Dấu hỏi trong việc vua Xiêm hỗ trợ Nguyễn Ánh
Vào năm 1785, quân Tây Sơn và liên quân Xiêm-Nguyễn giao chiến tại khúc sông Rạch Gầm-Xoài Mút. Để giúp đỡ Nguyễn Ánh, vua Rama...
Vào năm 1785, quân Tây Sơn và liên quân Xiêm-Nguyễn giao chiến tại khúc sông Rạch Gầm-Xoài Mút. Để giúp đỡ Nguyễn Ánh, vua Rama I của Xiêm đã hao tổn không ít binh lực. Điều gì khiến cho vua Xiêm hỗ trợ Nguyễn Ánh, dù liên tiếp thất bại trước quân Tây Sơn?
Vấn đề cần lưu tâm đầu tiên, là quan hệ giữa vua Rama I và Nguyễn Ánh khởi đầu từ giao kết dừng chiến tại Chân Lạp năm 1782. Khi giao chiến với quân Nguyễn tại Chân Lạp, tướng Chất Tri (Chakri) của Xiêm phát hiện vợ con ông đã bị quốc vương Xiêm lúc bây giờ bắt giữ. Ông bèn giao kết dừng chiến với tướng của quân Nguyễn, thề ước là gặp hoạn nạn thì cứu nhau, rồi quay về Xiêm, sai người tìm giết quốc vương. Sau đó, ông lên ngôi thành Vua Rama I của vương triều Chakri.
Theo sử Thái và sử Việt, có 3 lần Nguyễn Ánh sang Xiêm được ghi chép lại.
Lần sang Xiêm thứ nhất chỉ được đề cập trong sử Thái, vào năm 1782. Sau khi Tây Sơn đánh Gia Định vào tháng 3, Nguyễn Ánh ra Phú Quốc lánh nạn rồi lưu lạc đến Xiêm. Ông được 2 viên quan người Xiêm mời đến Băng Cốc diện kiến vua Rama. Vua Rama đối xử với Nguyễn Ánh như quan lớn, cho nơi ở, chu cấp, và quan phục. Nguyễn Ánh được ngồi khoanh chân trước mặt vua, dù theo quy tắc thì như vậy là vô lễ.
Sau khi Châu Văn Tiếp lấy lại Gia Định, Nguyễn Ánh hồi loan.
Ít lâu sau, Gia Định lại bị Tây Sơn đánh. Vua Rama hỗ trợ Nguyễn Ánh nhưng mỗi lần đều thất bại. Lần gần chiến thắng nhất là khi quân Xiêm và quân Tây Sơn đánh hòa tại Sa Đéc, nhưng tướng Xiêm Phraya Nakhon Sawan lại trao trả tù binh và vũ khí chiếm được cho Tây Sơn mà ko rõ lý do. Biết chuyện, Vua Rama cho tử hình ông cùng 12 vị tướng dưới quyền.
Lần thứ 2 Nguyễn Ánh sang Xiêm là năm 1784. Lần này, vua Rama hỗ trợ Nguyễn Ánh với 2 vạn Thủy quân và 300 chiến thuyền. Sử Thái còn đề cập đến 1 vạn quân Xiêm theo đường Chân Lạp đánh từ phía Tây, nhưng đạo quân này bị kẹt lại tại Chân Lạp. Kết quả của lần giúp đỡ này là Châu Văn Tiếp bị đâm chết, quân Xiêm thua tan tác tại trận địa Rạch Gầm – Xoài Mút. Vua Xiêm tức giận muốn giết 2 tướng nhưng Nguyễn Ánh can lại.
Lần 3 Nguyễn Ánh sang Xiêm là năm 1785, ông xin tạm trú tại Xiêm. Lần này, Nguyễn Ánh không đáp trả lại Tây Sơn mà ở Xiêm xây dựng lực lượng. Nguyễn Ánh một người chị em gái cho vua Rama, còn giúp vua đánh quân xâm lược Miến Điện và Chà Và. Vua Xiêm lấy cớ trả ơn, tỏ ý muốn giúp Nguyễn Ánh thu phục Gia Định lần ba. Tuy nhiên, khác với hai lần trước, Nguyễn Ánh đã từ chối, bởi ông nhận được sự can gián từ tướng của mình.
Đầu năm 1787 Nguyễn Ánh nhận được đề nghị hỗ trợ từ người Bồ Đào Nha ở Goa. Điều này khiến vua Rama Đệ Nhất không hài lòng. Nguyễn Ánh đành từ chối lời đề nghị.
Vào một ngày tháng bảy, vua Xiêm bất ngờ nghe tin Nguyễn Ánh không từ mà biệt. Em trai của vua Xiêm khi vào triều kể lại, ông đã phát hiện Nguyễn Ánh và quân rời thành trên bốn chiếc thuyền đánh cá, cho quân đuổi theo nhưng không kịp.
Vào năm 1788, vua Xiêm đón tiếp đoàn sứ từ Nguyễn Ánh – lúc này đã giành lại Gia Định. Lễ vật mà đoàn sứ thần mang theo được chuẩn bị giống đồ cống mà Xiêm thường nhận từ chư hầu. Đổi lại, vua Xiêm cho Nguyễn Ánh mượn chiến thuyền và vũ khí. Sau này, khi Xiêm có nạn đói, Nguyễn Ánh gửi gạo giúp đỡ, đồng thời từ chối giúp nước Chà Và đánh Xiêm.
Đằng sau một trận chiến chỉ đề cập ngắn gọn trong sách giáo khoa là mối quan hệ đầy phức tạp giữa vua Rama I và Nguyễn Ánh. Theo bạn, lý do gì khiến Nguyễn Ánh nhận được sự giúp đỡ từ vua Xiêm?
Ghi chú:
Nguyễn Ánh (1762-1820): Vị chúa Nguyễn cuối cùng và vị hoàng đế lập ra triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Rama I hay Chất Tri (1736-1809) – vua đầu tiên của triều đại Chakri (Chất Tri) kéo dài từ Vương quốc Xiêm đến Vương quốc Thái Lan hiện nay.
Tây Sơn: Cuộc nổi dậy tại miền Trung Việt Nam hiện nay, lật đổ chúa Nguyễn và sau này trở thành triều đại Tây Sơn
Châu Văn Tiếp: tướng của Nguyễn Ánh
Chân Lạp: Vương quốc cổ, diện tích nay thuộc Cambodia, Việt Nam, Thái Lan
Miến Điện: Myanmar hiện nay
Chà Và – địa danh được đề cập trong sử Việt, tương ứng với toán cướp biển người Malay và nước Tani (Tà Ni) trong sử Thái.
Tư liệu tham khảo:
Đại Nam Thực Lục - Quốc sử quán triều Nguyễn
The Dynastic Chronicles Bangkok Era, The First Reign, Chaophraya Thiphakorawong
Dragon and Elephant-Relations Between Vietnam and Siam 1782-1847, Michael Dent Eiland
A Short History of Thailand - David K. Wyatt
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất