Nhắc đến nước Pháp, người ta nghĩ ngay đến Paris hoa lệ, thủ đô của mọi thủ đô trên thế giới. Có dịp đi dạo ở đại lộ Champs-Élyssé và ngắm khải hoàn môn (Arc de Triomphe), chắc chắn mọi người sẽ cảm nhận được sự xa hoa ở Paris. Sau đó người ta sẽ nhắc đến rượu vang, đến champagne, những thức uống làm mê hoặc những người đã có dịp thưởng thức nó. Rộng ra tí, người ta sẽ nhắc đến baguette (bánh mỳ) và các loại bánh ngọt. Nếu ai có niềm đam mê với bánh ngọt, hẳn sẽ không thể nào không biết tới cái bánh maccaron, nó ngon một cách kì diệu.
Với một người đã có gần 10 năm ở Pháp như mình, tất cả các điều trên đều đúng, nhưng chưa đủ. Có một đặc sản của nước Pháp, mà phần đa là không nhận được thiện cảm từ người nước ngoài, đó là biểu tình (la grève hoặc la manifestation trong tiếng Pháp). 


Ảnh: Internet

Người Pháp nghe họ thở thôi là đã thấy họ muốn đi biểu tình rồi!
Có một tính xấu của người Pháp là họ rất hay phàn nàn. Trời nóng họ cũng than, trời lạnh họ cũng than. Đi làm họ cũng than, đi học họ cũng than. Một khi có điều gì đó trái ý người Pháp (điều đó có thể xấu hoặc không), họ than vãn, rồi khi tập hợp đủ người như mình, họ đi biểu tình.
Theo trang web thống kê hàng đầu thế giới statista.com, nước Pháp hiện là đương kim vô địch thế giới về số ngày đi biểu tình trong năm với 114 ngày/1000 người lao động. Con số này thực sự khổng lồ so với các cường quốc kinh tế hàng đầu trên thế giới như Đức (18 ngày/1000 người) hay Mỹ (6 ngày/ 1000 người).



Nếu xem những người biểu tình ở Pháp là 1 nhóm, thì lãnh đạo của nhóm này là các công đoàn của "3 người anh em": Bưu điện (La Poste), RATP (Công ty vận tải công cộng Paris) và SNCF (công ty đường sắt quốc gia Pháp). Công đoàn của các công ty này rất đoàn kết. Chỉ cần một công đoàn trong số này phát động biểu tình, thì các công đoàn khác sẽ hưởng ứng nhiệt liệt.
Các công ty này rất ý thức được "sức mạnh" của họ trong việc đảm bảo sự vận hành ổn định của xã hội Pháp. Một khi họ biểu tình, các hệ thống giao thông công cộng như bus, metro, đường sắt, sẽ bị tê liệt hoặc vận hành rất cầm chừng. Điều này gây phiền toái rất lớn cho phần lớn dân chúng, những người đi làm hoặc học sinh, sinh viên. Bởi vậy, hầu hết trong các cuộc biểu tình, chính phủ sẽ phải xuống nước nhượng bộ, để đảm bảo an sinh xã hội.
Những quyền lợi đạt được khi biểu bình hiếm khi liên quan đến đến người nước ngoài ở Pháp, cho nên phần đông trong số họ sẽ không thích biểu tình bởi các bất cập đã kể. Bản thân mình cũng không ngoại lệ.
Trải nghiệm đáng nhớ nhất của mình đối với biểu tình ở Pháp là vào cuối năm 2019, đầu 2020, lúc mình còn ở Paris. Thời đó, chính phủ của Macron muốn cải cách chế độ lương hưu. Chế độ này có lợi cho tình hình tài chính của chính phủ nhưng động tới lợi ích của rất nhiều người lao động Pháp. Bởi vậy nên họ hò nhau đi biểu tình, mà thành viên tích cực nhất vẫn là "3 người anh em" kể trên. Cái thời biểu tình, chỉ còn 1/3 số lượng metro hoạt động. Sau 7 giờ tối là không còn hẳn cái metro hay bus nào chạy cả. Đi làm đã mệt rồi chớ, có mỗi cái niềm vui cuối tuần đi vào trung tâm Paris chơi cho khuây khỏa cũng bị cướp mất. Ôi cái cuộc đời!

Ta nói: La France, la gève.