Dân đất liền
Cho dù ở đây một năm hay năm năm, thậm chí là hơn hai mươi năm cuộc đời. Nó cũng giống như cô, mang cái danh xưng "dân đất liền".
Chỗ này vốn là đường băng sân bay cũ, giờ trở thành con đường lớn giữa khu đất rộng rãi. Những sự kiện trọng đại, hội chợ, chợ hoa ngày tết, sân khấu ca nhạc hoành tráng đều từng tổ chức ở đây. Thậm chí, thỉnh thoảng còn có một cái đám tang. Đa số người mất đều từ nơi khác đến mưu sinh. Khi họ gặp nạn và qua đời, chủ nhà trọ phần vì chật chội, phần vì kiêng cử nên không cho làm. Thương tình, dân địa phương xin phép chính quyền, chung tay góp tiền, góp sức tổ chức một đám tang đàng hoàng cho người xấu số.
Như mọi năm, từ 25, 26 tết người ta đã rục rịch dựng rạp, dựng lều, vẽ các vạch trắng phân lô để chia từng sạp bán trái cây, hoa tết. Con đường nhựa rộng rãi ngày thường trống trơn hoang vắng, cứ đến hẹn lại trở nên nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu. Những chiếc xe tải mang biển số khắp các tỉnh thành miền Tây ồ ạt về đây liên tục không ngơi nghỉ. Cái thời điểm mà đa số mọi người trông đợi để về nhà sum họp thì cũng chính là lúc người bán hoa tết vào mùa xa nhà. Trong số họ có thanh niên trai tráng, có anh chị em họ hàng của nhau, có cả gia đình đủ mặt vợ chồng con cái...
Chợ hoa có nhiều loại, đủ mọi kích thước, dáng vẻ. Từ những loại quen tên cho đến những loại nghe tên lạ huơ lạ hoắc. Từ những chậu nhỏ xinh xinh cho đến những chậu kiểng rườm rà đắt tiền. Có loại kiểng cổ quen thuộc khắp ba miền đất nước với các thế chung như huynh đệ, tỉ muội, long giáng hay sơn thủy… Cũng có loại hình kiểng thế đặc trưng Nam bộ mà mỗi tàng, mỗi nhánh đều có quy cách riêng. Chậu mai giá trăm triệu được xích lại cẩn thận. Nó sừng sững kiêu hãnh hất mặt lên với đám loai choai mào gà, vạn thọ nhỏ nhỏ thấp lè tè. Đầu nó chúi xuống, ngực nằm trên mặt chậu, cành nhánh làm mây bao lấy chân uốn khúc trong tư thế rồng đáp xuống. Dáng điệu mềm mại uyển chuyển mà vẫn giữ cái khí phần oai phong lẫm liệt.
Xe hơi nối đuôi nhau: Toyota zace, BMW, Vinfast, Ford Everest,.... Mở cửa sau xe thường là một đôi giày cao gót với mùi nước hoa sang trọng. Tiền bạc chẳng là vấn đề, ai chơi sang thì mua tiền trăm triệu, chục triệu một gốc mai, ai chơi bèo thì tiền trăm, tiền chục ngàn một chậu hoa giấy hay vạn thọ… Mấy chiếc xe ba gác vào sẵn vị trí để chở những chậu cây đến địa chỉ cần phải đến. Tiền trao, những lời căn dặn, cuộc điện thoại,.... Có thể sắp tới đây chúng sẽ chễm chệ ở một sảnh lớn resort hay nhà hàng 5 sao, hoặc an vị trong sân căn biệt thự mới xây thuộc khu đất đền bù.
Những gia đình khá giả thường mua hoa từ rất sớm, chọn những chậu đẹp nhất, nhiều nụ nhất. Còn lại, đi chợ hoa ngày cuối cùng có hai kiểu người, một là những người ra vẻ sành sỏi, khôn ngoan chờ để mua được giá hời. Hai là những người nghèo cố mua một chút hoa cho có không khí năm mới. Giá của những chậu hoa tết sẽ không bao giờ đứng yên. Chỉ sau đêm giao thừa thôi, số phận của những chậu mai vàng, vạn thọ, mào gà, hướng dương, kim ngân, trạng nguyên, phát tài... sẽ được xác định. Và rồi người ta lại nghĩ tới tiếng thở dài của chị lao công quét rác, xót xa công lao chăm chút của nông dân làm vườn… Không phải ai mua hoa sát giờ chót cũng là người keo kiệt. Anh giáo viên trẻ chưa vào biên chế bận rộn sổ sách đến tận chiều 29, điện về hỏi thăm tía má ở quê rồi chạy lẹ ra chợ hoa, mua vội chậu cúc vàng cho thấy mùi tết. Cặp vợ chồng công nhân năm nay quyết định không về quê để dành dụm tiền vài tháng nữa đón thành viên mới. Họ tranh thủ mua cặp vạn thọ đặt trước sân trọ, để sáng mùng 1 đi ra đi vô có cái mà ngó cũng bớt cô quạnh nhớ nhà.
Một thằng nhỏ cầm xấp vé số đi qua đi lại, mời mọc từng người. Cái dáng đi lưng tôm, cặp chân mày cau lại nom nó càng giống ông cụ non. Thấy nó, cô gái đang đứng chỗ chiếc xe bán bắp luộc bèn kêu lại, mua 5 tờ. Thằng nhóc có cái mũi dọc dừa, đôi mắt to tròn đen lay láy lộ lên nét lanh lợi, dễ mến. Cô hỏi gì nó trả lời nấy. Vô cùng lễ phép. Nó rành rọt kể rằng con bán ở khu này, còn khu trong kia thì anh ba con bán. Cô hỏi nó học lớp mấy, vài giây thoáng buồn vụt nhanh trên đôi mắt thằng nhỏ như cách một cơn gió vừa lướt qua mái tóc xoăn của nó. "Dạ lẽ ra con học lớp 4". Rồi nó cúi đầu, giọng lí nhí: "Nhưng mà giờ chỉ là lớp 3 thôi. Vì học "on lai" con không có tiền để học".
Cô biết nhiều đứa giống như nó. Những đứa nhỏ có gia đình đông anh chị em, ở trong các khu trọ ngay trung tâm thị trấn. Chỗ nơi sinh trong học bạ của tụi nó sẽ là tên của một bệnh viện hay trung tâm y tế xã lạ lẫm. Hoặc là một huyện, tỉnh bất kì trải dài khắp nơi từ Bắc vào Nam. Khi tiêm vaccine, tụi nó nếu chưa đủ tuổi để làm căn cước, sẽ phải nói ba mẹ cầm giấy tạm trú đến công an phường xin mã định danh. Có khi, ba mẹ nó phải nhờ người thân ở quê cầm hộ khẩu đến công an địa phương, xin cái mã, rồi chụp hình gửi qua Zalo để nhắn mã đó cho cô chủ nhiệm. Hành trình xin cái mã định danh cũng gian nan như hành trình xa quê lập nghiệp của ba mẹ tụi nó. Có những đứa, cứ mỗi vài năm sẽ chuyển trường. Ba mẹ đi đâu là nó theo đó. Cho dù ở đây một năm hay năm năm, thậm chí là hơn hai mươi năm cuộc đời. Nó cũng giống như cô, mang cái danh xưng "dân đất liền". Đều là những kẻ xa quê không lớn lên ở nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cái câu hỏi "Chị người ở đâu?", "Anh quê đâu?" đôi khi thành câu chào xã giao làm quen thông thường giữa những người xa lạ. Người từ nơi khác đến được gọi bằng danh xưng "dân đất liền" để phân biệt với những người địa phương vốn có gốc gác ông bà ở đây. Mảnh đất rừng vàng biển bạc lúc nào cũng dang rộng vòng tay cho bất kì một người-đất-liền nào muốn ra đây sinh cơ lập nghiệp. Cuộc sống nhộn nhịp nhưng không xô bồ, trong lành nhưng không hẻo lánh. Sự đãi ngộ tuyệt vời của thiên nhiên đã hình thành nét tính cách phóng khoáng, hào sảng của con người. Họ dành tiền tổ chức đám tang cho một người xa quê không có nhà. Dành thời gian đến viếng một thanh niên đột ngột qua đời vì điện giật mà họ không quen biết. Mở cửa khách sạn cho người dân đến tá túc mà không lấy phí trong mùa lũ. Nấu những bữa ăn từ thiện giúp đỡ bà con trong khu cách li... Bất cứ ai đã sống đủ lâu chốn này đều dễ phải lòng vẻ đẹp của nó, biết mang ơn thổ thần thổ địa đã cưu mang, biết mở lòng với những số phận xa xứ, biết xót xa trước cảnh núi rừng, bãi biển hoang sơ ngày qua ngày trở thành sắt thép, bê tông.
Tạm biệt cô gái, thằng nhỏ tiếp tục cuộc mưu sinh của mình. Nó bước tiếp, ngó nghiêng xung quanh rồi bỗng chợt nhảy chân sáo lên yêu đời làm cô tưởng nó vừa tìm được một vị "đại gia" nhiệt tình mua giúp hết xấp vé số. Không đi thẳng nữa, nó tạt ngang sang một sạp trái cây. Rồi tiến thẳng về cái sọt mây sát trong góc. Cô gái chăm chú nhìn về hướng đó. Trong sọt có con bé chừng ba tuổi, người nhỏ thó, khuôn mặt lem luốc, ngồi thọt lỏm. Thằng nhóc bước đến, ngồi thụp xuống, đưa tay lên nựng khuôn mặt đứa em. Con bé nhón lên, đáp lại bằng ánh mắt ngạc nhiên, lạ lẫm. Rồi dường như hiểu được thiện chí của người anh vừa mới quen, nó nhoẻn miệng cười. Cạnh đó mấy bước, mẹ của con bé bận rộn vừa trả lời khách, vừa thoăn thoắt cho dưa vào bọc ni lông, rồi nhanh nhẹn cho tiền vào cái túi đen đeo trước bụng. Hai đứa nhỏ rù rì gì với nhau bằng một thứ ngôn ngữ có lẽ chỉ riêng mình chúng hiểu. Và cười thích chí.
Phía bãi đất bên kia là hội chợ náo nhiệt, nhạc tết xập xình. Mấy cây đèn sân khấu to lớn, rọi lên trời tạo thành từng luồng ánh sáng như những ống khói xanh đỏ tím vàng biết di chuyển trên không trung. Cô gái đứng lặng hồi lâu trước nụ cười của hai đứa trẻ. Lòng se thắt lại, chỉ biết thầm cầu mong rồi đây chúng sẽ trở thành những "dân đất liền" may mắn, nhận được sự ưu ái của mảnh đất này. Sẽ gắn bó, yêu thương nơi đây như thể quê hương thứ hai của mình. Giống như cô.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất