David Matthews - Chủ nghĩa tư bản & Sức khỏe tinh thần
Trong xã hội, chỉ có một số ít mới có may mắn cảm thấy thỏa mãn trong công việc. Với đa số mọi người, công việc là một trải nghiệm mang lại bất mãn.
Cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang càn quét toàn cầu. Ước tính gần đây từ Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, thế giới có hơn 300 triệu người mắc bệnh trầm cảm. 23 triệu người được cho là đang trải qua những triệu chứng tâm thần phân liệt. Mỗi năm, số người tự sát là xấp xỉ 800 nghìn. Ở các quốc gia tư bản độc quyền, những rối loạn về sức khỏe tâm thần nằm trong số những nguyên nhân hàng đầu làm giảm tuổi thọ, theo sau bệnh tim mạch và ung thư. Tại Liên minh châu Âu, 27% dân số trong độ tuổi trưởng thành, từ 18-65, từng trải qua những biến chứng về sức khỏe tâm thần. Hơn nữa, chỉ riêng tại Anh, tình trạng sức khỏe tâm thần yếu kém đã dần lan rộng trong hai thập kỉ trở lại đây. Điều tra cấp quốc gia về bệnh tâm thần ở người trưởng thành gần đây nhất đã cho thấy, vào năm 2014, 17.5% số người trên 16 tuổi mắc những hình thức trầm cảm hoặc âu lo khác nhau, trong khi con số năm 1993 là 14.1%. Thêm vào đó, số người có trải nghiệm nghiêm trọng đến mức cần có can thiệp tăng từ 6.9% lên 9.3%.
Trong xã hội tư bản, những giải thích sinh học chiếm ưu thế trong số những kiến thức về sức khỏe tâm thần và có ảnh hưởng lên thực hành chuyên môn và nhận thức của cộng đồng. Tiêu biểu trong đó là lí thuyết về tình trạng mất cân bằng chất hóa học trong não bộ—tập trung vào hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin hay dopamine. Lí thuyết này đã bám chặt vào ý thức của công chúng và giới học thuật mặc dù vẫn có lượng ý kiến không ủng hộ. Hơn nữa, suy xét mức độ phổ biến của thuyết giản lược áp dụng vào di truyền học (genetic reductionism) trong phạm vi các ngành sinh học, có thể thấy đang tồn tại một nỗ lực xác định những bất thường về gene là một nguyên nhân khác của các rối loạn sức khỏe tâm thần. Mặc dù vậy, những giải thích dựa trên hệ gen học (genomics) cũng đã không thể cho ra bằng chứng thuyết phục.
Những diễn giải sinh học, dù có nhiều tiềm năng trong việc cung cấp những hiểu biết sâu sắc về sức khỏe tâm thần suy yếu trong những trường hợp cụ thể, nhưng chỉ riêng chúng thì không thể đầy đủ. Sự tồn tại của những kiểu mẫu xã hội nổi bật cho thấy vô cùng rõ ràng rằng, không thể quy giản tình trạng sức khỏe tâm thần suy yếu về thuyết quyết định sinh học (biological determinism) được.
Mối quan hệ mật thiết giữa sức khỏe tâm thần và các điều kiện xã hội phần lớn vẫn bị che khuất, khi người ta dùng bộ khung y sinh (bio-medical framework) để diễn giải các nguyên nhân xã hội và tìm cách che đậy bằng những thuật ngữ khoa học. Các chẩn đoán thường bắt đầu và kết thúc ở cá nhân, xác định ra các nguyên nhân với những nguyên nhân mang tính quy chất sinh học mà bỏ qua việc xem xét những yếu tố xã hội. Tuy vậy, các hình thức tổ chức xã hội, chính trị, kinh tế cần được công nhận là có góp phần đáng kể vào sức khỏe tâm thần của con người. Trong đó, một số cấu trúc xã hội nhất định có lợi hơn cho sự phát triển của sức khỏe tinh thần so với những cấu trúc khác. Là nền móng cho sự hình thành các cấu trúc thượng tầng của xã hội, chủ nghĩa tư bản là một yếu tố quyết định chính gây nên sức khỏe tâm thần yếu kém. Iain Ferguson, một giáo sư Marxist trong ngành công tác và chính sách xã hội từng khẳng định, “hệ thống kinh tế và chính trị chủ nghĩa tư bản chi phối cuộc sống của chúng ta chính là thứ chịu trách nhiệm cho các vấn đề sức khỏe tâm thần ở mức rất cao như ta đang thấy khắp thế giới.” Những đau khổ tinh thần chỉ có thể thuyên giảm khi “xã hội không còn sự bóc lột và áp bức”.
Trong những nội dung tiếp theo, tôi phác thảo qua hiện trạng sức khỏe tâm thần ở xã hội có chủ nghĩa tư bản mức cao, với ví dụ là nước Anh. Đồng thời, tôi sử dụng khung nghiên cứu phân tích tâm lý của học giả Marxist Erich Fromm. Khung nghiên cứu này nhấn mạnh rằng tất cả con người đều có những nhu cầu nhất định cần phải được thỏa mãn nhằm đảm bảo sức khỏe tâm thần tối ưu. Ủng hộ khẳng định của Ferguson, tôi cho rằng, chủ nghĩa tư bản là yếu tố chủ chốt, quyết định nên trải nghiệm cũng như hiện trạng đang phổ biến của sức khỏe tâm thần, do các hoạt động của nó không hề tương thích với nhu cầu đích thực của con người. Phác thảo sau đây sẽ bao gồm mô tả về phong trào gắn với sự thức tỉnh về chính trị của những người sử dụng các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Phong trào này đã nổi lên tại Anh trong vài năm nay nhằm chất vấn những giải thích sinh học cho các vấn đề sức khỏe tâm thần, đồng thời kêu gọi việc xác định tình trạng bất bình đẳng và chủ nghĩa tư bản là trọng tâm vấn đề.
Sức khỏe tâm thần và chủ nghĩa tư bản độc quyền
Trong các chương cuối của Monopoly Capital, Paul Baran và Paul Sweezy đã nêu bật những hệ quả của chủ nghĩa tư bản độc quyền đối với sức khỏe tâm lí. Hệ thống này đã thất bại trong việc “mang đến nền tảng cho một xã hội thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và hạnh phúc cho những thành viên của nó”. Bằng dẫn chứng về việc chủ nghĩa tư bản độc quyền đang lan rộng một cách bất thường, hai tác giả đã cho thấy bản chất gây suy thoái của nó. Chỉ có một số ít mới có may mắn cảm thấy thỏa mãn trong công việc. Trong khi đó, với đa số mọi người, công việc là một trải nghiệm mang lại bất mãn. Giải trí, một nỗ lực né tránh công việc bằng mọi giá, hầu như không thể đem đến sự an ủi nào, khi mà chính nó cũng bị biến thành vô nghĩa. Với phần đông mọi người, giải trí không phải là một cơ hội để thỏa mãn những đam mê. Thay vào đó, nó đồng nghĩa với sự lười (hiểu theo nghĩa không làm gì cả - idleness). Mong muốn được không-làm-gì được phản ánh thông qua văn hóa đại chúng. Sách báo, truyền hình, phim ảnh khuyến khích trạng thái hưởng lạc thụ động thay vì đòi hỏi năng lượng trí tuệ. Mục đích của cả lao động và thư nhàn, như hai tác giả khẳng định, đã hợp với nhau xung quanh mức độ tiêu thụ gia tăng. Hàng hóa tiêu dùng không còn được tiêu thụ vì mục đích sử dụng, thay vào đó, chúng trở thành chỉ dấu cho địa vị xã hội, còn hành vi tiêu thụ là cách thức một cá nhân phô diễn vị trí xã hội của mình. Tuy vậy, chủ nghĩa tiêu dùng sinh ra sự bất mãn khi khao khát thay mới những sản phẩm cũ đã biến việc duy trì địa vị xã hội trở thành cuộc chạy đua không ngừng cho một tiêu chuẩn vốn không thể đạt tới. “Dù thỏa mãn các nhu cầu tồn tại cơ bản, [cả công việc lẫn sự tiêu dùng] càng lúc càng mất đi nội hàm của nó.” Kết quả là một xã hội trống rỗng và xuống cấp. Khi giai cấp lao động không có vẻ là sẽ dấy lên hành động cách mạng, thực tế trước mắt sẽ là sự tiếp nối của “quá trình mục ruỗng, ở đó, sự đối nghịch giữa ràng buộc của hệ thống và những nhu cầu cơ bản của con người trở nên quá mức chịu đựng”, dẫn đến “sự lan rộng của những rối loạn tâm thần ngày một nghiêm trọng.” Trong kỉ nguyên chủ nghĩa tư bản độc quyền ngày nay, tình trạng mâu thuẫn này vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Xã hội tư bản độc quyền hiện đại có đặc trưng là tính bất tương thích giữa một mặt là sự theo đuổi lợi nhuận không ngừng của chủ nghĩa tư bản và một mặt là những nhu cầu thiết yếu của con người. Hệ quả là những điều kiện cho sức khỏe tinh thần tối ưu bị phá hủy một cách thô bạo, còn xã hội xuất hiện đầy rẫy những vấn đề thần kinh và sức khỏe tâm thần nghiêm trọng.
Erich Fromm: Sức khỏe tâm thần và bản chất con người
Những hiểu biết của Baran và Sweezy về mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản độc quyền và cá nhân hầu hết chịu ảnh hưởng từ phân tâm học. Hai tác giả viện dẫn trung tâm của các năng lượng tiềm ẩn như ham muốn tình dục và nhu cầu được thỏa mãn. Hơn nữa, họ chấp nhận quan niệm trường phái Freud, cho rằng trật tự xã hội đòi hỏi phải đàn áp dục năng và sự thăng hoa của chúng (sublimation) vì những mục đích xã hội chấp nhận được. Bản thân Baran cũng từng viết về phân tâm học. Ông có kết hợp cùng Viện Nghiên cứu Xã hội ở Frankfurt đầu những năm 1930 và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ công trình của Eric Fromm và Herbert Marcuse. Chính trong phạm vi của khung nghiên cứu rộng lớn này xác định được một lý thuyết về sức khỏe tâm thần từ những phân tích của Baran và Sweezy: những mâu thuẫn giữa chủ nghĩa tư bản và nhu cầu của con người biểu hiện chủ yếu thông qua việc đàn áp năng lượng con người. Fromm nổi tiếng với việc phát triển một vị trí phân tâm học Marxist độc đáo, và vẫn có giá trị trong nghiên cứu sức khỏe tâm thần ngày nay, giữa thời đại của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Đây là xuất phát điểm cho những phát biểu của Baran.
Ngoài Sigmund Freund, Fromm cũng ghi nhận ảnh hưởng to lớn từ Karl Marx, công nhận Marx là một nhà trí thức ưu việt. Một mặt, Fromm chấp nhận tiền đề trường phái Freud về vô thức và sự đàn áp đối với thôi thúc vô thức. Tuy vậy, ông nhận ra sự thất bại trong học thuyết Freud chính thống khi học thuyết này không thể tích hợp những hiểu biết xã hội học sâu hơn về cá nhân vào những phân tích. Hướng sang học thuyết Marx, Fromm xây dựng một lí thuyết về cá nhân—cá nhân sở hữu ý thức định hình bởi chủ nghĩa tư bản khi mà những thôi thúc trong vô thức chịu đè nén hay điều hướng về những hành vi được xã hội chấp nhận. Mặc dù Marx chưa bao giờ đưa ra lí thuyết chính thức nào về tâm lí học, Fromm cho rằng, khái niệm vong thân của Marx có nền tảng tâm lí học. Đối với Karl Marx, vong thân là một biểu hiện cho những tác động đáng sợ về thể chất và tinh thần mà chủ nghĩa tư bản gây ra cho con người. Nó thể hiện sự xa lìa con người cảm nhận ở chính bản thân mình và thế giới xung quanh, bao gồm những con người khác. Khái niệm này đã đem lại giá trị cụ thể trong việc hiểu về sức khỏe tâm thần ở chỗ, nó khắc họa sự khác biệt xuất hiện dưới chủ nghĩa tư bản giữa sự tồn tại của con người và bản chất người. Đối với Marx, chủ nghĩa tư bản đã phân tách cá nhân ra khỏi bản chất người như một hệ quả đến từ sự tồn tại của họ. Được bao phủ bởi nguyên lí này, khung nghiên cứu phân tâm của Fromm khẳng định rằng, dưới chủ nghĩa tư bản, con người bị xa lìa khỏi bản chất của chính mình.
Marx lập luận rằng, bản chất người bao gồm những phẩm chất kép: chúng ta “trước tiên, phải ứng phó với bản chất người nói chung, rồi sau đó, ứng phó với bản chất người trải qua biến đổi trong mỗi thời kì lịch sử”. Có những nhu cầu là không đổi, ví dụ như cơn đói hay ham muốn tình dục, rồi lại có những ham muốn có tính tương đối có nguyên do là cách thức tổ chức xã hội mang tính lịch sử và văn hóa. Ảnh hưởng bởi Marx, Fromm cho rằng, bản chất con người vốn có trong mọi cá nhân, nhưng những biểu hiện thấy được của nó lại phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh xã hội. Không thể giả định rằng “cấu tạo tâm thần của con người là một tờ giấy trắng trơn để xã hội và nền văn hóa viết lên, và nó không có phẩm chất nội tại của riêng nó… Vấn đề thực sự là việc nhìn vào vô vàn những biểu hiện của bản chất con người để suy ra điểm chung cốt lõi của toàn thể loài người.” Fromm công nhận tầm quan trọng của những nhu cầu sinh học cơ bản như ăn uống, giấc ngủ và tình dục. Đó là những yếu tố cấu thành bản chất con người và cần được đáp ứng trước tiên. Tuy vậy, trải qua tiến hóa, con người dần chạm tới điểm siêu việt, từ tính động vật đến tính người độc đáo. Khi con người có khả năng làm chủ tự nhiên, việc thỏa mãn những nhu cầu sinh học cơ bản càng lúc càng dễ dàng hơn. Cùng với đó, thôi thúc có được sự thỏa mãn trở nên bớt quan trọng khi mà quá trình tiến hóa đã mở ra sự phát triển của năng lực trí tuệ và cảm xúc phức tạp hơn. Do vậy, những thôi thúc lớn nhất trong một cá nhân không còn mang gốc rễ sinh học, mà là điều kiện con người.
Nhận thấy cần thiết phải xây dựng sự hiểu biết về bản chất con người để làm cơ sở đánh giá sức khỏe tâm thần, Fromm xác định ra 5 tính chất trung tâm của điều kiện con người. Đầu tiên là tính liên hệ. Ý thức được sự đơn độc của mình trong thế giới, con người cố gắng thiết lập những mối liên kết toàn thể. Không có điều này, sự tồn tại cá nhân là không thể chịu đựng được. Thứ hai, sự thống trị mà con người có đối với tự nhiên cho phép có được thỏa mãn về nhu cầu sinh học dễ dàng hơn, có được sự phát triển của khả năng con người, đóng góp vào sự phát triển tính sáng tạo. Con người phát triển khả năng thể hiện trí tuệ sáng tạo, biến đổi nó trở thành một đặc điểm người cốt lõi cần phải được thỏa mãn. Thứ ba, về khía cạnh tâm lí, con người đòi hỏi có cội rễ và cảm nhận về sự thuộc về. Khi con người sinh ra cũng là lúc liên kết của sự thuộc về mang tính tự nhiên mất đi, từ đây các cá nhân không ngừng tìm kiếm cảm thức nguồn cội để thấy hòa làm một với thế giới. Một cảm nhận thật sự về sự thuộc về chỉ có để đạt được trong một xã hội xây dựng nên bởi sự đoàn kết. Thứ tư, con người khao khát và phát triển một bản thể, hay nhân vị. Tất cả các cá nhân đều phải xác lập một ý thức về bản thân, về việc mình là một con người cụ thể. Thứ năm, tâm lý con người đòi hỏi phải phát triển một khung định hướng mà qua đó họ có thể hiểu về thế giới cũng như những trải nghiệm của bản thân họ.
Sự thỏa mãn những thôi thúc này—đại diện cho cái mà Fromm gọi là bản chất người phổ quát—đóng vai trò thiết yếu cho một sức khỏe tâm thần tối ưu. “Sức khỏe tâm thần có được khi con người phát triển hoàn chỉnh dựa theo những đặc điểm và quy luật của bản chất con người. Những chứng bệnh tâm thần có nguyên nhân đến từ việc sự phát triển ấy gặp thất bại.” Phủ nhận một hiểu biết phân tâm học chú trọng sự thỏa mãn dục năng và các thôi thúc sinh học khác, Fromm cho rằng, sức khỏe tâm thần có liên kết vốn có với sự thỏa mãn các nhu cầu riêng có ở người. Mặc dù vậy, dưới chủ nghĩa tư bản, sự thỏa mãn về tâm lí trọn vẹn bị cản trở. Nguồn gốc của sức khỏe tâm thần kém nằm ở phương thức sản xuất và những cấu trúc chính trị xã hội tương ứng. Tổ chức của các cấu trúc này cản trở việc thỏa mãn hoàn toàn những khao khát bẩm sinh của con người. Tác động xảy đến với sức khỏe tâm thần đó là “nếu một trong số những nhu cầu cơ bản không được đáp ứng sẽ gây nên điên rồ; còn nếu được đáp ứng nhưng theo một cách không thỏa mãn… thì chứng loạn thần kinh… sẽ là hậu quả.”
Công việc và sự đè nén tính sáng tạo
Giống như Marx, Fromm khẳng định rằng những khao khát bản năng cho sự sáng tạo có cơ hội được thỏa mãn nhiều nhất thông qua lao động. Trong Bản thảo Kinh tế và Triết học năm 1844, Marx lập luận đanh thép rằng, lao động phải là một trải nghiệm trọn vẹn, cho phép các cá nhận được tự do biểu đạt, cả về thể chất lẫn tinh thần. Công nhân phải thấy mối liên hệ giữa mình và sản phẩm đến từ lao động của họ, và thấy đó là sự biểu hiện đầy ý nghĩa cho bản chất và tính sáng tạo bên trong con người mình. Mặc dù vậy, lao động dưới chủ nghĩa tư bản là một trải nghiệm mang lại xa lìa, khiến các cá nhân tách rời khỏi quá trình nó diễn ra. Lao động bị làm cho xa lìa, là “lao động ở bên ngoài người công nhân, nghĩa là nó không thuộc về bản thể của anh ta và do đó, anh ta không khẳng định mình mà thay vào đó, phủ định chính mình, anh ta không cảm thấy hài lòng, mà thấy bất hạnh, anh ta không phát triển được năng lực thể chất và tinh thần một cách tự do, mà thay vào đó, tàn phá cơ thể và hủy hoại tâm trí mình.” Dưới chủ nghĩa tư bản, những nỗ lực lớn lao được người ta bỏ ra nhằm đảm bảo năng lượng con người chuyển vào lao động, ngay cả khi lao động ấy thường là khó nhọc và tẻ nhạt. Thay vì thỏa mãn nhu cầu biểu hiện tính sáng tạo, lao động thường xuyên kìm nén năng lượng con người thông qua những nghĩa vụ đơn điệu và bào mòn của hoạt động làm công ăn lương.
Tại Anh, sự bất mãn với công việc đang lan rộng. Một khảo sát vào năm 2018 đã ước tính 47% nhân viên sẽ cân nhắc tìm kiếm công việc mới vào năm sau. Những lí do được đưa ra có thể kể đến như: thấy trước cơ hội thăng tiến là vô cùng ít ỏi, cùng với đó là không yêu thích công việc và nhân viên cảm thấy họ không tạo ra sự khác biệt nào. Những lí do này bắt đầu diễn tả một tình cảnh vong thân đã ăn sâu trong quá trình lao động. Nhiều người trải nghiệm làm việc với rất ít ý nghĩa và cơ hội có được sự trọn vẹn và thể hiện bản thân.
Từ những bằng chứng như thế, một khẳng định có thể nêu lên ở Anh, cũng như ở nhiều quốc gia tư bản độc quyền khác, một bộ phận lớn lực lượng lao động cảm nhận họ không có kết nối với công việc và không coi công việc là một trải nghiệm mang tính sáng tạo. Theo Fromm, hiện thức hóa những nhu cầu sáng tạo là yếu tố cơ bản để có sức khỏe tâm thần tốt. Sinh ra với tính và trí tưởng tượng, con người không thể tồn tại thụ động mà phải hành động để tạo tác. Tuy nhiên, rõ ràng rằng công việc dưới chủ nghĩa tư bản không đạt được mục tiêu ấy. Những bằng chứng đáng chú ý cho thấy, công việc, thay vì đem lại lợi ích cho sức khỏe tâm, ngược lại, nó thực sự đang gây hại. Mặc dù những con số chính xác chưa có được do trải nghiệm là vô hình, có thể suy luận rằng, đối với rất nhiều thành viên tham gia vào lực lượng lao động thì công việc là khía cạnh cuộc sống thường xuyên gợi nên phiền muộn, bất mãn và chán nản. Hơn thế nữa, những tình trạng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn, như căng thẳng, trầm cảm và lo âu, đang xuất hiện ngày một nhiều như hệ quả đến từ sự bất mãn trong công việc. Trong năm 2017-18, những tình trạng như thế chiếm 44% các vấn đề sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp ở Anh, và 57% số ngày lao động mất đi do sức khỏe xấu. Một nghiên cứu nữa vào năm 2017 ước tính 60% nhân viên người Anh có sức khỏe tâm thần yếu do nguyên nhân nghề nghiệp. Theo đó, trầm cảm và lo âu là hai trong số những biểu hiện phổ biến nhất.
Bản chất và tổ chức công việc dưới chủ nghĩa tư bản thay vì là một nguồn đem lại niềm vui, rõ ràng không thể hiện được là một phương tiện giúp thỏa mãn tính sáng tạo của cá nhân. Baran và Sweezy cho rằng, “người công nhân không tìm thấy sự thỏa mãn với những gì anh ta bỏ công sức làm nên.” Thay vào đó, công việc khiến các cá nhân xa lìa khỏi khía cạnh căn bản trong bản chất của họ, và từ đó, nó kích thích sự xuất hiện của những trạng thái tinh thần tiêu cực. Thực trạng là, có khoảng một nửa lực lượng lao động tại Anh từng trải qua các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến công việc và một số lượng lớn hơn nữa những người dường như có một cảm giác chán nản nói chung. Fromm gọi tình trạng này là khiếm khuyết có hình thái xã hội socially patterned defect (vấn đề sức khỏe tâm thần xuất hiện ở đông đảo người dân trong xã hội - ND).
Khi một con người không thể có được tự do, hành động tùy ý, có trải nghiệm chân thật về bản thân, thì anh ta được cho là mắc phải một khiếm khuyết nghiêm trọng. [Điều này dựa trên cơ sở] giả định rằng tự do, tùy ý là những mục tiêu khách quan mà mỗi con người hướng tới. Trong trường hợp mà đa số thành viên trong xã hội không thể đạt được mục tiêu như thế, chúng ta đối mặt với hiện tượng khiếm khuyết mang hình thái xã hội. Cá nhân mang trong mình vấn đề sức khỏe tâm thần giống như rất nhiều người khác. Anh ta sẽ không ý thức được rằng nó là một khiếm khuyết, và sự an toàn của anh ta không bị đe dọa khi anh ta không còn khác biệt, không còn là hiên tượng cá biệt như trước kia.
Không quá lời khi nói rằng, sự xói mòn xảy đến với sức khỏe tâm thần là một phản ứng cơ bản đối với điều kiện làm công ăn lương ở các xã hội chủ nghĩa tư bản độc quyền. Những cảm giác tiêu cực đã trở nên phổ biến và ở những mức độ khác nhau, những cảm giác ấy được xem là phản ứng bình thường trong công việc. Ngoại trừ một số rối loạn tâm thần nghiêm trọng, rất nhiều biểu hiện đau khổ tâm lí bị coi là đương nhiên và không được xem là những vấn đề chính đáng. Do vậy, sự xuống cấp sức khỏe tinh thần đã được bình thường hóa.
Sự gắn kết ý nghĩa và Cô đơn
Đối với Fromm, luôn tồn tại một mối quan hệ cố hữu giữa sức khỏe tâm thần tích cực, những mối quan hệ cá nhân ý nghĩa dưới hình thức tình yêu và tình bạn, và sự các biểu hiện của sự đoàn kết. Nhận thức sâu sắc về sự “đơn độc” của mình trong thế giới, các cá nhân nỗ lực thoát khỏi tù ngục tâm lí của sự cô lập. Mặc dù vậy, chủ nghĩa tư bản vận hành theo cách thường xuyên ngăn cản việc đáp ứng một cách thỏa mãn nhu cầu này. Sự nghèo nàn của các mối quan hệ xã hội trong xã hội tư bản độc quyền được Baran và Sweezy xác định rõ: họ cho rằng, sự phù phiếm đã bao phủ lên hầu hết các tương tác xã hội, điển hình trong những cuộc hội thoại hời hợt và sự hài lòng giả tạo. Những cam kết cảm xúc cần có cho tình bạn và trí lực cần có cho một cuộc trò chuyện đã biến mất khi những tương tác xã hội dần xoay quanh những người quen biết và tán gẫu xã giao. Chủ nghĩa tư bản độc quyền đương thời không phải là ngoại lệ. Có thể nói, một trong những rối loạn thần kinh phổ biến nhất xã hội tư bản chủ nghĩa ngày nay là cô đơn, mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc đo lường mức độ tồn tại và tính chất của nó. Cô đơn ngày càng được coi là mối bận tâm hàng đầu về sức khỏe cộng đồng. Điều đó có lẽ được minh chứng rõ nhất với sự kiện chính phủ Anh bổ nhiệm một Bộ trưởng cho vấn đề Cô đơn vào năm 2018.
Là một chứng loạn thần kinh, cô đơn kéo theo hệ quả gây suy nhược. Người ta có thể lạm dụng rượu và thuốc như cách làm tê liệt sự đau khổ của mình, trong khi những việc làm thường xuyên như thế gây tăng huyết áp và căng thẳng, cùng với những ảnh hưởng xấu đến chức năng tim mạch và hệ miễn dịch. Là một tình trạng sức khỏe tâm thần, sự cô đơn làm trầm trọng thêm những vấn đề tâm thần khác và thường là căn nguyên của trầm cảm. Năm 2017, ước tính 13% người sống tại Anh không hề có bạn bè thân thiết, 17% nữa không có mối quan hệ bạn bè có chất lượng từ trung bình đến tệ. Hơn nữa, 45% khẳng định đã cảm thấy cô đơn ít nhất một lần trong khoảng 2 tuần trước đó và trong số này 18% cảm thấy cô đơn thường xuyên. Mặc dù một mỗi quan hệ gần gũi, yêu thương vốn đóng vai trò ngăn chặn nỗi cô đơn, trong số những người sống với một đối tác thân mật, 47% cho biết họ cảm thấy cô đơn ít nhất một vài lúc và với 16% cảm giác này thường xuyên hiện diện.
Xem xét những kiến tạo khoa học chủ đạo về sức khỏe tâm thần, đã có một số nỗ lực gần đây nhằm xác định các nguyên nhân về di truyền gây nên cô đơn. Theo đó, điều kiện môi trường sống được cho là làm trầm trọng thêm khuynh hướng cô đơn của một cá nhân. Tuy nhiên, ngay cả những phân tích dựa trên cơ sở thuyết quyết định sinh học nhiều nhất cũng kết luận rằng hoàn cảnh xã hội đóng vai trò quan trọng đối với diễn tiến của cô đơn. Dẫu vậy, vẫn còn quá ít nghiên cứu cố gắng giải thích một cách chỉn chu mức độ mà chủ nghĩa tư bản là một nhân tố góp phần.
Chủ nghĩa cá nhân đã luôn ngự trị tối cao như thể một nguyên tắc để xây dựng xã hội tư bản lí tưởng. Nỗ lực cá thể, tinh thần tự lực cánh sinh và sự độc lập được ca ngợi như những đặc trưng “cộp mác” chủ nghĩa tư bản. Quan niệm về con người cá nhân theo cách hiểu ngày nay có nguồn gốc từ phương thức sản xuất phong kiến. Xã hội phong kiến xem trọng những cách thức lao động tập thể, ví dụ như trong gia đình hay làng xã. Những hình thức này đã khuất phục trước sự ép buộc từ các cá nhân, những người phải được tự do để có thể đem bán sức lao động của mình trên thị trường. Trước khi có chủ nghĩa tư bản, cuộc đời con người được tiến hành như là một phần của một nhóm xã hội rộng lớn hơn. Quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản đã phát triển và tạo điều kiện cho sự xuất hiện cá nhân cô lập, khép kín và kiểu gia đình hạt nhân, riêng tư hơn trước. Fromm khẳng định, việc khuyến khích và tôn vinh các đức hạnh của cá thể dẫn đến việc thành viên trong xã hội sẽ cảm thấy đơn độc dưới chủ nghĩa tư bản nhiều hơn so với các phương thức sản xuất trước đây.
Sự đề cao cá nhân của chủ nghĩa tư bản được thể hiện rõ nét hơn thông qua sự đối lập mạnh mẽ với các lí tưởng thuộc chủ nghĩa tập thể và tinh thần đoàn kết, bên cạnh đó là việc chủ nghĩa tư bản ưa chuộng và tạo điều kiện cho sự cạnh tranh. Các cá nhân buộc phải cạnh tranh với nhau nhằm đẩy mạnh sự phát triển cá nhân. Cụ thể, về mặt kinh tế, sự cạnh tranh là một trong những nền tảng để thị trường vận hành. Về mặt ý thức hệ, nó tương ứng với niềm tin phổ biến rằng để thành công, một người cần phải cạnh tranh với những người khác vì nguồn tài nguyên khan hiếm. Sự cạnh tranh gây chia rẽ và cô lập các cá nhân. Những thành viên của xã hội không còn được coi là nguồn tương trợ, thay vào đó, là vật cản bước tiến cá nhân. Những mối liên kết tạo nên thống nhất xã hội do vậy trở nên rệu rã. Do đó, sự cô đơn đã gắn liền vào cấu trúc của mọi xã hội tư bản như một kết quả tất yếu từ hệ thống giá trị của xã hội đó.
Cô đơn không chỉ là một phần căn bản trong hệ tư tưởng tư bản, tình trạng này còn trở nên tồi tệ hơn do chính chức năng của chủ nghĩa với tư cách là một hệ thống. Chủ nghĩa tư bản tạo ra thôi thúc không ngừng cho sự mở rộng bản thân (self-expansion). Hệ quả là, tăng trưởng sản xuất là một đặc điểm cơ bản của nó. Ý tưởng về việc mở rộng sản xuất từ khi trở thành một khái niệm có tính tiên đề rất hiếm khi gặp phải chất vấn. Cái giá con người của việc này rất nghiệt ngã khi mà công việc đã chiếm ưu thế so với việc đầu tư vào mối quan hệ xã hội. Hơn nữa, các cải cách tân tự do đã khiến nhiều công nhân có công việc bấp bênh hơn, họ cũng có ít hơn sự bảo vệ và quyền lợi được đảm bảo và số giờ làm việc—tất cả những điều này chỉ càng làm sự cô đơn thêm trầm trọng. Tăng cường quá trình vô sản hóa lực lượng lao động, với số lượng công nhân tồn tại trong một trạng thái bất định và trải qua thêm nhiều bóc lột đã trở nên lớn hơn bao giờ hết, vị thế trung tâm của công việc lại càng lớn hơn khi mà nguy cơ không có việc làm, hay không có khả năng đảm bảo một mức sống tạm đủ, đã trở thành thực tế mà rất nhiều người trong một thị trường lao động “linh hoạt” đang phải trải qua. Các cá nhân giờ đây không có lựa chọn nào ngoài việc phải cống hiến thêm thời gian cho công việc và cùng lúc, chính việc đó lấy đi của họ khả năng thiết lập những mối quan hệ có ý nghĩa.
Chú ý ngày càng nhiều dành cho công việc có thể được mô tả trong mối quan hệ với các cách thức làm việc. Tuy thời gian lao động trong tuần tăng lên ở Anh sau khủng hoảng tài chính 2007-09, bức tranh lớn hơn nhìn vào hai thập kỉ vừa qua cho thấy chiều hướng đi xuống. Mặc dù vậy, người lao động part-time lại có thời gian làm việc tăng, số lượng công việc part-time cũng tăng. Thêm vào đó, trong giai đoạn 2010–2015, số người tham gia vào lao động và có hơn 48 giờ làm việc mỗi tuần đã tăng 15% (đây là giới hạn theo luật định; giờ làm thêm phải được chủ và nhân viên đồng thuận). Thêm vào đó, năm 2016, một khảo sát dành cho nhân viên cho thấy 27% có thời gian làm việc dài hơn họ mong muốn và điều này đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ. 31% cảm thấy công việc của họ đã can thiệp vào cuộc sống riêng tư. Đáng chú ý, sự cô đơn không chỉ là một đặc điểm của cuộc sống bên ngoài công việc mà còn là một trải nghiệm xảy ra ngay trong công việc. Năm 2014, ước tính 42% nhân viên Anh không coi bất cứ đồng nghiệp nào là một người bạn thân thiết, và rất nhiều người cảm thấy cô lập tại nơi làm việc.
Việc tham gia nhiều hơn vào những hoạt động sản xuất khiến các mối quan hệ riêng tư bị ảnh hưởng. Hai chuyên gia tâm thần học Jacqueline Olds và Richard Schwartz gọi đây là “sùng bái sự bận rộn”. Mặc dù hai chuyên gia đã xác định chính xác xu hướng này, họ lại đánh giá nó dựa trên cơ sở liệu người lao động có cảm thấy được tự do lựa chọn một cuộc đời như thế hay không. Việc này bỏ qua mất bất cứ phê bình nghiêm túc dành cho chủ nghĩa tư bản và thực tế, sùng bái sự bận rộn đã và đang trở thành một hệ quả từ nhu cầu mở rộng bản thân vốn có trong hệ thống kinh tế. Bên cạnh đó, Olds và Schwartz đã không chấp nhận rằng xu hướng này chính là một phản ánh về tổ chức cấu trúc của thị trường lao động, nơi khiến công việc trở thành bắt buộc, không còn là một lựa chọn nữa. Tránh khỏi cô đơn và tìm kiếm những mối quan hệ có ý nghĩa vốn là những khao khát cơ bản của con người, nhưng chủ nghĩa tư bản đã ngăn cản việc đáp ứng một cách tốt đẹp (satisfactory fulfillment) cùng với đó, ngăn cản những cơ hội để hình thành gắn kết tình yêu và tình bạn, để làm việc và chung sống trong sự đoàn kết. Để đáp lại, Baran và Sweezy cho rằng, nỗi sợ hãi bị rơi vào nỗi cô đơn đã thúc đẩy con người tìm cho mình một số mối quan hệ xã hội kém thỏa mãn nhất, và rốt cuộc lại càng gây ra những cảm giác bất mãn nhiều hơn.
Chủ nghĩa Vật chất và Cuộc Tìm kiếm Bản thể và Sự sáng tạo
Đối với chủ nghĩa tư bản độc quyền, tiêu thụ là phương pháp sống còn để thu được giá trị thặng dư. Trong kỉ nguyên chủ nghĩa tư bản cạnh tranh, Marx đã không thể thấy trước nỗ lực bán hàng rồi sẽ tiến hóa cả về lượng và chất ra sao để trở nên quan trọng đối với phát triển kinh tế. Quảng cáo, khác biệt hóa sản phẩm, tính lỗi thời được lên kế hoạch, tín dụng tiêu dùng đều là những phương tiện thiết yếu nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng. Cùng lúc đó, không bao giờ thiếu những cá nhân sẵn sàng tiêu thụ. Fromm xác định, bên cạnh việc chấp nhận tham gia lao động, khao khát tiêu dùng cũng đươc là một đặc tính quan trọng trong đời sống dưới chủ nghĩa tư bản. Ông cho rằng nó là một ví dụ tiêu biểu trong số những công dụng từ việc khai thác năng lượng của con người: hỗ trợ nền kinh tế.
Khi hàng hóa tiêu dùng được coi trọng bởi vẻ ngoài hơn là chức năng dự tính mà nó có, con người đã đi từ chỗ tiêu thụ giá trị sử dụng đến chỗ tiêu thụ giá trị biểu tượng. Quyết định tham gia vào nền văn hóa đại chúng và mua sắm một loại điện thoại di động, một nhãn hàng ngành may mặc thường dựa trên điều mà sản phẩm được cho là sẽ giúp nói lên về người mua nó. Thông thường, thông qua phương pháp cơ bản trong chủ nghĩa tiêu dùng, các cá nhân có thể tạo dựng bản sắc cá nhân của mình. Con người thường dành nhiều cảm xúc cho những ý nghĩa đi kèm với món hàng tiêu dùng, với hi vọng rằng bất cứ phẩm chất vô hình nào mà thứ đồ đó có sẽ được truyền sang họ thông qua sự sở hữu. Dưới chủ nghĩa tư bản độc quyền, chủ nghĩa tiêu dùng nghĩa là tiêu thụ các ý niệm hơn là thỏa mãn những nhu cầu sinh lí và tâm lí vốn có. Fromm khẳng định rằng “tiêu thụ nên là một hành động cụ thể của con người, trong đó những giác quan, nhu cầu của cơ thể, gu thẩm mĩ đều tham gia vào: hành động tiêu thụ nên là một trải nghiệm có ý nghĩa. Trong văn hóa của chúng ta, điều đó rất ít ỏi. Tiêu thụ về bản chất là sự thỏa mãn của những ảo vọng được kích thích một cách giả tạo.”
Nhu cầu có được bản sắc (tính bản thể) và sự thỏa mãn thông qua sáng tạo đã tạo động lực cho cơn thèm khát tiêu thụ không thể khỏa lấp. Tuy vậy, mỗi quyết định mua sắm thường không thể thực hiện lời hứa của nó. Rất hiếm khi sự thỏa mãn thực sự đạt được thông qua tiêu thụ, bởi cái ta tiêu thụ là một ý tưởng giả tạo (artificial idea) thay vì là một sản phẩm đem ý nghĩa thấm vào sự tồn tại của chúng ta. Trong quá trình ấy, chủ nghĩa tiêu thụ, dưới hình thức của vong thân, hiện lên rất rõ. Không còn việc tiêu thụ một sản phẩm vốn được thiết kế để thỏa mãn nhu cầu nội tại. Hàng tiêu dùng thể hiện bản chất phi tự nhiên thông qua những hàm ý và hình tượng được chế tạo. Những đặc điểm này được thiết kế nhằm mục đích kích thích và thỏa mãn một nhu cầu đã được định sẵn. Bất cứ bản sắc nào một cá nhân mong muốn có, hay cảm thấy họ đã lấy được từ việc tiêu thụ một mặt hàng nào đó, và bất cứ hình thức sáng tạo nào mà một món hàng tiêu dùng, hay một sản phẩm của văn hóa đại chúng gợi lên, đều là giả.
Thay vì nuôi dưỡng niềm vui, sự đầy đủ về vật chất của các quốc gia tư bản độc quyền đã sản sinh ra một nỗi bất mãn phủ khắp, khi mà tích lũy tài sản được đặt nặng giá trị. Trong khi chủ nghĩa tiêu dùng đã tồn tại như một giá trị ở khắp các xã hội tư bản, tại những đất nước có bất bình đẳng lớn hơn—chẳng hạn như tại Anh, cách biệt tài sản lớn hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác—ham muốn tiêu dùng và có được đã đóng góp to lớn vào sự xuất hiện những chứng loạn thần kinh. Đó là bởi nỗ lực duy trì địa vị xã hội và nỗ lực để được giống những người ở vị trí trên cùng của xã hội kéo theo căng thẳng tột độ. Tác động của điều này đã thể hiện bên trong các gia đình Anh trong những năm gần đây. Năm 2007, UNICEF đã xác định Anh là nước có chất lượng sống của trẻ em ở mức thấp nhất trong số 21 nước thịnh vượng nhất khối OECD. Năm 2011, một phân tích về các gia đình Anh đã được thực hiện, so sánh với các gia đình tại Tây Ban Nha và Thụy Điển, những quốc gia có thứ hạng nằm trong top 5.
Trong số 3 quốc gia này, văn hóa tiêu thụ ở Anh là đậm nét nhất, nó cũng vô cùng phổ biến ở tất cả các gia đình, bất kể mức sống. Cha mẹ người Anh được cho là đề cao vật chất hơn cha mẹ người Tây Ban Nha hay Thụy Điển. Họ cư xử một cách tương ứng đối với con cái. Họ mua những món đồ mẫu mới nhất, hàng hiệu, phần lớn là bởi họ cho rằng việc đó sẽ giúp khẳng định đẳng cấp của con mình trước bạn bè của con. Rất nhiều người đồng ý rằng, địa vị xã hội dựa vào sự sở hữu những món đồ hàng hiệu. Nhiều bằng chứng đã chỉ ra chính tâm lí này đã góp phần vào việc gia tăng lo âu, đặc biệt là trẻ em ở các gia đình nghèo khó hơn khi các em nhận biết được thiệt thòi của mình. Cảm giác bắt buộc phải mua sắm đồ mới liên tục cho bản thân và cho con cái có thể thấy ở cha mẹ người Anh. Tuy vậy, các phụ huynh còn trải qua căng thẳng tâm lí khi cố gắng duy trì lối sống trọng vật chất và gục ngã trước áp lực.Trong số ba quốc gia nêu trên, trẻ em xác định nhu cầu cho hạnh phúc của mình bao gồm: thời gian chất lượng có với cha mẹ và bạn bè, cơ hội được thỏa sức sáng tạo, đặc biệt trong các hoạt động ngoài trời. Tuy vậy, nghiên cứu đã chỉ ra, ở Anh, rất nhiều trẻ em không được đáp ứng những nhu cầu như thế. Cha mẹ gặp nhiều khó khăn trong việc dành đủ nhiều thời gian cho con cái vì cam kết với công việc và thường thì họ không cho con chơi ngoài trời vì lo ngại an toàn. Hệ quả là, cha mẹ đền bù bằng những món đồ, vốn dĩ không thể đáp ứng được nhu cầu của trẻ em. Bởi vậy, nhu cầu thiết lập và tham gia vào những mối quan hệ có ý nghĩa, được hoạt động sáng tạo đã bị kìm hãm. Cùng với đó, những cố gắng nhằm đáp ứng những nhu cầu ấy thông qua tiêu dùng không thể nào đem lại hạnh phúc cho các em.
Phản kháng như là Đấu tranh giai cấp
Một mặt, chúng ta không phủ nhận sự tồn tại của những nguyên nhân sinh học; mặt khác, cần nhận rõ tác động nghiêm trọng từ tổ chức xã hội mang tính cấu trúc đối với sức khỏe tâm thần của con người. Chủ nghĩa tư bản độc quyền đã vận hành theo cách ngăn cản nhiều người có được sức khỏe tâm thần tốt. Tuy vậy, bất chấp sự thật này, mô hình y khoa vẫn chiếm ưu thế và củng cố quan niệm có tính cá nhân chủ nghĩa về sức khỏe tâm thần, từ đó che đậy những tác động gây hại đến từ phương thức sản xuất hiện tại. Điều này đã đàn áp những người đang sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần bằng cách đặt họ dưới đánh giá của những người có chuyên môn y khoa. Mô hình y học cũng khuyến khích đình chỉ và giới hạn quyền công dân của các cá nhân nếu họ trải qua đau khổ tinh thần, hợp pháp hóa việc xâm phạm hành động tự nguyện và loại họ khỏi việc ra quyết định. Đối với những cá nhân đang chịu đau khổ tinh thần, cuộc sống dưới chủ nghĩa tư bản thường xuyên có các đặc điểm của sự đàn áp và phân biệt đối xử.
Nhận thức được trạng thái bị áp bức, những người từng tham gia và vượt qua được các dịch vụ sức khỏe giờ đây đang thách thức ưu thế về mặt tư tưởng của mô hình y học, cũng như việc mô hình này che khuất những tác động tâm lí của chủ nghĩa tư bản. Hơn nữa, họ đang hợp lực và đề xuất đòi hỏi sự chấp nhận dành cho mô hình xã hội về sức khỏe tâm thần mang ảnh hưởng học thuyết Marx. Mô hình mang tính xã hội về khuyết tật (disability) xác định rõ: chủ nghĩa tư bản có vai trò trong việc xây dựng phạm trù khuyết tật, được hiểu là những khiếm khuyết dẫn đến việc con người bị loại khỏi thị trường lao động.
Áp dụng quan điểm duy vật bao quát hơn, một mô hình xã hội cho sức khỏe tâm thần sẽ nhắm đến giải quyết các thiệt thòi về kinh tế, sự đàn áp, sự loại trừ chính trị, coi đây là những nguyên nhân chính gây nên bệnh về tâm thần.
Năm 2017, Ở Anh, nhóm hành động vì sức khỏe tâm thần National Survivor User Network đã khước từ mô hình y học và đặt yếu tố công bằng xã hội ở vị trí trọng tâm trong chiến dịch của họ. Một phần trong lời kêu gọi đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính xã hội cho sức khỏe tâm thần là việc lên án rõ ràng chủ nghĩa tân tự do. Lập luận ở đây là các chính sách thắt lưng buộc bụng và cắt giảm an ninh xã hội đã gây gia tăng tỉ lệ cá nhân có sức khỏe tâm thần yếu kém, đồng thời làm trầm trọng thêm những vấn đề tâm thần vốn đã phổ biến trong dân chúng. Nhận rõ bất bình đẳng xã hội là yếu tố góp phần gây hại cho sức khỏe tâm thần, nhóm hành động đề xuất rằng những thách thức đến từ những người sử dụng dịch vụ sức khỏe tâm thần phải trở thành một phần trong bản cáo trạng quy mô lớn hơn nhắm vào bất bình đẳng nói chung trong xã hội: “các biện pháp thắt lưng buộc bụng, những chính sách kinh tế nguy hại, phân biệt đối xử và bất bình đẳng mang tính cấu trúc đang gây tổn thương cho mọi người. Chúng ta cần phải thách thức điều như một phần trong một nghị trình lớn hơn vì công bằng xã hội.” Nhóm hành động Recovery in the Bin đặt chính mình và phong trào vì sức khỏe tâm thần trong khuôn khổ đấu tranh giai cấp. Nhóm thúc đẩy một mô hình xã hội chỉ rõ chủ nghĩa tư bản chính là nguyên nhân chính dẫn đến sức khỏe tâm thần suy yếu. Kindred Minds, đại diện cho nhóm thiểu số dân tộc, chạy chiến dịch vận động nhằm nêu rõ hiểu biết: đau khổ tinh thần ít khi là kết quả của những đặc điểm sinh học, mà đến nhiều hơn từ những vấn đề xã hội như phân biệt sắc tộc, giới tính và bất bình đẳng kinh tế “hiện hình trong cái áo bệnh tâm lí, tâm thần”. Đối với Kindred Minds, chất xúc tác cho sự bào mòn sức khỏe tâm thần là sự đàn áp, phân biệt đối xử, và trong bối cảnh đó, người thuộc các nhóm thiểu số dân tộc phải chịu các mức độ bất bình đẳng xã hội và kinh tế, các định kiến lớn hơn nhiều (so với người thuộc nhóm đa số).
Chủ nghĩa tư bản không bao giờ có thể mang lại những điều kiện có lợi nhất cho sức khỏe tâm thần. Sự đàn áp, bóc lột, và bất bình đẳng đã kìm hãm việc hiện thực hóa ý nghĩa của việc làm người ở mức độ lớn. Chống lại những tác động tàn nhẫn lên sức khỏe tâm thần của chủ nghĩa tư bản cần phải là trọng tâm của cuộc đấu tranh giai cấp, bởi chủ nghĩa xã hội không bao giờ chỉ là đấu tranh vì bình đẳng vật chất, mà còn là vì nhân loại và một xã hội mà ở đó tất cả nhu cầu của con người, bao gồm những nhu cầu tâm lí, đều được thỏa mãn. Tất cả thành viên trong xã hội đều đang chịu những tác động đến từ bản chất phi nhân tính của chủ nghĩa tư bản. Thế nhưng chậm rãi và đầy kiên quyết, cuộc đấu tranh đang được dẫn dắt bởi những người chịu đàn áp và bóc lột nhiều nhất. Thách thức mà họ dấy lên phải được nhìn nhận là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp rộng lớn hơn, là một mặt trận trong nhiều mặt trận chiến đấu vì công bằng xã hội, bình đẳng kinh tế, phẩm giá và sự tôn trọng.
Original: David Matthews - Capitalism and Mental Health
David Matthews là giảng viên xã hội học và chính sách xã hội tại Coleg Llandrillo, Wales, đồng thời chỉ đạo chương trình cấp bằng chăm sóc sức khỏe và công tác xã hội tại đây.
Bài dịch liên quan:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất