Du học, học cho “đủ” kiến thức. 

Bạn có từng chọn lầm chưa? Tôi thì chọn lầm rất nhiều lần, nhưng không chỉ đơn giản ở việc là chọn sai một cái quần, cái áo, hay một quyển tập, cái laptop. Tôi chọn sai ngành để học, và ngành để làm việc, và chọn sai luôn cả đam mê cho mình!
Một lần nữa du học khiến tôi nhận ra, học cái gì cũng được, nhưng phải học hiểu bản thân mình trước. 
Sau một tháng tha hóa, tôi theo chân mọi người vào ngôi trường college mà hầu như ai đi du học cũng sẽ theo học. Đơn giản vì ngôi trường này đào tạo một bằng cấp 2 năm, nhanh, rẻ, và thuận tiện cho việc định cư ở lại. 
Nhưng mục đích của tôi là định cư? Thật ra cũng không phải như vậy, tôi chỉ bị xã hội và những người xung quanh kéo vào con đường này một cách đầy bất giác. Bởi bản thân vừa lạc lõng ở nơi xứ người, thiếu định hướng cho bản thân sẽ theo ngành, nghề gì, mà ai nấy cũng đều chọn con đường này, thì tôi cũng đi theo, thế thôi. Chứ lúc đó tôi cũng chẳng biết mình có muốn ở lại hay không, tôi chỉ biết là đi học trước rồi tính. 
Vậy nên, tôi mới viết bài chọn college hay university để giúp các bạn còn chưa đưa ra quyết định chọn học gì có thể tham khảo tại Ngành du học sinh. Thật ra ở Canada, dù gọi là một nước phát triển, nhưng dân số ở đây khá già, nên nhịp sống cũng trở nên bớt náo nhiệt hơn ở nhiều nơi khác. Đặc biệt là ở nơi tôi đang ở, một thành phố mạnh về dầu khí và mật độ dân số thưa thớt. Đây cũng là một sai lầm của tôi trước khi đi du học, bởi vì không hiểu rõ những gì ở nơi mà tôi sắp đến, nên những kì vọng của tôi đều theo những gì mà văn phòng dịch vụ, và những người khác bảo. Tôi mơ về một giấc mơ “nước ngoài” nhộn nhịp và đầy mới lạ. Nhưng ở đây cái gì cũng chậm, thậm chí cả việc học cũng vậy. 
Tôi không phủ nhận ở Canada chất lượng giáo dục tốt, nhưng ngoại trừ dạy tốt, giáo trình bám sát với thực tế, thì hầu như chẳng có cái gì vui như ở Việt Nam. Nếu ở Việt Nam có một cuộc sống đại học với đầy đủ những hoạt động tình nguyện và ngoại khóa, mà lũ bạn tôi cũng hay than trời là sao tụi nó phải tham gia, thì ở bên tôi hầu như không có. Cũng có vài hoạt động trong trường học, nhưng lại không được vui như ở Việt Nam.  
Ở College thì hầu như người lớn tuổi, họ chỉ quan tâm đến học xong thì về nhà, số còn lại là vì học để “định cư”. Nên chẳng ai chịu tham gia các hoạt động ngoại khóa, ít nhất là vào năm tôi học. Trường học với tôi khá chán, chẳng như những gì mà bạn bè tôi có được ở Việt Nam. Dù ai bảo ở Việt Nam học thế này thế nọ, thì tôi của năm 18 tuổi chỉ thấy BUỒN và GANH TỊ.  
Buồn vì bạn bè có thể vui chơi cùng nhau ở các hoạt động tình nguyện, tham gia các cuộc thi tài năng. 
Buồn vì bạn bè có cơ hội đi dã ngoại, đi phượt, đi tham gia các chuyến tham quan của trường ở Việt Nam, mà mình thì phải quần quật trong căn bếp nhỏ chỉ để kiếm tiền trang trải. 
Nói chung, là buồn. Đừng bảo với tôi là ở Việt Nam chỉ thể hiện thế qua mạng xã hội thôi, còn thực tế ai cũng cực, thực tế thì không có gì vui như vậy đây. Nhưng dù sao thì ai nấy cũng chỉ biết khoe kỉ niệm đẹp trên mạng xã hội, và đó là thứ duy nhất tôi thấy. Mà tôi của năm 18 tuổi thì không thể suy nghĩ nhiều hơn thế được nữa. 
Lúc đó tôi đang theo học ngành quản trị kinh doanh. Thật ra thì ngành này ai nấy ở đây cũng đều đề xuất là nên học, vì rất dễ định cư ở lại. Một chút bồng bột còn xót lại của một đứa 18 tuổi lại bảo tôi là, đừng theo họ. Nên khi chọn chuyên ngành, tôi chọn một chuyên ngành mà không có bất kỳ người Việt nào lúc đó theo học, là Marketing. 
Trong đôi mắt của một đứa trẻ 18 tuổi, tôi tưởng mình sẽ được học cách tạo một poster quảng cáo, chạy SEO, và lên ý tưởng quảng cáo, cũng như cách để làm ra một video quảng cáo xịn xò. Nhưng cũng bởi vì không tìm hiểu kĩ, tôi lại chọn sai. Ngành này hoàn toàn không như những gì tôi kì vọng. 
Mọi người ai cũng bảo học sao cũng được, ghét thì ghét, chỉ cần cố học là được hết. Nhưng cảm giác khi đi học trái ngành thật sự tệ hơn mọi người tưởng tượng. Lúc đó là lúc tôi theo con đường của những người học “đầy”. 
Điểm thì rất cao, học thì rất nhiều, nhưng lại chỉ “đầy” đầu (Full-mind), chứ chưa bao giờ học cho “mở mang” đầu óc (Open-mind). Tôi học một cách rập khuôn và không hề hiểu tôi học vì cái gì, và học hiểu những gì. 
Tôi chỉ biết học thuộc cái này thì điểm cao, học theo cách này thì thi sẽ đậu. Thời gian đầu thì ai cũng ngưỡng mộ, vì điểm số của tôi cao, mà tôi còn có thời gian để đi làm. Nhưng bản thân tôi là người rõ ràng nhất, tôi không học được gì cả. Hoàn toàn là không học được gì suốt 1 năm học chuyên ngành. 
Vì tôi không hiểu, không hiểu rõ bản chất của môn học, cũng chẳng đúc kết được bất kỳ kết quả nào từ môn mà tôi học được. Suốt 1 năm học chuyên ngành, tôi hầu như chẳng biết là mình học cái gì. Tôi lạc mất cả định hướng cho bản thân và không hiểu nổi rõ ràng tôi đã rất cố gắng để học, nhưng sao kiến thức tôi nhận được lại bằng 0. 
Từ việc chọn ngành mà không tìm hiểu kĩ, đến chạy theo con đường “điểm số” mà đa phần những người theo văn hóa châu Á đều chạy theo khiến tôi lạc lối. 
Đã có một quãng thời gian tôi tự hỏi tại sao những người bạn “Tây” trong lớp mình không hề hỏi bài mình, hoặc quan tâm đến điểm số, họ thậm chí còn chưa bao giờ gian lận trong thi cử. Tôi còn tự nhủ rằng bọn này khờ quá, không được “khôn” như dân mình. 
Nhưng sau hai năm đi làm, tôi hiểu ra lý do, và biết thật ra cái “khôn” như mình mới đang tự giết chết mình. 
Quan tâm đến điểm số chỉ khiến bản thân áp lực và tự tìm cách để đạt được số điểm như mình muốn. Nhưng bản thân lại chưa từng thật sự “học”. Còn những người khác, khi họ đã hiểu rõ ngành nghề họ chọn là gì, họ biết những kiến thức ở trường lớp đào tạo sẽ cho họ những cơ hội nào trong công việc và cách thức áp dụng như thế nào, nên họ học cho “mở mang” đầu óc, học để áp dụng, chứ không phải học vì những con số trên hệ thống.
Lần đầu tiên là chọn sai ngành, lần thứ hai là chọn sai cách học. 
Và sau hai năm, tôi tốt nghiệp. Chọn một công việc trái ngành, và làm trong mỏi mệt suốt hai năm sau đó để lấy được một tấm thẻ “định cư”. Và cũng là lúc tôi lại chọn sai lần nữa. 
Khi cầm tấm thẻ định cư trong tay, tôi lại không thật sự vui. Vì suốt 4 năm tôi bỏ ra, tôi lấy lại những thứ mà tôi không hề mong muốn. 
Mặc dù tôi vẫn luôn biết ơn những gì tôi đã có hiện tại, một tấm thẻ định cư để tôi có thể xoay tiền đi học lại, một con đường học “rẻ” hơn những gì mà bạn bè du học sinh của tôi có, và kinh nghiệm việc làm 2 năm ở chỗ mà tôi đã từng làm. 
Nhưng… lại không phải là những gì mà tôi muốn. 
Vậy nên, tôi thật sự nhận ra bản thân mình sai trầm trọng từ móc thời gian 4 năm về trước. 
Tôi bắt đầu làm lại, quay trở lại trường học ở cái tuổi 24. Tôi học được ở những người trẻ tuổi 10x về giá trị bản thân, và giá trị công việc mà mình làm. Định nghĩa bản thân là làm một công việc mà mình yêu thích, chứ không phải vì đồng tiền.
Đôi lúc những người lớn sẽ trách tôi là không tiền thì vất vả khi tôi bảo tiền không phải là tất cả. Câu này thì không hề sai, nhưng nếu không có giá trị tinh thần. Liệu chúng ta có làm được ra tiền hay không? 
Với tôi thì là không, vì bản thân đã không thích một việc gì đó, thứ chúng ta đổi lấy không phải là tiền, mà là áp lực và sự lạc lối trong những đam mê của mình trước đây. 
Tôi nhớ tôi của tuổi 18 đã từng hoài bão thế nào với ngành nghề mà mình mơ ước. Tôi thấy tôi của tuổi 18 tràn đầy năng lượng với những dự định và khao khát chứng minh bản thân. Nhưng tôi lại không thấy điều đó nữa ở tôi của tuổi 24. 
Vậy nên, tôi chọn lại. 
Tôi vẫn học tiếp ngành Marketing, nhưng với một tâm thế khác. Tôi học cho tôi, và tôi học để hiểu chứ không phải vì những con điểm trên hệ thống. 
Tôi muốn hiểu rõ bản chất của những môn mà mình học, và tôi thấy tôi học được nhiều hơn những gì tôi kì vọng. 
Tôi nhìn mọi vấn đề theo một cách khác. Dù suốt 4 tháng theo học, tôi không học được tất cả những kiến thức mà môn học đó truyền tải, nhưng ít nhất tôi rút ra được những kiến thức mới. Và điểm số đã không còn là vấn đề khiến tôi ngày đêm trăn trở, hay làm mọi giá để được số điểm tuyệt đối để làm hài lòng tất cả mọi người. 
Và tôi nhìn lại, cảm thấy bản thân đã lạc, cũng sẽ có rất nhiều người lạc như thế. Tôi nhận ra, chọn sai ngành không đáng sợ, chúng ta có thể chọn lại. Nhưng quãng thời gian học sai ngành là địa ngục, và công việc sẽ chẳng hề thuận lợi bởi vì chúng ta chưa từng có “máu lửa” để đi tìm một công việc trong ngành mà mình không thích. Mặc dù rất nhiều người cho rằng việc xã hội hiện nay đang đề cao quá mức đam mê trong công việc. Nhưng thà chúng ta đã chuẩn bị kĩ trước còn hơn là đi lầm và lạc lối, ít nhất là đừng như tôi.
Và hãy hiểu rằng, dù có chọn sai cách hiểu về bản thân không đáng sợ, dù sao chúng ta cũng có cả đời để hiểu. Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có nhiều thời gian để ở cái tuổi 40, 50 thì mới nhận ra và làm lại cuộc đời. 
Vậy nên, trước khi học bất cứ thứ gì, hãy học hiểu bản thân mình trước. Dựa theo tính cách của bản thân mà sát định khối ngành, và dựa theo khả năng để tìm hiểu thật kĩ ngành nghề để theo học. Đừng phí hoài tuổi trẻ của chúng ta vào những thứ chúng ta không thuộc về.