayford vẫn bất động. Đám tân binh từ King’s Landing thì bỏ chạy tán loạn, trong khi các hiệp sĩ Duskendale thì đổi phe và xông lên tấn công quân Xứ Bão từ phía sau. Trận chiến nhanh chóng kết thúc và đội quân cuối cùng của Vua Aegon II tan vỡ hoàn toàn.
Lãnh chúa Borros quyết không đầu hàng. Sau khi mất ngựa, ông tiếp tục chiến đấu dữ dội, đốn hạ vô số binh lính và hiệp sĩ, thậm chí lấy được mạng của hai lãnh chúa Mallister và Darry. Đến khi Lãnh chúa Kermit tới thì Lãnh chúa Borros đã kiệt sức và gần như ngã quỵ, khắp người chịu vô số vết thương. Lãnh chúa Kermit khuyên ông hãy đầu hàng, nhưng Lãnh chúa Borros chỉ mắng chửi lại rồi xông thẳng đến và tử trận ngay sau đó bởi trúng một cú vung chùy xích vào thẳng mặt. Trận Vương lộ chính thức chấm dứt, và cùng với đó là hy vọng chống trả của Vua Aegon II.

CHƯƠNG 25: CÁI CHẾT CỦA NHÀ VUA

Thất bại trong Trận Vương lộ khiến triều đình của Vua Aegon II đau đầu tìm cách bảo vệ Kinh Thành, vì giờ gần như họ chẳng còn đội quân nào. Casterly Rock, Highgarden và Oldtown đều quanh co nước đôi chứ chẳng hứa hẹn gì. Hơn nữa, nhà Lannister còn đang bận đối phó với đám người Quần đảo Sắt vẫn tiếp tục cướp phá, trong khi nhà Hightower đã mất quá nhiều người và chẳng còn ai đủ khả năng cầm quân. Nhà Tyrell thì đã trung lập từ đầu và họ không có dấu hiệu gì sẽ thay đổi. Những người được cử đến các Thành phố Tự Do chiêu mộ lính đánh thuê thì vẫn chưa trở lại. Vua Aegon II đã vô vọng - triều đình biết rõ như thế.
Bấy giờ đội quân Vùng Châu Thổ đang gấp rút tiến về Kinh Thành với hàng nghìn binh sĩ. Theo ngay sau họ là hai đội quân của Lãnh chúa Cregan Stark và Nữ chúa Jeyne Arryn. Giờ đây lực lượng duy nhất còn có thể chiến đấu là hạm đội nhà Velaryon, nhưng rõ ràng so với hàng vạn quân địch thì như vậy chẳng thấm vào đâu.
Khi Tiểu hội đồng họp để bàn cách giải quyết, Lãnh chúa Corlys là người đầu tiên lên tiếng.
“Bệ hạ, người phải đầu hàng thôi. Kinh Thành không thể chịu nổi một vụ cướp phá nữa. Hãy cứu bản thân người và chúng dân King’s Landing. Nếu người thoái vị và nhường ngôi cho Vương tử Aegon, tân vương hẳn sẽ cho phép người mặc áo đen và sống nốt phần đời còn lại trong danh dự ở Trường Thành.”
“Thật vậy chứ?”, Vua Aegon hỏi với giọng thoáng vẻ hy vọng.
Thế nhưng Thái hậu Alicent không nghĩ thế, và bà nhắc nhở con trai: “Người đã để rồng ăn thịt mẹ của cậu ta. Thằng bé đã chứng kiến việc ấy.”
Nhà vua quay sang hỏi mẹ mình với vẻ tuyệt vọng. “Vậy ta có thể làm gì đây?”
“Người có con tin,” Thái hậu đáp. “Hãy cắt một tai thằng bé và gửi nó cho Lãnh chúa Tully. Hãy cảnh báo rằng thằng bé sẽ mất một phần cơ thể ứng với mỗi dặm đường mà hắn dám tiến quân.”
“Phải rồi,” Vua Aegon II nói. “Tốt lắm. Hãy làm như thế đi.” Rồi nhà vua cho gọi Ser Alfred Broome và lệnh cho ông ta làm theo. Và khi người hiệp sĩ đã rời đi, anh quay sang nói với Lãnh chúa Corlys Velaryon. “Bảo thằng con hoang của ngài hãy chiến đấu đến cùng, thưa lãnh chúa. Nếu hắn thất bại, nếu dù chỉ một con tàu Braavos vượt qua được Gullet, Tiểu thư Baela quý báu của ngài cũng sẽ mất vài phần cơ thể đó.”
Nghe những lời ấy, Rắn Biển chẳng cầu xin, đe dọa hay mắng chửi gì. Ông chỉ gật đầu cụt lủn rồi rời khỏi phòng. Rõ ràng Vua Aegon II chẳng nhận ra được rằng mình đã vô vọng, và anh cũng không tính đến khả năng có những kẻ phản bội trong Red Keep. Khi Ser Alfred băng qua cây cầu dẫn vào Pháo đài Maegor nơi giam giữ Vương tử Aegon, ông bị Ser Perkin Bọ Chét và đám hiệp sĩ ô hợp chặn lại. Ser Alfred sau đó bị ném xuống hàng chông sắt trong hào bên dưới, và ông hấp hối dưới đó hai ngày mới chết. Cùng lúc ấy, tay chân của Lãnh chúa Larys bí mật đưa Tiểu thư Baela đến nơi trú ẩn an toàn. Chỉ trong vài giờ, hơn 20 người khác đã bị Lãnh chúa Larys và đồng bọn thanh trừng, mọi việc êm ru tới mức không một ai nhận ra có chuyện bất thường.
Cuối cùng, chính Thái hậu Alicent cũng bị bắt giữ bởi những người mang gia huy nhà Velaryon. Bà bị xích lại và tống vào ngục, chẳng hề biết rằng khi ấy người con duy nhất còn lại của mình là Vua Aegon II cũng đã băng hà. Sau cuộc họp, Aegon mệt mỏi lạ thường và được Ser Gyles Belgrave của Đội Vệ Vương đỡ lên kiệu. Nhà vua yêu cầu được đưa đến điện thờ trong lâu đài và trên đường, anh nhấm nháp một cốc vang đỏ Arbor yêu thích. Khi họ đến nơi, rèm kiệu đóng chặt và nhà vua chẳng lên tiếng gì khi Ser Gyles báo rằng đã đến nơi. Và khi cửa kiệu mở ra, Vua Aegon II đã chết với vệt máu đọng trên môi từ bao giờ.
Với cái chết của nhà vua, triều đại ngắn ngủi của Aegon II chấm dứt. Nhà vua chỉ ở ngôi được có hai năm và băng hà ở tuổi 24. Cùng với cái chết của anh, chiến tranh dường như cuối cùng cũng kết thúc. Thế nhưng hòa bình thực sự vẫn còn chưa đến.
Cái chết của Vua Aegon II
Cái chết của Vua Aegon II

CHƯƠNG 26: THỜI KHẮC CỦA SÓI

Sau khi đại thắng trong Trận Vương lộ, đội quân Vùng Châu Thổ tiến về Kinh Thành hai ngày sau đó. Đứng đón họ ở cổng thành chính là Lãnh chúa Corlys với Vương tử Aegon ở bên. Rắn Biển thông báo rằng Vua Aegon II đã băng hà, và tuyên bố rằng Vương tử Aegon chính là người kế vị rồi đầu hàng giao thành phố cho họ. Các lãnh chúa Vùng Châu Thổ ngay lập tức quỳ gối và tôn xưng Aegon làm vua, rồi họ tiến vào Kinh Thành trong tiếng hò reo vui mừng của chúng dân King’s Landing. 
Mặc dù là đội quân đầu tiên đến được Kinh Thành, nhưng các binh sĩ Vùng Châu Thổ không phải những người duy nhất đang tiến về đây và loại bỏ mọi kẻ ủng hộ còn lại của Vua Aegon II. Đội quân từ Thung Lũng đã chia làm hai: Lãnh chúa Leowyn dẫn quân tiến về Duskendale còn Ser Corwyn em trai ông thì tiến tới Maidenpool. Cả hai nơi này đều đầu hàng lập tức và đón chào đội quân nhà Arryn. Binh lính trấn thủ Dragonstone thì cứng đầu hơn khi Alyn Velaryon phải vây hãm lâu đài hai ngày thì mới thu phục được.
Dường như mọi việc đã tốt đẹp khi Kinh Thành dần ăn mừng chiến tranh kết thúc sau khi thi thể Vua Aegon II được hỏa thiêu và Vương tử Aegon tuyên bố hòa bình đã trở lại. Triều đình bắt đầu lên kế hoạch tổ chức lễ đăng cơ cho cậu và sau đó sẽ là đám cưới với Vương nữ Jaehaera. Vô số con quạ được thả ra để triệu tập những gia tộc còn ủng hộ Vua Aegon II tới thề trung thành với vị vua mới, kèm theo lời hứa đảm bảo an toàn và ân xá. Vẫn còn đó một vài vấn đề trong triều, ví dụ như việc nên đối xử ra sao với Thái hậu Alicent, nhưng nhìn chung mọi việc đang vào quy củ. Hòa bình có vẻ như nằm trong tầm tay… cho đến khi họ chợt nhớ ra vẫn còn một đội quân lớn đang tiến về Kinh Thành.
Hai tuần sau cái chết của Vua Aegon II, đội quân phương Bắc của nhà Stark xuất hiện tại ngoại vi Kinh Thành. Đích thân Lãnh chúa Winterfell là Cregan Stark dẫn đầu tám nghìn binh sĩ dũng mãnh và hung hãn. Họ tới để thực hiện hiệp ước giữa Lãnh chúa Cregan và Vương tử Jacaerys quá cố, chẳng hề bận tâm đến nền hòa bình mong manh đang được tái lập. Cregan Stark mới 23 tuổi, quả vậy, nhưng không ai có thể nghi ngờ về sự cứng rắn và thậm chí là khắc nghiệt của anh, người ta thậm chí còn gọi Lãnh chúa Winterfell bằng biệt danh Sói Phương Bắc. Dù chỉ lớn hơn các lãnh chúa Tully và Blackwood vài tuổi, nhưng rõ ràng Cregan trưởng thành và dạn dĩ hơn nhiều. So với Sói Phương Bắc thì họ chỉ là những đứa trẻ không hơn không kém.
Dù cả Vương tử Jacaerys và Nữ vương Rhaenyra đều đã không còn, nhưng Lãnh chúa Cregan vẫn làm đúng theo ước hẹn. Khi triều đình ra đón chào đội quân phương Bắc, Lãnh chúa Cregan chỉ nói một câu: “Phương Bắc luôn ghi nhớ.”
“Lãnh chúa, ngài đến muộn rồi,” Lãnh chúa Corlys đáp, “chiến tranh đã kết thúc, và nhà vua đã băng hà.”
Lãnh chúa Cregan nhìn thẳng vào Rắn Biển với vẻ lạnh lùng và khắc nghiệt rồi nói, “Nhà vua băng hà do kẻ nào ra tay và kẻ nào hạ lệnh đây, ta tự hỏi điều đó đấy.”
Lãnh chúa Cregan Stark tới Kinh Thành
Lãnh chúa Cregan Stark tới Kinh Thành
Sói Phương Bắc tin rằng cuộc chiến sẽ không kết thúc chừng nào tất cả những kẻ chống lại Rhaenyra bị tiêu diệt tận gốc. Anh sẽ san phẳng Storm’s End, Oldtown và cuối cùng là Casterly Rock. Đại Học sĩ Orwyle chỉ dè dặt bảo rằng đó là một kế hoạch táo bạo. Lãnh chúa Kermit Tully thì chỉ ra rằng cả ba lâu đài đó đều kiên cố và vững chãi không khác gì Winterfell, còn Lãnh chúa Benjicot Blackwood thì nói rằng Stark sẽ mất một nửa binh sĩ là ít để thực hiện kế hoạch. Đáp lại, Lãnh chúa Cregan lạnh lùng nói, “Họ vốn đã chết từ ngày bọn ta lên đường hành quân rồi, nhóc ạ.” Mùa đông đã tới, và Lãnh chúa Cregan thậm chí còn khuyến khích càng nhiều người hành quân càng tốt. Những người ấy sẽ liều mạng chiến đấu vì vinh quang, của cải rồi chết nơi xứ người để người thân ở quê nhà bớt được những miệng ăn.
Lãnh chúa Corlys cố gắng thuyết phục anh rằng hòa bình có thể được dàn xếp nếu những người ủng hộ Aegon II chịu quỳ gối trước con trai của Rhaenyra. Ông nói rằng Vua Aegon II đã từ chối làm theo lời khuyên, và chính điều đó đã dẫn đến cái chết của nhà vua. Ngay lập tức, Lãnh chúa Cregan buộc tội ông đã đầu độc Vua Aegon II.  Thế rồi người của anh tỏa ra bắt giữ Lãnh chúa Corlys, Lãnh chúa Larys, Đại Học sĩ Orwyle, Ser Perkin, Tư tế Eustace cùng 50 người khác mà Lãnh chúa Cregan tin là là những kẻ phản bội.
Ngay cả các chỉ huy đạo quân Vùng Châu Thổ cũng không thoát khỏi cơn thịnh nộ của Sói Phương Bắc, dù họ là đồng minh. Lãnh chúa Cregan đã lớn giọng quát mắng họ:
“Các ngươi đều là đám trẻ con quấn tã để bị lừa phỉnh bởi yến tiệc và những lời đường mật hay sao? Ai bảo rằng chiến tranh đã kết thúc? Chân Vẹo hay Rắn Biển bảo thế? Nó kết thúc theo ý của chúng sao? Hay vì các ngươi đã thắng được một trận nhỏ trên đám bùn lầy? Chiến tranh kết thúc khi kẻ bại trận quỳ gối, không sớm hơn. Oldtown đã hàng chưa? Casterly Rock đã trả lại quốc khố chưa? Các ngươi bảo định để Vương tử kết hôn với con gái nhà vua, vậy mà con bé ấy vẫn đang ở Storm’s End, ngoài tầm tay các ngươi. Chừng nào con bé còn tự do và chưa chồng, điều gì có thể ngăn ả góa phụ của Baratheon tôn nó làm Nữ vương với tư cách là người kế vị của Aegon hả?”
Khi Lãnh chúa Kermit phản bác rằng đội quân Xứ Bão đã bị đập tan và không còn đủ sức chống cự nữa, Lãnh chúa Cregan bèn nhắc họ rằng Vua Aegon II đã cử ba sứ giả sang bên kia Biển Hẹp tìm lính đánh thuê. Những người ấy có thể trở về bất cứ lúc nào với hàng nghìn tay kiếm. Chẳng phải Nữ vương Rhaenyra đã tưởng mình thắng trận khi chiếm được Kinh Thành đó sao? Hay chính Vua Aegon cũng vậy sau khi cho rồng ăn thịt người chị của mình? Lãnh chúa Cregan không định lặp lại sai lầm đó, và cuối cùng các lãnh chúa Vùng Châu Thổ buộc phải tuân theo ý muốn của anh - phần vì sợ, phần vì binh lực của họ chỉ bằng một nửa so với quân phương Bắc. 
Trong sáu ngày, Kinh Thành hoàn toàn thuộc về Lãnh chúa Cregan và cả thành phố lo sợ những gì người phương Bắc cùng Sói Phương Bắc khắc nghiệt có thể làm. Căng thẳng sau đó càng dâng cao khi có tin các đạo quân nhà Arryn đã rời Duskendale và Maidenpool để tiến về Kinh Thành. Từ Dragonstone, Alyn Velaryon yêu cầu Cregan phải trả tự do cho Rắn Biển và đe dọa sẽ tấn công nếu ông bị tổn hại. Đủ loại tin đồn thất thiệt xuất hiện, nào là các gia tộc Lannister và Hightower đã xuất quân, nào là Ser Marston Waters sắp đem về một vạn lính đánh thuê.
Bấy giờ Lãnh chúa Cregan ở trong Red Keep và giám sát việc điều tra cái chết của Vua Aegon II và lên kế hoạch xử lý những ai còn trung thành với nhà vua quá cố. Vương tử Aegon thì sống tại Pháo đài Maegor và chỉ có cậu bé Gaemon bầu bạn. Nếu chỉ có một mình, hẳn Lãnh chúa Cregan sẽ thực thi công lý bằng những biện pháp tàn bạo nhất có thể rồi tiếp tục cuộc chiến. May mắn thay cho vương quốc, viễn cảnh tồi tệ ấy đã không xảy ra, máu đã không phải tiếp tục đổ nhờ sự can thiệp của một số người phụ nữ, trong đó có ba góa phụ.
Góa phụ đầu tiên chúng ta cần nhắc đến là Johanna Lannister, Phu nhân thành Casterly Rock và là vợ của Lãnh chúa Jason quá cố. Bấy giờ cô đang cùng cha mình là Lãnh chúa Roland Westerling cai trị Miền Tây thay mặt con trai. Những con quạ mang theo các điều khoản và lệnh ân xá của Lãnh chúa Corlys vốn đã bay khắp nơi trước khi Lãnh chúa Cregan đến. Phu nhân Johanna đáp lại bằng cách chấp nhận mọi điều khoản, bởi lẽ Miền Tây còn phải xử lý đám người Quần đảo Sắt vẫn liên tục cướp phá dọc bờ biển. Cô chỉ yêu cầu triều đình phải bắt Thủy Quái Đỏ Dalton Greyjoy ngừng ngay mọi hành động cướp bóc, trả lại Đảo Fair cho lãnh chúa hợp pháp, đồng thời phóng thích mọi phụ nữ quý tộc bị bắt. Phu nhân Johanna cũng thề sẽ trả lại phần quốc khố đã được gửi đến Casterly Rock từ trước đó, đổi lại thì Ser Tyland Lannister cũng phải được ân xá.
Góa phụ thứ hai là Phu nhân Elenda, vợ của cố Lãnh chúa Borros Baratheon. Cô hiện đang trị vì Xứ Bão thay mặt con trai sơ sinh. Phu nhân Elenda nhanh chóng thề trung thành và sẵn sàng gửi ba con gái mình tới Kinh Thành làm con tin. Họ sẽ đi cùng Vương nữ Jaehaera và bầu bạn với cô bé.
Góa phụ cuối cùng là Phu nhân Samantha xinh đẹp, người vợ thứ hai của cố Lãnh chúa Ormund Hightower. Cái chết của ông trong Trận Tumbleton lần một đã khiến vị thế của cô trở nên chông chênh. Nhưng tân lãnh chúa Lyonel mới 15 tuổi lại si mê mẹ kế mình như điếu đổ, suy cho cùng thì Phu nhân Samantha cũng chỉ mới 17. Theo một số ghi chép thì Phu nhân Samantha để cho Lyonel tán tỉnh mình và hứa sẽ cưới cậu nếu nhà Hightower quỳ gối thề trung thành với Vương tử Aegon và hoàn trả phần quốc khố được gửi đến trước đó. Tuy vậy, có ghi chép khác lại cho rằng lý do Lyonel quỳ gối là vì nhà Tyrell đã bắt em trai cậu làm con tin và cấm cậu triệu tập binh lính tiếp tục cuộc chiến.
Với việc các đại gia tộc từng ủng hộ Vua Aegon II lần lượt quỳ gối, hy vọng tiếp tục cuộc chiến của Lãnh chúa Cregan dần tan biến. Và rồi sau đó nó chính thức bị dập tắt khi Nữ chúa Jeyne Arryn cùng Tiểu thư Rhaena Targaryen đặt chân đến Kinh Thành. Khi anh em nhà Corbray đem các đạo quân Thung Lũng đến nơi, họ tham gia các cuộc họp và luôn ủng hộ ý kiến của Nữ chúa Jeyne, mặc kệ Lãnh chúa Cregan cố thúc giục trừng phạt những kẻ còn ngoan cố giương cờ hiệu rồng vàng của Aegon II. Lãnh chúa Cregan cuối cùng cũng chịu nhượng bộ và đồng ý chấm dứt chiến tranh, nhưng anh yêu cầu duy nhất một điều: những kẻ tham gia vào việc đầu độc Vua Aegon II phải bị trừng phạt. Cho dù anh không công nhận Aegon II là vua của mình, thì tội giết vua vẫn là phản quốc và phải bị trừng phạt thích đáng. Sói Phương Bắc kiên quyết đến mức cả hội đồng đều buộc phải đồng ý. Sau đó, Vương tử Aegon đã phong Lãnh chúa Cregan làm Tướng quốc để thay mặt vương thất thực thi công lý, bởi không lãnh chúa nào có quyền xử tử một người cùng cấp.
Tướng quốc có quyền ngự Ngai Sắt thay nhà vua, quả vậy, nhưng Lãnh chúa Cregan thì không bận tâm điều ấy. Anh cho đặt một ghế gỗ đơn giản dưới chân Ngai Sắt và bắt đầu quá trình xét tội. Hơn ba mươi người đã bị kết tội phản quốc và sát hại nhà vua, trong đó có những người đáng chú ý như Đại Học sĩ Orwyle, Ser Gyles Belgrave cùng ba hiệp sĩ Vệ Vương khác, Ser Perkin cùng các thuộc hạ, và cuối cùng là hai lãnh chúa Corlys Velaryon cùng Larys Strong.
Lãnh chúa Cregan Stark kết án phạm nhân
Lãnh chúa Cregan Stark kết án phạm nhân
Lãnh chúa Larys không lên tiếng bảo vệ bản thân và trong triều cũng không ai đứng lên vì gã. Rắn Biển cũng không phủ nhận các cáo buộc và còn tuyên bố nếu được chọn lại, ông vẫn sẽ giết Vua Aegon II. Tuy thế, hai chị em Baela và Rhaena đã thuyết phục Vương tử Aegon can thiệp - cậu không chỉ tha thứ cho Lãnh chúa Corlys mà còn mời ông tham gia vào Tiểu hội đồng. Trên thực tế, Vương tử Aegon chưa lên ngôi và chỉ là một đứa trẻ, Lãnh chúa Cregan hoàn toàn có thể không tuân lệnh cậu. Tuy nhiên cuối cùng anh vẫn thỏa hiệp. Về quyết định này, một số cho rằng Cregan lo ngại hạm đội nhà Velaryon do Alyn chỉ huy; trong khi một số khác cho rằng Tiểu thư Alysanne Blackwood đã đánh cắp trái tim Sói Phương Bắc, và cô sẵn sàng kết hôn với anh để giữ mạng cho Lãnh chúa Corlys.
Sáng hôm sau, đích thân Lãnh chúa Cregan Stark dùng thanh đại kiếm thép Valyria mang tên Ice để xử tử phạm nhân. Vương thất và các gia tộc phương nam có thể sẽ sử dụng đao phủ, nhưng người phương Bắc thì không. Họ là con cháu Tiền Nhân, và theo phong tục, thì người kết án phải tự ra tay.
Phạm nhân đầu tiên bị xử tử là Ser Perkin, nhưng gã cầu xin được đày đến Trường Thành để khoác áo đen. Một lãnh chúa phương nam có thể không cần đếm xỉa đến lời này, nhưng Lãnh chúa Cregan Stark là người phương Bắc. Hơn ai hết, anh hiểu nhu cầu của Đội Tuần Đêm và các gia tộc phương Bắc luôn tôn trọng các anh em áo đen. Lãnh chúa Cregan đồng ý, và như thế, hầu hết các phạm nhân còn lại cũng đều xin được tới Trường Thành. Rốt cục, ngày hôm ấy chỉ có hai người bị xử tử: Ser Gyles Belgrave của Đội Vệ Vương và Lãnh chúa Larys Strong.
Mặc dù ba hiệp sĩ Vệ Vương khác sẵn sàng khoác áo đen, nhưng Ser Gyles thì không. Và trước khi bị chém đầu, ông đã nói với Lãnh chúa Cregan rằng: “Ngài nói không sai, Stark ạ. Một hiệp sĩ Vệ Vương không nên sống lâu hơn nhà vua người đó phụng sự.”
Phạm nhân tiếp theo và cuối cùng là Lãnh chúa Larys Strong. Khi được hỏi rằng liệu có muốn khoác áo đen không thì gã đã trả lời: “Không đâu, thưa lãnh chúa. Ta sẽ đến một địa ngục ấm áp hơn, nhưng ta có một thỉnh cầu cuối cùng. Khi ta chết rồi, hãy chặt cái chân vẹo của ta đi bằng thanh đại kiếm của ngài. Ta đã phải chịu đựng nó cả đời rồi, ít nhất hãy giải thoát cho ta khi chết.” Lãnh chúa Cregan đồng ý, và người cuối cùng của Gia tộc Strong bỏ mạng. Đầu của hai người đều được treo ngoài cổng Red Keep. Đến hôm sau, Lãnh chúa Cregan Stark từ chức Tướng quốc và chuẩn bị trở về phương Bắc. Thời khắc của Sói đã kết thúc như vậy.
Thủ cấp của Ser Gyles Belgrave và Lãnh chúa Larys Strong
Thủ cấp của Ser Gyles Belgrave và Lãnh chúa Larys Strong

CHƯƠNG CUỐI: HÒA BÌNH

Lãnh chúa Cregan Stark đã xong việc, nhưng đội quân phương Bắc của anh tiến về Kinh Thành mong tìm kiếm vinh quang hay cái chết chẳng thu được gì cả. Tiểu thư Alysanne Blackwood là người tìm ra giải pháp. Cô chỉ ra rằng hiện giờ ở Vùng Châu Thổ có rất nhiều góa phụ mất chồng sau cuộc chiến. Hơn ai hết, họ cần những bàn tay đàn ông giúp đỡ chăm sóc bản thân và gia đình trong mùa đông này. Hơn một nghìn lính phương Bắc sau đó đã đi theo cô và Lãnh chúa Benjicot đến đồng bằng sông Trident và hàng trăm đám cưới đã diễn ra gần như ngay sau đó. Những ai không muốn kết hôn có thể chọn phụng sự các lãnh chúa lớn nhỏ trong vùng. Cũng có một số trở thành tội phạm rồi chịu trừng phạt, nhưng phần lớn các cuộc mai mối của Tiểu thư Alysanne đều thành công tốt đẹp. Những người phương Bắc không khỉ củng cố sức mạnh cho các lãnh chúa Vùng Châu Thổ, mà còn giúp hồi sinh và truyền bá lại văn hóa thờ Cựu Thần ở phương nam.
Một phần khác trong đội quân của Lãnh chúa Cregan thì phóng tầm mắt sang bên kia Biển Hẹp. Ser Marston Waters lúc ấy thì đã trở về một mình từ Lys sau khi được cử sang đó tìm lính đánh thuê. Anh được ân xá, và đem theo tin tức về sự sụp đổ của Tam Đầu Chế. Chiến tranh đang rình rập ở mọi ngóc ngách, nên các Thành phố Tự do đã thuê hết mọi hội lính đánh thuê có thể. Đây là một tin tức hấp dẫn với nhiều người phương Bắc muốn tìm kiếm vinh quang và của cải. Từ đó, hai hội lính đánh thuê mới ra đời: Bầy Sói do Hallis Hornwood và Timotty Snow lãnh đạo; cùng Hội Phá Bão, do Ser Oscar Tully dẫn đầu. Họ nhanh chóng lên thuyền vượt biển để lập giao kèo với các Thành phố Tự do.
Hòa bình được tái lập
Hòa bình được tái lập
Ngay cả sau khi các đạo quân lên đường trở về vùng đất của mình, thì vẫn còn những dòng người lũ lượt đổ về Kinh Thành để tham dự lễ đăng cơ của Vương tử Aegon cùng hôn thê của cậu - Vương nữ Jaehaera. Vô số lãnh chúa lớn nhỏ từ khắp nơi trong vương quốc cùng cả các sứ giả từ vài Thành phố Tự do có mặt. Vào ngày 7 tháng 7 năm 131, Đại Tư tế cử hành hôn lễ của Aegon và Jaehaera trên đỉnh Đồi Visenya dưới sự chứng kiến của chúng dân King’s Landing. Vương tử Aegon kết hôn với Vương nữ Jaehaera trong sự chúc phúc của hàng vạn người. Rồi ngay sau đó, cặp vợ chồng với cưới trở về Red Keep, nơi Aegon chính thức đăng cơ và được trao vương miện. Cậu được tôn xưng là Aegon Đệ Tam, Vua của người Andal, Rhoynar và Tiền Nhân, Chúa Bảy Phụ Quốc và Người bảo vệ Vương quốc. Một buổi lễ xa hoa và rực rỡ, nhưng đáng buồn thay là niềm kiêu hãnh của Gia tộc Targaryen là những con rồng hoàn toàn vắng bóng. Đã chẳng còn con rồng nào sải cánh kiêu hãnh trên bầu trời Kinh Thành, một mất mát mà vương thất phải hứng chịu sau cuộc nội chiến kinh hoàng, và những hậu quả của nó sẽ còn mãi tới nhiều thập kỷ tiếp theo.
Và tại đây chúng ta kết thúc những ghi chép về Vũ Điệu Của Rồng. Triều đại non trẻ của Aegon Đệ Tam sẽ còn nhiều điều đáng nói, cũng như lịch sử sau này của vương triều Targaryen. Thế nhưng đó sẽ là chủ đề của những ghi chép khác. Còn bây giờ, Vũ Điệu Của Rồng đã chính thức khép lại.