Sống theo đam mê là một lý tưởng rất tuyệt. Ai mà không muốn vậy 😁
Vấn đề nằm ở chỗ này: nhiều người (có ý tốt) hay hỏi các bạn trẻ “Đam mê của em là gì?” và các bạn rất khó trả lời. Tôi đoán đa số mọi người trong tuổi 20 đến 30 không biết “đam mê” của mình là gì luôn (tôi cũng đã từng sai lầm và hỏi câu hỏi đó).
Một hậu quả là các bạn bỏ cuộc (“chắc tôi không có đam mê”) hoặc không coi trọng nó nữa (“nghĩ hoài không ra, nghĩ để làm gì?”).
Nên tôi muốn kể cho bạn một câu chuyện của một người sếp mà tôi vô cũng ngưỡng mộ về đam mê và cách hình thành nó như thế nào.
Dưới đây là câu chuyện của anh ấy
-----------------------------------------------
Lúc tôi 23 tuổi, tôi cũng chả biết đam mê của tôi là gì nữa.
Vì một cơ duyên, tôi đi du lịch ở Việt Nam năm 2009. Khi ghé TP HCM, tôi thăm quan bảo tàng chiến tranh trên đường Lê Quý Đôn. Tôi không nhớ gì nhiều về nó, ngoài trừ một vài hình ảnh đen trắng về những kinh hoàng đã xảy ra trong lúc chiến tranh. Tôi không phải là một con người cảm xúc lắm, nhưng khi nhìn những hình đó tự dưng tôi thấy rất xúc động. Một cảm giác kỳ lạ tôi chưa bao giờ cảm trước đó - giữa sự tức giận, buồn và ghê tởm.
Khi tôi nhìn xung quanh tôi cũng thấy biểu cảm trên khuôn mặt của mọi người căng thẳng khủng khiếp. Một số người che miệng, một số người khóc, một số người không nhìn nổi và đi chỗ khác.
Nên 3 tuần sau, khi tôi về Pháp và có thời gian thoải mái để suy nghĩ về những bước tiếp theo của tôi, tôi nhớ đến trải nghiệm đó và bắt đầu tìm hiểu thêm về chiến tranh và lịch sử Việt Nam. Không phải là vì tôi say mê về lịch sử, nhưng chỉ vì tôi vẫn nhớ cảm xúc lúc đứng trước những bức tranh trong bảo tàng.
Tôi càng đọc về chiến tranh tôi càng cảm thấy buồn, nhất khi đọc về những câu chuyện của những nạn nhân vì chất độc da cam. Mỗi lần đọc, những cảm xúc khi thăm quan bảo tàng quay lại và trở thành mạnh mẽ hơn nữa.
Lúc đó tôi nghĩ rằng: nếu vấn đề này có thể chạm đến cảm xúc của tôi, chắc là vì có một cái gì đó quan trọng ở đây. Tôi bắt đầu để ý đến cảm xúc của tôi hơn và tự hỏi bản thân “Thực sự điều gì làm cho tôi bực bội và tức giận như vậy?”. Câu hỏi này ám ảnh tôi mấy ngày liên tục.
Dần dần tôi mới nhận ra một mô thức: tôi rất ghét những gì va chạm đến sự tự do của con người. Từ nhỏ đã ghét những bạn trong trường hay ăn hiếp người khác rồi, cảm thấy tại sao phải chịu đựng những việc như thế? Lâu lâu tôi còn đánh nhau với những bạn đó dù chuyện không liên quan gì đến tôi. Bố mẹ thì không cho tôi đi chơi ở ngoài, nên tôi cũng cảm thấy thiếu tự do. Rồi khi thấy những quân đội Mỹ hành hạ và lạm quyền trong chiến tranh với Việt Nam có vẽ là tôi không chịu nổi.
Sau khi nhận ra tôi đề cao sự tự do khá nhiều, tôi cũng không biết phải làm gì với việc đó. Đôi khi tôi nghĩ “hay là mình đi về Việt Nam đi?”, nhưng giọng lý trí trong đầu lại báo là “Về rồi làm gì bên đó?! Có tìm việc được đâu mà về! Thôi, ở đây đi làm như mọi người đi, đừng nghĩ lung tung và xa quá!”. Mâu thuẫn đó làm cho tôi tốn năng lượng rất nhiều, vì không tìm được một lời nói thống nhất.
May là tôi được nhận một lời khuyên rất hay khi còn học đại học: khi bế tắc, hãy tìm “input” mới từ người mới. Nếu chỉ có gia đình và bạn bè xung quanh, hãy tìm những nguồn khác trên mạng từ những người thông thái, thành công v.v. liên quan đến vấn đề bạn đang gặp.
Tình cờ tôi nghe đúng một lời chia sẻ (tôi không nhớ từ ai) về 3 loại con người: có một số bạn sẽ ảnh hưởng đến mọi việc, một số khác bạn sẽ nhìn sự việc xảy ra và những bạn còn lại sẽ bỡ ngỡ khi sự việc đã xảy ra. Cuối cùng tác giả hỏi: vậy bạn chọn thuộc về loại nào?

Câu hỏi đó làm cho tôi chốt luôn.

Trong giây phút đó, tôi quyết định về Việt Nam để giúp mọi người có một cuộc sống tốt đẹp hơn, và tự do hơn.
Ngày nào, giúp như thế nào, tốt hơn và tự do hơn ra sao, lúc đó tôi không biết. Cái tôi biết là tôi không muốn thuộc về loại 2 và 3, và cảm thấy rất nhút nhát nếu chọn loại 2 và 3.
Câu chuyện rút ngắn là như sau: 8 tháng sau giai đoạn đó, tôi tiết kiệm đủ tiền để về Việt Nam năm 2010.
Năm 2012 tôi qua Thái Lan (Bangkok) và bắt tay vào công việc liên quan đến giáo dục.
Năm 2013 tôi mới bắt đầu giúp người Việt Nam có một sự thay đổi tích cực trong cuộc sống thông qua một trong những phương pháp học tiếng Anh hiệu quả nhất trên thế giới dành cho người lớn (mô hình này giảng dạy được tiếng Anh giao tiếp cho hơn 20,000 người lớn ở TP HCM trong 4 năm đầu).
Cuối năm 2017 tôi bắt đầu chuyên sâu hơn về vấn đề con người và kỹ năng mềm – và đến bay giờ vẫn là “đam mê” của tôi. Vì tôi hiểu việc bền vững từ bên trong có thể mang lại sự tự do cho con người như thế nào, tôi rất say mê khi làm những dự án liên quan đến việc đó.
Nếu hỏi lại phiên bản của tôi năm 2010 “đam mê” của tôi là gì, chắc chắn tôi sẽ không trả lời được. Đơn giản là vì chưa biết, chứ không phải không có. Trên hành trình, “đam mê” đó dần dần hình thành vì tôi để ý và có một định hướng chung (về Việt Nam, giúp mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn).
-----------------
Cho nên so với các bạn đang stress vì không biết “đam mê” của mình là gì, hãy bình tĩnh và đừng bỏ cuộc. Lý do tại sao bạn không tìm được câu trả lời cho câu hỏi “Đam mê của bạn là gì?” không phải là vì bạn không có đam mê, nhưng là vì câu hỏi đó sai rồi.
Câu hỏi bạn cần trả lời là: nếu bạn muốn thuộc về loại 1, vậy thì bạn muốn gây ảnh hưởng nào và cho ai? (nếu bạn muốn thuộc về loại 2 hoặc 3, tôi bó tay). Một ý tưởng chung là được rồi, để dành các kỹ năng lập kế hoạch, có cột mốc, làm “SMART goals”, v.v cho những trạm trên hành trình của bạn đi.
Cụ thể hơn, để biết mình muốn ảnh hưởng hoặc thay đổi cái gì, tôi đề nghị bạn bắt đầu để ý nhiều hơn về cảm xúc của bạn trước khi bạn để ý đến thế giới xung quanh. Có hơn 7 tỷ người và thế giới rộng lắm, nên nếu phải xem tất cả các vấn đề cần được giải quyết, bạn sẽ dễ bị choáng ngợp.
Thay vì vậy, từ bên trong bạn, những gì hay làm cho bạn xúc động, bực bội, tức giận?
Những cái đó đúng là dấu hiệu cho bạn biết giá trị nào thực sự quan trọng so với bạn (so với tôi: sự tự do). Từ những giá trị đó bạn có thể chọn một định hướng liên quan đến những giá trị đó (so với tôi: giúp phát triển con người để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, và tự do hơn).
Rồi bắt đầu bước lên hành trình “đam mê” của bạn, với tâm thế cởi mở và sẵn sàng vượt qua những khó khăn bạn sẽ gặp.
Câu chuyện về “bước lên hành trình như thế nào?” sẽ là một câu chuyện khác, về chiến lược và kế hoạch. Trước tiên, hãy chốt một định hướng trước cái đã.
I'm also running a Facebook Community for young professionals to share, discuss and get support about personal growth and career development. Feel free to join here.