“Chừng nào bạn vẫn còn lo lắng xem người ngoài nghĩ gì về mình, bạn vẫn bị họ chế ngự. Chỉ khi nào bạn không còn đòi hỏi sự đánh giá từ bên ngoài bản thân, thì khi đó, bạn mới làm chủ được chính mình.” 
– Neala Donald Walsh
Nỗi sợ bị phán xét là một trong những nỗi sợ phổ biến nhất của con người. Điều này dễ hiểu thôi, bởi con người vốn dĩ là sinh vật mang tính xã hội, bầy đàn, và việc hợp tác, được chấp nhận trong xã hội là một yếu tố sống còn cho sự sinh tồn của con người trên hành tinh này. Kẻ bị xã hội ruồng bỏ – trong thế giới con người hay bất cứ động vật nào đi chăng nữa – sẽ dễ dàng trở thành thứ mồi ngon cho những kẻ săn mồi. Đấy là một bản năng của loài người – khao khát được hoà mình vào tập thể, vào cộng đồng, như một cách để sinh tồn, đặc biệt trong xã hội nguyên thuỷ với đầy hiểm nguy rình rập đối với tính mạng mong manh của con người.
Nhưng thứ bản năng này dường như đã lỗi thời, và thay vì bảo vệ chúng ta, tránh chúng ta khỏi những rắc rối, nó lại kéo con người vào thứ rắc rối lớn hơn: Rắc rối của sự giả tạo, của việc không được sống thực là chính mình. Con người ta đeo lên mình vô vàn cái mặt nạ, cốt lõi là khao khát được chấp nhận trong bầy đàn, thu mình trong vỏ ốc của sự bao bọc từ đám đông, để sinh tồn qua ngày. Nhưng thời hiện đại này không còn như xã hội nguyên thuỷ xưa kia nữa. Khi bị một nhóm người từ chối, một “bản làng” từ chối, bạn không còn bị ném vào rừng rú cho hổ, cho sói ăn, hay bị bôi vôi cạo đầu ném xuống sông – mà bạn có thể tìm nhóm người khác phù hợp hơn, hoặc đơn giản là tự bạn đứng lên trên đôi chân của mình cũng chả sao, bạn chả chết được. Thế nhưng, nỗi sợ hãi về vấn đề sinh tồn vẫn còn đấy, ám ảnh lấy trí óc con người – khiến người ta thà chịu cái rắc rối về việc sống giả tạo, còn hơn là chịu nỗi đau bị từ chối bởi người khác, bởi đám đông. Một cách vô tình, họ ném hết sức mạnh làm chủ cuộc sống vào tay người khác, quỵ luỵ cầu gối xin chút tình thương, sự ban ơn để sinh tồn qua ngày. Sự chấp nhận của người ngoài trở thành miếng cơm của họ, cần câu của họ, ánh nhìn của người ngoài điều khiển những gì xảy ra bên trong nội tâm họ. Họ biến mình thành con rối, thành nô lệ – cho những thế lực bên ngoài, còn hơn là chịu nỗi đau của sự cô độc, nỗi đau trưởng thành, nỗi đau của việc phải làm chủ số mệnh của mình.
Một lý do nữa tạo ra nỗi sợ bị phán xét bắt nguồn từ vấn đề thiếu tình yêu thương cho bản thân. Tại sao lại vậy? Đấy là bởi, khi người ta không yêu thương, không chấp nhận sự không toàn hảo của chính mình, người ta sẽ sinh ra sợ hãi những lời phán xét, dị nghị từ phía bên ngoài – bởi sự phán xét đó chọc sâu vào sự thiếu tự tin của họ, nhắc nhở họ về sự căm ghét mà họ dành cho chính bản thân mình. Vấn đề cốt lõi chẳng còn là sự phán xét của người ngoài nữa. Việc người ngoài có chấp nhận bạn hay không, có tin tưởng bạn hay không, chẳng quan trọng. Những ý kiến mà họ đưa ra – tất cả chỉ đều phản ánh một niềm tin nào đó sâu sắc bên trong bạn mà thôi. (Nếu bạn đang chưa biết cách yêu thương chính mình, bạn nên đọc bài viết này: Thế nào là Yêu bản thân thực thụ? )
Họ thấy bạn không đủ tốt, và bạn đau khổ vì điều đó? Tức là bạn chưa đủ tin tưởng vào chính bạn, giá trị của con người bạn. 
Họ cười nhạo bạn, từ chối bạn, phỉ báng bạn? Liệu rằng chính bạn có đang tự cười nhạo, phỉ báng, từ chối phần nào đấy ở chính mình?

“Ai nhìn ra ngoài, mơ. Ai nhìn vào trong, thức tỉnh.” 

– Carl Jung
Bởi vốn dĩ, chẳng có thế giới bên ngoài nào cả. Chẳng có sự phán xét từ ai cả. Tất cả – đều quy về sâu bên trong bạn. Thế giới bên ngoài chỉ là tấm gương – để bạn nhìn thấu vào sâu nội tâm mình mà thôi.

Đọc thêm:

LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI NỖI SỢ BỊ PHÁN XÉT?

Và làm sao để bớt quan tâm ý kiến, lời đánh giá từ người ngoài?
Trước hết, bạn cần thấu hiểu nguồn gốc của nỗi sợ này đến từ đâu. Mọi nỗi sợ đều xuất phát từ Ego – cái tôi bảo vệ bạn trong thế giới hoang dã, đảm bảo sự sinh tồn của bạn. Nhưng Ego – cái tôi này đã trở nên lỗi thời. Nó đã thực hiện xong chức năng của nó vào thời kỳ nguyên thuỷ, nhưng nếu bạn vẫn giữ cái tôi, nỗi sợ vào thời kỳ hiện đại này, nó sẽ dẫn bạn tới con đường của sự huỷ hoại, lụi tàn – huỷ hoại chính mình, đánh mất giá trị của bản thân, mất kết nối với thứ ánh sáng trong bạn đang khao khát bung toả. Khi bạn cố gắng che đậy mình bằng tấm mặt nạ của sự giả tạo, để Cái tôi đầy nỗi sợ dẫn lối, bạn sẽ càng lúc càng đi xa khỏi bản chất thực sự của chính mình, chìm sâu vào bóng tối của sự mịt mù. Bạn sẽ càng khao khát sự công nhận từ thế giới bên ngoài, tìm kiếm điều gì đấy bên ngoài để chứng thực cho sự tồn tại của bạn, và càng đi sẽ lại càng chìm vào đau đớn – bởi bên trong bạn, sâu trong tim bạn, bạn biết chắc bạn đang tự lừa mình dối người.
Nên chốt lại, nỗi sợ này, sự phán xét này đều từ cái tôi tạo ra để bảo vệ bạn – dựa trên những lập trình sẵn có từ hàng ngàn ngàn năm trước. Lập trình này dựa vào những thông tin giờ chỉ còn là quá khứ, và nó đang tạo ra những ảo ảnh, bóng ma đáng sợ, không có thực. Việc người khác phán xét bạn không ảnh hưởng tới sự sinh tồn bạn. Việc người khác đánh giá bạn ra sao không liên quan gì tới giá trị thực của con người bạn. Một vài người không thích bạn vì bạn dám sống đúng như con người bạn – điều đấy lại càng không thể giết chết bạn. Nhìn rõ nguyên nhân của nỗi sợ – đều bắt nguồn từ vấn đề sinh tồn, và nhận ra nỗi sợ chỉ là một thứ ảo giác do cái tôi tạo ra – là chìa khoá đầu tiên giải phóng bạn thoát khỏi nỗi sợ này.

Con đường duy nhất để thoát khỏi (một điều gì đó) là đi qua nó.

The Only way out is Through.

– Robert Frost
Để thoát khỏi nỗi sợ về việc bị phán xét, hãy bắt đầu bằng cách thể hiện bản thân nhiều hơn – đặc biệt những góc khuất mà trước nay bạn chỉ giấu cho chính mình. Hay nói cách khác, để thoát khỏi nỗi sợ bị phán xét, hãy để bản thân ở vị trí “được” người ta phán xét nhiều nhất – đấy là toả sáng, chia sẻ, thể hiện mình.
Câu chuyện về một cậu bé mình quen, trong em đầy nỗi sợ bị phán xét. Em có rất nhiều tài năng, nhưng thay vì dám đứng lên giữa đám đông thể hiện, em luôn thu mình lại, trốn trong một góc, để đỡ phải nhận lời dị nghị từ người ngoài. Khi được mình tư vấn và dần dần nhận ra nỗi sợ này, cậu bé đã từ từ từng bước toả sáng, thể hiện bản thân, giá trị của mình nhiều hơn. Và niềm vui lớn nhất mà cậu bé chia sẻ, đấy không chỉ là việc lần đầu tiên được vứt bỏ lớp vỏ bọc của mình, mà em nhận ra, hoá ra chẳng có gì đáng sợ đến thế, hoá ra ý kiến của người ngoài chẳng quan trọng nữa, vì em tự thấy tự tin vào khả năng sáng tạo của mình. Bằng việc đối mặt với nỗi sợ của mình, cậu bé giải thoát mình khỏi sức mạnh của cái tôi đầy sợ hãi, và tìm lại được nguồn sức mạnh từ sâu bên trong mình.
Một Bí kíp khác mà bạn nên nhớ khi đối diện với sự chỉ trích, phê phán từ người ngoài, đó là: Sự phán xét từ bên ngoài hiếm khi nói lên điều gì về bạn, mà chỉ bộc lộ những vấn đề sâu bên trong nội tâm người đang phán xét. Nếu người khác phán xét bạn là vô tâm, lạnh lùng – thì sự vô tâm đấy là một phần mặt tối của họ mà họ đang phóng chiếu ra thế giới bên ngoài. Nếu người ta ghét bạn vì bạn dám là chính mình, dám bộc lộ quan điểm của bản thân – thì điều đấy phản ánh mặt tối của họ: không dám mạnh mẽ thể hiện bản thân. Tương tự, khi người ta phán xét bạn là người ích kỷ, hay so đo, bla bla – thì điều đấy cũng đang phản ánh điều gì bên trong nội tâm họ nhiều hơn là về con người bạn. Khi bạn hiểu được nguyên lý: “Thế giới bên ngoài phản ánh thế giới bên trong bạn” – bạn sẽ đỡ phải đi chỉ trích người này người kia hơn, cũng như bớt quan tâm đến sự phán xét của người khác dành cho mình hơn. (Bạn có thể hiểu hơn về chủ đề: “Bóng tối tâm lý” tại đây: Bóng tối linh hồn )
Dĩ nhiên, bạn cũng cần nhìn nhận rõ sự khác biệt giữa sự phán xét và việc không phán xét (hay lời góp ý/ phê bình mang tính xây dựng). Sự phán xét là việc người ta đánh đồng hành vi của bạn với bản chất thực của bạn, ví dụ: khi bạn thể hiện sự nóng nảy, thì người ta coi rằng bạn là một kẻ bốc đồng, hiếu chiến, v.v. – gán lên bạn những cái nhãn tính cách chỉ dựa vào vài ba hành động (mà thực chất mấy cái nhãn này là sự phóng chiếu mặt tối của họ mà thôi). Còn việc Không phán xét là khi người ta chỉ đơn giản chỉ ra sự thực là như nào, ví dụ khi bạn nóng nảy giận dữ, thì người ta thẳng thắn chỉ ra: bạn đang giận dữ, mất kiểm soát cảm xúc – thay vì đánh giá bạn là con người như này như kia. Chỉ những người có khả năng chỉ ra điểm yếu/ hành vi của bạn, nói rõ sự thực, mà không phán xét cả con người bạn dựa trên những hành động đấy – thì đấy mới là quan điểm mà bạn nên lắng nghe để tiếp thu, học hỏi, cải thiện thêm về bản thân mình. Bởi vậy, không phải ý kiến của ai bạn cũng nên cho vào tai, vào đầu, và ngay cả ý kiến của chính đầu óc bạn, sự phán xét trong suy nghĩ bạn về bản thân, bạn cũng đừng tin. Ý kiến nào mang tính khách quan, giúp bạn học hỏi, phát triển, thấu hiểu chính mình, hành động của mình thì hẵng nghe, còn ý kiến nào mang tính phán xét, đánh giá thì bỏ qua, đỡ rác vào đầu.

Đọc thêm:

Sau cùng, việc để dần dần bớt đi sự quan tâm vào ý kiến của người ngoài, cũng như để thấu hiểu những nguyên lý mình chỉ ra ở trên đều cần sự trải nghiệm từ chính bạn. Như với mọi nỗi sợ nào trên đời, chỉ khi nào bạn dám đối mặt với nó, nhìn thẳng vào nỗi sợ, cảm nhận nỗi sợ nhưng vẫn làm mọi thứ mình khao khát – bất chấp nỗi sợ, thì khi đó bạn mới làm chủ được chính mình, chuyển hoá nỗi sợ thành sức mạnh của mình. Và rồi một ngày tỉnh dậy, bạn sẽ nhận ra: “À, hoá ra ý kiến, sự yêu ghét từ người ngoài chả thanh toán được hoá đơn tiền điện của mình tháng này, chẳng làm mình bớt yêu đời, chẳng đưa mình vào rừng cho thú dữ làm thịt, cũng như chẳng ảnh hưởng lên được giá trị thực sự của con người mình” – thì khi đấy, bạn sẽ có đủ dũng cảm, để làm những gì bạn khao khát, để giải phóng linh hồn mình khỏi vô vàn kìm kẹp, và tìm lại sức mạnh tiềm ẩn sâu bên trong bạn. Lúc đấy, bạn mới được sống là chính mình, mới thoát khỏi tâm lý của một kẻ nô lệ và trở thành chủ nhân đầy quyền lực thực sự của cuộc đời mình.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
Mystic Cat Lady

BLOG CỦA MÌNH: fb.me/mysticcatlady  - Ghé thăm nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển/ Thấu hiểu bản thân, Chữa lành - Tâm linh, Tâm lý học nhé.