Tết với người trẻ: Vì sao chán?
Lại là một cái Tết nữa đến. Tết đến thì cũng có nhiều niềm vui. Cả năm học hành, lao động vất vả, chưa kể còn xa quê, Tết là thời điểm...
Lại là một cái Tết nữa đến. Tết đến thì cũng có nhiều niềm vui. Cả năm học hành, lao động vất vả, chưa kể còn xa quê, Tết là thời điểm hiếm hoi mà những bữa cơm có đầy đủ toàn bộ thành viên trong gia đình, cùng nhau đón giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cùng nhau chúc những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân, cùng nhau đi chùa cầu may đầu năm. Đó là bức tranh mà vẽ ra thì thật là tươi đẹp, khiến con người ai cũng háo hức. Nhưng khi được hoà mình vào bức tranh ấy, thì câu cửa miệng của nhiều người trẻ vào những ngày này: “Tết thật là nhạt”. Lý do bắt nguồn có thể từ việc người trẻ chưa tận hưởng hết không khí của ngày Tết, nhưng khoan hãy đổ lỗi hết cho người trẻ, phải tìm hiểu xem vì sao họ không muốn tận hưởng hết không khí của ngày Tết:
1. Trước Tết: luẩn quẩn làm những công việc không tên mà hết ngày.
Nếu nói về khoảng thời gian Tết thì lúc cận Tết là lúc bận rộn nhất. Nhà cửa cảm giác cả năm mới đem ra lau dọn, bình thường thì chẳng sao, nhưng cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là lại lôi ra lau hết chỗ này đến chỗ khác, từng ngõ ngách một không thiếu một chỗ nào. Với quan niệm “quét hết bụi bẩn là quét đi những điều xui xẻo của năm cũ mà đón tài lộc về nhà” nên việc dọn nhà đối với nhiều người trở thành ác mộng, đặc biệt là những ngôi nhà nhiều đồ. Vậy tại sao ta không thử một lần thanh lý, tối giản nhà cửa vào một thứ bảy, chủ nhật nào đó (không phải dịp Tết cũng được), không những để nhà cửa gọn gàng mà dịp Tết cũng đỡ vất vả.
Chúng ta đang dần trở thành nô lệ của đồ vật, một lối sống tối giản minimalism là một giải pháp cực kì hữu hiệu cho cuộc sống vốn đã quá ư là mệt mỏi. Đồ đạc không dùng nữa nếu còn mới thì có thể đem đi làm từ thiện, không dùng được nữa thì có thể đem đi bán rồi lấy tiền đó làm từ thiện hay giúp đỡ người ăn xin cũng được, không nhiều nhưng cũng giúp được phần nào hay phần đó.
Đó là dọn dẹp nhà cửa, nói chung là công việc này cũng chưa đến mức làm người trẻ ghét Tết, vì suy cho cùng, ai chả thích nhà sạch, nên dọn nhà xong, nhìn ngôi nhà sạch sẽ, thoáng mát cũng thấy vui vui. Nhưng có lẽ, công việc khiến người trẻ chán ngán chắc là việc gói bánh chưng hay luộc gà. Bánh chưng gói nhiều nhưng cũng chẳng ăn mấy, ăn 1/9 cái bánh chưng thôi là cũng thấy mệt rồi. Làm gà thì bẩn, nếu không muốn nói là ghê tay, mà gà luộc ăn ít thì ngon, chứ mấy bữa cơm lúc nào cũng có gà luộc thì thật là chán. Tựu chung lại là làm những món ăn thì chẳng mấy mà làm thì mất công, vậy là người trẻ lại chán, và Tết lại tẻ nhạt.
Đọc thêm:
2. Trong Tết: hết ăn uống rồi lại hỏi thăm:
Mấy bữa ăn ngày Tết, trên bàn lúc nào cũng có canh măng, gà luộc, xôi, bánh chưng, nem rán, mấy món đó lâu lâu ăn thì thấy ngon, đằng này không ăn hết lại lưu cữu, để trong tủ lạnh, đến bữa đem ra đun lại ăn đến phát ngán. Đó chỉ là những bữa cơm gia đình riêng với nhau, chưa kể mấy đám giỗ hoặc hoá vàng. Ăn xong lại uống rượu bia no say, lèm bèm những câu chuyện không biết bao giờ mới hết. Mấy ngày giỗ, phụ nữ lại càng khổ, hết chuẩn bị cỗ bàn rồi lại rửa cả núi bát. Có những nàng dâu hay cô con gái phải rửa một lúc đến cả bảy mâm bát, cả năm vất vả mà Tết về lại ôm cả một chồng bát thì hỏi sao mà không chán. Ăn uống mấy ngày Tết nó khổ sở thế đấy, ăn ít thì ngon nhưng mà ngày nào cũng ăn thì ngán đến tận cổ, lúc đó chỉ cần một đĩa rau luộc cho mát lòng.
Đọc thêm:
Sau khi ăn uống thì chuyện chúc Tết lại là nỗi ám ảnh của người trẻ. Tại sao người trẻ ngại đi chúc Tết họ hàng cùng bố mẹ nhưng lại thích chúc Tết bạn bè? Đó là vì đấy là những người bạn họ thực sự gặp mặt, nói chuyện với nhau thường xuyên, nên chúc nhau là chuyện bình thường. Còn họ hàng, có những người thậm chí còn chẳng bao giờ gặp mặt, con cái còn chẳng biết xưng hô thế nào cho phải phép, và còn có cả những người bằng mặt không bằng lòng, vậy mà vẫn phải tươi cười niềm nở đi chúc Tết. Người lớn cứ luôn trách người trẻ chỉ biết quan tâm đến bạn bè mà đi chúc Tết cùng bố mẹ lại cứ mệt mỏi, nhưng họ đâu có biết bạn bè đó, dù là trên mạng, nhưng người trẻ hiểu và biết rõ về họ. Người trẻ, có thể niềm nở với người lạ, thảo mai với đồng nghiệp để giữ mối quan hệ công việc, nhưng không phải vì thế mà họ gặp ai cũng có thể vui vẻ, đặc biệt là những người trong gia đình. Cả năm họ đã phải niềm nở, phải khoác lên mình cái mặt nạ với người khác, khi về nhà, họ chẳng muốn lại phải giả tạo cười nói với những người thân, họ biết rất rõ và luôn để gia đình ở một góc riêng. Công việc là công việc, công việc cần họ phải vui vẻ họ sẽ vui vẻ, nhưng gia đình là gia đình, gia đình là thứ không thể lừa dối.
Đó là về các mối quan hệ, chưa kể việc đi chúc Tết còn kéo theo không biết bao nhiêu câu hỏi phải nói là vô duyên: “Bao giờ lấy chồng? Công việc thế nào? Lương bao nhiêu?” Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng cứ lặp lại năm này qua năm khác khiến họ không khỏi chán ngán. Rồi lập được gia đình thì lại hỏi bao giờ sinh con, vân vân và mây mây. Vẫn biết là người ta có ý quan tâm, nhưng việc nghĩ ra kịch bản và phải trả lời những câu hỏi mang tính riêng tư vậy thật chẳng dễ chịu chút nào.
Ngày Tết, đâu chỉ việc mình đi chúc Tết nhà khác, còn có nhà khác đến nhà mình chúc Tết. Có thể một số người dễ tính thì không sao, nhưng với một số người khó tính, họ thực sự ghét cái ồn ào trong nhà. Họ có thể ra ngoài tụ tập bạn bè, có thể đến quán bar,... nhưng với họ, nhà thực sự phải là nơi bình yên, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Rồi khách thì cũng có khách này khách nọ, có người lịch sự có người không. Người bất lịch sự thì cứ đi đôi giày ở ngoài đường vào nhà, hút thuốc lá thì gạt tàn ra bàn, cắn hạt dưa, hạt bí, ăn bánh kẹo xong thì lại vứt bừa ra sàn nhà, khiến mỗi lần tiếp khách xong lại phải đi dọn. Bác Hồ vào chùa còn phải cởi dép, nói chi đến mình vào nhà người khác lại bất lịch sự mà không cởi giày và giữ cho nhà họ sạch sẽ một chút.
Người trẻ, họ không chán Tết, họ chỉ chán việc phải đi chúc Tết, chán phải đi chúc những người họ chẳng hề quen, chán những bữa cơm nhai đi nhai lại mấy món. Họ hoàn toàn vui vẻ với những bữa cơm đơn giản, riêng tư với gia đình, với bố mẹ, anh chị em, vì suy cho cùng, người trẻ đã sống nơi phồn hoa đô hội quá nhiều năm, Tết là nơi họ tìm về với sự đơn giản chứ không phải kiểu cách, tìm về với sự bình an chứ không phải sự ồn ào, và tìm về với cái thực chứ không phải giả tạo.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất