Khi nàng thơ không sở hữu hồn thơ.
Vì cớ gì Ngạn giữ gìn một tình yêu dai dẳng mòn mỏi hơn 20 năm với một người con gái có đôi mắt biếc? Chỉ vì đôi mắt đẹp? Vì một thuộc tính mang tính bề ngoài, hiếm gặp ở một cái làng quê nhỏ bé? Không, chắc chắn là không. Bởi vì từng đó thời gian, sự xuất hiện của Hà Lan đáp ứng đủ cho Ngạn một nhu cầu thể hiện Nam tính. Một nét Nam tính khác hoàn toàn so với người bố của mình. Ngay từ nhỏ đã là "muốn được che chở, muốn được chu cấp cho Hà Lan, muốn lấy Hà Lan làm vợ" và mối tương tác đó hình thành trong giai đoạn mấu chốt để tạo nên Ngạn của sau này. Nàng thơ của Ngạn, nàng thơ tự bản thân không có gì nổi bật hơn đôi mắt, mà chỉ là do đôi mắt của Ngạn đã gán lên người con gái đó vô vàn ước mơ, hy vọng đẹp đẽ của chính mình. Ban đầu trước khi biến cố lên trung học, tình yêu của Ngạn có thể thấy phần lớn là ôm ấp một kỳ vọng, một mộng mơ, một cảm xúc do chính Ngạn cảm thấy.
Tất nhiên cũng phải có sự phát triển chất xúc tác từ bên ngoài. Là Hà Lan lớn lên, trở thành thiếu nữ, và rung động của Hà Lan trước Ngạn. Nhưng sự tinh vi trong mạch phát triển cảm xúc của Hà Lan không có nhiều. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra đơn thuần là cái già dặn ranh của con gái dậy thì trước con trai, nên Hà Lan đã biết rằng cô và Ngạn không hợp (lần suýt chút nữa là hôn trong đồi sim), chỉ đơn giản là cảm giác có một cái gì đó chắn ở giữa, không cùng tần số, nên không hợp.
Ngạn cứ giữ mãi cái làng Đo Đo ở trong lòng bởi vì nó có hình ảnh nàng thơ của anh. Đóng khung 1 người vào 1 khung cảnh đem bỏ vào túi có phải cũng từng là một suy nghĩ điên rồ của ta ở những năm tháng trẻ tuổi nào đó cứ ngỡ mọi thứ sẽ chẳng bao giờ thay đổi?! [Ít nhất là mình đã từng nghĩ như thế, giá mà có thể đóng khung mối tình đầu lại]. Còn Hà Lan, làng Đo Đo cũng chỉ là một cái làng. Không hơn không kém. Chỉ có yêu thật sự một ai đó, mới có thể lây lan cái tình cảm đó qua những thứ vô tri, hay mênh mông vượt khỏi ranh giới một con người thôi.
Hà Lan không thơ như Ngạn vẫn tôn thờ, Hà Lan tân thời hơn, dễ thay đổi, và là người sẽ đi đến nơi mà cuộc sống sẽ trở nên tốt hơn cho cô, 1 con tôm to hơn, cái kẹp đẹp hơn, nhạc hay hơn, xe máy nhanh hơn. Đó không phải là một thứ gì xấu, đáng bị dè bỉu, chỉ cho ta nhìn rõ hình tượng của nhân vật hơn. Vậy nên cũng hợp lí khi mà Hà Lan sau này làm nhà may, làm kinh doanh, phải luôn luôn mới, luôn luôn hợp thời, luôn luôn nhiều hơn, tốt hơn. Căn bản, sự lệch nhịp giữa 2 nhân vật đã được xây dựng một cách từ từ để cuối cùng đẩy tới là sự chia ly mãi mãi cho dù có nhận ra tình cảm đi chăng nữa. Bi kịch của Ngạn là đã yêu phải người không ở cùng thế giới.
Những cây cầu
Bản thân mình một phần nhiều không thích cách lí giải "thế giới khác biệt" của chính mình. Vì cách lí giải đó gắn với tư duy cố định, I am who I am, có nghĩa "tôi" đã được định nghĩa với tất cả khả năng và thiên hướng từ trước, có giới hạn và tốt hơn là nên tìm kiếm thế giới hợp với "tôi". Nhưng mình tin rằng việc tốt hơn là bắt những cây cầu, I am nothing - tôi không là gì cả, nên tôi có thể trở thành bất cứ thứ gì, hoặc tốt hơn nữa, I am a little thing - tôi là một chút gì đó, nên tôi có thể làm thứ tôi có to lớn lên và cũng có thể hấp thụ những thứ hoàn toàn mới.
Nên chính xác, bi kịch của Ngạn là không nhận ra mình, không nhận ra thế giới đối diện, đóng khung các khả năng nhưng lại mơ mộng một kết quả khác biệt. Đó là không nhận ra rõ ràng thiên hướng của Ngạn và Hà Lan rất khác nhau, giải pháp của Ngạn chỉ gói gọn trong giới hạn của chính anh ta: "hay là về làng Đo Đo, mình làm lại từ đầu", với hy vọng mọi thứ luôn luôn giống như xưa. Mình xót thương cho người con trai đó. Ngạn như một người làm vườn, chăm chỉ ươm trồng vườn cây tâm hồn anh, bằng thơ bằng nhạc bằng muôn vàn yêu dấu cho mảnh đất anh sinh ra. Người làm vườn một ngày kia nhìn thấy một chú chim thiên đường, mắt xanh biếc đậu trên cây bàng. Người làm vườn cho chim ăn, chăm sóc cho chim khi nó bị sập bẫy đời, thay chim chăm sóc quả trứng, làm mọi thứ cho con chim, nhưng không bao giờ nhốt được con chim ấy vào lồng, "bởi có những chú chim không thể bị nhốt trong lồng, vì bộ vũ của chúng quá rực rỡ, và khi chúng bay đi một phần trong ta cảm thấy giam cầm chúng để làm vui hay thậm chí là để yêu thương chúng là một tội ác, thế giới khi không còn được nhìn thấy chúng lại trở nên u tối và trống rỗng đến thế".[1]
Hà Lan không mang một hình ảnh lý tưởng về một nàng thơ, cô ta bước đến bên đời và nhập vào tâm trí chúng ta với đầy đủ hình dung chân thực nhất về một người phụ nữ thời kì đổi mới, trần trụi, có những góc đớn đau trong tâm tưởng, nhưng có nghị lực sống, thực tế, đôi khi thực dụng. Và đôi mắt biếc của Hà Lan là thứ ngang trái vô cùng với phần còn lại thuộc về bản thể của cô ấy. Tình yêu đối với Hà Lan chính là một cuộc rong chơi. Có những ảo mộng màu hồng mới lớn, những cuộc vui bên đường, có tấm chân tình vô giá (trị). Sự thất bại trong tình yêu của Hà Lan là bởi vì cô cho rằng mình không đủ xứng đáng để được quyền lựa chọn. Và lại một lần nữa, suy nghĩ "không nên xây những cây cầu" khiến cho tiếc nuối càng thêm hằn sâu theo bóng con tàu và những giọt nước mắt chà xát vào không gian nóng nực chộn rộn của đời sống vô thường. Sự oan uổng của Hà Lan uổng càng thêm uổng chỉ vì sống một đời dài như vậy nhưng sao mãi chăm chăm dằn vặt về sai lầm của bản thân mình, về thứ mình đã đánh mất. Nhiều người nói cái dở của Ngạn là chìm đắm trong quá khứ tươi đẹp, không thoát ra được. Nhưng vậy vẫn còn tốt hơn vạn lần so với nỗi u uất câm nín vờ như là không có gì của Hà Lan, tự nhấn chìm hạnh phúc của mình trong vũng lầy quá khứ. Ngạn ngu ngốc trong tình yêu. Hà Lan ngu ngốc trong cách làm người.
Mắc kẹt trong tình yêu...u mê,
"How can I get over you, why do we have to be apart…
Stuck, stuck, stuck in love"
Làm thể nào để tôi quên được em, tại sao chúng ta phải lìa xa, mắc kẹt, tôi mắc kẹt trong tình yêu em.
Ngạn có thực sự yêu Hà Lan không? Đây là một câu hỏi gây tranh cãi. Giữa 2 luồng dư luận trái chiều, với một bên xem ra thắng thế hơn khi cho rằng Ngạn chỉ yêu hình bóng của Hà Lan trong tâm tưởng của anh ta chứ chưa bao giờ chấp nhận Hà Lan với con người thật của cô ấy. Và bên còn lại tất nhiên sót thương tình yêu ám ảnh của Ngạn dành cho Hà Lan, một thứ tình yêu tôn thờ, ân cần, bền bỉ, đó là tình yêu thật, bởi không yêu làm sao có thể chăm sóc khi trước mắt không còn là một cô bé trong sáng mà là một bà bầu - kết quả của phạm vào trái cấm, của ô nhục, tủi hờn. Có bao nhiêu thằng đàn ông ở tuổi 18 chỉ dựa vào tình yêu mà chống cự được với cơn lũ quét cuồng nộ của tức giận và suy sụp để vẫn có thể chăm lo cho người đàn bà mang con thằng khác tới mức hy sinh luôn sĩ diện của mình? Dù thế nào đi nữa, thì tất cả đều phải công nhận rằng tình yêu là một liều thuốc nguy hiểm.
"Nếu một quyết định đúng đắn được đưa ra dựa trên một lí do sai lầm thì quyết định đó cũng trở thành sai lầm"[2]. Tình yêu cũng vậy, ban đầu Ngạn thực sự yêu Hà Lan, vẫn còn yêu cho tới tận khi Trà Long ra đời, nhưng tình yêu đó không tiến triển tương xứng với sự thay đổi sau đó, một lí do sai lầm cho việc tiếp tục duy trì tình cảm, dẫn tới một thứ không còn là tình yêu. Nhưng khốn nạn một nỗi, ngay tại chỗ đáng ra có thể dừng lại, Ngạn lại nhìn thấy em bé Trà Long ngồi bơ vơ ở giàn thiên lí. Theo mình, khoảnh khắc đó là lúc tấm lòng yêu thương con người dâng cao trong trái tim của Ngạn, không phải chỉ vì Trà Long là con của Hà Lan, mà bởi em bé đó cho Ngạn một bến bờ, một bến bờ của lẽ sống cho những ngày tháng ở Đo Đo vẫn còn đẹp đẽ. Mình thấy trò đùa số phận quả thật gian xảo, nó nhảy bổ ra đúng lúc để tiếp tục chuốc u mê cho chàng trai ấy. Nên xin đừng nói Ngạn tệ bạc, làm đến tận 3 người phụ nữ đau khổ. Nên nhớ, Ngạn chưa bao giờ yêu cầu Hồng, cũng chưa bao giờ đưa tín hiệu cho Hồng sau cái lần trót dại tuổi trẻ dùng Hồng làm bình phong để theo dõi Dũng với Hà Lan. Nên nhớ Ngạn cũng chỉ là nạn nhân của bánh xe số phận lại quá yếu ớt để chế ngự được nó. Cũng giống như Hộ, cúi xuống hôn lên nỗi thống khổ của Từ, tưởng rằng ta cao cả, nhưng cũng chỉ vì tình yêu thương, Hộ chìm vào một bi kịch khác của một nhà văn có hoài bão lớn không thành. Cay đắng không khi sự nhân từ của chính mình biết thành con dao hại mình?
Thế giới của Ngạn đã vĩnh viễn thay đổi kể từ cái ngày Hà lan bước vào lớp, sự hiện diện của cô gái liên tục trong hơn 20 năm tạo nên một loạt những thói quen và phản xạ vô điều kiện. Nên không có Hà Lan mới là bất thường, chỉ cần mầm mống của tình yêu Hà Lan chưa chấm dứt (Trà Long ngày càng lớn) thì cư xử như thể là một tình yêu vẫn còn tiếp diễn mãi. Mắc kẹt trong tình yêu u mê. Vì nó vẫn còn êm ái, vì nó vẫn đủ xoa dịu, tiếp tục mắc kẹt, mắc kẹt vô tận.
Thật may là Trà Long yêu Ngạn. Chứ nếu nó coi anh là cha, thì mình không biết bao giờ Ngạn mới hết u mê. Thật may là nụ hôn trong rừng sim một lần nữa, cho Ngạn thức tỉnh, khi lần đầu nụ hôn đó đã làm cho Hà Lan thức tỉnh.
Dũng là một thằng hèn
Mà hình như ở xã hội đó những thằng hèn lại có kết cục tốt? Tại sao mình nói hắn là thằng hèn. Không phải bởi ăn ốc đổ vỏ, cũng chưa hẳn việc hắn trêu đùa tình yêu của Hà Lan, càng không màng tới việc địa vị gia thế của hắn khiến hắn có thể là một thằng hèn đầy tiềm năng. Mà là lúc hắn đập Ngạn xong một trận và hôm sau thì quay lại với Hà Lan như một kiểu dằn mặt với Ngạn rằng, mày chống mắt lên mà coi tao làm nhục người mày yêu đây, mày muốn tao đáp lại con Hà Lan chứ gì, tao sẽ cho mày toại nguyện. Dù chi tiết sau khi cho Ngạn nhừ tử, Dũng có đưa tay ra để đỡ Ngạn dậy, ngụ ý rằng chuyện nên kết thúc ở đây thôi, nhưng cái gạt đi của Ngạn, khiến hắn lên cơn trả thù. Sự trả thù hèn hạ. Mà cũng chẳng có thằng con trai nào ngu như Ngạn cả. Dũng đã luôn nhắc đi nhắc lại rằng, nếu mày yêu nó thì đi mà tìm nó, mày yêu nó thì đi mà nói với nó. Vậy mà vẫn chưa hiểu ra, vậy mà chỉ nghĩ rằng đem Dũng về cho Hà Lan để Hà Lan không buồn nữa thì cậu chàng sẽ vui, tình yêu mà cứ tưởng như đánh nhau giành lại cọng dây thun vậy. Đồ ngu.
Kết
Cả bộ phim, ai cũng có có phần tốt, nhưng cái phần tối của họ vẫn nặng nề hơn rất nhiều lần. Chẳng có một ai vừa phải. Không có một người nào làm cán cân lí trí cho câu chuyện. Tự họ làm đau mình, và đồng thời làm đau những người khác. Cuối cùng chỉ có trẻ em bị tổn thương. Người lớn là lũ ngu ngốc và vô dụng (?!). "Trong cuộc sống, sẽ có lúc ta là Ngạn, là Hồng, là Trà Long, Hà Lan, là Dũng,…" please stop. Mình chán ngấy kiểu liên hệ bản thân như thế này. Sự xót thương và đồng cảm của con người thường đến từ hai kiểu, một là họ đã trải qua nó, hai là họ nhìn thấy những người thân yêu của họ trải qua nó. Và cách chúng ta phản ứng cũng có hai kiểu, một là từ từ cũng sẽ trải qua y như vậy thêm nhiều lần nữa, hai là sẽ không bao giờ trải qua nữa. Phim chỉ dừng lại ở ga tàu, nhưng còn lúc tàu sẽ tới nơi, lúc người phụ nữ quay về, lúc đứa con gái lớn lên tiếp, họ sẽ cư xử khác, hay họ sẽ lại tiếp tục mắc kẹt, nhưng giờ đây là mắc kẹt với chính mình, chính những tính cách, suy nghĩ, quá khứ của mình. Cậu nhớ lại đi, chửa hoang và lấm lét như kiểu truyền thống của nhà Hà Lan, còn ông bố của Dũng thì điển hình cho nhà giàu không dạy được con và một cái bệnh sĩ cổ hủ. Gia đình Ngạn làm cho Ngạn có một tình yêu thương vô bờ giống bà, nhưng không bao giờ dám nói ra như mẹ, và hở chuyện thì chỉ biết dùng tới vũ lực như bố (Ý này là do mình đọc được và đã đồng tình gật gù với một bài viết của người khác). Mình ghét những phim và cả tác phẩm văn học mà từ đầu đến cuối chỉ chao đảo trong một cơn bão, chỉ là sự kéo dài của một nỗi niềm dù rất người nhưng khi tỉnh táo sẽ thấy thật ngu ngốc và độc hại. Ý mình không nói cứ phải là kết mở là sẽ không thích, nhưng là những phim mà chẳng thấy ai thay đổi, sự diễn tiến của nhân vật đi từ vũng lầy này đến vũng lầy khác, không có điểm pivot hợp lí rõ ràng. Mình nói là vũng lầy chứ không phải bậc thang. Và Mắt Biếc, mình không hiểu sao, nó chính xác là một vũng lầy to, nhưng màu sắc của nó lại tươi sáng đến thế. Ngụ ý cả một xã hội đó là một vũng lầy to tươi sáng?
Lúc mình coi phim mình khóc rất nhiều, vì những chi tiết thực sự có vài phần chạm vào đáy sâu cảm xúc, nhưng xem xong phim mình lại cảm thấy tức giận vì mình đã khóc, bởi cái sự tù túng và vô lí trái ngang của nó làm mình bực mình. Nó không làm cho mình thanh thản, nó không làm cho mình học tập, nó không làm cho mình sung sướng trong tâm hồn. Và nó làm mình mất quá nhiều thời gian như thế này để viết ra bài này. Mình đã nói, con người luôn có hai cách phản ứng. Trong trường hợp này, mình sẽ không bao giờ viết gì cho những phim vũng lầy to về sau nữa. Mình quả thật ngu ngốc.
Một chút về nghệ thuật điện ảnh:
Cách dựng phim mình thấy khá giống 500 Days of Summers trong việc sử dụng màu sách để diễn tả sự đối nghịch của nhân vật và khắc họa Expectation vs Reality. Đáng tiếc, Summer cuối cùng hiểu được tình yêu, Tom tìm thấy tìm bản thân mình. Tình yêu khiến mùa hạ kết thúc xán lạn; còn Mắt biếc, không có một thứ gì được giải quyết, và tình yêu trở thành căn bệnh độc hại không gì cứu chữa. Và cái câu của bà ngoại đối với mình thực sự khó chịu, ngốc ngếch. Bởi người yêu mình thật lòng cũng đã bỏ lỡ, tàu cũng bỏ lỡ, mà tình yêu đó cũng lại tồn tại quá nhiều nghi ngờ, quá nhiều u mê, rồi ý là muốn sao ? Muốn gửi đến khán giả để đừng sống như Ngạn và Hà Lan? Oh come on… Thôi quay lại chuyện dựng phim chút đi. Màu áo của Ngạn và Hà Lan chỉ giống nhau lúc là học sinh, còn phần lớn thời gian nó đều ở hai đối cực của nhau. Và Khi Trà Long với Ngạn thì sẽ luôn cùng tông màu, Trà Long sẽ luôn tươi sáng hơn chút vì trẻ hơn, thể hiện sự tương thông trong tâm hồn giữa hai người. Ngày Hà Lan đi chơi với Dũng, cả 2 đều mặc áo đỏ, và sau này Hà Lan cặp bồ với gã Linh, hắn ta cũng mặc áo đỏ. Màu tím của rừng sim thể hiện một quá khứ níu kéo vì nó quá đẹp và mộng mơ, nhưng bức tranh Hà Lan vẽ con đường rừng sim thì tông màu lại diễn tả cảnh đêm, không phải là những thứ tươi sáng trong mắt của Ngạn. Victor Vũ cũng hết hù dọa như đặc trưng phim của ảnh xưa giờ, rất tốt. Giờ mình viết thêm câu kế nữa thì sẽ thừa, vì ai cũng công nhận, ai cũng nói nhưng vẫn phải viết bởi nó xuất sắc quá mà. Cảnh Huế thực sự làm con tim tan chảy.
TL;DR: Coi Mắt Biếc khóc nhiều vãi nhưng sau đó thì tức vãi, viết bài này để nói là sau này sẽ không bao giờ viết cho những bộ phim cẩu huyết, vũng lầy to nữa.
Chú thích:
[1] Thoại của Red trong Shawshank Redemption đoạn Andy đã vượt ngục
[2] Thoại của ngài Thống Đốc nói với con gái Elizabeth trong Cướp biển vùng Caribe: Lời nguyền tàu Ngọc trai Đen.
Bài viết chỉ nói về phim không nhắc đến nguyên tác!