Di sản thời thuộc địa của sông Nile gây ảnh hưởng đến hòa bình của châu Phi và còn nhiều hơn thế
Các thỏa thuận mới đạt được trong cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập kỉ về sông Nile, có thể sẽ thay đổi sự phân bổ nguồn nước của các quốc gia thuộc lưu vực con sông này
Mùa hè vừa qua, một diễn biến quan trọng và có phần bất ngờ đã xảy ra, khi quốc hội Nam Sudan phê chuẩn Hiệp định Khung về Hợp tác Lưu vực sông Nile (CFA), hay còn được gọi là Hiệp định Entebbe. Vậy là khoảng 14 năm sau khi một số quốc gia Đông Phi kí thỏa thuận ban đầu, việc phê chuẩn văn bản này chính thức đặt ra câu hỏi về quyền lịch sử của Ai Cập và Sudan đối với nguồn nước sông Nile.
Hiệp định Entebbe ban đầu được Ethiopia, Rwanda, Tanzania, Uganda, Kenya và Burundi kí kết vào năm 2010. Năm 2012, Nam Sudan tham gia vào hiệp định này. Tuy nhiên, có một điều khoản quan trọng yêu cầu hiệp định này phải được quốc hội của ít nhất sáu quốc gia phê chuẩn để thành lập một ủy ban đặc biệt có trụ sở thường trực tại Uganda. Sau khi Nam Sudan phê chuẩn, yêu cầu tối thiểu này cuối cùng cũng đã đạt được.
Ngày 13/10/2024, Ethiopia chính thức tuyên bố hiệp định đã có hiệu lực. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã gọi đây là "dấu mốc lịch sử" trong nỗ lực chung của các quốc gia kí kết nhằm "thúc đẩy sự hợp tác thực sự tại Lưu vực sông Nile."
Hiệp định Entebbe vô hiệu hóa các khoản phân bổ nước lịch sử cho Ai Cập và Sudan (55.5 tỷ mét khối hàng năm cho Ai Cập và 18.5 tỷ mét khối cho Sudan), được xác định trước đó bởi các thỏa thuận thời kì thuộc địa từ năm 1929 và một hiệp định năm 1959 "về việc sử dụng toàn bộ nguồn nước sông Nile" giữa hai quốc gia này.
Ai là người sở hữu sông Nile?
Tổng cộng có 12 quốc gia châu Phi nằm ở Lưu vực sông Nile, gồm: Burundi, Ai Cập, Kenya, Cộng hòa Dân chủ Congo, Rwanda, Sudan, Nam Sudan, Tanzania, Uganda, Cộng hòa Trung Phi, Eritrea và Ethiopia. Các nước này là nơi sinh sống của 40% tổng dân số châu Phi.
Sông Nile là con sông dài nhất ở châu Phi (và có thể là trên thế giới, vì có một số tranh cãi về độ dài với sông Amazon). Nó trải dài khoảng 5600 km từ Hồ Victoria - nơi bắt nguồn của sông Nile Trắng, cho đến Địa Trung Hải. Lưu vực sông Nile có diện tích 3.4 triệu km2. Sông Nile Xanh bắt nguồn từ Ethiopia, hợp lưu với sông Nile Trắng ở thủ đô Khartoum của Sudan, trước khi chảy vào Địa Trung Hải qua Ai Cập.
Từ thời xa xưa, nước sông Nile đã được sử dụng để tưới tiêu, và ngày nay, chúng đóng vai trò quan trọng trong sản xuất điện. Sông Nile đặc biệt quan trọng đối với Ai Cập, khi mà 95% dân số nước này sinh sống dọc theo hai bên bờ sông và ở Đồng bằng sông Nile. Nhà sử học Hy Lạp cổ đại Herodotus từng gọi Ai Cập là "một món quà của sông Nile." Các thành phố lớn của Ai Cập, bao gồm thủ đô Cairo và Alexandria, đều nằm dọc bên bờ của con sông này.
Hiện nay, các số liệu thống kê chính thức cho thấy, Ai Cập đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nước lên tới 20 tỷ mét khối mỗi năm, trong khi tổng nhu cầu nước hàng năm của quốc gia này lên tới 80 tỷ mét khối. Nền kinh tế Ai Cập phụ thuộc rất nhiều vào sông Nile, với khoảng 97% nguồn nước được cung cấp đến từ con sông này. Mặc dù Ai Cập nằm ở hạ lưu, các thỏa thuận thời kì thuộc địa vẫn trao cho nước này không chỉ một phần lớn lượng nước của dòng sông, mà còn có quyền phản đối việc xây dựng đập và các dự án cấp nước khác của các quốc gia ở thượng nguồn. Kết quả là, sự phát triển kinh tế ở các quốc gia này gây ra mối đe dọa đến nhu cầu nước của Ai Cập.
Khoảng 85% lượng nước chảy vào sông Nile đến từ vùng cao nguyên Ethiopia, nhưng Ethiopia chỉ có thể sử dụng 1% lượng nước này.
Các thỏa thuận thời kì thuộc địa
Các thỏa thuận lịch sử về Lưu vực sông Nile có từ thời kì thuộc địa, khi mà các cường quốc như Anh, Ý và Pháp kiểm soát phần lớn châu Phi. Ví dụ, một nghị định thư giữa Anh và Ý đã vạch ra và phân bổ quyền sử dụng nguồn nước của sông Atbarah, một nhánh chính của sông Nile nằm ở Sudan và Ethiopia ngày nay.
Trong số các thỏa thuận quan trọng liên quan đến Lưu vực sông Nile, có một văn bản vào năm 1929 được kí kết giữa Ai Cập và Sudan thuộc Anh-Ai Cập (một khu vực chung do Ai Cập và Anh cùng quản lí từ năm 1899-1956). Hiệp ước này đảm bảo cho Ai Cập có được một phần cụ thể về nguồn nước của con sông, và được nhắc đến trong tài liệu là "quyền lịch sử" của Ai Cập. Nó cũng trao cho Cairo thẩm quyền phản đối bất kì công trình xây dựng nào trên các nhánh của sông Nile, nếu Cairo cho rằng các dự án đó đe dọa đến an ninh nguồn nước của mình.
Quyền của các quốc gia khác đối với nguồn nước
Ai Cập chính thức giành được độc lập sau sự sụp đổ của Đế chế Ottoman vào năm 1922. Sudan giành được độc lập từ Anh và Ai Cập vào năm 1956.
Năm 1959, Ai Cập và Sudan đã kí một thỏa thuận mới về quyền kiểm soát và sử dụng hoàn toàn nguồn nước sông Nile. Thỏa thuận này dựa trên thỏa thuận năm 1929, và nêu rõ phân bổ nước chính xác cho mỗi quốc gia: Ai Cập được quyền sử dụng 55 tỷ mét khối nước mỗi năm, trong khi Sudan được hưởng 18.5 tỷ mét khối. Văn bản này chịu ảnh hưởng của các dự án mà hai quốc gia đã lên kế hoạch để thực hiện: Ai Cập có kế hoạch xây dựng Đập cao Aswan, trong khi Sudan có kế hoạch xây dựng Đập Roseires trên sông Nile Xanh.
Tại thời điểm đó, các nước ở thượng nguồn vẫn còn là thuộc địa và không tham gia vào thỏa thuận này. Ví dụ: Tanzania, Uganda, Rwanda và Burundi đến năm 1962 mới giành được độc lập, còn Kenya giành được độc lập vào năm 1963. Dễ hiểu được rằng, các quốc gia này hiện đang có lập trường cứng rắn chống lại các thỏa thuận đã được thực hiện trước khi họ độc lập. Vì họ không kí những văn bản này trong thời kì hậu thuộc địa, nên họ không công nhận chúng có tính ràng buộc.
Đối với Ethiopia, quốc gia chưa từng bị thuộc địa hóa, nước này đã liên tục từ chối các thỏa thuận năm 1929 và 1959, với lí do rằng chúng bỏ qua lợi ích của nước này. Về cơ bản, các thỏa thuận này trao cho Ai Cập quyền kiểm soát tuyệt đối đối với nguồn nước sông Nile, và bỏ qua quyền của các quốc gia khác trong Lưu vực sông Nile, cũng như nhu cầu sử dụng tài nguyên nước để phát triển của họ.
Điều này đã dẫn đến những bất đồng đáng kể về việc giải quyết các vấn đề về nước ở Lưu vực sông Nile và tìm ra tầm nhìn chung. Trong những năm gần đây, căng thẳng đã gia tăng giữa Ai Cập và Ethiopia. Mặc dù không có thỏa thuận nào với Cairo và Khartoum, nhưng Ethiopia hiện đang hoàn thiện việc xây dựng Đập Đại Phục hưng Ethiopia (GERD) trên sông Nile Xanh. Các cuộc đàm phán ba bên trước đây có sự tham gia của các trung gian quốc tế đều bị đình trệ. Ngày 08/09/2023, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed tuyên bố hoàn thành đợt tích nước thứ tư và cũng là đợt cuối cùng vào hồ chứa nước của đập, một hành động mà Ai Cập coi là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.
Ethiopia là quốc gia đông dân thứ hai ở châu Phi (sau Nigeria), và có dân số hơn 120 triệu người, với gần một nửa số dân sống trong tình trạng không có điện. Hiện nay, khoảng 90% sản lượng điện của Ethiopia đến từ thủy điện. Kể từ năm 2022, GERD đã tạo ra 1550 MW điện và có thể sản xuất tới hơn 5000 MW, so với tổng công suất phát điện lắp đặt hiện tại của cả nước này là 5200 MW.
Trái với Ethiopia, Ai Cập - với dân số khoảng 110 triệu người, là một trong những quốc gia sản xuất điện hàng đầu châu lục. Trong giai đoạn 2022-2023, tổng công suất phát điện lắp đặt của Ai Cập đã vượt quá 59000 MW và toàn bộ người dân đều có điện sử dụng. Khoảng 80% sản lượng điện của Ai Cập đến từ nhiên liệu hóa thạch (khí đốt), và khoảng 7% từ thủy điện. Ngoài ra, Ai Cập còn xuất khẩu LNG (khí hoá lỏng) sang nhiều nước khác, bao gồm cả châu Âu.
Nguyên tắc Nyerere
Các quốc gia ở thượng nguồn tuân thủ theo lí thuyết "tờ giấy sạch," được gọi là "Nguyên tắc Julius Nyerere" - đặt theo tên vị tổng thống đầu tiên của Tanzania (1964-1985). Khi nhậm chức, Nyerere đã viết một lá thư cho cựu tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, nêu rõ rằng Tanzania sẽ không công nhận các thỏa thuận được kí kết trong thời kì thuộc địa, đặc biệt là các thỏa thuận liên quan đến sông Nile, trong đó có yêu cầu các nước thượng nguồn phải thông báo cho các nước hạ nguồn về bất kì dự án nào họ có ý định thực hiện. Cách tiếp cận này sau đó được Burundi, Uganda và Kenya áp dụng, và được gọi là Nguyên tắc Nyerere.
Ngược lại, Ai Cập vẫn duy trì nguyên tắc của luật pháp quốc tế được biết đến với tên gọi "Uti possidetis juris," khẳng định rằng các quốc gia nên tôn trọng biên giới và các thoả thuận đã có từ thời thuộc địa trước khi giành được độc lập, để tránh xung đột và chiến tranh.
Các quốc gia thượng nguồn sông Nile đã áp dụng Nguyên tắc Nyerere và từ chối tuân theo các thỏa thuận được thiết lập trong thời thuộc địa. Hiệp định Entebbe bao gồm cụm từ "sử dụng công bằng," cũng thể hiện ý tưởng của Nyerere. Đáng chú ý, nguyên tắc này phù hợp với Công ước của Liên hợp Quốc năm 1997 về Luật Phi Giao thông thủy Sử dụng các tuyến Đường thủy Quốc tế (1997 UN Convention on the Law of Non-Navigational Uses of International Watercourses), trong đó kêu gọi thiết lập một khuôn khổ pháp lí ràng buộc để xác định việc sử dụng tài nguyên và thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp.
Tìm kiếm giải pháp
Vào nửa sau thế kỉ XX, nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác vùng ở Lưu vực sông Nile đã được đề xuất. Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu này tập trung vào các khía cạnh kĩ thuật và không đề cập đến sự phụ thuộc của các quốc gia Lưu vực sông Nile vào Ai Cập và Sudan về quản lí tài nguyên nước.
Một sáng kiến như vậy là Khảo sát Khí tượng Thủy văn năm 1967 về Lưu vực Hồ Victoria, Kyoga và Albert (dự án HYDROMET), được Chương trình Phát triển của Liên hợp Quốc (UNDP) và Ai Cập hỗ trợ. Dự án này ra đời nhằm ứng phó với tình trạng mực nước Hồ Victoria dâng cao đáng kể và dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng vào đầu những năm 1960. Trong hơn 25 năm, nhiều công sức đáng kể đã được thực hiện để thu thập dữ liệu khí tượng thủy văn và đào tạo một nhóm chuyên gia khu vực có trình độ cao. Ngoài ra, một diễn đàn khu vực đã được thành lập để cho phép các bên tham gia thảo luận các vấn đề kĩ thuật liên quan đến Lưu vực sông Nile. Điều thú vị là, ngay từ đầu, Ethiopia đã không tham gia vào dự án này.
Năm 1992, các bộ trưởng tài nguyên nước từ 5 quốc gia Lưu vực sông Nile (Ai Cập, Rwanda, Sudan, Tanzania và Uganda) cùng với các đại diện từ Mỹ, đã thành lập Ủy ban Hợp tác Kĩ thuật nhằm Thúc đẩy Phát triển và Bảo vệ Môi trường của Lưu vực sông Nile (TECCONILE). Cộng hòa Dân chủ Congo và các quốc gia thượng nguồn khác vẫn là quan sát viên. Ủy ban được xem là một kế hoạch chuyển tiếp với mốc thời gian ba năm, trên cơ sở đó, một tổ chức thường trực dự kiến sẽ được thành lập. Tuy nhiên, giống như HYDROMET, TECCONILE tập trung vào các khía cạnh kĩ thuật.
Năm 1999, chín quốc gia: Ai Cập, Sudan, Ethiopia, Uganda, Kenya, Tanzania, Burundi, Rwanda và CHDC Congo – đã chính thức khởi động Sáng kiến Lưu vực sông Nile (NBI), với sự tham gia của Eritrea với vai trò là quan sát viên. Sáng kiến này nhằm mục đích thiết lập quan hệ đối tác giữa các quốc gia dọc theo sông Nile, dựa trên sự hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực. Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác đã hỗ trợ sáng kiến này.
Hiệp định Entebbe
Tháng 05/2010, sáu quốc gia thượng nguồn: Ethiopia, Uganda, Kenya, Tanzania, Burundi và Rwanda – đã kí một hiệp định khung ở Entebbe (Uganda), sau này được gọi là Hiệp định Entebbe. Nam Sudan tham gia vào năm 2012. Văn bản này về cơ bản đã vô hiệu hóa hạn ngạch nước lịch sử của Ai Cập và Sudan được nêu trong các thỏa thuận năm 1929 và 1959.
Hiệp định Entebbe yêu cầu văn bản này phải được quốc hội của ít nhất sáu quốc gia phê chuẩn trước khi Ủy ban Lưu vực sông Nile, có trụ sở thường trực tại Uganda, có thể được thành lập. Ủy ban này sẽ giám sát hợp pháp các quyền và trách nhiệm liên quan đến Sáng kiến Lưu vực sông Nile, đồng thời đảm bảo sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên về quản lí bền vững và công bằng các nguồn tài nguyên nước, vượt ra ngoài hệ thống hạn ngạch đang áp dụng trước đây.
Ethiopia là nước chủ động nhất trong sáng kiến này. Trong một thời gian dài, tiến trình về thoả thuận này đã bị đình trệ. Năm 2013, Ethiopia và Rwanda đã trở thành những quốc gia đầu tiên phê chuẩn hiệp định. Tiếp theo là Tanzania vào năm 2015, Uganda vào năm 2019, và Burundi đã phê chuẩn hiệp định vào năm 2023.
Để có hiệu lực, thoả thuận này cần được sáu quốc gia phê chuẩn, và Nam Sudan trở thành quốc gia thứ sáu phê chuẩn Hiệp định Entebbe vào ngày 25/07/2024 - tức là 14 năm sau khi hiệp định này được kí kết lần đầu.
Điều gì tiếp theo?
Theo nội dung hiệp định, văn bản này sẽ có hiệu lực sau đúng 60 ngày kể từ khi quốc gia thứ sáu phê chuẩn. Ngày 17/10/2024, Uganda dự kiến sẽ đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh sông Nile lần thứ II (hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 2017), nơi các quốc gia thượng nguồn sông Nile sẽ họp để kỉ niệm ngày có hiệu lực của Hiệp định Khung Hợp tác lịch sử và việc thành lập Ủy ban Lưu vực sông Nile. Tuy nhiên, hội nghị này đã bị "hoãn lại đến quý I của năm sau."
Những diễn biến này chỉ làm gia tăng thêm căng thẳng lâu dài giữa Ai Cập và Ethiopia, vượt ra ngoài vấn đề của Đập Đại Phục hưng Ethiopia (GERD). Đầu năm 2024, tình hình leo thang đáng kể sau khi Biên bản Ghi nhớ được kí kết giữa Ethiopia và Somaliland (khu vực không được công nhận) vào ngày 01/01. Thỏa thuận này cho phép Ethiopia tiếp cận Biển Đỏ thông qua cảng Berbera, để đổi lấy việc Somaliland có thể được công nhận.
Ai Cập đã kiên quyết ủng hộ chính quyền Somalia, những người vô cùng phẫn nộ trước các hành động đơn phương của khu vực li khai này. Tháng 08/2024, Tổng thống Somalia Hassan Sheikh Mohamud đã đến thăm Cairo, nơi Ai Cập và Somalia đã kí một thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương. Sau đó, Ai Cập bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự cho Somalia, chứng tỏ nước này đã chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng với Ethiopia, mà trong đó, Somalia có thể được sử dụng để làm nơi uỷ nhiệm.
Cùng lúc đó, như tình hình ở Lưu vực sông Nile đã cho thấy, Ethiopia sẽ không lùi bước. Do đó, trong khi Hiệp định Entebbe nhằm mục đích thiết lập sự bình đẳng giữa các quốc gia và sửa chữa những sai lầm thời thuộc địa, thì nghịch lí thay, nó lại làm tăng khả năng xảy ra một cuộc đối đầu mới ở Đông Phi, nơi mà hai cường quốc khu vực là Ai Cập và Ethiopia - đối đầu với nhau.
Góc nhìn thời sự
/goc-nhin-thoi-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất