(Được viết lại từ góc nhìn của một người mẹ)
Năm 18 tuổi sau khi lấy chồng, tôi chuyển lên Sài Gòn bước vào đời sống gia đình đầu tiên. Quyết định này liệu có là đúng hay không cho đến tận bây giờ tôi cũng không biết nữa chỉ biết đối với tôi nó là một quyết định khó khăn, đừng nói những thứ lý tưởng mà người ta hằng nói như “hạnh phúc”, “giàu sang” tôi chỉ muốn ra đi cho ba mẹ không còn gây gõ, cuộc sống có lẽ là những lần lựa chọn như thế.
Năm 20 tuổi tôi mang đứa con đầu lòng, cuộc sống người ta nhìn tôi nói vất vả, chồng tôi thì làm nay đây mai đó, tôi thì làm chà nhà vệ sinh trong bệnh viện, ăn ké đồ thừa của căn tin, vất vả hả tôi cũng không biết nữa nhưng tôi bắt đầu nghĩ về tương lai con của mình, không biết nó sẽ nên như thế nào, giống tôi bây giờ sao, không! Đời mình đã như thế này, con mình chả lẽ cứ như mình! Khổ lắm!
Khi con tôi 5 tuổi, lần đầu tiên tôi đánh con mình dữ dội đến vậy, tôi mệt, rất mệt, nhưng tôi lại cảm thấy gì đó hụt hẫng, tôi nhớ đến lần ba tôi đánh tôi nhiều nhất đó là chôn tôi xuống dưới đất, chỉ chừa cái đầu tôi ở trên thôi, mặc ai khóc la, tôi phải ở một ngày như vậy đến khi chiều xuống. Sau này nói chuyện được với một vài chị điều dưỡng có người hồi kiều họ mới kể tôi nghe về nước Mỹ nơi mà người Việt mình chỉ dám phạt con nặng nhất là cho con đứng vào góc tường thôi, đôi khi nhẹ nhàng như vậy trẻ vẫn gọi điện thoại cho cảnh sát và phụ huynh đó không được gặp con mình nữa.
Khi con tôi lên 7, lần đầu tiên tôi cho con đi học thêm, lý do à, tôi nhìn người ta thôi, mấy chị điều dưỡng rồi cả bác sĩ ai ai cũng cho con đi học thêm, không lớp này thì lớp khác. Hỏi tôi à, nói thật tôi không biết học thêm là gì khi mà hồi đó xung quanh tôi hay kể cả tôi có học thêm gì đầu, chỉ đi đi rồi về về trường để còn buôn bán phụ gia đình này nọ, nhưng, tôi vẫn cho con mình học, thứ tôi biết là đời tôi khổ hơn người ta vì tiền bạc vì địa vị bị người ta khinh thường, mắng mỏ, đôi khi chả xem mình ra gì trong một cái tổ chức, tôi không muốn đời con mình giống vậy dù tôi không biết liệu việc mình làm là đúng hay không.
Năm con học lớp 4 nó đòi học tiếng Nhật, khi đó tôi cũng không biết nước Nhật là nước như thế nào, người Nhật như thế nào, ở đâu, chỉ toàn coi phim Hồng Kông và Việt Nam thôi mà họ cũng toàn lồng tiếng, tôi không biết về nó, nhưng khi đó nhà nhà người người đều rủ nhau học tiếng Anh, kể cả mấy người trong bệnh viện tôi chỉ biết tiếng Anh một tý mà họ đã có thể chuyển chỗ làm, lương thì tăng, họ hàng gần xa lần nào về thì cũng thế, cũng thủ thỉ nhau đưa con mình học tiếng Anh. Tôi không biết tiếng Nhật là gì với một người lao động như tôi nhưng khi nhìn xã hội tôi lại thấy tiếng Anh “có lẽ” sẽ giúp con tôi đỡ khổ hơn chúng tôi bây giờ hoặc ít nhất cũng bằng không thua thiệt với bạn bè ngoài kia, chúng tôi đã bắt nó đi học tiếng Anh, nhưng rồi hai năm trôi qua cũng không có kết quả.
Năm con tôi lớp 7, lần đầu tiên tôi thấy nó mệt mỏi như thế, nó thức tận 1 giờ sáng đến 6 giờ sáng thì nó đã dậy, rồi đến cái hôm nó cầm tôi tờ giấy đề môn Công Nghệ, tờ giấy đó tôi vẫn còn nhớ rõ, 4 trang in 2 mặt dành cho kiểm tra 1 tiết, con tôi nói nó muốn xin mẹ cho nó phao lần kiểm tra này, nó học không vô nữa, nó chịu không nổi, nó mệt quá, tôi còn nhớ ánh mắt hôm đó, những đường gân máu trong mắt, cọng lông mi thì cọng cao cọng thấp, có lớp quần đen dưới khuy mắt đó, làn da nó thì sần sùi. Tôi lại tiếp tục hỏi bản thân mình về những thứ đang diễn ra có đúng hay không? Hay đây có phải điều tôi muốn? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện đó?
Khi con tôi chuẩn bị lần chuyển cấp thứ 2, đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy con tôi khóc nhiều như vậy, khóc không phải vì chuyển trường hay xa bạn mà lại khóc và đòi quyền lựa chọn trường của mình, nó không muốn vô trường điểm của quận mà chỉ muốn vào một trường tầm trung mà nó yêu thích, nó khóc nhiều lắm còn chồng tôi thì chỉ biết mắng nhiết nó. So với lần đòi học tiếng Nhật không chịu học tiếng Anh khi xưa, lần này mạnh mẽ hơn rất nhiều lần, hôm đó tôi không nói gì với nó cả, chỉ biết ôm nó và vỗ, vỗ từng cái thật nhẹ, chỉ muốn nó nín khóc, chỉ muốn nó đỡ hơn, tôi đã nghĩ như thế.
Năm nó 18 nó nhắn tin cho tôi con rớt đại học, tôi liền bật máy gọi cho nó “nếu rớt đại học thì mình học cao đẳng, nếu rớt cao đẳng thì mình học trung cấp, còn nếu rớt thì cũng chả sao cả, ngoài kia kia nữa còn rất nhiều thứ mà mình có thể làm”. Mấy lời đó được nói ra ngay lập tức mà tôi chẳng kịp dừng lại một hơi nào, tôi không biết tôi chuẩn bị những từ ngữ này lúc nào hay tôi sẽ định nói khi nào, nhưng khi hồi sau nghĩ nó cũng chẳng chỉ là những lời nói để dỗ dành còn mình, có lẽ tôi đã suy nghĩ về nó từ rất lâu rồi.
Quan điểm về giáo dục con cái à, nếu mà ngồi xuống suy nghĩ mà tôi đã trải suốt khoảng thời gian qua để nuôi nấng con mình chắc là chả có quan điểm nào cả mà chỉ là sự thích ứng theo thời gian. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm mẹ, lần đầu tiên được làm phụ huynh, tôi cũng không được ăn học quá nhiều như người ta hay là vô một cái lớp gì đó nói về cách dạy con. Chỉ khởi đầu là những cái bắt chước, bắt chước từ chính ba mẹ mình, họ đã làm gì để nuôi dạy mình, rồi đến những người xung quanh, rồi đến những người gặp chỉ được vài lần, rồi đến lúc tôi sai tôi lại tiếp tục học cách cải thiện nó, từ tiền bạc địa vị và cả cảm xúc gia đình, cứ như thế từng bậc thang tôi bước lên hằng ngày. Chắc nhiều người ngoài kia học cao hoặc này nọ họ có nhiều cách giáo dục hay quan điểm hay lắm, tôi chẳng giỏi bằng họ nhưng cái tôi biết tôi yêu thương con mình rất nhiều, tôi sẽ làm tất cả để con mình có thể tốt hơn, tôi có thể hi sinh cho con mình nhiều thứ để con mình có được cuộc sống hạnh phúc, nhìn đi nhìn lại hay xa gần chẳng phải chung quy điều cha mẹ mong muốn là con mình được hạnh phúc không phải sao?
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất