Trước khi bắt đầu, tôi phải thú thực là trước giờ tôi chưa đọc bất cứ truyện nào của Kawabata, chưa từng được ai nhồi óc tư tưởng hay quan điểm về những truyện ấy, cũng không có thông tin nào về thời đại mà ông sinh sống. Tôi tiếp nhận Đẹp và Buồn như cách một đứa trẻ táy máy ăn xà phòng, nghĩa là với một tâm thế hoàn toàn cởi mở, chưa được chuẩn bị, và một đầu óc ngây thơ không định kiến. Tôi đọc Kawabata để trải nghiệm, không giống với khi đọc Murakami thì đã bị ảnh hưởng bởi truyền thông hay những lời truyền miệng. Có thể đến khi đọc thêm một vài tác phẩm khác của ông, cảm nhận sẽ khác đi, nhưng tôi muốn ghi lại những đón nhận tự nhiên nhất của mình ngay lúc này. Và tôi xin dùng luôn hai tính từ “đẹp” và “buồn” để khái quát hóa nhìn nhận của mình về cuốn truyện này.

1. Đẹp

Ngay từ những trang truyện đầu tiên, tôi đã để ý rất nhiều về cách sử dụng từ ngữ, tất nhiên vì trình độ tiếng Nhật không cho phép nên tôi chỉ dám đánh giá qua bản dịch. Câu cú đơn giản, hàm súc và rất dễ đọc, nhưng nhiều từ ngữ dịch giả dùng là từ Hán Việt trang trọng và hoa mỹ, gợi cảm nghĩ và hình dung về một thời kỳ quá vãng. Ví dụ như mô tả về tiếng chuông trừ tịch trong trí nhớ của nhân vật Oki: “... những tiếng chuông cách quãng đều đặn của một thời đại hồng chung cổ, âm ba lướt thướt như tiếng thời gian...” Còn về tính dễ đọc, tôi không ám chỉ sự hời hợt, mà là giản đơn, ngắn gọn, lại càng làm tốt vai làm nổi bật vẻ đẹp từ ngữ và hình ảnh.
Người đọc đến với truyện như được mời đến một cuộc thưởng lãm, mà ở đó không gian khiến họ ắt phải tự điều chỉnh mình để không thất lễ. Trước mắt họ là cảnh sắc, thơ ca nghệ thuật, lễ hội văn hóa và cả những sinh hoạt thường ngày, tất cả đều đậm chất Nhật Bản truyền thống. Đây là cảm giác mà đọc các tác phẩm Nhật Bản đương thời, tôi chưa bao giờ có được. Thế nên, cũng khác với những lần khác, tôi không quá chú trọng vào tình tiết truyện. Tôi mong chờ những phân đoạn miêu tả hơn. Cái hay ở Kawabata là ông không chỉ tả cảnh như một người họa sĩ chép lại khung cảnh một cách nhất nhất, mà đan cài vào đó những liên hệ đến văn chương, nghệ thuật Nhật xưa. Là một kẻ thích haiku, một trong những điều tôi ấn tượng nhất là cách Kawabata mượn thơ thi hào Basho viết về khu Shijo Kaware, nơi hai cô trò Otoko – Keiko dùng bữa tối, để dẫn vào cuộc trò chuyện của hai người. Đó là chưa kể nhiều lần khác, các tham khảo về văn hóa Nhật được lồng ghép trong các chi tiết một cách tự nhiên, khi nhân vật chính trong tác phẩm là những người liên quan tới nghệ thuật, là nhà văn, họa sĩ, là giáo viên khảo cứu.
Cái đẹp còn nằm ở cái tĩnh. Thật vậy, Đẹp và Buồn chứa những thiên truyện mang không khí tĩnh. Tôi chưa tiếp xúc nhiều với văn học Nhật, lại chủ yếu là những tác giả hiện đại như Murakami, Ichikawa, Banana Yoshimoto,... hay dòng trinh thám thì có Natsuo, Higashino,... Đi đem so kè văn của người này với người kia thì thật vô lý, nhất là khi họ còn không cùng ở một thời kỳ, nhưng cái tôi muốn nói ở đây đơn thuần là không khí mà bản thân cảm nhận được từ văn mỗi người, từ đó làm sắc nét hơn sự riêng biệt của Kawabata. Tôi tự đánh giá, văn của Nhật nói chung mang một sự lặng lẽ, chỉ là cái lặng lẽ của Murakami không hề tĩnh mà, giống như một người bạn của tôi nói, đặc quánh lại. Điển hình là mô tả tình dục. Tôi đã từng cho rằng tinh dục trong văn Murakami nhẹ bâng và hiển nhiên như bất cứ hoạt động nào khác mà con người vẫn làm hàng ngày, nhưng mãi sau mới nhận ra rằng không, tình dục ở đó vô cùng ám ảnh, bị kìm nén đến bệnh hoạn, và cái nhẹ tênh ở bề mặt chỉ để giấu đi hàng ngàn sóng ngầm đen đặc cuồn cuộn phía dưới của những nhu cầu không được thỏa mãn. Đặt trong tương quan này, tình dục trong Đẹp và Buồn của Kawabata mang lại cảm giác khác hẳn, chính cái mà tôi bảo là tĩnh. Từng hành động, cử chỉ và dáng dấp con người được đặc tả, đặc biệt là những bộ phận có tính gợi tình như ngón tay, đầu vú, vành tai, nhưng những chi tiết ấy không khiến ta phải đỏ mặt, mà thay vào đó gật gù tâm đắc “Ôi đẹp quá.”, hoặc chí ít với tôi là vậy. Làm tình ở đây là một sự phơi lộ, và nhân vật thả cảm xúc của mình vào trong đó, thay vì thứ tình dục mang mục đích giải khuây, tạm thời làm phân tâm bộ não khỏi những trầm uất tự thân như ở truyện Murakami.

2. Buồn.

Tôi nhìn thấy cái buồn lần đầu tiên khi nhân vật Oki nhớ về những thời xưa cũ, cái thời ông không đón năm mới qua những tiếng chuông trên đài mà là lắng nghe một cách trực tiếp. Xuyên suốt truyện, những mong nhớ về một Nhật Bản xưa kia xuất hiện mấy lần. Ông phàn nàn những người trẻ, mà điển hình là người con trai thầy giáo của ông, về cách sử dụng từ ngữ không còn được chau chuốt như những văn hào Nhật thời xưa, những người đã dùng toàn Hán tự. Cá nhân tôi đọc đoạn ông nói về ngôn ngữ, rằng “Thế nên những chữ mới này mới chết yểu. Và ngay cả khi chúng sống sót, chúng cũng trở nên lỗi thời, như các tác phẩm tiểu thuyết bây giờ.” mà thấy thực sự thấm thía. Xin phép được bàn ngoài lề một chút. Đẹp và Buồn đoạt giải Nobel văn chương năm 68, tức hơn 50 năm về trước, và từ bấy đến giờ ngôn ngữ đã thay đổi thêm đến mức nào, những giá trị bị thay thế hoán đổi nhanh chóng đến mức nào, có lẽ còn hơn rất nhiều so với năm mà tác phẩm này ra đời. Những giá trị lâu bền dường như mai một. Đó là một điều mà ta cần suy ngẫm. Cũng một đoạn ngắn dẫn vào bữa tối của hai cô trò, Kawabata đã nhắc đến sự đổi thay của vùng Shijo Kaware, của các chàng trai kịch nghệ Kabuki, và tôi đọc ra trong đó mùi của luyến tiếc.
Nỗi buồn khi nhớ về quá vãng, rồi nỗi buồn khi nhìn về hoàn cảnh hiện tại.
Tôi nghĩ  nỗi buồn của những nhân vật trong truyện, hay đúng hơn, nỗi buồn mà ta đọc ra từ các nhân vật trong truyện, nằm ở những nhu cầu tình cảm không được thỏa mãn của họ trong hoàn cảnh hiện tại. Truyện không tập trung vào một nhân vật duy nhất mà qua mỗi chương, điểm nhìn lại chuyển dịch, nên độc giả có thể đọc được nội tâm và suy tư của từng nhân vật, trong đó có ba người xuyên suốt cuốn truyện là nhà văn Oki, nữ họa sĩ Otoko cùng cô học trò Keiko. Tôi đã định tóm tắt lại tình tiết truyện nhưng nhận ra thế thì chẳng khác gì tóm tắt Kiều, bởi vì vẻ đẹp không nằm ở tình tiết nên có đưa nó ra dưới dạng rút gọn chẳng những không mang lại chút thông tin có ích nào cho người đang theo dõi bài này, mà lại gây nên sự kỳ vọng (hoặc thất vọng) không cần thiết. Thế nên tôi đưa ra một quyết định vô duyên là chỉ nói về cảm nhận nói chung của mình, còn nếu mọi người muốn có thể mua một cuốn đọc rồi tự cảm nhận về các nhân vật xem sao.
Dù mỗi người trong họ có thái độ và quyết định riêng để xử lý vấn đề "không thỏa mãn" ấy, tôi không lấy làm ghét một nhân vật nào cả. Có người vì tình cảm mà nhẫn nhục, có người vì tình cảm mà thù ghen, oán trách, nhưng tựu chung tâm khảm họ không bao giờ yên ổn vì tâm họ luôn hướng đến một ai đó không chạm tới được. Nhưng chính trong những nỗi buồn ấy, có cái gì đẹp đẽ và con người ở họ lại hiện ra.

3. Đẹp và Buồn

Chẳng hiểu sao khi nhìn thấy tên tác phẩm tôi đã ngờ ngợ, rồi sau càng đọc lại càng nhớ đến Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du nhà mình. Có lẽ bởi thủ pháp, có lẽ bởi nội tâm và hoàn cảnh nhân vật, có lẽ bởi ông đã viết ra một câu mà đọc Đẹp và Buồn tôi phải gật gù khâm phục vì thấy giống quá, đúng quá.
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”...